Cây Sầu Riêng Vườn Cũ



đó tôi thường xuống Cầu Ngang thăm gia đình nàng. Bình thì đã vào quân đội, ít khi có nhà. Má nàng lần nào thấy tôi, cũng nói:



-Khi nào rảnh rỗi cháu xuống đây chơi, đừng ngại gì hết, thằng Bình đi lính, hai Bác nhớ nó quá. Nhà đơn chiếc không có ai.!



Còn Ba nàng thì ít nói, thường dẫn tôi ra sau vườn, bẻ trái cây cả đống bắt ăn. Phương xinh xắn, dễ thương, lăng xăng làm các món ngon để đãi khách. Chúng tôi thường ăn dưới gốc cây sầu riêng lớn. Vườn nhà Phương rất rộng, các mương nước nhỏ đầy rong. Nước trong vắt, thấy được những con cá bãi trầu, cá lia thia, cá lìm kìm, lội nhởn nhơ dưới đó. Đất đen mầu mỡ, cây dâu, cây măng cụt, cây sầu riêng, có những tàn lá xanh um, mát rượi...



Tôi ngồi mà nghe lòng khoan khoái, mắt nhìn ánh nắng lấp lánh qua các khoảng lá thưa. Đâu đây có con chim hót trên cành, tiếng nghe trong trẻo quá. Phương cũng như chim líu lo:



-Trên nhà anh Hưng có vườn không? có trồng nhiều bông không? đôi khi lên tỉnh, em muốn ghé chơi cho biết mà sợ... anh Hưng không thèm tiếp.



Má Phương mắng yêu con gái:



-Cái con nhỏ nầy, mầy làm như cậu Hưng là người dưng!



Phương vừa ngó xéo tôi, vừa trả lời mẹ:



-Thì má thấy đó, hôm con gặp anh Hưng trên xe, ngồi gần cả giờ đồng hồ, ảnh đâu có thèm nhìn... bà con!



Tôi không biết trả lời ra sao, đành cười trừ! Ôi! những buổi trưa ấm cúng, lòng vui như mở hội. Tôi vẫn đắn đo, rụt rè, chưa dám ngỏ ý với Phương. Học hành chưa thành, công danh chưa toại, bây giờ còn quá sớm để nói chuyện yêu đương....



Những ngày tháng kế tiếp qua mau. Ba má Phương sẵn có vốn, mở thêm căn tiệm cầm đồ ngoài chợ. Ngoài những giờ học, Phương còn phụ mẹ buôn bán, trông nom công việc sổ sách. Tôi lại có dịp gặp gỡ nàng nhiều hơn. Chúng tôi trao đổi chuyện trời mưa, trời nắng, chuyện học hành, thi cử. Toàn là chuyện đâu đâu, vậy mà cũng có để nói hoài, không chán. Có lần Phương hỏi tôi:



-Anh Hưng ơi, hiện thời anh thương ai nhứt ?



Tôi trả lời, cười cười:



-Thì Phương biết rồi, tôi nói hoài! Đời tôi chỉ thương có chú lùn bán hủ tiếu dưới gốc me...

Mặt Phương hơi phụng phịu:



-Vậy chớ mấy người đẹp của anh, không ai bằng chú lùn sao ?



Tôi giảng nghiã:



-Đẹp đâu có ăn được. Còn hủ tiếu cây me ăn ngon, cho nên tôi thương... chú lùn.



Phương nín thinh, bậm môi tức tối. Tôi muốn giải hoà cho khuây khoả:



-Phương ơi, mấy ngày ở nhà không có buôn bán, em làm gì ?



-Em đi chợ, mua cá mua cua.



-Rồi sau đó Phương làm gì nữa ?



Nàng trả thù tôi, trả lời tỉnh rụi:



-Thì em làm cá làm cua.



-Vậy chớ không lúc nào Phương nhớ tới bạn bè chút xíu nào sao ?



Phương bật cười, tươi như đoá hoa buổi sáng:



-Có chớ, lúc ghé ăn hủ tiếu cây me thì nhớ tới anh!



Tôi vừa làm điệu bộ thất vọng, vừa nhìn sững mặt nàng. Phương cười, khuôn mặt vuông vuông, rạng rỡ, làn da trắng mịn màng. Tóc cắt ngắn gọn, cái mũi thẳng cao, xinh xắn. Cặp môi trề trề. Hèn chi nàng nói chuyện tía lia. Ông trời sao thiệt bất công. Mặt Phương không một khuyết điểm. Tất cả đường nét đều hoà hợp, thêm vào đó là cái duyên dáng nữa. Còn tôi thì vừa xấu, vừa đen, được quen với nàng, đời tôi còn hạnh phúc nào hơn. Do câu chuyện đẩy đưa, bất chợt tôi thấy Phương dễ thương làm sao. Trong một thoáng ngẩn ngơ, tôi nói đại:



-Cô chủ tiệm cầm đồ ơi, sao cô đẹp quá vậy ? Tiệm cô cầm vàng bạc, châu báu ngọc ngà mà có cầm "người ta" không ?



Phương trố mắt nhìn tôi. Hình như nàng chưa hiểu câu nói. Cặp mắt nàng tròn to, đen bóng, ngây thơ. Tôi nói tiếp:



-Có một sinh viên nghèo, học hành dang dở, hoàn cảnh túng bấn, cần cầm tạm để đủ tiền ăn học, miễn có cơm canh ngày hai bữa, mai sau có nghề nghiệp vững chắc, nguyện sẽ làm "tôi mọi" để trả công lẫn lời.



Phương hiểu ra, cười nho nhỏ, thủ thỉ bên tai tôi;



-Anh Hưng muốn cầm thiệt không đó ? Tiệm của em không khó khăn như mấy tiệm khác đâu. Miễn là sòng phẳng, siêng năng, trả nợ suốt đời...



°°°°°°°°°°°°°°



Từ đó, tôi và Phương thương nhau. Rồi chiến tranh ngày một tàn khốc. Tôi phải vào quân ngũ, trôi nổi ngược xuôi. Những cánh thơ nồng nàn thay thế những lần gặp gỡ. Phương thường viết cho tôi biết, nàng đã phải nhiều lần từ chối những mối mai xung quanh. Tôi run trong bụng. Làm sao nàng có thể chờ đợi và nếu chờ thì đến bao giờ. Thân tôi, tôi còn lo chưa xong. Cưới Phương bây giờ, chỉ làm khổ cho nàng, điều mà tôi không muốn. Yêu Phương, tôi muốn nàng được hoàn toàn sung sướng. Phương xinh xắn và dễ thương quá, nàng đâu thể vì tôi mà chịu khổ cực. Rốt cuộc rồi thì tôi cũng phải chịu thua định mạng. Một buổi sáng mùa thu, tôi nhận được thơ cuối cùng của Phương. Vào phòng riêng, tôi xé thơ ra đọc. Nét chữ quen thuộc dễ thương ngày nào, quay cuồng trước mắt tôi:



" ...ba má bắt em phải lập gia đình với một người không quen. Giữa tình yêu và gia đình, em phải chọn một. Gởi đến anh bức ảnh cuối cùng em chụp bên gốc sầu riêng ngày nào... như nỗi lòng em.."



Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra, ràn rụa. Những chữ còn lại, mờ nhạt. Cuối thơ Phương không ký tên, tôi đọc được câu ca dao ở hàng dưới cùng:



Đêm khuya thắp chút dầu dư

Tim loang cháy lụn, sầu tư một mình.



°°°°°°°°°°°°°°



Câu chuyện đã trên hai mươi năm rồi, bây giờ tôi còn nhớ lại như in. Cái kỷ niệm ngày xưa sao mà êm ái nhẹ nhàng quá. Tôi với chú hai thợ bạc, ngồi im lặng bên nhau. Mỗi người một ý nghĩ vụn vặt, tản mác. Xa quê hương là xa hết những cảnh, những vật, những người thân yêu. Trước mắt tôi, bây giờ cũng có cây sầu riêng. Nhưng đâu phải là cây sầu riêng vườn cũ. Phương bây giờ đã có chồng, có con. biết được nàng hạnh phúc, tôi mừng lắm. Nhưng rồi vận nước đổi thay. Hiện giờ vợ chồng con cái nàng vẫn còn ở nguyên nơi quê xưa. Liệu nàng có đủ sức khoẻ và nghị lực để vượt qua những khổ nhục mà chế độ mới đưa tới hay không ?



Nhớ tới giờ phút nầy hình ảnh của hằng triệu người đang phải lam lũ, chân lấm tay bùn, cuốc xới trên vùng đất khô cằn miền kinh tế mới để phục vụ một thứ chủ nghiã ngoại lai, tim tôi như muốn nghẹn lại:



-Chú hai ơi! mấy người còn ở lại làm sao mà sống nổi với tụi nó ?



-Rồi cũng phải sống chớ thầy tư, hổng lẽ... tự tử chết ! Con ngựa đua bắt đem đi kéo cày thì cũng như con bò, con trâu vậy !



Nghe chú hai thợ bạc nói, tôi nghĩ ngay đến Phương ngày nào. Trời đất ơi! cái sự thật sao mà chua xót. Tôi đứng dậy hết muốn nổi:



- Vậy thì chừng nào dân mình hết khổ, chú hai ? Hổng lẽ phải chịu như vậy hoài !



Chú hai thợ bạc vừa đi vừa trả lời:



- Thầy tư đừng có lo! Luật tạo hoá tuần hoàn hết bĩ cực rối tới thới lai. Như trái sầu riêng chín thì phải rụng. Ngày đó tôi với thầy tư trở về, gầy dựng lại quê hương cũ. Cầu trời cho nó đừng quá tang thương, đổ nát...

Võ Kỳ Điền