Ba Mươi Hai Năm Ấy Bây Giờ Là Đây

Đúng ra, câu thơ trong Truyện Kiều là “Mười lăm năm ấy bây giờ là đây” kể chuyện nàng Kiều lúc mãn kiếp đoạn trường đã trở về sum họp với gia đình và người tình Kim Trọng. Nhưng Nguyễn đã tăng lên “ba mươi hai năm”, vì thời gian lưu lạc của chàng hơn gấp đôi của Kiều. Ba mươi hai năm, chao ôi, một nửa đời người, mà nợ ly hương còn mãi đeo đẳng! Thực vậy, từ trại tỵ nạn Bataan, Philippines, Nguyễn đến Mỹ ngày 28/1/1985, sau tám năm tù cải tạo ngoài Bắc, nửa năm tù vượt biên trong Nam, bảy ngày đêm bão tố hãi hùng trên đại dương, và gần một năm chờ đợi tại đảo. Không gia đình, không tiền bạc, không hành lý, không giấy tờ. Không tương lai. Chỉ một quá khứ trĩu nặng đau thương mang theo.

1. Salem, làm sao quên

Salem. Trong một apartment thuê của người em, tên Nguyễn Kim Hồng, lớn lên ở Mỹ từ 1976. Nhân viên xã hội lúc bấy giờ là chị Trần Thu Thủy, vui vẻ, sốt sắng, giúp đỡ Nguyễn nhiệt tình. Một tháng trời, nằm nhà xem Ti vi, để luyện tiếng Anh. Nằm chán, chàng ra siêu thị Safeway gần đó, chỉ để ngắm nhìn thiên hạ, không mua sắm gì vì không có một đồng dính túi. Rồi phải ghi danh học lớp ESL bắt buộc cho dân tỵ nạn, không cần biết trình độ học vấn trước đây ở quê nhà ra sao. Hồng chở chàng đến trường Chemeketa để gặp người phụ trách, một cựu trung tá phi công F5 VNCH. Trên bàn làm việc, thấy trưng bày nhiều giấy khen viết bằng tiếng Mỹ và, đặc biệt, một lá cờ vàng ba sọc đỏ. Anh nói, anh có bằng BA và sắp sửa theo học MA. Trong lòng, Nguyễn thấy khâm phục anh vô cùng, về cái lý lịch nhà binh nặng ký, thái độ niềm nở, bằng cấp đầy mình tại Mỹ, và nhất là tinh thần quốc gia cao độ. Sau nửa giờ nói chuyện, cả ba người quên bẵng lý do chàng đến gặp anh hôm đó: xin học ESL. Năm năm sau, Nguyễn tốt nghiệp tiến sĩ, tình cờ được gặp lại anh tạiPortland, nhưng thấy chàng, anh ta lờ đi, làm như không biết chàng là ai, và Nguyễn cũng không nhắc.

Một hôm bị đau, Nguyễn được Hồng chở đến bệnh viện Salem. Ông bác sĩ Mỹ rất vui tính. Xong việc, ông hỏi một câu làm quà: “Tương lai anh muốn làm gì tại Mỹ?” Với một thứ tiếng Anh hổ lốn –học từ trường Pháp, từ các cố vấn và lính Mỹ trong chiến tranh, và từ những người Phi đủ hạng ở các trại tỵ nạn, nghĩa là đầy accent, không giống ai– chàng thành thật trả lời: “Tôi muốn dạy Pháp văn trở lại”. Ông phá ra cười, ngạo mạn: “Nhưng đến cả tiếng Anh anh cũng không nói được” (But you can’t even speak English). Mặt chàng đỏ bừng: “Ông nói dối, vì ông hiểu được những gì tôi nói mà. Năm năm nữa tôi sẽ trở lại gặp ông như một giáo sư, cho ông coi”, chàng xẵng giọng đáp, cương ẩu, bước ra khỏi phòng, không chào, không bắt tay.

Trên xe về nhà, Nguyễn thấy đầu lùng bùng. Có thể ông bác sĩ đã vô tình hoặc trực tính. Có thể ông nói không sai: tiếng Anh của chàng, tuy không tệ quá, nhưng muốn làm giáo sư tại Mỹ phải chăng đó là một hoang tưởng? Nhiều ngày sau, tiếng cười của ông còn rát bên tai. Từ đó, bỗng lóe lên ý nghĩ đi học lại. Hồng và vợ, Bích Phượng, can ngăn mãi: “Trễ quá rồi anh, thôi ráng kiếm việc gì làm bậy bạ, sống qua ngày. Già rồi, học sao vô, lại còn tiền học nữa, quá đắt, lấy đâu?” Chàng đành im lặng, ngồi nghe và suy nghĩ lung lắm.

2. Portland, những tháng ngày bầm dập

Vợ chồng Hồng còn son trẻ, đối xử rất đường hoàng. Nhưng chàng tự thấy bất tiện nếu cứ ăn dầm nằm dề trong apartment nhỏ, đầy riêng tư của hai em. Sực nhớ câu châm ngôn Latin thời Trung cổ: “Post tres saepe dies vilescit piscis et hospes”, có nghĩa, thường sau ba ngày, cá và khách đều ươn. Huống chi “cá chàng” đã ở gần một tháng. Cộng thêm tiếng cười chế nhạo của ông bác sĩ. Phải ra đi thôi. Lên Portland, tìm cơ hội lập thân.

Chàng gọi điện thoại cho Đại úy Phạm Văn Tải –một chỉ huy cũ rất chịu chơi của chàng từ Ban Mê Thuột đến Kontum đến Nha Trang, quảng giao, tốt với mọi người– để xin tá túc vài bữa. Ông sốt sắng: “Được chứ. Cứ lên ở với tớ, bao lâu cũng được.” Lúc ấy, ông sống trong một apartment thuê, đường Prescott, với Lu, đứa con trai nhỏ, bây giờ đi tu và làm linh mục dòng Tên. Bà Tải và những người con khác chưa qua đoàn tụ. Chỉ có một phòng với chiếc giường lớn cho hai cha con. Chàng ngủ trên sofa, ngoài phòng khách, như tại nhà Hồng. Tải làm việc cho USCC (US Catholic Charities), trong khuôn viên nhà thờ La Vang. Cuối tuần, ông thường đến các nhà quen dự tiệc, và chở chàng theo ăn ké. Còn cho mượn $800 tiền mặt để mua chiếc Audi đời thượng cổ, trên 200 ngàn miles, của bà sơ Miền, chạy cũng OK, nhưng tiếng nổ lớn quá, phun khói mù trời, bị rớt hoài DEQ và bị cảnh sát hai lần chận phạt.

Để kiếm tiền độ nhật, chàng theo xe bus hái dâu, đến vài vùng quê khá xa. Mỗi ngày, nhận tối đa chưa tới $20, trong khi đa số lãnh gần cả trăm. Chàng hái chậm, lại hay đứng lên để đấm lưng, uống bia, tán dóc. Các bà, các cô, toàn là dân tỵ nạn mới định cư, ngồi bệt trên luống dâu, hái bằng cả hai tay nhanh thoăn thoắt, thoáng chốc đã đầy khay, làm không biết mệt. Mặc dù gần đó có phòng vệ sinh, vài bà, hay cô, để tiết kiệm thì giờ, ngồi sụp xuống các luống, lén vén quần tè ngay tại chỗ –ai cũng thấy, nhưng ai cũng giả đui. Trong đám hái dâu, có ba thanh niên mà chàng quen thân tại trại Palawan, nay đều trở thành linh mục, Đặng Kim Hoàng, Nguyễn Cửu và Nguyễn Văn Luận, “lao động” kiểu amateur giống chàng làm ít, nghỉ giải lao nhiều, tiền lãnh cũng không được bao nhiêu. Đặng Kim Hoàng đã từ trần, cách đây hai năm, tại nhà dòng Biên Đức Mount Angel, sau một thời gian bị bạo bệnh, khi tuổi đời còn quá trẻ.

Mùa dâu kết thúc, bốn chàng ngự lâm pháo thủ Palawan xoay được công việc khiêng thùng tại warehouse của một anh Tàu Móm gốc Chợ Lớn, khu North. Suốt ngày phải di chuyển vào nhà kho rộng thênh thang, và xếp gọn, những thùng hàng đồ chơi và gia dụng linh tinh, không nặng lắm, nhưng rất nhiều, nhập từ Hồng Kông. Anh Tàu phát cho mỗi người $15 một ngày, kèm thêm một hamburger và một ly coke, không đủ no. Công việc tạm ổn định. Được một tháng thì hết hàng nhập. Bèn thất nghiệp. Nguyễn giã từ ba ông cha tương lai, để từ đó đường ai nấy đi, hồn ai nấy giữ. Mười chín năm sau, 2004, Đặng Kim Hoàng và Nguyễn Văn Luận là hai linh mục đồng tế, cùng với cha chánh xứ La Vang Phạm Văn Ninh, cho thánh lễ hôn phối của vợ chồng chàng.

Mấy hôm sau, Tải kiếm đâu cho chàng được cái job tại một nhà hàng Mỹ, khu NE, lương $6 một giờ, từ 11PM đến 3AM, vị chi là $24, trả cash ngay tại chỗ, mỗi đêm. Lúc này, chàng có xe và bằng lái, nên đi đứng có phần dễ dàng. Chàng được giao một núi chén đĩa, thanh toán xong đã mất hai tiếng. Tên quản lý Mỹ đưa thêm một cái chảo to tổ bố, đen ngòm những mỡ, hành và thịt cháy. Hì hục cạo, chùi gần một tiếng nữa, tưởng sạch, nhưng hắn lắc đầu, lấy ngón tay quẹt vào những chỗ còn bám mỡ, bắt rửa lại. Về đến nhà đã hơn ba giờ sáng, quá giấc ngủ, trằn trọc mãi. Làm thêm một tuần nữa, chịu hết nổi, chàng bỏ luôn.

Nguyễn xin phép Tải được share tiền thuê phòng, ông gạt đi và nói: “Không có cậu, tớ cũng phải trả như vậy thôi!” Thỉnh thoảng ông chở chàng đến văn phòng USCC chơi. Tại đây, lần đầu chàng gặp Dương Xuân Kính, tức Paul Dương, cựu SVSQ khóa 2 trường Đại Học CTCT Đà Lạt, đến Mỹ từ 1975 (và đã mất cách đây hai năm, trước cha Hoàng hai tháng). Khi biết chàng là sĩ quan của trường, từ khóa 4, Kính tỏ vẻ mến trọng, và nhiều lần đến đón đi ăn trưa tại tiệm Yên Hà. Sau đó, chở chàng đến họp tại tư gia với anh em Hội Ái Hữu Cựu SVSQ/ĐH/CTCT/ĐL, lúc bấy giờ chỉ có năm người, đều khóa 2, nghĩa là chưa hề biết chàng tại VN. Lần đầu gặp gỡ, được anh em tiếp đãi chí tình, chàng cảm động muốn rơi nước mắt. Chàng bắt đầu viết bài cho tờ Ức Trai của Hội.

Kính cũng giới thiệu chàng với người anh vợ, là Linh Mục Cao Đăng Minh, giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á và Chánh xứ La Vang, mà chàng nghe mọi người ca ngợi –rất đúng, như sau này chàng công nhận– đã tích cực giúp đỡ đồng bào, Cộng đồng và có tinh thần quốc gia, chống Cộng cao. Ông không nhận ra chàng. Nhưng chàng nhớ rõ ông, vì một lần tình cờ đã gặp, bắt tay ông tại phòng khách Dòng Chúa Cứu Thế, đường Duy Tân, Nha Trang, khi chở thân phụ, là ông Câu (chủ tịch Hội đồng Giáo xứ) họ đạo Vĩnh Phước, đến gặp Cha Bề Trên có việc. Lúc ấy, ông gầy xanh, dáng vẻ thư sinh, và nói năng dễ thương. Giờ này, sau bao nhiêu năm, ông không nhớ chàng là ai, cũng dễ hiểu thôi, nhưng ít ra còn lịch sự trao đổi vài câu xã giao. Khác với một tên bạn, lúc đó được xem là một nhân vật tai mắt mũi họng của giáo xứ La Vang, nhưng cùng khóa Thủ Đức, cùng đại đội, cùng trung đội, cùng bị phạt hít đất tập thể vẹo cả mông. Gặp hắn bất thần ở sân nhà thờ, chàng hí hửng chào trước. Hắn nhìn chàng lạnh lùng, nhún vai, lắc đầu, bỏ đi, không thèm nói nửa lời, làm chàng quê độ, muốn chửi thề một phát. Nhưng rồi chàng tự an ủi, hay là hắn không nhớ ra mình?
Sau hơn hai tháng, Nguyễn tính chuyện ra đi. Gặp lúc Tải mãn hợp đồng thuê nhà, hai cha con mướn một phòng khác, rẻ và chật hơn. Còn chàng được Kính xin anh chị Vũ Văn Khúc cho thuê cáibasement dưới nhà, đường Siskiyou. Nghe ai xúi dại, chàng nạp đơn xin welfare. Ăn trợ cấp thì phải theo học lớp tìm việc, ba lần một tuần, tại IRCO (International Refugee Center of Oregon). “Tai nạn” xảy ra từ lúc đó. Quả vậy, lãnh được một tháng lương welfare, tổng cộng chưa tới $100, thì chàng trốn học. Một ả người An Nam Mít, không biết chức vụ gì, còn trẻ, tướng mạo sạch sẽ, nhưng “cực kỳ” hắc ám, mặt mũi lúc nào trông cũng khó đăm đăm như bị táo bón kinh niên, hoặc kinh kỳ trồi sụt, hành chàng tận tình. Luôn luôn chiếu tướng chàng. Một lần ả đề nghị chàng đi lau cửa kính trên nhữngbuilding cao ngất ở khu North. Chàng từ chối, viện cớ mắt kém, và chân yếu, rủi trượt chân té què giò, vô duyên. Biết chàng có ý đi học lại, ả gọi chị Khúc, dò hỏi tin tức về chàng và thời khóa biểu hàng ngày, đi đâu, làm gì, gặp ai… Nghe chị kể lại, chàng điên tiết vì hành động sặc mùi Công An phường này, bèn gửi đơn xuống Salem xin điều trần (hearing) về việc bị xách nhiễu, dọa cúp trợ cấp, dù chàng biết rõ, muốn ăn trợ cấp thì phải đi làm công việc do IRCO chỉ định.

Buổi điều trần diễn ra tại Sở welfare, có thu băng, biên bản, với sự hiện diện của ả và một mợ case worker sồn sồn Mỹ, cũng “táo bón” không kém, và ba ông nhân viên Mỹ từ Salem lên, vẻ mặt, ngược lại, trông từ tốn, phúc hậu. Giận hai mợ, chàng từ chối thông dịch viên Việt Nam của Sở, và mang theo cô bạn Mỹ mới quen tên Robin, rất giỏi Pháp ngữ. Suốt buổi, chàng chỉ nói tiếng Pháp, Robin dịch ra tiếng Anh, và ngược lại. Biết điều này, Kính khoái quá, cười bảo: “Chưa từng có trường hợp nào như ông. Bắt một em Mỹ thông dịch cho ông, ông chơi cha thiên hạ rồi còn gì!” Một vị đại diệnSalem, rất lịch sự, tuyên bố kết quả: “Chúng tôi thông cảm ước vọng muốn đi học lại của ông, đó là điều tốt. Nhưng luật là luật, ông phải đi làm mới được lãnh trợ cấp”. Chàng biết trước, nên không hề thất vọng, buồn phiền. Kiện cho bõ tức thôi. Chàng thua, hai mợ hả hê lắm. Mất tiền trợ cấp ngay sau buổi điều trần.

Tuy nhiên, cũng tại IRCO, Nguyễn may mắn được gặp người phụ trách chương trình Xã Hội, hướng dẫn các tân tỵ nạn viên về nếp sống tại Mỹ, sự khác biệt giữa hai nền văn hóa… Một bữa, anh vào lớp, phong thái ung dung, khiêm tốn, pha một chút lãng tử bất cần đời, và nói, đại ý: “Xin chào quý bạn. Tôi là Trịnh Đình Bội, cựu Thiếu tá thuộc Tổng Cục CTCT, cùng cảnh ngộ tỵ nạn. […] IRCO có nhiệm vụ giúp quý bạn sớm hội nhập vào đời sống mới, giúp tìm việc làm bằng cách mở lớp học này. Nhưng đó chỉ là thủ tục, nguyên tắc, bởi nếu quý bạn tự tìm được việc làm, tự biết về đời sống Mỹ rồi thì khỏi đến lớp…” Tuyên bố xong, anh giải tán lớp học. Nguyễn chịu lắm. Một tháng sau, Kính có việc gặp Giám đốc IRCO, Nady Tan, người Căm Bốt, và rủ chàng cùng đi cho vui. Nói chuyện với Nady bằng Pháp ngữ, chàng kể về kỷ niệm thời gian chàng phục vụ phái đoàn Liên Lạc Quân Sự tại Phnom Penh, về Sirik Matak, về cô bạn Soriya. Một lúc nào đó, chàng nhắc đến và khen ngợi “Monsieur Bội”. Nady bèn nói: “Ông Bội đã giúp đỡ thân chủ IRCO rất nhiều. Ông đã tốt nghiệp Báo Chí tại Indiana, Hoa Kỳ, vào năm 1969”.

Mối giao tình giữa Bội và chàng được mở ra từ lúc đó, gián đoạn gần mười năm khi chàng rời Portland, và được nối tiếp sau thời gian trở lại, mỗi ngày bền chặt hơn qua những buổi mạn đàm về chính trị, thời sự, nhất là văn chương. Dần dần anh trở thành một trong những người bạn thân quý nhất của chàng. Trong mỗi vấn đề, anh có cái nhìn bén nhậy, ý kiến chính xác, xây dựng, tích cực và sâu sắc không ngờ. Anh còn là một nhà thơ, ký tên Ngọc Bội, với những bài thơ trữ tình, đặc biệt Đường thi, đầy nét vừa cổ kính vừa tân lãng mạn, biểu lộ lòng yêu nước nồng nàn, chống Cộng nhẹ nhàng mà quyết liệt, hồn thơ lai láng, vần điệu phân minh, niêm luật nghiêm chỉnh mà không gò bó, đọc lên nghe tự nhiên như không.



3. Portland State University (PSU), gắn lại mảnh đời vỡ vụn

Chị Khúc cho Nguyễn ở và ăn cơm tối chung với gia đình chị, lấy giá quá rẻ, rất tượng trưng. Coi như cho không. Anh chị lại rất đạo đức, tối nào cũng cho con xuống “mời bác lên nhà đọc kinh”. Sau này, nhớ ân tình cũ, chàng nhờ chị làm mẹ đỡ đầu cho Loan, vợ chàng, trong ngày rửa tội.
Kẹt tiền, chàng đến tiệm Yên Hà xin lau sàn và rửa bát ban đêm, chỉ mong đủ trả tiền phòng, và cà phê sáng, ăn trưa. Cùng lúc, qua đề nghị của Kính, cha Minh cho chàng hành nghề “lăn tay, chụp hình”, điền thẻ xanh và quốc tịch cho đồng hương, thay bà sơ Miền, để lượm bạc cắc, trong hai ngày cuối tuần, dưới basement nhà thờ. Cái job ấy được giữ suốt thời gian chàng học tại PSU, cho đến khi xuống Eugene độ nửa năm thì bị bà sơ Miền tìm cớ “tịch thu” lại.

Hè 1985, mối ám ảnh đi học lại chìm sâu trong đáy tiềm thức từ mấy tháng, một ngày chợt trỗi dậy. Chàng nhờ Kính chở đến PSU, một buổi sáng vắng người, để lo việc ghi danh. Tìm Foreign Languages Department. Gõ đại cửa Văn Phòng Cố Vấn Sinh Viên Thiểu Số, gặp một mợ Việt Kiều cỡ tuổi hồi xuân, có cái tên rất đầm, tốt nghiệp BA Pháp văn mấy năm trước, mợ tự giới thiệu. Mợ múa tay chỉ hai đứa đến building này, đi lên lầu kia, quẹo qua nơi nọ. Không muốn tốn giờ chờ thang máy, cả hai chạy lên chạy xuống đủ mấy tầng lầu, long hết đầu gối, mà chẳng tìm ra, có lẽ mợ (cố tình)chỉ sai chỗ. Cho chừa cái tật nghèo mà ham… học. Trở lại gặp mợ. Lần này, mợ liếc nhìn chàng từ đầu đến chân, rồi lắc đầu, nghiêm nghị bảo, nguyên văn: “Học Pháp văn khó lắm, anh theo không nổi đâu. Tôi đây mà còn mất mấy năm trời, trầy vi tróc vảy”. Hai chàng ngao ngán, nhìn nhau, lại xuống phòng ghi danh.

Tại đây, chàng khai đã có Cử Nhân Pháp văn và dạy học ở Việt Nam, sắp trình Cao Học thì mất nước, nhưng vượt biên không mang theo giấy tờ. Chàng xin học lại BA, cho an toàn. Cô thư ký, tên Robandt, rất tử tế, bảo chàng về nhà làm và nộp một bảng affidavit, kê rõ những năm và môn học. Cô cũng đề nghị chàng đi gặp trưởng Ban Pháp văn, Claudine Fisher, người Pháp chính cống. Nói chuyện với bà bằng Pháp ngữ trong mười lăm phút. Hai tuần sau, có kết quả, không ngờ: chàng không được học BA. Mà phải MA. Từ đó Claudine là giáo sư của chàng, nay trở thành người bạn lớn thân thiết, đã nghỉ hưu, có thời làm Lãnh sự Pháp tại Portland, và nhân chứng trong lễ hôn phối của vợ chồng chàng. Một mùa hè, trong một chuyến Âu du, Nguyễn đến Bordeaux, ghé chơi mười ngày tại nhà Claudine và bà cụ thân mẫu –là văn sĩ có hạng, trên 80 tuổi vẫn còn viết truyện cho thiếu nhi– ở làng Castillonnès.

Hôm sau, Kính chở chàng đến US Bank, mượn student loan, do anh ký giấy đứng tên chung. Sau này, chàng mới biết, thời nào cũng vậy, không dễ gì tìm một người chịu co-sign cho mình về tài chánh, anh em còn sợ, còn lừa gạt nhau, huống chi bạn bè mới quen. Phải có tấm lòng nhân ái, tin người lắm Kính mới sẵn sàng, vô điều kiện, ký cho chàng, một “kẻ xa lạ” trên răng dưới giày garage sale. Chàng mang ơn Kính cả đời. Món nợ nhà băng ấy chàng đã trả hết trong hai năm, từ sau ngày ra trường, đi dạy Đại học. Nhưng món nợ tinh thần biết bao giờ mới trả xong? Cũng như đối với Tải, tiền nợ mua xe chàng đã trả góp đầy đủ, nửa năm sau đó, nhưng ơn nghĩa đã “cưu mang” chàng những ngày còn hàn vi tại Mỹ, làm sao quên được?

Nguyễn nhập học Fall 85, sau chín tháng đặt chân tới Mỹ. Không trở ngại về môn Pháp văn. Chàng học chung lớp Education với Tou Meksavanh, cô người Lào dễ thương, một hiệu trưởng tương lai của Khu Học Chánh Portland, mà bây giờ vẫn là bạn thân. Vì nôn nóng ra trường, chàng dồn hết 45 tín chỉ (credit) vào một niên học, gồm 15 tín chỉ bắt buộc cho ba lớp Education, giảng bằng Anh ngữ, khó hơn –mà các giáo sư cho phép chàng đem máy vào lớp thâu băng, về nhà nghe lại. Spring 86, sau khi viết xong hai tiểu luận (thesis) về Ngữ Học và về Văn Chương Pháp, chàng được nhận bằng MAT (MA in Teaching) với straight A, giấy khen “học xuất sắc” của trường, và lời ca ngợi trên báo Mỹ. Phần Nguyễn rất vui mừng được trút gánh nặng trong chặng đầu của cuộc hành trình làm lại cuộc đời từ con số không, nhờ các quý nhân phù trợ –mà Thượng Đế gửi đến, như đã an bài từ trước.
Có bằng rồi, chàng muốn đi dạy ngay, để kiếm tiền. Claudine và Kính khuyên, sẵn trớn nên học Ph.D luôn. PSU không có chương trình Tiến sĩ Pháp văn. Phải xuống University of Oregon (UO),Eugene, học tiếp. Chàng nộp đơn, và một ngày hè 1986, Kính chở chàng xuống Eugene, cách Portland hai giờ lái xe, gặp giáo sư Françoise Calin, cũng người Pháp, Trưởng Khoa Romance Languages. Chàng được nhận học miễn phí, với điều kiện buổi sáng phải dạy hai lớp Pháp văn, có lương, và buổi chiều đi học.

4. University of Oregon (UO), những mùa thu cô liêu

Eugene là một thị trấn nhỏ mà mọi sinh hoạt quy tụ vào trung tâm náo nhiệt duy nhất, trường UO. Fall 86, chàng đến trường trình diện để dạy và học. Như một công chức thứ thiệt, sáng sớm lái ô (tô) đi, tối mịt lái ô về. Về, chỉ để ngả lưng trên chiếc couch tróc cả nệm, trước đây đã chịu trận dưới bao nhiêu bàn tọa đủ cỡ, trong một phòng trọ bình dân. Ăn sáng, trưa, chiều ở cafeteria trường. Cô đơn đến rợn người, nhất là những đêm mưa rả rích ngoài hiên. Bồ bịch không có. Anh em, bạn bè mỗi người một nẻo. Mẹ già, em gái còn bên trời cũ. Không một bóng người Việt. Nhưng có lẽ nhờ không vướng bận gia đình và sinh kế chàng mới có thể chú tâm vào việc học, chứ tự thấy chẳng tài giỏi hơn ai. Những lúc mệt mỏi, chán chường, muốn bỏ cuộc thì tiếng cười nhạo của ông bác sĩ Salem lại réo bên tai, thúc giục chàng đứng lên, tiếp tục. Bạn học trong Romance Languages (tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Roumanie) đến từ các nước Âu Châu và Nam Mỹ, Pháp nhiều nhất, ai cũng vui vẻ, trong số có vài người thân thiết từ hồi PSU, như Marie-Claire. Hai lớp chàng dạy đông sinh viên, đa số là Mỹ, một số người Á đông, Trung đông, không có Việt Nam. Françoise bắt tụi chàng giảng và nói tiếng Pháp cho “sinh viên nghe quen”. Mỗi chiều thứ sáu, học xong lớp cuối, chàng phóng xe đi Portland, ghé đâu đó nhậu với bạn bè, và được ba chị em Yên Hà (Mai, Tâm, Yến) mời về nhà nghỉ.

Chương trình học gồm bắt buộc 45 tín chỉ, một sinh ngữ Romance thứ hai, hoặc cổ ngữ Latin, và một luận án, thời hạn tối thiểu bốn năm. Nguyễn học xong các tín chỉ chỉ sau hơn một niên học, cũng straight A, như tại PSU. Vì xong sớm quá, phải làm đơn xin châm chước để được bắt đầu viết luận án, thay vì ngồi chờ cho đến hết năm thứ ba, như qui định. Hè 1988, chàng được PSU, qua Claudine, mời dạy một lớp Văn chương Pháp cho sinh viên BA, như một giáo sư thỉnh giảng, lương hậu. Hè 1989, được học bổng Gilbert Chinard, Institut Français de Washington, đi Paris, và Grenoble, quê hương của Stendhal (tác giả mà chàng chọn viết cho luận án), để sinh hoạt với Stendhal Club, viếng thăm ngôi nhà cũ và nghiên cứu những bản văn viết tay của văn sĩ. Đồng thời, tu nghiệp ba tháng Sư phạm tại Đại Học Grenoble, tức Stendhal III, ăn ở ngay trong cư xá trường. Dư thời gian, chàng chuẩn bị luận án rất kỹ, tìm tài liệu đầy đủ cũng như soạn dàn bài tỉ mỉ. Trên nguyên tắc, tất cả luận án phải viết bằng tiếng Anh. Chàng lại phải làm đơn, lần này, cũng như các bạn đồng môn Pháp, xin phép được viết bằng Pháp ngữ.

Cứ xong mỗi 50 trang luận án chàng phải nộp cho bà giáo sư bảo trợ còn trẻ tên Evelyn xem, mới được viết tiếp. Bà là người Mỹ, tiến sĩ Pháp từ Stanford mới đến UO nhậm chức, rất khó chịu về văn phong “mới” của chàng với những câu đôi khi chỉ có ba, bốn chữ, mà bà cho là sai văn phạm và bắt phải có đầy đủ chủ từ, động từ, túc từ như trong câu tiếng Anh. Lúc ấy, chàng “khổ” lắm, nhưng không có sự chọn lựa, vì các giáo sư kỳ cựu, nghĩa là dễ dãi hơn, trong French Section, không nhận bảo trợ thêm sinh viên. Sau này, trước khi đưa luận án cho giáo sư Victor del Litto, Hội trưởng Stendhal Club, xem và in, chàng đã phải sửa lại hết cho đúng lối văn Tây.
Vừa xong 250 trang thì nghỉ hè. Chàng trả phòng, chất hết đồ đạc lên xe, đi Portland, và được gia đình Yên Hà mời đến ở free dướibasement, rất mát mẻ và yên tĩnh, để đánh máy tiếp. Buổi trưa chàng kiếm gì ăn qua loa, buổi tối chị Mai đem cơm hộp từ tiệm về cho. Ngày tháng trôi đi, khá êm đềm, như dòng sông nhỏ. Ba tháng sau, trở lại Eugene, luận án, có tựa La prison dans l’œuvre romanesque de Stendhal (Tù ngục trong tiểu thuyết của Stendhal), hoàn tất, dày 500 trang. Sửa chữa xong, đưa hết cho bà bảo trợ. Bà hiệu đính mấy điểm, bắt bẻ vài điều, rồi đồng ý cho trình vào đầu Fall 90. Buổi trình luận án diễn ra trước Ban Giám Khảo gồm năm giáo sư trong và ngoài Khoa, và rất đông sinh viên. Kính cũng có mặt. Chàng đậu với lời khen của Ban Giám Khảo. Hết học, nhưng phải ở lại UO dạy cho xong niên khóa.


5. Cheney, còn buồn nào hơn

Đậu tiến sĩ rồi, sau năm năm định cư tại Mỹ, Nguyễn thấy hả hê, và tự ái thỏa mãn vì đã xây lại cuộc đời bầm dập thành đẹp hơn mơ ước. Rồi ngày vui qua mau. Dần dần, chàng nghiệm ra rằng bằng tiến sĩ, ngoài giá trị cao nhất, không thể phủ nhận, của học vấn và kiến thức về một bộ môn, cũng chỉ là một phương tiện, hay điều kiện, mưu sinh cần thiết trong một xã hội đặt nặng nhu cầu thực tiễn, và nói theo kiểu bình dân, là “cái cần câu cơm”. Chưa kể, chàng nghĩ thêm, bằng tiến sĩ Romance Languages (Pháp và Latin) của chàng có thể chỉ là một danh hư, vì đối với người Mỹ ưa chuộng thực dụng, phát minh và sáng chế được những điều hữu ích cho con người mới xứng đáng được đời xưng tụng. Kìa như Bill Gates, hay Steve Jobs, là những nhân tài mà cả thế giới mang ơn, ngưỡng mộ, nhưng không có bằng cấp cao, vì bỏ học ngang.

Dù vậy, trước khi tốt nghiệp, theo truyền thống, Nguyễn đã gửi đơn xin dạy tại các trường đại học trên toàn quốc đã loan báo có chỗ trống (rất ít, trên dưới một trăm, so với tổng số mấy ngàn trường, vì những ông bà giáo sư già cổ thụ cứ ôm chặt cái job, không chịu nhả ra, để về hưu, cho lớp trẻ nhờ) và được Lewis and Clark College, Portland, OR và Eastern Washington University (EWU), Cheney, WA, chọn phỏng vấn chung kết và nhận dạy. Được thế là may lắm rồi, bởi vì nhiều khi các đại học Mỹ đều có ứng cử viên “nằm vùng” sẵn trong trường, người ngoài khó lọt vào, có nghĩa, thông báo cho toàn quốc, phỏng vấn chỉ là thủ tục bắt buộc bởi luật pháp. Suy nghĩ mãi, chàng chọn Cheney, miền đất lạ.

Cuối hè 1991, trên đường đi nhận nhiệm sở, ngang Salem, chàng ghé bệnh viện, xin gặp ông bác sĩ cũ. Ông không nhận ra ai. Lúc này, tiếng Anh của chàng lưu loát và đúng giọng hơn, và tuổi cao hơn. Chàng kể lại chuyện xưa và tiếng cười mà chàng cho là nhạo báng của ông sáu năm trước. Ông từ từ nhớ lại, và bảo “sorry tôi đã vô ý gây buồn phiền cho anh”. Chàng đưa ông xem bằng Ph.D và lá thư trường EWU “mời” dạy. Ông bắt tay chàng, thành thật chúc mừng. Tự nhiên bao nhiêu bực tức, cay đắng dồn nén bấy lâu bỗng tan thành mây khói. Lòng lắng xuống, chàng xúc động nói: “Không, tôi ghé đây để thăm ông, và nhắc chuyện cũ cũng chỉ để cám ơn ông đã vì câu nói, tiếng cười vô tình khuyến khích tôi đi học lại và mới được có ngày hôm nay.” Hai người ôm hug nhau, cùng cười vang.
Chàng ở lại Portland hai bữa để từ giã ân nhân, bạn bè. Phải mất gần một ngày mới đến Spokane bởi không quen đường, lạc vàifreeway. Nghỉ khỏe, hai hôm sau mới tới “làng đại học” Cheney, buồn hắt hiu, cách thành phố Spokane 15 dặm. Vào trường trình diện và được chỉ định mỗi ngày dạy hai lớp Pháp văn và một lớp Latin. Ai cũng niềm nở, trừ Trưởng khoa Modern Languages, xếp trực tiếp của chàng, Mỹ da trắng, nhưng cổ đỏ (red neck, kỳ thị), rất lạnh nhạt. Một bố già đồng nghiệp, gốc Hòa Lan, lắm chuyện, rỉ tai mách rằng, trưởng khoa là người duy nhất đã bỏ phiếu không mướn chàng trong lần phỏng vấn chung kết: “Anh ta ghét người Việt Nam, vì có người em tử trận tại Việt Nam”. Điều này chính gã, không hiểu sao, cũng nói thẳng thừng với chàng khi lần đầu chàng đến chào xã giao tại văn phòng. Chàng nói: “Tôi sorry về cái chết của em ông. Nhưng đó không phải lỗi của chúng tôi, và ông nên nhớ, chiến tranh Việt Nam không do Miền Nam gây ra, mà chính Tổng thống John Kennedy của các ông đã muốn đưa quân Mỹ vào Việt Nam tham chiến trực tiếp, và bị Tổng thống Diệm của chúng tôi chống đối, Kennedy đã ra lệnh giết ông, để tha hồ đưa cả trăm ngàn quân Mỹ, trong số có em ông, vào Việt Nam”. Nguyễn tức lắm, và tiếc không biết trước, nếu biết, chàng đã mang theo máy thâu băng cuộc nói chuyện, để sau này trưng ra làm bằng chứng tố gã về tội kỳ thị.
Chàng đề phòng gã từ đó. Dạy chăm chỉ và cẩn thận để tránh sai sót. Tự nhủ: “Chưa chi mà đã gặp rắc rối!”. Sang năm thứ hai, cuối Winter 92, rắc rối xảy ra thật. Số là một hôm, gã vào văn phòng chàng, chìa ra tờ phiếu điểm cuối term của một lớp Pháp văn, trong đó chàng đã cho một nam sinh viên một con F to tướng. Chàng giải thích, sinh viên này không bao giờ vào lớp, và bỏ trống bài test. Gã nói: “Nhưng anh nên biết anh ta là cầu thủ football của trường, và mỗi năm đội bóng đem về cho trường cả triệu đô. Anh liệu có thể sửa lại điểm F thành C được không?” Dĩ nhiên, Nguyễn có thể làm theo yêu cầu, dễ dàng, mà chả ai biết. Nhưng bất thần sực nhớ lại việc gã bỏ phiếu chống chàng và tuyên bố ghét người Việt Nam, chàng dứt khoát từ chối –điều mà bây giờ chàng vẫn tự hỏi mình đã làm đúng không, về mặt chính trị, hiểu theo nghĩa rộng: “Sorry, tôi không sửa, chàng nói. Nếu ông muốn sửa, ông có thể tự tay sửa lấy trước mặt tôi, và ký tên ông vào!” Biết trên đời không ai có cái quyền ấy, ngoài chàng, gã đứng lên, giận dữ bỏ đi, đóng sầm cửa. Sau đó chơi đòn thù: phê điểm chàng rất xấu, nào là bắt sinh viên học quá mức, quá khó, không đúng đường lối của trường, nào là thiên vị, không quan tâm đến những sinh viên học kém… Gã cẩn thận dùng chữ “cảm nhận” (perception, I have the perception that...), để khỏi nêu ra bằng chứng cụ thể. Mặc dù thế, chiến tranh lạnh đã bắt đầu, mà Nguyễn biết “kẻ thắng cuộc” sẽ không phải là chàng.

6. Paris, thà một phút huy hoàng

Cũng trong thời gian này, chàng được Rotary Club khu hội Antony, mà Hội trưởng là bạn của Claudine, mời đến Paris, mùa hè 1991, thuyết trình về “Tù ngục tại Việt Nam”. Rồi ngày 21-22 tháng 3, 1992, nhân cuộc hội thảo tưởng niệm năm thứ 150 ngày mất của Stendhal, và nhờ luận án về văn sĩ này, chàng được Mairie de Paris và Stendhal Club mời, và chàng xin nghỉ dạy một tuần, qua Paris, như đại diện duy nhất giáo sư đại học Mỹ, để thuyết trình cùng với 23 giáo sư trên thế giới, gồm vài nhà văn, giáo sư nổi tiếng Sorbonne Michel Crouzet và ông hàn lâm Jacques Laurent. Buổi hội thảo được đặt dưới sự chủ tọa của Tổng thống François Mitterrand. Chàng được ông bắt tay, khen ngợi và thăm hỏi ân cần. Bài thuyết trình của chàng được in thành sách, bên cạnh bài của những giáo sư khác, bày bán tại Paris. Nếu vinh dự có thật, thì đây mới là vinh dự bất ngờ, được xem như tột đỉnh của đời chàng –một tù nhân cải tạo, đã hốt phân trong tù, một thuyền nhân, một tỵ nạn viên mà cuộc đời ngày nào còn phủ đầy bất hạnh. Vinh dự hơn cả ngày được nhận bằng tiến sĩ. Luận án của chàng được nhà xuất bản Droz, Genève nhận in, do Stendhal Club giới thiệu. Thà một phút huy hoàng… như trong thơ Xuân Diệu, sau bao nhiêu tăm tối, khổ lụy, ê chề, cay đắng, kể từ ngày nước mất nhà tan, 30/4/1975.

Trở về Cheney sau buổi hội thảo Paris, chàng dạy tiếp cho đến hết niên học 1992, dưới ánh mắt dòm ngó khó chịu của gã Trưởng khoa hắc ám. Mặc dù có sự ủng hộ và thương mến của sinh viên, rất hãnh diện về sự thành công của chàng tại Paris, Nguyễn nộp đơn từ chức. Để đi tìm một mảnh không gian khoáng đãng và thân thiện hơn.

Portland, 3/6/2017
Kim Thanh