GIÁO DỤC GIỚI TÍNH: CHÚNG TA NÓI GÌ VỚI CÁC EM

LỜI NÓI ĐẦU:

Một cách rất tự nhiên là ai cũng biết khá rõ về cơ thể của chính mình kể cả đó là bộ phận sinh dục và nếu là của người khác hay của người khác phái thì lại là một kho tàng bí ẩn gây ra nhiều tò mò.

Nếu cơ quan sinh dục được đem mổ xẻ, học hỏi một cách công khai như khi thầy giáo giảng giải về cơ thể học của bộ phận sinh dục trên một xác chết hay trên một mô hình trong phòng thực tập thì chẳng có một phản ứng phụ xì xào mà lại giúp cho hoc sinh nhớ bài tốt hơn là chỉ nói “chay”.

Bắt đầu giáo dục về giới tính tốt nhất là từ gia đình, nếp sống của cha mẹ là tấm gương cho các con, nếu cha mẹ yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, đối xử văn minh lịch sự, biết hòa hợp trong cuộc sống gia đình, biết cởi mở và chân tình với con cái thì sẽ tạo một ấn tượng tốt đẹp nơi các con.

Một chương trình giáo dục giới tính phải bao gồm nhiều nội dung: Mô học, cơ thể sinh lý học về sự phát triển của giới tính, sức khỏe sinh sản, các mối quan hệ cá nhân, tình yêu, tình dục… các biện pháp an toàn, các bệnh lây qua đường tình dục … cao hơn là bệnh lý học tình dục trong đời sống, trong lịch sử, trong văn học… Các chương trình giáo dục giới tính cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội nhất là các chuyên gia về giới tính.

Người ta thấy giáo dục giới tính hiệu quả nhất khi thực hiện trước khi trẻ bước vào tuổi hoạt động tình dục.

Một khi đã quyết định đưa giáo dục giới tính phổ biến vào xã hội vào cộng đồng nhóm cần lưu ý là phải đảm bảo tính khoa học của nó. Tức là hãy giáo dục giới tính như một môn khoa học – người phụ trách phải có kỷ năng và tri thức đầy đủ, tốt nhất là mời các BS, YS có khả năng chuyên môn trong cộng đồng đảm trách việc truyền bá kiến thức nhạy cảm này.

Khi trình bày không thể nói mập mờ khó hiểu, mà chúng ta cần đi vào thực tế nói cho đối tượng hiểu thật rõ vấn đề, hiểu thật chi tiết về chuyện tình dục..

Một chương trình về giáo dục giới tính căn bản phải gồm có:

Tại sao phải học giáo dục giới tính? – Mục đích của môn học này

Bản năng tính dục, thế nào là tình dục?

Cơ thể học bộ phận sinh dục nam và nữ

Tuổi dậy thì

Kinh nguyệt – sức khỏe và vệ sinh

Mộng tinh và tật thủ dâm

Các bệnh lây qua đường tình dục

Nhiễm HIV / AIDS

Quyết định có quan hệ tình dục hay không?

Thế nào là sự kềm chế quan hệ tình dục

Thế nào là lệch lạc tình dục…

 

NÊN HAY KHÔNG ĐƯA GIÁO DỤC GIỚI TÍNH ĐẾN VỚI TUỔI DẬY THÌ

Khi cá nhân bước vào tuổi dậy thì cũng là lúc trong con người họ có nhu cầu sinh họat tình dục. Đây là một dấu hiệu đánh dấu một cơ thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh cũng là lúc tăng trưởng bộc phát rất nhanh về thể chất và tinh thần.

Một báo cáo làm cho các bậc cha mẹ và xã hội lo lắng là tuổi quan hệ tình dục lần đầu tiên ở thanh thiếu niên là 14,2 tuổi, sớm hơn 5 tuổi so với cách đây vài năm. Tuổi dậy thì của thiếu niên cũng hạ xuống ở lứa tuổi lên 10.

Dù muốn hay không thì đó cũng là sư thật mà xã hội phải đối điện là chúng ta nên hay không đem giáo dục giới tính để hướng dẫn cho các em, giúp cho các em có một kỷ năng sống và đối phó với mọi tình huống trong lãnh vực tình dục.

Mới đây trong một hội thảo, một thông tin đã gây choáng váng cho mọi người là theo thống kê của Bộ Y tế, tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên ở nước ta trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Trong khoảng 1,2 – 1,4 triệu ca nạo phá thai hằng năm, có tới 120.000 trường hợp là trẻ vị thành niên. Ở Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có 400 ca nạo phá thai ở lứa tuổi từ 11 – 18.

Một vấn đề cấm kỵ trong bàn ăn gia đình

Trong gia đình mỗi khi bàn đến vấn đề này thì một số thành viên thường cố tình lảng tránh hoặc không muốn đề cập đến, nhất là các danh từ thủ dâm, mộng tinh, huyết trắng, giang mai, lậu, quan hệ giới tính….nhiều người cho rằng chưa nên nói nhất là trong khi có nhiều thành viên với nhiều lứa tuổi, giới tinh khác nhau như ông bà cha mẹ anh chị em… vì thế khó mà truyền đạt những kiến thức này cho giới trẻ.

Cơ hội để dạy dỗ về chuyện đó cho con cháu quả thật hiếm hoi, ông bà thì cho đó là bổn phận của cha mẹ còn cha thì cho đó là nhiệm vụ của mẹ hay ngược lại; cuối cùng thì giới trẻ thu nhận thông tin phần nhiều là không chính xác và khoa học. Từ việc tự tìm hiểu qua việc trao đổi chuyện trò với nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo… ngay cả việc tiếp xúc với các Trung tâm tư vấn trực tiếp hay qua điên thoại, email, vẫn còn rất hạn chế. Điều đó sẽ làm hạn chế kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản của giới trẻ, làm cho họ không có kiến thức và kỹ năng về tình dục an toàn và đối với con gái rất dễ có thai ngòai ý muốn và khi có thai, phần lớn phải tự giải quyết hậu quả. Điều này dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe và nếu nạo phá thai nhiều lần có thể còn dẫn đến hậu quả không lường;, còn con trai thì sa vào tật thủ dâm, quan hệ bừa bãi khi có cơ hội… có khi bị nhiễm HIV hay các bệnh lây qua đường tình dục.

Vì vậy vấn đề ở đây là trách nhiệm của người lớn và xã hội

Dĩ nhiên tốt nhất là đừng để hậu quả xảy ra rồi mới giải quyết. Chúng ta là những người lớn, những người bảo vệ và phát triển sự sống hay nói đúng hơn là những người có trách nhiệm về những đáng tiếc của con cái.

Chúng ta cần có những biện pháp “phòng bệnh hơn là chữa bệnh”.

Gia đình, cha mẹ cần quan tâm đến cuộc sống của con mình, nói cho chúng biết những tác hại khi quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên. Nhà trường phải thường xuyên tổ chức các buổi học về giáo dục giới tính cho học sinh để các em hiểu.

Xã hội phải tuyên truyền về giới tính, quan hệ tình dục an toàn và các biện pháp phòng tránh. Như vậy thì giới trẻ mới có ý thức về giới tính, mới tránh được tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Đừng để cho giới trẻ tự mày mò bơi lội giữa mớ kiến thức hỗn độn về giới tính. Sự hiểu biết của tuổi dậy thì về giới tính cũng như về các biện pháp khoa học bảo đảm an toàn tình dục là vô cùng hạn hẹp. Thực trạng nạo phá thay hiện nay đã nói lên điều đó. Việc cung cấp những kiến thức cần thiết ngay từ khi trẻ mới học cấp một cũng không phải là sớm.

Việc cấm đoán khắt khe càng làm tăng tính tò mò của chúng, nên thiết lập sự cởi mở giữa cha mẹ và con cái trong cuộc sống hằng ngày.

Hãy xem giáo dục giới tính như một môn khoa học, giáo viên phải có kỷ năng và thông suốt vần đề, phải có chương trình và sách giáo khoa, tài liệu đầy đủ. Bài giảng không thể nói mập mờ khó hiểu, mà cần đi vào thực tế nói rõ cho đối tượng hiểu, hiểu sâu hiểu rộng, hiểu thật chi tiết về chuyện tình dục.. mới tạo cho các em nhận thức được vấn đề, mới tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tất cả vì lợi ích cho xã hội và nhất là cho lứa tuổi mới lớn và để cho cuộc sống được hạnh phúc, an toàn hơn, chúng tôi quyết định biên soạn bộ sách này.

Oakland, CA Fri Mar 28, 2014