Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, tín hữu Việt Nam vui mừng trước biến cố Đức Gioan Phaolô II được tuyên phong hiển thánh vào ngày 27/4/14. Ngài không những là ân huệ lớn lao Chúa đã ban cho thế giới mà còn là một ân nhân đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Với tình thương bao la, ngài luôn dành cho Việt Nam một chỗ đầy ưu ái trong trái tim rộng mở của ngài.
Đúng nghĩa một lãnh tụ tinh thần, với vũ khí là Lời Chúa, sự thật và phong trào quần chúng bất bạo động, ngài đã làm thay đổi lịch sử thế giới, khiến công luận gọi ngài là "lương tâm của thế giới", "con người của thế kỷ". Là mục tử của một tỷ tín hữu, ngài không ngần ngại thẳng thắn lên tiếng trước các nguy cơ suy đồi luân lý và phô bày tấm lòng thao thức của ngài trước những đàn áp bất công mà nhiều dân tộc đang phải gánh chịu, trong đó có Việt Nam.
Ngay khi vừa mới đăng quang giáo hoàng năm 1978, với một xúc động mãnh liệt trước cao trào thuyền nhân Việt bỏ nước ra đi, ngài đã mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi thế giới cứu giúp người tỵ nạn. Trong dịp thăm viếng các quốc gia vùng Đông Nam Á, ngài đã hiện diện trong các trại tạm cư để vỗ về an ủi và xoa dịu sự cô đơn của những thuyền nhân đói khổ, cũng như nhằm gây sự chú ý của lương tâm thế giới trước thảm cảnh thời đại.
Chính ngài đã làm gương trong nổ lực đón tiếp người tỵ nạn bằng việc bảo trợ một gia đình Việt Nam đến tạm trú tại Vatican. Khi được một thương thuyền Thổ Nhĩ Kỳ vớt lên nơi Biển Đông tháng 5, 1978, gia đình ông Nguyễn Thành và các bạn cùng chuyến ghe vượt biên từ Cửa Hàn, Đà Nẵng, được đưa đến Djibouti, Phi Châu. Trong 15 tháng tạm trú tại đây, nhóm 11 người gần như tuyệt vọng giấc mơ định cư tại một quốc gia Tây Phương. Thế rồi bất chợt họ được đưa về Rôma, trú ngụ trong một căn chung cư nơi khuôn viên Tòa Thánh Vatican, không xa văn phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng. Sau ba tháng ở đây, cả gia đình được sắp xếp đi định cư tại Hoa Kỳ.
Chỉ sau ít năm trên ngôi vị giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm một người Việt Nam, Đức Ông Vincent Trần Ngọc Thụ, làm thư ký riêng cho ngài. Ở cương vị nầy, đức ông Thụ giúp Đức Thánh Cha các công tác thường ngày, một sự gần gũi đặc biệt, và theo lời đức ông khi sinh tiền đã thuật lại, "việc bổ nhiệm nầy là để ngài nhớ đến đất nước Việt Nam".
Ngày 22/6/1987, Đức Gioan Phaolô II đã châu phê nghị quyết phong thánh các chân phước tử đạo Việt Nam. Và một năm sau, ngày 19/6/1988, trước sự hiện diện đông đảo các tín hữu khắp năm châu, gồm cả khoảng 10 ngàn người Việt, ngài đã chủ tọa đại lễ long trọng tôn phong 117 anh hùng tử đạo lên hàng hiển thánh. Đây là một biến cố quan trọng vô tiền khoáng hậu cho Việt Nam, làm nức lòng các tín hữu, nhất là những người đang ở trong lòng Giáo Hội thầm lặng bị bức hại cấm cách sau bức màn tre cọng sản. Nhà nước Việt Nam cực lực phản kháng, cấm việc cử hành trong nước và khước từ cấp chiếu khán cho bất kỳ một giám mục nào qua Rôma dự lễ.
Trong bài giảng thuyết đại lễ phong thánh, sau khi mở lời chào Giáo Hội Việt Nam, "mặc dầu trùng dương cách biệt nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi" ngài ngỏ lời cùng dân tộc Việt Nam, "Dịp nầy, tôi xin gửi lời chào thân ái tới toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng: cả Giáo Hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quý quốc được trăm phần an lành..."
Là người đến từ quốc gia cọng sản, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II am hiểu sự hà khắc của thể chế độc tài và đặc biệt quan tâm tình trạng ngược đãi các tín hữu và mục tử. Trong nhiều lần, ngài công khai lên tiếng yêu cầu Việt Nam tôn trọng nhân quyền và phản đối sự bức bách của nhà nước đối với các giám mục, linh mục và tín hữu. Ngoài các vận động hậu trường, ngài đã không ngần ngại công khai nhắc đến trường hợp các Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Kim Điền bị tù đày chèn ép và yêu cầu nhà nước trả tự do cho họ.
Chính khi Đức Tổng Thuận bị tống xuất khỏi Việt Nam, Đức Gioan Phaolô II đã mở rộng vòng tay đón tiếp và cắt cử vị giám mục cựu tù làm việc trong giáo triều Rôma. Ngài bổ nhiệm Đức Tổng Thuận vào một công việc hết sức ý nghĩa là đảm đương một bộ của Giáo Triều Vatican: Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình. Ở cương vị nầy và với những chứng từ cá nhân hùng hồn, Đức Tổng Thuận đã nhiệt tình hoạt động, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người để cổ võ hòa bình và công lý cho toàn thế giới.
Vào ngày 15/12/1999 Đức Gioan Phaolô II đã làm Đức Tổng Thuận bối rối và ngạc nhiên khi ngài nói, "Năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, một người Việt Nam sẽ giảng tuần tĩnh tâm cho giáo triều Rôma." Và ngài tiếp, "Đức Cha đã chọn đề tài nào chưa?" Kết quả là, qua biến cố giảng phòng lịch sử, các mẩu chuyện cuộc sống tù đày của Đức Tổng Thuận đã được loan truyền khắp thế giới. Hai mươi hai bài tĩnh tâm cho Giáo Triều Rôma về sau được in lại trong tập sách "Chứng Nhân Hy Vọng" và đã phiên dịch ra nhiều thứ tiếng.
Ngày Đức Tổng Thuận được tấn phong Hồng Y, trong khi bước lên để nhận mũ và nhẫn Hồng Y, Đức Thánh Cha đã hai lần thốt lên, "Việt Nam!" "Việt Nam!", một cử chỉ ưu ái đối với dân Việt mà khi sinh tiền Đức Hồng Y Thuận đã nhiều lần nhắc lại. Trong thánh lễ an táng trước linh cửu Đức Hồng Y Thuận tại Vatican, Đức Giáo Hoàng đã hiện diện để bày tỏ tình hiệp thông sâu xa với Giáo Hội Việt Nam và phân ưu với dân tộc Việt Nam. Ngài nói, "Tôi nghĩ đến Giáo Hội Việt Nam yêu quí, nơi Đức Hồng Y đã sinh ra trong đức tin, và tôi cũng nghĩ đến toàn thể dân tộc Việt Nam, mà Đức Hồng Y đáng kính đã công khai nhắc đến trong chúc thư thiêng liêng và khẳng định tấm lòng luôn luôn yêu mến".
Là một con người nhạy cảm, Đức Gioan Phaolô đã luôn tận dụng mọi cơ hội để bày tỏ tình liên đới và tình thương của ngài với dân Việt khi gặp cảnh thiên tai hoặc qua các biến cố. Trong dịp tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1993 tại Denver, Colorado, ngài đã dành cho trên 10 ngàn tín hữu Việt Nam tại Hoa Kỳ một cuộc tiếp xúc riêng tại sân vận động trường thành phố. Ngài thành lập Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Việt Nam Hải Ngoại tại Rôma để đặc biệt chăm sóc đời sống đức tin và mục vụ cho các tín hữu Việt Nam hải ngoại, một cơ chế được thấy hiếm hoi nơi các sắc dân khác. Ngài bổ nhiệm một giám mục gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ là Đức Cha Mai Thanh Lương, và một Tổng Giám Mục người Việt phục vụ trong ngành ngoại giao với cấp bậc sứ thần, là Đức Tổng Nguyễn Văn Tốt.
Trong khi am hiểu sâu xa vô vàn khó khăn các vị mục tử phải gánh chịu trong một quốc gia độc tài đàn áp, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã không ngần ngại thúc giục các giám mục can đảm nêu gương chứng nhân đức tin, và ra sức hoạt động đối thoại để mang lại các thay đổi tích cực cho xã hội. Nhân chuyến Ad Limena viếng thăm Mộ Các Thánh Tông Đồ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Giáo Đô La Mã vào đầu năm 2002, ngài đã tán thành việc lên tiếng đòi hỏi nhân quyền và cám ơn "sự kiên vững và chứng từ can đảm" của các giám mục Việt Nam. Vừa căn dặn các giám mục, "sứ mạng truyền giáo phải luôn luôn hướng dẫn những chọn lựa căn bản mà anh em cần thực hiện... và không ngừng đối thoại", ngài vừa kêu gọi mọi người dân Việt, không phân biệt tôn giáo, "dấn thân một cách trung thực để làm tăng trưởng con người và xây dựng một xã hội công bằng, liên đới, và chân thật" cũng như kêu gọi nhà nước "hoàn toàn tôn trọng sự độc lập và tự chủ của Giáo Hội".
Một cử chỉ ưu ái bất ngờ cho Giáo Hội Việt Nam là Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn được nâng lên thành Tòa Hồng Y, một vinh dự đầy ngạc nhiên vì so với các quốc gia khác như Phi Luật Tân, hoặc Đại Hàn, Việt Nam thua kém về số tín hữu hoặc tỷ lệ. Chính Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, trước sự bổ nhiệm nầy, trong một trả lời báo chí đã cho biết, ngài "như trên trời rơi xuống" vì quá bất ngờ. Quyết định nầy làm cho người ta hiểu rằng Đức Thánh Cha mong muốn vị lãnh đạo Công Giáo tại thành phố trù phú và đông dân cư nhất Việt Nam nầy có một uy thế đặc biệt để đối tác với nhà cầm quyền và tiếng nói trọng lượng hơn đối với quần chúng trong cũng như ngoài nước.
Hai tháng trước khi ngài tạ thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vinh thăng Đức Cha Ngô Quang Kiệt, một giám mục trẻ vừa ngoài 50 tuổi, làm Tổng Giám Mục Thủ Đô Hà Nội, và bổ nhiệm một tân giám mục phụ tá cho Tổng Giáo Phận Huế. Trong vài ngày cuối đời, ngài còn có một cử chỉ cho Giáo Hội Việt Nam là chấp nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Huỳnh Văn Nghi và bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Thanh Hoan làm giám mục chính tòa Giáo Phận Phan Thiết. Chắc hẳn khi châu phê các sắc lệnh bổ nhiệm nầy, hai tiếng Việt Nam đã được ngài nhắc đến như là niềm tưởng nhớ ưu ái trước khi giã từ trần thế.
Là người Việt Nam, cùng với các tín hữu khắp nơi trên thế giới, trước hồng phúc vinh thăng hiển thánh của vị giáo hoàng rất mực khả kính, thánh thiện, chúng ta không khỏi cảm xúc vui mừng. Ngài lìa khỏi thế gian, nhưng gương sáng của ngài vẫn ở lại. Là con người đức tin, chúng ta tin rằng ngài đã được một nơi cư ngụ vĩnh viễn trên trời, làm người bầu cử cho nhân loại, cho dân tộc Ba Lan và Việt Nam mà ngài hằng luôn yêu mến.
Lúc sinh tiền, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ao ước nhưng chưa được thực hiện chuyến viếng thăm Việt Nam, "một đất nước cao quý và kiên cường"; nhưng ý Chúa nhiệm mầu, vì qua trở lực của khó khăn con người, ngài đã đền bù cho dân tộc Việt Nam nhiều cử chỉ hết sức ưu ái. Chúng ta cám ơn Chúa vì đã ban cho Giáo Hội Người một chứng nhân Tin Mừng thánh thiện, tuyệt vời, và cho thế giới một vĩ nhân cao cả.