Sài Thành phồn hoa đô thị xa dần xa dần, tôi được ra Thủ Đô để thăm viếng. Lần ra Thủ Đô thăm viếng này không chủ đích đến những danh lam thắng cảnh hay lăng này lăng nọ nhưng đến thăm một nơi lặng lẽ cô tịch.
Xem Hình
Tờ mờ sáng, vội vàng “khăn gói quả mướp”, tôi lên xe. Vì đi thật sớm để tránh được cái cảnh “tắt đường” diễn ra như cơm bữa ở Thủ Đô đất chật người đông như thế này. Ngồi trên chiếc xe còn khá mới nhưng khá sốc bởi lẽ xe đi ngang qua những con đường vừa mới khánh thành nhưng gắn bên mình dòng chữ “đường đang theo dõi lún”.
Sau một đoạn đường dài khá mệt, chúng tôi được đưa đến nơi cô tịch cần đến.
Hình ảnh của Đan Viện cổ kính Ninh Bình hiện dần trước mắt tôi.
Ngôi Thánh đường cổ kính – nơi các đan sĩ cử hành các giờ kinh phục vụ, các bí tích đang hiện ra trước mắt chúng tôi.
Sau cổng chính vào Đan Viện là bức tượng Chúa Giêsu lên Trời như muốn mời gọi mọi người hãy hướng lòng về trời cao dẫu đang sống trong thực tại trần gian. Cũng đúng với tâm tình trong ngôi Đan Viện này bởi lẽ đi vào Đan Viện như đi vào cõi lặng của tâm hồn – nơi mà người ta có thể gặp Chúa một cách thiết thực nhất.
Ngôi Thánh đường được xây theo hướng Đông – Tây, mặt tiền hướng về phía Đông, tác giả công trình – Cha Placiđô Trương Minh Trạch như muốn quy hướng về Đức Kitô như là Vầng Hồng xuất hiện ở phía Đông, được Thiên Chúa sai đến viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài.
Thánh đường được thiết kế theo kiểu gothique với chiều dài 64m, rộng 20 m và cao 21 m. Tháp chuông dự tính cao 60 m nhưng vì hoàn cảnh ngọn tháp này vẫn chưa đươc hoàn thành.
Tường bao quanh dày 0,6m, cỗ có cột dày 1,2m. Hai bên tường có nhiều tháp nhỏ và các gờ chỉ nối kết với nhau bằng những viên gạch đã được đúc sẵn theo hình vuông, tròn và hình thoi. Cửa sổ các tầng trên và tầng dưới được trang trí bằng bức họa hoa văn hình Thánh giá, các thánh, hình người vác Thánh giá và cầu nguyện.
Hai hàng cột vững chắc đỡ mái vòm phân chia lòng nhà thờ với hành lang hai tầng chạy vòng chung quanh, mỗi hàng 14 cột, mỗi cột dày 1,05m. Tường dày tạo sự ấm áp vào mùa Đông và sức nóng của mùa Hạ.
Cha Placiđô trình bày biểu tượng và hình ảnh như trình bày mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi khởi đi từ Chúa Giêsu Kiô là trung tâm và là đỉnh cao của mạc khải. Ngoài biểu tượng Chúa Ba Ngôi còn có biểu tượng 4 tác giả sách Tin Mừng đắp nổi ngang bàn tay. Với biểu tượng này như muốn mời gọi các đan sĩ siêng năng đọc lời Chúa và suy niệm bởi lẽ đây là một trong những yếu tố căn bản của đời đan tu.
Bên dưới bàn tay là tượng Đức Mẹ bế Chúa Con, chung quanh có nhiền thiên thần hầu cận. Theo truyền thống đan tu, các đan viện dược thiết lập để tôn kính Đức Mẹ. Thế nên, Đức Mẹ được đặt giữa bàn thờ trong Thánh đường Châu Sơn để các đan sĩ chiêm ngắm, noi gương, kêu cầu và cùng Đức Mẹ ca ngợi Thiên Chúa.
Hai bên Đức Mẹ là bốn vị thánh: Thánh Giuse là mẫu gương chiêm niệm. Thánh Biển Đức là tổ phụ của các đan sĩ. Thánh Bênađô là vị thánh nổi tiếng của dòng Xitô. Thánh Phanxicô Xaviê là mẫu gương truyền giáo của các đan sĩ.
Bàn thờ chính làm bằng đá nguyên khối mài nhẵn, điểm hoa văn. Bàn thờ dâng Lễ là phiến đá dài 2,62m, rộng 0,82m và dày 0,19m. Nhà Chầu cũng bằng đá nguyên khối. Hai bên nhà chầu có 2 dòng chữ: CARITAS ET AMOR (bác ái và yêu thương), ECCE VOBISCUM SUM OMNIBUS DIEBUS (này đây Thầy ơ cùng anh em mọi ngày). Bên dưới nhà chầu là chữ PAX (bình an).
Ngoài bàn thờ chính, trong Thánh đường còn có 11 bàn thờ khác ở tầng trên và tầng dưới.
Bên phải bàn thờ là bức phù điêu Đức Mẹ Lộ Đức, ghi nhớ ngày khấn vĩnh cư của cộng đoàn Châu Sơn, dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 8 tháng 12 năm 1937. Bên trái bàn thờ là bức phù điêu sinh nhật Đức Mẹ, ghi nhớ ngày khai sinh cộng đoàn Châu Sơn, dịp lễ sinh nhật Đức Mẹ, ngày 8 tháng 9 năm 1936.
Chung quanh Thánh đường có nhiều bức phù điêu chân dung các thiên thần. Đây là chi tiết độc đáo nhằm nói lên rằng: việc thờ phượng mà các đan sĩ thực hiện không đơn thuần là của cá nhân hay cộng đoàn, nhưng luôn được đặt trong sự hiệp thông với toàn thể thần thánh trên trời để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Quanh Thánh đường có những bức hoa văn đặt ở các khung cửa sổ hình người vác Thánh Giá và cầu nguyện diễn tả căn tính của đời đan tu: cầu nguyện liên lỷ và hân hoan hy sinh. Các bức hình này mời gọi các đan sĩ ý thức và sống sâu xa về ơn gọi chuyên biệt của mình.
Điểm khác biệt đó là trên mỗi khung cửa ra vào Thánh đường đều có ghi chữ La tinh như lời nguyện tắt, nhằm giúp các đan sĩ liên tục hướng lòng lên cùng Thiên Chúa. Phía bên ngoài cửa là những chữ về sự khát khao, ước tìm gặp Chúa: VIDEO (thấy); SITIO (khát); VOLO TECUM (muốn ở với Chúa). Phía bên trong cửa là những lời tri ân cảm tạ: MAGNIFICAT (ngợi khen); GRATIAS (cảm tạ); TE DEUM (tạ ơn); LAUS DEO (chúc tụng).
Phía sau, cách đan viện khoảng 300 m về phía Tây có hang Đức Mẹ Lộ Đức Châu Sơn. Hang ở độ cao 60m so với chân núi, rộng 16m, cao 17m, sâu 17m, chứa khoảng 250 người. Dưới chân núi là sông Nho Quan chảy vòng lượn quanh tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Bên tay phải của Thánh đường đường là công trình núi đá Đức Mẹ cũng như vườn cầu nguyện đang được xây dựng. Sau công trình núi đá là phân mở rộng của Đan Viện đang được mở rộng thêm để đón thêm đan sĩ mới.
Sau lưng nhà nguyện là nội vi của Đan Viện. Khu nội vi này được phân cách rõ ràng và nhắc nhớ cho khách đến thăm với dòng chữ “Khu nội vi – xin miễn vào”.
Cánh trái của nguyện đường là dãy nhà khá khang trang với đầy đủ các phòng ốc được trang bị cần thiết để đón các đoàn khách hành hương cũng như tĩnh tâm.
Bước vào nhà tĩnh tâm bầu khí trầm tĩnh đưa con người sống kết hợp mật thiết hơn. Một ngày ở nhà Chúa được bắt đầu từ 3 g 40 sáng và nghỉ đêm vào lúc 21 g 30. Từ sáng sớm đến chiều tối: Thánh Lễ, kinh nguyện, đọc sách thiêng liêng, học tập, lao động, ăn uống … như đưa những ai đến đây sống trọn vẹn bầu khí của đời đan tu.
Đời đan tu được dệt nên bởi đời sống tinh thần chuyên chăm cầu nguyện, lao động và hân hoan hãm mình.
Qua tìm hiểu, Đan Viện Châu Sơn được thành lập vào ngày 8 tháng 9 năm 1936. 9 g 30, mọi người tập trung về lễ đài, cha bề trên Anselmô chủ sự Thánh Lễ khai sinh cộng đoàn Châu Sơn.
Bề trên tiên khởi là Cha Tađêô Anselmô Lê Hữu Từ (1897-1967)
Bề trên tiên khởi 1936 - 1945
Cha Martinô Võ Hồng Khanh (… - 1953)
Bề trên quyền tạm 08.09.1945 – 08.12.1945
Cha Marcô Nguyễn Quang Vinh (1902-1966)
Bề trên 08.12.1945 - 1952
Cha Philipphê Trần Ngọc Năng (1893-1993)
Bề trên 1952 – 11.08.1993
Cha Giuse Hà Tâm Sự (1913-1997)
Bề trên 15.8.1993 – 17.09.1997
Cha Jean Berchmans Nguyễn Văn Thảo
Bề trên 10.06.1998 đến 10 tháng 4 năm 2013 Cha qua đời
Bề trên đương nhiệm: Cha Đaminh Saviô Nguyễn Tuấn Hào
Ngày nay, đến đan viện Châu Sơn – Ninh Bình, ta sẽ nhận thấy sự hiện diện hết sức đặc biệt của vị “ẩn sĩ” cũng hết sức đặc biệt đó là Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt – nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội. Đức Cha ẩn mình trong đan viện để sống đời chiêm niệm, gắn kết mật thiết với Chúa hơn trong đời sống cầu nguyện.
Nhờ ơn Chúa và nhờ chữ "duyên", tôi may mắn được nghe những chia sẻ của Đức Cha về những thao thức của việc Tân Phúc Âm Hóa. Đức Cha Giuse đã gợi lại những cảm thức của Giáo Hội cũng như xã hội về Thiên Chúa … Đức Cha gợi lại hình ảnh Chúa mời gọi Matthêu, Chúa gọi ông Giakêu, chúa nói chuyện với người phụ nữ tại bờ giếng Giacob, cuộc gặp gỡ giữa ông Nicôđêmô và Chúa Giêsu … Đặc biệt, Đức Cha gợi lên hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, người làm những nhịp cầu để đưa người ta đến Thiên Chúa … Đức Thánh Cha Phanxicô đang họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là cây cầu để cho người ta bước qua để đến với Thiên Chúa. Muốn là cây cầu, muốn làm nhịp cầu phải bỏ đi cái vỏ bọc của chính mình … Đức Cha đặc biệt nhấn mạnh đến tâm tình của Đức Thánh Cha khi Ngài nhận mình là người tội lỗi và Đức Cha xoáy về lòng thương xót của Chúa mà Đức Thánh Cha Phanxicô cảm nhận.
Thời gian lại qua mau, tôi lại rời bỏ ngôi đan viện cô tịch này để trở lại với đời thường, với công việc và sứ mạng của “cây cầu” như chia sẻ của Đức Cha Giuse. Ước gì tâm tình chia sẻ của Cha Giuse ở lại mãi trong tôi và nhờ ơn Chúa giúp. Và như thế tôi cũng phải cố gắng bỏ đi những vỏ bọc của mình để cho Chúa chiếm đoạt và Chúa sử dụng tôi như những nhịp cầu để đưa người khác đến với Chúa.
Những ngày qua, những trải nghiệm về ơn Chúa lại tăng thêm phần xác tín. Như ai đó ví von: Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng compa ! Giữa chợ đời đầy bon chen giành giật, vẫn có những người hiến mình cho Chúa trong đời sống đan sĩ. Những đan sĩ khắp đó đây trên đất nước hay toàn thế giới như nói rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện âm thầm với con người và luôn luôn lắng nghe lời cầu nguyện cách riêng của các đan sĩ. Giữa chợ đời người ta đi tìm quyền, danh và lợi thì có những nơi cô tịch như thế này vẫn đón chờ những tâm hồn muốn dâng hiến cho Chúa bằng đời sống chiêm niệm của đời đan sĩ. Và, một Đức nguyên Tổng Giám Mục, vì hoàn cảnh nào đó giờ đây Ngài chọn lối sống âm thầm và lặng lẽ. Chính trong lối sống âm thầm và lặng lẽ này, Đức Cha Giuse lại chia sẻ, lại chuyển tải những dòng nhựa tâm linh cho những ai đến với Ngài.
Người đời nhìn khác nhưng Thiên Chúa có cách, có lối và có hướng đi của Ngài. Chỉ những ai chìm đắm trong cô tịch, trong chiêm niệm mới đọc ra những dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn nói với con người.
Tạ ơn Chúa ! Tất cả là hồng ân.
Anmai, CSsR