Hạt giống đoàn kết

Tại Lạng sơn, giáo dân rất ít.  Xưa kia ít linh mục nên giáo dân phải di chuyển nhiều.  Các xứ nghèo, khó khăn, nên có việc gì phải nhờ các xứ khác giúp đỡ.  Vì thế mà trong giáo phận giáo dân quen biết nhau hầu hết.  Một số giáo dân, nhất là người dân tộc sống tản mát trong các làng xa, cảm thấy lẻ loi.  Trong những thời kỳ khó khăn, họ như bị loại trừ.  Sau này đi lại dễ dàng hơn nên anh em rủ nhau đi thăm những anh chị em xa xôi.  Nhất là khi những anh chị em đó đau yếu hay có công việc.  Cả các cha các thày cũng quan tâm thăm viếng.
Sự thăm viếng gợi lên thắc mắc cho những anh chị em lương dân trong bản ; “Tại sao những người nghèo túng, không có địa vị, bị khinh miệt nay được nhiều người quan tâm đến thế?”  Để ý tìm hiểu, họ biết đó là sự quan tâm của những người anh em con cái Chúa.  Thích thú tình đoàn kết nên mỗi lần có người bên đạo thăm viếng trong làng, dân làng kéo đến chia sẻ.  Cuộc thăm viếng riêng tư trở thành buổi gặp gỡ chung.  Thăm một người thì gặp cả làng.
Sự đoàn kết dần dà dẫn đến cộng tác.  Năm ngoái, một bà cụ neo đơn trong làng có căn nhà bị dột cần phải làm lại mái nhà.  Anh chị em Công-giáo đứng ra tổ chức.  Anh em trong bản làng giúp đúc ngói xi măng. Khi đã đủ số ngói cần thiết, anh em bên đạo kéo vào cùng với anh em bản làng lợp lại mái nhà cho bà cụ.  Buổi công tác chung kết thúc bằng một bữa rượu thanh đạm nhưng đậm đà tình nghĩa.
Tôi hiểu rằng tình đoàn kết là một hạt giống mau bén rễ và chóng phát triển.  Đoàn kết nối đoàn kết.  Nhờ tình đoàn kết, những Kitô hữu sống lẻ loi được an ủi và được trân trọng.  Nhờ tình nghĩa đoàn kết những anh em Công-giáo được đón tiếp trong các bản làng. Nhờ tình đoàn kết anh em bản làng quy tụ lại với anh em công giáo.  Tôi coi đó là những tiền đề thuận lợi cho Phúc âm.
4. Hat giống yêu thương.
Cách Đồng Đăng khoảng 15 Km có một bản làng nằm trên sườn đồi dốc dác.  Bản có khoảng 100 mái nhà.  Cả bản có họ hàng với nhau.  Cuộc sống nói chung là nghèo nàn nhưng có tình nghĩa.  Tuy nhiên dân bản rất sợ bệnh cùi.  Vì chưa hiểu biết những phương thuốc mới có thể chữa trị được bệnh cùi, nên dân bản thường tẩy chay, cách ly người bệnh.
Chị Đẹp bị nghi là mắc bệnh cùi.  Vì da dẻ chị sần sùi, mọng nước coi rất ghê sợ.  Chính chị cũng nghĩ mình bị cùi nên thường nhúng tay vào nước thật nóng mong giết được vi trùng cùi.  Giết vi trùng đâu chẳng thấy, chỉ thấy da tay càng đỏ lên coi càng dễ sợ hơn.
Sợ bị lây, dân làng bắt chị lên đỉnh đồi dựng một căn lều ở riêng.  Chị trùm chăn suốt ngày.  Chẳng dám ra khỏi nhà và chẳng dám gặp ai.  Tuy nhiên dân làng vẫn sợ nên có ý định đem chị nhốt vào một hang đá.  Quá sợ hãi, anh chồng chị tâm sự với người có đạo.
Biết tin, chúng tôi quyết định đem chị vào trại phong Quả Cảm xét nghiệm.  Không phải bệnh cùi, chỉ là bệnh ngoài da.  Chúng tôi chuyển chị đến Bệnh viện da liễu Hà nội.  Nhưng bệnh viện không nhận vì chị đã quá yếu, chỉ còn chờ chết thôi.
Các chị một Tu hội xin đem chị về chữa trị.  Phải làm giấy cam kết chịu mọi trách nhiệm.  Vừa chữa trị vừa cầu nguyện.  Tại Tu hội, chị Đẹp cảm thấy hạnh phúc vì được sống chung với các chị Tu hội, được các chị chăm sóc và nhất là được các chị bày tỏ lòng yêu mến.  Chưa bao giờ có ai dám đến gần chị.  Chưa bao giờ có ai dám vuốt ve chị.  Chưa bao giờ có ai lau rửa, giặt giũ cho chị như thế.
Biết các chị tin Chúa, chị Đẹp cũng xin tin.  Chị chẳng có gì để mất mà lại được quá nhiều.  Các chị dạy chị một lời cầu nguyện duy nhất : “Lạy Chúa con tin Chúa, lạy Chúa xin cứu con”. Chị Đẹp đọc suốt ngày đêm không ngừng nghỉ.  Và Chúa đã cứu chị.  Chị khỏi bệnh như một phép lạ.  Tỉnh táo, chị trở về nhà tiếp tục uống thuốc và cầu nguyện.  Các chị Tu hội vẫn đi lại thăm viếng.  Sau một năm điều trị, giờ đây da dẻ chị trở lại bình thường.  Sức khoẻ chị trở lại bình thường.  Cuộc sống chị trở lại bình thường.  Nhưng tâm hồn chị đã biến đổi… Cảm nghiệm được ơn Chúa rõ ràng trong cuộc đời, chị hết lòng tin yêu Chúa.  Cảm nghiệm được ơn phục sinh, chị hết lòng tạ ơn Chúa.  Cảm nghiệm được tình thương của người có đạo, chị hết lòng gắn bó và yêu mến đạo.  Chị kể cho dân làng nghe tất cả những gì chị đã thấy, đã sống.  Và chị kết luận : “Cái Chúa nó tốt, nó mạnh lắm vớ”.  Cả làng đều công nhận lời chị là đúng. Bà mẹ chồng ngỏ ý : “Cái Đẹp nó đã sướng rồi, phải cho tôi sướng với.  Tôi muốn đi lễ tạ ơn cái Chúa”.

Hạt giống yêu thương thật mãnh liệt.  Cảm nghiệm về tình yêu giống như cảm nghiệm về một ngọn lửa.  Nó bừng lên.  Nó thôi thúc. Nó lan toả.  Nó thâm sâu vào mọi ngõ ngách u ẩn nhất của cõi lòng.  Khi đã bén rễ, chẳng có gì có thể ngăn cản cây yêu thương lớn lên, sinh hoa kết quả.
Từ những cảm nghiệm trên, tôi hiểu rằng truyền giáo phải là trồng Hội Thánh vào một địa phương.  Trước khi trồng Hội Thánh, phải trồng Phúc Âm.  Không phải một thứ Phúc Âm áp đặt, phô trương, cơ chế nhưng là Phúc Âm thực sự : Phúc Âm khiêm nhường, Phúc Âm phục vụ, Phúc Âm đoàn kết, Phúc Âm yêu thương.
Những hạt giống Phúc Âm loại này có thể bén rễ mọc lên ở bất cứ vùng đất nào dù sỏi đá gai góc đến đâu. Và khi đã mọc sẽ phát triển thành cây cổ thụ cành lá xum xuê cho chim trời tới làm tổ.

TGM. Jos Ngô Quang Kiệt