Mê-xi-cô, một Giáo hội tái sinh


Khi biết tôi là người Việt Nam, các anh em Sa-lê-diêng thuộc các Tỉnh dòng bạn rất ngưỡng mộ và thường đặt cho tôi câu hỏi: “Tại sao Tỉnh dòng Sa-lê-diêng Việt Nam lại có nhiều ơn gọi đến thế?”. Tôi trả lời một cách đơn giản là: Nếu đối với một cô gái trẻ, việc sinh sản là chuyện bình thường, thì đối với một người phụ nữ đứng tuổi, khả năng sinh sản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”. Giáo hội Việt Nam cũng như Tỉnh dòng Việt Nam có thể được coi là trẻ so với một số quốc gia kỳ cựu khác như Pháp, Ý, Đức… Vì thế, nhiều ơn gọi là điều dễ hiểu.

Từ một góc nhìn lịch sử

Mê-xi-cô cũng có thể được xếp vào một trong những Giáo hội lớn tuổi với một lịch sử thật hào hùng và đáng trân trọng. Mùa xuân năm 1517, ánh sáng Tin mừng bắt đầu xuất hiện trên mảnh đất Mê-xi-cô cùng các đoàn thám hiểm và thực dân Tây Ban Nha, với tham vọng tìm kiếm nô lệ từ dân tộc bản địa đưa về Cuba để lo canh tác trồng trọt. Đồng hành trong phái đoàn này, có linh mục Alonso de González làm tuyên úy. Ngài dâng thánh lễ cho họ mỗi ngày, theo thói quen của người Tây Ban Nha. Đó là những thánh lễ đầu tiên được cử hành trên đất nước Mê-xi-cô và từ đó, hạt giống Tin mừng bắt đầu nảy mầm và phát triển thật nhanh chóng.

Năm 1521, với chiến dịch “Tây Ban Nha Mới” (la Nueva Espa#a), 12 tu sĩ Dòng Đa Minh và các tu sĩ Dòng Phan-xi-cô đã đến miền nam Mê-xi-cô để thành lập các giáo điểm truyền giáo cũng như xây dựng các tu viện. Chỉ trong vòng 50 năm, đức tin Công giáo gần như trải rộng khắp vùng, với số người được rửa tội lên đến 90%. Vào những năm đầu của thế kỷ XVII, các vị thừa sai đã chuyển hướng truyền giáo sang miền bắc Mê-xi-cô; còn miền nam, trách nhiệm được trao lại cho các “ông từ” và các giáo lý viên, để phù hợp với lối sống du canh của người thổ dân vùng ấy. Bên cạnh đó, nhiều dòng nữ cũng đến tham gia truyền giáo trên vùng đất mới này.

Vào những năm đầu của thập niên 1800, toàn thể dân chúng cùng với các linh mục bản địa đứng lên đòi quyền độc lập cho đất nước từ tay người Tây Ban Nha; đồng thời cũng chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ và Pháp. Từ đó, Giáo hội Mê-xi-cô được cải thiện rất nhiều, đặc biệt quan tâm đến quyền tự do thiêng liêng của người công dân, mà vẫn không chối bỏ những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.

Năm 1854, Mê-xi-cô rơi vào trận nội chiến: Chính quyền Mê-xi-cô đã đưa ra một hiến pháp về quyền công dân và chối bỏ mọi giá trị tôn giáo, nại lý do là phải trung thành với tổ quốc. Đây là thời điểm Giáo hội phải trải qua một cơn bách hại lớn lao, cả về nhân sự lẫn tài sản vật chất. Cao điểm của thời gian bách đạo là vào năm 1926, các Kitô hữu cùng với các linh mục đã dấy lên chiến dịch: “Đức Kitô Vua và Đức Mẹ Guadalupe muôn năm” (Viva Cristo Rey y María Guadalupe) để chống lại chính quyền lúc bấy giờ. Một ngàn năm trăm người Ki-tô hữu đã thiệt mạng, trong số đó có 22 vị tử đạo được Đức Gio-an Phao-lô II tuyên phong hiển thánh. Quả thật, máu của các thánh Tử đạo đã làm cho hạt giống đức tin nảy nở và phát sinh nhiều bông hạt.

Sự Hiện diện Sa-lê-diêng

Năm 1889, cùng với Hội đồng Tư vấn, Đức Tổng Giám mục Pelayo Labastida đã gửi một văn thư cho Đấng kế vị Don Bosco lúc bấy giờ là Don Rua, với lời thỉnh cầu mời các tu sĩ Sa-lê-diêng đến Mê-xi-cô. Ba năm sau, năm 1892, với sự giúp đỡ của các cộng tác viên, các tu sĩ Sa-lê-diêng đầu tiên đã đến Mê-xi-cô từ Tô-ri-nô. Sứ mệnh Sa-lê-diêng đã nhanh chóng hoà nhập vào công cuộc chung của Giáo hội. Nhiều công cuộc Sa-lê-diêng như giáo xứ, trường học và nguyện xá được phát triển nhanh chóng.

Năm 1912, Sa-lê-diêng tại Mê-xi-cô được nâng lên thành Tỉnh dòng, tách khỏi Tỉnh dòng Hoa Kỳ. Vào thời điểm này, hầu hết các hội viên Sa-lê-diêng bản xứ đang trong thời gian đào luyện, nên công việc trong tỉnh dòng đều nằm trong tay các hội viên Sa-lê-diêng truyền giáo. Với ơn Chúa, sứ mệnh Sa-lê-diêng tại Mê-xi-cô đã phát triển nhanh chóng. Năm 1963, Cha Bề Trên Cả đã tách Mê-xi-cô thành hai tỉnh dòng: Tỉnh dòng Nam và Tỉnh dòng Bắc. Những công cuộc chính của các Tỉnh dòng này là nguyện xá, trường học và giáo xứ.

Năm 1964, Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã thiết lập vùng truyền giáo Mixe (Prelatura – Phủ Giám Chức Tòng Nhân) được tách ra từ Tổng Giáo Phận Tehuantepec, và giao việc coi sóc vùng này cho các Sa-lê-diêng thuộc Tỉnh dòng Nam (MEM) cùng với vị Giám mục Sa-lê-diêng tiên khởi, Đức cha Braulio Sánchez Fuentes. Công việc truyền giáo tại vùng này thật khó khăn vì nhiều lý do khách quan, nào là vắng bóng các vị chủ chăn và tu sĩ trong một thời gian dài 50 năm, nào là địa hình núi non hiểm trở rất bất tiện cho việc lưu thông, hầu như là phải đi bộ; rồi khoảng cách các vùng dân cư lại thưa thớt và xa xôi. Do đó, đức tin Công giáo chỉ còn là những việc đạo đức truyền thống được lưu truyền cùng với những phong tục tập quán cổ xưa của những sắc dân thiểu số (Mixes, Zapotecos, Chinantecos và Mixtecos).

Nhờ ơn Chúa và sự nhiệt tình của những nhà truyền giáo Sa-lê-diêng, một vùng đất khô cằn và hẻo lánh đã được tái sinh trong ân sủng: Nhiều nhà thờ đóng cửa nay được trùng tu và những hoạt động tôn giáo được khởi sự lại cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó còn có sự phát triển của xã hội, chẳng hạn như hệ thống đường xá được mở rộng, mạng lưới điện, nước và các phương tiện xã hội khác cũng được tăng cường… Sự hiện diện Sa-lê-diêng trên vùng đất này mang một dấu ấn rất đặc thù và rất Sa-lê-diêng: Số giáo xứ Sa-lê-diêng là 10 trong tổng số 23 giáo xứ, cùng với 4 trường học, nhà nội trú và nguyện xá… Cho tới nay tỷ lệ người công giáo trong vùng này đạt tới 85.9%

Nét tương lai

Theo thống kê năm 2013, Mê-xi-cô là một quốc gia có tới 90% tín hữu Kitô, chỉ sau đất nước Bra-xin. Tuy vậy, Giáo hội Công giáo tại đây vẫn chịu nhiều sóng gió, chẳng hạn như sự du nhập của nhiều giáo phái ngoại lai: Dòng dõi của Abraham; các hệ phái Tin Lành; giáo phái Mặc Môn; Do Thái giáo; Phật giáo; Hồi giáo; Vô Thần… tạo nên một lối sống đạo hời hợt, duy hình thức, kèm theo những nghi thức đã bị tục hoá và thiếu trân trọng những giá trị tâm linh mà một nền xã hội văn minh duy vật để lại.

Trước những khó khăn đó, năm 2008, Hội đồng Giám mục Mỹ Châu đã phát động một chiến dịch mang tên là “Sứ mệnh châu lục” để kêu gọi một sự tái sinh tận căn trong Giáo Hội, khởi đi từ hàng giáo sĩ. Nội dung chính là trở về với Đức Kitô và Vương quốc của Ngài. Giáo hội sẽ là men là muối cho xã hội ngày nay, bằng cách canh tân từ một đời sống đức tin thụ động và bảo thủ sang một lối sống năng động và chứng tá.

Còn đối với các hội viên Sa-lê-diêng Mê-xi-cô, dưới sự hướng dẫn của Tổng Tu Nghị XXVII và các Tu nghị Tỉnh, mỗi Sa-lê-diêng được mời gọi thực hiện một năng lực mới và một hành vi mang tính tiên tri để loan báo một lối sống anh hùng với những xác tín tôn giáo mạnh mẽ.

Cậy vào lời chuyển cầu của Mẹ Maria Phù Hộ và của Cha Thánh Bosco, chúng ta có quyền hy vọng và mơ ước một Giáo hội vững mạnh để loan báo một Nước Trời vinh quang.

Hoài Phong SDB