Gặp lại Dinah Pokempner ở New York

Trong số các bạn người Mỹ thân thiết của tôi ở New York, thì Dinah là người trẻ tuổi nhất, chị mới có 51 tuổi. Nhưng Dinah hiện nay lại là một nhân vật có vai trò khá quan trọng của tổ chức Human Rights Watch ( HRW =Theo Dõi Nhân Quyền) với chức vụ là Cố vấn trưởng (General Counsel). Dinah là người được HRW trao phó theo dõi hồ sơ của tôi từ hồi đầu thập niên 1990, lúc tôi bị chánh quyền cộng sản bắt giam tại Saigon năm 1990 và đến năm 1992 thì họ đưa tôi ra xét xử tại Tòa án Saigon với bản án 12 năm tù giam vì “tôi tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội”, chiếu theo điều 88 Bộ luật hình sự của họ. Vì thế mà Dinah hiểu biết rất rõ về vụ án của tôi.
Năm 2000, khi tôi tới New York để thăm Dick Hughes là người bạn chí thiết đã tận tình lo lắng cứu thóat cho tôi thóat được nạn tù đày của cộng sản, thì Dinah cũng nhờ Dick dẫn tôi đến một tiệm ăn dùng cơm trưa với chị, sau đó lại còn mời chúng tôi ghé thăm gia đình của chị lúc đó đã có hai đứa cháu nhỏ. Ngay trong buổi gặp mặt nhau lần đầu tiên này, hai chúng tôi đã có thể trao đổi với nhau rất thân tình về nhiều chuyện liên hệ đến vụ án, cũng như về hòan cảnh sinh họat của tôi từ ngày đến định cư tại Mỹ từ năm 1996, sau khi tôi được công an đưa thẳng từ nhà tù Hàm Tân Phan Thiết ra phi trường Tân Sơn Nhất, để cùng với gia đình đáp máy bay qua Mỹ.
Và rôi cứ mỗi lần đến New York, thì tôi đều tìm cách để gặp gỡ trao đổi với chị về nhiều vấn đề .Vì cả hai chúng tôi đều là luật sư, nên câu chuyện bàn thảo với nhau thì khá là tương đắc. Có thể nói Dinah có một trình độ hiểu biết sâu xa về luật pháp quốc tế, và nhất là về các khía cạnh tinh vi độc đáo về nhân quyền mà được đặt ra trong thế giới hiện đại. Chị được nhiều đại học mời tham dự giảng dậy hay diễn thuyết về lãnh vực nhân quyền, diển hình như vấn đề tra tấn các tù nhân bị tình nghi thuộc các tổ chức “khủng bố’ sau vụ tấn công 911 ở Mỹ năm 2001, do cơ quan an ninh của chánh phủ Mỹ gây ra. Trong vấn đề này, Dinah đã không hề né tránh sự đụng chạm đến chánh quyền của Tổng thống George W Bush, mà trái lại chị đã tỏ ra rất kiên định cứng rắn trong lập trường bênh vực đến cùng cho phẩm giá và quyền con người của các bị can, theo đúng tinh thần của Bộ Luật Quốc tế về Nhân quyền (The International Bill of Human Rights), mà được Liên Hiệp Quốc công bố vào năm 1976, sau khi các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, cũng như về quyên kinh tế, xã hội và văn hóa đã được đa số các quốc gia hội viên phê chuẩn.
Ngày 24 Tháng Sáu 2010 vừa qua, tôi lại đến thăm Dinah tại văn phòng của Human Rights Watch đặt trên tầng lầu thứ 34 của tòa nhà nổi danh là Empire State Building ở khu trung tâm New York. Cơ quan An ninh tại đây đã xét căn cước rất kỹ rồi mới cấp cho tôi một phiếu để có thể vào khu vực đi thang máy lên trụ sở của HRW. Dinah cử người thư ký ra đón tôi ngay tại cửa của trụ sở như mọi lần. Và chúng tôi đã có thể thỏai mái chuyện trò trao đổi với nhau ngay tại văn phòng làm việc riêng của chị.
Đầu tiên, tôi biếu Dinah một dĩa DVD do nhóm của linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Trần Quốc Bảo thực hiện với nhan đề tiếng Anh là “ Ho Chi Minh, the Man and the Myth” (Hồ Chí Minh, Con người và Huyền thọai). Tiếp theo tôi cũng gửi chị bản Tường trình về Tình hình Nhân quyền ở Việt nam năm 2009” do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam” chúng tôi tại Nam California biên sọan mới đây vào đầu năm 2010. Dinah cho biết là đã được đọc tài liệu này trên internet rồi, và chị rất chú ý về tệ trạng “Buôn người” (Human Trafficking) tại Việt nam trong những năm gần đây. Chị còn cho biết là HRW sẽ giao trách nhiệm cho một chuyên viên để thâu thập đày đủ chi tiết hơn về đề tài nóng hổi đang gây ra sự quan tâm nghiêm trọng cho giới tranh đấu bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em cũng như người lao động tại Việt nam.
Dinah rất chú ý đến việc nghiên cứu của tôi từ trên 10 năm nay, để hòan thành cuốn sách về “Sự Phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu 1989 – 2014”. Tôi cho biết là sau 4 kỳ hè đến làm việc trao đổi với giáo sư Walter Sawatsky tại Indiana, thì hai chúng tôi đã thỏa thuận cùng hợp tác để biên sọan cho xong cuốn sách này vào  năm 2014, mà phần tôi thì phụ trách viết khỏang 200 trang, còn lại 100 trang về mục “Tôn giáo” sẽ do giáo sư Sawatsky phụ trách. Nhưng gần đây, thì không may giáo sư Sawatsky bị đau bệnh nhiều, nên không thể tiếp tục làm việc chung với tôi được nữa. Do đó mà bây giờ chỉ còn lại có một mình tôi cu ky làm việc, tôi phải cố gắng hòan tất cuốn sách này để có thể cho nó ra mắt bạn đọc vào năm 2015 đấy.
Tôi cũng cho chị biết là tôi nhằm viết cho đại chúng (general public), nên cuốn sách sẽ được trình bày rất sáng sủa, đơn giản dễ hiểu, chứ không phải là tài liệu dành riêng cho giới hàn lâm (academic) như các bài nghiên cứu trao đổi của chị với các đại học đâu. Dinah rất tán thưởng và khuyến khích cái lối làm việc kiên trì, nghiêm túc của tôi từ nhiều năm nay, tập trung vào các khía cạnh thực tiễn của sự vận hành và biến chuyển của khu vực Xã hội Dân sự trên thế giới, và đặc biệt là tại các nước cựu cộng sản ở Đông Âu trong vài chục năm nay.
Tôi cho Dinah xem qua các ghi chép của tôi tại Thư viện Quốc hội Mỹ trong suốt 6 tuần lễ tôi miệt mài làm việc ở đây vào tháng Tư và tháng Năm vừa qua, cụ thể là tôi đã nghiên cứu gần 30 bản Hiến pháp của các nước Đông Âu, của 15 nước mới tách khỏi Liên bang Xô viết, và cả đến 6 nước tách ra từ Liên bang Nam Tư nữa. Khi tôi nói là mình được may mắn vì nhờ được các chuyên viên phân tích luật pháp hỗ trợ tận tình (legal analyst), mà điển hình  nhất là Peter Roudik người gốc Nga và Elisabeth Moore phụ trách phòng sưu tầm tài liệu cho Law Library của Quốc hội (documentation specialist), thì Dinah nói ngay : “ Anh có được bao nhiêu nguồn cung câp vừa tài liệu có giá trị, vừa kinh nghiệm sống động của những chuyên viên rành nghề như vậy, thì nhất định là anh phải thành công thôi…”
Nói chuyện về cái duyên của tôi với Thư viên Quốc hội Mỹ khởi đầu từ 50 năm trước, lúc tôi được cử đi tu nghiệp tập sự tại trụ sở Quốc hội Mỹ từ năm 1960 dưới trào các Tổng thống Eisenhower và Kennedy, thì Dinah cũng kể lại lúc coi TV chiếu cảnh Tông thống Johnson tuyên thệ nhậm chức, ngay sau khi Kennedy bị ám sát, thì cô bé Dinah mới có 4 tuổi lúc đó đã hỏi người cha rằng : “Liệu người ta cũng lại bắn ông này nữa chăng?” Chúng tôi còn trao đổi với nhau về nhiều kỷ niệm vui buồn của bản thân mình, và tôi thật tâm cảm kích trước cái tính hồn nhiên và lành mạnh của một chuyên gia hàng đầu này, mà đã làm việc liên tục với HRW từ mấy chục năm nay, khởi sự với cấp bậc thấp nhất, rồi do khả năng vượt trội, chị đã thăng tiến lên chức vụ Cố vấn trưởng từ mấy năm nay.
Dinah có rất nhiều sáng kiến để góp ý cho công việc tôi theo đuổi trong tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam. Cụ thể như chị bảo tôi nên thúc giục các bạn làm một cuốn video phỏng vấn nhiều người tù chính trị Việt nam, tương tự như cuốn phim do Stephen Spielberg làm về các người Do thái mà còn sống sót khỏi các lò thiêu (Holocaust ) của Đức quốc xã hồi thế chiến 2. Tài liệu với hình ảnh và tiếng nói sống động như vậy mới gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm hơn đối với số đông quần chúng. Tôi sẽ bàn việc này với các bạn cựu tù nhân chính trị, để cùng nhau tìm cách thực hiện cuốn video tương tự như sự góp ý của Dinah.
Trước khi chia tay, Dinah còn chỉ cho tôi xem bức tranh khá đẹp do nhà báo Như Phong tặng biếu cho HRW, mà chị vẫn treo nơi văn phòng của mình. Dinah nói : Ông Như Phong mất đi, tôi thật bùi ngùi thương tiếc một con người kiên trì tranh đấu cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt nam. Tôi cũng xác nhận là vào năm 1991-92, anh em tù chính trị chúng tôi cùng bị biệt giam trong một trại tù với nhau, mà không thể nào thông tin với nhau được. Quả thật nhà tù cộng sản Việt nam hồi đó thật là nghiệt ngã tồi tệ. Như tôi đã có dịp ghi lại trong Nhật ký trong tù hồi ở Hàm tân câu này : “Forgive, but not forget” (Tha thứ, nhưng mà không quên được đâu).
Lần nào gặp gỡ trao đổi với Dinah Pokempner, tôi cũng đều có thêm được ấn tương lạc quan, sáng sủa và tin tưởng mạnh mẽ hơn vào con đường tranh đấu cho Phẩm giá và Quyền Con người tại quê hương Việt nam, cũng như tại khắp nơi trên thế giới vậy. Dinah rõ rệt là một người bạn chiến đấu hết sức là dễ thương, đáng quý đáng trọng của tôi tại thành phố New York thời danh này vậy đó./

New York ngày 25 tháng Sáu 2010
Đòan Thanh Liêm