LUYỆN NGỤC LẦN ĐẦU TIÊN CON MỞ MẮT CHO TRỌN

LUYỆN NGỤC LẦN ĐẦU TIÊN CON MỞ MẮT CHO TRỌN

Bạn hãy tưởng tượng, khi bạn sinh ra cho đến khi lớn lên, bạn chưa từng thấy ánh sáng hay màu sắc.  Rồi với khoa học kỳ diệu, các bác sĩ chữa cho bạn được thấy.  Bạn cảm nhận điều gì ngay lập tức khi bạn mở mắt ra?  Kinh ngạc?  Hoang mang?  Say sưa?  Đau đớn?  Hay là tổng hợp các cảm xúc khó tả này?
Bây giờ thì chúng ta biết câu trả lời này.  Loại giải phẫu này đã được thực hiện và chúng ta đã được nghe một vài phản ứng của các bệnh nhân khi họ được mở mắt và được thấy ánh sáng, màu sắc lần đầu tiên trong đời.  Những cảm giác của họ lúc đó sẽ làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên.  Tôi đưa ra đây lời của J.Z Young, một chuyên gia trong ngành chức năng não bộ mô tả như sau:
“Khi được mở mắt, bệnh nhân chỉ rất ít hoặc hoàn toàn không vui thú gì, thật vậy, họ đối diện với cảm nghiệm đầu tiên này trong đau đớn.  Trước mắt họ chỉ là một đống hỗn độn ánh sáng và màu sắc quay vòng vòng.  Rõ ràng là với thị giác, họ gần như không thể cầm nắm đồ vật, nhận diện và gọi tên chúng.  Họ không có khái niệm về không gian và vật thể, cho dù họ đã biết và xác định được tất cả mọi vật này bằng xúc giác.   Có thể bạn sẽ nói: “Tất nhiên, họ phải mất chút thì giờ để học cách nhận biết chúng bằng thị giác.”  Nhưng cái thì giờ đó không phải là một chút, mà là rất dài, có khi mất cả hàng nhiều năm.  Bộ não của họ không được huấn luyện để tuân theo nguyên lý của thị giác.  Chúng ta không ý thức được là có những nguyên lý như vậy, chúng ta nghĩ, chúng ta thấy, chúng ta nói là chuyện tự nhiên.  Nhưng sự thật là suốt thời thơ ấu, chúng ta đã được học một loạt những nguyên lý như vậy.” (Xem: Emilie Griffin, Souls in Full Flight, p. 143-144)
Có lẽ những gì tôi vừa nói ở trên sẽ cho chúng ta một hình ảnh hữu ích tương đương với luyện ngục của Đạo Công giáo La Mã.  Có thể nào chúng ta hiểu được luyện ngục chúng ta chịu sau khi chết theo cách này hay không, cụ thể là xem luyện ngục như việc mở mắt và mở lòng chúng ta với ánh sáng và tình yêu quá toàn vẹn khiến chúng ta phải tái tiếp thu và tái nhận thức trong đau đớn hệt như người được chữa sáng ở trên, hay không?  Luyện ngục chính là lúc chúng ta được Thiên Chúa ôm trọn và trong hơi ấm cùng ánh sáng của Ngài, tất cả những khái niệm trần tục về tình yêu và hiểu biết của chúng ta trở nên quá tầm thường bé nhỏ, hệt như người mù bẩm sinh được mở mắt nhìn đời, chúng ta phải đau đớn đấu tranh trong ánh sáng quá đỗi huyền diệu đó để đập tan đến tận nền móng và xây dựng lại một cách sống động toàn bộ lối suy nghĩ và yêu thương của chúng ta, có thể hiểu như vậy hay không?  Liệu có thể hiểu luyện ngục không phải là sự thiếu vắng Thiên Chúa hay một dạng trừng phạt và trả nợ cho tội chúng ta phạm, mà là những gì xảy đến khi chúng ta được ôm trọn say sưa trong vòng tay Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu trọn hảo và Chân lý toàn vẹn, hay không?
Quả thật, có phải là ba nhân đức đối thần, tin, cậy, mến, đã cố để đưa chúng ta đến đời sống như thế hay sao?  Có phải đức tin là một nhận thức vượt trên những gì chúng ta có thể xác định được hay không?  Có phải đức cậy là neo giữ chúng ta vào một sự vượt ngoài những gì chúng ta có thể tự mình điều khiển và bảo đảm hay không?  Và chẳng phải đức mến là vươn mình ra ngoài những gì vốn nâng đỡ chúng ta hay không?
Khi mô tả về thân phận con người trên trần thế, thánh Phaolô đã nói rằng, ở đây, trong đời này, chúng ta chỉ nhìn thấy “qua một tấm gương mờ tối” nhưng ở đời sau, chúng ta sẽ được thấy “mặt đối mặt.”  Khi mô tả tình trạng trần thế hiện thời của chúng ta, rõ ràng ngài đã nhấn mạnh một sự mù tối nhất định, một bóng đêm thời còn phôi thai, và sự bất lực không thể thực sự nhìn thấy mọi vật như chính bản chất thực của chúng.  Và một điểm quan trọng nữa phải lưu ý đó là những lời trên, ngài đã nói trong văn cảnh muốn chỉ cho chúng ta rằng ngay trong đời này, đức tin, đức cậy, đức mến giúp chúng ta dần dần khai mở khởi tấm mạng mù tối đó.
Dĩ nhiên chỉ có những nghi vấn, gây bối rối cho cả Tin Lành lẫn Công giáo.  Nhiều người Tin Lành và phái Phúc Âm bác bỏ hoàn toàn khái niệm luyện ngục, vì theo Kinh Thánh thì chỉ có hai nơi bất diệt là thiên đàng và địa ngục.  Ngược lại, nhiều người Công giáo La Mã lại thấy không ổn khi người ta không nhìn nhận luyện ngục là một nơi hay một tình trạng tách biệt với thiên đàng.  Nhưng khi nhận thức luyện ngục như một cách mở ra toàn vẹn cho đôi mắt và tâm hồn, đến đỗi làm cho chúng ta tái nhận thức vạn vật trong đau đớn, khi đó chúng ta có thể có được một khái niệm dễ chấp nhận hơn đối với cả Tin Lành và phái Phúc Âm, đồng thời cũng giúp thay đổi quan điểm phần nào sai lầm về luyện ngục của các tín hữu Công giáo La Mã.  Luyện ngục thực sự chỉ có được nhờ tình yêu, vì chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được vòng tay ôm trọn thực sự của tình yêu, lúc đó chúng ta mới nhận ra được tội lỗi của mình, và lần đầu tiên trong đời, dấn mình vào trong năng quyền để thắng vượt khỏi tội lỗi đó. Duy chỉ ánh sáng mới xua tan bóng đêm và chỉ có tình yêu mới xóa bỏ tội lỗi.

Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux đã cầu nguyện như thế này: “Xin hãy phạt con bằng một nụ hôn!”  Chỉ có vòng tay ôm trọn của tình yêu hoàn hảo mới là luyện ngục đích thực của tội lỗi, vì chỉ khi được nằm trọn trong tình yêu, chúng ta mới thực sự nhận thức được tội của mình, và chỉ khi đó chúng ta mới có được khát mong, năng thị, và sức mạnh để sống trong tình yêu và chân lý.  Nhưng khi thả mình vào trong tình yêu và ánh sáng đó, thì luôn luôn, chúng ta sẽ cảm nhận được cùng lúc say mê và hoang mang, ngây ngất và rối bời, thần kỳ và tận khổ, hân hoan và đau đớn.  Thật vậy, chính đó mới là luyện ngục.
Rev. Ron Rolheiser, OMI