Vấn Đề Kỳ Thị Đen Trắng

Năm 1950: 18% gia đình đen có một bà mẹ mà không có ông bố; 2012, con số đó tăng lên 70%...
10/28/2014
 
Vụ xung đột trắng đen tại Ferguson cho đến nay vẫn chưa yên, mà lại có nguy cơ nổ lớn nếu toà án tha bổng anh cảnh sát trắng. Cho đến nay, tin hành lang toà án cho biết có nhiều yếu tố hậu thuẫn chuyện anh cảnh sát chỉ có phản ứng tự vệ, chẳng hạn vết máu trong xe cảnh sát đã được chứng nghiệm là máu của anh đen, xác nhận anh này đã đánh cảnh sát còn đang ngồi trong xe, đến trầy cả tay chính mình đúng như anh cảnh sát đã khai, văng máu ra trong xe. Và theo vết đạn bắn vào tay, thì anh này cũng không phải bị bắn khi đang dơ tay đầu hàng như nhiều “nhân chứng” da đen đã xác nhận. Do đó sẽ có nhiều hy vọng thoát nạn. Nhân vụ này, cũng nên xét qua vấn đề xung đột màu da trong xã hội Mỹ ngày nay.

Nếu nói về quan hệ màu da tại nước Mỹ này, năm 2008 sẽ đi vào lịch sử Mỹ như một bước ngoặt quan trọng ngang ngày TT Lincoln chấp nhận nội chiến để chấm dứt chế độ nô lệ da đen. Năm 2008 đó là năm một người da đen, dù là lai, được 52% dân Mỹ bầu làm tổng thống, lãnh đạo tối cao của Hiệp Chủng Quốc.

Cuộc bầu cử này cũng sẽ đi vào lịch sử như một trong những biến cố được tranh luận nhiều nhất lịch sử Mỹ. Sẽ có cả triệu bài báo, cả ngàn cuốn sách, cả ngàn cuộc tranh luận trên truyền hình, trong các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu.

Người ta sẽ bàn đến nguyên nhân của biến cố, một người da đen làm sao có thể ra tranh cử và đắc cử, nhất là trong thời điểm năm đó là năm mà cuộc bầu cử tổng thống coi như chỉ là một thủ tục hành chánh để tấn phong bà cựu Đệ Nhất Phu Nhân lên tiếp nối công trình bị gián đoạn của ông chồng.

Người ta cũng sẽ nhìn lại để bàn đến hậu quả của biến cố, bầu một người da đen làm tổng thống thì nước Mỹ đi về đâu? Có thật là nước Mỹ đã bước qua kỷ nguyên hậu kỳ thị không? Có thật là hoàn cảnh, cuộc sống của dân da đen nói riêng và da màu thiểu số nói chung đã khá hơn như kỳ vọng không?

Trước hết nói về cuộc bầu cử.

Thời điểm 2008 đó, chính đảng Mỹ chỉ có hai đảng. Đảng Cộng Hoà đụng đâu bắn đó mà lại bắn trật, đổ bể tùm lum, khiến dân Mỹ quá ngán, muốn thay đổi. Đảng Dân Chủ coi như đương nhiên sẽ lên nắm quyền. Mà trong đảng đó thì bà cựu Đệ Nhất Phu Nhân và ông chồng cựu tổng thống kiểm soát trọn vẹn toàn thể bộ máy tranh cử. Đa số cử tri Mỹ cũng nhớ lại thời “an cư lạc nghiệp” dưới thời TT Clinton, tổng thống dù lăng nhăng chuyện gái gú nhưng nhiều người nghĩ lại, thấy những chuyện đó đáng cười hơn đáng lo.

Thế nhưng lịch sử trớ trêu lại đưa một ông Obama vào Toà Bạch Ốc.

Khỏi dông dài mất thời giờ, ai cũng biết ông cựu tổ chức cộng đồng này là một con số không khổng lồ. Cả cuộc đời, thành quả chẳng có gì xuất sắc, nhưng lên rất nhanh, đụng đâu thành công đó, phần lớn nhờ chính sách nâng đỡ dân thiểu số da đen, gọi là affirmative action. Chưa ai giải thích rõ ràng sao anh học sinh tầm thường Obama đã có thể được nhận vào những đại học hàng đầu khó khăn nhất như Columbia và Harvard. Tốt nghiệp cũng không ai biết điểm ra trường là bao nhiêu, dựa trên luận án nào vì đó là những “bí mật quốc gia” chưa được phổ biến. Người ta kể thành tích chủ tịch –President- tập san luật của Harvard, nhưng thực tế đây là vai trò gom góp bài, đóng tập, in, và phát hành, không hơn không kém. Ông “chủ tịch” Obama không viết một bài nào cũng không có quyền kiểm duyệt bất cứ bài nào của các đại giáo sư luật viết cho tập san đó.

Ra trường, không làm luật sư trong các văn phòng luật lớn nào cho xứng danh Harvard, mà đi làm phụ giảng luật Hiến Pháp tại Đại Học Chicago, và tổ chức cộng đồng, tức là có trách nhiệm lo chuyện điện nước, đèn đường, sửa đường cho một khu phố, xin trợ cấp, giúp người già, trẻ em,...

Ông nhẩy vào chính trị, đi từ may mắn này đến số đỏ khác. Khi tranh cử nghị sĩ tiểu bang Illinois, thì may mắn gặp đối thủ bị dính xì-căng-đan rút lui giờ chót nên đắc cử. Làm 6 năm mà không có một luật, hay một biểu quyết để đời nào ngoại trừ cả trăm lần bỏ phiếu “hiện diện”, tức là phiếu không có ý kiến. Ra tranh cử dân biểu liên bang bị rớt đài. Sau đó ra tranh cử thượng nghị sĩ liên bang, lại gặp một ông đối thủ phải rút lui giờ chót, nên lại đắc cử. Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ liên bang là 6 năm, ông làm được 2 năm, qua năm thứ ba là bắt đầu tranh cử tổng thống ngay.

Năm 2007 bắt đầu tranh cử, khối dân da đen thì dĩ nhiên nhắm mắt tung hô vô điều kiện, nhưng họ cũng chỉ có hơn 10% dân Mỹ. Đa số dân da nâu gốc Nam Mỹ cũng nhất loạt hậu thuẫn vì tin vào những lời hứa ân xá trong ngay năm đầu, nhưng cũng chỉ xấp xỉ 15% cử tri.

Sự thắng cử của TNS Obama phần lớn là do khối dân da trắng sinh viên và trung niên, đặc biệt là khối trí thức đại học cấp tiến, và khối truyền thông. Đối với những khối này, họ nhìn rõ TNS Obama là tờ giấy trắng, một người chưa có một chút kinh nghiệm, hiểu biết gì những chính sách kinh tế, xã hội, ngoại giao, giáo dục, quân sự,... trong tầm mức quốc gia. Nhưng họ lại nghĩ bỏ phiếu cho ông này mang một ý nghiã khác, một hệ quả khác, quan trọng hơn.

Nhìn vào quá khứ, họ thấy dân da đen đã bị đối xử quá tàn nhẫn, nước Mỹ có cái nợ thật lớn đối với khối dân da đen mà đây là cơ hội ngàn năm để trả.

Nhìn vào hiện tại, họ vẫn thấy tình trạng kinh tế xã hội của dân da đen vẫn còn chưa khá. May ra với một tổng thống da đen, ông sẽ lo cho họ tích cực hơn và dân da đen sẽ có cơ hội khá hơn, về kinh tế cũng như về dân quyền.

Nhìn vào tương lai, họ thấy kỳ thị màu da vẫn là một vấn nạn phải giải quyết, và họ đã nhìn thấy ở ứng viên Obama một liều thuốc tiên sẽ chữa được bệnh này cho nước Mỹ.

Chỉ có một người da đen lãnh đạo nước Mỹ mới có thể có những chính sách tích cực giúp đỡ cho dân da đen, đặt nền móng cho việc hàn gắn trắng đen một cách hiệu quả và trường kỳ.

Chiến lược tranh cử của TNS Obama rất tinh xảo. Trong suốt hai năm tranh cử, ông không khi nào tự xưng là da đen ra tranh đấu cho quyền lợi người da đen, không hề hứa sẽ biệt đãi dân da đen. Ông chủ trương đại đoàn kết, không có trắng cũng không có đen, chỉ có dân Mỹ thôi.

Quan điểm ôn hoà và hợp lý hợp tình đó đã được đa số dân da trắng chấp nhận vì cảm thấy yên tâm. Đưa TNS bạch diện thư sinh Barack Obama vào Tòa Bạch Ốc.

Ở đây, ta nhìn thấy rõ việc bầu TNS Obama làm tổng thống độc đáo ở điểm không ai nhìn vào khả năng, hay kinh nghiệm gì của ứng viên, cũng chẳng ai hiểu rõ quan điểm chính trị, sách lược kinh bang tế thế, mà phần lớn chỉ nhắm vào... hy vọng chuộc lỗi với dân da đen, hy vọng nâng cao mức sống dân da đen, hy vọng hàn gắn trắng đen. Và TNS Obama, một người thông minh xuất chúng, đã nhìn rõ hơn ai hết cái hy vọng đó, nên mới lấy hy vọng làm khẩu hiệu tranh cử. Thực tế là ngoài chuyện hy vọng ra thì chẳng ai thấy có bất cứ lý do nào để dân Mỹ bầu cho TNS Obama.

Nhờ cái hy vọng đó, TNS Obama đã đắc cử. Nhưng rồi hy vọng đó có thành sự thật không? Câu trả lời ngắn gọn nhất là “Không!”. Số phận dân da đen không khá hơn, xung khắc trắng đen vẫn tệ hại như nửa thế kỷ trước.

Sáu năm sau khi TT Obama đắc cử, hố ngăn cách trắng đen trên phương diện kinh tế lớn hơn bao giờ hết, bất chấp chuyện ông đã vung cả trăm tỷ ra giúp đỡ dân da đen qua đủ loại chương trình trợ cấp. Đây là vài con số của năm 2014:

- Tỷ lệ thất nghiệp trắng: 5,3%, đen: 11,4%. Đây là số thống kê chính thức, sự thật cao hơn nhiều, khoảng 17%-18%, nhất là trong giới thanh niên da đen thì lên đến 20%-25%.

- Tỷ lệ dưới lằn ranh nghèo trong dân da trắng: 9,7%, trong dân da đen: 27,2%.

- Tài sản trung bình của một gia đình trắng: $ 91.406, một gia đình đen: $ 6.446.

Xung khắc trắng đen được phản ánh rõ nét hơn hết qua vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên da đen đưa đến nổi loạn cướp phá rồi cảnh sát đàn áp tại Ferguson mới đây. Ở đây ta nên ghi nhớ là lần cuối cùng dân da đen nổi loạn là tại Los Angeles năm 1992, hơn 20 năm trước, khi anh da đen Rodney King bị cảnh sát hành hung giữa đường phố. Sau hơn hai thập niên ổn định, xung khắc lại nổi lên, và miả mai thay, lại nổi lên dưới trào một ông tổng thống da đen. Ngay cả 8 năm dưới thời TT Bush cũng không có cảnh dân da đen nổi loạn.

Một lý do xung khắc không giảm mà lại tạo ra nổi loạn lại là chính TT Obama ngay sau khi nhậm chức đã để lộ rõ thái độ có phần kỳ thị ngược khi ông mau mắn phản ứng trong một vài vụ xung đột trắng đen. Một ông giáo sư đen bị cảnh sát bắt vì cậy cửa vào nhà mình mà không chịu đưa giấy tờ chứng minh mình là chủ nhà đó. Chưa biết đầu đuôi câu chuyện, vừa nghe tin, TT Obama đã phán ngay “cảnh sát ngu xuẩn”. Một anh đen bị một anh an ninh khu vực bắn chết, chưa biết chuyện gì, TT Obama cũng lên tiếng ngay “nếu tôi có con trai, tôi cũng muốn nó như Trayvon”, là anh đen bị bắn chết. Những phản ứng thiên vị không hàn gắn được gì mà chỉ chứng tỏ TT Obama đứng về một phiá.

Cái lý do đầu tiên tại sao hy vọng hàn gắn trắng đen không thành không có gì bí hiểm cả. Chỉ có những người ngây thơ nhất mới có thể tin những lời hứa viễn vông của ứng viên Obama. Mâu thuẫn trắng đen là vấn đề có căn gốc sâu đậm về kinh tế, xã hội, văn hoá, chủng tộc, từ nhiều thế hệ, một người chẳng thể thay đổi được gì trong một vài năm, nhất là khi người đó lại chẳng có khả năng, tài cáng vĩ đại gì ngoài tài đọc diễn văn do cả chục chuyên viên đã thảo trước. Một Martin Luther King, hay một Nelson Mandela, với kinh nghiệm cả đời người, hơn nửa thế kỷ đấu tranh sống chết, ra tù vào ngục, nếm đủ kiểu thử thách về mọi khiá cạnh, may ra mới làm nên chuyện gì. Chứ một anh lo việc tổ chức cộng đồng hai ba năm trong một khu phố, thì làm sao có hy vọng? Nhất là khi chính người đó lại cũng có thái độ thiên vị kỳ thị rõ rệt.

Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao TT Obama tung tiền trợ cấp ào ào như vậy mà tình trạng dân đa đen vẫn không khá hơn, trái lại, ngày càng tệ?

Một nghiên cứu đăng trên báo điện tử Townhall cho thấy vài thống kê rất đáng suy nghĩ:

- Thập niên 50, chưa tới 25% dân da đen sống nhờ trợ cấp của Nhà Nước; ngày nay hơn 70% sống bằng trợ cấp đủ loại, từ phiếu thực phẩm đến bảo hiểm y tế, tiền thất nghiệp, trợ cấp đông con,...

- Năm 1950: 18% gia đình đen có một bà mẹ mà không có ông bố; 2012, con số đó tăng lên 70%, hay 80% tại các thành phố đen lớn như Detroit.

Hãy thử tưởng tượng trong 10 đứa trẻ ta thấy ngoài đường phố trong khu da đen thì đã có tới 7-8 đứa không có bố. Một con số kinh hoàng khó tin, nhưng lại là sự thật theo thống kê chính thức. Nói cách khác, nền tảng gia đình da đen đã không còn nữa. Tình trạng một bà mẹ vừa đi làm, vừa thay kép như thay áo, vừa đầu tắp mặt tối đánh lộn với một đàn con nheo nhóc không có bố, dĩ nhiên đưa đến những thảm trạng xã hội như thất học, thất nghiệp, nghiện ngập, băng đảng, trộm cướp, giết người, …

Trung bình mỗi năm có hơn 7.000 người da đen bị giết. 94% là do chính người da đen khác giết. Dân da đen chỉ là 12% dân số Mỹ, nhưng 50% số người bị giết hàng năm là da đen, gần 40% dân số trong các nhà tù là da đen.

Trên phương diện giáo dục, trung bình một học sinh da đen lớp 12 (cuối trung học) chỉ hiểu biết về toán và văn chương ngang với một học sinh trắng lớp 6 (mới vào trung học).

Những con số thống kê chính thức này cho thấy tình trạng dân da đen chẳng những không khá hơn mà ngày càng tệ. Nhiều chuyên gia xã hội học đã phân tích vấn đề và nhận thấy sự “xuống dốc” của khối dân này liên hệ trực tiếp đến các cải cách của TT Johnson. Những trợ cấp đủ loại bắt đầu được tung ra dưới chủ trương Great Society (đại xã) và Fight Against Poverty (chống nghèo) của TT Johnson trong ngắn hạn đã giúp dân da đen một cách hết sức cụ thể. Nhưng trong đường dài, đã là một đại hoạ, đưa đến cảnh lạm dụng, lợi dụng và ỷ lại vào trợ cấp. Tinh thần trách nhiệm cá nhân suy đồi khi ai cũng ngồi chờ Nhà Nước giúp đỡ. Nền tảng gia đình biến mất khi 80% trẻ con là con hoang được Nhà Nước nuôi. Mất nền tảng gia đình thì xã hội điên đảo, không cần phải là nhà phân tâm học hay triết gia gì cũng thấy.

Chỉ có 10% dân Mỹ cho rằng TT Obama đã đạt được ít nhiều thành quả cải tiến cuộc sống của dân da đen, cũng như cải tiến được quan hệ trắng đen tại Mỹ. 35% cho là quan hệ đó đã tệ hại hơn.

Công bằng mà nói, kỳ thị da màu là một vấn nạn quá lớn và quá xâu đậm, một người cho dù là tổng thống cũng không thể giải quyết toàn bộ vấn đề được.

Đây là những vấn đề mà hy vọng viễn vông không thể giải quyết được, trong khi tăng trợ cấp theo mô thức Johnson-Obama chỉ trầm trọng hóa vấn đề. Nhưng tăng trợ cấp luôn luôn là giải pháp của đảng Dân Chủ. Đối với khối dân đa đen, đảng Dân Chủ là đảng của trợ cấp. Thay vì “giải phóng” dân da đen, mang lại bình quyền cho họ, giúp họ thăng tiến về kinh tế, giáo dục, xã hội, thì đảng DC đã biến họ thành một thứ nô lệ mới, nô lệ của trợ cấp Nhà Nước, để có thể lấy phiếu của họ. Chính TT Johnson đã khoe “tôi đã khoá chặt khối cử tri da đen vào đảng Dân Chủ một cách vĩnh viễn”.

Đảng Cộng Hoà có đưa ứng viên da đen nào ra thì cũng không một chút hy vọng lấy phiếu của dân da đen. Đó là thực tế chính trị Mỹ. Ông bác sĩ da đen Ben Carson, có ồn ào hay được hậu thuẫn như thế nào trong giới bảo thủ da trắng Mỹ, cũng không bao giờ có hy vọng thu được phiếu của dân da đen.

Những khủng hoảng liên tục từ gần một năm nay khi Obamacare được “tưng bừng khai trương” trong rối loạn, tới “mùa hè đỏ lửa” tại Iraq đã đặt lại toàn bộ vấn đề bầu TNS Obama làm tổng thống. Chỉ vì những ảo tưởng, những hy vọng hão huyền mà dân Mỹ đã bầu một người mà càng ngày càng thấy rõ đã với tay quá cao, không gánh vác nổi trọng trách lãnh đạo một đại cường lớn mạnh nhất thế giới, đối phó với những vấn đề gai góc nhất.

Không ai phủ nhận con người của TT Obama có nhiều điểm hơn thiên hạ, hơn cả nhiều tổng thống tiền nhiệm trước. Có thể nói thông minh với tài ăn nói hơn tất cả các tổng thống trong lịch sử hiện đại của Mỹ từ TT Kennedy tới nay, có tư cách hơn Clinton, thận trọng hơn Bush 43, giỏi hơn Carter, lương thiện hơn Nixon. Nhưng những đức tính đó vẫn không thể bù đắp được việc thiếu kinh nghiệm kinh bang tế thế.

Việc ông được bầu làm tổng thống dù sao cũng chứng minh nước Mỹ đã đi một bước rất xa trong việc bình quyền hoá dân da màu, và chứng minh càng rõ hơn hết nước Mỹ là đất của cơ hội. Chỉ có nước Mỹ mới có chuyện một người thiểu số da màu được tôn lên làm tổng thống. Các nước Âu Châu như Anh, Pháp, Đức, Ý,... đầy rẫy dân thiểu số da đen, da nâu, để xem chừng nào họ có lãnh tụ da màu.

Đi xa hơn nữa, kỳ thị màu da cũng không phải là vấn đề duy nhất trong lịch làm việc của tổng thống một đại cường như Mỹ. Đáng tiếc là vì quá chú tâm vào một yếu tố màu da, mà dân Mỹ đã lơ là tất cả mọi vấn đề, mọi khả năng khác. Cuối cùng thì chuyện kỳ thị không giải quyết được, lại biến tất cả mọi chuyện khác thành khủng hoảng với những hậu quả đường dài tai hại gấp bội. 
Vũ Linh