Lá thư Paraguay : Khởi đầu năm mới 2015

Niên khóa mới

Ngày 6 tháng 1 hàng năm đúng vào ngày Lễ Hiển Linh, là ngày mà Tình Dòng Ngôi Lời Paraguay chúng tôi bắt đầu một niên khóa mới cho các em Thỉnh sinh bước vào Tập Viện và các em Tập sinh chính thức bắt đầu trở thành Tu sĩ qua nghi lễ Khấn Dòng.

Năm nay chúng tôi chỉ có 6 tân Tập sinh và 9 tân Khấn sinh thuộc 7 quốc gia khác nhau. Ơn gọi ở Nam Mỹ ngày càng hiếm nhưng không vì thế mà chúng tôi nhận bừa hay đào tạo các sơ sài vì chúng tôi luôn tâm niệm rằng chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng và mỗi tu sĩ phải là một phản ảnh của Đức Ki-tô nơi trần gian trước những thế giới tục hóa và nhất là trong Năm về Đời Sống Thánh Hiến.

Đa số các Dòng Tu bên Nam Mỹ không dùng tu phục như các quốc gia Á Châu, và mỗi Thỉnh sinh trước khi vào Tập viện đều giới thiệu một chút văn hóa về xứ sở mình để mọi người được biết nét đặc trưng nhất. Còn nhớ những ngày đầu đến vùng truyền giáo, mình muốn mặc áo Dòng để “khoe” với mọi người mình là linh mục nhưng nhìn đi, nhìn lại chẳng có cha, thầy nào mặc nên cũng thấy hơi buồn. Mãi sau mới thấm thía câu nói “Áo Dòng không làm nên thầy tu” khi nhìn thấy các nhà truyền giáo Dòng Tên bên này làm được biết bao điều lớn lao mà khi được phỏng vấn hay chụp hình đưa lên báo chí thì chỉ thấy đơn giản họ ăn vận áo sơ mi cũ kỹ hay chỉ vọn vẹn áo pull dù nhiều người có học vị tiến sĩ. Nghĩ lại thấy mình nhiều lúc quá hình thức nên dần dần cũng phải thay đổi để sống sao cho hợp với văn hóa và nếp sống của từng nơi mình làm việc.

Mục Vụ mùa Hè 2015

Sau ngày lễ khấn Dòng, chúng tôi đã đồng hành với các em chủng sinh tiền tập để đến các giáo điểm xa thành phố giúp mục vụ mùa hè. Đến hẹn lại lên. Đoàn chúng tôi có 14 người gồm 10 em thỉnh sinh, 3 linh mục và một khấn sinh thực tập đến từ Zambia. Chúng tôi chia thành 5 nhóm để phụ trách 10 giáo điểm trong dịp này. Công việc mục vụ khá đơn giản là mỗi nhóm phụ trách 2 giáo điểm là thăm viếng từng nhà, tâm sự với họ và nếu có gia đình nào cần các bí tích như xức dầu bệnh nhân, xưng tội hay có những chuyện rối thì 3 anh em linh mục chúng tôi thay phiên nhau giải quyết. Các giáo điểm này khá xa với giáo xứ nên hàng năm chỉ có một thánh lễ và bởi thế khi chúng tôi đến dịp này thì người dân rất vui vì chỉ trong 3 tuần mà có được nhiều thánh lễ. Chính các em Thỉnh sinh cũng rất vui và lên tinh thần dù mỗi ngày các em phải đi bộ mấy chục cây số để thăm từng nhà và thời tiết tháng 1 phải nói là nóng cực kỳ.

Ở các giáo điềm vùng sâu, vùng xa này người dân rất nghèo về vật chất như nhà bé tí tẹo với trần nhà lợp bằng tôn và vách gỗ, không có nhà vệ sinh, thời tiết mùa hè nóng bức nhưng không có quạt máy mà chỉ ngồi dưới bóng cây để hóng mát. Tuy nhiên tinh thần họ rất giàu có và sẵn sàng cho đi tất cả những gì họ có trong nhà để nuôi sống các nhà truyền giáo trẻ tuổi trong những ngày mục vụ. Vì lẽ đó chúng không không mấy lo lắng chuyện ăn ở vì khi đến nhà nào nhằm vào buổi trưa hay buổi tối thì chúng tôi cùng ăn uống với họ và ngủ nghỉ ngay tại nhà họ dù không được tiện nghi như ở nhà mình.

Trong những ngày mục vụ này, chúng tôi cảm nghiệm một điều rằng Chúa rất tốt lành và cần đến bàn tay, đôi chân của những nhà truyền giáo. Trong bài diễn văn từ biệt Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong chuyến viếng thăm Philippines từ ngày 16 đến 19/1 vừa qua, ĐHY Tagle trẻ tuổi và tài năng của nước Phi Luật Tân đã nói đầy cảm hứng: “… Ngày mai ĐTC sẽ ra đi. Mọi người Phi Luật Tân cũng muốn đi theo ĐTC - không phải đến Rome - nhưng là đến những vùng ngoại vi, đến những khu ổ chuột, những nhà tù, bệnh viện, đến tới thế giới chính trị, tài chính, nghệ thuật, khoa học, văn hóa, giáo dục và truyền thông xã hội. Chúng con sẽ đi đến thế giới để mang tới ánh sáng của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là trung tâm của chuyến thăm mục vụ của ĐTC và là nền tảng của Giáo Hội. Chúng Con sẽ đi tới những nơi mà ánh sáng của Chúa Giê-su đang cần thiết ở đó….” (Xc. http://www.vietcatholic.org/News/Html/133780.htm). Chúng tôi đã ra đi theo tiếng gọi của Chúa.

Tháng 1 vẫn còn là tháng Hè và các anh em linh mục, tu sĩ thường tranh thủ nghỉ hè để lấy lại chúng sinh lực trước khi khởi đầu cho niên khóa mới vào tháng Hai. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cảm thấy thú vị trong chuyến mục vụ Hè vào tháng nóng nhất trong năm này với các em chủng sinh nơi các giáo điểm truyền giáo và xem đó như là kỳ nghỉ hè bổ ích vì vừa được giúp những người đang khao khát Lời Chúa, vừa được nếm những món ăn mộc mạc của người dân quê khi họ chia sẻ với mình tất cả những gì họ có. Chính các em chủng sinh cũng có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống truyền giáo tương lai của các em là phần thưởng lớn nhất mà chúng tôi tôi có được trong những kỳ mục vụ hè hằng năm.

Vài suy nghĩ về bài sai mới

Sau 6 năm làm việc trong Chủng viện và đồng hành với các em chủng sinh Nam Mỹ thuộc nhiều giai đoạn trong đời tu đến từ nhiều nước khác nhau. Đầu tháng 2 năm 2015 này, chúng tôi sẽ làm việc trong môi trường mới sau khi được Bề Trên và Ban Cố Vấn chấp thuận đơn xin từ nhiệm không làm trong Chủng viện để đảm nhận một môi trường mục vụ khác nhằm phong phú thêm đời sống mục vụ truyền giáo. Có lẽ các Đấng Bề Trên có cái nhìn riêng của họ được ơn trên phù giúp nên đã bổ nhiệm chúng tôi làm việc ở một trường học lớn ở Thủ Đô với hơn 1.500 học sinh và gần 100 giáo viên, và kiêm nhiệm làm phó xứ của một giáo xứ duy nhất của Dòng ở thủ đô với một cựu giám tỉnh người Ái-nhĩ-lan làm cha xứ dù ước muốn của chúng tôi là làm một cha xứ ở miệt vườn quê nghèo. Là một tu sĩ với lời khấn vâng lời, sau khi trao đổi với Cha Giám Tỉnh và Ban Cố Vấn, chúng tôi đã chấp nhận bài sai mới này. Thật tình bài sai mới khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều vì trường học mà chúng tôi sắp sửa đảm nhận không lạ gì với chúng tôi, vì năm ngoái khi người anh em linh mục người Ba-lan điều hành ngôi trường này đi nghỉ hè trong dịp ngân khánh linh mục, cha Bề trên đã bổ nhiệm chúng tôi làm quyền Tổng Giám đốc. Sau hai tháng làm việc với các giáo viên và học sinh ở trường này, họ đã k‎ý một thỉnh nguyện thư với hàng trăm chữ ký của giáo viên và học sinh gởi Nhà Dòng xin chúng tôi làm việc với họ vì vị Tổng giám đốc người Ba-lan đã làm việc ở trường này 7 năm và nay họ muốn thay đổi. Khi được cha Bề Trên và Ban Cố Vấn tham khảo, tôi đã không muốn là người cơ hội khi người anh em mình đang vắng mặt để thay anh em này. Tuy nhiên, trong cuộc bổ nhiệm lần nay các vị trong Ban Cố Vấn đã thuyết phục chúng tôi vì làm việc ở trường học tư thục Công Giáo không phải đưa ai vào cũng được. Chính vì lẽ ấy chúng tôi đã chấp thuận nhưng trong lòng còn nhiều lo lắng vì không biết mình có làm được không vì “thuyền to thì sóng lớn”, chỉ biết trông cậy và phó thác vào Chúa với sự cầu bầu của Mẹ Maria.

Mấy ngày qua có đọc trên trang mạng và biết được ở một giáo xứ vùng quê thuộc Giáo phận Kontum đang xảy ra một sự việc đáng tiếc là nhà cầm quyền muốn trục xuất cha xứ và ra lệnh tháo gỡ ngôi nhà thờ tạm mà giáo dân đã dựng lên từ năm 2013. Giáo xứ Đăk Jâk thuộc Huyện Đăk Glei, Giáo Phận Kontum này chúng tôi biết khá rõ vì dịp mùa Vọng tháng 12 năm 2012 dịp chúng tôi về thọ tang người Mẹ qua đời, cha xứ Đa-minh Vũ đã mời chúng tôi giảng tĩnh tâm mùa Vọng cho giáo dân và chúng tôi đã ở đó 5 ngày trọn để sống với người dân và cha xứ. Ngày ấy chúng tôi nhìn thấy giáo dân kinh, thượng thật tội nghiệp vì phải ngồi dưới đất hay đứng tham dự thánh lễ ngoài trời với cung thánh dựng tạm để chủ tế dâng lễ và giảng tĩnh tâm. Chúng tôi rất thán phục giáo dân và cha xứ trẻ vì chỉ trong vòng một thời gian ngắn đã có mái lợp và ngôi nhà thờ tạm để che nắng, che mưa cho người dân tham dự thánh lễ cách sốt sắng. Vậy mà chính quyền do dân và vì dân không biết ơn lại còn đòi tháo gỡ và trục xuất cha xứ dù họ đã xin phép và thưa trình trước khi xây dựng. Ở bên đất nước nhỏ bé và lạc hậu Paraguay này, nếu một ai đó làm một điều gì ích lợi cho quốc gia thì được khuyến khích và trao tặng huân chương, bằng khen, nhất là các linh mục, các nhà truyền giáo nước ngoài khi muốn xây dựng nhà thờ, nhà nguyện hay các khu sinh hoạt để người dân tham dự nhằm giảm thiểu những tệ nạn xấu. Những việc làm như thế luôn được báo đài hoan nghênh và chính quyền từ trung ương đến địa phương đều hỗ trợ tích cực từ vật chất, đến tinh thần. Ấy vậy mà quốc gia Việt Nam thân thương của chúng ta được xem là quốc gia ngàn năm văn hiến luôn bị làm khó dễ những chuyện không đâu khi mà chính quyền chẳng những không giúp đươc gì cho người dân, không làm cho đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân khá hơn mà lại còn làm tổn hại đến đời sống tâm linh của họ khi vu khống, kết án vô căn cứ và đòi triệt hạ những nơi thánh thiêng mà người dân và các linh mục đã khổ công gầy nên. Có lẽ mấy chục năm về trước những người lãnh đạo, những công an hành xử thiếu văn hóa còn có thể hiểu được vì họ không được đào tạo kỹ lưỡng, nhưng bây giờ đã là thế kỷ XXI rồi, nhiều cán bộ lãnh đạo, công an đã được đào tạo bài bản ở trong nước cũng như nước ngoài, có những người đã có học vị cao thì không thể chấp nhận lối hành xứ thiếu tình người được. Quí vị đừng bao giờ nghĩ rằng chúng tôi xây nhà thờ hay hội họp dâng lễ là chúng tôi chống phá chính quyền. Vị Thầy Giê-su của chúng tôi không dạy như thế. Nếu chính quyền làm đúng mà những ai chống phá và nói xấu thì quí vị có thế bắt nhốt hết vì đó là bọn phản động. Nhưng nếu chúng tôi không làm gì hại dân, hại nước nhưng luôn làm đẹp cho bộ mặt quê hương mà quí vị không muốn thì quí vị hãy xem lại cách hành xử của mình. Chúng tôi biết rằng từng lời nói, cử chỉ và hành động chúng tôi luôn được quí vị theo dõi nhưng chúng tôi không hề sợ hãi vì cảm thấy rằng chúng tôi không hề làm điều gì sai, không hề làm chính trị hay cổ xúy mọi người chống chính quyền.

Chúng tôi còn nhớ vào dịp giảng tĩnh tâm mùa Vọng năm 2012 ở giáo xứ Đăk Jâk, nơi đang có những điều không hay mấy ngày qua, chúng tôi thấy rất nhiều mật vụ theo dõi chúng tôi trong buổi lễ và những ngày chúng tôi với cha xứ đến các buôn làng để giải tội. Các quí vị cũng đã biết và đã nghe những lời chúng tôi rao giảng không hề có một chút gì là sai trái và phản động cả. Và ở quốc gia truyền giáo này, chúng tôi luôn nói những điều tốt đẹp về nước Việt Nam thân yêu của chúng ta dù đôi lúc cũng đau lòng khi phải nghe hay thấy những điều không muốn nghe, không muốn thấy ở quê hương mình. Xin quí vị hãy nhớ một điều là người dân nước Việt, ai cũng yêu mến quê hương mình và muốn quê hương mình giàu, đẹp, không có những bất công, không có những xung đột, không có những hiểu lầm đáng tiếc giữa chính quyền và người dân. Chúng tôi rất mong muốn điều đó và thiết nghĩ quí vị, những người lãnh đạo có học thức cũng mong muốn điều đó. Vậy quí vị hãnh hành động và hãy làm cho chúng tôi tin quí vị.

Năm 2015 đã bước qua gần được một tháng và có nhiều điều hay, dở luôn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Ước mong năm 2015 này thế giới nói chung và nước Việt Nam thân yêu nói riêng luôn được sống trong hòa bình, thịnh vượng và các nhà cầm quyền luôn quan tâm đến người dân về vật chất cũng như tinh thần để mọi người, nhất là người dân nước Việt được sống trong an bình, hạnh phúc.

Paraguay, 24 tháng 01 năm 2015

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.