Tìm hiểu Tin Mừng thứ ba: Khía cạnh đáp ứng đối với biến cố Chúa Kitô

Trong các chương trước, ta đã xem qua thần học của Thánh Luca liên quan đến biến cố Chúa Kitô. Biến cố này sẽ không đầy đủ, nếu ta không xét tới phản ứng hay đáp ứng của con người đối với biến cố ấy. Trong thần học của Thánh Luca, đáp ứng này được trình bầy dưới cái nhìn của ngài về việc làm môn đệ Chúa Giêsu (1).

I. Đáp ứng đối với sơ truyền Kitô Giáo

Ta sẽ xem sét đáp ứng này về ba phương diện, vốn là của chung các soạn giả Tân Ước: đức tin, thống hối hay hoán cải, và phép rửa.

A. Đức tin

Trong bài nói nhân cơ hội Corneliô trở lại, Thánh Phêrô đã súc tích tóm gọn quan điểm của Thánh Luca như sau: “phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10:43). Tương tự như thế, Thánh Phaolô nói với viên cai ngục tại Philíppi như sau “hãy tin vào Chúa Kitô thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ” (Cv 16:31). Muốn hiểu quan niệm của Thánh Luca về đức tin, ta hãy xem cách ngài trình bầy lời giải thích dụ ngôn người gieo giống. Trong lời giải thích ấy, môn đệ được coi là hạt giống rơi vào đất tốt: “đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8:15). Như thế, đức tin bắt đầu với lắng nghe, giống thần học của Thánh Phaolô, nhưng chưa kết thúc ở đấy. Nơi Thánh Phaolô, đức tin bắt đầu với việc lắng nghe lời giảng của Chúa Kitô (rm 10:17), nhưng kết thúc ở chỗ “tùng phục” (Rm 1:5; 16:26) hay đúng hơn ở việc đích thân cam kết với Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Dù quan niệm của Thánh Phaolô không xa lạ với Thánh Luca, vì ngài vốn ghi nhận tại Cv 6:7 rằng nhiều tư tế Do Thái Giáo “tùng phục đức tin”, nhưng ngài có cách riêng để nói tới bước tiếp theo của việc lắng nghe: trung thành đầy cởi mở (với tấm lòng cao thượng và quảng đại) và kiên trì (không khuất phục trước mất gốc, chối đạo hay cám dỗ thế gian; xem Lc 8:11-14).

Đôi khi Thánh Luca dùng danh từ “đức tin” đứng một mình như là đồng nghĩa với Kitô Giáo (Cv 6:7; 13:8; 14:22), đôi khi ngài dùng các hạn từ “người tin” hay “những người đã tin” để chỉ các Kitô hữu (Cv 2:44; 4:4, 32; 5:14; 11:21; 14:1; 15:5,7; 17:12,34; 18:8, 27; 19:2,18; 21:20, 25; 22:19). Những mô tả khác nhau ấy khiến ta nghĩ tới việc phân biệt giữa fides qua fides quae tức đức tin nhờ đó ta tin và đức tin mà ta tin (theo nghĩa nội dung). Nhưng đây chỉ là phân biệt của thần học sau này, chứ các soạn giả Tân Ước, cả Thánh Luca lẫn Thánh Phaolô, đều không có thứ phân biệt này. Điều này cần phải nhớ nhất là đối với Lc 22:32, khi Chúa Giêsu cầu nguyện để “đức tin” của Phêrô đừng lung lay.

Có khi Thánh Luca nối kết “đức tin” với “công chính hóa” và việc đặt kế bên nhau này khá có ý nghĩa: “chính nhờ Đấng ấy mà ơn tha tội được loan báo cho anh em, và tất cả những gì anh em đã không được tha để nên công chính nhờ Luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13:38-39). Điều đáng lưu ý ở đây là Thánh Luca không liên kết đáp ứng đức tin của con người một cách gần gũi với công chính hóa như Thánh Phaolô. Ngài nói nhiều hơn tới vai trò của đức tin trong việc tha thứ tội lỗi và ban ơn cứu độ.

Mối liên hệ giữa đức tin và ơn cứu rỗi thường được nhắc tới luôn trong Tin Mừng Luca. Ở đây, ta thấy có vấn đề: ta phải hiểu đức tin ra sao trong các câu như “lòng tin của ngươi đã cứu ngươi” (Lc 7:50; 8:48; 17:19)? Muốn trả lời câu hỏi này, ta phải dựa vào các giai đoạn khác nhau của truyền thống tin mừng. Về phương diện này, ta thấy có ba giai đoạn: giai đoạn I liên quan tới việc Chúa Giêsu lịch sử quê thành Nadarét đã làm và đã nói những gì; giai đoạn II liên quan tới điều được rao giảng và công bố về Người sau phục sinh. Giai đoạn III liên quan tới những điều được các soạn giả Tân Ước quyết định viết xuống về Người. Ở giai đoạn I, đức tin khó có thể có nghĩa đầy đủ như đức tin sau phục sinh. Nhưng ở giai đoạn III, và trên bình diện soạn tác của Thánh Luca, đức tin hẳn phải có nghĩa đầy đủ. Về điểm này, ta thấy những câu trên thuộc truyền thống tin mừng trước Thánh Luca, như các câu Mc 5:34; 10:52 đã chứng tỏ. Các câu này ít nhất cũng nói lên việc nhìn nhận Người như sứ giả của Thiên Chúa; khó có thể nói hơn thế.

Rất có thể Thánh Luca hiểu rõ mối liên hệ giữa đức tin và ơn thánh. Ngài nói về Apôlô rằng khi tới Côrintô, “nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu” (Cv 18:27). Vấn đề là cụm từ “nhờ ơn Chúa giúp” đây không bổ nghĩa cho “các tín hữu” mà bổ nghĩa cho động từ “giúp ích” như lối dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ ở đây.

Dù sao, lối sắp xếp nguồn “Q” trong các câu 17:5-6 của Thánh Luca cho thấy đức tin của người ta có thể gia tăng, vì các tông đồ xin Chúa thêm lòng tin cho các ông. Và câu trả lời của Chúa Giêsu ngụ ý cho thấy đức tin của các ông còn nhỏ hơn cả hạt mù-tạt.

Tương phản với Tin Mừng Máccô, trong đó, Đức Maria xem ra được kể trong số các thân nhân của Chúa Giêsu tin rằng Người mất trí (Mc 3:21), Thánh Luca mô tả Đức Mẹ là người đầu tiên “đã tin” trong Tin Mừng của mình (Lc 1:45) và còn thuật rằng Đức Mẹ cầu nguyện với Nhóm Mười Một và nhiều người khác khi cùng họ chờ đợi ơn Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, nghĩa là Đức Mẹ thuộc nhóm những tín hữu đầu tiên của thời đại hậu phục sinh.

B. Thống hối và hoán cải

Thống hối, nguyên ngữ Hy Lạp metanoi có nghĩa thay đổi tâm trí. Nhưng trong Tân Ước, nó thường có nghĩa tôn giáo chỉ việc ngoảnh mặt đối với tội lỗi, bắt đầu một tác phong luân lý mới. Trong Tin Mừng Luca, nó xuất hiện 5 lần dưới dạng danh từ, 9 lần dưới dạng động từ; còn trong Công Vụ, nó xuất hiện 6 lần dưới dạng danh từ và 5 lần dưới dạng động từ; hơn hẳn hai Tin Mừng Mátthêu và Máccô. Điều ấy đáng lưu ý vì nó có liên hệ tới quan niệm của Thánh Luca coi sự tha tội như là hiệu quả của biến cố Chúa Kitô (2).

Liên hệ mật thiết với thống hối là trở lại, hồi tâm, quay về. Dưới dạng danh từ, nó chỉ xuất hiện một lần trong Cv 15:3, nói đến việc trở lại của Dân Ngoại. Nhưng dưới dạng động từ, nó được dùng thường xuyên hơn, phần lớn chỉ việc con người quay trở lại với Thiên Chúa hay với Chúa Giêsu, từ tội lỗi hay ngoại đạo. Với nghĩa ấy, ít nhất nó cũng xuất hiện trong Lc 1:16, 17; 17:4; 22:32, và trong Cv 9:35; 11:21; 14:15; 15:19; 26:18 (từ bóng tối qua ánh sáng); 28:27.

Tuy nhiên, có 3 chỗ, Thánh Luca liên kết ăn năn thống hối với hóan cải trở lại: “Hãy thống hối và trở lại với Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3:19); “tôi đã rao giảng… kêu gọi họ thống hối và trở về cùng Thiên Chúa, đồng thời làm những việc chứng tỏ lòng ăn năn thống hối” (Cv 26:20); và “dù người anh em của anh xúc phạm đến anh một ngày bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17:4). Dù trong trích dẫn sau cùng, hai hạn từ này được sử dụng vào hành vi nhân bản, nhưng cả ở chỗ này, sự liên kết giữa hai hạn từ cho ta thấy mối liên hệ gần gũi của chúng trong tư duy của Thánh Luca. Thực ra, chúng như hai mặt của một đồng tiền; một mặt nói lên khía cạnh tiêu cực: từ bỏ tác phong tội lỗi; mặt kia nói lên khía cạnh tích cực: trở về cùng Thiên Chúa.

Trong quan điểm của Thánh Luca, cả hai diễn trình trên bổ túc cho đức tin. Ngài mô tả cuộc sống người Kitô hữu theo phạm trù đạo đức, chứ không hẳn theo phạm trù thiêng liêng, như được Chúa Thánh Thần chiếm hữu, nên thống hối và hoán cải, dù cũng là ơn ban của Chúa như đức tin, nhưng phải được hiểu như để bổ túc cho đức tin.

Ở hai nơi, Thánh Luca nói tới “thống hối và tha tội” (Lc 24:47; Cv 5:31) chung với nhau, như ơn đã được ban cho It-ra-en và được dự tính rao giảng cho muôn dân. Hai ơn này gắn bó với nhau thật gần gũi. Nếu nói về phản ứng của con người đối với biến cố Chúa Kitô, thì thống hối là điều kiện để được ơn tha tội.

C. Rửa tội

Giống Thánh Phaolô, Thánh Luca cũng tiếp nối truyền thống của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi mà đòi hỏi người ta không những tin vào Chúa Giêsu Kitô và vai trò của Người trong kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha, mà còn phải được rửa tội nhân danh Người nữa. Thực thế, dù không mô tả nghi thức rửa tội, nhưng trong trình thuật Luca, đương nhiên việc ấy được coi như thành phần căn bản trong phản ứng của con người trước việc công bố biến cố Chúa Kitô.

Không như Ga 3:26, là đoạn mô tả Chúa Giêsu rửa tội cho người ta, một điều sau đó đã được Ga 4:2 cải chính, các soạn giả Nhất Lãm không bao giờ trình bầy như thế cả. Thành thử khó mà định gốc rễ của phép rửa nơi hành động của chính Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nhu cầu cần được rửa tội thì rất hiển nhiên trong lời ủy nhiệm long trọng của Người ở cuối Tin Mừng Mátthêu (Mt 28:19) và Tin Mừng Máccô (Mc 16:16). Tuy nhiên, trong lời ủy nhiệm cho Nhóm Mười Một và những người khác ở Lc 24:47-49, thì phép rửa không được nhắc tới, mà chỉ nói đến việc rao giảng thống hối và tha tội nhân danh Người mà thôi.

Nhưng rõ ràng là Thánh Luca quan tâm tới việc phân biệt giữa phép rửa của Gioan và phép rửa Kitô Giáo, dù ngài vẫn tin nguồn gốc trên trời của phép rửa trước (Lc 7:30; 20:4). Sự phân biệt này đã có trong truyền thống Máccô (Mc 1:8), Thánh Luca chỉ nhấn mạnh mà thôi (xem Lc 3:16; Cv 1:5; 11:16; 18:25; 19:3-6). Phép rửa của Gioan là để đánh dấu khởi đầu Thời Kỳ Chúa Giêsu, nhưng nó khác với phép rửa của Chúa Giêsu vì nó không thông ban Chúa Thánh Thần, dù đó là phép rửa thống hối để được tha tội (Lc 3:3), hai ý niệm vốn liên hệ tới biến cố Chúa Kitô.

Và một khi cái hậu của câu truyện về Chúa Giêsu bắt đầu trong Công Vụ, thì nhu cầu được rửa tội đã không ngừng được nhấn mạnh. Diễn từ của Thánh Phêrô trong ngày lễ Ngũ Tuần đã kết thúc như thế này: “Hãy thống hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2:38). Có điều, khó có thể tìm thấy một khẳng định trực tiếp nào về sự cần thiết của việc chịu rửa tội trong các trước tác của Thánh Luca không như Ga 3:5. Sự cần thiết ấy chỉ được ngụ ý trong các câu như Cv 2:38 (vừa trích dẫn); 8: 12, 37; 9:18; 10:48. Người ta cũng không tìm được lời giải thích nào về bản chất của phép rửa Kitô Giáo, như lời giải thích ở Rm 6:3-11; Gl 3:27-28. Tuy thế, Cv 22:16 ngụ ý: phép rửa tẩy sạch tội lỗi.

Chúng ta chưa bao giờ đọc thấy việc các tông đồ và môn đệ đầu hết được rửa tội; chỉ được đọc: các ngài được lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần và khi đã lãnh nhận được “điều Cha Thầy đã hứa”, các ngài đã mạnh dạn lên đường rao giảng sứ điệp Kitô Giáo và kêu gọi người ta chịu phép rửa nhờ đó họ cũng được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Nhưng Cv 9:18 xác nhận: Thánh Phaolô chịu phép rửa.

Dù mối liên hệ của Chúa Thánh Thần với phép rửa được Cv 1:5 và 11:16 xác nhận, nhưng không chỗ nào trong các trước tác của Thánh Luca nói tới việc phép này được thực hiện nhân danh Chúa Thánh Thần, hay nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như trong Mt 28:19. Hình thức rửa tội có tính Ba Ngôi có thể chỉ xuất hiện sau này. Trong Công Vụ, phép rửa thường được thực hiện “nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (Cv 2:38; 10:48) hay “nhân danh Chúa Giêsu” (Cv 8:16; 19:5). Có thể vì Thánh Luca muốn nhấn mạnh tới khía cạnh: qua phép rửa, Kitô hữu dự phần vào hiệu quả của biến cố Chúa Kitô.

Về phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, 3 bản văn sau đây có vấn đề: Trong Cv 8:16, xem ra người Samaria, dù đã được môn đệ Philíp rửa tội nhân danh Chúa Giêsu rồi, nhưng vẫn chưa lãnh nhận được Chúa Thánh Thần, nên hai tông đồ Phêrô và Gioan phải được phái tới với họ. Trong Cv 10:44-48, Chúa Thánh Thần ngự xuống gia hộ người ngoại giáo là Cornêliô ngay khi Thánh Phêrô còn đang rao giảng cho họ; rồi sau đó, Thánh Phêrô ra lệnh cho họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Trong Cv 19:1-6, Thánh Phaolô, khi tới Êphêsô và thấy một số tân tòng chỉ mới được chịu phép rửa của Gioan, đã rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu, sau đó đặt tay trên họ và họ được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Ba đoạn văn ấy dường như muốn phân biệt giữa phép rửa nhân danh Chúa Giêsu và việc nhận lãnh Chúa Thánh Thần.

Đối với vấn nạn trên, đã có nhiều cố gắng giải thích. Nhiều thần học gia sau này đã dựa vào đây để phân biệt dứt khoát hai bí tích rửa tội và thêm sức. Nhiều học giả khác nhấn mạnh tới hai hình thức rửa tội trong Giáo Hội sơ khai: phép rửa nhân danh Chúa Giêsu và phép rửa nhân danh Chúa Thánh Thần. Xem ra hai giải đáp này đã không xét gì tới việc thực sự đã xẩy ra trong trình thuật của Thánh Luca. Trong câu truyện về Thánh Phaolô (Cv 9:17-18), dưới nhãn quan Thánh Luca, việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần quan trọng hơn, nên ngài đã nhắc đến nó trước phép rửa, để chứng minh rằng việc Thánh Phaolô gia nhập cộng đồng Kitô hữu là một hồng ân của chính Thiên Chúa. Cũng vậy, việc phân biệt giữa phép rửa và việc nhận lãnh Chúa Thánh Thần trong các đoạn văn khác đã được dùng để nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần được thông ban qua Giáo Hội, nhất là qua nhóm Mười Hai, hay các thành viên của nhóm này (như Thánh Phêrô và thánh Gioan trong chương 8) và các vị được các ngài ủy nhiệm (như Thánh Phaolô trong chương 19). Cũng có thể cho rằng: sự phân biệt trên cho thấy quan tâm của Thánh Luca muốn hội nhập các hình thức không mấy trưởng thành của Kitô Giáo sơ khai vào dòng chẩy chính. Điều này đặc biệt đúng đối với các chương 8 và 19.

II. Các đòi hỏi của đời sống Kitô hữu

Thêm vào ba đáp ứng căn bản trên, các trước tác của Thánh Luca còn những cách khác để mô tả cuộc sống Kitô hữu phải nên như thế nào. Sau đây là một vài yếu tố.

1. Bước theo Chúa Giêsu

Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, người ta phải bước chân theo Người trên con đường Người đã đi tới đích Giêrusalem và tới Cha của Người. Trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, ý niệm ấy đôi lúc đã được đặt lên tuyến đầu. Việc Thánh Luca sửa đổi một số câu nói của Chúa Giêsu là để làm rõ đòi hỏi ấy, áp dụng nó một cách tượng hình vào cuộc hiện sinh hàng ngày của Kitô hữu.

Tuy nhiên, những câu như “hãy theo tôi” thực ra đã có trong Mc 2:14; 10:21. Nhưng, với Thánh Luca, chúng được nhấn mạnh hơn. Đặc biệt, chúng được liên kết với trình thuật du hành: ngay sau khi giới thiệu cuộc hành trình này (Lc 9:51-56), các câu “theo thầy” đã xuất hiện khi Chúa Giêsu nói với 3 môn đệ lúc “đang đi trên đường” rồi (Lc 9:57-62). Hai câu đầu là lấy của nguồn “Q” (xem Mt 8:19-22). Còn câu thứ ba có thể là nguồn riêng của Thánh Luca.

Như thế, theo Thánh Luca, việc làm môn đệ của Kitô hữu được mô tả không những như việc chấp nhận giáo huấn của Thầy mà còn như việc đồng dạng đồng hình con người của mình theo cách sống và theo số phận của Thầy bằng cách thân mật, đích thân theo Người. Môn đệ phải bước chân theo bước chân Thầy Giêsu.

Ẩn dưới ý niệm trên, ta thấy Thánh Luca coi mạc khải Thiên Chúa về sự cứu rỗi nơi Chúa Giêsu như mạc khải về một con đường. Vì ơn cứu rỗi không được trình bày trong những biến cố biệt lập của sứ vụ Chúa Giêsu, bất kể đó là các vụ chữa bệnh, trừ qủy hay hồi sinh, và cả sự thống khổ hay cái chết của Chúa Giêsu, hiểu theo nghĩa biệt lập. Tất cả các yếu tố ấy phải được quan niệm như là thành phần của một khuôn mẫu được mô tả là con đường mà Chúa Giêsu đã bước lên, đã di chuyển trên đó, và đã hướng tới đích điểm là trở về với Chúa Cha. Như thế, làm môn đệ Chúa Kitô là bước chân gần gũi với Người, trên hành trình của Người.

Ý niệm trên xuất hiện lần đầu tiên với lời kêu gọi Phêrô làm kẻ đánh cá người (Lc 5:11). Nó xuất hiện lần nữa với lời kêu gọi Lêvi (Lc 5:27-28). Những người này lần đầu tiên được gọi là môn đệ, những người theo Chúa Giêsu, ở Lc 5:30 và 6:1, được phân biệt với đám đông bình thường (Lc 6:17). Tuy nhiên, có lúc ta cũng thấy cả đám đông nữa cũng theo Chúa Giêsu (Lc 7:9; 9:11). Như thế, Thánh Luca đã dùng động từakolouthein (theo) hai cách: như một chữ chung chỉ những người theo Chúa Giêsu về thể lý, vì tò mò hay muốn xem phép lạ hay như một chữ tượng hình chỉ việc làm môn đệ.

Một nghĩa tập thể chỉ việc theo đã được tìm thấy trong Công Vụ Tông Đồ khi Cộng Đồng Kitô Hữu Palestine được gọi là “Đạo” (the Way). Kiểu dùng độc lập này trong Tân Ước chỉ có nơi Thánh Luca: Cv 9:2; 19:9, 23; 22:4; 24:14, 22. Ở chỗ khác, ngài nói tới “con đường cứu rỗi” (Cv 16:17), “đạo Chúa” (Cv 18:25) hay “đạo của Thiên Chúa” (Cv 18:26). Và nhiều người cho rằng “Đạo” là lối nói tắt của các kiểu nói đầy đủ này, mà họ cho là mô phỏng của Is 40:3: “Hãy làm thẳng con đường của Chúa”. Cũng rất có thể Thánh Luca chỉ lặp lại một kiểu nói mà chính các Kitô hữu Palestine đã dùng để chỉ về mình, tương phải với danh xưng “bè phái” bị người Do Thái gán cho họ (xem Cv 24:14). Câu này và câu 24:5 xem ra muốn ngụ ý rằng cộng đồng Kitô hữu bị người Do Thái gọi là “phái Nadarét”. Chữ phái này đã được Thánh Luca dùng để gọi nhóm Xađốc ở Cv 5:17 và nhóm Biệt Phái ở Cv 15:5. Phần ngài, linh mục Fitzmyer cho rằng chữ “Đạo” cũng đã được dùng chỉ cộng đồng Essene trong tài liệu Qumran. Ở đây, ta chỉ tập chú vào việc Thánh Luca sử dụng kiểu nói này để làm nổi bật việc làm môn đệ Chúa Kitô là bước chân cùng đi với Người một con đường.

2. Làm chứng

Một khía cạnh khác trong quan điểm của Thánh Luca về việc làm môn đệ là bổn phận làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh. Làm chứng (martyria) là một ý tưởng quan trọng trong Tin Mừng Gioan, nhưng ít được nói tới trong các tin mừng Nhất Lãm, ngoại trừ ở chương cuối Tin Mừng Luca. Sau đó, nó trở thành chủ đề trong Công Vụ. Trong khi lời ủy nhiệm trong các tin mừng Mátthêu và Máccô nhấn mạnh tới rao giảng, giáo huấn và làm người ta trở thành môn đệ (Mt 28:19-20; Mc 16:15-16), thì trong Lc 24:48, lời ủy nhiệm ấy được tóm lược trong việc làm chứng: “các con sẽ là chứng nhân của những điều này”. Tầm quan trọng của làm chứng sau đó đã được minh xác hơn nữa trong diễn từ của Thánh Phêrô lúc Cornêliô trở lại: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giêrusalem… Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10:39-41).

Diễn từ trên của Thánh Phêrô giúp ta lượng giá được việc trước đó Thánh Luca nhấn mạnh tới sự kiện các môn đệ Galilêa được chính Chúa Giêsu qui tụ, tới sự kiện các ông được huấn luyện trong trình thuật du hành làm chứng nhân cho Người từ Galilêa, và tới hình thức của lời ủy nhiệm long trọng. Thực thế, lời ủy nhiệm này đã được lặp lại trong câu nói tới chương trình hành động tức Cv 1:8: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất”. Việc các môn đệ thực hiện vai trò này đã được nhắc tới ở Cv 2:32; 3:15; 5:32; 13:31.

Khía cạnh làm môn đệ Chúa Giêsu này có liên hệ tới việc theo chân Chúa Kitô đã bàn ở trên. Nó cũng giải thích tại sao người được chọn để thay thế cho Giuđa làm một trong nhóm Mười Hai phải là người từng cùng đồng hành với nhóm này trong suốt thời gian Người tới lui giữa họ từ lúc Người chịu phép rửa của Gioan cho tới lúc Người lên trời (Cv 1:21-22).

3. Cầu nguyện

Thánh Luca còn nhấn mạnh tới một khía cạnh khác của đời sống Kitô hữu là việc người môn đệ phải liên tục đối thoại với Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, hơn mọi tin mừng gia khác, ngài đã nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu năng cầu nguyện. Trong Công Vụ, ngài càng nhắc tới việc đó nhiều hơn nữa khi nói tới các Kitô hữu đầu tiên.

Việc nhấn mạnh trên đã bắt đầu ngay trong trình thuật loan báo Gioan Tẩy Giả sinh ra: giữa lúc Giacaria dâng hương, dân chúng đứng ngoài cung thánh cầu nguyện (Lc 1:10). Chính trong bầu khí cầu nguyện cộng đồng ấy, Giacaria được loan báo là lời cầu nguyện của ông được chấp nhận (Lc 1:13). Lòng sùng mộ Đền Thờ từng phảng phất khắp trình thuật tuổi thơ bao gồm câu truyện về nữ tiên tri Anna, người từ lúc chồng qua đời, không rời Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm phụng sự Thiên Chúa; và việc bà tuyên bố về vai trò của Chúa Giêsu trong việc giải phóng Giêrusalem mặc nhiên đã bắt nguồn từ cuộc đối thoại liên tục với Thiên Chúa (Lc 2:36-38).

Ngoài ra, chỉ có Thánh Luca đã cho ta hay Gioan Tẩy Giả thường dạy các môn đệ của ông cầu nguyện (Lc 11:1). Ngài cho biết điều này trong phần dẫn nhập vào Kinh Lạy Cha, trong đó, các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện đủ nói lên việc cầu nguyện trong cuộc sống làm môn đệ Chúa Kitô quan trọng như thế nào.

Các chi tiết trên liên kết việc cầu nguyện với Thời Kỳ It-ra-en. Việc cầu nguyện này, trong Thời Kỳ Chúa Giêsu, còn được nhấn mạnh hơn nữa. Như trên đã nói, Thánh Luca năng thuật lại việc Chúa Giêsu cầu nguyện. Nhiều biến cố trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu đã được liên kết với cầu nguyện hoặc trước, hoặc sau các biến cố ấy: lúc chịu phép rửa (Lc 3:21), trước khi chọn nhóm Mười Hai (Lc 6:12), trước lời tuyên xưng của Phêrô và tuyên bố thứ nhất về cuộc thống khổ của Người (Lc 9:18), lúc hiển dung (Lc 9:28), trước khi dạy Kinh Lạy Cha (Lc 11:2), trong bữa Tiệc Ly (để củng cố đức tin của Phêrô, Lc 22:32), lúc hấp hối tại Vườn Cây Dầu (Lc 22:41), và trên thập giá (Lc 23:46). Trong các biến cố trên, Thánh Luca duy trì truyền thống trước ngài đề cập tới việc Chúa Giêsu thường rút lui khỏi các môn đệ và đám đông để vào nơi vắng vẻ cầu nguyện. Đôi khi, Người lên Núi Cây Dầu hay một ngọn đồi không tên nào đó để cầu nguyện: đồi núi được coi như nơi đặc biệt để chuyện trò cùng Chúa Cha. Thực thế, có một lần Thánh Luca thêm vào việc Chúa Giêsu rút lui lên Núi Cây Dầu cầu nguyện câu này: “như đã quen” (Lc 22:39).

Không những nói đến việc Chúa Giêsu năng cầu nguyện, Thánh Luca đôi lúc còn cho ta hay Người cầu nguyện ra sao và với nội dung gì. Như đoạn trích từ nguồn “Q”, ngài mô tả Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha, trong niềm vui hớn hở, đã mạc khải cho những kẻ bé mọn biết về Người và về mối liên hệ Cha Con của Người với Chúa Cha, một điều Chúa Cha đã dấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết, kể cả các tiên tri và vua chúa (Lc 10:21-23). Rồi, sau Bữa Tiệc Ly và lúc ở trên Núi Cây Dầu, Người cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho Con khỏi uống chén này; tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con mà xin theo ý Cha” (Lc 22:42). Lời khẩn cầu này kết thúc bằng việc vâng phục kế hoạch cứu rỗi sẽ được thực hiện. Cũng một lời cầu nguyện đầy tín thác con thảo ấy đã được ghi nhận lúc Người bị treo trên thập giá: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” vang dội lại lời Thánh Vịnh 31:6. Lời cầu nguyện cùng Chúa Cha của Người dưới đủ mọi hình thức: ngợi khen, tạ ơn, khẩn cầu, suy phục và tín thác con thảo.

Chỉ có Thánh Luca thuật lại việc các môn đệ yêu cầu Chúa dạy cầu nguyện đồng thời nhắc đến việc Gioan Tẩy Giả năng dạy môn đệ ông việc ấy (Lc 11:1). Chính trong ngữ cảnh ấy, Thánh Luca đã dẫn nhập Kinh Lạy Cha. Ở đây, nội dung lời cầu nguyện Kitô Giáo đã được vạch ra: Thiên Chúa được tôn xưng là Cha, được ca ngợi, được nhìn nhận là nguồn mọi nâng đỡ vật chất, tha thứ, và tự do thoát khỏi cám dỗ.

Ngoài lời yêu cầu được dạy cách cầu nguyện trên, Thánh Luca còn đề cập tới nhiều biến cố khác để nhấn mạnh tới việc phải cầu nguyện: Ngài cho biết lý do Chúa kể dụ ngôn quan tòa bất chính là “để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18:1); cũng trong dụ ngôn này, khi người đàn bà bất hạnh được quan tòa bất chính nghe lời, Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca nhận định: “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?” (Lc 18:7). Khi sai Bẩy Mươi (Hai) Môn Đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu không phải chỉ dạy họ phải rao giảng, chữa bệnh, mà còn phải cầu nguyện nữa: “anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Và sau giáo huấn về Kinh Lạy Cha, là dụ ngôn người bạn quấy rầy (Lc 11: 5-8) và nhiều lời khác về sự hữu hiệu của lời cầu nguyện (Lc 11:9-13).

Thánh Luca không phải chỉ trình bày cầu nguyện căn cứ vào giáo huấn và gương sáng của Chúa Giêsu mà thôi, ngài còn mô tả việc ấy như là một phần trong đời sống Kitô hữu buổi đầu. Thực vậy, ngay ở đầu Sách Công Vụ, ta đã được Thánh Luca cho hay: cộng đoàn Kitô hữu chuyên chăm việc chuyện trò cùng Thiên Chúa. Nhóm Mười Một, Đức Maria, thân nhân Người và nhiều phụ nữ khác đã đồng tâm nhất trí với việc cầu nguyện chung (Cv 1:14). Việc này được ghi nhân trước cả biến cố Hiện Xuống và việc lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Việc cộng đoàn cầu nguyện này cũng đã được nhắc đến trong tuyên bố tóm lược ở Cv 2:42.

Điều đáng lưu ý là dù sau biến cố Hiện Xuống, Thánh Phêrô và Thánh Gioan vẫn lên Đền Thờ vào giờ thứ chín, giờ cầu nguyện giữa buổi chiều (Cv 3:1), cho thấy: các ngài vẫn liên kết với đời sống cầu nguyện của It-ra-en. Trước đó, Lc 24:53 cho thấy các môn đệ, sau khi Chúa về trời, “hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Còn ở Cv 10:9, 30: 11:5, thị kiến giải phóng đã được ban cho Thánh Phêrô trong bối cảnh cầu nguyện.

Khi nhóm Bẩy Người được đề cử để phục vụ bàn ăn, Thánh Luca cho biết việc này là để nhóm Mười Hai chú tâm vào “việc cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa” (Cv 6:4). Căn cứ vào thứ tự các từ ngữ, ta thấy, theo Thánh Luca, việc cầu nguyện cũng quan trọng đối với người tông đồ Kitô Giáo như “việc phục vụ Lời Chúa, tức việc rao giảng sứ điệp Kitô Giáo vậy. Ngoài ra, Thánh Luca còn mạnh dạn tiếp nhận hai chủ đề trong lòng đạo đức của Do Thái Giáo là cầu nguyện và bố thí, coi chúng như những việc làm khiến Thiên Chúa nhớ tới ta (Cv 10:2-4).

Thánh Luca cũng không ngần ngại trình bày một điển hình về lời cầu nguyện của Kitô hữu, được ngỏ với Thiên Chúa như Chúa Tể Tối Cao, trong đó, Người được nhìn nhận là Đấng Tạo Dựng, Đấng linh hứng cho Đavít viết thánh vịnh, và là đấng lên khuôn cho kế hoạch cứu rỗi được thể hiện trong cái chết của Chúa Giêsu. Người được cầu xin giúp các môn đệ can đảm rao giảng sứ điệp về Người và về Đấng Người Xức Dầu, bất chấp các đe dọa của vua chúa quan quyền, cũng như chữa lành nhân danh tôi tớ Người là Chúa Giêsu (Cv 4:24-30). Lời cầu ấy trở thành bối cảnh để họ được tràn ngập Chúa Thánh Thần.

Các biến cố quan trọng trong đời Chúa Giêsu đã được đánh dấu bằng việc cầu nguyện như thế nào, thì cuộc sống của cộng đồng Kitô hữu sơ khai cũng được đánh dấu bằng việc cầu nguyện như vậy. Họ khẩn khoản xin Thiên Chúa tỏ sự chọn lựa của Người đối với kẻ thay thế Giuđa bằng cách rút thăm (Cv 1:24); họ nài xin cho Thánh Phêrô được thoát tay Hêrốt Agrípa (Cv 12:5). Lời cầu nguyện đi đôi với việc đặt tay chọn bẩy phó tế (Cv 6:6), việc cử Banaba và Phaolô đi truyền giáo (Cv13:3); nó cũng đi đôi với việc hai vị này đề cử các trưởng lão tại từng Giáo Hội (Cv 14:23).

Thánh Luca cũng không quên nói tới vị trí của cầu nguyện trong cuộc đời Thánh Phaolô, vị anh hùng của nửa phần sau Công Vụ. Bị hóa mù trên đường Đamát, việc ngài được dẫn nhập vào đời sống Kitô Giáo đã được đánh dấu bằng cầu nguyện và nhờ thế được thị kiến Anania đến giúp mình (Cv 9:11) nghĩa là được nhìn lại và được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Dù ngài là người đem sứ điệp Kitô Giáo tới Dân Ngoại, nhưng ngài được trình bày không ngừng thờ phượng Thiên Chúa của “cha ông chúng ta” (Cv 24:14). Việc ngài từ giã các trưởng lão Êphêsô chỉ diễn ra sau khi ngài cùng qùy gối cầu nguyện với họ (Cv 20:36).

Tóm lại, Thánh Luca không ngần ngại nhấn mạnh tới mọi cách thế khác nhau của nhu cầu cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu và tới mọi hình thức cũng như các dịp khác nhau của nó. Về phương diện này, điều khởi đầu vốn là một biểu hiện của lòng đạo đức Do Thái Giáo, nay đã được ngài biến thành đặc điểm của Kitô Giáo: sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và Đấng Người Xức Dầu nay đã được trình bày theo cả viễn ảnh cộng đoàn lẫn viễn ảnh cá nhân như cách thế thân thưa cùng các vị. Lý do hay nhất của lời khuyên cầu nguyện đã được Thánh Luca ghi ở Lc 22:46, lúc Chúa Giêsu thấy các môn đệ của Người đang mê ngủ trong khi Người cầu nguyện: “Dậy đi mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”. Cám dỗ đây chắc chắn ám chỉ việc phản bội Người. Lc 18:1-8 cho biết rõ cầu nguyện chính là dấu ấn của niềm tin Kitô Giáo: Thiên Chúa sẽ bênh vực những kẻ kêu cứu Người, nhưng khi ngự đến, không biết Con Người có còn tìm thấy niềm tin kêu cầu ấy trên trần gian nữa không?

4. Môn đệ sử dụng đúng đắn của cải vật chất

Có lẽ ngoại trừ soạn giả Thư Giacôbê ra, không soạn giả Tân Ước nào nhấn mạnh tới việc sử dụng của cải vật chất nơi các Kitô hữu bằng Thánh Luca. Không những duy trì các lời nói của Chúa Giêsu về giầu nghèo, ngài còn đặt vào môi miệng Chúa Giêsu nhiều câu nói phản ảnh chính thái độ của ngài về vấn đề này. Trong Công Vụ, ngài còn vẽ ra hình ảnh thân thương trong đó các Kitô hữu tiên khởi đặt mọi sự làm của chung và cùng nhau chia sẻ miếng cơm manh áo hằng ngày.

Thực ra, các yếu tố trong thái độ đối với của cải vật chất phần lớn đã được liệt kê trong truyền thống trước Thánh Luca, nhất là thuộc nguồn Máccô. Về điểm này, ta thấy Thánh Luca duy trì câu Chúa Giêsu ví người giầu vào nước thiên đàng khó như lạc đà chui qua lỗi kim khâu (Lc 18:25; Mc 10:25), hay câu truyện đồng tiền nhỏ của bà góa (Lc 21:1-4; Mc 12:41-44). Ngài cũng duy trì câu Chúa Giêsu nói về việc nạp thuế cho Xêda (Lc 20:20-26; Mc 12:13-17). Cũng như Thánh Máccô, ngài tỏ ra tởm gớm trước thái độ của Giuđa: sẵn sàng phản bội Thầy vì mấy đồng bạc (Lc 22:5; Mc 14:11). Trong Mc 10:17-21, Chúa bảo người thanh niên giầu có bán những gì anh ta có, cho người nghèo rồi đến theo Người. Thánh Luca cũng nhắc lại những điểm đó, nhưng nhấn mạnh: người thỉnh ý Chúa Giêsu không phải là một thanh niên giầu có mà là “một thủ lãnh” và thêm chữ tất cả: “bán hết tất cả những gì ông có” (Lc 18:18-22). Cũng thế, khi lặp lại việc Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan bỏ lưới, bỏ cha, theo Chúa Giêsu của Mc 1:18,20, Thánh Luca nhấn mạnh: “họ bỏ mọi sự mà theo Người” (Lc 5:11). Ngài duy trì các câu của nguồn “Q” như Con Người không có chỗ đặt đầu (Lc 9:58); lời khuyên không nên lo lắng về ăn mặc (Lc 12:22-32); cho cả áo ngoài lẫn áo trong (Lc 6:29); cho người ăn xin (Lc 6:30).

Việc Thánh Luca nhấn mạnh cũng như việc ngài làm nổi sự khác biệt giữa giầu nghèo đã được khám phá nhiều cách. Trong trình thuật tuổi thơ, điều đó được nhận ra lần đầu ở Kinh Ngợi Khen, theo đó, “kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giầu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:53). Cung giọng thuở đầu ấy loan báo cho ta một sự lật ngược các giá trị nhân bản liên quan tới việc ra đời của Đấng thừa hưởng gia nghiệp Đavít và Ápraham.

Việc đề cập tới lời giảng của Gioan Tẩy Giả cũng cho ta thấy hình thức suy tư riêng của Thánh Luca về việc sử dụng của cải vật chất. Gioan khuyên người ta chia sẻ áo cơm với người túng thiếu (Lc 3:11), khuyên lính tráng đừng hà hiếp, tống tiền, trái lại nên bằng lòng với lương tiền của mình (Lc 3:14). Sau này, Thánh Luca còn làm sắc cạnh sự tương phản giữa Gioan trong hoang địa và những người “mặc gấm vóc lụa là” của Mt 11:8 bằng cách thêm: “áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa” (Lc 7:25).

Trong hoạt cảnh lên chương trình tại Nadarét, lời trích dẫn Is 61:1 đã lên cung giọng cho lối tường trình của Thánh Luca về việc loan báo tin mừng cho người nghèo hèn (Lc 4:18). Chủ đề này sẽ được lặp lại trong các mối phúc, mà mối đầu tiên được công bố cho “anh em là những người nghèo khó” (Lc 6:21). Các mối phúc này là của nguồn “Q”. Nơi Thánh Luca, chúng được thuật song song với các mối họa mà mối đầu tiên được ngỏ với “các ngươi là những kẻ giầu có” (Lc 6:24). Ở Mt 5:3, mối phúc được tâm linh hóa bằng “tinh thần nghèo khó”; trong Tin Mừng Luca, với song đối mối họa nhằm nguyền rủa kẻ giầu có, ta bắt buộc phải hiểu nghèo khó theo nghĩa vật chất: nghèo khó về kinh tế và xã hội, cái nghèo cào xé ruột gan! Chủ đề loan báo tin mừng cho người nghèo hèn này sẽ còn được lặp lại ở Lc 7:21-22.

Song đối giữa giầu nghèo của Lc 6:21 và Lc 6:24 là một trong những cách nhấn mạnh của Thánh Luca. Tuy nhiên, về chủ đề giầu nghèo cũng như xử lý với của cải vật chất, ta còn thấy những đoạn hoàn toàn là của Thánh Luca, như dụ ngôn người giầu ngu ngốc (Lc 12:16-21), dụ ngôn người giầu và Ladarô (Lc 16:19-26), dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (kể vì mục đích khác đã đành, nhưng vẫn là điển hình cho việc sử dụng đúng đắn của cải vật chất để giúp đỡ những người bất hạnh, Lc 10:35-37), lời khuyên nên “mời người nghèo” dự tiệc thay vì mời người hàng xóm giầu có (Lc 14:13). Đáng lưu ý hơn cả là Tin Mừng Luca đã tường thuật về Giakêu, “đứng đầu những người thu thuế và là người giầu có”, nhưng rất đáng khen vì sau đó đã dành phân nửa tài sản của mình cho người nghèo (Lc 16:1-10).

Căn cứ vào những đoạn trên đây, hoặc của truyền thống hoặc của riêng Thánh Luca, ta thấy ngài có hai thái độ đối với việc sử dụng của cải vật chất: (a) thái độ ôn hòa, khuyên người ta sử dụng khôn ngoan các của cải ấy để trợ giúp những người kém may mắn hơn mình hay để biểu lộ sự cởi mở đối với sứ điệp của Chúa Giêsu; và (b) thái độ triệt để, khuyên người ta từ bỏ mọi của cải vật chất.

Thái độ ôn hòa tìm thấy trong lời khuyên chia sẻ chúng (Lc 3:11), sử dụng chúng cách khôn ngoan (Lc 16:8a), làm phúc bố thí (Lc 12:33). Về phương diện này, ta nên lưu ý đến việc Thánh Luca mô tả các phụ nữ Galilêa “lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc 8:3), sự kiện ngài thêm việc bố thí vào bản văn của nguồn “Q” (Lc 11:41; xem Mt 23:26), lời khen viên quản gia bất lương va việc áp dụng lời khen ấy “hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16:9). Trong Công Vụ, Tabitha được ca ngợi vì “những việc lành và bố thí” (Cv 9:36), Corneliô cũng vậy (Cv 10: 2, 4, 31: ở đây, thói quen bố thí đã được coi như ngang hàng với lời cầu nguyện “thấu tòa Thiên Chúa”). Ngược lại, thầy phù thủy Simon ở Samaria bị Thánh Phêrô quở trách vì đã dùng tiền mà “mua ân huệ của Thiên Chúa!” (Cv 8:18-20). Mặt khác, Thánh Phaolô nhắc các trưởng lão Êphêsô làm lụng vất vả để giúp người đau yếu, và nhắc họ nhớ câu của Chúa Giêsu: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35).

Còn về thái độ triệt để, ta thấy có việc cho vay mà “không hề hy vọng được đền trả” (Lc 6:35), đi truyền giáo mà không cần dự trữ (không gậy, không bánh, không tiền, không túi, không bị, không giầy dép: Lc 9:3; 10:4), bán hết những gì mình có mà cho người nghèo (Lc 12:33). Câu “ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:33) quả đã tóm lược hết thái độ triệt để của Thánh Luca. Lại còn câu này nữa: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh rể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16:13).

Thái độ triệt để đối với của cải vật chất trên đây cho ta hiểu hình ảnh về cộng đồng Kitô hữu tiên khởi trong Công Vụ. Thánh Phêrô, khi chữa người ăn xin què quặt ở Cửa Đẹp trong Đền Thờ Giêrusalem, đã nói với anh ta: “vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6). Thánh Luca thuật lại việc cộng đồng tín hữu tại Giêrusalem không có người túng thiếu vì tất cả những ai có đất đai nhà cửa đều bán đi và gom tài nguyên lại với nhau để có thể phân phối cho mọi thành viên theo nhu cầu (Cv 4:34-35). Dù hình ảnh đồng tâm nhất trí tuyệt vời này sau đó đã bị hoen ố bởi hành động của vợ chồng Anania và Saphira (Cv 5:2-11) cũng như sự kêu trách của các tín hữu Do Thái theo văn hóa Hy Lạp (Cv 6:1-7), nhưng đại để hình ảnh ấy đã nói lên điều này: thái độ triệt để quả không phải chỉ là lời khuyên xuông.

Thánh Luca không ngừng ở việc mô tả người giầu và người nghèo như những người có và những người không có. Vì nếu ngài cho rằng các môn đệ Chúa Giêsu thuộc tầng lớp có có nghĩa vụ phải giúp đỡ những người thuộc tầng lớp không có, thì hiển nhiên ngài đã hiểu sự tương phản một cách khác nữa. Như theo chiều kích cánh chung chẳng hạn, theo nghĩa: Thiên Chúa, trong sự quan phòng của Người, cuối cùng sẽ lật ngược thân phận nhân bản. Khía cạnh này, như trên đã nói, lần đầu tiên xuất hiện trong Kinh Ngợi Khen (Lc 1:53), trong mối phúc và mối họa thứ nhất (Lc 6:20,24), và trong dụ ngôn người giầu có và Ladarô (Lc 16:19-26). Tuy nhiên, vẫn còn một chiều kích khác, vì Thánh Luca còn sử dụng sự tương phản giầu nghèo như một phân cách hai thái độ nhân bản đối với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu tiên tri, và với sứ điệp của Người ngỏ với nhân loại. Nơi Thánh Luca, người nghèo không những được hiểu theo nghĩa kinh tế xã hội, mà còn được liên kết với tù nhân, người mù, người bị áp bức (Lc 4:18) hay với những người đói khát, khóc than, bị kỳ thị, bị bách hại, và bị từ khước (Lc 6:21-22), hay với người què quặt, cùi hủi, và câm điếc, ngay cả người chết nữa (Lc 7:22). Nói cách khác, người nghèo chỉ chung khối quần chúng bị bỏ quên trong xã hội. Họ không phải là tôi tớ của kim tiền (Lc 16:13); họ không tích lũy kho lẫm cho riêng mình, nhưng “làm giầu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12:21). Đặc điểm của người giầu ngu dốt là họ không cảm thấy nhu cầu phải có Thiên Chúa, trong khi người nghèo thấy ra nhu cầu ấy và chính họ là người được Chúa Giêsu tiên tri giảng giải. Sự nghèo khó như thế đã được Thánh Luca sử dụng để mô tả đáp ứng nội thẳm trong trái tim con người trước cuộc viếng thăm của Thiên Chúa qua sứ vụ và thẩm quyền của Chúa Giêsu.

III. Cuộc sống cộng đồng Kitô giáo

Thánh Luca không chỉ nói đến đáp ứng cá nhân, mà còn nói tới một đáp ứng có tổ chức theo lối cộng đồng. Trên đây, ta đã nhắc qua đến cái lối sống cộng đồng ấy mà các Kitô hữu tiên khởi gọi là “Đạo”. Ta cũng đã thấy lối gọi đó chỉ có trong Tin Mừng Luca. Ở đây, ta nhấn mạnh tới khía cạnh có tổ chức và có tính cộng đồng của nó.

Ngay từ Chúa Nhật Phục Sinh đầu hết, Thánh Luca đã mô tả các môn đệ của Chúa Giêsu như Nhóm Mười Một và các bạn hữu “đang tụ họp” với nhau (Lc 24:33) và “hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24:53). Cũng thế, ở đầu Sách Công Vụ, họ được mô tả “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Chúa Giêsu, và với anh em của Chúa Giêsu” (Cv 1:14). Cái nhân này được tính gồm 120 người (Cv 1:15) và danh xưng được Thánh Luca dùng chỉ về họ là một hiệp thông, một cộng đồng (koinonia) chuyên chăm nghe giáo huấn tông đồ, bẻ bánh và cầu nguyện (Cv 2:42). Koinonia, nơi Thánh Luca, nói lên tinh thần hợp đoàn của các Kitô hữu tiên khởi, tuy chưa có thể dùng nó như một tên gọi cho tập thể của họ.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, ekklesia, Giáo Hội, đã xuất hiện trong Công Vụ. Bốn chương đầu của sách này chưa nhắc đến nó, nhưng ở Cv 5:11, nó xuất hiện lần đầu, cuối câu truyện về vợ chồng Anania và Saphira: “toàn thể Giáo Hội… đều rất sợ hãi”. Thực ra, câu này chỉ là nhận định riêng của Thánh Luca trong đó, ngài sử dụng hạn từ hiện hành lúc ấy để chỉ cộng đồng Kitô hữu khi suy tư về gương mù của cặp vợ chồng Anania. Với nghĩa chính xác chỉ Giáo Hội thì phải đợi tới lúc Thánh Phaolô xuất hiện trong Công Vụ (Cv 8:1, 3) và từ đó, nó được sử dụng liên tục. Hạn từ ekklesia không xuất hiện trong các sách tin mừng, ngoại trừ Mt 16:18 và Mt 18:17, nên việc nó thường xuyên xuất hiện trong Công Vụ và các trước tác của Thánh Phaolô là điều đáng lưu ý. Phải chăng việc thánh Phaolô dùng nó là nhân tố chính của việc gọi cộng đồng Kitô hữu là “Giáo Hội”? Và phải chăng việc từ từ dẫn nhập nó vào Công Vụ cho thấy khoảng thời gian dài mà các Kitô hữu tiên khởi cần có mới hiểu ra rằng hình thức sinh hoạt cộng đồng của họ nên mô tả là “Giáo Hội”? Những câu hỏi này có thể ảnh hưởng tới Giáo Hội học của Thánh Luca.

Có điều, khi thuật lại câu truyện trở lại của Thánh Phaolô, Thánh Luca không chuyên nhất nhắc đến hạn từ Giáo Hội. Tiếng trên trời phán với Thánh Phaolô trên đường Đamát nói rằng “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9:4). Chính Thánh Phaolô cũng thường chỉ nói tới việc mình bách hại “các môn đệ của Chúa” hay “Đạo” (Cv 9:1-2), hoặc “Đạo này” (Cv 22:4), “danh Giêsu người Nadarét” hay “nhiều người trong dân thánh” (26:9-10). Các danh hiệu này có thể là các danh hiệu tiên khởi để chỉ cộng đồng Kitô Giáo sơ khai. Dù sao, Giáo Hội như nhiệm thể Chúa Kitô trong ngữ vựng thần học của Thánh Phaolô thì không hẳn có trong thần học Luca. Nhưng điều rõ ràng là Thánh Phaolô và Thánh Luca trong Công Vụ đã dùng ekklesia làm tên gọi cho “cuộc tụ tập được mời gọi” này, tức cộng đồng Kitô hữu có tổ chức, cả địa phương lẫn phổ quát.

Riêng Thánh Luca dùng khá nhiều danh xưng để gọi các thành viên của Giáo Hội, lúc thì nói lên một thứ cơ cấu nào đó, lúc thì không. Thí dụ, ngài biết các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô được gọi chung là Kitô hữu (Cv 11:26). Nhưng đôi lúc, ngài gọi họ là môn đệ với nghĩa theo chân Chúa Giêsu hơn là với nghĩa thừa tác vụ hay chức năng nào họ có trong cộng đồng (Cv 6:1,2,7; 9:1,36). Đôi khi ngài gọi họ là anh em để hàm nghĩa một cộng đồng hơn là một chức vụ trong đó (Cv 1:15; 9:30; 10:23; 11:1,29).

Thánh Luca cũng biết một số thành viên trong Giáo Hội giữ các chức năng hay thừa tác vụ chuyên biệt như các trưởng lão, nhóm Mười Hai, và tông đồ. Điều này cho thấy cộng đồng Kitô hữu đã được tổ chức hay lên cơ cấu, tuy chưa rõ lắm việc những chức năng này làm gì.

Về các chức năng trên, Thánh Luca mô tả: trong hành trình truyền giáo I, Thánh Phaolô cho lập “các trưởng lão tại mỗi Giáo Hội” (Cv 14:23). Khi từ hành trình truyền giáo III trở lại Giêrusalem, ngài cho triệu các trưởng lão của Êphêsô tới Milêtô để nói chuyện với họ và cho họ biết họ là “những người coi sóc” (episkopoi) của Giáo Hội Chúa (Cv 20: 17, 28). Tước hiệu episkopoi chỉ xuất hiện ở đây để chỉ các viên chức của Giáo Hội, trong khi “trưởng lão” xuất hiện nhiều hơn để chỉ các viên chức địa phương (Cv 11:30; 15:2,4,6,22,23; 16:4; 20:17; 21:18).

Dĩ nhiên, Thánh Luca biết rõ nhóm Mười Hai trong Giáo Hội sơ khai. Giống các soạn giả Nhất Lãm khác, Thánh Luca tìm lại nguồn gốc của nhóm trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu (Lc 6:13; Mc 3:14; Mt 10:1-5). Nguồn gốc này hết sức quan trọng trong tư duy các tín hữu tiên khởi khiến họ ngỡ ngàng biết bao trước sự bội phản của Giuđa, “một người trong nhóm Mười Hai” (Mc 14:10,43; Lc 22:3,47; Mt 26:14; Ga 6:71). Theo chân Thánh Máccô, Thánh Luca sử dụng hạn từ này ở Lc 8:1; 9:1,12; 18:31; 22:3,47; 24:9,33 [Nhóm Mười Hai trừ Giuđa=Mười Một]. Chính hạn từ Mười Một, Mười Hai thiếu một này, đã khiến hạt nhân khởi thủy là cộng đồng tín hữu đầu hết cảm thấy nhu cầu bức bách phải tái tạo cho bằng được nhóm Mười Hai: nhờ thế, Mátthia đã được bầu thế chỗ cho Giuđa phản bội (Cv 1:26). Việc tái tạo này cần thiết trước Lễ Ngũ Tuần để cộng đồng mới này đúng khuôn đúc như It-ra-en xưa gồm 12 chi tộc. Sau đó, thì không cần nữa, vì khi Giacôbê, con trai Giêbêđê, cũng là một trong nhóm Mười Hai, qua đời dưới bàn tay Hêrốt Agripa (Cv 12:2), không thấy có nhu cầu phải tái tạo nhóm Mười Hai nữa. Thực vậy, nhóm Mười Hai được nhắc đến trong Lễ Ngũ Tuần (Cv 2:14) và trong việc đề cử 7 phó tế (Cv 6:2) và trong Cv 6:6, các ngài được nhắc tới dưới danh tông đồ.

Từ đó, một câu hỏi được đặt ra: nơi Thánh Luca, nhóm Mười Hai có đồng nghĩa với đoàn tông đồ hay không? Linh mục Fitzmyer cho rằng hình như vậy (3). Thực vậy, đối với các soạn giả Tân Ước khác, xem ra hai nhóm này, lúc đầu, là hai nhóm khác nhau. 1Cor 15:5 xem ra đã hiểu như thế, vì cho rằng Chúa đã hiện ra với Kêpha, rồi với nhóm Mười Hai; rồi 1Cor 15:7 viết thêm: Người hiện ra với ông Giacô bê, rồi với tất cả các tông đồ. Con số tông đồ dường như nhiều hơn con số 12. Bởi thế ở 1Cor 15, Thánh Phaolô kể ngài là một trong số các tông đồ. Mc 3:14 chỉ đơn giản nói rằng “Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người”. Mt 10:1,5 nói rõ hơn một chút: Chúa chọn nhóm Mười Hai từ trong “các môn đệ”. Chỉ có Thánh Luca không những cũng nói thế (Lc 6:13) nhưng thêm “và gọi là tông đồ”. Danh xưng tông đồ sau đó được Thánh Luca rất năng dùng (Lc 9:10; 11:49; 17:5; 22:14; 24:10; Cv 1:2,26; 2:37,42,43; 4:33,35,36,37;5:2,12,18,29,40; 6:6; 8:1,14,18; 9:27; 11:1; 14:4,14;15:2,4,6,22,23; 16:4), khác hẳn các soạn giả khác: danh xưng apostolos chỉ thấy ở Mc 6:30; Mt 10:2 và Ga 13:16 (4). Điều này cho thấy tầm quan trọng của nhóm này trong suy nghĩ của Thánh Luca về Giáo Hội sơ khai.

Rõ ràng Thánh Luca muốn đồng nhất hóa nhóm Mười Hai với mười hai tông đồ. Đây là những người được sai đi hàng đầu, đem Lời Chúa tới tận cùng trái đất. Tuy Thánh Phaolô là nhân vật chính trong phần hai Sách Công Vụ, nhưng Thánh Luca rất ít khi sử dụng danh xưng tông đồ để gọi ngài: duy nhất có hai lần trong Cv 14:4, 14 (áp dụng cho cả Barnaba). Rất có thể đây cũng chính là sự dè dặt của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đối với Thánh Phaolô. Nên trong các thư của ngài, Thánh Phaolô để lộ sự đấu tranh riêng để được nhìn nhận là tông đồ: “Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Chúa Giêsu, Chúa chúng ta sao?” (1Cor 9:1-2; xem thêm Gl 1:1,17,19; 2Cor 12:11-12). Sự dè dặt hay đúng hơn sự ngần ngại này cũng có thể đã được phản ảnh trong các tiêu chuẩn được Thánh Luca ghi lại về việc chọn người thay thế Giuđa: không phải chỉ thấy Chúa Giêsu mà thôi, tông đồ còn phải là người cùng đồng hành với các thành viên khác của nhóm Mười Hai trong suốt thời gian Chúa Giêsu sinh hoạt giữa họ nữa (Cv 1:21).

Nhóm Mười Hai, trong suy nghĩ của Thánh Luca, là gạch nối quan trọng giữa Giáo Hội sơ khai và Chúa Giêsu lịch sử. Chính vì thế, ngay ở đầu Công Vụ, ngài nhấn mạnh rằng hạch nhân Giáo Hội ấy, gồm các Kitô hữu ban sơ, “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy” (Cv 2:42). Khi giới hạn các tông đồ và nhóm Mười Hai, Thánh Luca đã tổng hợp các vai trò và làm tăng thẩm quyền của họ. Có một điều: không hiểu tại sao, ngài lại dành cho cả Barnaba danh hiệu tông đồ nữa. Điều thứ hai, sau Công Đồng Giêrusalem, danh xưng tông đồ cũng biến mất không được nhắc đến nữa trong cơ cấu Giáo Hội tại Giêrusalem. Danh xưng này xuất hiện lần cuối cùng trong Cv 16:4, khi Thánh Phaolô, Sila và Timôtê loan báo cho các Giáo Hội ở Tiểu Á quyết định của “các tông đồ và trưởng lão ở Giêrusalem”. Khi Thánh Phaolô trở lại Giêrusalem sau hành trình truyền giáo 3, ngài chỉ gặp Giacôbê và “mọi trưởng lão” (Cv 21:18), không thấy nhắc tới các tông đồ. Vấn đề sau cùng là về 7 phó tế được “toàn thể các môn đệ” đề cử dưới sự giám sát của nhóm Mười Hai hay “các tông đồ” (Cv 6:1-6) để “lo việc ăn uống” ngõ hầu các tông đồ có thể toàn tâm lo việc giảng dạy, cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa nói chung (6:2,4). Điều khó hiểu là 2 trong số các vị được đề cử để “lo việc ăn uống” ấy lại được Thánh Luca mô tả như những người giảng dạy: Stêphanô (Cv 6:8-7, 53) và Philípphê (Cv 8:4-13).

Như thế phải nói rằng: dù Giáo Hội sơ khai là một cộng đồng có tổ chức, nhưng cơ cấu tổ chức ấy có đặc tính có thể thay đổi được. Và do đó, khó có thể xác quyết hoàn toàn về cơ cấu của Giáo Hội ấy. Trên thực tế, Thánh Luca quan tâm nhiều hơn tới việc trình bày sự lớn mạnh của Giáo Hội trong các khía cạnh khác nhau của thế giới Địa Trung Hải và việc rao giảng Tin Mừng cho “đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Chính vì vậy, ngài hay dùng con số trong các tóm lược của Sách Công Vụ, ngầm cho thấy sự lớn mạnh, sự bình an và việc xây dựng Giáo Hội (xem Cv 2:41; 4:4; 5:14; 6:1,7; 9:31; 11:21, 24b; 12:24; 14:1; 19:20). Trong các điển hình vừa kể, các điển hình Cv 6:7; 12:24 và 19:20 nhắc đến chính sự “lớn lên” của Lời Thiên Chúa. Một khía cạnh khác của đời sống Giáo Hội là tinh thần tương trợ biểu lộ qua việc một Giáo Hội địa phương (Antiôkia) quyên góp tiền bạc gửi qua cứu trợ “anh em sống tại Giuđêa” lúc nạn đói xẩy ra dưới triều Hoàng Đế Clauđiô (Cv 11:29). Thánh Luca cũng nhấn mạnh tới khía cạnh Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn cộng đoàn có tổ chức của các Kitô hữu. Chính vì thế theo mô tả của ngài, Chúa Thánh Thần chỉ được ban xuống khi có sự hiện diện của các tông đồ hoặc những vị được các ngài ủy quyền.

Tóm lại, Giáo Hội học của Thánh Luca phát sinh từ ý thức chia sẻ đời sống với nhau của các Kitô hữu, một sự chia sẻ có cơ cấu. Cơ cấu này có thể thay đổi tùy theo tình thế, như việc đề cử 7 phó tế lo việc ăn uống chẳng hạn, nhưng sự thay đổi này luôn được đặt dưới sự chỉ đạo và giám sát của nhóm Mười Hai (Cv 6:2).
____________________________________________________________________________________________________________
(1) Joseph. A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-IX, Anchor Book, Doubleday, 1981, các tr. 233-257.
(2) Xem liệt kê trong Fitzmyer, đã dẫn, tr.237
(3) Đã dẫn, tr. 254
(4) Ga 13:16 bản Hy Lạp, apostolos, hiểu theo nghĩa chung chỉ sứ giả được Cha An Sơn Vị dịch là sứ đồ, còn các dịch giả khác thường dịch là “người được sai đi”.