Đài BBC Đã Bị Nội Tuyến?

Phương châm mà các cơ quan truyền thông lớn và đứng đắn trên thế giới thường đề cao là: “Anonymous opinion is fundamentally dishonest” (Ý kiến nặc danh trên căn bản là không ngay thẳng). Vì thế, khi viết một bài hay một tin tức, tác giả của bài đó thường ghi tên hay bút hiệu thông dụng của mình dưới đầu đề, và cuối bài thường ghi thêm số điện thoại hay email để đọc giả nếu cần có thể trao đổi. Với diễn đàn Internet, nặc danh thường bị khinh dễ: “Anonymity on the internet is the cloak of the coward” (Nặc danh trên Internet là cái áo khoác của kẻ hèn nhát)!

Ấy thế mà hôm 4.11.2013, website của BBC tiếng Việt, một cơ quan truyền thông lớn trên thế giới, lại cho đăng một bài có đầu đề “Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm” nhưng không có tên tác giả. Chỉ đọc cái đầu đề đó thôi cũng đã có vấn đề rồi. Không có tên người viết, tức nặc danh, lại là một vấn đề nữa. Đọc xuống câu mở đầu, người đọc không khỏi giựt mình: “Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống John F. Kennedy đồng ý phải lật đổ người đương nhiệm tại Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963”. Đúng là sách của bọn “đồng hành với dân tộc” (tức với CSVN)!

Một câu hỏi được đặt ra: Làm sao nhóm chuyên dùng vọng ngữ này lại lọt được vào BBC? Chúng tôi liền viết thư gởi cho ông Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt Ngữ đài BBC xin cho biết tác giả của bài đó là ai, nhưng cho đến nay, ông Giang vẫn chưa trả lời. Cần phải hỏi ông Tony Hall, Tổng Giám Đốc (Director General) của BBC chăng?

BỊ LÒI MẶT CHUỘT

Kể từ năm 1991, khi Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và cơ quan CIA bắt đầu công bố những tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam được giải mã, các phịa sử của nhóm Phật Giáo đấu tranh như “Việt Nam máu lửa quê hương tôi” của nhóm Đỗ Mậu, “Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm” của Lê Trọng Văn, v.v. đều bị vứt vào sọt rác.

Điều đáng buồn cười là hôm 28.6.1964, khi Đại Sứ Cabot Lodge mặc áo gấm rời Việt Nam, hàng ngàn tăng ni Phật tử đã ra phi trường Tân Sơn Nhất tiễn đưa ông như “một người ân nhân của Phật giáo” với nhiều bùi ngùi và luyến tiếc. Nhưng khi các tài liệu giải mã được công bố, người ta khám phá ra Đại Sứ Cabot Lodge là người đã quất nhóm Phật giáo đấu tranh và Thích Trí Quang những đòn nặng nhất. Ngày 25.8.1966 ông đã trở lại Việt Nam, không phải để “cứu nguy Phật Giáo” mà để ra lệnh cho hai tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan thẳng tay thanh toàn phong trào Phật Giáo nổi loạn cướp chính quyền ở miền Trung!

Tài liệu được giải mã đã nói gì? Không cần phải viết nhiều, chúng tôi chỉ xin trích lại dưới đây lời của hai nhân vật cao cấp nhất, một của Hoa Kỳ và một của Việt Nam, nói về cuộc đấu tranh của Phật Giáo 1963, đọc giả cũng đã thấy quá rõ sự thật:

Dựa vào các tài liệu được giải mã, Tổng Thống Nixon viết:

“Việc cho rằng có sự đàn áp Phật Giáo là hoàn toàn bịa đặt. Ông Diệm đã cử nhiệm những viên chức cao cấp không căn cứ vào tín ngưỡng của họ. Trong 18 vị Bộ Trưởng có 5 theo Công Giáo, 5 theo Khổng Giáo, và 8 theo Phật Giáo, kể cả Phó Tổng Thống và Bộ Trưưng Ngoại Giao. Trong 38 Tỉnh Trưởng thì có 12 người theo Công Giáo, 26 người theo Phật Giáo hay Khổng Giáo. Trong 19 tướng lãnh, có 3 theo Công Giáo và 16 theo Cao Đài, Khổng Giáo hay Phật Giáo. Ông Diệm đã miễn nghĩa vụ quân sự cho các tăng sĩ Phật Giáo, trong khi người Công Giáo và các tín đồ khác phải thi hành nghĩa vụ này. Không một Phật tử nào đã bị bắt vì hành đạo và không một bằng chứng đáng tin cậy nào có thể minh chứng ông Diệm đã đàn áp Phật Giáo.”

(Richard Nixon, No More Vietnams, Arbor House, 1985, tr. 65).

Còn Quốc Trưởng Bảo Đại nói:

“Khi các sư sãi, do Mỹ và tay sai của Việt Cộng điều động, bắt đầu lao mình vào những cuộc biểu tình, thì nhà cầm quyền phải đối phó lại. Nhưng Diệm Nhu là người Công Giáo, vì vậy sự đối phó của nhà cầm quyền bị coi là mang màu sắc tôn giáo”.

(Bảo Đại, Le Dragon D'Annam, tr. 348).

CHƠI TRÒ MA TỊCH MA BÙN

Để đối phó với những sự thật lịch sử đó, nhóm Phật Giáo cực đoan hết làm công cụ cho Mỹ đến làm công cụ cho Việt Cộng, rồi lại làm công cụ cho Mỹ và đang bị tan rã ra từng mảnh, đã nghĩ ra những trò ma tịt ma bùn để chạy tội. Một trong những trò đó là đánh lừa dư luận bằng “tài liệu giải mã”, coi vọng ngữ như “con đường giải thoát”!

Như chúng tôi đã nói, người đầu tiên có sáng kiến thực hiện trò này là Vũ Ngự Chiêu. Anh ta viết bộ biên niên sử từ 1939 đến 1975 bằng nhiều tập, trong đó anh ta chỉ chọn những tài liệu nào không có lợi cho công giáo hay chế độ Ngô Đình Diệm để trích dẫn, còn các tài liệu ngược lại, anh ta bỏ đi hết. Những người không đọc hay ít đọc tài liệu lịch sử như cậu Nguyễn Khác Anh Tâm chẳng hạn, tưởng đó là sự thật. Khi chúng tôi lật tẩy, Vũ Ngự Chiêu bỏ chạy.

Người nối tiếp trò bịp của Vũ Ngự Chiêu là nhóm Giao Điểm và mới đây là Tâm Diệu, tức Nguyễn Xuân Quang của Thư Viện Hoa Sen. Bài “Phật Giáo và cuộc chính biến 1-11-1963 qua các tư liệu giải mật của Bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng & Cục Trung Ương Tình Báo Mỹ” được anh ta tung ra vào cuối thàng 10 vừa qua đã bị chúng tôi phát hiện và tố cáo trước công luận.

CÓ NỘI ỨNG TRONG BBC?

Trong thư đề ngáy 4.11.2013 gởi cho ông Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt Ngữ của đài BBC chúng tôi có lưu ý rằng trong bài “Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm” của kẻ nặc danh mà BBC đã đăng, tác giả không trích dẫn bằng chứng mà bảo độc giả bấm vào “National Security Archive Electronic Briefing Book No. 444” để xem! Tác giả cũng không hề cho biết những đoạn nào trong tài liệu đó xác định quan điểm của tác giả là đúng. Một bài như thế mà BBC dám đăng, chứng tỏ có vấn đề. Phải có một nhân viên nào đó của BBC làm nội ứng cho nhóm “đồng hành với dân tộc”, chuyện đó mới xảy ra.

Thay vì đính chính hoặc xin lỗi độc giả, ngày 5.11.2013 BBC cho phổ biến bài “Kennedy 'sai nghiêm trọng' khi lật ông Diệm”, cũng nặc danh, như để “hóa giải” sai lầm của mình. Bài này quy chiếu vào bài “50 Years Ago, the Official Beginning of a Quagmire” của Byron Williams trên Twitter. Đây là một bài tương đối khách quan hơn, nhưng chưa hoàn toàn đúng sự thật. Chúng tôi sẽ trở lại trong một nhịp khác.

BBC PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM

Luật pháp của Mỹ, Anh và các quốc gia tây phương đều quy định rằng khi cơ quan truyền thông biết một lời phát biểu là sai (knowing that it is false) hay hành động không cần biết một lời tuyên bố là đúng hay sai (acting with reckless disregard for the statement's truth or falsity) đều bị coi là có ác ý hiển nhiên (actual malice) và phải chịu trách nhiệm.

Chắc chắn nhân viên có trách nhiệm của BBC đã thấy rõ bài “Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm” là sai, nhưng muốn hỗ trợ cho kẻ lưu manh muốn đánh lừa độc giả nên đã cho đăng dưới hình thức nặc danh. Đó là một hành động có ác ý hiển nhiên (actual malice) và thiếu ngay thẳng (dishonest). Những thành phần như thế cần phải bị loại ra khỏi BBC để bảo vệ uy tín của đài.

6.11.2012

Lữ Giang