1
NƯỚC MẶN, CẢNG THỊ VÀ TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO
1. THIÊN NHIÊN MỘT VÙNG ĐẤT :
“Mãn vui Hương Thủy Ngự Bình,
Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng kinh đô,
Bình Định không đồng khô cỏ cháy.
Năm dòng sông chảy,
Sáu dãy non cao,
Biển Đông sóng vỗ dạt dào,
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.”
Những lời mộc mạc ấy của người học trò xứ ‘nẫu’ ngỏ lời với người học trò sông
Hương núi Ngự đã giới thiệu được khái quát thủy thổ của tỉnh Bình Định. Tỉnh Bình Định có
bờ biển dài trên 100 km. Từ Nam ra Bắc có nhiều dòng sông lớn nhỏ với dòng nước trong
xanh ngoằn ngoèo uốn lượn trong đất Bình Định trước khi ra biển cả hòa mình với đại
dương. Năm dòng sông lớn cắt ngang địa hình Bình Định theo hướng Tây – Đông : Sông Hà
Thanh, Sông Côn, Sông La Tinh, Sông Lại Giang, Sông Tam Quan. Năm dòng sông nầy
trước khi chảy ra biển quần tụ thành những đầm vịnh, cửa biển, tạo điều kiện thuận lợi cho
việc giao lưu từ vùng biển vào đồng bằng, lên miền núi và ngược lại. Sông Hà Thanh và
Sông Côn vào đầm Thị Nại ra cửa biển Thị Nại. Sông La Tinh vào đầm Đề Gi 1
ra cửa biển
Đề Gi. Sông Lại Giang chảy ra cửa biển An Giũ 2
. Sông Tam Quan chảy ra cửa biển Kim
Bồng.
2. CẢNG THỊ NƯỚC MẶN :
Ngoài năm dòng sông chính ấy còn có những phụ lưu song song hoặc giao nhau với
các tỉnh lộ, huyện lộ. Dọc theo các điểm bờ sông giao nhau với đường bộ và tại các cửa biển,
các cụm dân cư đã được hình thành. Các làng nghề, các cảng thị sông biển cũng sớm ra đời
cùng với các cụm cư dân. Trong số các cảng thị được hình thành tại Bình Định, Nước Mặn là
một cảng thị sầm uất được hình thành bên bờ sông Hà Bạc, một chi nhánh của sông Côn.
Cha Borri, một trong các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Nước Mặn đã viết : “ Chúng
tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai
dặm và rộng tới một dặm rưỡi ”.
3
Cha Borri không nói đến cảnh buôn bán ở Nước Mặn
nhưng đã cho thấy sự rộng lớn của cảng thị nầy.
1 Đầm Đề Gi còn gọi là đầm Đạm Thủy hay đầm Nước Ngọt, nằm trong hai huyện Phù Mỹ và huyện Phù cát.
2 Cửa An Giũ còn gọi là cửa An Dụ hay cửa Tà Phù. Thuộc huyện Hoài Nhơn.
3 CRISTOPHORO BORRI, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, nxb. Tp. HCM
1998, tr. 99.