Đại Cathay

Dân Sài Gòn vào thập niên 1960 và đầu đầu niên 1970 không lạ gì với hình ảnh của Trần Đại – Đại Cathay được mô tả trên báo, được tiểu thuyết hóa và dựng thành phim. Đó là một thanh niên đẹp trai với mái tóc bồng bềnh, quần Jeans, giày cao cổ, trên môi không rời điếu thuốc, tay luôn “múa” hộp quẹt Zippo. Đại được giới giang hồ nể sợ còn vì trượng nghĩa. Nhiều người tiếc cho Đại, nếu có học hành chút đỉnh, có thể cuộc đời Đại đã khác.
Thế giới du đãng Sài Gòn những năm 1960 nằm trong tay Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế (Ba Thế). Trước sự lớn mạnh của băng Đại Cathay, ba tay sếp sòng này không mấy vui lòng.
Trần Đại cũng muốn mở rộng uy thế và địa bàn hoạt động, nên gởi thơ đến bộ ba đại ca đầu xỏ đề nghị hợp tác làm ăn. Nhận được thơ, Huỳnh Tỳ chửi thề.
Cả ba quyết định phục kích, triệt hạ Đại Cathay. Một bữa tiệc được tổ chức, gọi là tiệc đề nghị kết hợp, mời Trần Đại đến dự để bàn công việc.
Không chút nghi ngờ, cứ nghĩ rằng 3 tay anh chị này muốn về làm ăn chung nên Đại ung dung, đơn thân độc mã đút đầu vào bẫy.
Mới lót tót lên tới cầu thang, vừa đưa tay ra bắt tay với Ba Thế, thì bất ngờ, Ba Thế nhảy lên cao, tung cú đá song phi mạnh như vũ bão, làm cho Trần Đại lộn cổ xuống thang lầu. Bốn tay em phục kích, rút dao ra chém loạn đả, tới tấp, quyết triệt hạ cho được Trần Đại. Đại chụp được chiếc ghế gỗ của bà bán thuốc lá trước cửa, vừa đỡ vừa tìm đường thoát thân với mình mẩy đầy thương tích, máu me thấm ướt cả áo quần, tưởng đâu mất mạng.
Ngay sau khi các vết thương chưa kịp kéo da non, một mình Đại xách dao đi tìm, để tỉa từng người một, những kẻ đã tham gia vụ bề hội đồng vừa qua.
Cả Tỳ, Cái, Thế cũng bị chém suýt mất mạng, phải nhờ một lão giang hồ là Tám Lâu, thân tình với Trần Đại, đứng ra làm trung gian dàn xếp, giảng hòa.
Danh xưng Tứ Đại Thiên Vương: Đại, Tỳ, Cái, Thế bắt nguồn từ sau bữa tiệc hòa giải hôm đó.
Sau khi cũng cố thế lực ở quận 1, quận 2, vùng Đa Kao, Tân Định, Đại Cathay quyết định mở rộng địa bàn vào vùng Chợ Lớn của Tín Mã Nàm.
Tín Mã Nàm tên thật là Trần Hà Tư, có thân hình hộ pháp, đã nhiều năm luyện tập võ Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền, năm 17 tuổi đã hạ đo ván võ sĩ vô địch Ma Cau. Băng đảng của Tín Mã Nàm bảo kê các sòng bài, tiệm hút, động mại dâm, nhà hàng, vũ trường. Các cơ sở làm ăn người Hoa trong Chợ Lớn cũng phải đóng hụi chết hằng tháng cho Tín Mã Nàm.
Theo kế hoạch của quân sư Hoàng Sayonara, Đại mua chuộc tên đàn em của Tín Mã Nàm, vốn có chuyện bất mãn với chủ tướng, là tài pán Dương Chí, phụ trách các sòng bài ở Chợ Lớn. Dương Chí bỏ luôn Tín Mã Nàm về Sài Gòn mở sòng cho Đại Cathay.
Tín Mã Nàm tức giận, ra lịnh: “Tao cho quyền tụi bây chém chết mẹ ló mấy cái thằng làn em nào của Đại Cathay dám ló mặt vào Chợ Lớn”.
Trong suốt 12 tháng liền, Đại tiếp tục đổ quân tập kích các điểm làm ăn của băng Tàu Chợ Lớn, chém đại bất cứ ai rồi rút lui, với mục đích là gây kinh hoàng.
Một lần, đích thân Đại dẫn theo đàn em thần tốc tấn công vào quán cà phê trước rạp hát Hào Huê, là nơi tụ tập của băng Tín Mã Nàm. Bị tấn công bất ngờ, nhưng băng Tín Mã Nàm cũng phản ứng rất nhanh. Chỉ cần bật mặt quầy lên, thì một thùng mã tấu, đoản kiếm, trường thương đủ trang bị cho cả bọn.
Cuộc tập kích không thành công, cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề, nhưng sau trận ra quân ác liệt đó, uy tín Đại Cathay lên cao trong giới giang hồ Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sau đó, Tín Mã Nàm rơi vào tình trạng tuyệt vọng do công việc làm ăn xuống dốc thê thảm vì khách không dám bén mảng đến Chợ Lớn, sợ bị lãnh thẹo oan mạng. Tín Mã Nàm hận thấu xương, nhưng không có con đường nào khác hơn là cử người mời Trần Đại lên nhà hàng Đồng Khánh để thương lượng.
Đại Cathay nổi máu anh hùng, một mình, tay không, lên lầu hội kiến với Tín Mã Nàm.
Một bàn tiệc dọn sẵn. Nhìn cử chỉ của Trần Đại, con ngựa điên thầm phục. Tay đại ca vùng Chợ Lớn nhượng bộ, đồng ý giao khu vực từ chợ Nancy ra Sài Gòn cho Đại toàn toàn quyền quản lý. Phần địa bàn Chợ Lớn, thì đàn em của Đại được mở sòng, mở động ở những nơi nào không có cơ sở của người Hoa. Riêng khu chợ Sắt, chợ Tân Thành và đường hẽm 100 là vùng tuyệt đối không được xâm phạm, vì đó là giang sơn của Tín Mã Nàm và là nơi mà vợ bé của hắn đang sinh sống.
Thế là xong một hợp đồng nhượng địa, tuy không có chữ ký, nhưng giang hồ cam kết thì được nghiêm chỉnh thi hành.
Hai ly rượu mừng nâng lên. Uống cạn. Và Đại Cathay ngự trị trong thế giới ngầm Sài Gòn-Chợ Lớn.

Đại Cathay là ai?
Trần Đại tuổi Thìn, sanh năm 1940. Gốc miền Trung, nói giọng lơ lớ vùng Quảng Ngãi-Bình Định. Ngay cả đám em út thân cận cũng không biết rõ về gia thế của Trần Đại. Hơn cả chục lần về bót, hắn khai cả chục bản cung khác nhau, khi thì cha tên Lê Văn Cự, lúc thì tên Trần Văn Trự. Mẹ cũng có nhiều tên, như tên Hương rồi tên Duyên…
Theo hồ sơ cảnh sát, khi cha Đại chết trong nhà tù Côn Đảo, mẹ lấy chồng khác, Đại sống chung với người cha dượng máu mê cờ bạc, nghiện thuốc phiện nặng, thường hành hạ vợ và đứa con ghẻ. Một lần Đại đánh lại ông ta rồi bỏ nhà đi bụi đời, sống lang thang ở khu vực vườn hoa Cầu Mống bằng nghề đánh giày, bán báo.
Tại khu vực làm ăn của Đại (ngã tư Công Lý– Nguyễn Công Trứ) có rạp chiếu bóng tên là Cathay. Lì đòn, liều lĩnh, Đại nghiễm nhiên trở thành thủ lãnh của đám nhóc du thủ du thực. Cái tên Đại Cathay ra đời từ đó, vào năm 1954, lúc Đại mới 14 tuổi.
Đại đóng thùng đánh giày, lấy báo giao cho cả chục đàn em tỏa đi làm, chiều mang tiền về nộp. Đại rất biết thu phục “nhân tâm”, chiều về gom được bao nhiêu chia hết tiền cho đàn em, chỉ nhận một phần như mọi người. Nhiều đứa ‘làm ăn” ế ẩm, Đại cũng không chửi bới, đánh đập như những tay anh chị khác, mà còn lấy tiền lời chung để bù đắp. Đàn em càng nể phục và nghe lời Đại, dân bụi đời rủ nhau về dưới trướng của Đại.
Đầu năm 1960, Đại mới hơn 20 tuổi, đã trở thành trùm du đãng khét tiếng. Hắn bảo kê hầu hết các sòng bài, tiệm hút, vũ trường, động mại dâm ở quận 1.
Đại Cathay bắt đầu quen biết với tầng lớp trí thức, con nhà gia thế, học trường Tây, như bác sĩ Nghiệp, Hoàng Sayonara (còn gọi là Hoàng Guitar), Dzách Bửu, Dzí Bửu, Hùng Đầu bò.
Nhà văn Duyên Anh đã gặp Đại Cathay và Hoàng Sayonara ở tiệm hút. Hai tay du đãng này là nguồn cảm hứng để Duyên Anh sáng tác tiểu thuyết Điệu Ru Nước Mắt (về Đại Cathay), Vết Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang (về Hoàng Sayonara), Trần Thị Diễm Châu (về vợ của Đại).
Chuyện tình của Đại Cathay cũng rất ly kỳ. Người vợ cuối cùng, cũng là cuộc tình sâu nặng nhất của Đại Cathay tên là Nhân. Cô Nhân là con gái của thương gia nổi tiếng trong ngành bàn ghế ở đường Hồng Thập Tự, hiệu là Đồng Nhân, sau đổi tên thành Phan Văn Nhị, đối diện với vũ trường Olympic. Nhân con nhà giàu, đẹp nổi tiếng, học trường Tây. Chính trong những ngày tới “đập phá” vũ trường Olympic, Đại đã lọt vào mắt xanh của cô Nhân bởi tính khi ngang tàng mà nghĩa hiệp. Yêu say đắm Đại nhưng gia đình cấm cản, Nhân bỏ nhà theo Đại sống như vợ chồng.
Chuyện của Nhân cũng được nhà văn Duyên Anh đưa vào tiểu thuyết mang tên Trần Thị Diễm Châu

Tuyên chiến với cảnh sát
Tự xem mình như ông trời con, ra đường Đại chễm chệ trên băng trước của chiếc Mustang mui trần, cả chục đàn em rú ga xe gắn máy, trước mở đường, sau hộ tống.
Với chức vụ Tư lịnh Cảnh Sát Quốc Gia, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan không thể để du đãng lộng hành như vậy. Trung Tâm Bài Trừ Du Đãng ở bên kia cầu Bình Triệu, và Biệt Đội Hình Cảnh do Đại úy Trần Kim Chi chỉ huy.
Theo lịnh của Tướng Loan, Biệt Đội Hình Cảnh được quyền bắn hạ tại chỗ bất cứ tên du đãng nào gây án trên đường phố và chống lại cảnh sát hành sự. Sau một thời gian hoạt động, Biệt Đội Hình Cảnh chỉ tóm được những tên tép riu mà thôi. Đối tượng mà cảnh sát nhắm tới là Đại Cathay thì vẫn nhởn nhơ, thách thức.
Trần Đại không cướp giật, không bị ai tố cáo nên không có đủ bằng chứng để hốt vào tù. Đóng tiền bảo kê là những người làm ăn phi pháp nên cũng không có ai thưa kiện gì cả. Giang hồ cũng có luật lệ riêng của nó, những ai phản bội thì bị trừng phạt, từ lấy thẹo cảnh cáo đến thủ tiêu, cho nên không ai dám bán rẻ anh em, vì thế nhà chức trách rất khó làm việc.
Phụ tá Tướng Loan là Trung tá Mã Sanh Nhơn đưa thơ mời Trần Đại đến trình diện Tổng Nha Cảnh Sát Quốc gia. Đại đến. Tướng Nguyễn Ngọc Loan ra lịnh:
- Anh phải giải tán băng đảng. Không được lộng hành.
Trần Đại đồng ý với một điều kiện, là cho bọn đàn em được toàn quyền làm ăn hợp pháp trong việc khai thác các dịch vụ ở các kho, bến tàu bên Khánh Hội, khu vực Cầu Muối, hai bên bờ sông Tẻ, dưới hình thức một nghiệp đoàn bốc vác.
Một đề nghị thật là xấc láo… Tướng Loan tức giận tuyên bố:
- Tôi ra lịnh cho anh phải giải tán hết. Anh không có quyền điều đình, mặc cả ở đây. Ngày nào tôi còn ngồi ở chiếc ghế này, thì ngày đó, cái đám giang hồ cắc ké của mấy anh không còn đất sống.
Trần Đại trả lời:
- Giang hồ không có vua, tôi làm sao có quyền ra lịnh cho các băng đảng được.
Cuộc đối thoại kết thúc. Kể như Đại Cathay tuyên chiến với cảnh sát.

Đại Cathay chết như thế nào?
Vũ trường Olympic là chốn mà băng Đại Cathay đóng đô, cũng là nơi nhiều lính của tướng Nguyễn Ngọc Loan thường xuyên lui tới. Trong một lần chạm trán, Đại lãnh một viên đạn trúng vào đầu gối…
… Thoát chết trước họng súng của cảnh sát, nhiều “chiến hữu” bị cảnh sát bắt giam, Đại Cathay như biết điều hơn. Một buổi tối, hắn bao nguyên nhà hàng Paramouth mời Đại úy Trần Kim Chi đến dự tiệc. Đại Cathay mở lời: “Nếu đại úy chịu tha một số anh em của tôi vừa bị bắt, chúng tôi sẽ không quên ơn …”. Đại úy Trần Kim Chi từ chối thẳng thừng: “Nếu anh mời tôi đến đây là để mặc cả thì coi như tàn tiệc, tôi xin kiếu!”.
Đại nhỏ nhẹ: “Ồ không không. Nếu đại úy không ưng thuận thì thôi. Còn hôm nay mời đại úy đến là để anh em vui vẻ…”.
Sau buổi tiệc đó không lâu, Đại úy Trần Kim Chi đã bị một chiếc xe chở gỗ đụng ngang qua chiếc xe hơi CV2 của ông lúc đang đi công vụ trên xa lộ, làm ông chết tại chỗ, chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy mất. Cả giới du đãng Sài Gòn và cảnh sát đều cho rằng chính Đại Cathay đã sát hại Đại úy Trần Kim Chi.
Cái chết của Đại úy Trần Kim Chi cũng là dấu chấm hết cho cuộc đời du đãng của Đại Cathay. Tháng 8/1966, tướng Nguyễn Ngọc Loan đã ra lệnh tống giam Đại Cathay với tội danh “Du đãng đặc biệt” cùng với nhiều trùm du đãng khác ở khắp Sài Gòn. Ngày 28/11/1966, Đại Cathay bị tống lên máy bay vận tải C47 đưa ra đảo Phú Quốc.
Vợ Đại Cathay ở lại Sài Gòn biết chắc rằng loại tù không án như chồng mình khó có ngày trở về. Cô cùng anh trai treo số tiền 1,5 triệu đồng, là số tiền rất lớn lúc đó, cho ai có cách cứu Đại Cathay đem về đất liền. Đại tá L. – một sĩ quan thuộc lực lượng Hải quân chỉ huy tàu tuần lưu – nhận giúp đỡ.
Đầu tháng 1/1967, vợ Đại Cathay ra Trại Cửu Sùng thăm chồng. Gặp Đại Cathay, cô báo cho chồng biết đã lo xong việc tổ chức cho Đại Cathay vượt ngục. Theo kế hoạch, lính gác sẽ làm ngơ cho Đại Cathay và một số đàn em trốn ra khỏi trại. Một xuồng máy chờ sẵn dưới bãi biển để đưa đám tù ra khơi, rồi có tàu hải quân thuê sẵn rước Đại về đất liền. Đúng 12 giờ đêm ngày 7/1/1967, Đại Cathay dẫn cả bọn đàn em đào thoát ra ngoài. Thế nhưng, khi cả hai tốp vừa vọt ra khỏi vòng rào thì phía trại báo động inh ỏi. Tốp thứ nhất bị bắt lại ngay. Tốp thứ hai có Đại Cathay vội đổi kế hoạch, chạy vào khu núi Tượng… Cùng lúc, có tiếng của nhiều chiếc máy bay trực thăng trên đầu, cùng ánh sáng của hỏa châu sáng vằng vặc. Nhiều loạt đạn từ máy bay bắn xuống, người ta còn nghe nhiều tiếng la hét vọng ra từ rừng sâu. Kể từ đó không ai còn gặp Đại Cathay nữa, có lẽ hắn đã bỏ mạng vì những loạt đạn lúc nửa đêm trên núi Tượng, rồi rơi xuống vực sâu nào đó mất xác. Lúc đó, dư luận ở Sài Gòn đặt ra nhiều khả năng về sự biến mất của Đại Cathay, như hắn đã trốn thoát rồi vượt biển qua Cam Bốt, đi luôn ra nước ngoài lánh nạn. Cũng có tin đồn là Đại Cathay đã lần về được Sài Gòn và sống ẩn dật…

… Lời đồn đại cứ loang ra mãi, đắp thêm chất huyền thoại vào cuộc đời và cái chết của Đại Cathay.
Lê Quang Thọ