Peter Ferdinand Drucker sinh năm 1909, tại thành phố Vienna, thủ đô nước Áo. Ông mới qua đời tại thành phố Claremont, thuộc miền Nam California vào năm 2005, ở tuổi thọ 96. Trong suốt trên 60 năm ông chuyên dậy học tại nhiều trường đại học ở Mỹ, viết rất nhiều sách chuyên về vấn đề quản lý, và đồng thời còn làm cố vấn cho rất nhiều đại công ty kinh doanh tư nhân, cho các cơ quan chánh phủ tại ba quốc gia Mỹ, Nhật và Canada, và đặc biệt ông đã tận tình hỗ trợ cho các tổ chức thiện nguyện bất vụ lợi.
Có thể nói Peter Drucker là một mẫu người ngoại hạng, với sự nghiệp chuyên môn hết sức lớn lao, và nhất là một nhân cách sáng ngời của sự ngay thẳng chính trực.
Bài viết này xin được giới thiệu chi tiết với quý bạn đọc người Việt về con người sĩ phu trí thức rất mực cao quý này của thế kỷ XX.
A – Học tập ở Âu châu, thành danh ở Mỹ châu.
Sinh trưởng trong một gia đình trí thức tên tuổi, với người cha là một vị luật sư và giáo sư đại học, Peter Drucker ngay từ buổi thiếu thời đã được tiếp xúc với những vị thức giả có tên tuổi lớn tại Âu châu, điển hình như Sigmund Freud là người đã khai sinh ra ngành Phân tâm học (Psychanalysis).
Sau khi tốt nghiệp trung học tại quê nhà vào năm 1927, thì Peter qua học về luật tại đại học Frankfurt bên nước Đức. Tại đây, ông đậu văn bằng tiến sĩ về luật quốc tế và công pháp. Ông chịu ảnh hưởng của bậc đại sư, mà cũng là một người bạn của thân phụ ông, đó là giáo sư Joseph Schumpeter về sự quan trọng của tinh thần sáng tạo và tài năng tháo vát trong lãnh vực kinh doanh. Rồi sau này khi rời bỏ nước Đức lúc Hitler lên cầm quyền vào năm 1933, để qua sống tại Anh quốc, thì ông được thụ giáo với cả vị kinh tế gia lừng danh thời trước chiến tranh là John Maynard Keynes.
Ở tuổi đôi mươi ông đã hăng say tham gia viết báo, làm việc trong ngành bảo hiểm, rồi ngành xuất nhập cảng và ngân hàng tại nước Đức và nước Anh.
Vào năm 1937, với tư cách là đặc phái viên cho một nhóm báo chí Anh quốc, ông qua Hoa Kỳ cùng với người vợ mới cưới là Doris Schmitz. Vào tuổi ba mươi, với tài năng chín mùi, Peter Drucker đã có nhiều cơ hội phát huy sở học và kinh nghiệm thâm hậu của mình. Ông được mời giảng dậy tại nhiều trường đại học tại phía miền đông nước Mỹ như trường New York University trong gần 30 năm. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các tờ báo nổi danh về kinh tế tài chánh như Wall Street Journal, The Economist, Harvard Business Review, và với cả các tờ báo có uy tín hàng đầu như The Saturday Evening Post, The Atlantic Monthly v.v…
Kể từ năm 1945, ông được nhiều đại công ty như General Motors mời làm cố vấn. Tính ra ông đã nhận làm cố vấn cho trên 50 công ty tầm cỡ rất lớn như General Electric, Coca Cola, IBM, Citycorp, Intel… Ông cũng được giới doanh nhân ở Nhật rất tín nhiệm và mời ông vào chức vụ cố vấn cho các vị giám đốc của Toyota Motor Corp., Ito-Yokado Group v.v… nữa. Đó là chưa kể đến việc làm cố vấn miễn phí cho các tổ chức bất vụ lợi như Hội Nữ Hướng đạo Mỹ, Salvation Army, Hội Hồng Thập Tự, tổ chức CARE v.v…
Sau đó vào thập niên 1970, thì ông qua California, tiếp tục việc dậy học và làm cố vấn cho nhiều cơ sở kinh doanh tại phía bờ biển miền tây nước Mỹ. Ông giữ chức vụ Giáo sư về Khoa học Xã hội và Quản trị tại trường Cao học về Quản trị Claremont, mà sau này được đổi tên là “Peter F. Drucker School of Management” để vinh danh ông vào năm 1987. Lớp học cuối cùng ông dậy tại trường này là vào năm 2002, lúc ông đã bước vào tuổi 92.
Về sự nghiệp biên soạn sáng tác, ông đã cho xuất bản 39 cuốn sách, phần lớn bàn về vấn đề quản trị, mà điển hình là cuốn “The Practice of Management” xuất bản năm 1954 và cuốn “Management : Tasks, Responsabilities, Practices” xuất bản năm 1973. Riêng về lãnh vực các tổ chức bất vụ lợi, thì có cuốn viết năm 1990 với nhan đề : “Managing the Non-Profit Organisation : Principles and Practices”. Phần lớn các sách của ông đã được dịch ra trên 30 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
B – Các giai thọai về nhân vật xuất chúng Peter Drucker.
Ít có nhân vật nào mà lại xông xáo họat động năng nổ tích cực trong cả ba khu vực cấu thành “không gian xã hội” như là Peter Drucker (the social space bao gồm khu vực Nhà nước, khu vực Thị trường kinh tế và khu vực Xã hội dân sự). Ông giúp cho các nhà lãnh đạo cơ sở công quyền, cũng như giám đốc công ty xí nghiệp tư nhân trong việc họach định được một chính sách tối ưu. Mà đặc biệt ông còn hỗ trợ hết mình cho các tổ chức phi chánh phủ, bất vụ lợi thực hiện được những thành tựu tốt đẹp cao nhất trong công cuộc phục vụ nhân quần xã hội.
Những khám phá của ông trong lãnh vực quản lý xí nghiệp đã trở thành một huyền thọai, được truyền tụng trong giới doanh nhân cũng như trong giới hàn lâm đại học. Nhiều người đã gọi ông là nhà tư tưởng táo bạo, một triết gia của xã hội kỹ nghệ đang ở vào giai đọan phát triển cao độ. Lớp học do ông giảng dậy thu hút quá đông sinh viên theo học, đến nỗi nhà trường phải sử dụng cả khu tập thể dục mới có đủ chỗ rộng rãi cho thầy trò sinh họat, trao đổi thảo luận với nhau cho thoải mái được
Một cựu sinh viên kể lại câu chuyện như sau : Dù lớp học đày ắp sinh viên, mà giáo sư Drucker vẫn tìm cách nêu các câu hỏi gợi ra sự tranh luận sôi nổi giữa cử tọa. Có lần ông hỏi cả lớp như thế này đây : “ Các bạn cho tôi biết sự kiện nào nổi bật, gây ảnh hưởng nhất trong thời gian 100 năm gần đây trong xã hội nước Mỹ? Các sinh viên lần lượt kê ra, nào là sự phổ biến điện thọai, điện lực, hai cuộc thế chiến, cuộc khủng hỏang kinh tế …Tất cả các câu trả lời đều bị giáo sư lắc đầu, từ chối. Cuối cùng thì ông cho chúng tôi biết : Đó là việc sản xuất xe hơi hàng lọat (the mass production of automobile), vì nó tạo cho giới nông dân phương tiện để chở vợ con ra thành phố vào cuối tuần – nhờ đó mà họ mới tránh được lọai bệnh tâm thần do sự cô lập quạnh hiu ở nông thôn gây ra… Đây quả thật là một lối suy luận độc đáo, bất ngờ khiến cả lớp chúng tôi cứ nhớ hòai!”
So với các bậc tiền bối, thì quả thật Peter Drucker là thứ “hậu sinh khả úy”, là môn đệ mà đã vượt qua cả bậc sư phụ của mình. Cụ thể như đối với Frederik Taylor (1866 – 1915) là người khai sáng ra môn tổ chức công việc sản xuất theo khoa học nhằm nâng cao năng xuất trong kỹ nghệ, thì Drucker đã bổ túc môn này bằng cách mở rộng sự nghiên cứu trong lãnh vực văn hóa, quan hệ nhân bản, và nhất là viễn tượng tương lai đối với những thách đố và khả năng trong xã hội kỹ nghệ. Và đối với John Maynard Keynes (1883-1946) thì cũng vậy, Drucker đưa thêm vào lý thuyết định lương vĩ mô (macro-economics) của vị đại sư này cái phương pháp nghiên cứu về động thái con người (behavior of people); như vậy là làm tăng thêm khía cạnh nhân bản trong lãnh vực kinh tế vi mô (micro-economics).
Các giám đốc công ty đã không tiếc lời ca ngợi vị đại sư Peter Drucker. Điển hình như Andy S. Grove của công ty Intel Corp., thì đã viết : “Lời khuyến cáo của ông đã ảnh hưởng đến không biết bao nhiêu hành động hàng ngày tại các xí nghiệp. Và riêng đối với tôi, thì cái ảnh hưởng đó đã kéo dài liên tục trong nhiều thập niên”. Tom Peters thì gọi Drucker là người đã sáng lập ra môn khoa học quản lý hiện đại; ông là người đầu tiên đã cung cấp cho chúng ta thứ dụng cụ để quản lý những tổ chức kinh doanh mỗi ngày càng trở thành phức tạp hiện nay.
C – Con người ngay thẳng chính trực.
Nhưng Peter Drucker còn làm cho bao nhiêu người mến phục bởi sự ngay thẳng chính trực lạ thường của ông. Ngay từ thời còn ở bên nước Đức, lúc mới có 23-24 tuổi, ông đã viết một cuốn sách về nhà triết học Friedrich Julius Stahl, mà đã bị chính quyền Đức quốc xã tịch thu và cho đốt hết đi. Mấy năm sau, thì cuốn sách thứ hai nhan đề “Vấn đề Người Do Thái tại nước Đức” cũng lại chịu chung số phận đó. Đến nỗi mà hiện nay chỉ còn sót lại một cuốn duy nhất trong văn khố nước Áo với dấu hiệu chữ vạn đóng trên bìa sách.
Được nuôi dưỡng theo truyền thống nghiêm túc của đạo Tin lành, Peter Drucker đã sống và hành động theo những nguyên tắc chặt chẽ về luân lý và đạo hạnh. Mặc dầu được các đại công ty trả lương rất hậu cho dịch vụ cố vấn của ông, Drucker cũng không ngần ngại phê phán những thiếu sót bất cập của giới doanh nghiệp tại Mỹ. Khi được biết giới đứng đầu doanh nghiệp dành cho mình những bổng lộc quá lớn, lên đến cả trăm lần lương của người công nhân bình thường, ông đã không cầm được sự giận dữ và lên tiếng phê phán gắt gao chuyện này. Ông nói : “Đó là điều không thể tha thứ được, xét về mặt luân lý cũng như về mặt xã hội; và chúng ta sẽ phải một cái giá nặng nề cho tình trạng này.” ( This is morally and socially unforgivable, and we will pay a heavy price for it). Ông còn ghi rõ là : “ thâu nhập của người giám đốc không được gấp quá 20 lần mức lợi tức của người công nhân”.
Thất vọng trước sự sa sút về phương diện giá trị đạo đức của giới doanh nghiệp Mỹ, ông đã phải thốt lên : “Đó là sự thất bại cuối cùng của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp” (the final failure of corporate capitalism).
Và kết cục là ông đã dành hầu hết thời giờ và năng lực vào việc yểm trợ cho các tổ chức bất vụ lợi. Đó là lãnh vực xã hội dân sự, mà ông tin tưởng sẽ góp phần quan trọng vào việc phục hồi lại hệ thống giá trị tốt đẹp truyền thống của nước Mỹ. Ông đặc biệt dành sự ưu ái cho mục sư và cũng là một tác giả nổi danh Rick Warren của Nhà thờ Saddleback tại thành phố Lake Forest trong Quận Cam miền Nam California. Vị mục sư này thuật lại rằng : Ông Peter Drucker căn dặn tôi : “ Chức năng quản lý trong một nhà thờ là làm cho nhà thờ đó mỗi ngày đích thực là nhà thờ hơn, chứ không phải là một loại tổ chức kinh doanh ( to make the church more churchlike, not more businesslike). Như vậy thì nhà thờ mới có thể thực hiện đúng sứ mệnh riêng biệt của mình.”
Tóm tắt lại, ta có thể ghi nhận rằng Peter Drucker là một mẫu người ngoại hạng của thế kỷ XX. Sự đóng góp chuyên môn trong việc giáo dục đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trong ngành quản trị doanh nghiệp, trong sự nghiệp trước tác, cũng như trong việc cố vấn hướng dẫn cho giới lãnh đạo cơ sở công quyền, cũng như xí nghiệp tư nhân, và nhất là trong sự yểm trợ cho các tổ chức bất vụ lợi, thì thật là lớn lao vĩ đại ít người nào có thể sánh kịp được.
Mà còn hơn thế nữa, cái nhân cách trong sáng và tính ngay thẳng chính trực của ông mãi mãi là một tấm gương cao quý cho giới sĩ phu trí thức cùng khắp thế giới hiện nay noi theo vậy./
California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010
Đoàn Thanh Liêm