Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 4 thường niên năm B 01/02/2015
“Lắng trầm tiếng chiều ngân,
nhạc dặt dìu ái ân”,
“Người ôi ! Nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn, duyên kiếp vẫn còn lỡ làng.”
(Nhạc: Enrico Toselli: Serenata – Lời: Phạm Duy: Nhạc Chiều)
(Mt 19: 21-23)
“Năm tháng (có) phai tàn”, “duyên kiếp (có) lỡ làng”, thì bạn và tôi, ta “nhớ mãi cung đàn”, nhớ “tiếng chiều ngân”, “dặt dìu ái ân”, quên sầu buồn. Thế đó, là ý/tình của các người em còn trẻ ở Sydney vẫn chủ trương nhớ đến “bạn nghèo” mình, ở nhiều nơi.
Bần đạo đây, mỗi lần nhắc đến nhóm “Nhớ Bạn Nghèo” ở Sydney, đều thấy người mình rộn lên một nỗi nhớ, rất khôn nguôi. Nhớ nhiều, không chỉ mỗi bản “Nhạc chiều” mà Phạm Duy đặt lời Việt cho bản “Serenata” nổi tiếng, mà nhớ cả những bạn trẻ thiện-nguyện trong tinh-thần tận-hiến những 6 năm qua, để có chút gì còn nhớ còn thương các bạn thiếu may-mắn ở khắp nơi trên thế giới.
Nhớ hơn cả, là lần họp mặt mừng kỷ niệm 6 năm ngày thành-lập “quán xá” hôm 30/11/2014 vừa qua. Nhất là các bạn từ già đến trẻ đều đổ về vùng Fairfield East, Sydney để ủng-hộ tặng-tiền cho những người ở nhiều nơi đang có nhu-cầu nhiều hơn ai hết.
Nhớ thế rồi, bần đạo cứ ê-a rồi lại ngâm nga ba lời ca rất tình-tiết như sau:
“Chiều êm êm đưa duyên về người.
Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời.
Người hỡi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến,
Như chuyện thần tiên.
Niềm mơ xưa là đó, cho ta nâng niu lời ca,
Chiều mơ không gian hờ hững cõi Thiên Đàng.
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ.
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà.
Nhạc chiều của chúng ta là câu ân ái muôn đời.
Bóng đã xế rồi hãy nép trong lòng cõi đời.
Tình Yêu mãi mãi.”
(Phạm Duy – bđd)
Nói về nhóm “Nhớ Bạn Nghèo”, có thể nói mãi mà không hết. Nói những 6 năm trời dài đằng đẵng, tuy mệt mỏi nhưng luôn thấy nụ cười nở trên môi, hết mọi người. Có những bạn, sau bao năm xa cách nay gặp lại đã thấy vui. Vui cười suốt, nhờ có nhóm “Nhớ Bạn Nghèo” làm chất xúc-tác để mọi người ở Sydney đến với nhau vui cưới rộn rã, và nhớ đến những người ở xa không có cơ-hội được cười, vì cuộc đời nhiều nghiệt ngã, truân chuyên.
“Nhớ Bạn Nghèo”, không chỉ nhớ bằng môi miệng, nhưng thực-tiễn bằng quà cáp/hiện vật, hiện kim, gói ghém nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để “bạn nghèo” được vui và được cười.
“Nhớ Bạn nghèo”, là nhớ Lời Vàng/Ngọc mà Bậc thày Hiển thánh, từ nhiều năm trước, vẫn dặn rằng:
"Nếu anh muốn nên hoàn thiện,
thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."
Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi,
vì anh có nhiều của cải.”
(Mt 19: 21-23)
“Nguời thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” nhưng anh lại không đem bán đi mà cho người nghèi khó, thế mới chết. Chết một điều, là: không chỉ mỗi sự-kiện Anh chẳng nhớ đến ai, chí ít là “người nghèo” ở phố/chợ. Mà, có nhớ đến người này/khác còn nghèo, nhưng Anh lại cũng chẳng cho họ một thứ gì. Tvgfffturc xzhế nên, anh mới buồn. Bởi thế nên, nhà nhạc sĩ vẫn cứ hỏi:
“Đã quên hết sầu chưa?
Lời này là tiếng xưa, quỳ dâng dưới nắng phai mờ
Bên gối ơ thờ ôi tiếng tơ tình mong chờ.”
(Phạm Duy – bđd)
Thật ra, tuy giàu có, nhưng anh thanh niên nọ lại chẳng cho ai thứ gì, vậy nên buồn.
Thật ra, nỗi-buồn-không-tên ở nhiều người, là do nhiều thứ và nhiều sự. Một trong những thứ và những sự, khiến con người buồn là ở chỗ: người ấy tuy sống vinh thân/phì gia là thế, nhưng vẫn chưa nhận ra lý lẽ của cuộc sống. Và, người đời gọi sự thể ấy bằng nhiều tên, như thể: giàu sang/phú quý, danh vọng/quyền thế, tài sắc/lương duyên, vv..
Với nhà Đạo, thì khác. Nhà Đạo, gọi đó là niềm tin-yêu rất mực, không thể thiếu/vắng trong sinh-hoạt đời người. Vừa qua, có người trẻ nọ ở Sydney cũng đà khám-phá ra một trong các chân lý để đời, cho mọi người như sau:
“Ngày nay, phải can đảm lắm mới dám cởi mở tỏ bày cho người khác biết về niềm tin mình đeo đuổi, vì cứ sợ người khác chê bai, dỡn cợt.
Những điều nói trên có thể áp-dụng nơi tôi, một cách rất chính xác. Nhiều lúc, có người cứ đến với tôi hỏi những câu thật vớ vẩn như: Cuối tuần này cô sẽ đi đâu? Có sinh hoạt gì vui nhộn không? Mỗi lần nghe hỏi như thế, tôi thường trả lời rất bang quơ rằng: thì, cũng đi đây đó xem cuốn phim mới được giải, rồi đi shop, hoặc đọc đôi ba cuốn sách rồi đi nhà thờ vào buổi chiều tối, chỉ thế thôi…”
Nghe tôi nói về chuyện đi nhà thờ/nhà thánh, bọn họ kêu trời rất thất thanh xem như chuyện động trời ít khi thấy. Tôi chỉ cười nhẹ và chẳng bàn cãi hoặc thêm thắt điều gì, dù sự việc này làm đau lòng cả một thế-hệ khi xưa vẫn tự hào mình là người chuyên chăm đi đạo và chuyện ấy vẫn được âm-thầm chấp-nhận. Nay thì, ra như ai cũng có khuynh hướng cứ để mọi người tha hồ mà phê-phán, cãi tranh.
Thành ra, ngày nay nếu có ai vừa trẻ tuổi mà lại siêng năng đạo-đức thường xuyên đi nhà thờ, chứ không giao du với giới vô-thần, thì chuyện đó mới khó. Nói thế là bởi, ngày nay người ngoài Đạo thường cảm thấy khiếp-sợ khi nghĩ đến cảnh-tượng cứ bị những người có đạo xấn xổ đến chuyện vãn nói năng hoặc dụ dỗ hồi hướng trở lại Đạo. Trong khi đó, đa phần người Công giáo chỉ muốn nói về Đạo mình mà không sợ bị phản-ứng mạnh.
Ngày nay, việc cho người khác biết mình có Đạo, cũng đã trở thành một thứ như “năm dấu thánh” ịn trên người mình, bởi mọi người chỉ muốn giữ niềm tin cho chính mình, thì người Công giáo lại cứ hay co cụm vào với nhau như tổ ong có đầu óc thiếu thông thoáng, lại có hơi quá khích, cuồng tín nữa…” (xem Neve Mahoney, Confessions of a practising Catholic, trên tờ Australian Catholics số Spring 2014, tr. 7-8)
Người viết ở trên nói thì nói thế, chứ: Người đi Đạo thời hôm nay mỗi người mỗi ý, đã không còn như xưa nữa. Không còn như xưa, tức: họ thường nhớ rất nhiều thứ và nhiều sự. Cả, những thứ và những sự được dậy dỗ ở trường lớp hay cuộc đời có những câu chuyên hay ho, ý-nhị, thực-tế áp-dụng cho đời mình và đời người, cũng thường thôi, hệt như truyện kể ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Sally vội vã tiến đến cửa phòng cấp cứu khi thấy cánh cửa bên trong mở ra. Sally hỏi vị bác sĩ: "Con trai của tôi thế nào rồi... Thằng bé sẽ ổn chứ?... Tôi có thể nhìn nó ngay bây giờ không!..." Vị bác sĩ trả lời từ tốn:
-Tôi rất lấy làm tiếc, chúng tôi đã làm hết sức mình có thể!"
Sally tự hỏi với lòng mình:
-Tại sao những đứa trẻ có thể chịu được căn bệnh ung thư, Chúa hầu như không ngó ngàng đến chúng sao. Chúa, người ở đâu trong khi con trai con lúc này cần một đặc ân của người!
Vị bác sĩ trả lời bên cạnh Sally:
-Ít phút nữa sẽ có ý tá đưa chị vào thăm cháu bé, trước khi chúng tôi chuyển cháu đi.
Sally muốn nói với người y tá rằng cô muốn ngay lúc này được gặp mặt con trai bé bỏng của cô để nói lời tạm biệt cậu bé, trước khi không còn dịp nào để có thể nhìn thấy cậu bé nữa.
Sally đưa nhanh những ngón tay của mình lên mái tóc còn bối rối.
-Bà đã chuẩn bị mang bao trùm tóc chưa?..." người y tá nói.
Sally nhanh chóng nhận bao trùm tóc dành cho người thăm bệnh lên đầu, vừa trùm tóc xong Sally khẽ nói:
-Jimmy đã từng có ý nghĩ sẽ hiến thân xác của mình cho trường đại học y. Thằng bé bảo rằng như thế sẽ có lúc giúp được cho một ai đó, và đó là điều thằng bé muốn.
Câu trả lời đầu tiên của tôi là không thể, nhưng Jimmy nói với tôi rằng:
-Mẹ à, con muốn mình trở nên có ích ngay cả khi con không còn sống nữa, có thể điều đó sẽ giúp được cho một cậu bé cô bé nào giống như con để bạn ấy có thêm thời gian sống với gia đình của bạn ấy!"
Sally bảo rằng:
-Jimmy của tôi là một cậu bé có trái tim bằng vàng, thằng bé luôn luôn nghĩ đến người khác, luôn muốn giúp đỡ những mọi người bằng một cách nào đó khi thằng bé có thể.
Sally từ từ bước chậm rãi đến phòng bệnh nhi lần cuối sau khi cô đã từng túc trực tại nơi này hơn 6 tháng ròng. Cô ngồi lên chiếc giường bệnh của Jimmy và thu dọn những món đồ chơi của Jimmy cho vào túi. Cô lẳng lặng xách chiếc túi nhỏ cho vào băng ghế của chiếc xe và từ từ lăn bánh. Bệnh viện lùi dần về phía xa như thể cô càng chạy xa bệnh viện chỉ còn như một cái chấm nhỏ nhoi. Sally không hề quay đầu lại nhìn, cô sợ mình lại trở đầu xe và chạy đến Jimmy một lần nữa.
Sally lái xe về nhà một cách khó nhọc và hầu như càng khó hơn khi bước chân vào nhà. Một cảm giác trống rỗng khiến cho Sally buốt tim. Cô mang chiếc túi đựng đồ chơi từ bệnh viện của Jimmy về phòng, và để mọi thứ bày biện đúng như khi Jimmy vẫn còn ở nhà, chiếc xe đồ chơi cứu hỏa được để góc kệ sách. Rồi Sally ngồi xụp xuống bên chiếc giường của Jimmy, cô ôm ghì chiếc gối của Jimmy vào lòng và nước mắt cứ lặng lẽ tuôn rơi.
Sally tỉnh giấc vào khoảng nửa đêm và nằm dài trên giường bỗng một lá thư rơi ra từ chiếc gối. Cô nhặt nó lên và đọc
Mẹ ơi!
Con biết rồi mẹ sẽ rất nhớ con, nhưng mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng con sẽ quên mẹ hoặc con không còn yêu mẹ nữa, bởi vì dù con không còn ở cạnh mẹ để nói con yêu mẹ rất nhiều.
Con luôn nghĩ đến mẹ mỗi ngày và con luôn muốn yêu mẹ mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Một ngày nào đó mẹ với con sẽ được gặp lại nhau. Mẹ à, nếu mẹ muốn những đứa trẻ giống con không thấy cô đơn và buồn chán, mẹ hãy cho các bạn ấy phòng của con, cho các bạn ấy những món đồ chơi con đã từng chơi. Hoặc nếu như mẹ mang các món đồ chơi của con cho một bé gái nào đấy, bạn ấy sẽ không thể nào chơi những món đồ chơi của bọn con trai chúng con, lúc ấy mẹ nên mua cho bạn ấy một con búp bê hay món đồ chơi mà bạn ấy thích.
Mẹ đừng buồn khi nghĩ về con mẹ nhé, nơi này thực sự rất tuyệt. Ông và bà sẽ gặp con sớm thôi nếu con đã có mặt ở đây và chạy vòng quanh nhìn ngắm mọi nơi, nhưng hẳn là sẽ không lâu nữa đâu. Các thiên thần rất thân thiện và con rất thích nhìn họ bay lơ lửng trên cao.
Con mãi yêu mẹ
Jimmy của mẹ.
(trích truyện kể do tác giả ST sưu tầm và phổ-biến trên mạng)
Và người kể cũng “chua” thêm đôi lời bàn, vẫn nói rằng: “Khi bạn mất đi một ai đó và bạn nghĩ rằng bạn đã dành cho người đó nhiều tình cảm hơn người đó dành cho bạn, thì khi họ mất đi, họ sẽ là người bị mất mát nhiều nhất.
Nhân sự kiện, có nhóm bạn trẻ người Sydney vẫn chủ trương “Nhớ Bạn Nghèo” trong 6 năm qua, bần đạo đã nhiều lần tự nhủ về sự thể được kể ở Tin Mừng thánh Mát-thêu trong đó có ghi lời Chúa: “Hãy bán đi những gì anh có, cho người nghèo”, đầy ý-nghĩa. Những ý và nghĩa, đem đến cho đời nhiều niềm vui, trong nhung nhớ.
Niềm vui “cho đi”, vẫn là niềm vui đích-thực tuy khó thực-hiện. Niềm vui ấy, vẫn còn thấy ở nhiều truyện kể khác, nghe trong đời. Và, một trong các truyện kể khá ý-nhị, được trích như sau:
“Truyện rằng:
Xưa lắm rồi, các màu trên mặt đất bỗng dưng cãi nhau. Màu nào cũng tự cho rằng
mình là tuyệt hảo, quan trọng nhất, hữu ích nhất và được ưa chuộng nhất.
Màu lục bắt đầu: Dĩ nhiên là tôi quan trọng nhất. Tôi là biểu tượng của sự sống và niềm hi vọng. Tôi được chọn để tạo thành cỏ cây. Thiếu tôi cảnh vật sẽ tiêu điều. Hãy nhìn vạn vật xung quanh, các bạn hẳn thấy tôi đúng.
Màu xanh ngắt lời: Bạn chỉ nghĩ đến những gì trên mặt đất, hãy ngước nhìn trời xanh và dõi ra biển biếc. Từ đáy biển sâu đến chín tầng mây cao, sự sống tồn tại được đều nhờ vào nước. Trời xanh bao la mang hình ảnh của sự thanh bình. Nếu không có thanh bình muôn loài ai nấy cũng sẽ xác xơ.
Màu tím cãi lại: Tôi là màu của sức mạnh. Từ vua quan đến hàng giáo phẩm đều chọn màu của tôi vì tôi tượng trưng cho quyền uy và thông thái. Ai ai cũng sẵn sàng lắng nghe và tùng phục.
Màu vàng cười vang: Sao toàn là chuyện nghiêm túc quá thế. Tôi cho rằng chỉ có tôi mới mang lại niềm vui và sự ấm áp cho đời mà thôi. Này nhé, mặt trời vàng, mặt trăng vàng, các vì sao vàng, tất cả đem lại sự vui tươi và nụ cười cho toàn thế giới. Vắng tôi là thiếu hẳn đi niềm hân hoan.
Đến lượt màu cam tự khen: Tôi là màu của sức khỏe, của sự đổi mới. Có lẽ tôi là một màu quí vì tôi phục vụ mọi nhu cầu của con người. Tôi mang các sinh tố quan trọng nhất, hãy nhìn các loại trái cây thì biết. Tôi ít khi có mặt nhưng khi tôi nhuộm bầu trời bình minh hay bầu trời hoàng hôn, vẻ đẹp mê hồn của tôi khiến không còn ai nhớ đến các bạn nữa.
Màu chàm tiếp lời, giọng nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt: Các bạn hãy nghĩ đến tôi xem nào. Tôi là màu của sự tĩnh lặng. Phải để ý đến tôi vì thiếu tôi, các bạn sẽ trở nên hời hợt, thiếu sâu sắc. Tôi đại diện cho tâm hồn, ý tưởng và sự tinh tế. Ai cũng cần tôi để có được một cuộc sống cân bằng cũng như tạo nên sự khác biệt. Tôi hữu dụng cho lòng tin, những giây phút trầm tư, an lạc nội tâm.
Đến lúc này màu đỏ không thể kiềm chế được nữa, quát to: Ta đây mới đích thị là “xếp sòng”. Ta là máu, là sinh lực. Ta là màu báo nguy, màu của sự can đảm. Ta là lửa. Ta là
màu của đam mê, của tình yêu, của hoa hồng, của hoa anh túc… Thiếu ta, địa cầu sẽ ảm đạm như mặt trăng kia.
Và rồi các màu lại tiếp tục khoe khoang; mỗi màu tự cho mình mới là quan trọng thật sự. Cuộc tranh cãi càng lúc càng căng thẳng, bỗng nhiên một tia chớp xẹt đến, tiếp theo ngay sau là một tiếng sét to. Mưa như thác đổ xuống các màu khiến chúng phải sát cánh lại để
che chở cho nhau.
Mưa nói: Thật là ngốc nếu các bạn mãi chống đối nhau. Các bạn không biết rằng mỗi màu được tạo ra cho một mục đích rõ ràng sao? Mỗi màu đều có một tính cách độc nhất và
đặc biệt trong thế giới này. Hãy bắt tay nhau và cùng đến với tôi.
Các màu nghe có lý và làm theo đề nghị của mưa. Chúng đến bắt tay nhau. Mưa khuyên tiếp: Từ giờ trở đi, khi nào mưa mỗi bạn hãy nổi lên thành một cầu vồng trên bầu trời để
chứng tỏ các bạn đã chung sống hòa bình. Cầu vồng là hình ảnh của sự hy vọng và hòa giải.
Tình bạn rực rỡ như bảy sắc cầu vồng: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Đỏ là quả chín, cam là ngọn lửa bất diệt, vàng là ánh dương chiếu rọi, lục là cây cỏ bừng mạch sống, lam là dòng nước trong xanh, chàm là niềm mơ ước trong tim, tím là nụ hoa sắp nở. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay chăm sóc tình bạn để tình bạn trổ nụ đơm hoa nhé!” (lại cũng trích từ truyện sưu tầm trên mạng của ST)
Truyện kể thì như thế, tức chỉ để nhắc nhở người đi Đạo hãy nhớ gốc nguồn thân thương của đời mình, rất có tình. Truyện kể, nay cốt để minh-hoạ cho đời người hiện có quá nhiều thứ để nghĩ-suy, toan tính rồi quyết-định. Quyết-định cho riêng mình, chứ chẳng để khuyên lơn thuyết phục được ai, trừ phi người đó người kia dung các biện pháp thực tế khác, để đạt hiệu quả.
Thế đó, còn là câu chuyện về nhóm “Nhớ Bạn Nghèo” ở Sydney vẫn từng làm. Nhớ Bạn Nghèo đây, có tôn chỉ là nhớ đến những bạn còn nghèo ở khắp nơi, bằng động-tác thiết-thực. Nhớ Bạn nghèo đây, còn là và phải là lập trường sống, là nhân-sinh quan và lý tưởng của mọi người trong Đạo, mới đúng.
Nhớ Bạn nghèo, là nhớ về lời nhắn nhủ của Đức Giêsu ở Tin Mừng khi Ngài vẫn cứ bảo: Mỗi khi các ngươi làm điều tốt lành cho người nghèo khó, là làm cho ta.”
Nhớ Bạn Nghèo, không chỉ là nhớ đến các đấng bậc ở nhà thờ từng giảng rao nói nhiều về tinh thần nghèo nhưng thực tế, vẫn chưa thấy rõ được như thế. Nhớ Bạn Nghèo, là có tương-quan đích-thực với những người còn thua kém mình về nhiều thứ. Nhớ cả đến những người thấp cổ bé họng, nhưng trong lòng không gian dối, uý-kỵ hoặc có đấu tranh.
Nhớ Bạn Nghèo, chính ra là cuộc sống có chất lượng, không xa hoa, phung phí, mua sắm thừa mứa cho mình cho riêng một người nào đó, chưa đến nỗi tệ hơn người nghèo ở phố chợ.
Và, nhớ bạn nghèo là còn biết trích ra vài phần trăm nào đó từ thu-nhập/lợi tức hằng năm/hàng tuần của chính mình mà đem cho những người có nhu cách cấp thiết hơn mình. Tắt một lời, nhớ đến bạn nghèo hơn mình là nhớ và thương những người xa lạ chẳng quen biết, nhưng vẫn nhận là “bạn” là người thân của mình ở đoâu đó, đang chờ đón một cái búng tay của mình, mà thôi.
Cuối cùng thì, Nhớ Bạn Nghèo thực chất là nhớ đến lời lẽ ở Tin Mừng thánh Mát-thêu vẫn vang vọng bên tai mình, những câu như:
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện,
thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời.”
(Mt 19: 2)
Nhớ thế rồi, nay ta cứ hung dũng hiên ngang, hát lời ca của nghệ sĩ già khi xưa từng viết:
“Niềm mơ xưa là đó, cho ta nâng niu lời ca,
Chiều mơ không gian hờ hững cõi Thiên Đàng.
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ.
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà.
Nhạc chiều của chúng ta là câu ân ái muôn đời.
Bóng đã xế rồi hãy nép trong lòng cõi đời.
Tình Yêu mãi mãi.”
(Phạm Duy – bđd)
Nghệ sĩ già ngoài đạo còn hát thế được huống hồ là bạn là tôi, đang phấn khởi sống đời người trẻ đầy phấn chấn, rất yêu đời. Thế đó là những ý/lời của chuyện phiếm lai rai, dài dài một ngày vui, hôm nay và mai sau, rất dài đời.
Thế đó, là lời nhắn gửi đến bạn đến tôi, những người ở đây đó vẫn còn nhớ đến các “bạn nghèo” ở đó đây, nơi này. Mãi mãi.
Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều khi cũng quên bẵng
Các bạn còn nghèo
Đang chờ mình.