Một con người gắn liền với nhà thờ đá Bảo Nham

Nói đến Bảo Nham, có lẽ mọi người đều liên tưởng đến hình ảnh ngôi nhà thờ bằng đá đứngsừng sững trên một ngọn đồi thuộc xã Bảo Thành – Huyện Yên Thành – Tỉnh Nghệ An. Một ngôi nhà thờ đã trở thành biểu tượng đức tin của những người con Giáo xứ Bảo Nham thân yêu nói riêng và của Giáo phận Vinh nói chung. Nếu như người nào đã từng đến với địa danh này hẳn đã từng trầm trồ thán phục kiệt tác bằng đá có một không hai trên đất nước Việt Nam này, thậm chí được xem là ngôi nhà thờ bằng đá lớn nhất Đông Nam Á. Một kiệt tác diễn tả những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và ý chí bất khuất của các bậc tiền nhân đã từng sống chết với mảnh đất thân thương này. Tuy nhiên, trong bài viết ngắn này người viết chỉ muốn nói tới một con người, một cái tên gắn liền với sự hình thành của ngôi nhà thờ đá còn lịch sử Lèn thánh Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham quý độc giả có thể tham khảo tại trangweb http://Giaoxubaonham.com

Thường thường khi người ta chiêm ngưỡng một tác phẩm nào đó, ban đầu người ta chỉ chú ý tới những nét đẹp tinh xảo hoặc những nét độc đáo của tác phẩm, sau đó người ta mới tìm hiểu tác giả của tác phẩm đó. Như Đức Kitô đã từng dạy các môn đệ: “Xem quả thì biết cây”(Lc 6,44). Hay người Việt Nam chúng ta có câu: “Có lửa thì mới có khói”. Vì thế, khi nhìn vào ngôi nhà thờ bằng đá đồ sộ này, có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi: Ai là tác giả của ngôi nhà thờ này? Bản thân tôi cũng vậy. Sau khi tìm hiểu về lịch sử hình thành Ngôi Nhà thờ và Lèn Thánh Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham, đồng thời tham khảo một số tài liệu liên quan đến Giáo xứ Bảo Nham, tôi xin mạn phép viết lên đôi dòng về một con người đã đi vào huyền thoại, đã trở nên bất tử và gắn liền với linh địa này.chau TNTT 011

Khi bạn tới Bảo Nham, ghé thăm ngôi nhà thờ bằng đá, vào bên trong, phía gần cung thánh, sẽ nhìn thấy một ngôi mộ, phía trên bia mộ có khắc những dòng bằng tiếng Latinh như sau: “Hic jacet Adolphus Klingler, miss. apost.,qui MCC christianos in rupe Baonham obsessos a certa morte liberavit. Infideles haud paucos christo lucrifecit. Hoc quoque templum. In honorem B.V.M exs truxit. Dein laboribus morboque confectus. Annum vero LXIII agens. Pie obdormivit dno. Die XXVII janvarii A MCMXVI”. (Tạm dịch: Yên nghỉ tại đây Cha Adolphus Klingler, tông đồ thừa sai. Ngài đã giải phóng các Kitô hữu Bảo Nham bị bao vây trong ngôi lèn, cho khỏi chết. Ngài đã chiếu giãi ánh sáng Chúa Kitô cho nhiều người lương dân và dâng hiến thánh đường này cho Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Sau hết, hao mòn vì công việc và bệnh tật, ngài đã an nghỉ thánh thiện trong Chúa, thọ 63 tuổi, ngày 27 tháng 1 năm 1916).

Có lẽ giờ đây mọi người đã đoán ra tác giả của ngôi nhà thờ này là ai rồi!DSC_8851 Đó chính là Thừa sai Klingler mà tên tiếng Việt là Cố Thông. Tên đầy đủ của ngài là Adolphe Joseph Klingler, sinh ngày 04 tháng 10 năm 1853 tại Oberbruck, thuộc vùng Đông Bắc nước Pháp, Giáo phận Strasbourg (vùng Bas-Rhin). Ngài học tại Zillisheim rồi vào Đại Chủng Viện ở Strasbourg. Sau đó, ngày 16 tháng 9 năm 1876 ngài gia nhập Chủng Viện Truyền Giáo Ngoại Quốc và được thụ phong linh mục vào ngày 21 tháng 9 năm 1878. Ngày 16 tháng 10 năm đó, ngài bắt đầu cho sứ vụ truyền giáo của mình bằng cuộc hành trình đến Nam Đàng Ngoài (Nam Bắc Bộ (Vinh)) và ngài đặt chân đến nơi này vào ngày 9 tháng 1 năm 1879.

Sau một vài tháng học ngôn ngữ bản xứ, ngài đảm nhận hạt Hà Tĩnh trong bốn năm. Tới năm 1884 ngài được Đức Giám Mục Xã Đoài (Đức Cha Trị – Pineau) gọi về và giao nhiệm vụ đứng đầu chăm lo cho sứ vụ truyền giáo tại vùng này. Năm sau, ngài phải tổ chức cho các Kitô hữu tự vệ trước sự tấn công và giết hại của các nhóm có vũ trang. Những nhóm này bị mua chuộc bởi những người được gọi là “Văn Thân” và các quan lại, mà nạn nhân là 10 nhà truyền giáo và hơn 60.000 Kitô hữu. Cha Klinger, cũng như nhiều nhà truyền giáo khác đã tìm cách để cứu hàng triệu Kitô hữu trong các cuộc đụng độ với những băng nhóm này. Vụ nổi tiếng nhất là cứu giáo dân Bảo Nham: Làng xóm của giáo dân nơi đây bị đốt phá, cướp bóc và đã bị thiêu hủy, buộc giáo dân phải lánh nạn trong các hang lèn. Đây là điều làm cho cha Klingler quyết định sẽ xây dựng nhà thờ Bảo Nham tráng lệ toàn bằng đá, gọi là Nhà Thờ Đá.

Sau những biến loạn này, các giáo hữu rải rác các vùng lân cận đến đây trốn thoát cuộc thảm sát đã được quy tụ lại trong cảnh làng xóm bị phá hủy đổ nát và họ được hướng dẫn tại lớp dự tòng, một phong trào đặc biệt làm cho nhiều người gia nhập Giáo Hội. Được sự giúp đỡ của cha Louis, là em trai của ngài đến hoạt động ở Bắc Kỳ, Cha Klingler đã giao phó lại hoàn toàn sứ vụ này. Kiệt sức, ngài đã thực hiện một kỳ nghỉ ngắn tại Hồng Kông vào năm 1915, nhưng ngài đã qua đời vì sứ vụ vào ngày 27 tháng 1 năm 1916 tại Bảo Nham. Ngài được chôn cất trong “Nhà Thờ Đá”, một công trình do chính bàn tay ngài đã xây nên[1].

Khi đọc những dòng ngắn ngủi trên đây chắc có lẽ mọi người đã cảm nhận được tâm huyết của người mục tử nhân lành – một con người đã dám từ bỏ quê hương và những người thân yêu để đem ánh sáng Tin Mừng đến cho người dân Giáo Phận Vinh, đồng thời đã dám chấp nhận cùng sống chết với người dân Bảo Nham khó nghèo nhưng có đức tin kiên vững và giàu lòng nhân ái.

Như chúng ta đã biết, vào năm 1883 dưới sự bách hại tàn khốc của Văn Thân, bà con giáo dân Bảo Nham đã phải lánh nạn vào trong các hang của lèn đá, trong tình thế mười mất một còn, qua sự che chở của Mẹ Maria, cố Thông (Klingler) đã cứu được tất cả mọi người và ngài đã hứa xây dựng một ngôi nhà thờ bằng đá để dâng kính Mẹ Maria. Từ lời thề hứa đó, ngài đã dốc toàn lực để thiết kế, tìm nguồn nguyên vật liệu, tài chính cũng như những tay thợ lành nghề về đục đá để thực hiện công trình.

Thấm thoắt thoi đưa, thế là đã 5 năm trôi qua kể từ ngày Mẹ ra tay cứu giúp. Năm 1888, ngài bắt đầu khởi công xây dựng nhà thờ và tới năm 1904 mới hoàn thành. Với kiến trúc Gothic mô phỏng nhà thờ đá Lộ Đức (Lourdes) là một trung tâm hành hương nổi tiếng của nước Pháp và cũng là quê hương của ngài. Vật liệu chính để xây dựng công trình là đá vôi được lấy từ một ngọn núi ở vùng Lam Sơn – Thanh Hóa. Đá được cắt ra và vận chuyển bằng đường sông về nơi xây dựng. Các tảng đá được khéo léo ghép lại thành ngôi nhà thờ với một ngọn tháp cao chót vót và 24 ngọn tháp nhỏ bao quanh nhà thờ được khắc chạm công phu tạo thêm nét duyên dáng cho ngôi nhà thờ vốn tĩnh tại uy nghi.

Bên trong nhà thờ, những vòm liên kết các gian được ghép bằng các viên đá lớn, đẽo gọt và lắp đặt rất kỹ thuật tạo thành những vòm cuốn vững chắc nhưng không kém phần mỹ thuật. Các cửa sổ bằng gương cũng được khảm bằng những bức tranh các thánh, lung linh rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời. Tại tháp chuông có đặt ba quả chuông bằng đồng với trọng lượng 600kg, 300kg và 180kg được đúc từ Pháp, là quà tặng của em gái linh mục Adolphe Klingler. Phía trước nhà thờ là hai cổng lớn, bên trên có đặt hai tượng sư tử án ngữ trong thế đứng oai phong như thách thức với phong ba bão táp[2].

Sau khi đã dành hết tâm huyết cho tác phẩm của mình và cho giáo dân Giáo phận Vinh ngài đã an nghỉ tại đây vào ngày 26 tháng 1 năm 1916. Với 37 năm bôn ba ngược xuôi trên mảnh đất Giáo phận Vinh nghèo khó và đầy gian khổ này, ngài đã để lại cho người dân nơi đây những gia sản quý báu về tinh thần cũng như vật chất. Với tính tình đôn hậu nhưng kiên quyết bảo vệ đàn chiên của mình trước sói dữ, ngài đã trở thành nơi cho giáo dân đặt trọn niềm tin và tình quý mến.

Mặc dù ngài đã về cùng Chúa nhưng trong lòng mỗi người dân Giáo phận Vinh nói chung và Bảo Nham nói riêng vẫn khắc ghi hình ảnh của ngài: Một vị mục tử nhân lành, trọn đời sống chết cho lý tưởng, kiên quyết chống lại bất công và giữ trọn lời thề.

Tạm kết: Mặc dù nhận thấy bản thân mình còn yếu kém mọi bề về kiến thức cũng như kinh nghiệm nhưng với mong ước muốn tìm hiểu một chút về tác giả của ngôi nhà thờ đá này, người viết mạo muội viết lên đôi dòng để sẻ chia cùng tất cả mọi người. Chắc chắn những sưu tầm của người viết đang còn nhiều khiếm khuyết, mong tất cả mọi người lượng thứ và đóng góp ý kiến cũng như bổ sung thêm tài liệu để người viết có thể hoàn thành bài này một cách đầy đủ hơn.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ: P.Tranhoa@gmail.com

Phêrô Trần Cầu Hoa