YUSE NGUYỄN THẾ THUẤN CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

CHƯƠNG 1
LƯỢC THUẬT CÔNG VIỆC CHÚ GIẢI CÔNG VỤ
Có thể theo E. Haenchen mà chia các giai đoạn làm ba.
Cho đến cuối thế kỷ 18 : Công vụ được coi như lịch sử Hội thánh đã ra đời trước hết, do chính Luca, bạn đồng hành của Phaolô. Với cuối thế kỷ 18, một hướng mới : Người ta thấy Công vụ không phải là Sử của hết các Tông đồ, nhưng thực ra chỉ biết có hai vị. Và đàng khác, Công vụ không được đầy đủ. Lắm chi tiết có trong các thư thánh Phaolô lại không thấy tăm dạng đâu cả trong Công vụ.
Vậy vấn đề là :
- hoặc tác giả không muốn nói hơn nữa : nên người ta tìm xem vì lý do nào : đó là thời “Tendenzkritik” (thời sử học “positiviste”)
- hoặc là tác giả không thể nói gì hơn : tại vì tác giả dựa vào hồ sơ, tài liệu : đó là đến thời “Quellenkritik”.
A. Tendenzkritik.
Đặc điểm chung : muốn khám phá ra tác giả vì lẽ gì mà viết ra Công vụ :
- dàn xếp hai quan niệm quá khích Kitô giáo đại diện nơi hai nhân vật Công vụ : Phêrô và Phaolô (Chr. Baur, Ed. Zeller).
- biện hộ Kitô giáo trước những độc giả ngoại giáo.
- Giáo huấn tín hữu.
B. Qellenkritik : có kỳ vọng là lấy ra được những văn kiện gốc Luca đã sử dụng. Phong trào học Cv này vẫn còn tiếp tục đến thời nay, cách riêng về “nguồn văn Antiokia” và vấn đề “Wirstuke”. Các tác giả gây phong trào là Bernhard Weiss và A. Harnack.
C. Formgeschichte. Người ta chán công việc vô bổ đi tìm nguồn văn : hiệu quả bấp bênh và mâu thuẫn giữa các học giả, nên người ta chú ý đến những đơn vị văn chương viết trong sách : diễn lại cái quá trình của nó trước khi được thành hình trong sách chiếu theo những luật của thể văn; rồi người ta học cách soạn tác của Luca. Như thế giai đoạn này cũng chia làm hai, và lấy 1945 làm ranh giới tạm. Vào thời này, M.Dibelius đã mở một con đường mới để hiểu công vụ.
Chung chung thành quả của công việc khảo cứu tóm tắt được như thế này :
- Việc nghiên cứu nguồn văn không đạt được sự đồng ý giữa các học giả. Những ức thuyết còn được đề cập đến là”nguồn văn Antiokia” và “nhật ký hành trình” (cho phần thứ 2 Công vụ), nhưng không chứng minh được một cách hữu lý chiếu theo văn bản.
- Bởi đó công việc soạn tác của Luca càng được thêm rõ : không sao lại nguồn văn nếu có, mà thực sự là trước tác : nghĩa là ngay những điều mà ta gọi là “tài liệu” cũng đã dọi lại cá tính của Luca : nghĩa là chính Luca đã viết lấy cho mình những gì cần để xây dựng trước tác của mình : bởi đó ức thuyết hiện đại : Luca đã soạn tác theo nhiều đợt; việc soạn tác cuối cùng Cv không dựa trực tiếp trên nguồn văn, nhưng là trên những ghi chú của tác giả.
- Trong việc bình luận, những đoạn “Wirstucke” (đoạn “chúng tôi”) (16:10-17 20:5-21 / 27:1-28:16) thường được để ý đến. Những học giả coi “chúng tôi” như dấu chỉ “nguồn văn” (tác giả giữ y nguyên nhật ký hành trình này). Nhưng hiện nay vì những đoạn ấy kết liền với trước và sau, và cùng một điệu văn, nên những “đoạn chúng tôi” phải hiểu theo giai đoạn soạn tác, chứ không theo giai đoạn “tham khảo” : tác giả đã cố ý dùng “chúng tôi” : nghĩa là đã có mặt khi biến cố xảy ra. Điều này được chứng minh do những nố tương tợ trong các văn kiện xưa, và lời tựa Lc 1:1-4.
- Giải thích “chúng tôi” như vậy tức là đã đề cập đến vấn đề “tác giả Công vụ”.
Nhiều học giả hoài nghi việc đồng nhất tác giả với Luca, bạn đồng hành của thánh Phaolô. Thí dụ Ehaenchen : tác giả Công vụ đi ngược lại Phaolô về ba điểm :
a/ Giải quyết vấn đề truyền giáo dân ngoại : hai thần học khác.
b/ Hình ảnh Phaolô khác với điều hội ra được tự các thư : Phaolô, một đấng làm phép lạ, một nhà hùng biện đại tài, nhưng lại không được gọi là Tông đồ như kiểu Nhóm 12.
c/ Mối liên lạc giữa người Dothái và Kitô giáo thấy trong Cv không phù hợp với điều chúng ta biết được trong các thư của thánh Phaolô.
Các điều này được coi như lý quyết định bắt phải tìm một tác giả nào muộn thời.
Nhưng đối với nhiều người khác, những đối chọi đó không làm mất được giá trị chứng ngoại lai của truyền thống, và sự hòa hợp chung giữa Công vụ và các thư thánh Phaolô. Tư tưởng Phaolô đàng khác phong phú và uyển chuyển hơn là hệ thống chật chội người ta muốn tạo nên cho ngài. Đàng khác Luca cũng có những sắc thái riêng, thần học có khi không ngang tày với Phaolô, nhưng tâm lý yêu chuộng hòa bình có khi đã giảm bớt tính cách găng gổ của những phân tranh của người đương cuộc.
NĂM NÀO?
Từ thời Eusebius Kaisaria (H.E.II,22) người ta để ý đến lời kết đột ngột của Công vụ : nói đến 2 năm giam giữ. Tiếng hai năm là tiếng “tư pháp” chỉ hạn giam giữ tối đa một tù nhân. Một sắc chỉ Nêrô giữ trong một chỉ thảo có lời này : et accusatoribus et reis in Italia quidem novem dabutur, transalpinis autem et transmarinis annus et sex menses. Sau đó có lẽ là bị cáo được tha bổng. Luca không nói vụ kiện kết thúc làm sao, nên người ta kết luận Công vụ đã được viết xong trước khi vụ kiện kết thúc hẳn, như thể là vào khoảng 62-63.
Đó là ý kiến đã được Ủy ban Kinh thánh y nhận (EB401, 26/Junii 1912). Và các tác giả Công giáo tìm cách minh chứng (coi DBS I, 53-57).
Nhưng công việc khảo sát đã tiến hơn, muốn bình luận phải thêm hai yếu tố này :
- Công vụ không sử dụng các thư của Phaolô. Với 2P 3:16, thì các thư đó đã được thu thập lại khá sớm. Theo những chứng chỉ các Giáo phụ thì hình như Corpus paulinum đã thành hình (ít là các thư chính) vào cuối thế kỷ I hay đầu thế kỷ II.
- Công vụ chắc viết sau Tin mừng Luca. Nếu Tin mừng Luca có sử dụng Marcô, thì tất nhiên là phải sau Marcô ít lâu. Marcô viết vào thời nào là vấn đề tranh luận : trước khi Phêrô chết hay sau? Nghĩa trước hay sau năm 64? Chung chung các tác giả bây giờ có tham khảo hẳn ức thuyết là sách làm chưa xong hẳn, hay còn tiếp tục bằng một quyển thứ ba nữa. Mục đích của Luca đã đạt với lời Cv 28:31. Nên ngay cả các tác giả Công giáo không ngại mà đặt Công vụ vào những năm sau 70. Nói rõ hơn thì không đủ bằng chứng.
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ
Chúng ta bỏ ngoài những tiểu tiết, phải bình luận tùy truyện. Giá trị một trình thuật lịch sử hầu như hoàn toàn tùy vào hồ sơ hay nói chung ra tài liệu tham khảo (cả truyền khẩu cũng là một nguồn). Nếu xét thế thì những chi tiết này khác trong các thư thánh Phaolô là chứng trực tiếp, Công vụ vẫn là gián tiếp. Nhưng chung chung, và những ngày đầu tiên của Hội thánh, và công việc của Phaolô, chúng ta không có chứng chỉ nào khác ngoài Công vụ. Không được nghi kị nhưng cũng phải đọc tác giả như tác giả muốn người ta đọc sách mình : thuật lại không phải để vui tai, hay khảo cổ, nhưng là giáo huấn cộng đoàn : bởi thế không gì ngăn cản Luca đem vào trình thuật tình hình Hội thánh thời mình, diễn bày ra kiểu mình hiểu thế nào về biến cố, nghĩa là thần học thánh sử của mình. Điều này diễn bày ra cách riêng nơi các diễn từ (gần một phần ba Công vụ).
(Coi những chương của Cerfaux, Introd.à la Bible, II,349-365)
VĂN BẢN
Vấn đề văn bản Công vụ : vấn đề bình luận xoay quanh những dị bản gọi là “Textus ocoidentalis”, đại diện cốt yếu ở đây là Codex Bezae (L.Vaganay, Initiation à la critique textuelle BCSR 14,p22): có một văn bản khác nhiều các thủ bản khác; đàng khác các dị bản đó lại theo một hướng chung. Nhiều dị bản cụ thể đặc biệt. FBlass đã không ngại nêu lên ức thuyết : Luca đã cho ra hai bản Công vụ.
Bình luận về văn bản thời nay, người ta không muốn thiên vị bên nào cả, tuy chung chung người ta vẫn lấy Textus aegyptianus, hay Codex Vaticanus, Sinaiticus, Alexandrinus, Codex Ephraemi rescriptus (viết tắt B S A C). Nghĩa là người ta theo chủ nghĩa chiết trung (G.D.Kilpatrick).
(Về bình luận văn bản coi LVaganay, Initiation à la critique testuelle Néotestamentaire, nói trên này).
J.Duplacy, où en est la critique testuelle du Nouveau Testament.
J. Duplacy, Les problemès du Livre des Actes, 25-33).
Văn bản Tân ước dựa trên 4 loại thủ bản :
Koinè - Textus Caesariensis - Textus orientalis (H) - T.Occident.
NHỠN GIỚI THÁNH SỬ CỦA LUCA.
Luca không bàn đến một chỗ nào đích xác, nhưng giả thiết một cách nhất thiết quan niệm thánh sử này :
Nền tảng là một quan niệm về kế đồ của Thiên Chúa. Kế đồ đó diễn ra giữa hai điểm giới hạn :
- Tạo thành. Không phải là một thời gian, nhưng là cương giới thánh sử về quá khứ. Luca, Tin mừng cũng như Công vụ, không bàn đến đạo lý Tạo thành, nhưng khi đề cập đến (Cv 14:17), thì tạo thành được xiết chặt lại với việc rao giảng lời Thiên Chúa, và ơn cứu rỗi trong Tin mừng.
- Quang lâm. Điểm cùng tận của thánh sử, Luca tránh mọi suy luận theo kiểu Khải huyền (Cv 1:7). Trình bày Quang lâm đích thực là gì cũng không nói rõ nhưng chỉ quả quyết (Cv 1:11); cũng không nói sau đó sẽ xảy ra làm sao.
Giữa hai điểm mút cùng đó là trình tự thánh sử, chia làm ba giai đoạn :
- thời Israel : thời Lề luật và các tiên tri.
- thời Chúa Yêsu : thời hưởng Ơn cứu rỗi như khai vị, triệu báo cho ơn cứu rỗi lai thời.
- thời giữa Thăng thiên của Chúa và Quang lâm : thời của Hội thánh, thời hoạt động của Thánh Thần. Đó là giai đoạn cuối cùng của Thánh sử. Dài hay ngắn, Luca không hề suy luận.
Ba giai đoạn đó vừa liên tục với nhau, lại vừa tách biệt với nhau. Liên tục : lời kêu gọi hối cải Cựu ước vẫn chưa hết; lời tiên tri cách riêng là nhịp cầu : Cựu ước hướng đến Chúa Kitô; lời tiên tri của Chúa Yêsu nói đến Nước Thiên Chúa. Và Hội thánh sống do những thành quả của sự nghiệp Chúa Yêsu.
Nhưng mỗi thời cũng có những đặc sắc riêng, và vai trò riêng trong Thánh sử.
Thời Hội thánh là một giao thời : sống sự căng thẳng giữa AIÔN này và AIÔN sẽ đến. Trung tâm thời gian, nghĩa là biến cố cắt hẳn đường thời gian của Thánh sử không còn phải trông đợi nơi tận thế như đạo Dothái, nhưng là đã xảy ra rồi : Chúa Kitô đã chết và sống lại, những thời cùng tận đã khai mạc cho Hội thánh, nhưng cũng phải nói là chỉ mới khai mạc. Điều quyết định đã đến, Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta, và ngay tự bây giờ chúng ta được lĩnh lấy ơn huệ Thánh Thần. Thời của Hội thánh như vậy đã ở vào chính trong “Aiôn” mới : Pneuma đã tỏ bày hiệu lực ở trong trần gian, và làm ra những sự lạ lùng. Nhưng những điều đó chỉ có thể tế nhận được trong lòng tin. Vì SARX, sự chống đối với Thánh thần vẫn còn hoạt động. Tội lỗi vẫn còn, tuy dẫu Thần khí đã đánh bại. Hội thánh là ơn huệ cứu rỗi của Thiên Chúa, nhưng lại gồm những thành phần khiếm khuyết và tội lỗi : tóm lại AIÔN-cũ vẫn tiếp tục.
 Và bởi Aiôn cũ còn tiếp tục, thì có những yếu tố đáng lẽ phải chấm dứt vẫn còn có chân trong Hội thánh, nhưng đã được mặc những ý nghĩa mới : lời rao giảng, cộng đoàn, bí tích... Còn phận vụ đặc biệt cho thời này là “xây dựng mình Chúa Kitô” bằng công việc rao giảng Tin mừng. Điều này xuất ra ngay tự tính cách lưỡng diện của Hội thánh : ơn cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho nhân loại (Mình Chúa Kitô), nhưng lại gồm những thành phần còn ở dưới mãnh lực sự tội : công việc Hội thánh là làm sao ơn cứu rỗi đã có được bao cập đến hết mọi thành phần. Nói chung là bằng việc Rao giảng Tin mừng : loan báo những điều đã xảy ra nơi trung tâm thời gian, trong khi hướng tới ngày cùng tận. Công việc đó Hội thánh thi thố ra nhờ ơn huệ cánh chung mang nơi mình là Thánh thần.
Nhưng ngoài những nét chung đó với các tác giả Tân ước, Luca có một cái nhìn đặc biệt về thời của Hội thánh : nhìn theo lịch sử, Luca đã phân ra làm hai giai đoạn :
- Thời “Khởi điểm” : thời mà những chứng tá nhãn tiền còn có mặt. Phải, thời đó Hội thánh cũng đã chạm trán với thế gian, và đã bị cấm cách bắt bớ, nhưng cấm cách bắt bớ đi đôi với những thời bằng yên.
Còn trình thuật về Phaolô, tác giả đi gần gũi với thực tế hiện tại của tác giả hơn. Ơn phù trợ của Thiên Chúa vẫn ban luôn. Nhưng khác với cộng đoàn tiên khởi là không còn những thời an ủi bằng yên như thể trong chương trình của Thiên Chúa nữa. Khác nữa là cách sinh hoạt của cộng đoàn tiên khởi không tái diễn nữa : Cộng đoàn tiên khởi sống trung thành với Lề luật, và núp bóng Đền thờ. Trong thời của Hội thánh như vậy cũng có một giai đoạn chuyển giao : chuyển giao từ Hội thánh Do thái qua Hội thánh dân ngoại, việc khuếch trương Israel đến cả vũ trụ, việc chuyển tự Lề luật đến tự do đối với Lề luật.
 
Lm Nguyễn Thế Thuấn
Bài dạy Kinh thánh hồi thập niên ‘60
Lưu hành trong Học viện DCCT VN