Anh chị em thân mến,
Cho tôi được bắt đầu bằng một câu chuyện ngắn. Vào khoảng năm 1921, một làng Công Giáo nhỏ bé cử hành lễ Phục Sinh. Nhiều người không phải Công Giáo cũng đi lễ với họ hàng và bạn bè của họ. Một bà lão, một người ngoại đạo, bỗng đột ngột chết. Mọi người trong làng ai cũng yêu mến bà, mọi người đều là chỗ thân thiết của bà, nhiều người lại còn là họ hàng với bà.
Lúc ấy vấp phải một vấn đề: Sẽ chôn cất bà cụ ở đâu? Đấy là vùng đất Công Giáo và luật Hội Thánh chỉ cho phép chôn những người đã Rửa Tội trong Hội Thánh Công Giáo trong đất thánh nghĩa trang Công Giáo – ngặt thay đây lại là nghĩa trang duy nhất trong khu vực. Chôn cất bà cụ ở đâu đây ? Cuối cùng mọi việc cũng được dàn xếp. Ban Hành Giáo quyết định cho chôn bà ngay bên ngoài hàng rào nghĩa trang. Người ta cứ thế được tiến hành. Tuy nhiên, tối hôm đó Cha Sở và ba giáo dân lặng lẽ ra nghĩa trang, dời hàng rào để phần mộ của bà cụ thân thương được nằm trong khuôn viên đất thánh.
Đấy là cách hành xử của Chúa Kitô và người Kitô hữu cũng phải hành xử như thế -- di dời hàng rào, phá đổ các bức tường ngăn cách. “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa hoà giải thế gian với chính Mình và đã ban cho chúng tôi sứ vụ Hoà Giải.” “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đưa tay ôm choàng lấy thế gian và ghì chặt vào lòng vào mình.”
Xin chúc mọi người đại lễ PHỤC SINH TRÀN ĐẦY HÂN HOAN.
Lễ Phục Sinh đến như một bình minh. Sứ điệp của lễ Phục Sinh thấm đậm niềm hy vọng. Ngay cả những đêm dài nhất cũng kết thúc trong bình minh. Mọi đau khổ của con người đều có lúc hết hạn. Ngọn hải đăng của hành trình nhân loại là hy vọng. Hôm nay chúng ta mừng niềm hy vọng ấy trong Mùa Phục Sinh. Cuộc đời và sự sống không phải là một giấc mơ hão huyền. Chúa Kitô là sự sống. Ngài đã phán: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống.” Chúng ta khẳng định niềm hy vọng ấy, niềm hy vọng đặt nơi Thiên Chúa hằng sống, Đấng Emmanuel trong cuộc đời chúng ta hôm nay.
Đối với chúng ta, người dân đất nước Myanmar, phục sinh không chỉ là một giáo điều hay một hành vi đức tin. Chúng ta đã đi Đàng Thánh Giá của chúng ta suốt năm thập niên qua. Đàng Thánh Giá của chúng ta, chúng ta không đi hết trong một ngày. Nó kéo dài suốt 50 năm đằng đẳng và tàn khốc.
Một đất nước chịu đóng đinh và chịu treo trên cây thập tự của bất nhân.
Vâng. Đất nước này đã trải qua nỗi đau thật khủng khiếp! Lúc bóng tối của vô nhân đạo bao trùm đất nước vô tội này trong những năm 60, những người con trai con gái của “đất nước cầu vồng” này đã chịu đóng đinh vào cây thập tự của bất công. Một cây thập tự trên đó những thủ hạ bóng tối đã tàn bạo đóng năm mũi đinh là độc tài, chiến tranh, cướp đất, nghèo khó và bóc lột.
Đế quốc Rôma đã bị quấy rầy do những câu chuyện và Tin Mừng của một nhà truyền đạo lang thang tên là Giêsu và họ đã chọn giải pháp đóng đinh Ngài vào cây thập tự. Một số phận tương tự chờ đợi hàng ngàn thanh niên thiếu nữ của chúng ta, những người đấu tranh cho “một mẩu công lý”. Hàng trăm người đã chết trên cây thập tự. Chúng ta là một dân tộc của Thứ Sáu Tuần Thánh, không có được niềm hy vọng của Thứ Bảy Tuần Thánh và Phục Sinh là một giấc mơ xa vời.
Nhưng hôm nay trên đất nước chúng ta đã xuất hiện những tia hy vọng. Lúc những tia hy vọng ấy bừng sáng, chúng ta cần nhìn lại và thưa, “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại, Danh Ngài là thánh” (Lc 1,40).
Một cấp lãnh đạo mong muốn thử nghiệm một thể chế dân chủ tiệm tiến, một quốc hội trong đó nhiều quan điểm khác biệt được bàn thảo, một giới truyền thông đang từng bước tỏ ra mạnh dạn hơn, năng động hơn, một không khí cởi mở hơn đối với xã hội dân sự - tất cả đều báo hiệu một bình minh tươi sáng hy vọng trên đất nước này. Hy vọng được nuôi dưỡng trong trái tim hàng vạn con người đang chờ đến điểm hẹn của vận mệnh.
Chúng ta hy vọng và cầu nguyện rằng đây sẽ không phải là một bình minh ảo. Chúng ta đã quá quen với các thứ bình minh ảo. Trái tim chúng quặn thắt khi thấy các thế lực của bóng tối đang cạnh tranh quyết liệt với các con đường hy vọng trên đất nước Myanmar đổi mới. Đang có những dấu hiệu của một cuộc đóng đinh khác nữa với năm mũi đinh mới:
- đất của dân bị các cá nhân và công ty được chính quyền bảo kê cướp đoạt
- hận thù tôn giáo bị các phong trào phát xít mới thổi bùng bằng luận điệu khích động
- bước tiến ngạo mạn của một nền kinh tế tân tự do vô cảm
- xung đột tiếp diễn ở các vùng dân tộc thiểu số và làng mạc bị di tản
- một nền kinh tế hào nhoáng chỉ phục vụ cho người giàu và người quyền thế
Các mũi đinh xem ra đã sẵn. Ai sẽ là nạn nhân? Ai sẽ là con chiên chịu sát tế?
Chúng ta đang đi tìm Phục Sinh trong ngôi mộ hay chúng ta lại đang đi những bước đầu tiên của một Đàng Thánh Giá mới, dẫn đến một Núi Sọ khác nữa? Đất nước Myanmar đổi mới đang cưu mang niềm hy vọng được hình thành qua sự hy sinh của hàng vạn con người, hay sắp phải chịu cảnh xảy thai công lý? Chúng ta đang ở giữa những cơn đau để sinh hạ một đất nước mới vào lúc đại lễ Phục Sinh bừng lên cho chúng ta.
Những vấn nạn nhức nhối này có thể tạo ra bóng tối giữa ban ngày trên đất nước chúng ta!
Nhưng chúng ta là Dân tộc Phục Sinh.
Chúng ta đặt niềm tin vào hy vọng. Chúng ta đặt niềm tin vào tính bản thiện của con người Myanmar. Chúng ta đặt niềm tin vào một đất nước trẻ trung với 40 phần trăm dân số dưới 25 tuổi, đầy tràn mộng ước và nóng lòng tìm lấy chỗ đứng của mình trên diễn đàn quốc tế, một chỗ đứng mà đáng lẽ họ đã phải có từ lâu.
Làm sao tránh được một bình minh ảo khác nữa trên đất nước này?
Con đường Chúa Giêsu chỉ ra là con đường duy nhất. Đấy là con đường hoà giải. Sứ điệp trung tâm của đại lễ Phục Sinh là hoà giải. Niềm hy vọng đang dâng lên trong trái tim của mỗi người công dân cần được gắn kết qua hoà giải.
Hoà giải là sứ điệp trung tâm của Kitô giáo.
“Thiên Chúa đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi sứ vụ hoà giải”. Người Kitô hữu có một nhiệm vụ đặc biệt để làm công việc hoà giải. Đại lễ Phục Sinh trao cho mỗi người chúng ta nhiệm vụ tiếp tục loan truyền sứ điệp hoà giải này. Th. Phaolô nói: “Thiên Chúa trao cho chúng tôi sứ vụ hoà giải” (2 Cr 5,18). Toàn thể sứ điệp hoà giải tập trung vào tình yêu của Thiên Chúa và sự chết của Đức Kitô. Th. Phaolô nhắc cho chúng ta rằng: “Thiên Chúa chứng tỏ lòng Ngài yêu thương chúng ta qua việc Đức Ki-tô đã chịu chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5,8).
Một sự trùng hợp lý thú – Lễ hội Tạt Nước và đại lễ Phục Sinh
Tuần này người dân Myanmar mừng đại lễ Thingyan. Đây là mùa để hân hoan. Đây là mùa để dân tộc chúng ta hoà giải. Trong một tuần lễ nhộn nhịp vui đùa, người giàu cũng như người nghèo, người địa vị cao cũng như người thấp hèn, kẻ có quyền cũng như người dân đen, người sắc tộc Bama đa số hay người các dân tộc thiểu số, tất cả sẽ tạt nước lên nhau như tặng nhau món quà sự sống. Đại lễ này là một đại lễ hoà giải ngay cả dưới các thời kỳ độc tài. Năm nay tuần lễ Phục Sinh lại trùng với tuần lễ Thingyan, qua đó cho thấy rõ hơn giá trị phổ quát và bền bỉ của sứ vụ hoà giải. Lễ hội Tạt Nước và đại lễ Phục Sinh, cả hai đều diễn đạt một công cuộc tái tạo, một nhân loại được rửa sạch mọi tội lỗi và hận thù.
Mọi người được tái sinh làm anh chị em. Một sứ điệp thật ý nghĩa cho đất nước Myanmar trong năm 2014 này!
Th. Phaolô vui mừng với chúng ta khi tất cả chúng ta được nên mới: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người” (2 Cr 5,17-20).
Đại lễ Phục Sinh tác động như thế nào đến đời sống thực tế của chúng ta? Đây là mùa của Hoà Giải.
Hoà giải với bản thân: Mùa Chay kết thúc sau bốn mươi ngày hãm mình. Trong bốn mươi ngày ấy chúng ta tưởng nhớ các biến cố nền tảng trong Kinh Thánh. Chúa Kitô, Đấng đến cứu chúng ta, chính Ngài cũng chịu ma quỉ cám dỗ bốn mươi ngày trong hoang địa (x. Mt 4). Chúng ta được kêu gọi hãy thanh tẩy bản thân khỏi mọi hướng chiều về sự dữ. Như Th. Phaolô phải đấu tranh giữa luật của xác thịt và luật của thần khí (x. Rm 7,8) chúng ta cũng đang phải đấu tranh giữa thiện và ác. Tội lỗi rình rập ngay trước cửa nhà (x. St 4,8) để tiêu diệt chúng ta. Nó làm cho các mối tương giao đổ vỡ và khiến con người phải sống trong lo âu phiền muộn. Chúng ta được mời gọi hàn gắn mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, giống như người con hoang đàng trở về với cha. Đây là lúc chúng ta trở về với Thiên Chúa.
Hoà giải trong gia đình: Chúng ta là một cộng đồng. Chúng ta thờ phượng một vị Thần sống cộng đồng giữa Cha, Con và Thánh Thần. Đời sống chịu nhiều thử thách nhất hiện nay là đời sống gia đình và việc cam kết gắn bó với nhau cho đến trọn đời. Sách Sáng Thế chúc lành cho hôn nhân với những lời tuyệt diệu sau: “Họ không phải là hai, nhưng là một” (St 2,14). Thế giới ngày nay đặt ra nhiều thách thức đối với các gia đình. Lễ Phục Sinh mang lại hy vọng rằng các gia đình chia rẽ sẽ tìm cách hoà giải và nhận được nguồn cảm hứng nơi Thánh Gia Thất.
Hoà giải với nhau, đặc biệt với những người thù địch: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét bỏ anh em” (x. Mt 5,38-42). Sứ điệp của Chúa Giêsu đã là nguồn cảm hứng cho hàng vạn con người, trong đó có Gandhi, Martin Luther King Jr. và nhiều nhà lãnh đạo của chính đất nước chúng ta. Th. Phaolô khích lệ chúng ta nhớ rằng tất cả chúng ta cùng là thân thể Chúa Kitô. Niểm hy vọng bừng lên trong trái tim mỗi công dân Myanmar khi thấy chính quyền và các nhóm dân tộc thiểu số đã ngưng bắn và đạt được thoả thuận sơ bộ để giải quyết các tranh chấp đã hoành hành trên đất nước này suốt sáu thập niên vừa qua.
Hoà giải giữa các cộng đồng dân tộc Myanmar: Th. Phaolô nhắc nhở rằng chúng ta tất cả đều là thành phần thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, mỗi người là một chi thể của cùng một thân thể (x. 1 Cr 12:12-30). “Chúng ta là anh chị em của nhau” trên đất nước vĩ đại này. Theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô, nếu không có thái độ này sẽ không thể có hoà bình trên thế giới. Việc phân đôi trong lịch sử đất nước này với một bên là sắc tộc Bama đa số đòi nắm giữ hết mọi quyền lợi và một bên là các sắc tộc khác bị đẩy vào tư thế không có gì đã làm nẩy sinh chiến tranh, bạo động và đau khổ khôn cùng cho hết mọi người. Chúa Kitô Phục Sinh đem lại một sứ điệp duy nhất: “Bình an cho anh em” (Lc 24,36).
Đức Thánh Cha Phaolô đã cụ thể hoá sứ điệp bất diệt của Chúa Kitô khi nói: “Nếu các bạn muốn hoà bình, hãy hành động vì Công Lý”. Trong các vùng dân tộc thiểu số, người dân thiếu thốn Công Lý. Vì ích lợi chung, mọi bên liên qua cần chuyên tâm thực thi Công Lý, sao cho người dân được hưởng Công Lý. Thiên Chúa của Cựu Ước và Thiên Chúa của Phục Sinh lấy Công Lý làm nền tảng cho vương quốc của Ngài. Chúng ta cần khôi phục Công Lý, chúng ta cần trở về với hoà giải trong đất nước gồm 135 cộng đồng dân tộc này. Sự khác biệt làm tăng phẩm giá của đất nước. Chúng ta hãy tôn trọng và hoà giải.
Hoà giải với thiên nhiên. Đối với một đất nước được trời ban cho nhiều tài nguyên, sáu mươi năm vừa qua đã chứng kiến một trong những tội ác hãm hiếp thiên nhiên tệ hại nhất. Khi nền kinh tế tự do bùng phát với các công ty thân cận chính quyền, với tư cách là một dân tộc và một đất nước chúng ta có nhiệm vụ phải bảo vệ nguồn tài nguyên - nước, rừng và đất đai của chúng ta. Chúng ta cần được hoà giải với thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng.
Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta về bổn phận nặng nề của chúng ta: như Ngài đã hoà giải chúng ta với Ngài bằng việc tha thứ, chúng ta cũng phải đi và tìm cách hoà giải với những người có lỗi với chúng ta. Noi gương Chúa, chúng ta phải tha thứ cho những ai đã làm hại chúng ta, đã làm chúng ta phải đau buồn, đã làm chúng ta phải tồn thương! Giống như Thiên Chúa đã đi bước trước trong việc tha thứ cho chúng ta – chúng ta cũng phải đi bước trước trong việc tha thứ cho người khác. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta tha thứ cho họ trong lòng và đồng thời tỏ cho họ thấy là chúng ta đã tha thứ trong cách sống của chúng ta. Chúng ta sẽ bắt đầu lấy tinh thương đối xử với họ như thể họ chưa từng bao giờ làm hại chúng ta. Hoà giải với người lân cận là kết quả trực tiếp của sự tha thứ. Không có tha thứ thực lòng, không thể có hoà giải chân chính.
Nhưng càng suy nghĩ về điều này, tôi càng thấy tâm đắc. Thực tập làm Thiên Chúa. Hãy nghe câu 16: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa” (2 Cr 5,16). Thánh nhân đang nói đến việc thực tập làm Thiên Chúa – không còn nhìn người khác theo quan điểm loài người, nhưng từ quan điểm Thiên Chúa. Và khi chúng ta có được cách nhìn ấy, sứ vụ Hoà Giải sẽ tự động tiếp nối.
Thế thì lúc nào chúng ta giống Chúa Kitô nhất? Chúng ta giống Chúa Kitô nhất khi chúng ta làm điều Ngài đã làm khi trao tặng món quà tình yêu quá sức hào phóng trên đồi Canvariô – tha thứ. Nhân loại tiến bước nhờ vào những con người, nam cũng như nữ, xây dựng lại.
Trước khi kết thúc lá thư này, cho tôi đề nghị một việc làm nhỏ bé và cụ thể để biến chúng ta thành những sứ giải của Thiên Chúa. Anh chị em hãy ủng hộ một cuộc vận động mới được gọi là Panzagar, hay “Nói lời nở hoa” do một blogger Myanmar, Nay Phone Latt, khởi xướng trong tháng này nhằm ngăn chặn những luận điệu hận thù đang lan tràn tại Myanmar, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ngay cả những Phật tử bình thường cũng đang dần dần mang thành kiến nặng nề chống lại người khác. Vì thế, nếu có xảy ra bất cứ điều gì, họ luôn luôn phản ứng bằng bạo lực. Do đó tôi nghĩ chính quyền cần có hành động ngăn chặn luận điệu xúi dục hận thù. Cho đến nay chính quyền các cấp chưa có một tuyên bố nào về loại luận điệu này.
Tóm lại sứ điệp Phục Sinh của tôi là: kêu gọi lòng khoan dung tôn giáo tại Myanmar. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần phải thuyết giảng về những điều tốt lành trong tôn giáo của mình để lôi cuốn người khác. “Thuyết giảng về những điều tốt lành trong tôn giáo của mình, thuyết giảng về sự thiêng liêng thánh thiện trong tôn giáo của mình là điều cần được nhấn mạnh, chứ không phải bài bác tôn giáo khác. Nếu có thái độ kính trọng đối với tôn giáo khác, chúng ta quảng bá cho chính tôn giáo của mình. Vận mệnh của chúng ta là hiệp nhất trong đa dạng. Sự khác biệt làm tăng phẩm giá – không phải là một hiểm hoạ. Tất cả chúng ta đều là con dân của đất nước vĩ đại này”.
Dân tộc nào trân trọng Khác Biết sẽ gặt được thành quả là hoà bình và thịnh vượng. Dân tộc nào gieo rắc hận thù sẽ bị cuốn trôi trong vòng xoáy của chiến tranh và mất cửa tan nhà. Chúng ta sẽ không cho phép một nhúm người thiển cận lấy danh nghĩa bảo vệ đất nước để bóp chết các ước vọng của một dân tộc non trẻ, đang tràn đầy hy vọng vào một bình mình xán lạn. Hận thù không có chỗ trong một
Vận mệnh của đất nước Myanmar là Hoà Bình và Thịnh Vượng. Hãy cùng nhau tôn vinh sự đa dạng của đất nước cầu vồng này. Hãy chọn sự sống!
Một lần nữa, chúc anh chị em ĐẠI LỄ PHỤC SINH ĐẦY HOAN LẠC.
+ Tổng Giám Mục Charles Bo,
Yangon. Myanmar