10 quốc gia nguy hiểm cho Kitô hữu

Thế giới càng ngày càng có nhiều quốc gia nguy hiểm cho Kitô hữu. Hằng năm, tổ chức Open Doors (Mở Cửa), trụ sở đặt tại Hà Lan, được Brother Andrew thành lập hồi “Chiến Tranh Lạnh”. Brother Andrew là nhà truyền giáo bí mật, ông cho biết 10 quốc gia nguy hiểm nhất đối với những người theo Chúa Giêsu. Năm nay, danh sách này có gây chút ngạc nhiên.

Tử đạo ngày nay có thật. TS David Curry, trưởng tổ chức Open Doors, cho biết: “Các Kitô hữu là những người bị bách hại nhiều nhất trên thế giới. Các nước trong Danh sách Theo dõi của Thế giới (World Watch List), như Bắc Hàn, Ả-rập Saudi, Trung Đông và Bắc Phi đang nhắm vào các Kitô hữu – bỏ tù, trừng phạt và thậm chí là giết chết những người bày tỏ niềm tin Kitô giáo. Danh sách Theo dõi của Thế giới năm nay là lời kêu gọi Hoa Kỳ cần biết thêm về sự tàn bạo và sự hạn chế đối với sự tự do tôn giáo”.

Trong 12 năm liên tục, quốc gia cộng sản Bắc Hàn vẫn là nước bách hại Kitô giáo nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các nơi khác có chiều hướng gia tăng đáng kể trong việc bách hại các Kitô hữu. Trên khắp thế giới, việc bách hại dữ dội đới với các Kitô hữu ở 36 nước trong 50 nước có Hồi giáo cực đoan.

1. Bắc Hàn. Không có nơi nào trên thế giới bách hại các Kitô hữu dữ dội như ở Bắc Hàn. Các Kitô hữu phải sống khổ sở dưới chế độ đàn áp kinh khủng. Họ phải chịu đựng sự tham nhũng của các viên chức nhà nước, chính sách tồi tệ, bệnh tật và đói kém. Khổ sở nhất là họ phải che giấu niềm tin vào Đức Kitô. Ai cầm cuốn Kinh Thánh là bị bắt bớ và bị hành hạ. Ước tính có 50.000 tới 70.000 Kitô hữu sống ở các trại tập trung, nhà tù và những nơi giống như lao tù dưới chế độ độc tài Kim Jong-Un.

Nhà cầm quyền Kim Jong-Un và Đảng Lao Động của ông ta là tuyệt đối. Không ai được phép làm gì trái ý nhà nước. Bắc Hàn hiện hữu để phục vụ những người lãnh đạo ung dung sống trong giàu sáng phú quý – còn dân chúng phải đói khát. Sự nịnh hót các nhà cầm quyền khiến không còn chỗ cho bất kỳ tôn giáo nào. Các Kitô hữu phải chịu đàn áp và thường xuyên không dám bày tỏ niềm tin Kitô giáo. Giáo Hội tại Bắc Hàn phải bí mật hoạt động.

Tại Bắc Hàn, hệ thống giai cấp xã hội gọi là “Songbun”, các Kitô hữu bị coi là “thù địch” và chỉ là giai cấp phụ. Không chỉ riêng các tín hữu bị bách hại, mà cả gia đình họ cũng bị bách hại. Thân nhân của các Kitô hữu thường phải vào các trại cải tạo và lao động chính trị lâu dài. Ước tính có khoảng 70.000 Kitô hữu ở mỗi trại tập trung. Công an Bắc Hàn hành hạ dã man với bất kỳ ai theo Kitô giáo. Ai sống đức tin thì bị tử hình.

2. Somalia . Các Kitô hữu ở Somalia là những người chuyển đạo từ Hồi giáo. Việc bách hại các Kitô hữu ở Somalia tới mức cực độ. Sự cực đoan Hồi giáo và sự tham nhũng có tổ chức tại Somalia rất khó phân biệt. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo và chính quyền công khai tuyên bố rằng không có chỗ cho Kitô hữu. Nhóm khủng bố al-Shabaab có mặt ở nhiều nơi để bách hại các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Tình trạng tại Somalia vẫn là nơi rất khó sống đối với các Kitô hữu.

3. Syria. Lần đầu tiên trong lịch sử, Syria thuộc Top 10 trong Danh sách Theo dõi của Thế giới. Tình trạng của các Kitô hữu ở Syria rất tệ hại, vì Hồi giáo cực đoan chiếm ưu thế và chính quyền chuyên chế. Gần một nửa số người nổi loạn tại Syria là tín đồ Hồi giáo chiến đấu vì Thánh chiến. Xung đột ngày càng căng thẳng, bạo lực nhắm vào các Kitô hữu. Sự đối lập tại Syria là muốn “Hồi giáo hóa”. Với cuộc nội chiến, xã hội Syria bị xáo trộn nhiều. Tổ chức Open Doors đã nhận được các báo cáo về việc nhiều Kitô hữu bị bắt cóc, bị hành hạ và bị giết chết. Hồi giáo cực đoan nổi lên khiến các Kitô hữu rất cực khổ.

4. Iraq. Tình trạng của các Kitô hữu ở miền Trung và miền Nam Iraq rất tồi tệ trong năm qua, riêng miền Bắc cũng đang trở thành nơi nguy hiểm cho các Kitô hữu. Các tín đồ của các Giáo Hội truyền thống, Tân giáo và Hồi giáo gia nhập Kitô giáo đều bị kỳ thị và bị bách hại dữ dội, thậm chí là bị đày biệt xứ. Luật Sharia cấm người ta chuyển từ Hồi giáo sang các tôn giáo khác, và trong chứng minh thư có ghi rõ tôn giáo. Là thiểu số, các Kitô hữu dễ bị bắt cóc và bị bách hại.

5. Afghanistan. Tục ngữ Afghanistan có câu: “Khi nào Satan suy sụp trên thế gian thì nó sẽ suy sụp ở Kabul”. Các Kitô hữu ở Afghanistan đều chuyển đạo từ Hồi giáo. Nếu ai bị phát hiện bỏ Hồi giáo để vào Kitô giáo, người đó sẽ bị áp lực về xã hội và gia đình. Các giáo sĩ Hồi giáo là những kẻ xúi bẩy, chính quyền địa phương có thể dính líu. Ai bỏ Hồi giáo đều phạm tội bội giáo và phải sống rất khó khăn, điều mà nghị sĩ Nazir Ahmad Hanafi đã tuyên bố. Kitô giáo vẫn bị coi là đạo của Tây phương và thù địch với Hồi giáo, văn hóa và xã hội Afghanistan.

6. Ả-rập Saudi. Vương quốc kiểm soát Hồi giao là Thánh địa Mecca và Medina (nơi sinh và nơi an nghỉ của Mohammed, tiên tri của Hồi giáo). Điều này đã được xác định bởi cách hiểu thuần túy và nghiêm khắc về Hồi giáo – gọi là Wahhabism. Các tôn giáo khác không được công khai hoạt động. Đa số các Kitô hữu ở Ả-rập Saudi đều bị đày biệt xứ hoặc phải sống ở một nơi nào đó. Các công nhân Á châu và Phi châu không chỉ bị bóc lột và lãnh lương rẻ mạt, mà còn bị bạo hành về lời nói và hành động chỉ vì họ là Kitô hữu.

Họ là những người bỏ Hồi giáo để chịu âm thầm sống đức tin Kitô giáo của mình. Hiến pháp và luật pháp không có điều khoản về tự do tôn giáo. Hệ thống luật pháp dựa trên luật Sharia, ai bội giáo đều bị tử hình. Truyền giáo cho người Hồi giáo, phổ biến Kinh Thánh hoặc cá loại văn chương khác Hồi giáo đều là phi pháp.

7. Quần đảo Maldive. Chính quyền Hồi giáo tự coi mình là người bảo vệ của Hồi giáo, họ thành lập các luật cấm dân Maldive gia nhập các tôn giáo khác. Là công dân Maldive cũng là tín đồ Hồi giáo, không thể khác được. Các Kitô hữu Maldive bị bách hại đủ kiểu. Dân Maldive chỉ có thể đi qua con đường Hồi giáo. Áp lực rất mạnh, thế nên không thể có những buổi thờ phượng tại các nhà thờ hoặc nhà riêng tại Maldive. Các Kitô hữu Maldive luôn phải cảnh giác cao độ để khỏi bị phát hiện.

8. Pakistan. Các Kitô hữu luôn bị theo dõi, bị cô lập. Nhiều Kitô hữu phải rời bỏ đất nước để được tự do tôn giáo. Nhóm cực đoan đã đánh bom nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Peshawar đã làm 89 người chết. Phụ nữ và con gái dễ bị lạm dụng tình dục hoặc bị hãm hiếp. Họ thường nghèo khó, sống lệ thuộc điền chủ và đi làm thuê. Dù họ có báo với cảnh sát thì cũng vô ích, chẳng ai can thiệp. Đàn ông Hồi giáo thường lạm dụng tình dục các Kitô hữu nữ. Các tổ chức Công Giáo phi chính phủ ước tính mỗi năm có ít nhất khoảng 700 các Kitô hữu nữ bị bắt cóc và bị bắt phải theo Hồi giáo.

9. Iran. Hồi giáo là tôn giáo chính, mọi luật pháp phải phù hợp với cách hiểu của luật Sharia. Hầu hết các hoạt động của Kitô giáo đều là phi pháp, nhất là khi dùng ngôn ngữ Ba Tư. Các Kitô hữu bị chính phủ coi là mối đe dọa vì số người theo Kitô giáo ngày càng đông, đặc biệt là con cháu của các nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần đều bỏ Hồi giáo để theo Kitô giáo. Tương đối ít áp lực đối với thiểu số Kitô hữu so với Armenia và Assyria, vì họ không truyền giáo cho người Hồi giáo. Bất cứ tín đồ Hồi giáo nào bội giáo đều bị tử hình, các buổi thờ phượng đều bị cảnh sát bí mật theo dõi. Mặc dù gọi là có tự do tôn giáo, nhưng các Kitô hữu vẫn bị bỏ tù, đánh đập, quấy nhiễu và kỳ thị. Tuy nhiên, dân chúng vẫn quan tâm tìm hiểu Kitô giáo (hoặc các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo), họ càng ngày càng nhận biết mình bị ảo tưởng.

10. Yemen. Nước này thuộc khối Ả-rập, hiến pháp nước này nói rằng Hồi giáo là quốc giáo và Sharia là nguồn gốc của mọi luật pháp. Họ cấm truyền giáo. Nếu bội giáo, người đó không chỉ bị hành hạ dã man bởi chính quyền mà còn bởi gia đình và các thành phần xã hội khác. Họ không được công khai nhóm họp, thế nên họ phải bí mật nhóm họp. Ai bội giáo đối với Hồi giáo sẽ bị tử hình. Nhiều Kitô hữu phải trốn tránh trong nước hoặc trốn khỏi đất nước để được tự do sống đức tin.

(Chuyển ngữ từ beliefnet.com)