LTS. "Muối Cho Đời" là tác phẩm ghi lại cuộc phỏng vấn giữa nhà báo Peter Seewald và Hồng Y Ratzinger và đã ra mắt độc giả Việt Nam vào đầu năm 2006 tại hải ngoại. Cuốn sách đã gây ra những dư luận xôn xao trong cộng đồng Công giáo cũng như ngoài Công Công giáo. Từ tác phẩm nổi bật này của Hồng y Ratzinger, nhiều người đã có cái nhìn trung thực, chính xác và quý trọng vị Giáo chủ lỗi lạc hiện nay.
Sau khi đọc tác phẩm này lần đầu, Nguyễn Anh Tuấn cảm kích trước con người và những tư tưởng thâm sâu, dài rộng và xoáy động của vị đương kim Giáo chủ, anh đã dành ra thời gian khá dài đọc đi đọc lại tác phẩm ưu việt này của vị Giáo chủ kiệt xuất của Giáo hội ngày nay và anh đã điểm tác phẩm này để cống hiến các độc giả chưa có cơ hội đọc tác phẩm thâm thúy này. Hy vọng những cố gắng này của anh sẽ như những ánh lửa bập bùng thắp sáng tâm tư những ai đang đi tìm kiếm con đường thăng tiến cho chính mình, cho Giáo hội và cho đất nước.
PHẦN NHẬP
"Muối Cho Đời" hay Kitô giáo và Giáo hội Công giáo trước thềm ngàn năm mới. Trao đổi với nhà báo Peter Seewald, được hai dịch giả là Ts. Trần Hoành và Phạm Hồng Lam dịch từ nguyên tác tiếng Đức: Salz der Erde: Christentum und katholische Kirche an der Jahrtausenwende; ein Gesprach mit Peter Seewald. Tác giả là Joseph Ratzinger - Đương kim Giáo hoàng Biển Đức XVI, do Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại ấn hành tháng 1-2006 tại California, Hoa Kỳ và đang tái bản lần I.
"Muối Cho Đời" được viết dưới dạng thức đối thoại, nghĩa là hỏi và trả lời, trong đó có 311 câu hỏi của nhà báo Peter Seewald và 311 câu trả lời của Hồng y Ratzinger, hiện nay là đương kim Giáo chủ Biển Đức XVI.
Cuộc đối thoại được mô tả là vô cùng gây cấn, ngoạn mục, nảy lửa, nhưng thành khẩn; cay đắng nhưng cực kỳ minh triết; cởi mở không che đậy tất cả sự thật có thể làm nhức buốt lòng mình, lòng người, nhưng vẫn can đảm lẫm liệt trước mọi sự thật; thống trách buồn phiền nhưng dạt dào tình nhân ái; đứng nhìn "vực thẳm tội lỗi," "vực thẳm của nhân sinh," hay "vực thẳm của lịch sử" mà trí tuệ vẫn rực rỡ ngời sáng lung linh như những vì sao khuya giữa bầu trời của nhân thế đang lang thang mất lối, vì đã chối từ đạo lý trong cuộc sống.
Cuộc đối thoại lý thú này xoay quanh các chủ đề cấp thiết của thời đại: luân lý, đạo đức, sinh học, đạo đức xã hội, giáo lý và tín lý, gồm 297 trang, với Lời Mở đầu và ba Chương sách. Chương I đề cập về Con Người, chương II, Những Vấn Đề của Giáo hội Công giáo, và chương III, Trước Thềm Thời Đại Mới.
Và cuốn sách bắt đầu bằng những câu hỏi của một con chiên với vị chủ chiên: "Có Chúa thật không?" "Và nếu có thật thì chúng ta có cần Giáo hội nữa không?" "Có bao nhiêu con đường cứu rỗi?" Và vị chủ chiên làm người hỏi ngỡ ngàng khi ngài trả lời: "Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu con đường." Mục tiêu Chúa và Giáo hội là đào luyện con người trở thành công chính, khiêm tốn, khôn ngoan, bao dung và đạo đức. Vị chủ chiên ân cần dặn dò: mình nên độ lượng, cần hiểu mình, hiểu người và thế giới. Thần học là sinh hoạt tinh thần, nhưng ngài cũng thú nhận rằng hồng y cũng yếu đuối như mọi người, có lẽ cả cuộc đời cũng chưa thực thi đầy đủ mười Điều Răn, và thú nhận rằng nhất là đức bái ái: khó quá!
Câu hỏi kế tiếp: Con tầu của Giáo hội còn chạy được không, nó có đáng cho mình bước lên không?
Vẫn chạy và đáng cho mình bước lên, bởi vì con tầu đáp ứng nhu cầu căn bản của con người, dù cho Giáo hội và Kitô giáo suy thoái trong hơn bốn chục năm qua khi thế giới đã chứng kiến bao cảnh đổ vỡ tinh thần, mất định hướng và tan hoang. Đối với vị chủ chiên, thành thật là đạo đức nền tảng, do đó ngài đã thẳng thắn nhìn lại Giáo hội: "Một định chế với bao nhiêu yếu đuối và vấp ngã của con người mà vẫn tồn tại." Đâu là cốt lõi của đức tin? Đó là Đức Kitô đã nhập thể làm người - tin Chúa Ba Ngôi đã dựng nên trời đất. Đức Kitô đã hạ mình xuống để nâng con người lên và cùng với con người làm nên lịch sử. Như vậy cỗt lõi của tôn giáo là con người phải vượt qua chính mình để nối kết với Đấng chưa biết - đức tin gọi là Chúa, và khả năng có thể vượt ra chính mình để vươn tới cái uyên nguyên.
Nhưng Chúa ở đâu? Tìm Chúa nơi đâu? Chúa ẩn mặt nơi nào? Chẳng có tín hiệu nào cho thấy họ đang gặp Ngài.
Và câu hỏi được giảng giải: Vấn đề là chúng ta có mở máy để bắt tín hiệu đó hay không? Trong cuộc sống và suy nghĩ của chúng ta có quá nhiều làn sóng nhiễu nhương khiến ta khó bắt được. Nếu ta tỉnh thức và nếu có ai giúp ta mở được mật mã thì chắc chắn sẽ nhận ra tín hiệu... Chúa Kitô nói: "Ta là đường." Như vậy rốt cuộc chỉ có một đường mà thôi và kẻ nào lên đường tìm Chúa, kẻ đó thế nào cũng bước vào con đường của Chúa... Vì con đường độc đạo của Chúa quá rộng nên nó biến thành con đường riêng cho mỗi người và trong mỗi người (trang 34-35). Với những người nghi ngờ và những kẻ sa vào mê lộ... vị chủ chiên giải thích: Tâm của chúng ta đều bị giằng co giữa nhiều đối cực. Do đó tâm của mỗi người, trong đó có tôi, luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng.
Trước mê lộ của đời sống, câu hỏi vẫn tiếp tục đẩy về người đối diện: Ngài nói đến nhu cầu của một cuộc cách mạng Kitô giáo, một văn hóa Kitô giáo sống động và phải làm sao để giới thiệu được Kitô giáo với con người?
Tôi nghĩ cần phải có một thứ cách mạng đức tin về nhiều mặt. Trước hết là phải có gan chống lại quyết đoán chung hiện nay của thiên hạ,... và gặp Chúa trong cuộc sống thì mới có hướng đi khác được. Nó sẽ tạo ra cách sống và đem lại văn hóa Kitô giáo.
Peter Seewald bi quan: Thế giới ngày nay như một nhà thương điên, trong đó lạc thú và hưởng thụ bên cạnh nghèo đói, thiên tai gia tăng. Có nhiều dấu hiệu văn hóa suy vi, mất mát trầm trọng về sự sáng suốt và khôn ngoan.
Khi tôi vui là lúc tôi lo vì nghĩ mình thiếu liên đới với kẻ đang đau khổ. Người ta nghĩ rằng tôi không được phép vui trong một thế giới đầy đau khổ, bất công như thế này. Đây cũng là quan niệm đạo đức. Thế giới cần những người khám phá ra cái thiện, vui với cái thiện, và nhờ đó có đà và can đảm vươn tới được cái thiện đó... Con người là một sinh vật có luân lý đạo đức, có trách nhiệm với mình và toàn thể nhân loại, đồng thời cũng có thể tiếp nhận nguồn năng lực siêu nhiên duy nhất từ Đấng Tạo Hoá để tiếp tục bước đi (tr. 39).
Tiếp theo những cái nhìn tổng quát về các đề tài chính đã nêu lên trong phần nhập đề của cuốn sách, biết bao câu hỏi dồn dập của Peter Seewald đã xoáy vào ba chương chính làm nên nội dung của cuốn "Muối Cho Đời" của tác giả Joseph Ratzinger: Con người là gì? Đâu là những vấn đề của Giáo hội? Trước thềm thời đại mới, những chuyện gì sẽ xẩy ra, xẩy ra như thế nào, tại đâu, với ai và tại sao, nhất là tương lai sẽ đi về đâu?
CHƯƠNG I: VỀ CON NGƯỜI
Phải chăng hiểu mình, hiểu người và hiểu thế giới là một đòi hỏi tất yếu của những con người thời đại - thời đại Toàn Cầu Hóa, thời đại Dân Chủ Hoá Toàn Cầu và thời đại Trật Tự Mới của Thế Giới (Globanization, Global Democracy and the New Order of the World)? Tại sao "Muối Cho Đời" lại trở thành thách đố cho văn minh nhân loại - nhất là văn minh tinh thần (spiritual civilization) của con người, luôn luôn phải đối đấu với những thử thách khốc liệt và cam go để sống còn và tồn tại tiến hóa? Chính những giá trị tiến hóa đó làm thành giá trị toàn cầu (global value) cho thời đại toàn cầu hóa. Vì thế "Muối Cho Đời" đã để CON NGƯỜI lên trên chương đầu của cuộc hội thoại giữa một người cầm bút và vị lãnh đạo tối cao của Kitô giáo hoàn vũ. Ở đây, nơi những trang giấy này có trùng phùng hội ngộ trong một cuộc gặp gỡ không hò hẹn giữa người hỏi, người trả lời và người đọc để viết lên cái 'book review' (cái nhìn tổng quan = điểm sách) này. Cuộc hội thoại mang đặc tính của một cuộc tra vấn những vấn đề nóng bỏng của thời đại - đồng thời lời nói nhiều khi đã trở thành những ngọn lửa bập bùng cháy trong tim con người và rồi lời nói bỗng trở thành ánh sáng cho hy vọng tương lai. Khi con người, nhất là những con người quyền uy tột đỉnh vẫn còn băn khoăn trăn trở và đoái hoài ái ngại cho con người thì rồi số phận của con người sẽ được thay đổi chuyển hóa.
Từ gần bốn thế kỷ qua, kể từ ngày ánh sáng khoa học bừng dậy để tạo nên thời đại Ánh Sáng, con người đã chạy theo để tôn sùng, tung hô tinh thần duy lý (rationalism) và chân lý khoa học và đồng thời chối bỏ ánh sáng của đức tin tôn giáo. Từ đó khoa học và tôn giáo là hai con đường nghịch chiều, thay vì song hành bước bên nhau để tạo nên sự thăng bằng đồng tiến (mutual progressive equilibrium) cho đời sống con người. Đời sống trí thức bước vào giai đoạn tha hóa và vong thân (alienation) mà không mấy ai chú tâm đến sự thật đó. Mẫu người Kitô giáo gồm có: công chính, khiêm cung, nhân ái, khôn ngoan và đạo đứckhông còn mấy ai.
Vì thế "Muối Cho Đời" bắt đầu chương I để nói về CON NGƯỜI viết hoa, để mô tả sự ra đời, khôn lớn, trưởng thành và thành tựu của một vì sao lạ còn rơi rớt lại trên tiến trình suy thoái của ánh sáng đạo lý - đó là hình ảnh của tác giả "Muối Cho Đời" - con người trước hết bước vào đời như một kẻ dò đường sẵn sàng ghi nhận tất cả những chỉ dẫn của đời.
Như vậy "Đời" đã chỉ cho tác giả những gì và ghi nhận được gì trên những bước dò dẫm ấy? Theo tác giả, hài nhi có tên là Joseph Ratzinger mở mắt chào đời vào ngày 16-4-1927 tại Marktl bên bờ sông Inn tại vùng Oberbyern, nước Đức - quê hương của Luther, Nietzche, Heidegger, Hegel, Kant, Marx, Tillich, Karl Rahner, Max Weber... và Hitler. Cậu bé Ratzinger ra đời trong một gia đình đạm bạc, chất phác. Cha làm ông cò và mẹ nấu ăn cho khách sạn nhỏ để nuôi ba người con, trong đó có Ratzinger Bayern. Ngay từ khi còn ở tiểu học, cậu bé đã viết văn và làm thơ và sau đó, trên thành phố nhỏ Traustein của miền Nam, cậu bé đã ôm ấp giấc mơ lớn lên làm giáo sư và linh mục. Giấc mơ này đã cuốn hút Ratzinger vào con đường huyền diệu đầy kỳ bí của thần học Thiên Chúa Giáo và tác giả đã tâm sự: khi học thần học, đương nhiên mình bị đẩy vào toàn bộ cuộc vật lộn trí thức với lịch sử Tây phương. Ngay từ đầu, một mặt đức tin quyện lẫn với gia sản Do Thái, mặt khác với gia sản Hy Lạp và Latinh... "Tôi thấy tuyệt vời khi mình bước vào thế giới mênh mông của lịch sử đức tin, những chân trời suy tư, và đức tin rộng mở trong tôi, và tôi bắt đầu suy tư về câu hỏi uyên nguyên của nhân loại và câu hỏi về chính đời mình" (Tr. 67).
Tác giả cho rằng thần học bắt đầu từ Lời Chúa và chúng ta tin vào Lời đó, cố gắng làm quen và thấu hiểu Lời đó, rồi cùng suy nghĩ với các bậc thầy tư tưởng. Dù sao tác giả vẫn lắng nghe tiếng nói của lương tâm mình để đặt điều thiện và sự hiểu biết trên thị hiếu và dư luận - đó là một lý tưởng và bổn phận. Đặc biệt trên phương diện chính trị, người ta "không muốn mất thiện cảm: để tránh rắc rối hay sự phiền hà," người ta chấp nhận những giả dối, cái bất lương, bất chính, bất thiện. Người ta sẵn sàng hy sinh chân lý để mua lấy sự thoải mái, thành công, danh vọng, để được dư luận đồng lòng (tr. 70).
Trước hố thẳm của bi kịch nhân sinh, tác giả vẫn cảm nghiệm được cái đẹp tươi sáng của tạo vật được cứu rỗi.Chúng ta có thể "vui" khi chúng ta nhắm mắt trước những nỗi kinh hoàng của lịch sử, đó là niềm vui dối trá và trốn chạy. Như vậy, đối với tác giả, thái độ chấp nhận hố thẳm lịch sử và hố thẳm cuộc đời, nhưng vẫn tin rằng Tạo Hóa vẫn soi sáng thế gian tăm tối và con người vẫn còn tính "bản thiện" cần được soi sáng và khai mở. Cuộc đời quá quan trọng vì trong đó ta phải đối diện với sự chết, đau khổ và ta không được chạy trốn và phải gánh lấy trách nhiệm trước thực tế đó. Là một nhà thần học tiến bộ, cương trực và khoan dung, tác giả nhận thấy Giáo hội đã đưa ra nhiều luật lệ cấm đoán cứng ngắc, thay vì phải tạo ra bầu không khí tự do hơn, và ra công giúp con người trở về với ơn cứu độ. Các nhà thần học là giám mục và và cộng tác viên của chân lý.
Tác giả nhìn lại Giáo hội và không được chạy theo thời. Giáo hội phải nói lên cái xấu xa, nguy hại của thời đại; phải nhắc nhở lương tâm của những kẻ có quyền và lương tâm của những người trí thức, nhất là đánh thức dậy những kẻ thờ ơ, hẹp hòi trước những nỗi thống khổ của thời đại. Là giám mục, tác giả cho rằng phải có trách nhiệm làm chuyện đó. Tình trạng suy đồi quá hiển nhiên. Đức tin rã rời, mệt mỏi, ơn gọi tu trì giảm sút, luân lý đạo đức xuống dốc ngay cả trong giới tu hành. "Lời Chúa trong Kinh-thánh và những lời của các giáo-phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng-nề những mục-tử nào làm chó câm để tránh bị phiền-toái và vì thế để cho nọc độc lan-tràn. Im-lặng không phải là bổn-phận hàng đầu của người công-dân và riêng tôi, tôi kinh-sợ cảnh một giám-mục chỉ biết an-phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền-phức và lấp-liếm" những thực tế đau lòng trong cuộc sống của con người.
Được hỏi lý do gì khiến tác giả tỏ ra gắn bó với Giáo chủ Ba Lan, tức ĐGH Gioan Phaolô II, tác giả cho rằng: đó là một con người thẳng thắn, cởi mở và thân tình, một người không kiểu cách, thuộc về Chúa. Gặp ngài ai cũng cảm thấy ngài đã đau khổ và kiên nhẫn với bao thảm kịch, hết Đức tới Nga chiếm đóng Ba Lan, rồi tới Cộng sản cưỡng chiếm và ngự trị đất nước. Tác giả và vị Giáo chủ Ba Lan - cả hai được coi là những người rất trí thức và nhạy cảm, trẻ trung và thích tranh biện. Những nhà cải cách khôn ngoan và là những nhân vật sáng giá của Công đồng Vaticanô II. Tác giả, trong vị thế của một Bộ trưởng Tín Lý - tác giả cho rằng đức tin là nguồn sức mạnh để tạo nên sự đoàn kết của Giáo hội. Dù là giáo dân hay linh mục, chúng ta phải hiệp nhất trong một niềm tin và cố gắng truyền bá niềm tin ấy cho thích hợp mỗi hoàn cảnh. Tác giả cho đó là CUỘC CHIẾN GIỮA LƯƠNG TÂM VÀ QUYỀN LỰC... và thời đại đang "cần có những người có ân sủng đặc biệt để châm ngòi cho cuộc sống" (Tr. 117).
Tác giả đặt ra những tra vấn cho con người khắp nơi: Tại sao thế giới này lại như vậy, đau khổ trên khắp thế giới này mang ý nghĩa gì? Tại sao sự dữ trong thế giới này lại mạnh mẽ đến thế, nếu Chúa là Đấng quyền năng? Dầu sao tác giả của "Muối Cho Đời" vẫn cho rằng chúng ta đang trải qua những biến chuyển lớn, đang chứng kiến những thay đổi lớn của thời đại. Tuy nhiên tác giả muốn trung thành với cái biết nền tảng, đồng thời cũng luôn luôn mở rộng cho những thay đổi cần thiết. Quan niệm của tác giả là đức tin là cội nguồn của cuộc sống, là quyết định nền tảng nhận biết Chúa và chấp nhận Chúa như là chìa khóa để cắt nghĩa mọi thứ khác. Hy vọng theo nghĩa Kitô giáo là nhìn nhận có sự dữ, nhưng đồng thời cũng vững tin vào tương lai. "Cuộc sống đời đời mới là tương lai của tôi và đó mới là sức mạnh ghi dấu lịch sử."
Chương II: NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Peter Seewald tiếp tục xô đẩy cuộc đối thoại đến chân tường: Ngay từ 1984, ngài đã nói về tiến trình suy thoái của Giáo hội... nghĩa là thiên thể đã vỡ tung trong vũ trụ. Tâm của nó đã từ lâu chẳng thấy đâu nữa và nó teo dần thành tinh cầu tí hon. Và tác giả cho rằng những vì sao vỡ rất hay. Sự việc trong thực tế cũng giống như thế. Nhưng vẫn tin rằng sẽ có những đợt sóng âm thầm nổi lên, rằng Giáo hội có thể tái sinh từ những kẻ ngoại đạo và sống lại cái kinh nghiệm các môn đệ và chính Chúa Giêsu đã sống. Khi Chúa nói: "Ta không tìm thấy một niềm tin như thế ở Israel," có nghĩa là Chúa tin vào những đợt đức tin bùng dậy sống động nơi thế giới những người ngoại đạo, một sự sống động mà ta không thấy có nơi những Kitô hữu hiện nay. Người tin Chúa hôm nay thường tỏ ra mỏi mệt trong đức tin. Tuy nhiên tác giả hoàn toàn tin chắc rằng Kitô giáo vẫn tồn tại và sẽ hiện diện dưới những hình thức mới. Nó cũng sẽ là sức sống của lịch sử và sẽ cống hiến cho nhân loại những chỗ trú ẩn an toàn để sống còn (tr. 126).
Peter Seewald nhận thấy thế giới hôm nay thay đổi đang làm nhiều người ngất ngư vì tốc độ của nó, nhưng đồng thời lại đang tạo một môi trường thuận lợi cho tôn giáo. Chưa bao giờ con người đua nhau đi tìm những hình thái tâm linh siêu đẳng và hỗn tạp như hiện nay. Vậy mà các đạo binh hùng hậu nhất của Giáo hội Công giáo xem ra không lợi dụng được gì trong cuộc chạy đua tìm ý nghĩa cuộc sống này. Và tác giả đã nhìn nhận rằng: đúng là một thời đại mới của tôn giáo đã mở màn.Con người bằng nhiều cách đi tìm tôn giáo. Nhưng họ cho rằng đã không tìm thấy nó trong niềm tin Kitô giáo... Có lẽ các Giáo hội Kitô giáo đại chúng phần nào đã bị đè nghẹt bởi sức nặng của quá nhiều định chế, bởi quyền hành cơ chế, bởi sức ép lịch sử của chính mình.Ta không thấy được cái sinh động, cái giản dị của đức tin Kitô giáo nữa... Ngọn lửa thực sự của đạo đã không ngoi lên được qua lớp tro quá dầy đặc (tr. 127).
Peter Seewald tỏ ra cay đắng hơn: theo cái nh́n phiến diện của dư luận hiện thời thì Giáo hội Công giáo không chỉ là thứ còn sót lại của quá khứ và có lẽ nó còn đáng cho vào sọt rác. Đối với thế giới trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, không có khiêu khích nào lớn hơn sự tồn tại một Giáo hội phẩm trật.
Tác giả cũng xác nhận rằng Giáo hội này còn là lực lượng khiêu khích, vẫn là gai nhọn và là sự phản kháng... "Chúng tôi chống lại sự sa lầy trong cái tầm thường hóa hay những hứa hẹn giả; chúng tôi không mặc nhiên để con người ngủ mê trong ý thức hệ tạo ra... Chúng tôi bảo vệ giá trị nguồn cội của con người."
Peter Seewald nhận ra các linh mục không biết mình là ai, giáo dân chẳng hiểu mình nên tin gì, các nhà thần học tiếp cắt xén những truyền thống căn bản. Kho tàng phụng vụ bị thất thoát. Tác giả vẫn can đảm và thẳng thắn nhìn nhận: "Chắc chắn đang có sự mất mát kinh khủng về ý nghĩa của Kitô giáo... Rõ ràng cái xã hội xưa nay thấm nhuần Kitô giáo lúc này đang vỡ ra từng mảnh" (trang 130)... Tương quan xã hội và giáo hội cũng hình như đang đi lần về hướng một hình thái xã hội hết chất Kitô giáo. Đạo Kitô không còn tạo được sự canh tân nơi tư duy chung của xã hội. Đối với tác giả, trung tâm đời sống hôm nay thực sự nằm nơi những đổi mới về kinh tế và kỹ thuật... Thiên Chúa chẳng có giá trị gì trong nền đạo lý của con người..., vì vậy vấn đề cuộc sống đời đời cũng chẳng có chỗ đứng.
Seewald nhận ra văn hóa, lịch sử mỗi dân tộc khác nhau một trời một vực... Ngày nay xem ra trong Giáo hội sự khác biệt dễ nhận thấy hơn là những điểm tương đồng. Như vậy còn có sự đồng thuận trong Giáo hội không?
Tác giả giải thích: Tôi tin Giáo hội Công giáo có phần đóng góp quan trọng cho nhân loại qua việc nối kết thế giới dị biệt với nhau trong một đồng thuận căn bản và qua đó xây những nhịp cầu nối kết các dân tộc. Tác giả thêm rằng văn hóa kỹ thuật, dù đã len lỏi vào khắp nơi, vẫn chưa đủ để mang lại sự nhất thống cho nhân loại, một sự nhất thống đến tận tầng nội tại thâm sâu nơi con người... Yếu tố quyết định ở đây là những xác tín tôn giáo và đạo đức, là cả một lối đào tạo lương tâm mà Giáo hội cần lưu ý.
Một câu hỏi khác lại đặt ra: đạo Kitô có vị trí nào trong toàn bộ các tôn giáo? Đó là câu hỏi trở thành nóng bỏng. Tác giả cho biết đứng trước những bấp bênh khủng hoảng đang đe dọa con người, khiến họ cảm thấy bỗng dưng bị cướp mất quê hương tinh thần và những nền móng căn bản của đời sống.
Tác giả nhìn lại các quốc gia mà ảnh hưởng của Giáo hội và Kitô giáo mạnh nhất Âu châu như Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, hay đặc biệt là Ba Lan... Tại Pháp chỉ còn 1% tín hữu Công giáo còn tin vào giáo huấn của Giáo hội, trong lúc 83% người có đạo chủ trương chỉ cần tuân phục lương tâm. Và nước Pháp là nước bị thế tục hóa mạnh nhất ở Âu châu. Riêng tại Đức, quê hương của tác giả, lại là nơi người ta bỏ đạo nhiều nhất. Tác giả nhìn nhận rằng đâu đâu cũng thấy đức tin xuống dốc.Giáo hội không còn là mái nhà ấm cúng của họ nữa, họ đau khổ và buồn vì Giáo hội giờ đây không còn là nơi trú ẩn bình an, nhưng là sân khấu cho những tranh chấp liên miên, khiến họ cũng hoang mang. Vùng bắc nước Đức từ lâu không còn treo thánh giá nữa.
Seewald tiếp tục tra vấn: đất nước này là đất nước gì đây? Nó có bị tà thần ám ảnh chăng? Phải chăng chúng ta đã đánh mất bản ngã vì lâu nay chạy theo hiệu năng? Tác giả an ủi Seewald: chúng ta không nên trách mình quá đáng. Cả Pháp, Tây Ban Nha, Ý và cả Anh cũng có những phong trào bài Kitô giáo. Nước Đức ngày nay trở thành lực lượng kinh tế mạnh nhất Âu châu... tự phụ và đề cao hiệu năng và vì thế làm thui chột đi những chiều kích khác của cuộc sống (trang 165).
Tác giả nhìn qua tình trạng tại Pháp để thấy những khó khăn trong việc dung nạp lễ nghi và đặc thù văn hóa địa phương. Còn Á châu thì Kitô giáo chưa đặt chân vào được bao nhiêu. Với Ba Lan, tác giả vẫn còn những tin tưởng, bởi vì ở Ba Lan có những biểu hiện mà ở Tây Âu không thấy còn nữa, đó là khuynh hướng gắn bó giữa Giáo hội và những trào lưu chính trị. Ba Lan đã trải qua những thăng trầm lớn của lịch sử và yếu tố Công giáo đã hiện diện như một nét đặc biệt của dân Ba Lan. Giá trị Công giáo đã hòa hợp một cách độc đáo với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc Ba Lan. Tác giả nhìn qua Giáo hội Hoa Kỳ và đưa ra nhận xét: Đó là một Giáo hội với những đầu óc trí thức lớn, những tâm hồn sùng đạo, với nhiều chủ chiên tuyệt vời. Và tác giả thú nhận không hiểu nhiều về nước Mỹ, nhưng cũng nhìn nhận Hoa Kỳ đã có một ý hướng muốn quay về với đạo đức và khát vọng tôn giáo.
CÁC NGUYÊN NHÂN SUY TÀN
Seewald nhìn thẳng vào hiện trạng bi thảm của Giáo hội và đức tin Kitô giáo và tra vấn: Tại sao khủng hoảng của Giáo hội lại lớn lao như thế và đâu là nguyên nhân?
Tác giả giải thích rằng, kể từ thời Ánh Sáng đã hình thành một phong trào lớn coi Giáo hội đã lỗi thời. Dù thế kỷ 19 đã có những phong trào quay lại với Giáo hội, nhưng nhìn chung, phong trào chống Giáo hội vẫn tiếp tục đi lên. Những chứng minh khoa học đã trở thành chuẩn mức quá cao..., tín điều là thứ mâu thuẫn với lý trí con người.
Những quan điểm cực đoan của thời Ánh Sáng cũng không tránh khỏi một chiều, vì tôn giáo bị hạn chế vào cái thuần túy chủ quan sẽ mất hết sức sáng tạo. Trong lúc cái lý trí thực nghiệm không thể trả lời được những câu hỏi cơ bản như tôi từ đâu tới, tôi là ai, tôi sống thế nào cho ra sống, tôi sinh ra để làm gì? Vào cuối thời Ánh Sáng trước cuộc Cách mạng Pháp, người ta đã hô hào: đây là lúc giáo chủ, lãnh tụ tối cao của thế giới Kitô giáo phải biến đi, để cho thời đại của Lý trí bắt đầu. Nhưng ngôi vị giáo chủ trong thế kỷ 19 đã mạnh chưa từng thấy, và Kitô giáo vào thế kỷ này dù không có sức mạnh như thời Trung cổ, nhưng khuôn mặt đáng yêu nhiều hơn qua những công tác xã hội vĩ đại và làm nên những thành quả lớn lao.
Câu hỏi lại được đặt ra: ngày nay con người được khai hóa và nhà nước được thế tục hóa, như vậy ngôi sao Giáo hội bắt đầu lặn đi là điều hợp lý. Và câu hỏi lại được trả lời: chưa thời nào cho thấy Giáo hội tạo được một lực lượng đối kháng chống lại mọi guồng máy thế tục chính trị và kinh tế áp bức như trong thế kỷ 20. Nó cung ứng cho con người một bầu không khí tự do và dựng nên một hàng rào chống lại đàn áp. Các vị tử đạo đã luôn luôn nêu gương chịu đựng những thử thách đó vì tha nhân. Giáo hội là một yếu tố của tự do, điều này thấy rõ ở Đông Âu, Nam Mỹ cũng như Trung quốc và Phi châu (trang 171).
Được hỏi là giáo huấn của Giáo hội có còn khả tín không? Đối với tác giả, đức tin đã chỉ đi vào được trần thế qua các nhà truyền giáo, vì người ta có thể hiểu được nó và thấy nó rõ ràng. Nhưng như Hồng y Konig đã nhận định về Giáo hội hoàn vũ: xét cho cùng đây là một tiến trình kéo dài hàng thế kỷ, dẫn đến sự phân ly giữa Giáo hội và thế giới. Chính Giáo hội cũng phải biết tự phê bình và tự hỏi đâu là phần lỗi của mình. Bên cạnh đó dư luận nhiều khi có cảm tưởng Giáo hội chỉ biết phản ứng cố chấp, nghiêm khắc và viện vào các giới răn. Chung quanh Giáo hội là thế giới linh động, nhưng xem ra không có khả năng thay đổi, cứ khư khư bảo vệ quan điểm của mình. Sau đó Seewald nhìn lại các cơn khủng hoảng và đặt ra nghi vấn: phải chăng Giáo hội đã chồng chất quá nhiều hành trang phế thải, quá nhiều nợ nần, để bây giờ phải lãnh hậu quả.
Tác giả vẫn thành thật thú nhận: dĩ nhiên là có sự liên tục lịch sử, ta không thể tránh nó được. Câu hỏi được đặt ra: đâu là những gánh nặng? Trong đó có cả những lỗi lầm mà ta phải thú nhận, nhưng cũng có cái mới tốt đẹp mà mỗi thế hệ và mỗi thời đại tạo dựng được. Và Seewald nhìn vào những lỗi lầm của Giáo hội với câu hỏi không úp mở: Có không những nỗ lực thanh tẩy mạnh mẽ đang tác động trong tiến trình suy thoái hiện nay của Giáo hội?
Tác giả trả lời: Tôi xác tín những nỗ lực tự thanh tẩy đang hoạt động. Tình thế hiện nay đòi hỏi sự thanh tẩy. Tác giả cho rằng tất cả những điều trên đều là những vấn nạn. Nhưng chúng ta sẽ lạc đường nếu chúng ta cho rằng đó là những đề tài duy nhất cho Công giáo hoàn vũ. Như John Baptist Metz có lần viết: "Thế giới Tin Lành đã giải quyết xong vấn nạn này." Thực ra đời sống Kitô hữu trước sau đối với Tin Lành vẫn nan giải không kém chúng ta.
Có phải tất cả những gì 'Đức Thánh Cha' nói đương nhiên là thánh và đúng không? Và câu trả lời: Tín điều đó không có nghĩa là tất cả những gì giáo chủ nói đều không sai lầm... Dĩ nhiên quan điểm Kitô giáo có một thẩm quyền quyết định tối hậu. Đối với những kẻ bị áp bức và đối xử bất công, đối với quan điểm sống đạo, thì phán xét và công lý quả là nguồn hy vọng thực sự, và vì thế mới gọi là Tin Mừng. Như Adorno đã nói: nghĩa là bất công phải được thanh tẩy, công lý phải được thắng thế ở một nơi nào đó. Tác giả cho rằng, như thế ý thức phán xét cũng là một yếu tố xã hội và chính trị. Ý thức rằng tôi không được quay mặt đi khỏi thế gian, rằng phải góp phần tái tạo sự lành trần thế, rằng trên đầu những tay quyền thế còn có sự đe doạ trên cao, như vậy là liều thuốc công hiệu cho nhiều người... Trong thâm tâm mỗi người phải thấy rằng tôi không thể đơn thuần muốn sống sao thì sống, trên tôi còn có tòa phán xét. Vì thế Giáo hội có thể răn đe được chính những kẻ quyền lực, những kẻ đang uổng phí phá hoại đời mình, nhân danh công lý, nhân danh điều thiện, và nhân danh bình an và hạnh phúc của chính họ (trang 194).
Về ý nghĩa "dân Chúa' cũng có câu hỏi: "Tiếng dân là tiếng Chúa", ngài nghĩ sao?
- Nếu chúng ta là những nhà thần học và giáo dân thì phải xem Phúc Âm nói gì? Ý niệm dân Chúa xuất phát từ Kinh Thánh. Dân Chúa là dân được chọn... Con người chỉ trở thành dân Chúa khi nào giữ mối giây tương quan mật thiết với Chúa, khi quy hướng về Chúa. "Ai dám bảo mình là dân Chúa, còn người khác phải chăng không là dân Chúa?"
Seewald nhìn vào thời đại dân chủ và hỏi rằng: không thể đòi hỏi xã hội áp dụng dân chủ và phân quyền trong khi chính mình thì lại gạt những thứ đó ra. Giáo hội có thể áp dụng dân chủ được không?
- Khi Chúa rửa chân cho các tông đồ... Chúa muốn nói rằng: Ta hiểu chức linh mục là thế... Bản chất giáo quyền thực ra để phục vụ, lo cử hành các bí tích, đưa Chúa vào đời. Họ phải là kẻ phục vụ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và theo gương Chúa rửa chân cho kẻ khác. Đó là hình ảnh thực sự của linh mục. Khi chức linh mục được sống đúng, thì nó không thể có nghĩa là lúc ta nắm lấy quyền lực trong tay, nhưng có nghĩa là khước từ những dự án riêng tư... và dấn thân phục vụ.
Chương III: TRƯỚC THỀM THỜI ĐẠI MỚI: HAI NGÀN NĂM LỊCH SỬ ƠN CỨU ĐỘ VÀ VẪN CHƯA ĐƯỢC CỨU RỖI?
Seewald cho rằng từ 2000 năm qua, Giáo hội bước theo Đức Kitô dấn thân cho hòa bình, công lý và tình yêu, nhưng vào thời điểm kết thúc, kết quả tổng kết xem ra nghèo nàn chưa từng có. Louis Begley gọi thế kỷ 20: "Một lễ cầu hồn ma quái." Đó là một hỏa ngục gây nên bởi tội ác giết người, thảm sát tập thể và bạo lực, nghĩa là một tổng hợp gói trọn mọi thứ kinh hoàng. Và nhiều người tự hỏi: có thực thế gian được cứu rỗi không?
Tác giả cho rằng đây quả là một chuỗi vấn nạn. Phải chăng Kitô giáo đã mang lại ơn cứu độ hay thực sự vô hiệu? Phải chăng Kitô giáo ngày nay đã mất hết sức sống? Ơn cứu độ, một ơn đến từ Thiên Chúa, không phải là một thực thể có định lượng..., bởi thế không thể cho rằng Kitô giáo khởi đầu như một hạt cải và cuối cùng phải sừng sững như cây đại thụ và ai cũng có thể thấy nó phát triển tốt tươi từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Nhưng nó luôn luôn vấp ngã, vì ơn cứu độ gắn chặt với tự do của con người và Thiên Chúa không bao giờ muốn lấy đi tự do này... Ơn cứu độ luôn luôn gắn liền với tự do, nhưng nó được đặt vào chiếc bình dễ vỡ là tự do của con người. Ta phải nhìn nhận Kitô giáo luôn luôn tỏa ra một tình nhân ái dạt dào. Những gì Kitô giáo mang vào lịch sử thật đáng kể. Goethe từng thốt lên: những gì đã xảy ra quanh tôi làm tôi phải cúi đầu. Đúng thế, chỉ qua Kitô giáo mà các hệ thống chăm sóc bệnh nhân, cưu mang người yếu kém và các tổ chức từ thiện đã hình thành. Cũng nhờ Kitô giáo mới phát sinh sự tôn trọng con người trong mọi hoàn cảnh.
Seewald tiếp tục thắc mắc: Kitô giáo ngày nay đã bành trướng rộng rãi trên khắp thế giới như chưa từng thấy, nhưng ơn cứu độ trần gian đã không hẳn đồng bộ với nhịp độ gia tăng về số lượng lớn lao đó.
Tác giả thú nhận: Đúng vậy, sự lan rộng về số lượng đã không hẳn dẫn tới sự cái thiện thế gian. VÌ KHÔNG PHẢI TẤT CẢ NHỮNG AI MANG TÊN KITÔ HỮU ĐỀU THỰC SỰ LÀ KITÔ HỮU (trang 228). Kitô giáo chỉ ảnh hưởng gián tiếp trên khuôn mặt trần gian qua con người, qua sự tự do của họ.
Cuộc hội thoại xoay quanh tinh thần của thế gian với tất cả sự dữ, và tinh thần của Thiên Chúa với ơn cứu độ.Sự dữ như Metz đã mô tả về thế kỷ 20: "Một lễ cầu hồn ma quái" hay ông còn gọi đó là "Cơn khủng hoảng Thiên Chúa" trở nên trầm trọng khiến con người rơi vào vực thẳm vô luân và rơi vào vực thẳm dốt nát, đứng bên bờ tận thế. Viễn tượng kinh hoàng của tận thế buộc con người phải tự cảnh giác, vì tác giả cho rằng Thiên Chúa vẫn còn đó để bảo vệ những ai tìm kiếm Ngài. Qua Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự dữ của thế gian, kết cục tình yêu vẫn mạnh hơn hận thù.
Giáo chủ Gioan Phaolô II đã đưa ra lời tiên tri: "Vào cuối thiên niên kỷ thứ hai (2000) Giáo hội lại trở thành Giáo hội của các vị tử đạo." Và chính tác giả, trước đây khi còn là hồng y cũng đã tin tưởng rằng nếu chúng ta không tìm lại cái căn tính Kitô giáo (Christian Identification) của mình, chúng ta sẽ không đứng vững được trước những thử thách của thời đại.
Phải chăng "MUỐI CHO ĐỜI" chính là dòng máu tâm linh muôn thuở của Tân Ước (spiritual blood of New Convenant) và tác giả gọi đó là "căn tính của Kitô giáo" và muốn chia sẻ với mọi người của thời đại? Bởi vì trước sự thay đổi chuyển hóa âm thầm của Giáo hội, tác giả đã giải thích: Giáo hội mặc lấy những hình thức khác..., sẽ mặc lấy hình thái của Giáo hội thiểu số, sẽ sinh hoạt qua những nhóm nhỏ với xác tín vững mạnh, sống hành động theo đức tin. Chính theo cung cách này, nói theo Kinh Thánh, Giáo hội sẽ là "Muối cho đời." Trong tình thế này, cái gì cao quý sâu thẳm nhất nơi con người không thể bị tiêu diệt và con người cần được nâng đỡ bằng sức mạnh siêu nhiên. Bởi thế, Giáo hội cần có sự uyển chuyển để có thể chấp nhận những tư tưởng mới và những biến đổi trật tự trong xã hội. Giáo hội phải bảo vệ được giá trị cốt lõi làm nên sự sống và phẩm giá của con người. Giáo hội cần giữ vững điểm này và mở đường cho con người hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, vì nền móng hòa bình trên dương thế chỉ có thể đến tứ chỗ cao quang đó.
Seewald tiếp tục đưa những vấn nạn ra trước mặt tác giả: Giáo chủ đã nêu lên thái độ bất tương dung nhân danh tôn giáo và đồng lõa tội ác phạm đến nhân quyền như một thí dụ điển hình cho tình trạng "vực thẳm tội lỗi" của 2000 năm lịch sử Kitô giáo..., liệu Giáo hội có phải lên tiếng bằng sự cởi mở không che đậy hơn nữa về những lỗi lầm ngay trong lòng Giáo hội qua dòng lịch sử?
Tác giả xác tín: tôi thiết nghĩ sự thành thật luôn luôn là một nhân đức nền tảng, bởi từ đó chúng ta nhận biết đâu là Giáo hội và đâu không phải là Giáo hội... Nếu sám hối, xét mình, nhận ra và lãnh lấy chính cái tội của mình là một việc làm trọng đại và then chốt của một Kitô hữu, bởi chỉ qua đó tôi mới thành thực với chính tôi và trở nên công chính. Vậy Giáo hội là một tác nhân tập thể cũng không thể né tránh việc mổ xẻ, nhìn ra và nhận lãnh lỗi lầm mình. Một "Thánh Vịnh sám hối" quả thực là cần thiết để Giáo hội chứng tỏ mình thành thực trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người (trang 234).
Mặc dù đã có những tranh chấp giữa Giáo hội và khoa học, nhưng Seewald thắc mắc như sau: lịch sử sẽ xoay chuyển ra sao nếu không có Giáo hội? Câu hỏi này không ai trả lời được. Trong khi đó khó có thể không nhận ra đức tin Kitô giáo đã giải thoát và làm cho thế giới trở nên văn minh qua việc phát triển nhân quyền, nghệ thuật, giáo dục, thuần phong mỹ tục. Không thể hình dung được Âu châu sẽ ra sao nếu không có những tiến bộ này. Và chính ngài đã lưu ý rằng sự tồn tại của những nền dân chủ có phần liên quan đến sự tồn tại những giá trị Kitô giáo.
Tác giả cũng đồng ý rằng thể chế chính trị đã rút ra từ ý niệm luật pháp về quyền tự do và bình đẳng áp dụng cho mọi công dân. Hiển nhiên hai nền dân chủ tiên phong ở Hoa Kỳ và Anh quốc đều được xây dựng nên từ nền tảng của Kitô giáo và nó chỉ có thể vận hành trên căn bản đồng thuận về những giá trị. Không có sự đồng thuận về giá trị này, nền dân chủ sẽ tan rã và sụp đổ. Như vậy trên bình diện lịch sử... Kitô giáo đã kiến tạo được một nền nhân bản mới. Dưới cái nhìn thuần tuý lịch sử, ta có thể khẳng định: nếu không có nền tảng tôn giáo linh thiêng, nếu vứt bỏ Kitô giáo ra khỏi thế giới này... th́ không thể có dân chủ.
Tác giả nhìn vào các phong trào Đức quốc xã và Cộng sản với chể độ độc tài vô cùng tàn bạo và vô thần trong thế kỷ 20 đã chứng minh cho thấy sự sụp đổ của Giáo hội, sự phá sản và vắng bóng đức tin..., quả thực đã kéo theo thế giới xuống vực thẳm. Khi con người bỗng dưng bị lột hết sức mạnh luân lý như trong giáo lý Kitô giáo, con người sẽ chao đảo như con tầu va vào băng sơn.
Đây là thời điểm khai sinh một cộng đồng thế giới mới, khác hẳn với thế giới trước đây, một thế giới với những biến đổi tận gốc rễ. Tác giả nhận ra con người kèn cựa nhau càng ngày càng mạnh, trong lúc nhu cầu kết hợp lại càng cần thiết hơn. Con người không thể tiên đoán được trước mọi biến đổi, nên cần bảo vệ giá trị nền tảng của nhân tính.
Con người đang lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi sinh, nhưng tác giả cho rằng không ai chú tâm tới sự Ô NHIỄM TÂM HỒN của mình vì thiếu ý thức tự do, nghĩa là tự do phá hỏng nội tâm. Để có sự sống từ nội tâm, cần phải giữ cho trong sạch tâm hồn, môi sinh tâm hồn. Nếu không hiểu được yếu tố môi sinh căn bản, tất cả các vấn đề khác sẽ xấu xa tồi tệ mãi.
Seewald lo lắng rằng với những hiểu biết cơ bản lãnh hội từ tinh thần Kitô giáo, có thể có những câu trả lời thích đáng cho những biến đổi và thách thức mới không? Tác giả giải thích: con người là hình ảnh của Thiên Chúa và nhận ra những trật tự nền tảng trong 10 điều răn, tôi sẽ có những hướng dẫn căn bản và con người có thể cụ thể hóa trong từng lãnh vực khác nhau.
MÙA XUÂN TINH THẦN CHO CON NGƯỜI VÀO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA
Seewald chứng kiến vào cuối thiên kỷ này chúng ta chứng kiến sự sụp đổ của nhiều học thuyết xã hội đã có một thời hứa hẹn, chủ nghĩa Marx, Freud. Khoa học xã hội tìm luân lý ngoài tôn giáo.
Như tác giả đã đưa ra nhận xét rằng những học thuyết đó không nắm bắt được thực tại, vì nó không giải thích được uyên nguyên của con người... và các ý thức hệ phải tự phê bình qua các kinh nghiệm lịch sử, từ đó hy vọng người ta có cái nhìn mới về bản chất Kitô giáo để thấy cái phong phú tiềm ẩn trong đó. Trong các quốc gia Cộng sản, tình trạng tuột dốc thê thảm kinh tế, chính trị... con người mệt mỏi, chán chường, hời hợt và buông xuôi... Thất vọng có thể kéo theo những sụp đổ khác, nhưng cũng mở đường cho con người cảm nhận sức mạnh của Thiên Chúa để làm cuộc tái sinh.
Seewald nhìn thấy bộ mặt của thế giới thuần khoa học, vật chất, duy lý, từng in dấu đậm nét lên thế kỷ qua đang từ từ tàn úa và bị đào thải, liệu con người của thiên niên kỷ thứ ba có phải đem lại thần thoại vào đời sống không? Tất cả vẫn còn là tiềm ẩn của thế giới bên kia?
Tác giả cho rằng con người phải quy phục chân lý, nếu muốn đạt được những năng lực mới. Nếu không lại rơi vào những mộng mị để rồi không giải quyết được những vấn đề trọng đại, không thể dẫn con người vào con đường đứng đắn sâu xa được. Dù sao, con người cũng còn những khát vọng tôn giáo, vẫn còn tìm kiếm sức mạnh tâm linh của tôn giáo, vẫn còn ý thức sâu thẳm vể tôn giáo và cuộc đời của tất cả chúng ta vẫn con thiếu một cái gì đó. Đây là những điểm tích cực, nhưng con người phải bớt đi cái tính tự cao tự đại, phải khiêm cung chấp nhận chân ý.
Và cuộc hội thoại vẫn xoay quanh những vấn đề cốt tuỷ của sự sống, sự chết và sự phục sinh để con người có thể từ từ bước vào một THỜI ĐẠI TÂN SÁNG (the age of new enlightenment), một kỷ nguyên của ÁNH SÁNG TÂM LINH (spiritual enlightement), bằng cách đưa ánh sáng đức tin vào tư duy và đưa vào cuộc sống. Như thế tâm thức con người có thể lấp đi khoảng trống mênh mông và hố ngăn cách giữa người và người sẽ được lấp lại để nhân loại gặp gỡ lại nhau. Đây có thể là một viễn kiến về thực tại của ĐẠI THỂ, một đại thể không thể không cần tới Thiên Chúa, hay đấng TẠO HÓA.
Tác giả nghĩ rằng người có đức tin luôn luôn hy vọng như thế. Họ hy vọng sau thời kỳ đen tối, con người đã đánh mất đại thể, vì thế sẽ có cuộc tìm kiếm lại cái đại thể đó. Đây là then chốt của những cuộc tìm kiếm, tìm kiếm một thứ ánh sáng mới. Tác giả cho rằng những động lực dẫn đến sự chia rẽ tinh thần giữa con người còn quá lớn.
Seewald nhớ lại bài bài diễn văn vào năm 1995 của Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về trật tự mới của thế giới và niềm hy vọng cho thế kỷ 21: "Chúng ta sẽ thấy rằng nước mắt của thế kỷ này đã dọn đường cho một mùa xuân mới của tinh thần nhân loại," ngài hiểu thế nào về mùa xuân mới này?
Tác giả của 'Muối cho đời' cũng tin rằng: sau thiên niên kỷ của phân ly, chúng ta sẽ bước vào thiên niên kỷ của sự hiệp nhất và Công đồng Vaticanô II đã đứng trong trào lưu triết lý lịch sử đó... Tinh thần Vaticanô II là tinh thần ĐẠI KẾT. Phải tìm lại sự hợp nhất tôn giáo, hợp nhất Kitô giáo, để thực sự bắt đầu một thời kỳ tốt đẹp hơn. Cần có viễn kiến để tạo cảm hứng... nhờ viễn kiến này Giáo chủ Gioan Phaolô II đã lên đường với một nhiệt tình không mệt mỏi.
NHỮNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI - NHÀ NƯỚC - XÃ HỘI
Bản chất tôn giáo là phải tách khỏi nhà nước và nhà nước không có quyền cưỡng ép đức tin. Đức tin đến từ xác tín đạt được một cách tự do, vì thế tác giả cho rằng mọi nền văn hóa cổ đều quan niệm nhà nước mang bản chất thần thánh và là giám hộ đích thực của thế giới thần linh... Kitô giáo lột mất tính chất thần thánh của nhà nước và làm đảo lộn những cơ cấu nền tảng của đế quốc Roma và cả trật tự của thế giới hồi đó.
Seewald nhớ lại kinh nghiệm truyền thống chống lại thế quyền của các giáo triều xưa. Ngày nay dưới sự thống trị của mới của hưởng thụ, Giáo hội nên làm gì? Tác giả cho rằng Giáo hội mang sứ mệnh ngôn sứ phản kháng và phải có can đảm đóng đúng vai trò đó. Chính cái can đảm nói lên sự thật là sức mạnh của Giáo hội và Giáo hội có thể trở thành biểu tượng.
Trước sự lớn mạnh toàn cầu của Hồi giáo có ý nghĩa gì với Kitô giáo? Theo nhận định của tác giả thì nhờ vào sức mạnh tài chánh, các trung tâm văn hóa và nguyện đường Hồi giáo đã dựng lên khắp nơi. Trong bối cảnh văn hóa thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20, những quốc gia Kitô giáo tại Tây phương đã tiến bộ vượt bực về kỹ nghệ, văn hóa, chính trị, kinh tế và quân sự. Nhưng sau đó bùng nổ cuộc khủng hoảng luân lý quá lớn lao làm cho Tây phương mất hướng, trong lúc kinh tế lại trổi dậy từ các quốc gia Ả Rập. Các quốc gia Tây phương không còn thông điệp của luân lý truyền đi nữa, họ chỉ cống hiến thế giới những hiểu biết chuyên môn. Kitô giáo đã thoái trào, không còn tồn tại như một tôn giáo nữa. Kitô hữu không còn luân lý và đức tin nữa... nhưng Giáo hội vẫn đứng vững.
TƯƠNG LAI GIÁO HỘI
Những tra vấn tiếp tục được đẩy tới: con người còn có thể chờ đợi gì về những hướng dẫn và mở đường của Giáo hội cho tương lai không?
Tác giả cho rằng hợp nhất Kitô giáo và đối thoại liên tôn là ưu tư hơn cả, ngoài ra còn nhiều vấn đề đạo đức xã hội, chính trị và rao giảng TIN MỪNG. Tác giả cho rằng hợp nhất các nền văn hóa là một biến cố quan trọng... Trong cuộc hội nghị các giám mục Á châu, vấn đề được thảo luận là làm sao Kitô giáo có thể đi vào bối cảnh các tôn giáo Á châu, làm sao để hòa hợp nối kết sức mạnh lớn lao của các tôn giáo Á châu với sức mạnh của Kitô giáo cho những nỗ lực đặt ra ở cuối thiên niên kỷ này.
Câu hỏi kế tiếp: trong Giáo hội sẽ nẩy sinh những hình thức sống đạo mới không?
Tác giả đưa ra nhận xét: mỗi bước ngoặt văn hóa lớn đều đem lại những hình thức mới trong đời sống Giáo hội, có thể Công đồng Vaticanô II cũng là một cuộc cách mạng văn hóa.
Seewald nhìn về Á châu và nêu lên thắc mắc: Tại sao Thiên Chúa chỉ nhập thể trong con người Đức Kitô mà không dưới các vị thần ở Á châu. Và câu trả lời: Đức tin Kitô giáo lồng vào đức tin Do Thái giáo, cùng tin một Thiên Chúa độc nhất tạo dựng vũ trụ, Đấng cùng con người làm nên lịch sử này và tác động trong lịch sử này một cách vĩnh viễn cho con người. Theo tác giả, con người chỉ có một Thiên Chúa độc nhất cho mọi người. Tuy nhiên, như Ấn độ giáo với Kitô giáo có hai cách hiểu khác nhau về chân lý, Thiên Chúa, vũ trụ và con người. Kitô hữu có thể, qua những hình ảnh của các tôn giáo lớn, nhận ra những bước dò dẫm về Thiên Chúa và Kitô hữu nhìn ra bàn ta bí mật của Thiên Chúa, Đấng vận dụng các tôn giáo khác để tác động lên con người và dẫn con người vào chính lộ (trang 270). Nhưng Đấng Tạo Hoá vẫn luôn luôn là Vị Chúa đó không thay đổi, Chúa của Đức Giêsu Kitô.
Seewald cho rằng có thành phần nào đó tố cáo Giáo hội phản dân chủ, chống lại tự do tư tưởng và tự do tôn giáo, cũng như hoài nghi sự thật về Kinh Thánh và đòi hỏi Giáo hội phải tự giải tán để nhường cho một nền đạo giáo vào thời hậu Kitô giáo.
Tác giả nhận thấy những chế độ độc tài của thế kỷ đã nhiều lần khai tử đức tin Kitô giáo, nhưng khi các chế độ này sụp đổ thì Kitô giáo lại sống lại. Do đó Kitô giáo có tương lai tốt đẹp hơn những ý thức hệ muốn dẹp bỏ tôn giáo.
Seewald nhìn thấy những luồng gió mới thổi từ các quốc gia thứ ba và cho rằng khuôn mặt Giáo hội tương lai sẽ có vóc dáng Phi châu, Mỹ châu hay Á châu hơn không? Tác giả cũng đồng ý như thế và cho rằng qua cơn khủng hoảng văn hóa Âu Mỹ, ý thức và niềm tự hào về các nền văn hóa đặc thù trên thế giới rất mạnh, nhất là tại Phi châu, Mỹ châu và Á châu. Bởi thế có thể khẳng định là bộ mặt tương lai của Giáo hội sẽ sống động dưới nhiều hình thức văn hóa, vì nhờ vào những đóng góp của nhiều đại lục khác.
Seewald cho rằng thế kỷ 21 sẽ nhen nhúm một quan niệm mới về tôn giáo với nội dung và hình thức của những nền văn hóa lớn, những yếu tố từ Phật giáo, tục thờ cúng tổ tiên của các sắc tộc sống theo đạo trời đất thiên nhiên, chuyện này sẽ ra sao?
Cuộc đối thoại liên tôn đang diễn tiến, tác giả cũng tin tưởng: tôi tin mỗi chúng ta đây đều xác tín rằng có những điều chúng ta có thể học được, thí dụ từ thần bí Á châu và những truyền thống thần bí lớn mở ra những khả năng gặp gỡ còn rõ hơn như chúng ta thấy trong thần học tích cực. Quan trọng ở chỗ, một mặt nó giúp ta nhìn ra những yếu tố chung trong các nền thần học huyền bí và không nên bỏ qua những điểm dị biệt giữa huyền bí Phật giáo và thần học Kitô giáo. Mặt khác, từ nội dung huyền thoại và triết lý tôn giáo Á châu, người ta nhận ra những yếu tố hoàn toàn mới mẻ có thể tuôn vào tư tưởng thần học. Chúng sẽ mở ra cho ta những khả năng tiềm ẩn và những cơ may mới cho những suy tư thần học và cách thức sống đạo (275).
Nhìn lại lịch sử, Seewald thấy gần 1500 năm Tây phương đã có một môi trường để loan truyền đức tin và giáo dục Kitô giáo. Tại sao ngày nay lại vắng bóng? Những giá trị của Giáo hội và các quan điểm xã hội ngày nay xa lìa nhau. Làm thế nào để thực hiện các dự án về cuộc sống và ơn cứu độ của Giáo hội tương lai? Tác giả nhấn mạnh rằng Kitô hữu không bao giờ đứng một mình riêng rẽ. Là Kitô hữu là đồng hành với người khác. Trong hoàn cảnh đó, các giáo xứ phải tìm cách nâng đỡ nhau và sống với đức tin vững mạnh hơn. Người ta phải học hỏi đến với nhau để bổ túc cho nhau.
SẠCH - SẠCH - SẠCH - CUỘC CÁCH MẠNG TÂM LINH
Seewald đẩy tới người đối diện với câu hỏi thẳng thắn khi ông cho rằng Giáo hội quan liêu, sợ sệt, tính toán kiểu con người thế tục. Tại sao không chống lại việc đề cao lý trí và xiển dương trầm tư quán tưởng để chiêm nghiệm những thực tại sâu thẳm, để quay về các giá trị tâm linh đã bỏ quên quá lâu? Hồng y Veuillot ở Paris có lần nói: "Tất cả phải tinh tuyền, sạch, sạch, sạch. Cái ta cần là cuộc cách mạng tâm linh thực sự."
Vị chủ chiên xác nhận là chúng ta quá quan liêu. Tôi không đòi hỏi Kitô hữu phải thành một nhà thần bí trong tương lai. Chúng ta vẫn luôn luôn yếu đuối, nên Kitô giáo bị chết ngộp, nếu chúng ta không biết lắng đọng tâm tư để cho đức tin đi sâu vào cái sâu thẳm của cuộc sống của mỗi chúng ta, nâng đỡ và soi sáng ta. Hành động và giải quyết thuần lý chưa đủ, phải tìm về cái gì đơn giản nhất, về với nội tâm và về với con đường dẫn tới thực sự nhiệm mầu vượt ra bên ngoài và bên trên lý trí thường nghiệm (rational empiricism) (trang 279).
Seewald cho rằng quy hướng tâm linh phải chăng cũng có nghĩa là tìm lại đức tin đơn sơ phù hợp với những yếu tố nền tảng của Kitô giáo? Tác giả nhìn nhận Kinh Thánh được viết cho mỗi người, là quà tặng cho những tâm hồn mộc mạc. Nhưng thần học với những kiến thức sâu rộng sẽ không phải vì thế trở nên vô bổ. Không những thế, thần học rất cần thiết cho những đối thoại văn hóa thế giới. Tuy nhiên, thần học không được phép làm mờ khía cạnh hết sức đơn giản của đức tin, một đức tin đặt ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng đã giáng sinh làm người nên ở gần bên tôi.
Seewald nhớ lại có lần vị chủ chiên đòi hỏi tình thế và hoàn cảnh hiện nay cần những tân thánh nhân, biết nương tựa vào chính sức mạnh tiềm ẩn của đức tin mà khám phá kho tàng đức tin. Tác giả nhấn mạnh rằng điều ta cần thực sự là các Kitô hữu "tỉnh thức trong đáy hồn sâu thẳm," sống với Kitô giáo như nguồn hạnh phúc và hy vọng, qua đó họ trở thành ngọn lửa của tình yêu và vì thế ta gọi họ là thánh nhân thời đại.
Trước tình trạng thiếu hụt trầm trọng về khả năng nhận thức và khả năng giải quyết những vấn đề của thời đại, con người đang cần những cố vấn đáng tin cậy. Tác giả tin tưởng rằng Giáo hội có thể cung cấp những giải đáp cho thế giới, khi thế giới mất định hướng. Hình ảnh muối cho đời, ánh sáng cho thế gian từ Kinh Thánh là ám chỉ vai trò của Giáo hội... Giáo hội phải thoát ra ngoài tính chất phàm tục của trần thế để đi vào ánh sáng nhiệm mầu của Thiên Chúa và giữ cho lối thoát này phóng khoáng, rộng mở để gió mát tuôn vào thế gian.
Được hỏi Giáo hội có nên tăng cường tiếng nói chống lại quyền lực và chống lại các chế độ độc tài hiện nay? Tác giả cho rằng Giáo hội cần tỏ ra can trường trong vai trò đối lập ngôn sứ, tức giáo quyền ở mọi cấp đều phải có can đảm phản kháng, đồng thời các Kitô hữu phải cùng nhau hiểu rằng chính họ là lực lượng phản kháng trong nhiều trường hợp.
LỊCH SỬ THẬT CỦA THẾ GIỚI
Seewald nhắc lại: Tông Thư "Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến" gửi các giám mục, linh mục và tín hữu về sự chuẩn bị các đề tài cho năm 2000 như "Sự chín mùi của thời gian", nghĩa là thời sau chót. Khởi đầu từ sự giáng thế của Chúa Kitô, thời gian của Giáo hội sẽ kéo dài đến khi Chúa trở lại lần thứ hai. Các Giáo phụ chia lịch sử thành sáu giai đoạn và lịch sử nhân loại giờ đây đã bước vào giai đoạn thứ sáu, tức giai đoạn tối hậu. Mỗi gian đoạn là 1000 năm và lịch sử đi vào giai đoạn quyết định và kết thúc với sự xuất hiện của Đức Kitô. Giai đoạn kết cuộc này không chỉ có sự huỷ diệt, nhưng còn là sự hoàn tất viên mãn, đem đến cho lịch sử trọn vẹn ý nghĩa cứu chuộc của Thiên Chúa.
Giáo hội gọi năm 2000 là năm "Hồng ân của Thiên Chúa," ta sẽ lãnh nhận đặc ân chăng? Năm Toàn xá phải được dùng để tạo công bằng xã hội, phải là năm tha tội và hình phạt cho tất cả những lỗi lầm... Giáo hội không thể bước qua "ngưỡng cửa ngàn năm mới" mà không kêu gọi con cái thanh tẩy, qua sám hối?
Vị chủ chiên cho rằng chương trình này là một nỗ lực duy nhất để ta trở lại với tiềm thức thâm sâu, để thấu hiểu và diện kiến được chân lý tiềm ẩn trong đó. Cứ 49 năm, tức 7x7 năm thì lại bắt đầu chu kỳ của lịch sử.
Để kết luận cuộc hội thoại kỳ thú và đầy ý nghĩa giữa người hỏi là Peter Seewald và Hồng y Ratzinger, người trả lời, đây là câu hỏi chót, thực chất của lịch sử thế giới là gì? Chúa thực sự muốn gì nơi con người? Có lần ngài phát biểu: "Đặc-điểm của lịch-sử là sự giằng-co giữa tình yêu và với những con người đã đánh mất tình yêu thương, hay đó là sự giằng co giữa tình yêu thương và những kẻ đã cằn-cỗi tâm-hồn... Khi tình yêu thương bị huỷ diệt hay vắng bóng trong cuộc sống, thì cuộc sống chỉ còn là sự chán chường chết người. Nếu những kẻ đã nắm vận mệnh của lịch sử lại là những con người mà tâm hồn họ đã trở nên cằn cỗi, khi chúng chiến thắng, con người và cả thế giới sẽ bị huỷ-diệt" (trang 294).
Tác giả giải thích lịch sử theo quan điểm của Thánh An Tịnh - đó là lịch sử được trình bầy như một cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia, giữa hai cộng đồng công dân. Goethe nhìn lịch sử với cái nhìn tổng quát giữa người có đức tin và không có đức tin, hay lịch sử là cuộc chiến giữa hai loại tình yêu: yêu Chúa để hy sinh chính mình và yêu mình để chối bỏ Thiên Chúa. Lịch sử như một bi kịch về cuộc chiến giữa hai thứ tình yêu đó.
Vậy Chúa muốn gì nơi chúng ta? Tác giả giải thích: Chúa muốn chúng ta trở thành những con người biết yêu thương, và chỉ như vậy mới trở nên giống Thiên Chúa. Như Thánh Gioan đã nói: "Thiên Chúa là tình yêu." Chúa muốn con cái giống Thiên Chúa trong yêu thương tự do, gắn bó với Ngài và như thế có thể tỏa ra ánh sáng - đây là thứ ánh sáng của Thiên Chúa, qua Chúa Thánh Linh, bừng sáng dậy trong tâm con người,lúc đó con người sẽ trở thành muối cho đời.
Phải chăng "Muối cho đời" của đương kim Giáo chủ Biển Đức XVI muốn tất cả những con người thời đại tự giải phóng chính mình, nếu họ không hèn nhát chạy trốn sự thật, bởi vì Như Đức Kitô đã nói: "Sự thật sẽ giải phóng anh em" ?