Từ chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến chống Việt Nam Cộng Hòa!

Cách đây 50 năm, Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm đã bị thảm sát bởi chính âm mưu của người Mỹ vì vị Tổng thống đã quyết bảo vệ chủ quyền đất nước trong công cuộc chống Cộng cho miền Nam có thể tự vệ và sống còn trước ‘chiến tranh nhân dân giải phóng’ của Cộng Sản Quốc Tế mà Hà Nội được uỷ nhiệm thi hành. Với một khoảng thời gian lâu dài như thế, thiết nghĩ người VN. có cái nhìn bình tĩnh hơn để đánh giá lại vai trò của TT.NĐD. nhờ vào những tài liệu mật đã được Mỹ giải mã và nhờ đó một thế hệ học giả hay sử gia Mỹ có quan điểm đánh giá lại một giai đoạn lịch sử bị bóp méo hay xuyên tạc vì nhu cầu chiến tranh và quyền lợi phe phái.

Nếu ở thời điểm này, người VN. vẫn còn đầy lòng tham sân si không nguôi đố kỵ, nên mãi tranh cãi nhau dai dẳng đến nay mà không chịu nhận ra được lỗi lầm của mình thì người Âu Mỹ đã xét lại một giai đoạn lịch sử trong đó có phần lỗi lầm của họ. Không nhận ra lỗi lầm của mình còn có nghĩa là chưa nhận ra thân phận nhược tiểu của VN. trên bàn cờ chính trị thế giới bị chi phối do quyền lợi của 2 phe tư bản và cộng sản. Chẳng những không nhận ra lỗi lầm của mình mà còn cố tình bỏ sót lỗi lầm của thế lực nước ngoài để chỉ chĩa mũi dùi bôi nhọ một cách bất công nhà khai sáng nền Cộng Hòa đầu tiên của đất nước VN., cố TT. Ngô Đình Diệm.

Chính bộ ba nhân vật kể sau đã chủ mưu đảo chính và giết chết TT.NĐD.: Averell W.Harriman,Roger Hilsman và Michael V. Forrestal (1).Lúc đầu, ít người nghe theo kế hoạch lật đổ của bộ ba này nhưng họ đã vận động được thêm một số nhân vật trong chính phủ Kennedy ngả theo mưu đồ khuynh đảo nói trên rồi thảo điện tín số 243, gửi đi ngày 24-8-1963 trong đó chỉ thị cho đại sứ Mỹ Cabot Lodge phải tổ chức đảo chính với lý do mà TT. Lyndon B.Johnson đã nói toạc ra một phần “They started on me with Diem. He was corrupt and he ought to be killed. So we killed him. We all got together and got a goddam bunches of thugs and assassinated him. Now, we’ve really had no political stability (in South-VN) ” (2).

Cùng một kịch bản ngụy tạo chứng cứ của cuộc chiến đánh Iraq sau này, Mỹ cũng đã “chính nghĩa hóa” việc can dự vào miền Nam bằng cách xử dụng ít người trong giới khoa bảng, nhất là đám ký giả Mỹ trẻ tuổi qua hành nghề ở VNCH. (theo ký giả Frank W.Snepp) (3) để họ bôi nhọ hầu hạ thấp uy tín TT. NĐD. và tố cáo chế độ là độc tài, gia đình trị và đàn áp Phật giáo. Điệp viên-ký giả Phạm Xuân Ẩn đã hoạt động cùng thời. Điển hình như Neil Sheehan : “Gia đình của ông Diệm đã áp đặt lên miền Nam VN. một tầng lớp cai trị mới gồm những người Công giáo miền Bắc và miền Trung quê hương của họ... Ông Diệm đã đưa người miền Bắc và miền Trung mà gia đình ông tin cậy vào chỉ huy quân đội, bộ máy chính quyền và cảnh sát”. Đây thực sự là một sự thiếu hiểu biết của người nước ngoài đối với tình hình chính trị cụ thể của miền Nam. Ông ta đã phóng đại, có ít xít ra nhiều, thậm chí cố ý vu cáo. Thật vậy, hầu hết những người cộng tác với ông Diệm đều là Phật tử, từ những công chức phụ tá trong dinh TT. như đổng lý văn phòng, tuỳ viên quân sự v.v. cho đến hàng bộ & thứ trưởng, tướng lãnh tư lệnh các quân binh chủng và 4 vùng chiến thuật. Thành viên Quốc Hội cũng vậy (4).

Dù ở đâu cũng phải theo nguyên tắc cai trị là chính phủ cần phải có những thành phần trung thành với nhà lãnh đạo.Chính phủ của đảng Dân chủ Mỹ không thể bổ nhiệm đảng viên đảng Cộng Hoà vào trong chính phủ của đảng mình và ngược lại. Thế nhưng ở giai đoạn ban đầu của VNCH, TT. NĐD. vẫn đáp ứng nhu cầu đoàn kết quốc dân nên có nhiều người đủ mọi tôn giáo và đảng phái hợp tác với ông trong mọi lãnh vực.

Xin kể một vài trường hợp để chứng minh. Ông Trần Văn Hương làm đô trưởng Sài Gòn ngày 27-10-1954 nhưng sau đó xảy ra cuộc đụng độ giữa chính phủ NĐD. và Bình Xuyên, ông từ chức ngày 07-4-1955. Những người được gọi là nhóm Caravelle (sau này) từng được mời tham gia chính phủ như Trần Văn Đỗ, Huỳnh Kim Hữu, Nguyễn Lưu Viên. Giáo phái Hoà Hảo như Trần Văn Soái giữ chức Quốc vụ khanh, Ủy viên Quốc phòng. Huỳnh Văn Nhiệm, bộ trưởng Nội Vụ v.v. Giáo phái Cao Đài như Nguyễn Mạnh Bảo làm tổng trưởng Xã Hội, Phạm Xuân Thái tổng trưởng Thông Tin v.v. Ngay lực lượng Bình Xuyên cũng có người làm Tổng giám đốc Công An Sài Gòn-Chợ Lớn là Lại Văn Sang còn Lê Văn Viễn, lãnh tụ BX. được phong tướng trong Quân đội Quốc gia. Thế nhưng, Bình Xuyên vẫn bất mãn đòi thêm quyền lợi, do đó mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp như đã nói trên.

Do tình thế cực kỳ rối ren thời đó đòi hỏi lòng trung thành mà TT. NĐD. xử dụng 2 người em ông làm người phụ tá. Mỗi người có một tài năng riêng biệt, bù đắp lẫn nhau, không ai thay thế ai được như lịch sử VN. gần đây đã chứng minh. Nếu TT.NĐD. có uy thế một minh quân qua việc từ chức quan đầu triều lúc 33 tuổi và đời sống đạo đức, thanh liêm thì Ngô Đình Nhu là một nhà chiến lược đầy mưu kế từng viết báo, lập hội và cố vấn cho TT. NĐD. trong việc trị nước, còn Ngô Đình Cẩn có tài tình báo và phản gián mà nhiều sách vở CsVN. cũng phải thú nhận mạng lưới nằm vùng của họ đã bị Đoàn Công Tác Đặc biệt miền Trung tiêu diệt cũng như vô hiệu hoá đến 90% (5).

Công bình mà nói, vấn đề là hiệu qủa công việc họ đảm nhiệm ra sao, chứ không phải là gia đình trị kiểu “cha truyền con nối” vĩnh viễn mà là có tính giai đoạn để bảo vệ miền Nam trước chiến lược thôn tính ráo riết của miền Bắc CS.Hãy nhớ là thời điểm đó VNCH.trong tình trạng “tứ bề thọ địch”, do ‘thù trong giặc ngoài’ rất cần một lãnh tụ cứng rắn đến độc tài như TT.NĐD. mới có thể cai trị quốc gia hữu hiệu.Hơn nữa, dân trí VN.nói chung còn rất thấp nên dân chủ chưa phải là vấn đề quan tâm của họ mà họ cần nhất là được “an cư lạc nghiệp”. Lý do nữa là vì họ không đủ kiến thức để cự tuyệt những kích động phá hoại do các nhóm chính trị khác muốn tranh dành quyền lợi cá nhân hay đảng phái.

Trong thời gian đầu chấp chính, thủ tướng NĐD. lúc đó đã bị người Mỹ xem như ‘virtually Impotent’ (bất lực thực sự) và bị người Pháp xem như đang ở trong ‘un panier de crabes’ (một giỏ cua) vì phải chật vật chống cự với nhiều đối thủ đủ loại: lực lượng thổ phỉ Bình Xuyên được Pháp yểm trợ, các đạo quân giáo phái vũ trang của Cao Đài và Hòa Hảo, một số tổ chức kháng chiến hay dân sự ủng hộ Cộng sản ở miền Nam và ít đảng phái quốc gia bất mãn vì muốn được giữ nhiều ghế hơn trong chính phủ. Rốt cuộc, tất cả đều bị dẹp tan đến nỗi Mỹ phải thay đổi thái độ từ hững hờ ra nồng nhiệt và không ngần ngại tán dương ông NĐD.là người của phép lạ (a miracle man). Thế nhưng, sau đó một loạt chống đối nổ ra. Trước hết, đảng Đại Việt của Hà Thúc Ký bỏ đi lập chiến khu ở Ba Lòng (Quảng Trị) và đảng Việt Nam Quốc dân đảng hùng cứ ở Nam – Ngãi để chống chính phủ. Đảo chính lần thứ nhất ngày 11-11-1960 có sự thông đồng của Mỹ qua điệp viên George A.Carver. Tiếp đến là cuộc bỏ bom Dinh Gia Long, nơi ở của TT.NĐD. ngày 27-02-1962 do Nguyễn Văn Cử, (con của Nguyễn Văn Lực thuộc Quốc Dân đảng) chủ mưu thực hiện.

Khi so sánh ông với những nhà độc tài Á châu cùng thời như Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Lý Quang Diệu ở Tân Gia Ba, Phác Chánh Hy ở Đại Hàn, người Việt hẳn đã thấy mình bỏ lỡ mất một cơ hội đoàn kết để phát triển đất nước thành rồng thành hổ như họ.

Về việc gọi là đàn áp Phật giáo: Phúc trình mà phái đoàn điều tra LHQ. đệ trình ngày 13-12-1963 sau khi qua VNCH. đã kết luận “Những tố cáo đệ trình Đại hội đồng LHQ. nhằm chống chính quyền Ngô Đình Diệm KHÔNG ĐỨNG VỮNG sau khi phái đoàn điều tra một cách khách quan, không hề có kỳ thị cũng như đàn áp Phật giáo, cũng không hề có sự đụng chạm đến tự do tín ngưỡng... Sự va chạm giữa MÔT HỆ PHÁI mà không phải là toàn thể cộng đồng Phật tử VN. với chính quyền Ngô Đình Diệm HOÀN TOÀN có tính cách CHÍNH TRỊ. Đa số thành viên phái đoàn đều đồng ý với chủ tịch Uỷ ban” (6). Vụ Phật giáo đấu tranh không phải xảy ra đơn lẻ nhưng là cả một loạt biến cố mà khởi đầu là biến cố Đài Phát thanh Huế nổ ra ngày 08-5-1963 trong đó nhóm Phật giáo đấu tranh tố cáo chính quyền tỉnh Thưà Thiên giết 8 người gồm 7 trẻ em với nguyên nhân khác nhau: người cho là bị lựu đạn, kẻ bảo là xe tăng cán chết.

Sau 50 năm nhìn lại có nhiều nghi vấn đối với những lời tố cáo trên. Mảnh lựu đạn thu được thì quân đội hay cảnh sát miền Nam chưa hề có để xử dụng. Xe tăng cán chết còn vô lý hơn vì thiếu nhi Phật tử, gồm một số ở trên hành lang và số khác ở trong khu vực Đài Phát thanh bị ngăn cách bên ngoài bởi một hàng rào. Còn xe tăng di chuyển ở trên đường lộ và là loại xe có bánh cao su, chứ không có bánh sắt để đè nghiến xác người được như lời tố cáo (7). Trong biến cố này có bác sĩ mới tốt nghiệp ở Đức, Erich Wulf, xin qua dạy học ở đại học y khoa Huế, một người có tư tưởng thiên tả, đã tiếp tay phổ biến hình ảnh “Vụ nổ đài Phát thanh Huế” ra hải ngoại, nên sau này vào năm 2008 đến VN., ông được nhà nước VN. đón tiếp như một thượng khách vì là “một ân nhân của Việt Nam” (8).

Thời gian vụ nổ trên xảy ra cũng trùng hợp với thời gian hoạt động của George A.Carver, một nhân viên CIA.theo Ellen Hammer (9). Ông Carver sau đó viết: “Tia lửa châm ngòi nổ ở Huế ngày 08-5-1963 đã được thực hiện dưới những hoàn cảnh và chi tiết của chúng mãi mãi là những vấn đề tranh cãi”.

Khởi đầu, để dễ kích động dân chúng chống đối chế độ, người ta viện cớ Dụ số 10 để quy tội cho TT.NĐD, một tổng thống Công giáo,về việc coi Phật giáo như một hiệp hội nhưng thật ra đó là văn kiện có thời vua Bảo Đại. Tại sao các nhà lãnh đạo Phật giáo không yêu cầu đưa ra Quốc Hội để sửa đổi qua các dân biểu Phật tử của họ chiếm đa số? Nếu có thiện ý, họ phải làm theo cách hợp pháp này, chứ không thể kêu gọi bạo loạn. Tưởng cũng nên biết là Dụ số 10 không áp dụng cho 2 hội có yếu tố nước ngoài là Công giáo và Hoa Kiều lý hội. Lý do là vì lịch sử Công giáo VN. lúc đó còn có liên hệ với Hội Thừa Sai hải ngoại Paris. Còn hội kia thuộc về người Việt gốc Hoa. Rõ ràng là như thế.

Điều phải nhấn mạnh là Thích Trí Quang, lãnh tụ Phật giáo Ấn Quang có tư tưởng bài Công Giáo mà cuốn hồi ký tự truyện của ông đã công khai thú nhận. Khi chia tay mẹ ông, TTQ. đã ghi nhớ lời mẹ ông “Ở miền Nam, còn qụa lang hoành hành” và “Con phải làm gì đó để báo ơn Phật tổ”. Nhất là những trích đoạn sau đây của ông là suy diễn vô căn cứ, thậm chí là vọng ngữ “Ông Ngô Đình Diệm muốn Thiên Chúa giáo của ông độc tôn, muốn anh của ông là tổng giám mục Ngô Đình Thục làm hồng y giáo chủ nên ông kỳ thị đàn áp Phật giáo”. Xin trích dẫn tiếp để thấy nhiều lý lẽ của ông là ngụy biện “Ấp Chiến Lược chỗ thì rào chùa vào trong để hạn chế đi lại, chỗ thì rào chùa ra ngoài để tự do bắn phá”. Nghĩa là trong hay ngoài gì cũng nhắm vào việc làm hại Phật giáo cả. Còn “Khu trù mật thì bắt cán bộ cơ sở của Phật giáo phá nhà bỏ của mà đi. Quân dịch thì bắt tăng sĩ Phật giáo làm những chức vụ nguy hiểm, để tu sĩ Thiên Chúa ra mà nắm quyền chỉ huy từ hạ tầng. Chương trình tú tài C thì đổi toàn lý thuyết Thượng Đế và nhân vị, lại thêm một bằng D với cổ ngữ La Tinh...” (ở chỗ này, ông ta cố ý không kể thêm cho đủ là môn Hán văn).Vẫn chưa hết những vọng ngữ của ông, một tội nặng theo nhà Phật khi ông viết “Rồi sơn điện Thái Hoà của hoàng thành Huế thì có lưỡng long mà không có nhật nguyệt để phòng cắm thánh giá ”. Để làm gì ? Ông phán là để “Toà Hồng y giáo chủ sẽ đặt ở đó ”! (10)

Tiếp theo sau là vụ ‘tự thiêu’ của Hoà thượng Thích Quảng Đức ngày 11-6. Cần phải xét lại hai chữ ‘tự thiêu’ là không chính xác. Người nào tự ải, tự trầm hay tự vận v.v. đều do chính kẻ đó làm từ đầu đến cuối. Nhưng ở đây có 2 người: một kẻ đổ xăng và một châm lửa đốt. Người đổ dầu xăng là đại đức Thích Chơn Ngữ, tức Huỳnh Văn Thạnh nhưng sau 1975 đổi tên là Nguyễn Công Hoan, được thưởng làm đại biểu nhân dân (Quốc Hội) tỉnh Khánh Hoà chỉ một nhiệm kỳ rồi y trốn qua sống ở Mỹ. Còn kẻ châm lửa là Trần Quang Thuận, là tu sĩ Thích Trí Không, sau hoàn tục, thời du học ở Anh được William Kohlman, một nhân viên CIA. làm việc ở Anh, nuôi dạy “One young Buddist Kohlman cultivated was a lapsed bonze named Trần Quang Thuận”. Chính Trần Quang Thuận thông báo trước cho một số ký giả Mỹ đến ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng để chứng kiến biến cố trên,trong đó có Malcolm Browne và tay này nối tiếng nhờ chụp ảnh ‘tự thiêu’ đầu tiên vì lý do chính trị nên đã làm rúng động dư luận thế giới.

Ngay lập tức nhóm PG. tranh đấu đã kêu gọi Mỹ phải chấm dứt ủng hộ TT.NĐD. mà theo lời Thượng toạ Thích Trí Quang lúc đó trốn trong Toà Đại Sứ Mỹ thì “Chúng tôi chỉ có thể dàn xếp với miền Bắc sau khi đã lật đổ được Diệm Nhu” (11).

Như thế, sự trùng hợp ý đồ này dẫn đến việc Mỹ đã lợi dụng Phật giáo như một quân cờ trong bàn cờ triệt hạ nhà lãnh đạo Đệ Nhất Cộng Hoà. TT. Ngô Đình Diệm đúng là người yêu nước cô đơn, bị dồn vào bước đường cùng phải hy sinh mạng sống do một thế lực nước ngoài và nhóm Phật giáo đấu tranh Ấn Quang. Để dễ kích động người dân ủng hộ mình, họ khéo chọn mục tiêu để công kích. Đó là người anh ruột làm giám mục của ông để suy diễn qúa xa sự thật là giám mục Ngô Đình Thục muốn lên hồng y nên đã ép em mình đàn áp Phật giáo hầu “lập công” với Toà Thánh Vatican (có lẽ họ tưởng tôn giáo cũng như chính trị: lập công dâng đảng)! Phụ họa cho luận cứ tôn giáo đó, tác giả Mỹ, Set Jacobs, vốn ác cảm với VNCH. cũng viết vô bằng là TT.NĐD. đã dâng miền Nam cho Đức Mẹ Maria (12). Việc tôn giáo là trách nhiệm của Hội đồng giám mục giáo hội Công giáo ở VNCH, chứ TT. NĐD. làm gì có quyền can thiệp vào việc tôn giáo như dưới chế độ CS. mà ông ta lại quy tội như vậy. Tôi nghĩ là phải có người VN. nào đó đã làm công tác vận động (Mỹ vận) để ‘đầu độc’ ông ta. Khả nghi nhất có thể là tên tướng tình báo ‘nằm vùng’ hành nghề ký giả cho báo nước ngoài ở Sài Gòn là Phạm Xuân Ẩn!

Đối với những diễn biến trước vụ thảm sát 1963, vua Bảo Đại dù từng bực mình vì bị ông Diệm hạ bệ năm 1955 nhưng vẫn công tâm để đánh giá việc trên như sau trong hồi ký của mình, trang 543-545: “Tất cả đang tiến tới thì chính phủ gặp phải sự chống đối của các nhà sư. Ông Diệm và Nhu là người Công giáo. Các nhà sư được Cộng Sản GIẬT DÂY và mật vụ Mỹ TIẾP TAY liền bắt đầu hành động. Chính quyền phải đối phó lại. Vô hình trung mang mặc cảm “kỳ thị tôn giáo”... Ai đã xúi giục họ gây loạn? Họ là ai? Từ đâu tới? Làm sao biết được họ từ Hà Nội hay Bắc Kinh tới?” (13). Tại sao đến nay nhóm Phật giáo tranh đấu vẫn một mực ngoan cố và hung hăng đổ hết tội cho cố tổng thống họ Ngô, thậm chí họ còn miệt thị họ hàng và phỉ báng tôn giáo của ông?

Đó là cách ngụy biện cố ý đả kích cá nhân (personal attack) phải tránh trong phép lý luận. Không những một nhóm tự xưng Phật gíáo ở Mỹ mà còn cả một vài người viết sử ‘tình cờ’ lẫn chuyên nghiệp,vô tình hay cố ý, đã a dua xúm lại mạt sát ông thậm tệ theo cảm tính (căm thù) sau nửa thế kỷ ?

Tình hình sau khi lật đổ là nhóm Phật giáo đấu tranh Ấn Quang liên tiếp không ngừng kích động người dân và tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ VNCH.Ở ngoài nước, Thượng toạ Thích Nhất Hạnh tích cực tham gia vào phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ, đòi quân đội Mỹ rút ra khỏi VN.nhưng hoàn toàn không thèm đếm xỉa gì đến sự có mặt ở miền Nam của bộ đội miền Bắc CS.Như vậy, sự đòi hỏi hoà bình của ông rõ ràng là một chiều nên bất công và hoàn toàn thiếu công lý. Thực tế, ông cố ý làm lợi cho miền Bắc CS.

Ngoài ra, ông đại diện cho ‘PG.tranh đấu’ tham gia Hội đồng Phật giáo Thế giới ở Tokyo Nhật) để lặp lại lời đòi hỏi quân đội Mỹ rút ra khỏi miền Nam ngay lập tức (14). Trong khi đó, ở quốc nội, đỉnh điểm chống chính phủ là vụ đưa “Bàn thờ Phật xuống đường” năm 1966 theo lệnh của Thích Trí Quang, trong biến cố gọi là cuộc Biến động miền Trung (15). Cũng phải kể đến sư Thích Đôn Hậu làm cái loa tuyên truyền cho CsVN. trong và cả sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968 cho đến khi VNCH. bị tan rã! (16). Nếu trong hàng ngũ Công giáo chỉ có hai, ba linh mục (chức cao nhất) là đảng viên Cộng sản thì trong Phật giáo, có rất nhiều chức sắc từ đại đức đến thượng tọa, hòa thượng đều là đảng viên CS. Trên báo Việt ngữ, người ta đọc thấy một số khá đông chức sắc PG. được nhà nước VN. tuyên dương, khen thưởng vì có công với Cách mạng (CS). Chỉ xin nêu sơ qua ít điển hình sau đây để làm bằng chứng, chứ kể thì cũng phải một quyển sách dày mới đầy đủ.

Chùa Từ Lâm (Huế) có Thích Huệ Phước, tức Nguyễn Đình Cẩu là đảng viên công an thuộc PA 38, nhận nhiệm vụ từ Thượng tọa Thích Hiển Phước, là cán bộ lão thành Sáu Ngọc. Ở Sài Gòn - Thủ Đức có thượng tọa Thích Trí Dũng, người xây 2 chùa: Nam Thiên Nhất Trụ tức Chùa Một Cột (Thủ Đức) và Phổ Quang (Sài Gòn) cạnh phi trường Tân Sơn Nhất. Riêng chùa PQ. là nơi chứa vũ khí và ém quân Lữ đoàn 316 Biệt Động Thành Sài Gòn - Gia Định của thiếu tướng Trần Hải Phụng: “Trong cuộc công kích Tết Mậu Thân, chùa Phổ Quang là nơi khai hỏa đánh sân Bay Tân Sơn Nhất” (17).

Sở dĩ có bài viết này là vì lịch sử VN.hiện đại đã bị “phe thắng cuộc”, tức CsVN.bóp méo và xuyên tạc không những ở trong nước mà còn ở hải ngoại,trong mục đích phục vụ nhu cầu chính trị của đảng CsVN. Do đó, nhiệm vụ của những người lương thiện, yêu công bình là cần phải lên tiếng để trả lại sự thật cho lịch sử. Nếu Mỹ đã “chính nghĩa hoá” việc lật đổ TT. NĐD. theo quan điểm can thiệp của nước lớn với sự tiếp tay của một nhóm Phật giáo Ấn Quang thì miền Bắc CS. còn lợi dụng nhiều hơn nữa, đến mức lũng đoạn nhóm Phật giáo đấu tranh này để làm tan rã cả hai nền cộng hoà VN., sau cuộc thảm sát 1963.

Muốn biết rõ hơn, xin hãy đọc thêm Bạch Thư ngày 31-12-1993 của Hoà Thượng Thích Tâm Châu, trong đó tố cáo nhóm Phật giáo Ấn Quang đã khủng bố HT.Thích Tâm Châu, một chức sắc lãnh đạo Phật giáo miền Bắc di cư, bắt đầu từ 1966 với những lời lẽ kích động như “Muốn quần chúng tuân theo kỷ luật thì phải theo quần chúng”, nhất là đặt một con dao và dĩa máu cùng một lá huyết thư đòi hỏi HT. Thích Tâm Châu phải ngưng hoạt động, nên hoà thượng bắt buộc phải rút lui “Từ đó, tôi phải đi nghỉ, nay tại nhà này, mai nhà tại nhà khác, nay tại Viện Nhu Đạo Quang Trung, mai tại Nha Tuyên Uý Phật giáo. Từ đó, Việt Nam Quốc Tự bị tăng ni,quần chúng theo CS.nắm giữ,thao túng liên tục từ ngày này qua ngày khác, ra đường Trần Quốc Toản, ngã 6 Sài Gòn- Chợ Lớn biểu tình, đả đảo và đốt hình nộm tổng thống Mỹ, tướng Thiệu, tướng Kỳ. Tôi không dám tới làm việc tại Việt Nam Quốc Tự ” (18).

Rõ ràng là nhóm Phật giáo Ấn Quang của Thích Trí Quang đã tiếp tay đắc lực cho miền Bắc CS. đến ngày miền Nam hoàn toàn sụp đổ vì không thể tự cứu mình được trước cảnh “tứ bề thọ địch” do “thù trong giặc ngoài” vây hãm.

Tóm lại, sự lợi dụng của miền Bắc CS. đối với nhóm Phật giáo đấu tranh nói chung và PG. Ấn Quang nói riêng là một sự thực hiển nhiên với bằng chứng không thể chối cãi được qua nhiều sách báo sau 1975 và của chính nội bộ Phật giáo đấu tranh, chứ không ai và thế lực nào dám xuyên tạc hay vu khống được cả.

Chính những người ra sức thoá mạ TT. Ngô Đình Diệm đến giờ này là chỉ nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm, hay nói nôm na là chạy tội đánh phá VNCH liên tục của nhóm Phật giáo đấu tranh Ấn Quang của Thích Trí Quang suốt từ 1963 – 1975 trong việc áp đặt chế độ Cộng Sản độc tài lên miền Nam và cả nước. Sự đánh phá liên tục này được chính Thích Trí Quang dự tính trước trong ‘Tiểu truyện tự ghi’ rằng: “ Nhưng ông Ngô Đình Diệm đổ rồi, đúng như tôi dự đoán vấn đề Phật giáo không phải kết thúc mà là bắt đầu”!

Phan Đức

(Úc tháng 10/2013)

Chú thích:

(1) Averell W.Harriman là thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, phụ trách vùng Viễn Đông, Roger Hilsman là phụ tá bộ trưởng Ngoại giao kiêm giám đốc tình báo BNG.Còn Michael V. Forrestal là người được Harriman tiến cử vào Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

(2) Lyndon B.Johnson trong cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ, được công bố ngày 28-2/2003 taị Johnson Library ở Austin, Texas.

(3) Đám ký giả này còn ‘trẻ người non dạ’ nên háo danh gồm có David Habertam (New York Times), Neil Sheehan (UPI), Malcolm Browne (AP).Có lẽ họ săn tin tức qua điệp viên kiêm ký giả Phạm Xuân Ẩn của CsVN.làm việc cho báo nước ngoài Times và AP.

(4) Dinh Độc Lập có Đổng lý văn phòng Đoàn Thêm & Quách Tòng Đức, Chánh văn phòng Võ Văn Hải, Chỉ huy trưởng Liên binh phòng vệ Phủ TT. đại tá Nguyễn Hữu Duệ, đại uý tùy viên Đỗ Thọ (cháu Đỗ Mậu) v.v... đều là Phật tử. Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ và đa số tướng lãnh tư lệnh quân binh chủng và 4 vùng chiến thuật với tỷ lệ 16/19 cũng như hầu hết Tỉnh trưởng đều là Phật tử. Chính phủ gồm 18 Bộ trưởng thì 13 người là Phật tử,tức 13/18. Quốc Hội có số Phật tử là 75/123 dân biểu. Tổng thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hoà Cao Xuân Vỹ cũng là Phật tử.

(5) ‘Đoàn Mật vụ Ngô Đình Cẩn’ của Văn Phan, ’Bội Phản hay chân chính’? của Dư Văn Chất, ’Đường thời đại’ của Đặng đình Loan. ’Cuộc chiến tranh đặc biệt’ của Đinh Thị Vân.

(6) Report of the United Nations fact finding mission to South-Việtnam,1964,254 trang.

(7) Theo một tài liệu thì thiếu tướng Lê Văn Nghiêm cho phép Đặng Sĩ xử dụng lựu đạn hơi để giải tán. Một tài liệu khác cho là đại úy Mỹ tên James Scott giao cho trung úy tên Thiều (Sư đoàn I Bộ Binh) một loại lựu đạn của Mỹ để ném vào đám đông.

(8) Gặp lại Erich Wulf: một ân nhân của Việt Nam (Sài Gòn Giải phóng ngày 21-6-2008)

Tết Mậu Thân có đến 4 giáo sư người Đức dạy đại học Y khoa Huế đều bị miền Bắc CS. sát hại, chỉ trừ Erich Wulf lúc đó đang ở Đức, diễn thuyết dưới lá cờ VC. tức MTGPMN. Theo Die Zeìt số 15 ngày 12/4/1968 (“Giết chết lòng nhân đạo”).

(9) Ellen Hammer: A death in November: America in Vietnam 1963 (xuất bản 1987). Mặc dù tham gia vào vụ đảo chính TT.NĐD. ngày 11-11-1960, điệp viên George Carver vẫn hoạt động ở miền Nam VN. Trong chính biến trên, Hoàng Cơ Thụy được G.Carver ủng hộ làm đảo chính, nên khi thất bại, Hoàng Cơ Thụy trốn vào trong một cái vali để Carver xách ra khỏi nước VNCH. Còn Thi Đông phải trốn qua Kampuchia.

(10) Thích Trí Quang: Tiểu truyện tự ghi. Thư viện Hoa Sen.

(11) Marguerite Higgins phỏng vấn TT.Thích Trí Quang trong “Our Vietnam nightmare: the story of US. involvement in Vietnamese tragedy with thoughts on future policy”, New York, Harper and Row, 1965.

(12) Set Jacobs : Cold war mandarin: Ngô Đình Diệm and the origins of America’s war in Việt Nam 1950-1963.(xuất bản 2006).

(13) Bảo Đại: Le dragon d’Annam.Paris 1980. Bản Việt ngữ “Con rồng An Nam”.

(14)Thích Nhất Hạnh (lúc đó là đại đức) ở ngoài nước cũng ra tuyên cáo 5 điểm để hổ trợ cho Biến động miền Trung 1966 gồm: đòi chính phủ Nguyễn Cao Kỳ từ chức, quân đội Mỹ rút, ngưng oanh tạc Bắc Việt, ngưng các cuộc hành quân ở miền Nam VN. v.v. Phái đoàn PG VNTN. tham dự Hội nghị của Hội đồng Phật giáo thế giới do TNH. dẫn đầu ở Tokyo từ ngày 16-20/10/1970 cũng lặp lại 5 điểm trên + 1 thành 6 điểm.

(15) Liên Thành: Biến động miền Trung (Hoa Kỳ tháng 6/2008).

(16) Sách đã dẫn trên.

(17) Thế giới Mới 220 (ngày 20-01-1997).

(18) HT. Thích Tâm Châu: Bạch Thư năm 1993: Đại nạn của Phật giáo và đất nước. Thư viện Hoa Sen.