Trọng kính Đức Hồng y, Tôi tớ Chúa,
Chúa nhật ngày 16.09.2012, người Công giáo chúng con kỷ niệm 10 năm ngày Thiên Chúa gọi Cha ra khỏi thế gian. Trong những ngày này, những Thánh Lễ được dâng khắp thế giới để tưởng niệm. Phần con, con xin suy niệm về Cha như một Mục Tử của niềm Hy Vọng.
1. Hy vọng cho Giáo phận Huế. Cha nhận sứ nhiệm Mục Tử, một Đức Kitô thứ hai, bởi sự đặt tay truyền Chức Thánh Linh mục của Đức cha Jean Baptiste Urrutia (Thi) M.E.P, Giám mục tông tòa Huế, ngày 11.06.1953, tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam. Cha là niềm hy vọng cho Giáo hội địa phương trong tiến trình thay thế các Linh mục người Pháp đang lần lượt hồi hương.
Nhiệm sở đầu tiên của Cha là Phó xứ Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình), một giáo xứ quan trọng của Giáo phận, phụ giúp Cha Đôminicô Hoàng Văn Tâm để phục vụ giáo dân. Cha Sở đã dành nhiều thời giờ để hướng dẫn Cha về sứ vụ mục tử, tình hình giáo xứ… Nhưng, một tháng sau, Cha Sở thấy sức khỏe Cha yếu dần mà Cha vẫn cố gắng, cho đến khi Cha ho ra máu. Bác sĩ khám thấy Cha có triệu chứng bệnh lao. Tháng 12.1953, Cha nhập Bệnh viện Saint Paul (Sàigòn) và, sau đó, vào được điều trị tại Quân y viện Pháp Grall. Các bác sĩ Pháp nói với Cha họ có phương tiện để giải phẩu, nhưng Cha không thể hồi phục như trước. Cha cám ơn ‘tin tốt’ đó và tiếp tục cầu nguyện và chờ xe đưa vào phòng mổ… Một bác sĩ đề nghị chụp x-ray phổi trước khi gây mê. Kết quả cho thấy ‘khỏi giải phẩu vì không còn thấy dấu bệnh lao ở cả hai phổi’. Phép lạ ?
Trở về Huế, Cha được cử làm Cha Phó cho Cha Richard Barbon (Triết) tại Giáo xứ Phanxicô Xavie, với nhiệm vụ chuyển Giáo xứ này gồm người Pháp sang cho người Việt, khi quân nhân và công chức Pháp hồi hương vì Pháp trả độc lập cho Việt-Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Ngô đình Diệm. Đồng thời, Cha còn được cử kiêm nhiệm Tuyên úy Trường Bình Linh, Bệnh viện trung ương Huế và Lao xá Thừa Thiên.
Năm 1956, Cha được gởi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbania và tốt nghiệp ưu hạng Tiến sĩ Giáo luật với luận án : ‘Studium comparativum de organisatione capellanorum militum in mondo’.
2. Hy vọng cho Giáo hội Quê Nhà. Trở về Giáo phận nhà, Đức cha Urrutia nói với Cha rằng Người gởi Cha đi Rôma với chủ đích : ‘Giáo hội Việt Nam cần nhiều Mục tử mới, và Cha sẽ là một trong những Vị đó. Đừng khiêm nhượng… Cha phải chuẩn bị để lãnh đạo. Do đó, Cha cần phải hành động, cầu nguyện… và cộng tác với Giám mục của mình. Bước đầu, Cha sẽ dạy tại Tiểu Chủng viện Phú Xuân trong một thời gian. Trong tương lai, có thể tiên đoán Cha sẽ trở thành Bề trên nơi đó.
Ngày 13.04.1967, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang khi 39 tuổi, tiếp sứ vụ Đức cha Paul Raymond Piquet, MEP. Ngày 24.06.1967, Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, Cha thụ phong Thánh Chức Đức cha bởi Đức Tổng Giám mục Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam, Lào và Campuchia, chủ phong với hai Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn kim Điền và Gioan Baotixita Urrutia phụ phong. Thánh Lễ tấn phong đã được cử hành trang nghiêm tại khuôn viên Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, Cha đã chọn khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes), tên Hiến chế Mục vụ của Công Đồng Vatican II. Ngày 10.07.1967, Cha đã nhận nhiệm vụ Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Chọn ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ Cha không chỉ nói lên niềm tin yêu, hy vọng của Cha đối với Mẹ Giáo hội mà còn cho thấy tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, hoà bình, vị tha và hướng thượng, đã được diễn tả trong suốt cuộc đời sứ vụ mục tử của Cha. Cha luôn có niềm vui và hy vọng trong mọi chuyện xảy ra đến Cha, nhưng cũng vì Cha muốn nói lên rằng: Cha thấy giáo huấn của Vatican II chứng tỏ Giáo hội đang trên đường tiến về một sự Đoàn Kết tối hậu, đó chính là vui mừng và hy vọng cho toàn thể nhân loại.
Noi gương Đức Kitô, Cha sống niềm hy vọng trong mọi hoàn cảnh. Khi làm Giám mục ở Nha Trang với những thành công rực rỡ. Khi đến Sài Gòn không được làm việc gì. Những ngày cô đơn đen tối trong trại cải tạo. Những lúc mệt mỏi vì chiến đấu với cơn bệnh hiểm nghèo. Khi vinh quang lên đến tuyệt đỉnh. Khi bị hiểu lầm vu oan. Không lúc nào Cha đánh mất niềm hy vọng.
Noi gương Đức Kitô, Cha đi gieo niềm hy vọng khắp nơi. Đi đến đâu Cha gieo niềm hy vọng đến đó. Gặp ai Cha truyền niềm hy vọng cho người ấy. Chứa chan niềm hy vọng nên Cha luôn tỏa ra niềm vui, niềm lạc quan yêu đời và làm cho bầu khí chung quanh Cha luôn vui tươi đáng mến. Trong phòng biệt giam, Cha vẫn nghĩ ra chuyện vui. Trên giường bệnh, Cha vẫn kể chuyện vui cho mọi người cười thỏa thích. Không hoàn cảnh nào có thể ngăn cản Cha tung gieo niềm hy vọng.
Noi gương Đức Kitô, Cha đem niềm hy vọng đến cho mọi người. Cha dễ dàng đón nhận người thân cũng như người xa lạ. Cha sẵn sàng cộng tác với người đồng ý cũng như những người bất đồng ý kiến. Cha yêu thương bạn hữu cũng như những người thù ghét Cha. Cha làm cho những bạn tù và cả cai tù cũng có cảm tình. Tất cả những ai sống gần Cha đều được cảm hóa. Vì ở bên Cha, mọi người thấy phẩm giá mình được tôn trọng, khả năng con người được phát huy.
(Đây là những ý tưởng xin mượn của Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt trong bài giảng ngày 16.09.2005)
Thi hành sứ nhiệm Giám mục, Cha đã viết những Thư luân lưu có giá trị vượt thời gian và không gian cho mọi người công giáo Việt-Nam.
a./ Ngày 19.03.1968, Lễ kính Thánh Giuse, Cha đã khẩn thiết kêu gọi qua Thư luân lưu đầu tiên ‘Tỉnh Thức và Cầu Nguyện’ :
- Tỉnh thức để nhận định, để hành động với trí óc, với sức lực của chúng ta: ‘Là công dân của nước Trời, người công giáo không quên mình cũng là công dân của nước trần thế. Phải quan tâm về cộng đồng chánh trị. Thái độ thoái thác, ỷ lại, dửng dưng ích kỷ trong giai đoạn nầy là đắc tội với Chúa và Tổ Quốc. Bức thông cáo Hội Đồng Giám Mục trong dịp Tết dể nhắc anh chị em điều đó.’
- Cầu nguyện để có Ơn Chúa giúp ta tự cứu thoát.
Chúa muốn cho ta thấy lời cầu nguyện qua trọng chừng nào và lịch sử Hội Thánh cũng chứng minh điều ấy:
- Hội Thánh sinh ra bởi lời cầu nguyện,
- Hội Thánh thắng thù địch bằng lời cầu nguyện,
- Hội Thánh sống nhờ lời cầu nguyện.
b./ Nhân dịp Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ 11.10.2012 đến 24.11.2013, đây là cơ hội tốt để nhắc lại Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An Bình’, được Cha ban hành năm 1969 là năm Cha tuyên bố Năm Đức Tin của Giáo phận. Đó là đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công giáo :
« … Tỉnh thức trong bổn phận công dân, vì lúc này hơn bao giờ cả, người Công giáo phải theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II, phải bỏ quan niệm chia đôi đời sống xã hội mà Công Đồng cho là sự sai lầm tai hại nhất của thời đại ta.
Tôi đã kêu gọi anh em cầu nguyện, chính vì thiếu cầu nguyện mà Giáo Sĩ, Tu Sĩ, Giáo Dân ngày nay gặp bao nhiêu khủng hoảng, bao nhiêu khó khăn. Thiếu cầu nguyện ta không biết chính bản thân ta nữa, ta sống ta phản ứng theo tinh thần thế tục… »
Trong phần ‘Tiến Lên Trong An Bình’, Cha xác định: « Người Công giáo yêu chuộng Hòa bình, nhưng người Công giáo không yêu chuộng Hòa Bình cách thơ ngây, quá lạc quan. Người Công giáo rất thận trọng. Hòa bình theo quan niệm Công giáo:
- Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.
- Hòa bình không phải là thế quân bình giữa hai lực lượng đối lập.
- Hòa bình chân chính không phải là Hòa bình chiến lược.
- Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại.
- Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái. »
c./ Nhân ngày Quốc tế Hòa bình 01.01.1970, Cha đã công bố Thư luân lưu ‘Công Lý và Hòa Bình’ với lời mở đầu:
« Công lý và Hòa bình là hai danh từ mà anh chị em đều cảm thấy cao đẹp mọi dân tộc đều khao khát.
Công lý và Hòa bình là hai danh từ mà mấy tháng nay đã khiến cho nhiều người bỡ ngỡ, vì nó đưa ra một đường lối mới, nó trình bày một chủ trương, một cơ cấu mà anh chị em chưa quen thuộc.
Để đáp lại thiện chí của anh chị em mong muốn hiểu biết rõ ràng hầu cùng ưu tư, cùng khắc khoải, cùng cầu nguyện và hành động với Hội Thánh, tôi xin nhắc lại đây: con đường tiến của Hội Thánh trong lịch sử, nguyện vọng của Cộng Đồng Vatican II, sự thành hình, mục đích và hoạt động của Công lý và Hòa bình. »
d./ Vượt ranh giới Giáo phận và biên cương Tổ Quốc, Cha đã thuyết trình đề tài ‘Các vấn đề chánh trị tại Á châu và những giải pháp liên hệ’ tại Hội nghị Giám mục Á châu họp ở Manila (Phi luật tân), ngày 24.11.1970. Trong đó, Cha lưu ý cử tọa: « Á châu là một lục địa vừa rộng lớn nhất vừa đông dân cư nhất trên thế giới. Những vấn đề nhiều biến tính và phức tạp của Á châu cũng là những vấn đề của toàn thể nhân loại. »
Thưa Cha, đây có phải là sự quan phòng của Thiên Chúa để chuẩn bị cho Cha, vị Mục tử người Việt, trong chức vụ tương lai tại Giáo triều Rôma ?
3. Hy vọng trong thử thách. Ngày 24.04.1975, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị.
Thưa Cha, Cha quyết định đi vào Sàigòn, noi gương Đức Kitô đã phải đi Giêrusalem, dù Cha có thể tiên đoán những gì mình sẽ phải gặp tại đó như Cha viết trong ‘Năm chiếc bánh và hai con cá’ : « Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Đức Phaolô VI bổ nhiệm… Đêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Đức Thánh Cha. Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… »
Từ ngày 08.05.1975, nhóm 14 Linh mục do Trương bá Cần và Huỳnh công Minh đứng đầu đã gởi một kiến nghị đến Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình bày tỏ mối quan tâm lo ngại về việc thuyên chuyển Cha về Sài-gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo hội tại Việt-Nam.
Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản cùng các Linh mục và giáo dân tự nhận là ‘Công giáo yêu nước’. Đối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Cha đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha. Cha cũng bác bỏ lời cáo gian có âm mưu nói trên.
Chiều 15.08.1975, Ủy ban Quân quản mở cuộc họp tại Nhà hát Thành phố để cáo buộc ‘sau lưng’ Cha. Khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ được mời buộc phải nghe. Ủy ban muốn ngừa tránh mọi phản ứng của người dân đối với vụ bắt Cha.
Trước đó, Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Cha được đưa đến Dinh Độc Lập lúc 14 giờ. Tại đó, khi đi qua hành lang để đến phòng họp, Đức cha Bình đi trước, Cha đi sau. Lúc đó, một tên công an chận Cha lại và nói: ‘Anh đi lối này’, rồi lôi Cha đi mất luôn. Khoảng 30 phút sau, chỉ thấy tướng Trà nói chuyện vu vơ, Đức cha Bình hỏi : - Thưa Thượng Tướng, còn chuyện gì cần nữa không?
Tướng Trà trả lời:
- Thôi! Cụ ra về được rồi.
- Đức cha phó của tôi đâu mời ngài cùng về.
- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Đình Diệm, chúng nó chống Cách Mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.
Sau đó, Cha bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Cha bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Cha ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Cha hãy trở về với điều cốt yếu.
Ngày 21.11.1988, Cha được rời nhà tù nhưng và bị quản chế tại Hà Nội. Trong thời gian 13 năm tù không bản án, bắt chước Thánh Phaolô, Cha đã viết thư cho các giáo đoàn về kinh nghiệm sống Đức Tin, Mục vụ, Tu đức. Đó là ba tập sách: ‘Đường hy vọng’ (1975), ‘Đường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Cộng Đồng Vatican II’ (1979) và ‘Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng’ (1980).
Năm 1989, các Giám mục Quê hương hy vọng trao cho Cha trách vụ Chủ tịch hay Tổng thư ký Hội đồng Giám mục trong kỳ Đại hội thường niên dự trù diễn ra vào cuối năm. Tuy nhiên, lúc đó, Cha bệnh nặng phải đưa vào điều trị tại Sài-Gòn. Bộ Nội vụ gởi ông Nguyễn tư Hà vào bệnh viện gặp Cha và yêu cầu Cha từ chối bất cứ chức vụ nào. Cha trả lời Cha không kiểm soát sự chỉ định của Hội đồng và nếu được cử, Cha không thể từ chối. Ông Hà đã đến phiên họp của các Giám mục và thông báo rằng chánh phủ không muốn thấy Cha được bầu vào một chức vụ nào trong Hội đồng. Khi Hội đồng Giám mục nhóm Đại hội, Cha phải chịu giải phẫu, nên không thể đến họp và các Giám mục không bầu cho Cha được.
Thưa Cha, tối ngày 12.09.1998, tại Strasbourg, trong lúc nói chuyện thân mật với vài anh em Phong trào Giáo dân hải ngoại chúng con, Cha có nói khi có lời mời của một Hội đồng Giám mục thì Cha không thể từ chối để trả lời việc chúng con mời Cha nói chuyện với Giới trẻ tại Đại học Hè năm sau. Điều đó, cho phép con suy luận là Hội đồng Giám mục một quốc gia rất được tôn trọng bởi Giáo triều và ‘đáng ngại’ tại các nước có chế độ độc tài.
4. Hy vọng khi phục vụ tại Giáo Triều. Năm 1989, Cha được phép qua Roma chữa bệnh. Nhà nước Việt-Nam đã không cho Cha trở lại Quê Hương, sau khi các chế độ cộng sản tại các quốc gia Đông Âu lần lượt tan rả.
Ngày 09.04.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức Cha làm Phó chủ tịch Hội đồng giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình. Tiếp đến, ngày 24.06.1998, Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, tiếp nối Đức Hồng Y Roger Etchegaray.
Trong Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 đến 18.03.2000, Cha đã giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và các thành viên Giáo Triều Rôma. Những bài giảng của Cha được in thành sách ‘Chứng nhân Hy vọng’. Con đã mời nhiều chủng sinh và tu sĩ đọc sách này. Các vị này đều cho con biết là họ chú trọng nhất là ‘Bài suy niệm thứ 5 : Chọn Thiên Chúa chứ không phải những việc của Thiên Chúa’.
Nền tảng đời sống Kitô : « Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẩn uất nổi lên trong tôi.
Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: ‘Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì ngươi đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo… đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!’
Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi một niềm an bình mới mẻ làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu đuối của con người mình, nhưng tôi luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh. Nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an.
Chọn Chúa, chứ không phải chọn những công việc của Chúa. Đó chính là nền tảng đời sống Kitô trong mọi thời đại. Và đồng thời đó cũng là câu trả lời đích thực nhất cho thế giới ngày nay. Đó cũng là con đường để thực hiện những dự định của Chúa Cha đối với chúng ta, đối với Giáo Hội và nhân loại ngày nay. »
Phần con, con xin lưu ý đến : ‘Bài suy niệm thứ 1 : Gia phả Đức Kitô’ : « Thánh sử Tin Mừng Marco mở đầu chứng từ về Đức Giêsu Con Thiên Chúa với những lời sau đây: ‘Gia phả Đức Giêsu Kitô, Con Vua Đavít, Con của Abraham…’ (Mt 1,1).
Chọn gia phả này làm đề tài cho bài suy niệm dẫn nhập chắc gây nhiều ngạc nhiên.
Khi đọc đoạn Tin Mừng này trong phụng vụ, nhiều khi chúng ta cảm thấy hơi khó chịu. Có người trong chúng ta coi việc đọc một đoạn văn như vậy thật vô nghĩa, cứ lập đi lập lại cách nhàm chán. Có kẻ đọc vội vã, khiến cho các tín hữu chẳng hiểu gì; lại có người cắt ngắn, bỏ đi một số đoạn.
Đối với chúng tôi, những người Á châu, đặc biệt là đối với tôi là một người Việt Nam, việc tưởng nhớ các tiền nhân có một giá trị lớn lao. Theo văn hóa Việt Nam, trong niềm hiếu kính, chúng tôi vẫn giữ một cuốn gia phả của gia tộc trên bàn thờ trong gia đình. Chính tôi cũng biết đọc tên của 15 thế hệ các tổ tiên của tôi, từ năm 1698, khi gia tộc tôi được lãnh nhận Phép Thánh Tẩy. Qua gia phả, chúng ta thấy rằng mình thuộc về một lịch sử rộng lớn hơn. Và chúng ta ý thức rõ hơn ý nghĩa lịch sử của mình. »
Thưa Cha, qua 15 thế hệ các tổ tiên của Cha, con xác tín đã có không ít những Đấng đã chọn cái chết để chứng minh Đức Tin ‘chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa’ và biết bao Vị đã suốt đời phục vụ cho Quê hương và Dân Tộc Việt Nam.
Cha không những là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô hữu mà còn là một công dân nhiệt thành yêu Tổ Quốc được thể hiện qua lời Cha đã căn dặn chúng con:
… Là người Công giáo Việt Nam
Con phải yêu Tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con…
5. Hy vọng cho tương lai. Những tin tức thời sự về kinh tế, chánh trị, xã hội và tôn giáo Việt Nam thật đáng quan ngại còn hơn những điều mà Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phổ biến trong bản ‘Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay’ ngày 15.05.2012.
Cha đã dạy : « Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương. Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: ‘Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn’...Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: ‘Chính các con hãy cho họ ăn đi’ (Lc 9, 1). Trên thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: ‘Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi’. Chúa Giêsu đáp: ‘Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng’ (Lc 23, 42-43). Trong tiếng ‘hôm nay’ của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài ».
Hy vọng mọi người trong chúng con ý thức Sự Thật đó vì Chúa dạy ‘Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông’ (Gioan 8 :32).
Hà Minh Thảo