Ngày 18/01/2014 vừa qua, Dòng Tên Việt Nam đã tổ chức lễ Khai mạc năm thánh mừng 400 các Cha Dòng Tên đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng. Các cha đã góp phần làm cho mảnh đất Việt Nam thấm đẫm hạt giống Lời Chúa. Bên cạnh đó, một điều mà xã hội Việt Nam không thể phủ nhận đó là các Ngài đã đóng góp nhiều công sức giúp phát triển xã hội Việt Nam qua việc sáng tạo Chữ Quốc Ngữ. Khi kể đến công ơn này, không ai lại không nhắc đến cha Alexandre de Rhodes (Cha Đắc Lộ) người đã có công thu tập thành quả nghiên cứu của thế hệ thừa sai Dòng Tên đi trước và các tín hữu học thức trong 31 năm đầu tức là từ năm 1615 (ba Thừa Sai đầu tiên tới Việt Nam) cho tới 1646 (khi Cha Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn), biên soạn và cho xuất bản Từ điển Việt – Bồ - La năm 1651.
Từ điển Việt – Bồ - La là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ. Đây là cuốn từ điển đầu tiên ở Việt Nam lấy từ tiếng Việt làm mục từ, đối chiếu với tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin. Về hình thức đây là dạng từ điển đối chiếu đa ngữ. Mặt khác, Từ điển Việt - Bồ - La còn mang tính chất của một từ điển giải thích, vì các từ ngữ khó hiểu được giải thích cách tỉ mỉ kèm theo những ví dụ thuyết minh, chỉ có điều là ngôn ngữ giải thích là tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin chứ không phải tiếng Việt. Lần đầu tiên, ở Việt Nam, trên một cuốn từ điển, các từ ngữ tiếng Việt đã được ghi lại bằng các chữ cái ghi âm tố mà chúng ta gọi là Chữ Quốc Ngữ.
Các nhà nghiên cứu Việt ngữ học đã xác định, Từ điển Việt – Bồ - La có khoảng trên dưới 550 từ ngữ mà nay đã trở thành từ ngữ cổ: là những từ ngữ đã từng tồn tại trước đây nhưng hiện nay không còn trong đời sống ngôn ngữ toàn dân nữa, hoặc chỉ còn làm thành tố trong những kết cấu ngôn ngữ rất hạn chế nào đó, hoặc chỉ còn sử dụng rất hạn chế trong một cộng đồng xã hội nào đó.
Khi đọc các kinh thường ngày, chúng ta nhận thấy trong một số kinh có một vài từ ngữ không còn rõ nghĩa nữa, khiến một số người trong chúng ta hoặc những người ngoài Công Giáo nghe chúng ta đọc sẽ cảm thấy thật khó hiểu. Khi ấy, nếu dùng các từ điển tiếng Việt hiện đại để tra cứu, chúng ta sẽ thấy các từ ngữ ấy hoặc không có, hoặc có nhưng nghĩa không phù hợp nếu gắn vào các kinh đọc thường ngày của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta dùng Từ điển Việt - Bồ - La để tra cứu, thì từ điển sẽ soi sáng giúp chúng ta hiểu rõ nghĩa một số các từ ngữ ấy. Bởi vì những từ ngữ ấy là những từ ngữ cổ, chỉ còn được sử dụng hạn chế trong các cộng đồng tín hữu Công Giáo, trong các kinh đọc được biên soạn từ khi đạo Công Giáo mới được truyền vào Việt Nam, dù đã được sửa một lần vào năm 1924. Xin đơn cử vài ví dụ trong các kinh sau đây:
1. Kinh lạy Nữ Vương[1]
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
- Cụm từ “thân lạy Mẹ!”, nếu tra từ điển tiếng Việt hiện đại[2] chúng ta sẽ thấy từ “thân” không có nét nghĩa nào phù hợp với kinh đọc này. Đây là một từ cổ đã được Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận, “thân” nghĩa là: “Cách nói để bày tỏ lòng tôn kính với những người cao trọng dưới vua chúa; thân ông, thân đức ông, thân ông già muôn tuổi : là những kiểu xưng hô tương đương với: tâu vua, dộng chúa, bạch thày, chiềng ông : đó là những kiểu xưng hô đáng giá.” Từ điển từ cổ[3] chú thích nghĩa của từ “thân” là: thưa, bẩm. Như vậy, “thân lạy Mẹ!” là một từ ngữ dùng xưng hô cho dành Mẹ là đấng đáng kính trọng về mặt nghĩa cổ của nó. Chúng ta cũng bắt gặp từ này trong “kinh Đức Thánh Thiên Thần”: “Con thân Đức Thánh Thiên Thần” từ “thân” trong câu ngày cũng có nghĩa như trong “Kinh lạy Nữ Vương”.
- Cụm từ “Bà là chúa bầu chúng con”, đọc câu kinh này chúng ta thấy nghĩa có vẻ tối và khó hiểu. Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận: baù (bầu) chủ, baù mình nghĩa là: “Kẻ bàu chủ, kẻ bàu lĩnh (bảo lãnh); baù ai: xin vua cho con được chức tước gì”. Câu kinh “Bà là chúa bầu chúng con”: vừa có nghĩa tung hô Mẹ là “Bà Chúa” cách nói dùng tung hô người nữ có quyền chức sau vua mà Từ điển Việt - Bồ - La cũng ghi nhận, vừa xác tín rằng Mẹ là người bảo lãnh cho chúng ta.
- Cụm từ “Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay!”. Từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích: “thay” là từ biểu thị sự tác động mạnh mẽ đến tình cảm người nói của một điều đạt đến mức độ rất cao như: may thay, đẹp thay, đau đớn thay. Nhưng nếu chỉ hiểu nghĩa của từ “thay” theo tiếng Việt hiện đại, thì ý nghĩa của câu kinh sẽ không rõ. Tác giả Từ điển Việt - Bồ - La ghi nhận “thay” nghĩa là: nhiều, lắm, rất; tốt thay : rất tốt; khoan thay : rất nhân từ; nhân thay: rất đạo hạnh; dịu thay: rất dịu hiền. “Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay!”: là lời ca khen Mẹ rất nhân từ, rất đạo hạnh, rất dịu hiền.
2. Kinh Bởi Lời
Lạy Ðức Chúa Giêsu xưa bởi lời mà xuống thế gian ba mươi ba năm cùng chịu những sự thương khó cho các linh hồn thiên hạ được rỗi. Thì rày chúng con xin Cha rất nhân lành hay thương vô cùng, xin tha phần phạt cho các linh hồn đã cầu nguyện hôm nay, hoặc còn giam nơi lửa luyện tội thì xin mở cửa tù rạc ấy cho ra mà đem đến chốn hưởng vui thật là nước thiên đàng vì công nghiệp Chúa con đã chịu nạn chịu chết vì chúng con. Amen.
- Trong kinh này chúng ta thấy từ “tù rạc” với nét nghĩa mờ nhạt, nếu tra cứu Từ điển tiếng Việt hiện đại, chúng ta sẽ không thấy từ này trong Từ điển. Tuy nhiên, Từ điển Việt - Bồ - La ba lần nói đến từ “tù rạc” với nghĩa là nhà giam, nhà tù. Với nghĩa này, chúng ta có thể hiểu câu kinh rõ ràng hơn, “luyện tội” hay “luyện ngục” là hình thức bị giam giữ mất tự do như bị tù ngục.
3. Kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử
Lạy ơn Ông Thánh Giuse. Chúng con chạy đến cùng Người, trong cơn gian nan chúng con mắc phải...
- Khi bắt đầu kinh đọc này, một số người đã thắc mắc tại sao lại là “lạy ơn ông Thánh Giuse” mà không là “lạy Thánh Giuse”, hóa ra là chúng ta chỉ quan tâm đến “ơn ông Thánh Giuse” ban, chứ không quan tâm đến Thánh Giuse. Từ điển Việt – Bồ - La sẽ giúp chúng ta hiểu rõ lời kinh hơn. Trong Từ điển Việt – Bồ - La chúng ta thấy cụm từ đầu mục “lạy ơn Đức Chúa blời (Trời)” xuất hiện hai lần và được giải thích nghĩa là: “tạ ơn Chúa Trời”. Ý nghĩa của cụm từ này soi sáng cho chúng ta khi đọc các kinh “lạy ơn ông Thánh Giuse”, “lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần”[4], “lạy ơn Đức Chúa Giêsu”[5], các câu kinh này không có nghĩa là chúng ta chỉ quan tâm đến ơn ban của các Ngài, mà có nghĩa là lời tạ ơn, lời cám ơn đầu tiên của chúng ta trước khi chúng ta cầu xin điều gì tiếp theo.
- Tiếp tục “kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử” chúng ta thấy câu: “Chúng con xin vì nhân đức kính mến, mà Người làm Bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh là Mẹ Chúa Trời,...” Từ “làm Bạn” khiến chúng ta hiểu không rõ nghĩa của câu kinh. Nếu tra cứu Từ điển tiếng Việt hiện đại, chúng ta chỉ thấy giải thích nghĩa “bạn” như là tình bạn bình thường. Nhưng Từ điển Việt – Bồ - La giải thích khác. Ở mục từ “bạn” Cha Đắc lộ lấy thêm ví dụ là cụm từ “có bạn chăng” rồi giải thích là: “bạn đã kết hôn chưa ? đó là cách hỏi thanh nhã bất cứ người con trai hay con gái nào”. Với cách giải thích này chúng ta có thể hiểu từ “làm Bạn” nghĩa là kết hôn. Cha còn chú thích thêm đây là “cách hỏi thanh nhã”. Ở chỗ khác trong Từ điển Cha lấy ví dụ “chẳng có bạn” và giải thích là: “được giải thoát khỏi vợ, không kết hôn”. Như vậy, qua cứ liệu của Từ điển Việt - Bồ - La, chúng ta có thể hiểu câu kinh cách rõ ràng hơn.
* Từ điển Việt – Bồ - La của Cha Đắc Lộ được soạn thảo cách đây gần 400 năm, nhưng giá trị của nó không hề giảm hoặc mất theo thời gian. Không một nhà nghiên cứu Việt ngữ học nào lại không một lần đọc Từ điển Việt – Bồ - La. Từ điển Việt – Bồ - La có giá trị về lịch sử, nhưng nó cũng có giá trị trong đời sống hiện tại.
400 năm hạt giống Lời Chúa được rao truyền thì cũng gần 400 năm đóng góp của Cha Đắc Lộ được ghi nhận đã đem lại nhiều hoa trái. Nói kiểu của Từ điển Việt – Bồ - La là Giáo Hội Việt Nam “bưng ơn”, “đội ơn”, “cám ơn”, “tạ ơn” Cha Đắc Lộ “thay thảy” “làu làu”.
Sr.Minh Thùy (còn tiếp)
1 cả các kinh, được trích từ các trang web sau :
- http://www.conggiao.org/dao-cong-giao/tat-ca-cac-kinh/
- http://www.giaoxudenver.org/kinh/cackinh.htm
[2] Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2010, được xác định là cuốn Từ điển tiếng Việt hiện đại đầy đủ và quy mô nhất hiện nay.
[3] Từ điển từ cổ của Vương Lộc, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2002 trang 154.
[4] Kinh Đức Chúa Thánh Thần.
[5] Kinh cầu cho các linh hồn.