Cả bốn sách tin mừng đều nhắc tới ngôi mồ trống của Chúa Kitô và ngôi mồ trống này sau đó đã trở thành cơ sở chính cho khoa hộ giáo hiện đại. Nhưng một số người cho rằng ý tưởng ngôi mộ trống được khai triển về sau của Kitô Giáo tiên khởi, nghĩa là chỉ xuất hiện nhiều thập niên sau biến cố đóng đinh vì các Kitô hữu vẫn cho rằng Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết theo nghĩa thiêng liêng, chứ không theo nghĩa đen.
Những người này cho rằng chỉ với thời gian, việc phục sinh thiêng liêng mới được giải thích là phục sinh nghĩa đen, dẫn tới ý tưởng ngôi mộ trống. Để bênh vực cho luận điểm này, họ bảo nếu không tại sao các tài liệu đầu tiên của Tân Ước không nhắc gì tới ngôi mộ trống cả?
Ta phải nghĩ gì về vấn đề này? Sau đây là một số nhận định hữu ích.
Thân xác không hư nát
Thứ nhất, Tông Đồ Công Vụ không minh nhiên nhắc tới ngôi mộ trống qua bài giảng của Thánh Phêrô trong Ngày Lễ Ngũ Tuần: "Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Ðavít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự Phục Sinh của Ðức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2:29-32).
Nhưng ta phải chú ý tới sự tương phản giữa Vua Đavít và Chúa Giêsu. Vua Đavít đã chết và được chôn trong mộ. Chúa Giêsu cũng đã chết và cũng được chôn trong một ngôi mộ, nhưng bản văn không minh nhiên nói thế.
Bản văn chỉ minh nhiên ở điều kế tiếp: mộ Đavít còn ở với chúng ta “cho tới nay”. Ngài vẫn còn được chôn trong đó. Còn Chúa Giêsu thì được “phục sinh”, Người “không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát”. Người đã được “làm cho sống lại, và tất cả chúng tôi xin làm chứng”.
Cho dù giải thích “phục sinh”, “làm cho sống lại” và “tất cả chúng tôi xin làm chứng” theo nghĩa thị kiến, trải nghiệm thiêng liêng đi chăng nữa, thì bạn vẫn chưa giải thích được việc “thân xác Người không phải hư nát”.
Nếu Chúa Giêsu vẫn còn trong mộ của Người, nghĩa là nếu mộ của Người không trống, thì xác của Người chắc chắn đã phải hư nát. Nó có thể đã hư nát chỉ vài ngày sau khi Người bị đóng đinh.
Xét cho cùng, đoạn văn này muốn đưa ra một tương phản giữa ngôi mộ không trống của Đavít và ngôi mộ trống của Chúa Giêsu.
Rồi lại có chủ trương cho rằng các tông đồ hay cử tọa của các ngài hiểu sự phục sinh của Chúa Giêsu theo nghĩa thị kiến hay trải nghiệm thiêng liêng.
Về điểm này, ta thấy các người Do Thái thế kỷ thứ nhất quả có quen thuộc với thị kiến và việc hiện ra của linh hồn người đã chết, nhưng họ không nhận diện các trải nghiệm này là phục sinh, một hiện tượng có tính thân xác.
Việc này đã được trình bày rộng dài trong tác phẩm “The Resurrection of the Son of God” của N.T. Wright. Mà nếu những người Do Thái thế kỷ thứ nhất hiểu phục sinh như một trải nghiệm có tính thân xác, thì mọi việc nhắc đến sự phục sinh của Chúa Giêsu trong Tân Ước hiển nhiên hàm nghĩa ngôi mộ trống.
Ngôi mộ trống và khoa hộ giáo
Sự kiện ngôi mộ trống của Chúa Kitô có ý nghĩa cao về hộ giáo, vì nó buộc người ta phải xem sét điều gì xẩy ra cho thân xác Chúa Giêsu, tuy nhiên, từ trước nó vốn không luôn đóng cùng một vai trò như thời ta.
Khoa hộ giáo vốn mang nhiều hình thức khác nhau trong các thời đại khác nhau. Trong thời đại hay hoài nghi của ta, một thời đại luôn thù nghịch đối với thị kiến hay phép lạ, sự trống vắng của ngôi mộ làm ta ngạc nhiên một cách mạnh mẽ. Một điều gì đó đã xẩy ra cho thân xác, điều đó là điều gì? Nếu ngôi mộ trống, ta phải giải thích điều này bằng một là phương tiện tự nhiên hai là phương tiện siêu nhiên.
Nhưng ở thế kỷ thứ nhất, một thế kỷ không thù nghịch đối với thị kiến và phép lạ, ngôi mộ trống ít chủ yếu đối với việc hộ giáo hơn. Những người như Thánh Phaolô có thể được thuyết phục tin vào sự phục sinh chỉ nhờ được thị kiến Chúa Kitô sống lại.
Những người được chứng kiến Chúa Kitô sống lại sau đó có khả năng thuyết phục người khác nhờ sức mạnh chứng từ của họ hay bằng việc nại tới lời tiên tri trong Cựu Ước, hoặc bằng việc thực hành các việc chữa bệnh hay trừ qủy cách lạ lùng. Mà quả thực, Tân Ước có ghi nhận cách các vị rao giảng tin mừng tiên khởi thuyết phục người khác bằng mọi phương tiện vừa kể.
Bởi thế, các vị trên có được những phương tiện hộ giáo phụ trội mà người của thế kỷ 21 đầy hoài nghi không thể có được. Điều này khiến ta phải tập chú vào ngôi mộ trống một cách vốn không cần thiết đối với người của thế kỷ thứ nhất.
Tại sao lại phải nói tới ngôi mộ trống?
Nếu ta xét lúc ngôi mộ trống được rõ ràng và minh nhiên nhắc tới, ta sẽ gặp sự nhắc tới này trong tất cả bốn tin mừng. Tại sao các tin mừng nhắc tới nó? Tại sao họ lại phải nhắc tới nó?
Bởi vì các tin mừng kể lại câu truyện của Chúa Giêsu và ngôi mộ trống là một thành phần trong câu truyện này.
Sách Công Vụ không phải là câu truyện về Chúa Giêsu. Nó là câu truyện về những gì xẩy ra sau thừa tác vụ của Chúa Giêsu, và do đó, ta không nên mong chờ nó sẽ thuật lại các biến cố chung quanh việc Phục Sinh đã diễn ra như thế nào y như cách Thánh Luca và các soạn giả tin mừng khác làm.
Không thánh thư nào là công trình thuật truyện cả. Chúng đều là văn chương bảo khuyên (như thư Gacôbê) hay có tính tranh cãi (như Thư Galát hay thư Do Thái) hoặc có tính mục vụ (như thư Côrintô 1 và 2) hay có tính tiên tri (như Khải Huyền). Nhưng không công trình nào thuộc loại này thuộc lối kể truyện cả, càng ít kể truyện về cuộc đời Chúa Kitô hơn.
Như thế, ta không thể mong chờ nơi chúng điều gì khác hơn là những ám chỉ qua loa về cuộc đời của Chúa Kitô.
Ngoài ra, không công trình nào trong số trên có tính giáo lý hay hộ giáo cả. Chúng không nhắm được đọc bởi người ngoại cuộc để dẫn khởi họ vào với Đức Tin Kitô Giáo và lý luận tại sao Chúa Giêsu là Đấng Mêxia hay tại sao Người đã trỗi dậy từ cõi chết.
Các diễn từ trong Sách Công Vụ có cung cấp loại tư liệu trên và như đã thấy, một trong các diễn từ của Công Vụ có nhắc tới ngôi mộ trống một cách vượt quá các ám chỉ thông thường về sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
Các công trình có tính giáo lý/hộ giáo trực tiếp hơn cả trong Tân Ước, nghĩa là các công trình được mong đợi nhắc tới ngôi mộ trống một cách minh nhiên nhất, là các sách Tin Mừng, và chính các sách này đã đi vào chi tiết của nó khi chúng thuật lại việc các tông đồ và các đồng bạn của họ học biết về Phục Sinh lần đầu tiên.
Ý nghĩa thêm vào cho Công Vụ
Mọi người đều đồng ý rằng ngôn từ trong Công Vụ, có một sự tiệm tiến, để chúng không nói tới cùng một chất liệu. Nếu nói cùng như thế, tất sẽ nhàm chán vì lặp đi lặp lại. Bởi thế, một lần nhắc tới ngôi mộ trống cũng đã đủ.
Nhưng bất kể người ta có chịu coi Công Vụ 2:29-32 là đề cập tới ngôi mộ trống hay không, thì sự kiện vấn đề này không được trình bày một cách minh nhiên như trong tin mừng Luca vẫn cho thấy tính liên quan của câu hỏi liệu có nên nhắc tới ngôi mộ trống hay không.
Sách Công Vụ không viết minh nhiên như tin mừng Luca về chủ đề này, vì nó là sách viết tiếp sau tin mừng này. Độc giả hẳn đã đọc tin mừng này trước đó rồi.
Cũng thế, các sách khác của Tân Ước đều viết cho một cử tọa “trong nhà” tức những người được giả thiết là đã biết rõ câu truyện về Chúa Giêsu, và do đó, không cần phải trình bày các luận điểm hộ giáo dựa trên ngôi mồ trống cho họ nữa.
Tóm lại, các sách này không được viết theo thể văn cần phải nhắc tới ngôi mộ trống. Những sách viết theo loại văn chương trong đó ngôi mộ trống cần xuất hiện tỏ tường, là các sách tin mừng, thì đã nhắc tới nó rồi.
Nếu ngôi mộ không trống thì sao?
Theo chứng cớ ta hiện có, phong trào theo Chúa Kitô tiếp tục sinh hoạt quanh Giêrusalem trong một thời gian. Chỉ tới khoảng thập niên 60 CN, dân chúng theo Chúa Kitô mới rời bỏ đó khi Chiến Tranh Do Thái ló dạng.
Điều này có nghĩa họ sống ngay tại đó, bên cạnh ngôi mộ của Chúa Giêsu khá nhiều năm. Xét vì người Do Thái Giáo, chứ không phải nguyên các Kitô hữu mà thôi, vốn hiểu phục sinh như một hiện tượng có tính thân xác, như thế, nếu ngôi mộ của Chúa Giêsu không trống, thì những người phê bình họ hẳn đã chỉ ra điều này rồi, còn liên tiếp chỉ ra là đàng khác.
Việc chỉ ra ấy hẳn buộc các nhà lãnh đạo Kitô giáo tiên khởi phải trả lời bằng cách minh nhiên nói rằng họ chỉ tin vào sự phục sinh “thiêng liêng” mà thôi. Hẳn họ sẽ nói: “Vâng, chúng tôi biết thân xác Chúa Giêsu vẫn ở trong mộ, nhưng Người đã trỗi dậy cách thiêng liêng từ cõi chết”.
Một câu như thế hẳn vô nghĩa đối với cử tọa Do Thái thế kỷ thứ nhất, nhưng đó là loại câu nói họ buộc phải đưa ra, phải giải thích và bênh vực, hết ngày này qua ngày nọ, trong suốt các thập niên đang được thành lập tại Giêrusalem, với ngôi mộ của Chúa Giêsu ở kế cận.
Và cả những lời về ngôi mộ không trống của Chúa Giêsu lẫn câu đáp trên đây hẳn đã được truyền lan khắp các cộng đồng Do Thái Giáo và Kitô Giáo chung quanh vùng Địa Trung Hải và Cận Đông xưa, một thế giới tiếp xúc gần gũi với Giêrusalem, như đam đông tụ tập tại đó vào ngày Ngũ Tuần đã chứng tỏ trong Công Vụ chương hai.
Nhưng ta đâu có thấy bất cứ lời nào như thế được phản ảnh trong Tân Ước hay các giáo phụ hoặc trước tác tiên khởi?
Thực vậy, ta không thấy bất cứ chứng cớ nào cho thấy ngôi mộ của Chúa Giêsu vẫn đầy. Trái lại phần lớn đều đồng ý rằng nó trống, như lời trích dẫn của tin mừng Mátthêu nói về câu truyện người ta tạo ra để nói rằng chính các môn đệ đã cướp xác Người đi, một câu truyện tin mừng này xác nhận vẫn còn được truyền tụng giữa những người Do Thái không phải là Kitô hữu “cho tới tận nay” (Matt. 28:15).
Bất kể “tận nay” là thập niên 50 CN hay thập niên 90, thì chứng cớ vẫn chỉ về thời điểm trước khi có việc lưu truyền rộng rãi tin đồn kia trong một thời gian dài và do đó đã có sự đồng thuận giữa người Do Thái và người Kitô hữu trong khoảng thời gian này về ngôi mộ trống.
Cuộc tranh cãi nào cũng để lại dấu vết
Cả hai thời điểm trên đều vẫn nằm trong phạm vi một đời người so với việc đóng đinh, và nếu câu truyện từ đầu chỉ là một vụ phục sinh “thiêng liêng”, thì hẳn vẫn còn các Kitô hữu nhớ tới nó và chắc những người này sẽ phản đối nếu có sự thay đổi.
Điều này sẽ giống như việc các một số Kitô hữu hiểu Kitô Giáo nguyên khởi chỉ như một hiện tượng bên trong Do Thái Giáo, nên đã phản đối việc Dân Ngoại được nhận gia nhập cộng đoàn Kitô hữu.
Sự kiện trên để lại một ấn tích đáng lưu ý trong nền trước tác tiên khởi của Kitô Giáo. Và ta có quyền chờ mong một điều tương tự xẩy ra đối với việc thay đổi câu truyện về việc phục sinh của Chúa Giêsu.
Nó cũng giúp những người phê phán Kitô Giáo cơ hội để lên án các Kitô hữu rằng họ đã thay đổi câu truyện về Chúa Giêsu.
Nhưng ta không thấy bất cứ cuộc tranh cãi nào về việc này cả. Nên chứng cớ, trước sau, vẫn cho thấy ngôi mộ quả đã trống.