HAI LẦN ĐẾN PARIS

Cả một thời thơ ấu ê a tiếng Pháp trong trường Dòng, rồi Đại Học Văn Khoa Saigon được các thầy truyền đạt những kiến thức về Văn Học Pháp, cũng ngâm nga thơ Ronsard:

Mignonne! Allons voir si la rose

Qui ce matin déclose….

nhưng phải thú nhận là không mấy cảm xúc, không mấy thú vị, không mấy hấp thụ, bằng những lúc trốn vào thư viện cúp cua các giờ học khô khan về Latin, Toán, Lý, Hóa để ngấu nghiến đọc Tự Lực Văn Đoàn, Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán…. “Un baiser légal me vaut jamais à un baiser volé – Guy de Maupassant” (Một chiếc hôn hợp pháp không thể sánh bằng một chiếc hôn vụng trộm), một cách so sánh hơi khập khiễng, xin lỗi bạn đọc. Nhưng từ ấy vẫn giữ một ấn tượng đẹp về Paris, ấp ủ giấc mộng sang Pháp, nhất là được “bồi” thêm những vần thơ những ca khúc của các tác giả Việt nam đã từng sống ở Paris, yêu Paris và thi vị hóa trong thơ trong nhạc: “Paris có gì lạ không em? Mai anh về….” hoặc “Trời Thu Paris…. Hẹn em quán nhỏ…” Cũng như một thời các cụ nhà ta mơ về Trung Hoa, nói đến núi là phải núi Thái Sơn cơ, nói đến sông là phải sông Dương Tử, Hoàng Hà cơ, viết văn Nôm mà tràn ngập điển tích Tàu. Rồi tôi (lẩm cẩm) tìm hiểu Paris, đợi một ngày đẹp trời. Thích thú làm sao khi biết được rằng sông Seine là tên do chính Jules César đặt cho, lấy tên một Nữ Thần của Đế Quốc La Mã, Sequana. Mới biết được rằng bắc ngang sông Seine có 37 cây cầu, mà cây cầu cũ nhất lại mang tên Pont-Neuf do vua Henri IV xây năm 1604 để nối liền Cung Điện Louvres với Tu Viện Saint Germain – des – Prés. Cầu mới nhất được xây năm 2006 chỉ dành cho khách đi bộ, mang tên nữ sĩ Simone – de – Beauvoir (tôi vẫn chưa đếm xem có bao nhiêu cây cầu bắc qua Kênh Nhiêu Lộc đấy). Nhưng cây cầu đẹp nhất là Cầu Alexandre III mà dưới chân cầu là bến đỗ của các con thuyền chở khách du ngoạn trên sông Seine, bateaux-mouches. Anh bạn tôi sinh sống ở Paris gần nửa thế kỷ mà chưa hề đặt chân lên những con tàu này, nay để chiều tôi. Cũng như tôi ở Saigon, lần cuối cùng tôi vào Sở Thú là để cho các con tôi thỏa thích chập chững trên bãi cỏ, nay thì chúng đã trên 40 tuổi, tôi chưa hề tái ngộ Sở Thú. Hàng năm vào tối ngày 14/08, ngày áp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Phận Paris thuê cả chục chiếc tàu làm cuộc rước kiệu Đức Mẹ trên sông. Cuộc kiệu trên đất chung quanh Nhà Thờ Đức Bà sẽ được tổ chức hôm sau đúng ngày lễ

 

TRẦN AI THỦ TỤC GIẤY TỜ

Được “cởi trói” không còn bị Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa cấm xuất ngoại, được bạn bè 4 phương giúp đỡ, tôi tiến hành thủ tục xin sang Paris lần đầu, tháng 4/2012, sau khi đã sang Hoa Kỳ năm 2011. Năm nay 2013, tôi lại có chút việc riêng với bạn bè ở Paris, tôi sang Paris lần thứ hai. Như vậy lần đầu là cuối Đông, trời vẫn còn khá lạnh, 7 – 80 là thường. Người Pháp bảo “Mi Mai, Queue d’hiver” (Giữa Tháng Năm là cuối Mùa Đông). Năm nay lại là đầu Đông, cuối tháng 11/2013, nhiệt độ thường xuyên 4, 5 độ. Tôi vẫn cầu Trời cho nhiệt độ xuống thêm chút nữa để tôi thấy tí tuyết trắng mà xưa nay chỉ được biết qua hình ảnh. Tin thời tiết cho biết là tuyết đã rơi ở một số tỉnh miền Nam Nước Pháp. Còn tại Paris, người Paris bảo rằng phải sau Noel mới có tuyết. Ấy vậy mà hôm tôi ra về 10/12/2013, một lớp tuyết mỏng (gel) đã phủ kín những cánh đồng trên đường ra phi trường Charles de Gaulle. Ngày hôm sau, bạn bè Paris gọi điện thoại về để kiểm tra xem chuyến bay của tôi có được êm ả không, họ cho biết tuyết đang rơi nặng hạt ở Paris.

Bắt tay vào thủ tục giấy tờ, chao ôi! Trần ai, đến nỗi tôi phát khùng lên và mạnh miệng: “Cóc cần đi nữa, để tiền ở nhà nhậu thịt chó với chiến hữu”. Các Tòa Đại Sứ, Lãnh Sự Pháp cứ tưởng ai cũng như dân Phi Châu, nhập cư bất hợp pháp và ở lì. Lần đầu ở Paris của tôi năm 2012 rơi đúng mùa tranh cử tổng thống, ứng cử viên Cực Hữu Mariane Le Pen tung ra khẩu hiệu “La France aux francais” (Nước Pháp của Người Pháp) dán cùng khắp, thì các bạn Phi Châu đã dí dỏm thêm vào hàng chữ: “et à ses colonies” (và của các Cựu Thuộc Địa). Ngày 15/03/2012, tôi vào Tòa Lãnh Sự Pháp ở Saigon để kiểm tra hồ sơ, khá đầy đủ, chủ yếu là giấy bảo lãnh của người bạn tốt bụng bên Paris, còn phải gồm cả hộ khẩu, sổ đỏ chủ quyến nhà, một tài khoản tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng do bầu bạn cho mượn và sẽ được hoàn lại ngay sau khi người vô sản thứ thiệt là tôi ở Pháp về, một động tác tượng trưng mà nhà tài trợ cho tôi mượn cũng thừa hiểu, thế thời nó phải thế. Chỉ cần nhìn vào hộ khẩu là đủ biết vợ chồng con cái, vậy mà cô nhân viên còn đòi tôi lần tới mang theo giấy hôn thú của tôi, khai sinh của các con, giấy chứng nhận công việc và lương lậu của các con (tức hợp đồng lao động của chúng). Tất cả những giấy tờ này phải được dịch sang tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Tôi được hẹn trở lại ngày 20/03/2012 để được thông báo sẽ nhận Visa Schengen hay Dom. Visa Schengen cho phép đi tất cả các quốc gia Âu Châu, trừ Anh Quốc, còn Visa Dom (tôi đoán là Domestique) chỉ cho phép đi lại trong phạm vi Nước Pháp mà thôi. Ngày hôm sau, cô nhân viên gọi điện thoại về nhà tôi, nhắc lại các loại giấy tờ nêu trên, và còn thêm bản sao hộ chiếu của vợ tôi, mặc dù vợ tôi bám trụ tại Quê Nhà, tôi sang Pháp một mình, chiếc hộ chiếu của vợ tôi còn trinh bạch để giữ cho vui. Tôi vâng dạ cho phải phép mà trong bụng đã nói tiếng…. Đan Mạch. Thấy tôi khai là đã lập gia đình được 43 năm, cô nhân viên ái ngại: “….thế chú còn giữ giấy hôn thú không?”. Cũng may là tôi chỉ có hai con, chứ nếu 7, 8 đứa, mỗi đứa mỗi nơi thì việc chống gậy đi xin khai sinh của chúng trong 3 ngày phù du cũng đủ điên lên được. Người Pháp đã để lại một di sản cho Cựu Thuộc Địa Việt Nam: nền hành chánh rườm rà vô ích mà cho đến nay cả thuộc địa lẫn mẫu quốc đều còn nằm trong cái bùng nhùng này. Hay là Nước Pháp chỉ áp dụng những thủ tục nhiêu khê này đối với riêng người Việt Nam, vốn bị nhiều nghi ngờ, ngần ngại trên trường Quốc Tế. Tôi nhớ lại lời phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt tại Ủy Ban Nhân Dân TP. Hà Nội về việc những khó khăn thẹn thùng gặp phải khi cầm Hộ Chiếu Việt Nam ra nước ngoài. Ngày 19/12/2013, Hải Quan Quan Thuế Phi Trường Frankfurt, Cộng Hòa Liên Bang Đức, đã chặn bắt Đại Sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nguyễn Thế Cường, vì tình nghi ông ta mang 20.000 Euro tiền mặt mà không khai báo. Cảnh sát đưa ông Cường về đồn, tra hỏi và cáo buộc ông tội rửa tiền. Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Frankfurt can thiệp, ông Đại Sứ được thả ra sau khi đóng tiền phạt thế chân 3.500 Euro. Đại Sứ mà còn bị đối xử như vậy huống hồ phó thường dân như tôi. Tôi không lạ gì khi sáng 11/12/2013 về đến phi trường Tân Sơn Nhất, cô nhân viên hải quan hỏi tôi: “chú có mang nhiều ngoại tệ về không?”. Tôi cười rất hiền và trả lời là: “một lão già đi chơi xa, còn vài chục trong túi là may lắm rồi”. Nhớ lại chuyến đi Mỹ năm ngoái, chỉ cần một giấy bảo lãnh nghiêm túc và thuyết phục, nhân viên Tòa Lãnh Sự Mỹ không hỏi một câu, hào phóng đóng dấu lưu trú một năm. Đến phi trường Los Angeles, một hàng chữ đập vào mắt tôi: “ We are the face of our Nation” (Chúng tôi là bộ mặt của Quốc Gia chúng tôi), anh cảnh sát cửa khẩu da màu chỉ nói đúng 2 câu: “Ông có khỏe không? – Chúc ông một ngày tốt lành” rồi đóng dấu cho lưu trú 6 tháng.

Trong hồ sơ, văn phòng dịch vụ lo giất tờ cho tôi khai là tôi đã nghỉ hưu và dịch sang tiếng Pháp là “retraite”. Cô nhân viên hỏi tôi lương hưu bao nhiêu, tôi trả lời tôi là nhân viên của chế độ cũ, sau 30/04/1975, tôi được cho nghỉ việc với 3 tháng lương. Rồi tôi sống bằng nghề tự do: Dạy học, dịch sách, bán phở…..cũng như bạn bè tôi đạp xích lô, buôn bán ngoài chợ trời…. Chi vậy nhỉ? Tôi đang có một tài khoản 50 triệu đồng cơ mà. Cô thẳng tay gạch chữ “retraite” và thay vào đó là một chữ gì mà từ ngoài ghi-sê tôi nhìn không rõ. Rồi tôi sẽ mua vé khứ hồi Việt Nam – Pháp – Việt Nam cơ mà. Rồi tôi sẽ mua bảo hiểm cơ mà. Tôi được nghe kể chuyện về một du khách Mỹ đến Pháp, bị hạch sách đủ điều, ông điềm tĩnh trả lời là 50 năm trước, khi đồng đội và ông đổ bộ lên Normandie thì chả thấy anh cảnh sát Pháp nào hỏi giấy tờ cả.

Rồi thì cũng xong, tôi được cấp Visa Schengen trong 5 tuần lễ mà 2 tuần đầu tôi dành trọn vẹn cho Paris dưới sự hướng dẫn của anh bạn tốt bụng, 3 tuần lễ sau tôi lang thang Nước Pháp và Châu Âu những nơi có bạn bè lâu ngày không gặp. Nhà bạn tôi ở Boulogne – Billancourt, gần trạm Métro Jean Jaurès, thế là chúng tôi tận dụng phương tiện giao thông này để vào la cà Paris, chứ nếu dùng xe hơi riêng thì sẽ rất vất vả tìm chỗ đậu xe, nhất là những ngày có các cuộc biểu tình thường được thông báo trước qua các phương tiện truyền thông. Tôi thích đi bộ la cà để được đắm chìm trong Paris hơn là chỉ phớt qua rồi khoe rằng đã đến Paris. Được biết Paris hôm nay mới được chỉnh trang từ giữa Thế Kỷ 19 do Bá Tước Georges Eugène Hauffmann, theo lệnh của Napoleon III sau chuyến đi của Nhà Vua sang thăm Luân Đôn. Đệ Nhị Đế Chế đã tung ra một số tiền khổng lồ tương đương với 46 tỷ Euro ngày nay để Paris Trung Cổ tối tăm chật chội mang bộ mặt như hôm nay, với Đại Lộ Champs Elyseés thênh thang thẳng tắp. Việc giải tỏa những khu nhà ổ chuột đã gây ra không ít bất mãn và xầm xì rằng Paris chỉ là để dành cho giới thượng lưu giàu có.

 

Paris – ĐẠO

Biết tôi là người Công Giáo tuy có phần khô khan nguội lạnh và đôi khi có những biến tấu “trong lời nói và việc làm” xem ra như chối Chúa, chối Cha, anh bạn Paris đưa tôi lên thăm Nhà Thờ Sacré – Coeur và khu Montmartre với những con đường nhỏ hẹp lát đá chỉ dành cho đi bộ. Tôi nghe đâu đây có tiếng vó ngựa nện trên đá, dừng trước cửa Thánh Đường để các nàng kiều kiêu sa bước xuống, chiếc váy rộng xòe kín gót son nõn nà, đi bên cạnh là các công tử quần bó sát đùi, lưng đeo kiếm, ria mép kênh kiệu đưa tay cho các cô, các bà sánh bước. Ấy, tôi lại lãng mạn rồi. Mở to mắt ra mà xem, con trai con gái Paris hôm nay mặc quần Jean Levi, áo Pull, khoác chiếc blouson xậm màu và đi giầy vải Nike. Để còn phải chạy cho kịp giờ học giờ làm chứ! Để khỏi lỡ chuyến métro hoặc xe điện RER chứ! (Réseau Expresss Régional). Chúng tôi xục xạo mọi xó xỉnh của ngôi Thánh Đường thời danh này, từ tầng hầm lên đến đỉnh tháp để có thể nhìn bao quát Paris. Từ trên tháp cao nhìn xuống sân nhà thờ, các chàng trai da đen trải những tấm nylon để bày bán một vài món quà lưu niệm rẻ tiền. Trên một bệ cao, tôi thấy một bức tượng trắng toát từ đầu tới chân, ngay cả khuôn mặt cũng trát phấn trắng toát, tất cả như một bức tượng cẩm thạch. Đến khi có một đồng Euro thả vào chiếc mũ dưới chân tượng, bỗng tượng nhúc nhích mỉm cười cám ơn. Thì ra ăn tiền ở cái tài đứng bất động này. Người hảo tâm cũng đã ngắm nghía từ lâu, đến lúc tâm phục, khẩu phục mới thò tay móc túi

Ngày hôm sau, tôi lại được anh bạn Paris dẫn đi tham quan Nhà Thờ Đức Bà. Đây được coi như là Point zéro của Paris, cũng như Chợ Bến Thành của Saigon. Khách nườm nượp sắp hàng vào Nhà Thờ, hầu hết là du khách và các em học sinh được các thầy cô giáo hướng dẫn. Trên cung thánh, một đoàn hợp xướng đang trình diễn thánh ca, du khách ai muốn nghe thì ngồi lại trên những hàng ghế đầu. Tôi cũng ngồi lại, trầm ngâm nhớ về một thời trong trắng mặc áo pueri cantores (các ca viên nhi đồng) và say sưa với các bản nhạc của Haendel, Mozart, Palestrina….và cả của Hải Linh, Hoài Đức, Hoàng Diệp nữa. Đến 12g, chương trình trình diễn thánh ca chấm dứt, thánh lễ bắt đầu, ca đoàn còn đó, nhưng thính giả hầu hết thản nhiên đứng dậy tiếp tục tham quan chung quanh Nhà Thờ hoặc xuống cuối Nhà Thờ mua đồ lưu niệm.

Ngày 27/04/2012, tôi đến thăm trụ sở Hội Thừa Sai Paris (Mission Etrangère de Paris – MEP) tại số 128 Rue du Bac và được linh mục Jean Mais tiếp chuyện.

Ngài đã từng truyền giáo ở Việt Nam trước năm 1975, hiện điều hành tờ Eglises d’Asie (EDA – Các Giáo Hội Châu Á). Tôi chưa từng gặp ngài trước đây, nhưng ngài đã đọc một số bài viết của tôi, có bài ngài dịch sang tiếng Pháp, nên cha Mais đã dành cho tôi nhiều thịnh tình trong cuộc gặp gỡ lần đầu này. Sau khi chuyện vãn rất lâu trong phòng làm việc của ngài, ngài dẫn tôi đi tham quan Phòng Tử Đạo, trong đó có nhiều vị Thánh chứng nhân tại Việt Nam. Tôi đặc biệt nhớ đến Thánh Cuénot Thể, vị Giám Mục Đàng Trong cai quản Giáo Phận trải dài từ bờ Nam Sông Gianh đến Phnom Penh, mà lại từ một căn hầm ở Gò Thị, Tỉnh Bình Định trong suốt 26 năm. Từ đây, ngài còn phóng tầm nhìn lên Tây Nguyên, chỉ thị cho thầy sáu F.X. Nguyễn Do đem Tin Mừng lên vùng cao này năm 1848. Lần này sang Paris, 12/2013, tôi được Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum Micae Hoàng Đức Oanh trao cho nhiệm vụ là đến trụ sở Hội Thừa Sai Paris để tìm hiểu về những lá thư mục vụ, và cả những thư gửi cho bà con thân hữu từ Căn-Hầm-Tòa-Giám-Mục này trong suốt 26 năm gian khổ. Ở đầu làng Gò Thị là nhà của cụ trùm họ Nguyễn Kim Thông, Thánh Năm Thuông. Cứ mỗi khi quan quân triều đình kéo về làng tìm bắt đạo trưởng, cụ vội vã vào báo tin cho Đức Cha Cuénot, Đức Giám Mục xuống thuyền chèo qua đầm Thị Nại khi đó mặt nước Đầm còn vào sát Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị hôm nay. Quân lính đi khỏi làng, ngài lại quay về “Tòa Giám Mục” tiếp tục công việc của vị Chủ Chăn của một Giáo Phận mênh mông (chủ yếu bằng những lá thư mục vụ) mà hôm nay chia thành 17 Giáo Phận. Cuộc mạo hiểm của Đức Giám Mục sang Gò Bồi dâng lễ đã dẫn đến cái chết thê thảm, thân xác bị băm vằm và cho trôi sông.

Tôi kính cẩn trước vòng xiềng xích đã trói cha Thánh Jaccard Phan, người chịu tử đạo cùng với chủng sinh Tôma Thiện ở Thạch Hãn. Giáo Phận Huế đã chỉnh trang địa điểm thánh này. Sang những phòng trưng bày khác, tôi đưa máy chụp hình ảnh Hoàng Tử Cảnh, hình Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), hai vị đã cư ngụ tại trụ sở này trong chuyến đi cầu viện Nước Pháp nhân danh Chúa Nguyễn Ánh – Vua Gia Long. Chỉ tiếc một điều là không được viếng hài cốt “Cha Cả” vì trời đã về chiều, nhân viên giữ chìa khóa phòng hài cốt đã ra về.

Tôi nhớ lại hôm ấy, tình cờ tôi được chứng kiến cảnh người ta, trong cơn say chiến thắng, hì hục đào mộ Cha Cả và các Thừa Sai, phá hủy Lăng Cha Cả mà không hề biết đang đào mộ ai, nhưng những người lãnh đạo thì biết chứ. Hài cốt của Cha Cả - Đức Cha Bá Đa Lộc – Pigneau de Béhaine được đem về trụ sở MEP, nhưng ở Saigon, địa danh ấy vẫn còn tên “Lăng Cha Cả”, cho dù hôm nay không còn “Lăng” cũng không còn “Cha Cả” ở đó.

Sau cùng tôi được cha Mais dẫn tham quan khu vườn của MEP, một khu vườn của tư nhân giữa Thành Phố Paris và lớn nhất trong số các khu vườn không thuộc Nhà Nước quản lý. Hàng năm đều có một ngày MEP mở cửa cho du khách vào thăm các phòng trưng bày các tài liệu, chứng tích tử đạo và khu vườn danh tiếng này.

Cách trụ sở MEP không bao xa, số 140 Rue du Bac là trụ sở trung ương của Hội Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Tôi đến đúng lúc đang có thánh lễ do 3 linh mục đồng tế, bằng thứ tiếng gì mà tôi hoàn toàn không hiểu. Thánh lễ vừa dứt, giáo dân ùa lên bàn thờ tôn kính xác Thánh Catherine Labouré, vị Nữ Tu được Đức Mẹ hiện ra năm 1830, khi qua đời được chôn cất ở Nevers. Nhưng Chúa đã gìn giữ xác vị nữ tu thánh thiện này nguyên vẹn cho đến ngày nay, trông như chị đang say sưa giấc điệp, hồng hào xinh xắn. Chị đã cầu thay nguyện giúp cho nhiều người được những ơn lạ.

Rời nhà nguyện, tôi sang phòng bán ảnh tượng sách báo, gặp một chị nữ tu đến từ cộng đoàn Tú Xương Saigon, chúng tôi líu lo Tiếng Mẹ. Ra gần đến cổng tôi còn quay lại “làm khó” người đồng hương hiếm hoi nơi Đất Khách: “Đồng hương ơi, ở đây ảnh tượng khá nhiều, toàn những thứ phục vụ cõi trên, còn cõi trần, ví dụ một chai nước mát chẳng hạn thì….” Tôi chưa kịp nói dứt câu ma-sơ đã hiểu ngay, mở tủ trao cho tôi một chai nước suối với nụ cười thông cảm của người tu hành vốn bén nhậy với những nhu cầu của cõi nhân sinh. Xin cám ơn chị nữ tu Nữ Tử Bác Ái ở Tú Xương Saigon, cho đến bây giờ, vẫn là không tên tuổi và không chân dung.

Giữa phố xá ồn ào náo nhiệt và ……rất duy vật, lại có được một nơi thinh lặng tôn nghiêm dành cho suy niệm và cầu nguyện. Cũng như Dòng Kín ở Saigon cách đây vài ba trăm năm, cùng với Dòng Thánh Phaolô, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, vốn là khu đất hoang vu, nay lọt thỏm giữa chợ đời, Quận I của Thành Phố đấy. Nhưng ở đây, bước lên vài bậc thang không cao, khách hành hương có thể dành trọn tâm trí cho việc cầu nguyện.

Ra khỏi nơi tôn nghiêm, xuống métro, tôi lại gặp Paris đời thường. Một cô gái nét mặt thanh tú, giọng hát cao vút, thản nhiên cất tiếng hát bài Ave Maria của Shubert. Cả toa xe lắng nghe, nhưng khi vừa xong bài hát, cô mở chiếc ví nhỏ xíu lướt qua mọi người, không nhiều lắm những đồng xu đáp lại. Lên tàu điện RER để về ngoại ô, tôi thấy một bà mẹ trẻ dáng người Đông Âu địu con trước ngực và đến xin tiền từng người. Cũng như ở Saigon, có khi chính bố mẹ lái xe đưa một bầy con đến “hành hiệp” ở một khu phố nào đó, chiều lại đến gom quân. Chỉ thiếu những người phong cùi (giả hoặc thật) lết trên đường như ở Saigon. Những người ăn mày ở Paris đều khỏe mạnh, thậm chí vui tươi nhàn nhã, ngồi im ở một góc phố hoặc nói lớn tiếng trên toa xe. Ở Bruxelles, tôi gặp một bà mẹ trẻ ôm con co ro trong góc phố. Chị nói được tiếng Pháp, tôi hỏi chị biết Việt Nam ở đâu không, chị lắc đầu. Tôi tặng cháu bé 1 Euro, chị lưu ý tôi là còn chị nữa, chị xin 2 Euro.

Ở dưới chân cầu Alexandre III, hôm tôi đi du ngoạn bằng bateau – mouche trên sông Seine, có 2 chàng lãng tử râu ria xồm xoàm đang phì phèo thuốc lá, loại mặt hàng đắt tiền đến chóng mặt ở Paris. Bên cạnh 2 chàng là 2 chiếc thùng carton tổ chảng đủ cho tấm thân bồ tượng kia qua đêm. Trên một trong hai chiếc thùng carton là một cái chậu nhỏ bằng nhựa sẵn sàng đón nhận những đồng xu của khách qua đường. Anh bạn Paris của tôi bảo rằng họ không nghèo đâu, nhưng họ thích lối sống bụi bờ như thế. Không xa chỗ 2 chàng lãng tử là một chàng điên, áo quần khá tươm tất, mũ phớt nỉ lịch lãm đang say sưa diễn thuyết, không hề quan tâm rằng…… “đồng bào có nghe rõ không?”, mà chỉ đơn giản là để …….. “gió cuốn đi”.

Chẳng hề quan tâm đến dòng chảy của một Paris muôn mặt náo nhiệt, những người cao tuổi vẫn đủng đỉnh đến hẹn lại lên dự thánh lễ dành cho cộng đoàn nhỏ bé của các cụ, với một vị linh mục khó nghèo cần mẫn, mỗi tuần một, hai lần ngoài thánh lễ Chúa Nhật. Một lần được cùng các cụ lần chuỗi Mân Côi trước giờ lễ, tôi mới vỡ lẽ ra rằng Kinh Lạy Cha đã được đổi thay khá nhiều, so với kinh tôi đọc thời còn trai trẻ. Ngôi thứ hai số nhiều trang trọng (qui êtes aux cieux) đã được đổi thành ngôi thứ hai số ít thân tình cha con (qui es aux cieux). Kinh Lạy Cha hôm nay là:

Notre Père qui es aux cieux, que ton nom soit sanctifié, que ton règne vienne, que ta volonté soit faite sur la terre comme au ciel.

Donne-nous aujourd’hui notre pain de ce jour. Pardonne-nous nos offenses, comme nous pardonnons aussi à ceux qui nous ont offensés. Et ne nous soumets pas à la tentation, mais délivre-nous du Mal. Amen.

Cũng trong chiều hướng thân mật hóa lời văn, tờ Le Figaro số 21559 ra ngày 27/11/2013 đưa tin ở trang nhất: “Francois exhorte les catholiques à vivre dans la joie” (Phanxicô kêu gọi người công giáo sống trong vui tươi) bên cạnh là hình Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nói năng kiểu này người Việt Nam gọi là nói xách mé, hỗn hào. Những chữ Sa Sainteté, Saint Père đã được bỏ, nhưng khác hẳn báo lề phải ngoài Hà Nội đã có lần nói trống không “Nguyễn Văn Nhơn” mà cố tình quên đi chức vụ “Tổng Giám Mục”. Hạ nhục chơi. Tiếng Việt không thể nói năng đểu cáng, vô giáo dục “Nguyễn Văn Nhơn kêu gọi giáo dân Hà Nội….”. Phải lễ độ “Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn”, còn 2 tờ “Người Công Giáo” và “Công Giáo và Dân Tộc” cho dù không phải là tiếng nói của Giáo Hội, cũng phải kính cẩn viết “Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn”. Ngược lại trong sinh hoạt Đảng, gọi “đồng chí” Nguyễn Văn A, xỏ lá rồi đấy chứ không phải trân trọng gì đâu. Sau chữ “đồng chí” này là phê bình, là mai mỉa, thậm chí là xỉa xói.

Đôi khi cũng có những cuộc tập hợp đông đảo, như tờ tuần báo công giáo “La Vie” đưa tin trong số 3477 ra ngày 19 – 25/04/2012, rằng trong 4 ngày 18 – 21/04, đã có cuộc họp mặt tại Lộ Đức của 10.000 người trẻ của 8 Giáo Phận vùng Ile-de-France, cũng như ở Quê Nhà, Đức Giám Mục Hải Phòng Vũ Văn Thiên Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Đặc Trách Giới Trẻ tổ chức cuộc gặp gỡ cho giới trẻ thuộc 10 Giáo Phận trong Giáo Tỉnh Hà Nội. Trong một Thế Giới cô độc và khép kín, giới trẻ được mời gọi khám phá người khác. Nhiều chứng từ nói lên vai trò người Công Giáo trong xã hội dân sự hôm nay. Họ trao đổi, cầu nguyện, hát xướng. Mọi người có thể tìm lại mình với mẫu số chung là Đức Tin. Những cuộc tập họp này đã bắt đầu từ năm 1908, năm kỷ niệm lần thứ 50 Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Lần đầu tiên chỉ với khoảng 20 người trẻ, nay thì con số đã gấp 500 lần, sau 1 thế kỷ.

Nhưng rồi giới trẻ Pháp, Giáo Hội Pháp cũng bị cuốn theo dòng chảy của toàn cầu hóa, chuyện đạo nghĩa thường ngày phai lạt dần, chỉ còn giới cao tuổi kiên trì bám trụ sửa soạn cho việc ra đi về cõi sau, khiến “Trưởng nữ của Giáo Hội” đã phải thành lập “Féderation Pro Europa Christiana” (Liên đoàn các hội chuyên cầu nguyện cho nước Pháp trở lại) trụ sở đặt tại số 10 Chemin des Jaglu 28170 St Sauveur – Marvile.

Từ ngày Đức Giáo Hoàng Phanxicô lãnh sứ vụ lèo lái con thuyền Giáo Hội, người người bắt đầu đề cập đến một Giáo Hội thứ ba, do những bước đi táo bạo và thuyết phục của vị Giáo Hoàng gốc Achentina này. Giáo Hội thứ nhất do các Thánh Tông Đồ và môn đệ của các ngài thiết lập quanh vùng Địa Trung Hải và là nền móng cơ bản trong Hội Thánh của Chúa nơi trần gian. Giáo Hội thứ hai là ở Châu Âu, lúc đầu men theo vết chân của đoàn quân Đế Quốc La Mã và phát triển mạnh ở Châu lục này. Nay là Giáo Hội thứ ba, ở Châu Á, Châu Mỹ, Châu Úc mà số giáo dân không ngừng tăng, sức sống của giáo hội phát triển kết hợp với các nền văn minh phong phú của địa phương. Tất cả đều tin là “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, hãy sống trong vui mừng và hy vọng.

Paris – HỌC

Mới đầu tháng 12 mà các chương trình biểu diễn nghệ thuật cho tháng 3 năm tới lúc Xuân về đã được quảng cáo cùng khắp, đến tận những siêu thị ngoại ô như ở Ermont. Đoàn vũ ba-lê Thượng Hải sẽ biểu diễn từ ngày 13 đến 20 tháng 3 năm 2014 tại Cung Thể Thao (Palais des sports de Paris) với giá vé từ 27 đến 85 Euro. Còn tại Cung Hội Nghị (Palais des congrès de Paris) Đoàn nghệ thuật ca vũ nhạc Shen Yun mà trụ sở ở Nữu Ước sẽ trình diễn trong 2 ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 29 và 30/03/2014 với giá vé từ 45 đến 115 Euro.

Chắc chắn du khách vô sản sẽ không có cửa để tham dự các hoạt động nghệ thuật đỉnh cao này, nhưng cũng biết được rằng Paris vốn là điểm hẹn của các thể loại sinh hoạt nghệ thuật chọn lọc, của mọi khuynh hướng, của mọi quốc gia, của mọi sáng tạo, của mọi nền văn minh nhân loại. Nhiều người Mỹ (và cả những người Việt quen nếp sống Mỹ) thường chê bai Paris nói riêng, Âu Châu nói chung, là bé nhỏ, là chật chội, nhưng họ không hiểu được rằng trong cái bé nhỏ ấy là những chắt chiu gặn lọc của những thế kỷ, của các tầng văn minh mà con người nâng niu gìn giữ cho mai sau. Không xa xỉ, không phí phạm, nhưng chừng mực dù giới trẻ đang bị cám dỗ theo lối sống Mỹ.

 

Từ Boulogne-Billancourt, xuống métro ở trạm Jean Jaurès và đến ga Cluny, Quận 5 là đây, Quartier Latin, khu học thuật của Paris là đây

Buổi sáng thời tiết đỏng đảnh cuối Đông năm 2012, nắng nhẹ rồi lại mưa lất phất, chính người Paris cũng khó chịu với thời tiết mùa này. Những cánh hoa hiếm hoi bị gió thổi lìa cành, rơi xuống đất và trôi theo dòng nước mưa chảy xuống cống. Cổng trường Đại Học Sorbonne đóng kín, trang trọng, tôi đứng ngoài nhìn vào và chạnh nhớ đến triết gia Trần Đức Thảo một thời là sinh viên triết học danh tiếng ở đây, từng sánh vai với Jean Paul Sartres. Một vài sinh viên Việt Nam sau này cũng theo học ngành Triết ở đây, còn được bà quản thủ thư viện thâm niên nhắn nhủ là: “Việt Nam hả? Hãy ráng học giỏi như Trần Đức Thảo nhe.” Vị Triết gia siêu việt này mặc dù theo học trên đất Pháp nhưng lại sôi sục căm thù Thực dân Pháp, lãng mạn xách gói về chiến khu Việt Bắc, những tưởng. Nào ngờ bị cách mạng nghiền nát, bởi những tên giáo làng Bùi Chu, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị mà tầm nhìn chưa vượt khỏi lũy tre xanh, và bởi chính ngay Chủ Soái được bốc và tự bốc lên tận mây xanh, đố kỵ và ngạo mạn. Triết gia Trần Đức Thảo nhọc nhằn lê cuộc đời trong tủi nhục, mãi đến gần cuối đời mới được trở lại nước Pháp.

Tôi lại quanh quẩn sang bên trường luật để nghĩ về Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, vị luật sư tuổi trẻ tài cao xuất thân từ ngôi trường này, cứ những tưởng đem tri thức ra phục vụ nền độc lập của Đất Nước, nhưng rồi số phận cũng thê thảm do cách mạng vô sản, cần búa cần liềm hơn cần khối óc, phải ngậm ngùi tự nhận là “kẻ bị rút phép thông công” (L’excommunié)

Cạnh trường Luật là thư viện Thánh Nữ Geneviève, nơi mà các vĩ nhân Ignace de Loyola, Calvin…. đã từng lui tới tham khảo. Thánh nữ Geneviève được tôn vinh là Đấng Bảo Trợ của Thành Phố Paris và của các vua chúa thời phong kiến. Cạnh thư viện là nhà thờ dâng kính Thánh Stéphanô Tử Đạo. Những công trình kiến trúc cổ kính của Paris hầu hết là do Giáo Hội Công Giáo thực hiện nhờ vào uy tín một thời của Giáo Hội để phục vụ các nhu cầu văn hóa xã hội của quốc gia, rồi sau này theo những diễn biến của lịch sử, những công trình này được đặt dưới sự quản lý của Nhà Nước. Chỉ có các lâu đài là được giới quý tộc và vua chúa xây dựng.

Đứng ở ngã tư Saint Jacques và Soufflot, trong cơn mưa phùn, ném tầm nhìn về phía đầu đường Soufflot thấy Điện Panthéon, cuối đường là Vườn Luxembourg và xa hơn ẩn hiện Tháp Eiffel.

Tôi mua vé vào “Thánh Điện” Panthéon, giá vé 25 Euro. Ngang cửa vào, một bức phù điêu tạc hai thiếu nữ nâng một hàng chữ: Memoria-Gloria (Ký Ức Vinh Quang). Quả thật “Thánh Điện” này là ký ức vinh quang bậc nhất của nước Pháp, nơi yên nghỉ của các vĩ nhân đã cống hiến cuộc đời làm rạng danh nước Pháp: Voltaire, J.J Rousseau, Marie Curie, Jean Jaurès….nhiều bức tranh lớn vô giá như bức Lễ Rửa Tội của Clovis, bức phù điêu “La Convention Nationale 21/09/1792– 26/10/1795” diễn tả Hội Nghị Toàn Quốc chấm dứt chế độ quân chủ và bắt đầu năm thứ nhất chế độ Cộng Hòa.

Tôi trầm ngâm trước mồ và tượng Voltaire (Francois Pari Arouet 1694 – 1778), người được mệnh danh là Ông Hoàng của Trí Tuệ (Le Prince de l’ Esprit) của tư tưởng Pháp.

Một Thánh Điện nữa không kém phần quan trọng là Bảo Tàng Louvre. Vốn liếng hiểu biết về điêu khắc và hội họa rất nghèo nàn, tôi như một anh hai lúa lạc lõng vào viện bảo tàng này.

Chỉ được một nhận xét tổng quát là nhiều, rất nhiều bức tranh của Viện Bảo Tàng Louvre được lấy cảm hứng từ Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo, điều mà một người đạo gốc như tôi dễ dàng nhận thấy. Còn về giá trị nghệ thuật, nếu được hỏi, xin chịu! Cái đinh của hội họa ở đây là phòng số 6 có trưng bày bức tranh Mona Lisa. Người người dồn về đây, trầm ngâm chiêm ngưỡng và …..cấm chụp hình. Ánh sáng đèn flash có thể ảnh hưởng đến chất lượng của tranh vẽ. Ra khỏi Viện Bảo Tàng là gặp Vườn Hoa Tuileries, thả bộ dọc theo Đại Lộ Champs Élyseé tới Khải Hoàn Môn, trong gió lạnh và mưa phùn, vội tìm trạm métro để về lại Boulogne-Billancourt.

Tôi dành nhiều ngày đi thăm các di tích lịch sử ngoài trời. Cho dù giá tour cả trăm Euro, nhưng không thể không đi Normandie thăm bãi biển mà quân đồng minh đã đổ bộ để giải phóng nước Pháp và Châu Âu khỏi tay Phát xít Đức ngày 9/06/1944. Còn đây những lô cốt, những địa đạo, những khẩu cao xạ và trận địa chống trả của quân Đức.

Còn đây những vách đá cao ngất hiểm trở mà quân Đồng Minh phải vượt lên để tấn công tận hang ổ quân Phát xít. Và còn đây nghĩa trang bát ngát chôn xác quân nhân Đồng Minh và Mỹ. Có những nấm mồ với đầy đủ tên tuổi, quê quán, ngày hy sinh…… có những nấm mồ (rất nhiều) vô danh, chỉ có Chúa biết: “No But To God”.

Vào những ngày cuối năm 2013, báo chí Pháp đã loan tin về những chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 70 năm của Ngày Dài Nhất (Le jour le plus long – tên cuốn phim diễn lại trận đánh lịch sử này) mà khách mời chắc chắn sẽ có Nữ Hoàng Anh Elizabeth II và Tổng Thống Mỹ Obama, Tổng Thống Nga Vladimir Poutine và cả Thủ Tướng Đức Angela Merkel nữa. (Le Parisien, số 21529 ra ngày 27/11/2013).

Trên đường về, du khách dừng chân ở Thị Trấn Bayeux với ngôi thánh đường vĩ đại mà vắng vẻ. Dưới bóng ngôi thánh đường này là các hàng quán bán một thứ rượu đặc sản của miền này làm từ trái táo: rượu Cidre và Calvados. Trong không khí lạnh cuối Đông, tạt vào quán và nhâm nhi rượu Cidre với moules et frites (sò hấp và khoai tây chiên), kết thúc bằng một ly Calvados 40 độ cho ấm lòng chiến sĩ trước lúc lại lao mình vào gió lạnh. Cuộc đời đáng sống lắm ru!.

Ngày 8/05/2012, tôi đã sang Vương Quốc Bỉ, do lời mời của một bậc đàn anh Cựu Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế. 3 người con của anh chị đều đã yên bề gia thất và sinh sống xa Bruxelles, ngôi nhà của anh chị đã là nơi dừng chân của bầu bạn mỗi khi có dịp lưu lại Thủ đô của Vương Quốc Bỉ. Anh đích thân vào bếp và pha chế những món “độc”, giải phóng đồng hương tạm trú ở nhà anh khỏi ngán ngẩm của bánh mì, của phô ma. Anh tự tay chiên cơm, nấu canh khổ qua nhồi thịt, luộc thịt heo ăn với mắm Thái, dưa chuột và rau răm, rau húng mọc dại sau hè. Độc chiêu là món bánh bèo làm bằng bánh…. phồng tôm Sa Giang không chê vào đâu được. Anh ngâm bánh phồng tôm lúc chưa chiên vào nước lạnh trong một đêm, rồi luộc bánh trong 5 phút, cơ bản đã hình thành chiếc bánh bèo. Rồi cũng tôm khô nghiền nhuyễn, cũng hành phi, chỉ thiếu vài miếng tóp mỡ thì chiếc bánh bèo hoàn chỉnh đấy. Anh Tánh ơi, ở Quê Nhà bà con cũng chê mỡ động vật rồi. Thay cho miếng tóp mỡ là miếng bánh mì cắt nhỏ bằng đầu ngón tay chiên dòn, ngon đáo để. Anh thử xem sao.

Trên đường từ Pháp sang Bỉ khi còn cách Bruxelles 30 cây số là chiến trường Waterloo, trận đánh cuối cùng của Napoléon I, thất trận bị đày ra đảo Sainte Hélène. Waterloo bây giờ là một quận, nổi bật là Bute de Lion đúc bằng súng đạn của Napoléon, đặt trên quả đồi nhân tạo hình nón cỏ xanh mướt. Trận đánh diễn ra giữa 300 ngàn lính của 7 quốc gia Châu Âu, các ngai vàng quân chủ (Anh, Phổ, Áo, Bỉ….) hợp lại để chôn chế độ cộng hòa non trẻ, thành quả của Cách Mạng Pháp 1789. Du khách được mời xem 2 phim dựng lại trận chiến, với số người, ngựa, súng ống, tranh phục quả là vĩ đại và tốn kém. Khi tàn quân của Napoléon chỉ còn lại một số ít, co cụm lại với nhau, chung quanh là quân Đồng Minh, một vị tướng liên quân cầm cờ trắng tiến lên khỏi hàng quân dõng dạc hỏi: “Các bạn có sẵn sàng đầu hàng không?”. Trận địa im lặng như tờ. Rồi một quân nhân Pháp râu ria lởm chởm, ra khỏi hàng quân và hô lớn: “Đ.M. (Merde) Người Pháp không bao giờ biết đầu hàng nhé), vị tướng liên quân lẳng lặng cùng với binh sĩ của mình lùi ra phía sau hàng canon, và ra lệnh bắn trực xạ vào tàn quân Pháp. Hoành tráng quá, bởi đây là phim do người Pháp dựng. Vậy mà đôi khi cũng có những du khách người Anh bỏ nhỏ một câu vừa đủ nghe trong đoàn khách để chọc giận người Pháp: “Napoléon đã thua trận do một vị tướng người Anh đấy.”. Cả vùng Waterloo đều được giữ nguyên trạng đồng ruộng, nơi xảy ra trận chiến, nghiêm cấm mọi xây dựng và đập phá, kể cả ngôi nhà vốn là bản doanh cuối cùng của Napoléon.

Một số diện tích đất đai ở đây được hiến tặng cho tướng Wellington chỉ huy trưởng đạo quân Hoàng Gia Anh và của liên quân chống lại Napoléon, ngày nay hậu duệ của vị tướng người Anh này vẫn tiếp tục hưởng thụ huê lợi. Chứ không phải “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” khi cần vị tư lợi của phe nhóm thì cứ việc đem côn đồ và chó nghiệp vụ đến cưỡng chế.

Âu Châu hôm nay đã thống nhất, nhưng giữa Đức và Pháp, Pháp và Anh…. vẫn còn đó những hậm hực do qua khứ để lại. Quên được hết không? Trong thế trận toàn cầu hóa hiện nay, trong sự phát triển đến chóng mặt của đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương? Hay chỉ bằng mặt mà chẳng bằng lòng.

Bằng mặt hay bằng lòng điều đó còn tùy vào tâm tính của mỗi người, tùy vào thế hệ trẻ già hôm nay trong xã hội Pháp. Trong khi người cao tuổi lúc nào cũng chỉnh tề, Bien tenu, mũ phớt, veston, giày da thì cánh trẻ không cưỡng lại được lối sống Mỹ. Từ áo quần như đã nói trên đây đến cặp headphone dính chặt vào tai, điện thoại di động đời mới, lặng lẽ một mình trong métro hoặc ngoài phố xá. Ngôn ngữ của người trẻ cũng được thu gọn lại để đỡ mất thì giờ. Boulevard Sainte Michel (Đại Lộ Thánh Michel) được họ gọi vắn tắt là Bol Mich; professeur được gọi tắt là prof; Manifestation là Manif; quán ăn nhanh là Restovit (restaurant vite); tin nhanh được tờ Canard Enchainé chạy tít: Vite dit; và có những từ mới kiểu Mỹ: Servair (Service Air – Công ty Phục Vụ Hàng Không); Securail (Sécurité du Chemin de Fer – An Ninh Đường Sắt); Jardiland (Jardin Land – Tiệm bán dụng cụ làm vườn v…v). Tờ Canard Enchainé số 4857 ra ngày thứ tư 27/11/2013 đưa tin “La révolte des profs de prépa” prépa được hiểu là “classes préparatoires” các lớp dự bị văn khoa, khoa học và thương mại, có nghĩa là các giảng viên của các lớp này sẽ xuống đường ngày 2/12/2013 để phản đối chính sách của Nhà Nước. Cũng số báo này thậm chí còn đi xa hơn trong việc sử dụng tiếng Pháp, chạy tít lớn có “độn” cả tiếng Mỹ: “Accord low cost sur le plombier polonais” về vụ phá giá của các thợ sửa ống nước người Đông Âu: Ba Lan, Rumani, Bồ Đào Nha… chuyên thầu với giá thấp hơn thợ người Pháp. Tiền công thợ cho những công việc đòi hỏi cơ bắp này thường rất cao, khoảng 150 Euro một ngày. Tôi đi xe lửa cao tốc TGV thăm chị bạn ở Nice, thấy anh chị đang tự mình làm một con đường tráng xi măng từ cổng vào nhà. Chị cho biết giá thành của con đường này là 5 ngàn Euro, nhưng tốn kém thuần túy cho vật liệu chỉ là khoảng 700 Euro, ngoài ra là công thợ. Người thợ cũng không được hưởng trọn vẹn số tiền, họ được hưởng 50 %, còn lại là của công ty chủ quản với mọi thủ tục thuế má và bảo hiểm. Nay thì họ chấp nhận những vụ đánh du kích làm ăn lẻ, không qua công ty chủ quản mà chỉ dựa vào thỏa thuận giữa cung và cầu tức giữa chủ và thợ, sau phi vụ đầu tiên do công ty môi giới, rồi kín đáo để lại tấm carte visite với số phone để giao dịch trực tiếp khi cần. Tờ báo châm biếm rất có uy tín này chuyên phát hành vào ngày thứ tư hàng tuần, đã tồn tại 98 năm, gần một thế kỷ rồi đấy. Do đó, chuyện bỏ qua những giới từ (préposition) lỉnh kỉnh là chuyện nhỏ. Gần nhà tôi ở có tấm bảng dán tin tức của Tòa Thị Chính: Affichage Mairie, ai cũng hiểu.

Tôi có một anh bạn vàng ở Porland, Tiểu Bang Oregan (Mỹ) là bạn học với tôi ở Đại Học Văn Khoa Saigon. Vượt biên sang Mỹ anh còn cặm cụi làm thêm cái tiến sĩ về văn chương Pháp và được mời giảng dạy ở Đại Học Porland. Nhìn tập luận văn tiến sĩ văn chương Pháp của người anh em viết về Stendhal tôi ớn lạnh không chỉ vì khối lượng đồ sộ mà còn vì công phu nghiên cứu về nhà văn này trong văn học Pháp. Anh gửi cho tôi một bản tin đăng trên tờ Times số ra ngày 2/04/2012, trang 64, có 10 câu hỏi đặt cho đương kim Tổng Thống Israel: Shimon Peres, do phóng viên Belinda Luscombe về những vấn đề thời sự thế giới nóng bỏng. Câu hỏi thứ 10 là:

Q: If you could have been the leader of another country, which would you choose?

A. I like America. I like France. But if you ask me If I’d like to be a Frechman, I’m not sure.

(xin tạm dịch: Nếu ngài được mời làm lãnh đạo một quốc gia khác, ngài sẽ chọn nước nào?

- Tôi thích nước Mỹ. Tôi thích nước Pháp. Nhưng nếu được hỏi là tôi có muốn trở thành một người Pháp không, tôi không dám chắc.)

Tôi hiểu rằng đây là một lời khuyên kín đáo của anh bạn vàng trước ngày tôi sang Pháp.

 


Paris – VIỆT

Tôi dành nhiều thời giờ và vào những thời điểm khác nhau để lang thang ở Quận 13, China Town của Paris, may ra gặp được không gian Việt, tiếng Việt, người Việt, ríu rít như ở Little Saigon, ở Quận Cam, ở San José…… cũng có đấy, nhưng không sầm uất. Con phố xương sống của Phố Tàu là Ivry, các cửa tiệm đều do người Trung Hoa chiếm lĩnh, nổi bật là anh em nhà họ Tang, (Tang Frères S.A) ở số 48 Avenue Ivry.

Họ đem vào Paris từ cái tăm xỉa răng “Produit de Chine” đến bình “nước mắm cá lóc” 4,5 lít Product of Thailand, giá chỉ có 3 Euro. Cá lóc ở đâu mà nhiều và rẻ đến thế, bà con ta bảo toàn là phẩm màu và hóa chất, chỉ nên dùng nêm nếm xào nấu. Còn nếu muốn có chén nước mắm chấm ở mâm cơm, phải là nước mắm siêu hạng Phú Quốc “Hưng Thành”, một chai chỉ có 650 ml mà giá cũng 3 Euro, ngon ngây ngất. Hàng Việt Nam còn nhiều thứ làm nức lòng người Việt, trong bếp ăn của mọi gia đình: “Gạo thơm hột dài Sư Tử - Golden Lion”, “bún gạo Nàng Hương”, (Vermicelle de riz) của công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, một bịch 400g giá 1.15 Euro, “Bánh Hỏi” cũng được dịch là Vermicelle de riz của công ty Minh Nguyệt ở Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, một bịch 300g giá 1.85 Euro. Bánh phở tươi khô của Vina Acecook (Rice noodle) 500g giá 1.50 Euro, “bánh tráng tôm mè” (biscuit de crevettes et sésam), cả bao 10 cái giá chỉ 1.70 Euro. Một lon bia, một đĩa giò lụa và một tấm bánh tráng, bữa nhậu đâu có thua gì vỉa hè Saigon. Buổi sáng có thể “chơi” một gói “Phở Bò Vifon” (Vietnamese Style Instant Rice Noodle – beef flavour) của công ty cổ phần Kỹ Nghệ Thực Phẩm Việt Nam. Người Việt xa xứ dùng hàng Việt, vẫn thấy yên tâm. Xỉa răng bằng cây tăm sản phẩm Tàu do anh em nhà Tang nhập vào Paris, vẫn thấy ơn ớn làm sao ấy. Tàu nào cũng là Tàu.

Quận 13 Paris còn có phở, “Phở Hòa” còn chua thêm “Pasteur Saigon”, cũng như “Phở Tàu Bay” được chua thêm “Lý Thái Tổ Saigon”, nhưng cũng chỉ đến thế là đụng trần. Các tiệm ăn, tuy có thực đơn bằng tiếng Việt, chữ Việt trong nhà ngoài ngõ, nhưng các ông chủ là người Trung Hoa. Hình như người Việt ta không trường vốn để có thể chen chân vào những cửa tiệm cần nhiều tiền đầu tư. Tôi ghé vào một tiệm ăn tự chọn, đông nghẹt thực khách đủ quốc tịch, bỗng ông chủ đến chỗ tôi và dùng tiếng Việt: “Bác mới ở Việt Nam sang hả? Tôi cũng vừa về Saigon làm giỗ cho ông già, mồ mả các cụ còn ở Lái Thiêu mà.”. Trôi chảy, nhưng là thứ tiếng Việt lơ lớ của Chợ Lớn. Có thể lắm, đã một thời bị coi là “nạn kiều”, gom góp vốn liếng sang đây theo đường bán chính thức, họ lại tung vốn chiếm lĩnh Quận 13 này để dựng thành China Town. Nay họ đã thành đạt và vững vàng trên đất khách. Tôi được nghe kể về một vị giáo sư của Đại Học Luật Saigon, cũng thuộc loại bị “rút phép thông công” (excommunié), đành phải sang Pháp dưới sự bảo lãnh của một nhân vật trong chính trường Pháp mà trước đây là bạn học với ông ở Paris. Khi được hỏi ý kiến về những chính sách đang được áp dụng bởi chính quyền cách mạng, ông đã thẳng thắn trả lời: “Việc bắt các nhà kinh doanh và tư sản về trông dâu nuôi tằm ở Gia Lành là một hành động phi kinh tế và bất nhân”.

Tôi vào khách sạn Baron, số 76 Choisy, con phố song song với phố Ivry, từ cô tiếp tân đến chị hậu cần dọn dẹp phòng đều nói tiếng Việt như gió. Họ đều từ Chợ Lớn mà đến, dìu dắt nhau sang đây sinh sống, thoải mái hơn. Về Saigon đọc báo mới được biết tỉ phú người Hoa Lam Kok mua lại 65 ha vườn nho và lâu đài Chateau de la Rivière với dự định sẽ xây những resort và nơi thưởng thức rượu vang Pháp và trà Tàu hàng đầu trong vùng Bordeaux. Ông bị tử nạn trực thăng ngày 21/12/2013 trong lúc đi thị sát vườn nho của ông.

Không mấy người Việt có cơ ngơi ngay tại Paris, muốn có một căn nhà khang trang với vườn tược, giá cả phải chăng, phải ra ngoại ô, ở đó đất đai rộng rãi, nhà cửa rẻ. Cũng có giáo xứ Việt Nam ở Paris, số 2 Villa des Epinettes, 75017 Paris. Cũng có nhà hưu dưỡng dành cho các linh mục, tu sĩ, Maison de Retraite Marie Thérèse, được tổ chức rất chu đáo và hiện đại. Cha Nguyễn Quang Toán Dòng Chúa Cứu Thế đã từng ở nhà hưu dưỡng này, đã từng dâng lễ ở nhà nguyện các Thánh (Chapelle de tous les Saints) của nhà hưu dưỡng. Được cha Paul Trần Ngọc Anh hướng dẫn, chúng tôi vào thăm cha Trương Đình Hòe đang nghỉ hưu ở đây. Ngài là tuyên úy của sinh viên công giáo Đại Học Saigon khi tôi mới vào đại học, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.

Giới trí thức Việt Nam ở rải rác, sách nghiên cứu hiếm hoi, có lẽ phải vào các thư viện ở Paris. Tôi cũng nghe nói là thư viện Aix-en-Provence là nơi tập trung nhiều tài liệu về Việt Nam, về Đông Dương, nhưng không có dịp đến thăm quan sát. Ở nhà anh chị bạn tôi tình cờ thấy trong tủ sách của gia đình bộ “Cổ Tích Việt Nam” (3 tập) của tác giả Trần Lam Giang, người bạn Văn Khoa Saigon mà năm 2011 trong chuyến thăm Hoa Kỳ tôi đã gặp lại anh ở Sacramento, dùng cơm và chuyện trò với anh. Bộ sách được tổ chức “Thư viện Việt Nam” ấn hành năm 2012. Trong lời nói đầu tác giả viết: “Đất nước Việt Nam diện tích khiêm nhường nhưng núi sông, gấm vóc uy linh. Dân số Việt Nam ở mức trung bình nhưng sức bảo chủng sinh tồn vang động khắp cả hoàn cầu. Lịch sử Việt Nam nhiều khúc trầm ca nhưng kết cục bao giờ cũng dành được quyền tự chủ. Văn hóa Việt Nam chưa chan hòa nhân loại nhưng đã dung tam giáo (Nho, Thích, Lão). Thi thư Việt Nam bị ngọn lửa thực dân văn hóa thiêu chảy quá nhiều, nhưng tư tưởng minh triết, lời hay ý đẹp vẫn hiển hiện trong văn học dân gian. Văn học dân gian Việt Nam gồm cổ tích, tục ngữ và ca dao là một thành trì văn hóa bất khả xâm phạm. Không lửa nào có thể đốt cháy, không bom đạn nào có thể phá hủy, không bạo lực xâm lược nào có thể cướp đoạt…. tôi kể chuyện cổ tích với lòng thành”. Chỉ tiếc là sách của anh chỉ có thế hệ thứ nhất của người Việt ở nước ngoài đọc được. Sang đến thế hệ thứ hai, muốn trích dẫn điều gì liên quan đến truyện cổ Việt Nam thì lại vất vả kiếm sách viết bằng tiếng nước ngoài. Không biết Lam Giang có cho dịch tác phẩm của anh sang tiếng Pháp, tiếng Anh để giới trẻ dễ dàng tiếp cận hay không.

Bà bạn tôi có 2 cuốn sách quí thường “bị” các sinh viên Việt Nam trưng dụng để làm tài liệu tham khảo trong quá trình học tập. Bà luôn sẵn sàng trao cho bạn trẻ vì biết rằng các bạn ấy không đọc được các sách “thuần Việt” như sách của Trần Lam Giang. 2 cuốn đó là:

  1. 1. Phan Kế Bính: “Việt Nam Phong Tục” (Moeurs et coutumes du Vietnam). Paris 1980
  2. 2. Leopold Cadière: “Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens”. École Francaise d’Extrême – Orient. Paris 1957.

 

 

Ngày VỀ

Lần tạm trú thứ hai này ở Paris, tôi đã trải qua 20 ngày, lúc ở thành phố, lúc ở ngoại ô Ermont. Chuyến bay cất cánh từ phi trường Charles de Gaulle lúc 13g50 thứ ba 10/12/2013 và dự tính sẽ đáp xuống Tân Sơn Nhất lúc 7g sáng thứ tư 11/12/2013. Tôi ngồi giữa 2 người đàn bà Việt Nam và chúng tôi chuyện trò thoải mái. Một chị ở tuổi trung niên đang có ý định về sống tại quê nhà Đà Nẵng. Hiện chị đang cư ngụ tại Marseille, chị đã phải đáp máy bay Marseille – Paris, rồi Paris – Thành Phố Hồ Chí Minh, sau cùng là TP. HCM – Đà Nẵng, giữa mỗi chuyến bay chỉ là quá cảnh vài tiếng đồng hồ ngay tại sân bay. Người thứ hai là một bà mẹ trẻ ẵm cậu con trai 16 tháng tuổi, cùng đi với anh chồng người Pháp về thăm quê ngoại Bến Tre. Chị kể là đã ở Pháp từ năm lên 6 tuổi, học tập và làm việc bên Pháp, lấy chồng người Pháp, vậy mà chị nói tiếng Việt….. hết sẩy. Chị nựng con bằng tiếng Việt: “Cục cưng của mẹ….. mẹ con mình sắp được gặp bà cố nè, (bà nội của chị), ông Bảy, ông Tám, bà Mười”. Cậu con trai không hiểu mẹ nói gì, quậy tưng. Nhưng khi chị trao đổi với chồng hoặc với mấy cô tiếp viên, accent tiếng Pháp của chị không chê vào đâu được. Âm nhạc đã là cầu nối giữa 2 mẹ con: Cháu bé vỗ tay theo nhịp hát của mẹ. Chị hát cả chục bài, từ “bắc kim thang” đến “ba thương con vì con vì con giống mẹ” rồi “bé lên ba bé đi mẫu giáo”. Tôi thích thú nghe hai mẹ con song ca và hỏi chị: “Ai dậy chị những bài hát này”. Chị trả lời là chính mẹ của chị, bà ngoại của cháu bé. Tôi hỏi chị có biết hát bài “Dáng đứng Bến Tre” không, chị lắc đầu, tôi thở phào và mừng cho chị. Câu chuyện giữa những hành khách Việt Nam chúng tôi trên chuyến bay Air France sẽ tuyệt vời nếu màn hình trước mặt không làm tôi bực bội: hàng chữ bằng 2 thứ tiếng Pháp, Anh ở tận mũi Cà Mau của Tổ quốc mà lại ghi là biển Nam Trung Hoa. Về đến nhà, tôi gửi ngay mấy hàng phản kháng lên mạng Boxit chiều ngày 13/12/2013 thì 6g sáng hôm sau đã được đăng, sau đó là trang mạng của Anh Ba Sàm, và còn những trang mạng nào nữa mà tôi không được đọc

 

KHÔNG THỂ BỎ QUA

Vũ Sinh Hiên

Trên chuyến bay của Hãng Hàng Không Pháp từ Paris về TP. Hồ Chí Minh ngày 10 – 12 – 2013 vừa qua, chiếc màn hình nhỏ đặt trước mỗi hành khách vẽ lộ trình của chuyến bay để tiện bề theo dõi. Chiếc máy bay rời Tây Âu theo hướng Đông Âu, Trung Đông rồi vào không phận Châu Á, Nam Trung Hoa rồi Miến Điện Thái Lan. Cả bầu trời Đông Nam Á hiện rõ mồn một, dải đất chữ S của quê hương đẹp thần tiên bên bờ Thái Bình Dương. Một hàng chữ rất rõ nét đập vào mắt tôi ngay dưới mũi Cà Mau của Tổ Quốc dấu yêu: South China Sea (Tiếng Anh) Mer de Chine Méridionale (Tiếng Pháp) có nghĩa là Biển Nam Trung Hoa. Nam Trung Hoa nào ở đây? Hàng chữ này phải được đưa lên bên dưới đảo Hải Nam của Trung Quốc mới hợp lý. Sử sách của người Trung Hoa từ ngàn đời vẫn công nhận ranh giới của người Hán là đảo Hải Nam cơ mà. Không được tùy tiện đưa đường lưỡi bò xuống sát ranh giới phía Nam của Tổ Quốc ta. Người Tàu đã ngang ngược trên biên giới đất liền của họ với các nước láng giềng cắn răng chịu


đựng vì yếu thế. Nhưng người Tàu không được phép ngang ngược như vậy với Châu Á phía Nam, với Việt Nam, trong hiện tình Thế Giới hôm nay.

Tôi chắc rằng đã có lần Bộ Trưởng Ngoại Giao và các viên chức của Bộ đã từng đáp những chuyến bay Air France đi công tác đó đây, chẳng lẽ các vị lại không nhìn thấy hàng chữ này? Tôi không thể hiểu được Hãng Hàng Không Việt Nam vẫn thản nhiên liên doanh với Air France trong các chuyến bay TP. Hồ Chí Minh – Paris – TP. Hồ Chí Minh mà không một chút áy náy và can thiệp vào sự thiếu hiểu biết (vô tình hay hữu ý đây?) của Hãng Hàng Không Pháp.

Tôi yêu cầu hai Hãng Hàng Không Việt Nam và Pháp phải sửa sai chi tiết này ngay lập tức, vì chỗ có hàng chữ ấy trên bản đồ của Air France, là Biển Việt Nam đấy.

Vũ Sinh Hiên.

Phú Nhuận, ngày 13 – 12 – 2013

 

Càng rộn rã khi máy bay chạm đất phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi cởi mọi thứ áo lạnh trên người, nhét vào chiếc balô và sung sướng miên man nghĩ tới lúc gặp lại gia đình. Tôi vẫn thích cái cảnh chiều chiều đón con gái đi làm về, ghé qua nhà hỏi thăm bố mẹ có khỏe không, líu lo dăm ba chuyện đời rồi …. tự nhiên như người Hà Nội, múc một cạp lồng mấy món khoái khẩu mẹ nấu. Đến khuya còn nhận được cú điện thoại của cậu cháu ngoại cám ơn bà về món ăn chiều nay ngon quá. Tôi vẫn thích nghe giọng nói của con trai, con dâu qua điện thoại thăm hỏi. Thôi cũng được, chúng bận rộn với công việc, với học hành mà không thể về thăm bố mẹ thường xuyên. Miễn là chúng hạnh phúc.

Một ông bạn của tôi khi sang chơi Canada, tá túc nhà ông cậu có bà vợ là dân Canada. Một hôm bà nhờ ông bạn tôi ở nhà chơi với 2 đứa con của bà để bà cùng chồng đi coi hát. Cũng được thôi, nhưng bà lại còn thòng thêm một câu: “Mẹ cũng phải được sống cuộc sống riêng của mẹ chứ”. Ông bạn tôi ngẩn ngơ ngỡ ngàng vì đây không phải là ngôn ngữ của một bà mẹ Việt Nam. Khẩu hiệu của một bà mẹ Việt Nam là “ tất cả cho chồng con”, có khi trước cả…. “Thiên Chúa và Tổ Quốc” ấy chứ.

Trong thời gian ở Pháp, tôi đến thăm một bà bạn đã cư ngụ ở Pháp lâu năm, có chồng người Pháp, có các con tứ tán khắp nơi mà một cặp ở Thụy Sĩ sẽ đem con cái về thăm ông bà tuần lễ sau đó. Tôi nói với bà: “Sướng nhé! Tuần tới con cháu về đông, vui cửa vui nhà. Chị đáp lại ngay tức khắc: “Không dám sướng đâu, anh Hiên. Chúng về chỉ biết ăn và phá, mình phải nai lưng nấu nướng dọn dẹp, cho chúng chơi và ngủ ngày ngủ đêm”. Một bà mẹ Việt Nam ở Quê Nhà thì không vậy, bà sẽ coi đây là dịp cho con nghỉ ngơi, quên đi những tất bật của ngày thường. Bà sẽ nấu những món mà con gái ưa thích khi còn ở nhà với mẹ. Bà sẽ dành giờ chơi với các cháu cho bõ những ngày xa cách.

Tôi nhà quê quá! Sau hai lần đến Paris mà vẫn …… quê một cục.

Phú Nhuận, Tháng Chạp Năm Quý Tỵ

Tháng Giêng Năm 2014

Vũ Sinh Hiên