Nhóm Bông Hồng Xanh thăm Yên Bái, GP Hưng Hóa

Ngày thứ bảy, 22/3/2014, hai người nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đã từ Sài Gòn đi ra vùng núi rừng tây Bắc để chia sẻ Mùa Chay, và nơi dừng chân là giáo xứ Yên Hợp, giáo hạt Yên Bái, thuộc giáo phận Hưng Hóa.

Hình ảnh

Chúng tôi đi cùng một linh mục dòng Đa Minh và người thân của cha. Cha dòng vào miền Nam vì có việc riêng, nay trở về nhiệm sở.

Điểm dừng chân lạnh cóng

Từ Sài Gòn ra Hà Nội thì chỉ bay “vèo” hơn một giờ đồng hồ là tới nơi nhưng đoạn đường lên Yên Bái gần 200 cây số mới cam go. Xe không đi đường chính để ngang qua thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ hay thành phố Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc mà đi đường vành đai. Đường vành đai dọc sông Hồng thì quanh co nhưng ít người và xe nên anh tài xế trẻ đã chọn. 

Cảnh đẹp ở hai bên đường của miền núi rừng khá thơ mộng nhưng cái lạnh 15 độ đã làm chúng tôi tê đi cái cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên ấy, dù vậy, cũng còn đủ chạnh lòng trước cơ sở hạ tầng còn kém của dân sống vùng ven miền Bắc. Dừng chân ở quán nước bên đường, chúng tôi như vẫn sống ở giữa thế kỷ 20 làm cho một cảm xúc thương cảm đầu tiên len nhè nhẹ vào lòng.

Khi bóng tối ập xuống, con đường vắng vẻ hơn, gập ghềnh khó đi hơn, chúng tôi vừa co ro lạnh vừa có một chút sợ hãi. Đến nơi, lạnh đến nỗi ai nói chuyện miệng cũng ra khói như trong phim của Hàn Quốc làm chúng tôi thầm nghĩ không biết mình có đủ sức để sống ở vùng này mấy ngày hay không!

Các ông trùm đón phái đoàn về bằng một bữa cơm tối quây quần do chính các ông nấu. Ở đây, trong bữa cơm ai cũng có ly rượu nhỏ xíu, là rượu đế ngâm với quả táo mèo. Nếu mời cả bàn cụng ly thì khi uống xong, người mời đi quanh bàn bắt tay từng người. Đây là một tục lệ quí mến khách của người Yên Bái. Ngoài món ăn trên bàn như tim gan cật bò nấu với lá ngải hạt sen, hột vịt lộn hấp lá ngải cứu, lẩu với lá rau rừng, chúng tôi còn được giới thiệu các món ăn ở vùng này như gà đồi là gà nhà nuôi nhưng không ăn cám gạo chế biến mà thả rông trên đồi nên thịt sạch, ngon; món lợn cắp nách là con heo được nuôi 2, 3 năm mới nặng độ 7, 8 ký vì thả cho nó ăn cây lá trong rừng, sau đó “cắp vào nách” đem ra chợ bán; lạ nhất là món lẩu ngựa - ở yên Bái gọi là “thắng cố” - gồm xương, lòng của ngựa nấu thành lẩu, có cho thêm rau cải, xà lách, rau thơm trồng trên núi, đặc biệt chỉ nấu trong chảo.

Vừa dùng cơm xong, giáo dân đã đến đầy một nửa sân để chào cha xứ và “người Sài Gòn”, chúng tôi phát những lọ dầu cù là đầu tiên trong niềm vui giao lưu.

Khi muốn chia sẻ ở vùng này, chúng tôi được gợi ý nên cho bà con gạo, dầu cù là. Một tấn gạo là 600 Usd, một tấn gạo khác được qui ra tiền; còn dầu cù là chúng tôi mua ở Sài Gòn, mang mấy trăm lọ thì rất nặng như là mang cả “khối tình người”. Những ngày ở đây, có nhiều điều đáng ghi nhận, chúng tôi chỉ chọn lựa những điều cần nói. 

Quà Mùa Chay thân tình

Sau một đêm chập chờn giữa thức và ngủ, nghĩ tới mục đích là chia sẻ Mùa Chay, chúng tôi lại dậy sớm để soạn quà cho thiếu nhi Yên Hợp và phát gạo cho bà con được liệt kê trong danh sách. Giáo xứ có 12 giáo họ trên địa bàn rất rộng, những gia đình nghèo trong 12 giáo họ ấy phải đến một trong ba nơi là yên Hợp, Yên Thái và Đông Cuông mà nhận quà Mùa Chay.

Sáng sớm ngày Chúa Nhật, bỗng dưng trời mưa, tuy không to nhưng cũng đủ trở ngại cho việc đến nhà thờ của giáo dân làm chúng tôi buồn buồn trong lòng. Thánh lễ sáng Chúa Nhật làm chúng tôi được hòa vào sự sốt sắng của giáo dân miền Bắc. Cuối lễ, cha chánh xứ giới thiệu và mời chúng tôi phát biểu. “Nhóm Bông Hồng Xanh chúng con từ Sài Gòn ra đây, rất vui được sống cùng quí ông bà anh chị em ở vùng miền núi rừng giá lạnh và giao thông khó khăn thế này. Chúng con cũng hân hạnh được chia sẻ những phần quà do quí ân nhân đã trợ giúp trong tình thương Chúa Kitô. Mong quí ông bà và các cháu đón nhận, chúng con xin cảm ơn”. Sau lời phát biểu, tiếng vỗ tay vang trong nhà thờ làm chúng tôi ấm lòng. Sau lễ, nhìn các cháu vui tươi cầm truyện tranh Kinh Thánh, chen nhau để chụp ảnh quanh chúng tôi, ai mà không dâng trào lòng mến!

Xuống dãy nhà của giáo xứ để phát gạo, chúng tôi thoáng buồn vì bà con đi xe đạp đến lãnh lai rai do trời mưa lạnh. 10 kg gạo được đựng trong cái bao mỏng manh, còn tiền thì rút trong bóp ra phát trực tiếp chứ không kịp chuẩn bị phong bì, thôi đành vậy, vì luống cuống quên xấp phong bì ở nhà...Ở miền này tiền rất quí, nếu được tặng 10 kg gạovà một lọ dầu hoặc số tiền tương đương thì giáo dân rất vui.

Phát xong, chưa kịp thở thì chúng tôi phải khăn gói ngay sang một giáo họ nằm sâu trong rừng. Thật không thể tưởng tượng nổi quãng đường từ giáo xứ Yên Hợp đến giáo họ Hoàng Thắng: đường nhỏ quanh co, bùn nhão trơn trượt, một bên là vách núi cheo leo, một bên là dốc ruộng đất bở, tuy không sâu thẳm nhưng ngã xuống cũng đủ “què quặt”, có khi chết người. Vừa sợ hãi con đường, vừa sốt ruột sợ bà con giáo dân chờ, chúng tôi không còn tâm trí mà ngắm cảnh đẹp ở sâu trong rừng này, đẹp hơn phía bên ngoài rất nhiều. Khi nhìn thấy ngôi nhà thờ nổi trên màu xanh của cây rừng, lòng chúng tôi mừng húm! Thật may, bà con vẫn kiên nhẫn chờ; chúng tôi liền phát ngay trong nhà thờ, một cách nhanh gọn; sau đó mời bà con ra ngoài chụp hình cho đẹp và để có.... “nhân chứng, vật chứng”!

Có lẽ ấn tượng nhất là bữa cơm trưa với bà con ở đây. Chúng tôi dùng cơm mà ngỡ mình đang được sống cùng thời với ông bà tổ tiên ngày xưa, khi nhìn những cụ bà răng đen, vấn khăn mỏ quạ, giọng nói pha với cách chào mời rất miền Bắc. Thầy giúp xứ nói với chúng tôi: “Ăn như thế này là tiệc đấy! Còn bình thường giáo dân ở đây sống rất đơn sơ, vì họ chỉ làm nương rẫy, có ít người được khá lên vì cây quế lắm!”. Thì ra, Chúa cũng ban “đặc ân” cho vùng này – nếu ai trồng cây quế, từ 15 năm trở lên thì thu hoạch được khá tiền hơn những cây nương rẫy. Vỏ cây là quế bán theo kí –lô- gam, lá và cành thì bán cho người ta nấu thành dầu quế, còn thân xẻ ra làm giấy hoặc ván ép. Song việc đi lại khó khăn do đường trơn trượt lầy lội đã làm cho ai ở vùng này cũng có phần “nghèo đi”!

Trở lại nơi dừng chân, ngày đã sang buổi chiều. Chúng tôi không thể sang giáo họ Yên Thái phát gạo mà nhờ quí ông trùm ở đó tự phát, thôi đành bỏ lỡ một cơ hội viếng thăm. Sau đó, ngồi nghỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi lại chuẩn bị sang giáo họ khác mà phát gạo.

Phải đi khoảng 20 km mới đến giáo họ Đông Cuông. Đi bằng xe gắn máy nên cái lạnh từ sau 4 giờ chiều đã buốt vào tận trong ruột chúng tôi. Ngôi nhà thờ nhỏ nằm ngay bên đường trông có vẻ gọn gàng sạch sẽ. Ông thư ký giáo xứ ngồi ở cái bàn cuối hành lang để giáo dân có việc thì liên hệ, trông rất giản dị. Nhưng khi vào bên trong dự lễ mới thấy tất cả còn đơn sơ. Đặc biệt giáo xứ dường như không có hoặc chỉ một vài cái ghế đơn để ngồi nên khi cha chủ tế mời chúng tôi lên phát biểu cảm tưởng trước giáo dân, chúng tôi lại....gợi ý muốn cho ghế ngồi! Một số giáo dân gật gù, còn quí ông trùm gật đầu lia lịa. 

Nói là làm; sau khi phát gạo cho bà con xong, chúng tôi tiến hành đi mua ghế. Vui nhất là một giáo dân tình nguyện mang....xe tải của gia đình chở chúng tôi ra chợ mua ghế và chở về nhà thờ. Chúng tôi rời Đông Cuông trong lúc trời tối nhưng đã bớt rét, có lẽ vì hoàn thành công việc nên chúng tôi không còn lo lắng và thấy lòng bỗng ấm lại. Chúng tôi kết thúc một ngày Chúa Nhật tốt lành.

Ngày sau cùng ở Yên Bái

Sáng ngày thứ hai, chúng tôi đến giáo xứ Mậu Đông để tặng quà cho đồng bào dân tộc Dao. Trên đường đến đây, chúng tôi cứ nghĩ làng dân tộc sẽ sống quây quần trong một khu vực như ở miền Nam. Nhưng không, mọi người tập trung ở xã, để nhận 10 kg gạo được qui thành tiền mà chúng tôi để trong phong bì. Chính quyền xã mời chúng tôi vào uống nước và giải thích rằng đây là vùng rừng núi nên người dân tộc ở rải rác sâu hút bên trong núi nên Ủy ban xã đã nhờ trưởng thôn đi báo cho bà con tập trung tại đây chờ đoàn đến phát gạo. 

Thế là chúng tôi phát cho bà con một cách nhanh gọn; sau đó đi xe đến mấy cây số nữa mới đến đầu làng dân tộc thăm một số nhà tượng trưng. Trên đường vào núi, chúng tôi gặp gỡ nhiều người sinh sống ở đây: một cô giáo cùng hai tốp học sinh đang đến trường, cứ đi đến gần trường thì các em dừng lại rửa chân ở dưới suối; một chị trồng rau bên đường, một bà đi kiếm bông chít để người ta bó thành chổi hay một thanh niên đi chở cỏ bẽm về cho trâu ăn...Quả thật, chúng tôi không thể đi xa hơn nữa. Một bức tranh vùng sâu vùng xa miền Bắc đã rõ nét trong cái nhìn của chúng tôi.

Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi thực hiện phần cuối của chuyến công tác là thăm các bệnh nhân trong giáo xứ Yên Hợp. Thật bất ngờ khi ông trùm đưa ra danh sách có đến 30 gia đình có hoàn cảnh rất đáng thương, nhưng chúng tôi chỉ đến thăm được 12 gia đình, vì nếu đi hết 30 gia đình, chúng tôi....trở thành “bệnh nhân” vì đường đi khúc khuỷu, nhà nọ các nhà kia bằng con đường hẻm hóc. Này là nhà một thanh niên mới 26 tuổi đi chặt cây cọ mướn bị trượt chân ngã rồi bị liệt, hiện chỉ có ông bố 82 tuổi chăm sóc tại chỗ. Kia là một chị bị tâm thần nhẹ chẳng biết làm gì mà sống. Có hai mẹ con bà kia, con thì bị lao ruột còn mẹ thì đau bao tử. Có bà cụ 83 tuổi chẳng còn người thân, hàng xóm cho cái gì thì sống cái ấy..... 

Chúng tôi trở về nhà xứ để dùng cơm tối mà thấy lòng nhẹ nhõm vì công tác chia sẻ Mùa Chay đã hoàn thành. Trong những ngày ở đây, cứ mỗi lần dùng cơm là chúng tôi, cha và quí thầy, các ông trùm, chị bếp đều cười rôm rả. Vùng quê vắng vẻ, cứ mỗi lần có khách đến là lại đua nhau nói đùa, riêng chúng tôi không ăn được nhiều vì. ...cười! Cha xứ còn nói: “Chị về miền Nam rồi đừng điện thoại ra mắng chúng em nhá vì cho hai chị ngủ chung một cái giường bé tí, cho ăn cơm không được dẻo mềm....”. Chúng tôi trả lời: “Con không ăn chay được, bốn ngày ở đây là....chay tịnh lắm rồi! Đâu còn phàn nàn gì nữa!”. Chúng tôi không ngờ rằng đi ra chia sẻ tại miền Bắc tuy có thiếu tiện nghi nhưng mà vui vì ở ngoài này hiếu khách quá.

Chúng tôi rời Yên Bái sau bốn ngày trú ngụ. Đi ra Hà Nội bằng chiếc xe ô tô khách cũ kỹ trên tuyến đường chính có những đoạn xóc ổ gà làm người nảy tưng lên. Được đi qua thành phố Việt Trì khá đẹp của tỉnh Phú Thọ và ngắm nhìn vùng đồng bằng sông Hồng của tỉnh Vĩnh Phúc cảm thấy thú vị nhưng khi đến bến xe Mỹ Đình thì nhừ cả người rồi. 

Chuyến bay đêm về Sài Gòn không chỉ có tiếng rất êm của động cơ máy bay mà còn có cả lời cảm tạ trong lòng chúng tôi sau một chuyến công tác tốt đẹp, và hơn nữa là một gạch nối giữa nhóm Bông Hồng Xanh với miền rừng núi tây bắc Việt Nam đã được hình thành.