Gia đình kitô hữu sống năm phúc âm hóa

BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH

GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU

SỐNG NĂM PHÚC ÂM HÓA

GIA ĐÌNH

26/07/2014

PHẦN THỨ NHẤT

--------------

THƯ CHUNG

CUA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM

VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

Anh chị em thân mến,

“Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13,13). Chúng tôi, các giám mục từ 26 giáo phận Việt Nam, quy tụ tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn để tham dự Đại hội lần thứ XII của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho chúng tôi để Đại hội diễn ra cách tốt đẹp và bình an. Nay Đại hội đã kết thúc, qua Thư Chung này, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em những công việc đã làm trong Đại hội, cách riêng về sứ vụ Tân Phúc-Âm-hoá.

1. Bước vào Đại hội trong khung cảnh Năm Đức Tin, chúng tôi vui mừng được nghe biết về những hoa trái thiêng liêng nơi các tín hữu cũng như các cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, dòng tu, đã tích cực học hỏi và nỗ lực canh tân đời sống đức tin. Các cuộc cử hành phụng vụ và sinh hoạt mục vụ đã giúp cho đức tin của mỗi người được thanh luyện, củng cố và đổi mới. Đồng thời, khi nghe biết về những khó khăn và thử thách mà một số cộng đoàn phải đối diện, chúng tôi hiểu rằng sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lắng nghe và góp ý cho nhau về nhiều sinh hoạt và công việc của Hội Thánh tại Việt Nam, cách riêng là công trình xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Đại hội cũng dành nhiều thời giờ cho việc bầu chọn Ban Thường vụ của Hội Đồng Giám Mục cũng như các chủ tịch của các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ mới.

2. Giờ đây chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về định hướng và chương trình mục vụ trong những năm tới. Trong ba năm qua (2010-2013), tất cả chúng ta đã cùng nhau học hỏi và sống ý nghĩa Giáo Hội: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ. Định hướng đó và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, cũng là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, diễn ra tại Rôma, từ ngày 7 – 28 tháng 10 năm 2012. Thật vậy, ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt các Kitô hữu và ánh sáng ấy phải lan đến những người khác, giống như từ ngọn nến phục sinh, vô vàn những ngọn nến khác được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh [1]. Ngoài ra, chúng ta còn được nhắc nhở cách riêng về sứ mệnh đó trong năm nay, khi Hội Thánh tại Việt Nam kỷ niệm 25 năm tuyên phong 117 chứng nhân đức tin (19.06.1988 – 19.06.2013), là những hoa trái thánh thiện của công cuộc Phúc-Âm-hóa.

3. Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm. Như thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh.

Phúc-Âm-hóa là sứ vụ mang tính toàn diện, vì “ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh hoặc chỉ để xây dựng thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, mà còn giúp chúng ta xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hi vọng” [2]. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng đi này. Người đứng về phía những nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trong sứ vụ Phúc-Âm-hóa. [3]

4. “Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả” [4]. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.

Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ. Từ kinh nghiệm của các nước đã có nhiều Kitô hữu bỏ đạo, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện cuộc hoán cải mục vụ này, thì trong tương lai không xa, Hội Thánh tại Việt Nam cũng có thể rơi vào tình trạng băng giá của mùa đông đức tin như một số nơi trên thế giới.

Chương trình canh tân đời sống đức tin cần được lồng vào trong tổng thể của kế hoạch mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục trình bày trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Thư Chung ấy là chương trình hành động của Hội Thánh tại Việt Nam trong nhiều năm. Dựa trên định hướng căn bản này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi thực hiện kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):

– Năm 2014: Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình;

– Năm 2015: Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn;

– Năm 2016: Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội.

5. Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận” [5].

6. Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.

– Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.

– Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).

– Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình.

– Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.

7. Để đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh cao cả nói trên, chúng tôi đề nghị một số việc mục vụ sau:

Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và bất khả phân ly. Để được như thế, cần có sự chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, và chuẩn bị trực tiếp cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân.

Trong bối cảnh có nhiều biến động về văn hóa-xã hội ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ cần phải nhắc lại chân lý này: định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của chính gia đình và xã hội; vì thế, mọi cá nhân và tập thể xã hội cần nhìn nhận và tôn trọng định chế này.

Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước.

Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ.

Hiện nay, có nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình theo những cách thế và mức độ khác nhau. Những phong trào này cần được các mục tử đồng hành và hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ, để họ góp phần cách cụ thể và hài hòa với chương trình mục vụ chung trong mỗi giáo xứ, giáo phận.

Các giáo phận nên quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình. Những người này sẽ cộng tác với các giám mục giáo phận trong việc xây dựng và triển khai những chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận cũng như giáo xứ. Chúng tôi cũng muốn gửi lời kêu gọi đặc biệt đến anh chị em văn nghệ sĩ và giới truyền thông công giáo. Ước mong anh chị em vận dụng tài năng Thiên Chúa ban, để tôn vinh vẻ đẹp đích thực của tình yêu hôn nhân và gia đình. Các linh mục tương lai cũng cần được chuẩn bị chu đáo hơn về mục vụ gia đình, để có thể đồng hành với các gia đình cách hữu hiệu.

Anh chị em thân mến,

Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ với anh chị em những thao thức mục vụ cũng như những đề nghị cụ thể, nhằm góp phần vào nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Ước mong những đề nghị này được anh chị em - cách riêng, các linh mục là những cộng tác viên gần gũi của hàng giám mục - đón nhận để cầu nguyện, suy nghĩ, khai triển và thực hiện ở nhiều cấp độ: gia đình, giáo xứ, giáo phận. Hướng về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa, chúng ta hãy thân thưa với các ngài:

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, xin giúp chúng con biết trân trọng di sản đức tin mà các ngài đã truyền lại cho chúng con bằng máu và nước mắt. Xin cho chúng con mạnh dạn sống đức tin trong gia đình cũng như xã hội, theo tấm gương xán lạn của Thánh Gia Thất, để chiếu tỏa ánh sáng đức tin khắp nơi nơi; nhờ đó chúng con có thể tích cực góp phần thi hành sứ mệnh truyền giáo, đem lại hoa quả dồi dào trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Làm tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn,

ngày 10 tháng 10 năm 2013

+ Cosma Hoàng Văn Đạt + Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

(đã ký) (đã ấn ký)

Giám mục Bắc Ninh Tổng giám mục Hà Nội

Tổng thư ký HĐGM.VN Chủ tịch HĐGM.VN

--------------------------

[1] Đức giáo hoàng Phanxicô, Lumen fidei, số 37.

[2] Nt., số 51.

[3] Sứ điệp FABC X.

[4] Đức Chân phước Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội XIX của CELAM, Port-au-Prince.

[5] HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43.

Nguồn: WHĐ

PHẦN THỨ HAI

--------------

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU SỐNG

NĂM PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

LỜI CHÀO

Trọng kính Đức Cha Antôn, cha Tổng đại diện, cha Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình, quý cha hạt trưởng, quý Bề trên các Dòng tu, quý cha chính phó xứ, quý tu sĩ nam nữ và quý Ông/Bà và Anh/Chị/Em,

Con rất vui và rất hân hạnh được Đức Cha Antôn và Cha Giuse giao cho việc gợi ý cho buổi sinh hoạt mừng Bổn Mạng Ban Mục Vụ Gia Đình (MVGĐ) giáo phận lần thứ nhất này. Con xin chân thành cám ơn Đức Cha và tất cả các Đấng, các Vị đã đón nhận con. Con xin phép được bắt đầu.

I. VÀO ĐỀ

Mọi người có mặt trong hội trường này đều biết rằng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã chọn Năm 2014 làm Năm “Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình” (TPAHĐSGĐ), tức chọn việc canh tân/đổi mới đời sống gia đình theo Phúc âm làm đường hướng và hoạt động mục vụ của Giáo Hội Việt Nam trong năm nay. Vì sao HĐGM VN lại có chọn lựa này? Chúng ta có thể tìm ra 3 lý do:

Một là HĐGMVN muốn đường hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam được tập trung vào việc Phúc âm hóa và được liên tục trong nhiều năm liền (xc. TC2013/ HĐGMVN, số 4).

Hai là HĐGMVN thấy rằng nhiểu giáo dân, nhiều gia đình công giáo Việt Nam chưa hiểu biết và nhất là chưa sống đầy đủ “ơn gọi và sứ mạng của người Kitô hữu và của gia đình công giáo”.

Và ba là HĐGMVN nhận ra rằng nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đã và đang bị xuống cấp trầm trọng trong bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay của nước ta (*).

Bài trình bày của con/tôi sẽ tập trung vào hai vấn đề chính:

Một là “Gia đình Kitô hữu sống Năm Phúc âm hóa đời sống gia đình theo Thư Chung 2013 của HĐGMVN”.

Hai là các thành viên Ban MVGĐ tìm hiểu về chức năng nhiệm vụ của Ban để cùng nhau trao đổi về việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ ấy trong thời gian tới.

Con cũng sẽ đưa ra 5 câu hỏi cho phần thảo luận Nhóm (giáo hạt).

II. TRÌNH BÀY

2.1 Thế nào là Phúc âm hóa và thế nào là Tân Phúc Âm hóa?

2.1.1 Thế nào là Phúc-Âm-hóa: [xc. TC 2013/HĐGM VN, số 3].

2.1.2 Thế nào là “Tân Phúc-Âm-hóa”: [xc. TC 2013/ HĐGMVN, số 4].

2.2 Triển khai nội dung của việc Phúc Âm hóa và của Tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình trong năm 2014 trong Thư Chung 2013 của HĐGMVN:

Là xây dựng các gia đình Kitô hữu thành

(a) Cộng đoàn cầu nguyện,

(b) Cộng đoàn yêu thương,

(c) Cộng đoàn phục vụ sự sống,

(d) Cộng đoàn tham gia vào sứ mạng Phúc âm hóa.

[Đọc TC 2013/HĐGMVN, số 6]

2.3 Một số thực hành cụ thể được HĐGMVN đề nghị trong TC 2013, số 7:

Ngoài việc xây dựng các gia đình thành cộng đoàn cầu nguyện, yêu thương, phục vụ sự sống, tham gia vào sứ vụ Phúc âm hóa, HĐGMVN còn đề nghị một số việc cụ thể liên quan tới Mục vụ Gia đình.

Đó là các việc:

2.3.1 Chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình:

“Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và bất khả phân ly. Để được như thế, cần có sự chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, và chuẩn bị trực tiếp cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân.

Trong bối cảnh có nhiều biến động về văn hóa-xã hội ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ cần phải nhắc lại chân lý này: định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của chính gia đình và xã hội; vì thế, mọi cá nhân và tập thể xã hội cần nhìn nhận và tôn trọng định chế này” [xc. TC 2013/HĐGM VN, số 7].

2.3.2 Đồng hành với các gia đình trẻ:

“Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước” [xc. TC 2013/HĐGM VN, số 7].

2.3.3 Giúp đỡ những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán:

“Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ” [xc. TC 2013/HĐGM VN, số 7].

2.3.4 Đồng hành, hướng dẫn, nâng dỡ và khích lệ các hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình:

“Hiện nay, có nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình theo những cách thế và mức độ khác nhau. Những phong trào này cần được các mục tử đồng hành và hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ, để họ góp phần cách cụ thể và hài hòa với chương trình mục vụ chung trong mỗi giáo xứ, giáo phận” [xc. TC 2013/HĐGM VN, số 7].

2.3.5 Quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình:

“Các giáo phận nên quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình. Những người này sẽ cộng tác với các giám mục giáo phận trong việc xây dựng và triển khai những chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận cũng như giáo xứ” [xc. TC 2013/HĐGM VN, số 7].

2.3.6 Vai trò của văn nghệ sĩ và giới truyền thông Công giáo:

“Chúng tôi cũng muốn gửi lời kêu gọi đặc biệt đến anh chị em văn nghệ sĩ và giới truyền thông Công giáo. Ước mong anh chị em vận dụng tài năng Thiên Chúa ban, để tôn vinh vẻ đẹp đích thực của tình yêu hôn nhân và gia đình” [xc. TC 2013/HĐGM VN, số 7].

2.3.7 Chuẩn bị các linh mục tương lai:

“Các linh mục tương lai cũng cần được chuẩn bị chu đáo hơn về mục vụ gia đình, để có thể đồng hành với các gia đình cách hữu hiệu” [xc. TC 2013/HĐGM VN, số 7].

2.4 Những người có trách nhiệm về Mục vụ Gia đình

Tất cả những công việc kể trên là công việc của mục vụ gia đình. Nhưng những ai có trách nhiệm về MVGĐ?

Theo Tông huấn đời sống Gia đình “Familiaris Consor- tio” (viết tắt là FC) từ số 73 đến số 76, của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thì ngoài chính gia đình – vừa là đối tượng vừa là chủ thể trước hết của MVGĐ – thì những thành phần sau đây có trách nhiệm về MVGĐ:

2.4.1 Các giám mục:

“Người chịu trách nhiệm đầu tiên về Mục vụ Gia đình trong giáo phận là giám mục. Như một người cha và chủ chăn, ngài phải đặc biệt lo lắng cho ngành này, chắc chắn là ngành ưu tiên của Mục vụ. Ngài phải hiến cho ngành này tất cả sự chú trọng, bận tâm, thời giờ, nhân sự và tài lực: nhưng hơn hết đích thân ngài phải đem lại một điểm tựa cho các gia đình và cho tất cả những người đang giúp ngài, trong công việc Mục vụ Gia đình, thuộc những cơ cấu khác nhau của giáo phận. Cách riêng ngài phải tha thiết quan tâm để giáo phận ngày càng thực sự là một “gia đình giáo phận”, làm mẫu mực và nguồn hy vọng cho nhiều gia đình đang là thành phần của giáo phận” (FC 73).

2.4.2 Các linh mục và phó tế:

“Các giám mục được giúp đỡ cách đặc biệt do các linh mục mà trach nhiệm của họ – như Thượng Hội đồng Giám mục đã chính thức nhấn mạnh – tạo thành một phần cốt yếu trong thừa tác vụ của Giáo hội đối với hôn nhân và gia đình. Cũng phải nói hế về các phó tế khi họ được trao nhiệm vụ về ngành mục vụ này.

Trách nhiệm của các vị ấy không những mở rộng trên các vấn đề luân lý và phụng vụ, nhưng còn cả trên các vấn đề cá nhân và xã hội. Các vị phải nâng đỡ gia đình trong các khó khăn và đau khổ, bằng cách đứng bên cạnh các phầntử gia đình, giúp họ biết nhìn cuộc sống dưới ánh sáng Tin mừng.

Được chuẩn bị thích đáng và nghiêm chỉnh cho việc tông đồ này, các linh mục và phó tế bao giờ cũng phải xử sự, đối với các gia đình, như một người cha, người anh, chủ chăn và thày dạy bằng cách giúp họ với sự trợ giúp của ân sủng và soi sáng cho họ với ánh sáng của sự thật” (FC 74).

2.4.3 Nam nữ tu sĩ:

“Nam nữ tu sĩ và những người tận hiến nói chung, có thể góp phần vào công tác tông đồ gia đình… Nam nữ tu sĩ, các thành viên các Tu hội Đời và các Hội trọn lành khác, với danh nghĩa cá nhân và tập đoàn, cũng đều có khả năng đem lại một sự phục vụ nào đó cho các gia đình, đặc biệt quan tâm tới trẻ em, nhất là những trẻ em bị bỏ rơi, không được chấp nhận, mồ côi, nghèo khổ hay tàn tật; và họ có thể làm điều đó bằng cách thăm viếng các gia đình và săn sóc bệnh nhận; tạo những tương quan đầy kính trọng và bác ái với những gia đình thiếu vắng, đang gặp khó khăn hoặc phân tán; trình bày giáo huấn và đưa ra những lời khuyên để chuẩn bị cho các bạn trẻ bướcvào hôn nhân và giúp cho các đôi bạn trong vấn đề truyền sinh thật sự có trách nhiệm; giúp đỡ các gia đình mở cửa đón nhận người khác một cách giản dị và chân tình, để các gia đình có thể gặp được ở đó cảm thức về Thiên Chúa, sự ham thích cầu nguyện và hồi tâm, tấm gương cụ thể về một đời sống trong tình bác ái và niềm vui huynh đệ giữa các thành phần trong đại gia đình Thiên Chúa” (FC 75).

2.4.4 Những giáo dân chuyên môn:

Các giáo dân chuyên môn (y sĩ, luật gia, tâm lý gia, trợ tá xã hội, cố vấn v.v..) có thể hỗ trợ các gia đình với tính cách cá nhân, hoặc trong công tác của những hiệp hội hay các tổ chức khác nhau, để góp phần soi sáng, cố vấn, định hướng và nâng đỡ. Cũng có thể nói lại cho họ những lời huấn dụ tôi đã có dịp nói với Liên đoàn các Cố vấn Gia đình Ki-tô giáo:“Việc dấn thân của quí vị thật đáng được gọi là sứ mạng, vì những mục tiêu mà quí vị theo đuổi thật cao cả và kết quả phát xuất từ đó có tính cách quyết định cho lợi ích của xã hội cũng như của chính cộng đồng Ki-tô hữu…. Hiệu quả của tất cả những gì mà quí vị làm được để nâng đỡ các gia đình, sẽ vượt khỏi lãnh vực riêng của gia đình, để đạt đến cả những người khác và ảnh hưởng trên xã hội. Tương lai của thế giới và của Giáo hội đi qua các gia đình” (Diễn văn cho Liên đoàn các Cố vấn Gia đình Ki-tô giáo ‘Confédération des Conseillers familiaux chrétienne’ ngày 29-11-1980, số 3-4; FC số 75).

2.4.5 Những người sử dụng và nhân viên ngành truyền thông xã hội:

Tông huấn xác định: “Những phương tiện truyền thông xã hội ‘thường tác động sâu xa trên tình cảm và trí tuệ, luân lý lẫn tôn giáo của những người sử dụng’, nhất là các người trẻ (Đức Phao-lô VI, Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 3, 7-4-1969, AAS 61 (1969), t.455). Chúng có thể tạo một ảnh hưởng hữu ích cho đời sống và những thói quen của gia đình cũng như cho việc giáo dục trẻ em, nhưng đồng thời chúng cũng giấu ẩn ‘những cạm bẫy và nguy hiểm mà người ta không thể coi thường’ (thánh Gioan Phao-lô II, Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội 1-5-1980: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, III, 1 (1980), t.1042) và chúng cũng có thể trở nên phương tiện –đôi khi được vận dụng thật khéo léo và có hệ thống như, thật đáng tiếc, vẫn xẩy ra trong nhiều nước trên thế giới – để chuyên chở những ý thức hệ phá hoại hay những nhãn quan lệch lạc về cuộc sống, gia đình, tôn giáo, luân lý, khinh thường phẩm giá và định mệnh con người.

Nguy hiểm còn rõ hơn nữa khi ‘lối sống hiện nay, cách riêng tại các nước kỹ nghệ, thường lôi kéo các gia đình đến chỗ thoái thác trách nhiệm giáo dục con cái, viện cớ có những tiện ích giải trí (có sẵn ở gia đình qua truyền hình và một số sách báo) để trôi qua hết thì giờ và sinh hoạt nhi đồng, thiếu niên” (Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội 1980, 1-5-1980: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, III, 1 (1980), t.1042).

Và Tông huấn kết luận: “Do đó, chúng ta có “bổn phận” phải ra sức bảo vệ giới trẻ thoát khỏi những cuộc “tấn công” của các phương tiện truyền thông đại chúng, bằng cách sử dụng các phương tiện giải trí lành mạnh, hữu ích và mô phạm về thể lý, luân lý và thiêng liêng, “để gia tăng gía trị cho thời giờ rảnh rỗi của giới trẻ cũng như định hướng năng lực cho họ” (Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội 1981, 10-5-1981, số 5: Osser vatore Romano 22-5-1981, t.2).

“Ngoài ra, vì các phương tiện truyền thông xã hội – cũng như học đường và môi sinh – thường gây ảnh hưởng đáng kể trong việc đào tạo con cái, cho nên với tư cách là những người sử dụng các phương tiện ấy, các cha mẹ cần giữ vai trò chủ động trong việc sử dụng cách điều độ, có phê phán, phản tỉnh và khôn ngoan, hầu định mức ảnh hưởng của chúng trên con cái, cũng như giữ vai trò chủ động trong việc can thiệp nhằm giáo dục cho lương tâm của con cái có được những phán đoán trong sáng và khách quan, để chúng có thể chấp nhận hay từ chối một chương trình nào đó trong những chương trình được trình chiếu” (Như trên).

Cha mẹ sẽ thực hiện một cố gắng tương tự để tìm cách gây ảnh hưởng trên chính việc chọn và chuẩn bị các chương trình, bằng cách có những sáng kiến thích hợp để liên lạc với những người có trách nhiệm thuộc các cấp khác nhau trong việc sản xuất và phát hành, để bảo đảm không vì quyền lợi bất chấp những gía trị nhân bản nền tảng, là một phần công ích xã hội đích thực, và hơn nữa để người ta đừng cố tình gây thiệt hại cho các gía trị ấy, ngược lại, sẽ phổ biến những chương trình thích hợp trình bày các vấn đề gia đình, trong ánh sáng trung thực của chúng và cách giải đáp thỏa đáng cho các vấn đề ấy. Về vấn đề này, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phao-lô VI đã viết: “Các nhà sản xuất phải nhận biết và tôn trọng những đòi hỏi của gia đình. Điều đó giả thiết đôi khi họ phải rất can đảm và lúc nào cũng phải ý thức trách nhiệm rất cao. Thật vậy, họ phải tự ngăn cấm mình về….tất cả những gì có thể làm tổn thương đến gia đình trong sự hiện hữu, bền vững, quân bình và hạnh phúc; vì mọi điều phương hại đến các gía trị căn bản của gia đình – dù là tự do luyến ái hay những sự bạo hành, biện hộ cho sự ly dị hay những thái độ chống xã hội của người trẻ – đều là một sự phương hại cho thiện ích đích thực của con người” (Đức Phaolô VI, Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 3, 7-4-1969, AAS 61 (1969), t. 456).

Và trong một dịp tương tự, chính tôi cũng đã nhấn mạnh rằng, các gia đình “phải có thể tin cậy thật tình vào thiện chí, sự ngay thẳng và ý thức trách nhiệm của những người chuyên nghề truyền thông đại chúng: từ các nhà xuất bản, văn sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, tác gỉa kịch bản, đến các thông tín viên, bình luận viên, diễn viên” (Như trên). Vì thế Giáo hội cũng có bổn phận phải không ngừng dành mọi quan tâm cho các hạng nhân viên ấy, đồng thời khuyến khích và nâng đỡ những người công giáo cảm thấy mình được kêu gọi và có khả năng để dấn thân vào các ngành tế nhị ấy” (thánh Gioan Phaolô II, FC 76; Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội 1980, 1-5-1980: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, III, 1 (1980), t.1044).

2.5 Chức năng và nhiệm vụ của Ban MVGĐ giáo phận và các Tiểu ban MVGĐ giáo hạt, giáo xứ

Giả như tất cả những người có trách nhiệm về MVGĐ đều tích cực chu toàn trách nhiệm của mình thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt lành. Nhưng nếu có sự phối hợp, liên kết giữa những người có trách nhiệm về MVGĐ thì chắc chắn kết quả sẽ lớn hơn. Vì thế cần có một cơ cấu, một tổ chức gọi là Ban MVGĐ ở các cấp từ giáo phận đến giáo hạt, giáo xứ. Chức năng nhiệm vụ của Ban MVGĐ này gồm những việc sau đây:

(a) Tổ chức các khóa chuẩn bị hôn nhân gia đình cho các bạn trẻ trong các giáo xứ.

(b) Tổ chức các sinh hoạt MVGĐ trong giáo xứ, giáo hạt, giáo phận.

(c) Tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ những đối tượng có nhu cầu.

(d) Huấn luyện nhân viên MVGĐ và chuyên viên MVGĐ qua các khóa, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, báo chí, tài liệu (thậm chí cho du học nước ngoài) v.v…

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN NHÓM (GIÁO HẠT)

3.1 Việc mục vụ gia đình trong giáo xứ của ông/bà, anh/ chị/em gồm những việc gì? Đâu là việc quan trọng nhất cần làm để giúp các gia đình trẻ sống chung thủy với nhau và giúp họ chu toàn trách nhiệm sinh con và nuôi dưỡng giáo dục con cái nên người và thành người Kitô hũu?

3.2 Trong giáo xứ của ông/bà, anh/chị/em, công việc chuẩn bị cho bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình được chuẩn bị ra sao? do những ai? kéo dài bao lâu? kết quả thế nào? cần bổ sung gì không?

3.3 Trong giáo xứ của ông/bà, anh/chị/em, việc đồng hành với các gia đình trẻ có được giáo xứ và các hội đoàn quan tâm không? được quan tâm như thế nào? kết quả thế nào? cần tăng cường gì nữa không?

3.4 Trong giáo xứ của ông/bà, anh/chị/em, việc hỗ trợ những gia đình rối và những gia đình đổ vỡ có được giáo xứ và các hội đoàn quan tâm không? được quan tâm như thế nào? kết quả thế nào? cần tăng cường gì nữa không?

3.5 Trong giáo xứ của ông/bà, anh/chị/em, còn có nhu cầu nào khác liên quan tới đời sống gia đình không? Nhu cầu đó là gì?

IV. KẾT LUẬN

Có một câu châm ngôn của người La Mã mà con/tôi thấy rất có ý nghĩa và nhiều ứng dụng. Câu đó là: “KHÔNG AI CHO CÁI MÌNH KHÔNG CÓ” [NEMO DAT QUOD NON HABET].

Chúng ta có thể áp dụng câu này vào mọi lãnh vực của cuộc sống, kể cả vào lãnh vực đức tin và hoạt động tông đồ. Thật vậy muốn cho người khác bất cứ một cái gì thì chúng ta phải có cái đó đã. Mà muốn có một cái gì đó thì chúng ta phải tự làm ra nó, hoặc phải học hỏi, phải rèn luyện…. thì mới có.

Áp dụng vào trường hợp cụ thể của các thành viên Ban MVGĐ của chúng ta thì chúng ta có thể nói:

Chúng ta chỉ có thể xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn cầu nguyện khi chúng ta là những người cầu nguyện.

Chúng ta chỉ có thể xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn yêu thương khi chúng ta là những người sống yêu thương bác ái.

Chúng ta chỉ có thể giúp các gia đình tan vỡ tìm lại được sự tha thứ, hòa hợp, chấp nhận nhau khi chúng ta đã biết xây dựng gia đình mình thành công.

Chúng ta chỉ có thể chu toàn trách nhiệm của các thành viên Ban MVGĐ ở cấp giáo xứ, giáo hạt hay giáo phận khi chúng ta có một số vốn liếng cần thiết : tinh thần Phúc âm, sự hiểu biết tương đối về đạo/đời, lòng nhiệt thành tông đồ và phương pháp cùng kỹ năng cần thiết cho công việc và chức vụ.

Con chân thành kính chúc Đức Cha Antôn, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và quý ông/bà, anh/chị/em một ngày sinh hoạt hữu ích và một khởi đầu tốt đẹp cho công tác MVGĐ.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.

Ghi chú:

(1) Thật ra không phải đến bây giờ HĐGMVN mới lên tiếng về tình trạng này, mà ngay từ năm 2002 HĐGMVN đã đưa ra nhận định chính xác về tình trạng này:

“Tuy nhiên, hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ nhận thấy nhất là tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Tiến trình này tự nói đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

Cùng với tiến trình này là hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm. Hậu quả là một sống cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lại, nên dễ bị bóc lột sức lào động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực”

(Thư Chung 2002 của HĐGMVN, số 3)