HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA 2014
PHẦN I: Kim Tự Tháp – Núi Sinai
Tôi đi hành hương Thánh Địa lần thứ hai, được thăm viếng quê hương của Chúa Giêsu, Đấng tôi yêu mến và hằng rao giảng về Người. Đến lần nữa để cầu nguyện và chiêm ngắm, để tìm tòi và cảm nghiệm, để biết thêm những nơi chưa đến. Thánh Địa vẫn luôn luôn là điểm tựa cho lòng tin, nơi gặp gỡ của những anh em tín hữu cũng như không tín hữu, để cùng tìm ra Nguồn Sáng cho cuộc đời.
Hình ảnh
Thánh Địa, miền đất mà Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn lên, rao giảng Tin Mừng rồi Tử Nạn và Phục Sinh; một Đức Giêsu lịch sử, đã làm người và sống tại đất nước Do Thái. Đặt tay lên tảng đá nơi Đức Mẹ quỳ gối đáp lời “Xin vâng”, quỳ cầu nguyện trước tảng đá mà Chúa Giêsu đã quỳ cầu nguyện trước cuộc khổ nạn, hôn kính tảng đá nơi đặt xác Chúa Giêsu hạ xuống từ thập giá…và bao nhiêu địa danh khác gắn với cuộc đời Đấng Cứu Thế, thật đáng yêu đáng kính và đáng nhớ.
Lm Giuse Nguyễn Đức Quang, Chánh xứ Nghĩa Hòa – Hạt Trưởng Hạt Chí Hòa – Giáo Phận Sài Gòn, tổ chức chuyến hành hương Thánh Địa “Bước theo Chân Chúa Giêsu” với lộ trình: Cairô – Sinai – Bethlehem – Giêrusalem – Giêricô – Nazareth - Galilêa – Haifa – Amman – Petra, từ ngày 06/05/2014 đến ngày 20/05/2014.
Công ty du lịch KLP (Khang Long Phúc) Sài Gòn đồng hành chuyến hành hương này. Đoàn chúng tôi có 38 thành viên, gồm 9 linh mục và 29 giáo dân từ nhiều giáo xứ thuộc Giáo phận Sài gòn, Phan thiết.
Từ Tân Sơn Nhất đến Sân bay quốc tế Doha hơn 7 giờ bay. Sau khi nghỉ ngơi tại khách sạn của sân bay, chúng tôi tiếp tục hành trình thêm 2giờ30 bay nữa mới đến sân bay Cairô. Xe công ty du lịch địa phương đón đoàn tại phi trường. Bắt đầu cuộc hành trình 14 ngày xuyên qua 4 nước: Ai cập – Palestina –Israel và Jordan.
Chúng tôi đến tham quan Kim Tự Tháp là một trong 7 kỳ quan cổ của thế giới, Viện giấy Papyrus nơi lưu giữ loại giấy viết có niên đại lâu đời nhất, tham quan Tu viện Thánh Catherine cổ kính nhất, nơi có di tích Bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, leo núi Sinai với độ cao 2.285m lên tới đỉnh núi nơi ông Môsê nhận 10 điều răn Thiên Chúa ban. Đặc biệt, đi trong miền đất Palestina và Israel, chúng tôi theo bước chân Chúa, viếng từng dấu tích Đấng Cứu Thế đã đi qua. Đi lại con đường lịch sử như Phúc Âm kể vẫn thấy đâu đây hình bóng Chúa Giêsu thấp thoáng trên mọi nẻo đường. Những ngày cuối đi qua Vương Quốc Jordan, lên núi Nebo, nơi Môsê được Thiên Chúa cho nhìn về Đất Hứa trước khi chết, tham quan Thành phố cổ Petra vẫn thường được gọi là Thành Phố Hoa Hồng Đỏ là một trong 7 kỳ quan hiện đại của thế giới.
Mỗi nơi hành hương đều có hướng dẫn viên riêng. Mỗi nơi đến chúng tôi như được tiếp thêm đức tin và gia tăng lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội. Ở những nơi hành hương đã gợi lên trong tâm hồn chúng tôi bao tâm tình ngưỡng mộ thán phục và thành kính nguyện cầu.Một chuyến đi đầy dấu ấn và kỷ niệm.
Hàng ngày, chúng tôi đều dâng thánh lễ tại một Nhà thờ đã đăng ký trước và chụp hình chung lưu niệm. Thời tiết bên vùng Trung đông đang cuối xuân nên vẫn mát dù trời luôn nắng gay gắt. Mỗi nơi hành hương gợi lên bao cảm xúc, bao tâm tình yêu mến và tạ ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ và tri ân Giáo Hội.
Cha Quang đã dành nhiều thời gian dịch thuật các tài liệu giúp mọi người hiểu nhiều hơn. Ý nghĩa cuộc Hành hương không mang tính chất du lịch, nhưng mang tính chất trở về cội nguồn Kitô giáo, nơi Chúa Giêsu sinh ra, rao giảng Tin mừng, làm phép lạ, cuối cùng chịu chết và sống lại để thực hiện ơn cứu độ. Để giúp cho mọi thành viên khi tham quan hiểu được ý nghĩa vắn gọn nhưng đầy đủ về lịch sử các di tích, Cha Quang đã cố gắng chuyển dịch sang Việt ngữ phần lớn tác phẩm bằng tiếng Anh mang tựa đề “Holy Land, Follow the steps of Jesus” của Nữ tác giả Etty Boochny và David B. Capes xuất bản năm 1999. Bà Etty Boochny là hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp rất thành công ở Thánh địa trên 20 năm nay. Còn Tiến sĩ David B. Capes là một Mục sư thuộc hệ phái Tin lành Baptist, hiện đang phục vụ tại các Nhà thờ của Tiểu bang Georgia và Tennessee; ông đang là Giáo sư phụ giảng tại College of Humanities ở Đại học Baptist Bang Houston, Hoa Kỳ. Ông còn là một diễn giả và học giả rất nổi tiếng.
Tác phẩm này được thực hiện với sự chứng thực và hỗ trợ của Sr Macrina Scott O.S.E là Giám đốc Trường Kinh thánh Công Giáo của Tổng Giáo phận Denver, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Jim Fleming E.d.D, Giám đốc Điều hành Trung tâm Tài liệu Kinh thánh ở Giêrusalem. Ngoài ra tôi còn tham khảo và trích dịch một vài điểm trong quyển sách nhan đề “The Holy Land” của Nhà xuất bản Palphot được ấn hành với sự giúp đỡ của Học viện “Studium Biblicum Franciscanum” thuộc dòng Phanxicô và tham khảo cả bản tiếng Pháp của tác phẩm này.
I. AI CẬP
Những ngày ở Ai cập, chúng tôi đi tham quan Kim tự tháp, Tượng Nhân sư, viện giấy Papyrus, viện Bảo tàng Ai cập, Tu viện Thánh Catherine và Núi Sinai. Hành trình dài đi ngang qua sa mạc mênh mông, qua Biển Đỏ, kênh đào Suez, sông Nile… Trong tác phẩm vĩ đại của nền văn học Ba Tư (Perse) “Nghìn lẻ một đêm” có viết: “Những ai chưa đến Ai cập được xem như chưa biết thế giới. Bụi nơi đây được làm bằng vàng. Dòng sông Nile ở đây là một kỳ quan. Phụ nữ nơi này giống như những thiên thần. Và không thể khác hơn được vì Ai cập là chiếc nôi của nền văn minh nhân loại”. Trên bản đồ, hình bình hành Ai cập và bán đảo Sinai tạo thành một vùng đất có diện tích hơn một triệu cây số vuông. Dòng sông Nile mang hai sắc màu xanh trắng bắt đầu từ cao nguyên Ruanda, chảy qua Ai cập theo hướng Nam – Bắc và kết thúc tại biển Địa Trung Hải. Châu thổ sông Nile như một cây quạt khổng lồ màu xanh đang xòe ra và thủ đô Cairô như một viên ngọc sáng đính vào đầu mút của nó…Nền văn minh Ai cập cổ đại đã hình thành từ cách đây hàng ngàn năm và là một trong những nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử. Không chỉ là chủ nhân của những kim tự tháp đã trở thành kỳ quan thế giới, người Ai cập cổ đại còn sáng tạo ra nhiều thứ tuyệt vời khác. Sách viết hấp dẫn như vậy, nhưng đi đâu, chúng tôi cũng thấy những trạm lính gác kiểm tra an ninh chặt chẽ, sa mạc khô cằn, đường phố và nhà cửa còn nhếch nhác…
Ai cập quốc danh chính thức là Cộng hòa Ả Rập. Ai cập là một nước cộng hòa nằm ở Bắc Phi, Trung Đông và Tây Nam Á. Ai cập có biên giới với Libi ở phía tây, Sudan ở phía nam, với Israel ở đông bắc. Vai trò địa chính trị quan trọng của Ai cập xuất phát từ vị trí chiến lược là một quốc gia liên lục địa ở cả châu Á và châu Phi, họ sở hữu một cầu nối lục địa (Eo đất Suez) giữa Châu Phi và Châu Á, và một cầu nối đường thuỷ (Kênh Suez) nối giữa Biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương thông qua Biển Đỏ.
Ai cập là nước đông dân thứ hai ở Châu Phi, với khoảng 83 triệu người. Hầu hết dân số tập trung dọc theo hai bờ sông Nile (nhất là tại Alexandria và Cairô) và tại Châu thổ và vùng gần Kênh đào Suez.
Ai cập là một nước Hồi giáo với gần 90% dân số theo đạo này, phần lớn thuộc dòng Sunni một nhánh của Hồi giáo. Người theo Cơ Đốc giáo chiếm khoảng 10% dân số, phần lớn là dòng Chính thống giáo Copt với 9%, 1% còn lại gồm Công Giáo, Chính thống giáo Hy Lạp, Chính thống giáo Syria, và Chính thống giáo Armenia, phần lớn sống tại Alexandria và Cairo.Hiện vẫn còn một cộng đồng Do Thái nhỏ, với khoảng 300 người Ai cập. (x.vi.wikipedia.org/wiki/AiCập)
1. Kim Tự Tháp Kheops (Đại Kim Tự Tháp Giza)
Kim tự tháp Kheops là công trình cao nhất thế giới vào thời điểm năm 2.570 TCN. Nó đã phá kỷ lục của Kim tự tháp đỏ Sneferu, Ai cập. Chiều cao nguyên thủy của nó là 146,6m còn chiều cao hiện nay chỉ còn 138.8m
Kim tự tháp Kheops còn gọi là kim tự tháp Khufu hoặc Đại kim tự tháp Giza, là một trong những công trình kiến trúc cổ nhất và duy nhất còn tồn tại trong số 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Cách chung các nhà Ai cập học cho rằng kim tự tháp này được xây dựng mất 20 năm và hoàn thành vào năm 2.560 TCN. Mọi người đều cho rằng kim tự tháp này được xây dựng làm lăng mộ cho Hoàng đế Pharaon Kheops thuộc Triều đại thứ tư thời Ai cập cổ đại. Người ta cho rằng Hemiunu, vị tể tướng của Kheops lúc bấy giờ, là kiến trúc sư của Đại Kim tự tháp này.
Đại Kim Tự Tháp này là kim tự tháp lớn nhất trong 3 kim tự tháp trong vùng Giza Necropolis giáp ranh với Cairô, thủ đô Ai cập. Nó là phần chính của một phức hợp các công trình bao gồm cả hai ngôi đền lăng tẩm thờ Kheops (một gần kim tự tháp và một gần sông Nil), 3 kim tự tháp nhỏ hơn cho các bà vợ của Kheops, và một kim tự tháp "vệ tinh" nhỏ hơn. Có một con đường nối hai ngôi đền và một lăng tẩm nhỏ bao quanh kim tự tháp danh cho các quý tộc. Một trong ba kim tự tháp nhỏ có chứa mộ của hoàng hậu Hetepheres (được khám phá năm 1925), em gái và vợ của Sneferu và mẹ của Kheops. Khi khai quật, dự án vẽ bản đồ Giza đã khám phá ra nhiều tòa nhà và các công trình khác trong khu vực này.
Cách đó vài trăm mét về phía tây nam, có một Kim tự tháp hơi nhỏ hơn một chút là Kim tự tháp Khafre, vị vua này là một trong những người kế vị Kheops và người ta cho rằng ông là người đã xây dựng tượng Đại nhân sư (Đại Sphinx Giza). Thêm vài trăm mét nữa về phía tây nam là Kim tự tháp Menkaure, người kế vị Khafre, với chiều cao khoảng một nửa Đại kim tự tháp. Hiện nay, kim tự tháp Khafre là kim tự tháp cao nhất trong nhóm kim tự tháp, vì Đại kim tự tháp đã mất khoảng 8m chiều cao vì các vật liệu trên đỉnh bị đánh cắp.
- Kỹ thuật xây dựng kim tự tháp của người Ai cập
Những dụng cụ hỗ trợ thời cổ đại hình RJ hay RL có thể đã được người ta sử dụng để đưa các khối đá nặng hàng tấn lên cao.
Người ta đã thử đưa ra nhiều ước tính khác nhau về số nhân lực cần thiết để xây dựng Đại kim tự tháp.
Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhà sử học Hy Lạp là Herodotus đã ước lượng việc xây dựng có thể cần tới 100.000 người trong vòng 20 năm.
Kiến trúc sư người Ba Lan, Wieslaw Kozinski cho rằng cần phải có 25 người mới mang được một khối đá nặng 1,5 tấn, nên ông ước tính số nhân công là 300.000 người tại công trường, và với khoảng 60.000 người ở những nơi khác.
Vào thế kỷ 19, nhà Ai cập học, William Flinders Petrie cho rằng, nhân công không phải là nô lệ thuần túy mà còn là dân cư ở những vùng nông nghiệp tại Ai cập,vì khi sông Nil có lũ thì các hoạt động nông nghiệp tạm ngưng nên họ cần việc làm trả lương.
Nhà Ai cập học, Miroslav Verner cho rằng, số lao động được tổ chức thành một hệ thống cấp bậc, gồm các toán 1.000 người, cấp dưới là các nhóm 200 người, rồi sau đó còn phân chia thành nhiều nhóm nhỏ nữa theo trình độ tay nghề. Việc xây dựng Đại kim tự tháp không đòi hỏi quá 30.000 nhân công.
Nhà toán học Kurt Mendelssohn cho rằng, lượng nhân công cao nhất có thể lên tới 50.000 người, trong khi Ludwig Borchardt và Louis Croon lại cho rằng, con số đó chỉ khoảng 36.000.
Công ty Daniel, Mann, Johnson, & Mendenhall hợp tác với Mark Lehner và các nhà Ai cập học khác đã ước tính toàn bộ dự án này cần lượng nhân công trung bình là 13.200 người và cao điểm là 40.000. Người ta không sử dụng ròng rọc, bánh xe, hay các công cụ sắt. Họ cho rằng từ khi khởi công xây dựng tới khi hoàn thành Đại Kim tự tháp người ta mất khoảng 10 năm. Cuộc nghiên cứu của nhóm này ước tính số lượng khối đá được sử dụng trong việc xây dựng vào khoảng 2 đến 2,8 triệu khối đá, nhưng con số chính xác giảm còn 2 triệu khối đá sau khi trừ bớt diện tích khoảng không các phòng bên trong. Đa số các học giả đồng ý với con số ước tính này. Những tính toán của các nhà Ai cập học cho rằng số nhân công phải đạt được mức 180 khối đá trên giờ (ie. 3 khối/phút) với 10 giờ lao động mỗi ngày để đặt mỗi khối đá riêng biệt vào vị trí của chúng. Nhưng ước tính này không được nhiều người ta công nhận.
Các nhà Ai cập học chấp nhận kết quả các ước tính như sau: 2.400.000 khối đá được sử dụng trong vòng 20 năm, mỗi ngày công nhân làm việc liên tục 10 giờ.Tuy nhiên, công trình xây dựng không bao gồm khoảng thời gian và nhân công cần thiết cho việc thiết kế, khảo sát và chuẩn bị mặt bằng với diện tích 13 mẫu Anh của Đại kim tự tháp. Nó cũng không bao gồm thời gian xây dựng: 2 kim tự tháp chính khác trên cùng một công trường, con Đại Nhân Sư (Sphinx), các đền đài, các hệ thống đường đắp cao, nhiều dặm vuông mặt bằng được lát đá, chuẩn bị mặt bằng toàn bộ thung lũng Giza, 35 bến tàu thuyền được đục vào trong đá nền cứng. Toàn bộ thung lũng Giza đã được xây dựng trong thời cai trị của nhiều vị vua Ai cập Pharaon trong vòng chưa tới 100 năm. Bắt đầu với vua Djoser cầm quyền từ 2687-2667 TCN, 3 kim tự tháp lớn khác cũng đã được xây dựng: Kim tự tháp bậc thang Saqqara (được cho là Kim tự tháp đầu tiên của Ai cập), Kim tự tháp Bent và Kim tự tháp đỏ của vua Sneferu. Cũng trong giai đoạn này (từ 2686 đến 2498 TCN) con đập Wadi Al-Garawi đã sử dụng khoảng 100.000 mét khối đá và gạch trong việc xây dựng. Bắt đầu từ Saqqara, nhà Ai cập học Barbara Mertz đã cho rằng gần 700 kim tự tháp đã được xây dựng ở Ai cập trong khoảng thời gian gần 500 năm.
- Sơ đồ bố trí của Đại Kim tự tháp
Học giả cổ đại Diodorus Siculus cho rằng, các khối đá lớn được kéo lê dọc một hệ thống các đường dốc để tới độ cao cần thiết. Herodotus lại cho rằng, các khối đá sử dụng xây dựng Đại kim tự tháp được đặt vào vị trí bằng cách đưa chúng lên dần từng giàn giáo bằng gỗ ngắn liên tiếp. Gần đây, Mark Lehner cho rằng một đường dốc hình xoắn ốc, bắt đầu từ mỏ đá dẫn tới phía đông nam và tiếp tục chạy quanh bên ngoài Kim tự tháp. Các khối đá có thể đã được đặt trên các xe trượt chạy trên đường được bôi trơn bằng nước hoặc sữa. Một số học giả khác lại cho rằng các khối đá được di chuyển nhờ con lăn, súc gỗ tròn đặt liên tục bên dưới các khối đá.
Nếu một đường dốc được sử đụng để đưa các khối đá cao nhất vào vị trí thì nó phải ngày càng thu hẹp lại bởi vì đỉnh kim tự tháp nhỏ dần lên phía trên. Tuy nhiên, việc xây dựng con đường dốc đó cũng đòi hỏi rất nhiều nhân lực, có thể chiếm quá nửa số nhân công. Việc khai quật vùng phía nam Đại kim tự tháp cho thấy bằng chứng sót lại của một con đường dốc gồm hai bức tường được xây bằng gạch vụn được trộn với Tafla hai bên. Ở giữa được nhồi cát và thạch cao tạo nên thân đường. Người ta đã phát hiện ra con đường này trong khi thiết kế hệ thống âm thanh và ánh sáng tại Giza. Theo kích cỡ lý thuyết về con đường dốc tầm cỡ lớn đáp ứng yêu cầu cho việc xây dựng Đại kim tự tháp, chúng ta sẽ không hiểu con đường dốc cỡ nhỏ mới được khám phá đó được dùng vào việc gì.
Giáo sư hàng không Caltech Mory Gharib cho rằng, người Ai cập có thể đã di chuyển các khối đá bằng sức gió, nhờ vào các cánh diều và các ròng rọc chứ không phải nhờ số lượng nô lệ đông đảo.
Nhà khoa học vật liệu Joseph Davidovits thừa nhận rằng, các khối đá kim tự tháp không phải là đá đục đẽo, nhưng phần lớn là hình thức bê tông đá vôi: chúng được 'đổ khuôn' giống như với xi măng hiện đại. Đá vôi mềm chứa nhiều kaolinit được khai thác ở con suối cạn phía nam cao nguyên Giza. Chúng được ngâm trong những bể lớn gần sông Nil cho tới khi rữa trở thành sền sệt như hồ. Vôi (được tìm thấy trong tro bếp) và natri (cũng được người Ai cập sử dụng trong ướp xác) được trộn vào. Sau đó các bể này được để bốc hơi tự do, còn lại một hỗn hợp như đất sét ướt. Thứ "bê tông" ướt này sẽ được mang tới công trình và được đóng vào trong các khuôn gỗ có thể tái sử dụng trong vài ngày để trải qua một quá trình phản ứng hóa học tương tự như sự 'đông cứng' của xi măng. Ông cho rằng, các khối đá mới sẽ được đổ khuôn ngay tại chỗ, bên trên khối cũ.
Khi xây dựng, Đại kim tự tháp cao 146,5 mét, nhưng sau này vì bị ăn mòn và bị mất trộm phiến đá trên đỉnh (chóp tháp) nên chiều cao hiện tại chỉ còn là 138,75 m. Theo giới chuyên môn, cạnh đáy nguyên thủy dài 231mét mỗi phía và chiếm khoảng diện tích xấp xỉ 53.000 mét vuông. Ngày nay, mỗi cạnh dài khoảng 230,36 mét. Kích thước bị giảm đi một chút và vẻ ngoài thô sơ hiện nay vì nó đã mất những tấm đá bóng ốp bên ngoài. Một số tấm đá bóng có kích thước lên tới 2,5 mét chiều dày và nặng hơn 15 tấn.
Vào năm 1301, một trận động đất lớn đã làm nhiều tấm đá ốp ngoài rơi ra, sau đó bị Vua Hồi giáo Bahri An-Nasir Nasir-ad-Din al-Hasan mang đi năm 1356 để xây dựng các đền thờ Hồi giáo và các pháo đài tại Cairo gần đó. Ngày nay, người ta vẫn có thể thấy các tấm đá đó tại các công trình nêu trên. Những nhà thám hiểm sau này đã thông báo về nhiều đống vật liệu vụn nát ở đáy các kim tự tháp, hậu quả của sự sụp đổ tấm ốp sau đó và cuối cùng chúng đã bị dọn dẹp cho các cuộc khai quật. Tuy nhiên, hiện nay ta vẫn thấy nhiều tấm đá ốp quanh đáy Đại kim tự tháp, điều này chứng minh tài nghệ xây dựng và lắp đúng vị trí.
Trong vòng 4.000 năm, đây là công trình cao nhất thế giới, và tiếp tục giữ vị trí này cho tới khi tháp Thánh đường Lincoln cao 160 mét được hoàn thành năm 1300.
Kim tự tháp được xây dựng bằng những khối đá vôi, bazan hay hoa cương đã được đẽo gọt. Lõi được làm phần lớn bằng những khối đá vôi thô chất lượng thấp khai thác từ mỏ phía nam kim tự tháp Kheops. Những khối đá này nặng trung bình từ 2 -4 tấn. Các khối đá vôi chất lượng cao được sử dụng làm tấm ốp ngoài, một số khối đá có trọng lượng tới 15 tấn. Đá vôi được lấy từ Tura, khoảng 8 dặm từ phía bên kia sông Nil. Mỏ đá hoa cương có khoảng cách gần 500 dặm tại Aswan với những khối nặng tới 60-80 tấn, được sử dụng cho các cánh cổng và các căn phòng.
Người ta ước lượng, tổng khối lượng kim tự tháp khoảng 5,9 triệu tấn với thể tích khoảng 2.600.000 mét khối.
Khi hoàn thành, Đại kim tự tháp được ốp ngoài bởi các phiến 'đá ốp' trắng– nghiêng, nhưng có đỉnh phẳng, được mài rất trắng. Nhờ vậy công trình tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời và thậm chí cả ban đêm khi có ánh trăng, mọi người cũng quan sát thấy nó từ các ngọn núi phía nam Ai cập, với khoảng cách 300 km. Hiển nhiên ngày nay, mọi thứ còn lại chỉ là lõi kim tự tháp kiểu bậc thang, nhưng nhiều phiến đá ốp vẫn có thể được thấy xung quanh đáy. Các phiến đá ốp Đại kim tự tháp và Kim tự tháp Khafre (được xây dựng ngay bên cạnh) được cắt chính xác tới mức trên toàn bộ diện tích bề mặt chúng chỉ lệch khỏi mặt phẳng thực 1/50 inch. Chúng được gắn vào nhau hoàn hảo tới mức tới tận ngày nay, ta cũng không thể nhét được một mũi dao vào giữa khe nối.
Đại kim tự tháp có cách bố trí bên trong khác với các kim tự tháp khác trong vùng. Số lượng đường đi và phòng lớn nhất, các chi tiết được hoàn thiện tinh vi. Độ chính xác trong xây dựng. Các bức tường trong toàn bộ kim tự tháp đều trơn và không được khắc chữ, nhưng có những hàng chữ viết trên tường, người ta cho là do các công nhân viết lên các phiến đá trước khi chúng được ráp với nhau. Tất cả 5 phòng phụ đều có khắc chữ. Đoạn chữ nổi tiếng nhất là đoạn nhắc tới tên Kheops: "năm 17 triều Kheops. Một đoạn chữ khác viết "những người bạn của Kheops", có thể là tên của một trong những toán thợ. Dù đây không phải là một bằng chứng không thể phủ nhận được về việc Kheops là người đầu tiên ra lệnh xây dựng Đại kim tự tháp, tuy nhiên nó thật sự xóa bỏ mọi nghi vấn về việc ít ra ông cũng có tham gia vào một số công đoạn xây dựng trong thời cai trị của mình.
Ba phòng bên trong Đại kim tự tháp đều được bố trí ở vị trí trung tâm, trên trục đứng của kim tự tháp. Phòng thấp nhất ("phòng chưa hoàn thiện") được đục vào đá xây kim tự tháp. Phòng này là phòng lớn nhất, nhưng chưa hoàn thành, chỉ mới được đục thô vào đá. Phòng giữa, hay Phòng Nữ hoàng, là phòng nhỏ nhất, có kích thước khoảng 5,74 × 5,23 mét, và cao 4,57 m. Bức tường phía đông phòng có một hốc tường lớn có lẽ đã từng chứa một pho tượng. Người Ai cập cổ đại tin rằng pho tượng này sẽ được dùng làm một con tàu "dự trữ" cho Ka (ie. linh hồn) của Pharaon, nếu xác ướp bị phá huỷ. Tuy vậy, mục đích thực sự của căn phòng vẫn còn là điều bí ẩn.
Ở cuối, hàng loạt những lối dài dẫn vào trong kim tự tháp là cấu trúc của phòng chính, Phòng Hoàng đế. Phòng này ban đầu có kích thước 17 × 34 × 19 ft, gần kiểu hình khối kép. Các đặc điểm chính khác của Đại kim tự tháp gồm Phòng trưng bày lớn, quan tài được tìm thấy trong Phòng Hoàng đế, cả các lối lên và lối xuống, và phần thấp nhất của "phòng chưa hoàn thiện" bên trên.
Phòng trưng bày lớn (49 × 3 × 11 m) có đặc điểm thiết kế kiểu tay đòn đỡ khéo léo và nhiều "khoảng trống" được đặt cách quãng đều nhau dọc theo chiều dài mỗi phía đáy với một "cái rãnh" chạy dọc chiều dài sàn phòng. Những khoảng trống này được dùng làm gì hiện vẫn là điều bí ẩn.
Quan tài trong phòng Hoàng đế được khoét trong một phiến đá granit Aswan màu đỏ và quá lớn để được mang vào qua đường đi bên trong. Quan tài có được dự định đựng xác Hoàng đế hay không hiện nay vẫn còn là điều chưa được biết, nhưng nó quá ngắn đề đặt một người có tầm vóc trung bình vào trong mà lại không gập cong chân lại (một kỹ thuật không được áp dụng trong nghi lễ tang Ai cập) và nắp của nó cũng không được tìm thấy.
"Phòng chưa hoàn thiện" nằm 90 feet sâu dưới đất và còn ở tình trạng thô, thiếu tính chính xác như các phòng khác. Phòng này không được các nhà Ai cập
học xem xét bởi vì đơn giản đó chỉ là một sự thay đổi kế hoạch, những người thiết kế đã dự định dùng nó làm phòng chôn cất nhưng sau này Vua Kheops đã thay đổi ý kiến và muốn được chôn trong một phòng ở cao hơn.
Hai nhà Ai cập học không chuyên người Pháp, Gilles Dormion và Jean-Yves Verd'hurt, vào tháng 8 năm 2004 đã tuyên bố rằng, họ đã khám phá ra một phòng chưa từng được biết tới trước đó dưới mặt đất, Phòng nữ hoàng bên trong kim tự tháp sau khi sử dụng radar tìm kiếm và phân tích kiến trúc. Họ cho rằng phòng này vẫn chưa bị xâm phạm và có thể đang chứa thi thể nhà vua. Họ cũng cho rằng Phòng Hoàng đế, phòng thường được cho là nơi yên nghỉ ban đầu của Kheops không phải được xây dựng với mục đích làm phòng chôn cất.
Theo Dr. Schoch, nếu thông tin do cuộc nghiên cứu đưa ra là chính xác, nó sẽ tạo ra cảm giác cho rằng kim tự tháp đã được xây dựng và tiếp tục được xây dựng trong nhiều thời kỳ và các Pharaoh sau này như Kheops là những người thừa kế duy nhất các lăng mộ đã từng tồn tại trước đó, chứ không phải là người đầu tiên xây dựng, và vì thế chỉ đơn giản là xây dựng lại hay sửa chữa lại các công trình có trước.
Tương tự như nhiều công trình lăng mộ từ thời cổ đại khác, cùng với thời gian, Đại Kim tự tháp đã trở thành chủ đề của nhiều giả thuyết suy đoán và giải thích về nguồn gốc, niên đại, phương thức xây dựng cũng như mục đích sử dụng của nó.
Các ý kiến đó đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng ít nhất từ đầu thế kỷ 20 với giả thuyết cho rằng các kim tự tháp được những người tị nạn từ Atlantis xây dựng.
Một chủ đề thường thấy trong nhiều giả thuyết liên quan tới kim tự tháp Giza và các địa điểm cự thạch khác trên thế giới là ý kiến cho rằng, chúng không phải là các sản phẩm của các nền văn hóa và văn minh trong lịch sử quy ước mà là tàn tích lâu đời hơn nữa của một nền văn hóa rất cổ đại và tiến bộ chưa từng được biết đến. Nền văn minh này được cho là đã bị tiêu diệt từ thời cổ đại bởi một thảm họa lớn vào khoảng thời kỳ chấm dứt kỷ băng hà cuối cùng, theo đa số họ cho là khoảng năm 10.500 TCN. Riêng đối với Đại Kim tự tháp, các giả thuyết cho rằng nó đã được xây dựng bởi nền văn minh ngày nay đã mất, hoặc việc xây dựng nó có ảnh hưởng từ kiến thức (ngày nay đã mất) học được từ nền văn minh đó. Quan điểm sau này thường được các nhà lý thuyết gần đây như Hancock và Bauval, là những người đã biết Đại Kim tự tháp có hình thức bố trí tương tự Vành đai chùm sao Orion và Sirius ở thời điểm năm 2450 TCN ủng hộ, dù họ cho rằng sơ đồ bố trí kim tự tháp Giza đã được thực hiện từ năm 10.450 TCN.
Sự tồn tại theo tiên nghiệm của một nền văn minh như vậy được các nhà lý thuyết mặc nhiên công nhận và họ cho rằng đó là cách giải thích thích đáng duy nhất cho việc tại sao những nền văn hóa văn minh nhất thời cổ đại như Ai cập và Sumer, lại có thể đạt tới những đỉnh cao kỹ thuật như thế ngay từ khi mới bắt đầu xuất hiện và có lẽ cũng chưa từng có tiền lệ.
Sau khi tham quan các Kim tự tháp và tượng Nhân sư, chúng tôi đi đến nhà nguyện Dòng Phanciscan dâng thánh lễ đầu tiên trên đất Ai cập. Cha Lộc.OP, chủ tế và chia sẻ Lời Chúa. Các Nữ tu vui mừng đón tiếp và hàn huyên thăm hỏi.
Trở về khách sạn nghỉ ngơi sau một hành trình dài vất vả.
Sáng hôm sau, chúng tôi tham quan viện giấy Papyrus và Viện bảo tàng Ai cập tại thành phố Cairô.
2. Viện Giấy Papyrus
Ai cập, quốc gia có dòng sông Nile chảy qua, nơi sản sinh ra một trong các nền văn minh sớm nhất thế giới, để lại cho nhân loại các di sản kiến trúc đồ sộ như các Kim tự tháp, các kiệt tác về hội họa, điêu khắc hay nghệ thuật ướp xác... Nhiều ngành nghề tại quốc gia này như đánh bắt cá, nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đã ra đời phát triển thịnh vượng ngay từ hàng nghìn năm trước công nguyên. Một trong những nghề thủ công tiêu biểu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người Ai cập cổ đại cũng như hiện đại, giúp biến đổi xã hội và nâng nền văn minh lên tầm cao mới đó là nghề làm giấy papyrus (giấy cói).
Vào tham quan viện giấy, trước tiên có một nhân viên biểu diễn cho chúng tôi xem cách người Ai cập sản xuất loại giấy này từ mấy ngàn năm trước. Giấy papyrus được ghi nhận đã được sử dụng lần đầu tiên ở Ai cập cổ đại, vương triều thứ nhất khoảng 4.000 năm trước công nguyên. Giấy papyrus có màu ngà, nâu vàng, cứng nhưng có thể uốn cong, và đặc biệt rất bền, được làm từ lõi của một loại cói có tên papyrus, cao khoảng 2-3m mọc hai bên bờ sông Nile. Để hoàn thành sản phẩm giấy papyrus cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi tay nghề khéo của người thợ. Trước tiên, họ thu hoạch thân cây papyrus và cắt thành những khúc dài, bóc bỏ vỏ xanh phía bên ngoài lấy phần lõi xốp, cán dập phần lõi này càng mỏng càng tốt và ngâm chúng vào trong nước khoảng 3 ngày để khử đường. Sau đó, chúng sẽ được ép hết nước và xếp thành các lớp. Lớp thứ nhất trải san sát, ghế nhẹ các mép lên nhau khoảng 1mm. Lớp thứ hai được trải tương tự nhưng vuông góc với lớp thứ nhất. Hai lớp này sẽ được ép lại với nhau và được chèn dưới một vật có trọng lượng lớn, thông thường là phiến đá to để ép khô trong khoảng 6 ngày. Lượng đường còn lại papyrus sẽ liên kết dính các thớ sợi với nhau. Cuối cùng, khi giấy đã khô, bề mặt giấy được đánh nhẵn bằng vỏ ốc hoặc miếng ngà voi. Chất lượng thành phẩm phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm vị trí trồng cây papyrus, tuổi cây, mùa thu hoạch cây, và quan trọng nhất là lớp lõi trong thân cây. Giấy papyrus đẹp nhất được làm từ lớp phía trong cùng lấy từ cây papyrus mọc ở vùng châu thổ sông Nile. Không có loại vật liệu nào có thể thay thế được giấy paparus cho đến năm 751, khi người Ả Rập biết cách làm bột giấy nhờ việc thả tự do cho tù binh Trung Quốc để đổi lấy bí quyết làm giấy. Cách làm giấy thông thường đó dễ hơn rất nhiều, nhưng độ bền lại kém xa so với giấy papyrus. Tuy nhiên, sự ra đời của bột giấy ngày càng khiến việc sản xuất giấy paparus bị đình đốn, kết quả là loài cây này dần biến mất khỏi hai bờ sông Nile. Mãi cho tới năm 1969, nghề làm giấy papyrus mới được khôi phục nhờ công của nhà khoa học người Ai cập có tên là Hassan Ragab. Ông đã giới thiệu lại cây papyrus cho người dân Ai cập và bắt đầu trồng lại loại cây này gần thủ đô Cairo. Hassan cũng nghiên cứu phương pháp làm giấy paparus. Dẫu kỹ thuật chính xác làm giấy được giữ bí mật và người Ai cập cổ không ghi chép lại bằng chữ viết, nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, cuối cùng ông đã tìm ra và nghề thủ công truyền thống cho người Ai cập được khôi phục đến tận ngày nay. Như xưa, các sản phẩm giấy Papyrus vẫn phục vụ đời sống con người trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật và du lịch.
Chúng tôi chiêm ngắm cách ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi trước những tác phẩm nghệ thuật và nhiều người mua tranh làm qùa kỷ niệm.
3. Viện Bảo Tàng Ai Cập ở Cairô
Rời viện giấy papyrus, chúng tôi đến viện bảo tàng. Xe chạy dọc theo sông Nile, thuyền bè tấp nập qua lại. Dòng sông xanh mát chảy qua trung tâm thành phố Cairô mang đến sự sống cho con người và cây cỏ giữa sa mạc nắng cháy.
Lối vào viện bảo tàng quá nhiều lính gác với xe tăng và súng ống như tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi nín thở đi qua hàng rào an ninh để vào tham quan.
Viện bảo tàng trưng bày những kiệt tác nghệ thuật cổ đại trải dài suốt lịch sử Ai cập, lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất thế giới với trên 250.000 hiện vật, gồm cả hiện vật trong lăng mộ Vua Tuttakhamen. Bộ sưu tập kho báu bằng vàng, đồ trang sức.. được cất giữ bí mật trong mộ của vị vua này đến tận năm 1920 mới được các nhà khảo cổ khám phá khai quật lên.
Vào buổi sáng hơn 90 năm về trước, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter cùng với huân tước Carnarvon đã mở dấu niêm phong hầm mộ chôn cất xác ướp của vua Tutankhamun cùng với kho báu ở Thung lũng các vị vua. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện được lăng mộ của một vị vua Ai cập
còn khá nguyên vẹn. Bên cạnh xác ướp, họ còn tìm thấy gần 5.000 hiện vật, trong đó có nhiều món đồ bằng vàng ròng quý giá giúp con người tìm hiều kỹ hơn về lịch sử Ai cập cổ đại.
Vua Tutankhamun là vị Pharao trẻ nhất và nổi tiếng nhất trong các vị hoàng đế Ai cập. Ông là người đã trị vì quốc gia trong khoảng thời gian 10 năm và qua đời khi đang độ tuổi thanh xuân (19 tuổi). Loài người đã thêu dệt nên nhiều giai thoại xung quanh cái chết bí ẩn của vị Vua này.
Ngày 04/11/1922, dưới sự hỗ trợ tài chính của lãnh chúa giàu có George Herbert - người đam mê về lịch sử Ai cập cổ đại. Howard Carter nhà khảo cổ học người Anh đã mở dấu niêm phong lăng mộ vua Tut. Kể từ đây, những tin đồn về lời nguyền và những cái chết kỳ lạ, không rõ nguyên nhân của những người tham gia vào cuộc khai quật nơi an nghỉ của Pharao vĩ đại bắt đầu xuất hiện.
Theo một số tài liệu, trong khi khám phá mộ của vua Tutankhamun, huân tước Carnarvon đã nhìn thấy một dòng chữ có nội dung: “Cái chết sẽ nhanh chóng đến với ngươi, nếu kẻ nào dám xâm phạm sự thanh bình của hoàng đế...”.
Bốn tháng sau đó, lãnh chúa Herbert chết vì bị muỗi cắn dẫn đến nhiễm trùng máu. Sau đó, huân tước Carnarvon cũng qua đời. Cái chết cũng lần lượt đến với người em cùng cha khác mẹ và cô nữ hộ lý của ông, tiếp đến là một tỷ phú Mỹ đã từng vào thăm hầm mộ, người thợ chụp ảnh, vị bác sĩ đã chụp hình X-quang xác ướp của Pharao, một người đồng nghiệp của ông tên là Arthur Meis (vốn cũng tham gia khai quật hầm mộ) và vợ của huân tước là bà Almina. Hầu hết những người tham gia quá trình khai quật đều chết một cách bí ẩn. Vì vậy, người ta đồn đoán rằng, lời nguyền của vua Tutankhamun đã ứng nghiệm.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cuối cùng xác định được rằng dòng chữ khắc trong lăng mộ của vị vua này là do các phóng viên “sáng tạo” ra câu chuyện đó. Lời nguyền chết chóc của Tutankhamun cũng không hề tồn tại mà là hành động, âm mưu giết người của một kẻ cuồng tín.
Trong cuốn sách của nhà sử học Mark Benyon, một kẻ tôn thờ quỷ Satăng có tên Aleister Crowley chính là hung thủ gây ra cái chết của 6 trong số 20 người khai quật mộ vua Tutankhamun. Thậm chí, cảnh sát còn phát hiện ra hắn đang lên kế hoạch thực hiện vụ giết người thứ 7 và làm cho mọi người tin rằng, lời nguyền chết chóc của vua Tutankhamun là có thật.
Nhà sử học Benyon cho biết, Crowley dường như bắt chước cách giết người của kẻ cuồng sát Jack Ripper. Thêm vào đó, hắn tin rằng nếu bản thân giết càng nhiều người thì tội ác của mình sẽ càng khó bị bại lộ.
Một nguyên nhân khác khiến tội ác của Crowley không bị phát giác trong nhhiều năm là bởi mọi người đều tin vào lời nguyền của xác ướp vua Ai cập cổ đại và không hề nghĩ đến khả năng họ bị sát hại.
Trong nhiều năm qua, không ít các học giả suy đoán rằng, cái chết đột ngột và đầy bí ẩn của vua Tutankhamun khi đang ở tuổi 19 là do bị ám sát. Người ta cho rằng, ông bị sát thủ đánh một cú chí mạng vào đầu dẫn đến tử vong. Và chuyện soán ngôi đoạt vị luôn tồn tại xưa như trái đất, có nhiều giả thuyết chỉ ra rằng Vua Tuttankhamun bị chính người chú của mình sát hại để cướp đoạt ngôi báu. Tuy nhiên, gần đây các chuyên gia đã xác định là vết nứt trong hộp sọ của vua Tut do một tai nạn trong quá trính ướp xác hoặc do những người trong đoàn khảo cổ của ông Carter đã không cẩn thận làm “hư” thi hài của vị vua trẻ tuổi này.
Năm 2005, một nghiên cứu chỉ ra rằng, trước khi qua đời vua Tutankhamun đã bị gãy chân và nhiễm trùng do vết thương không được xử lý triệt để. Theo một giả thuyết, vua Tut đã gặp chấn thương ở chân do bị ngã ngựa trong một chuyến đi săn. Thêm vào đó, các nhà khoa học đã tiến hành xét nghiệm DNA của xác ướp vào năm 2010 và phát hiện ra vị hoàng đế này mắc bệnh sốt rét. Căn bệnh này có thể là nguyên nhân làm trầm trọng thêm vết thương bị nhiễm trùng ở chân hoặc khiến ông bị ngã ngựa. Người ta còn đưa ra giả thuyết rằng, một con hà mã đã cắn hoàng đế khiến ông qua đời khi còn rất trẻ.
Trong thời gian trị vì, Vua Tutankhamun thay đổi lại những trật tự của vua cha. Trong suốt thời gian cai trị, vua dường như không để xảy ra những biến cố lớn. Tuy nhiên, vị vua trẻ đã tiến hành một cải cách có ý nghĩa to lớn. Cha của ông là vua Akhenaten được coi là thần Aten - vị thần quan trọng nhất của Ai cập. Ông cũng là người được dân chúng tôn thờ hơn so với các vị thần khác. Thêm vào đó, vua Akhenaten cũng chuyển thủ đô Ai cập từ Thebes đến một vùng đất mới ở Aten. Nhưng kể từ khi lên ngai vàng, vua Tutankhamun được cho là người đã làm đảo ngược những trật tự tôn giáo trong dân chúng. Cụ thể, vua trẻ cho khôi phục lại việc thờ thần Amun chứ không thờ vua cha như trước đây. Ông cũng ra lệnh chuyển thủ đô trở lại vùng đất kinh kỳ xưa là Thebes. Ngoài ra, ông cũng thay đổi tên của mình từ Tutankhaten (cái tên gắn liền với vị thần Aten) sang Tutankhamun (ý nghĩa của tên mới gắn với vị thần Amun).
Năm 2010, các nhà nghiên cứu thực hiện phân tích ADN xác ướp này và họ tin rằng, vị vua trẻ vĩ đại của Ai cập
được sinh ra do mối quan hệ cùng huyết thống giữa pharao Akhenaten với một trong số những người chị em gái của ông. Kết hôn cận huyết là một trong những truyền thống của hoàng gia Ai cập cổ đại. Vào thời kỳ đó, người ta cho rằng, họ là con cháu của các vị thần và kết hôn với những thành viên trong gia đình là cách để duy trì dòng máu tinh khiết, không bị pha tạp.
Các chuyên gia cho rằng, xu hướng kết hôn cận huyết dẫn đến những đứa trẻ được sinh ra sẽ có nguy cơ cao mắc khuyết tật bẩm sinh giống như bị hở hàm ếch... Không chỉ được sinh ra trong mối quan hệ cận huyết, vua Tutankhamen cũng đã kết hôn với người chị gái của mình là Ankhesenamun.
Khi nhà khảo cổ Horward Carter phát hiện ra lăng mộ của vua Tutankhamun, ông nhìn thấy một căn phòng chứa đầy vàng bạc vô giá như những bức tượng làm bằng vàng ròng, đồ trang sức dùng trong các nghi lễ, những chiếc thuyền nhỏ thể hiện ước muốn về cuộc hành trình đến Netherworld và một ngôi đền để chứa nội tạng ướp của Pharao. Thêm vào đó, khu hầm mộ còn có hai quan tài nhỏ chứa hai xác chết trẻ con.
Sau khi kiểm tra DNA, các nhà khảo cổ kinh ngạc phát hiện ra một trong hai xác chết đó là con gái chết yểu của vua Tutankhamun. Xác ướp còn lại dường như cũng là con của vị vua này. Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng, vị vua trẻ và người chị gái sinh ra những đứa con từ mối quan hệ cận huyết nên chúng thường bị dị tật và chết non.
Ngày nay vào ngày 04 tháng 11 hàng năm, Ai cập tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày "Vua Tuttankhamun" ngày mà lăng mộ ông được nhà khảo cổ Horward Carter tháo bỏ niêm phong. Để tưởng nhớ đến vị Pharao trẻ vĩ đại này và ngày mà ông được tìm thấy sau hơn 3.000 năm ẩn sâu dưới lòng đất.
II. SINAI
Sau khi tham quan viện bảo tàng, chúng tôi đến Nhà thờ Thánh Giuse tại trung tâm thành phố Cairô dâng thánh lễ, Cha Phan chủ tế và chia sẽ Lời Chúa.
Bữa cơm trưa tại Nhà hàng Tàu thật ngon miệng. Chúng tôi lên đường đi về phía cực nam bán đảo Sinai, hơn 8 giờ xe chạy mới tới Thành phố Sharm el-Sheikh.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường đi Sinai. Tranh thủ thời gian dài ngồi trên xe, tôi đọc lại sách Xuất hành, tìm hiểu ơn gọi của Môsê và những biến cố lịch sử đặc biệt của dân Chúa. Sức hấp dẫn về Sinai đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi quyết tâm phải leo lên tận nơi Môsê nhận 10 điều răn trên đỉnh Sinai.
Sách Xuất hành chương 3 kể chuyện: Thiên Chúa gọi ông Môsê từ bụi cây bốc cháy: “Bấy giờ ông Môsê đang chăn chiên cho bố vợ là Gítrô, tư tế Mađian. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khôrếp. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi.Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? ". Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Môsê! Môsê! " Ông thưa: "Dạ, tôi đây! ". Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.". Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp." Ông Môsê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa. Đức Chúa phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Aicập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Aicập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Canaan, Khết, Emôri, Pơrítdi, Khivi và Giơvút. Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ítraen đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Aicập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Ítraen ra khỏi Aicập.". Ông Môsê thưa với Thiên Chúa: "Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Ítraen ra khỏi Aicập? " Người phán: "Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Aicập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.". Ông Môsê thưa với Thiên Chúa: "Bây giờ, con đến gặp con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? ". Thiên Chúa phán với ông Môsê: "Ta là Đấng Hiện Hữu." Người phán: "Ngươi nói với con cái Ítraen thế này: "Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.". Thiên Chúa lại phán với ông Môsê: "Ngươi sẽ nói với con cái Ítraen thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.".
A. Từ gia tộc Abraham đến dân tộc Israel (Xh 1-18)
a. Con cháu Israel bị áp bức tại Ai cập
Đọc sách Xuất hành 1, 6-14, trong vài dòng ngắn ngủi tác giả đã dồn ép lịch sử 400 năm bằng cách nhảy từ Giuse đến Môsê. Trong thời gian ấy con cháu Israel sinh sôi nảy nở đông đúc. Vào khoảng năm 1570, những người Hyksos bị dân bản xứ Ai cập lật đổ, và dĩ nhiên dân Israel cũng bị thất sủng đối với chính quyền mới. Họ bị nhà cầm quyền Ai cập nghi kỵ và tìm cách chận đứng sự phát triển bằng cách bắt họ làm lao dịch nặng: nung gạch để xây dựng các thành Phithom, Ramses, thậm chí còn ra lệnh tiêu diệt các bé trai.
b. Môsê được kêu gọi
Khi vận mệnh của họ dường như đã sa xuống tận đáy vực sâu thì một vị cứu tinh đã được chuẩn bị: đó là Môsê, một khuôn mặt nổi bật nhất trong Cựu Ước.
Tuổi ấu thơ và thời niên thiếu của ông đã được Thiên Chúa chuẩn bị qua việc ông được cứu thoát và đưa vào nuôi dạy trong hoàng cung Ai cập, để có điều kiện sau này lãnh đạo dân Chúa. Một ngày kia ông đã khám phá ra dòng dõi của mình, và nhân cơ hội giết chết một người Ai cập, ông đã trốn vào hoang địa ở xứ Mađian. Xứ này tọa lạc ở phía Nam Êđom và phía Đông vịnh Araba. Ông muốn liên đới với dân tộc của mình đang bị áp bức hơn là được sống tại triều đình Pharaô.
Tại xứ Mađian, ông đã trở thành người chăn chiên cho nhạc phụ và được thanh tẩy suốt 40 năm (Cv 7, 30). Sau đó, giai đoạn quan trọng nhất cuộc đời ông bắt đầu. Thiên Chúa hiện ra với ông trên núi Khorep (Sinai) dưới dạng một ngọn lửa giữa bụi gai mà bụi gai không bị thiêu rụi. Sự tò mò đã đưa ông đến gần ngọn lửa. Nhưng từ giữa ngọn lửa, Thiên Chúa đã kêu gọi ông. Thiên Chúa Hằng Hữu, trước sau như một, đã nói với Môsê như đã nói với Abraham, Isaac và Giacóp trước kia. Người tự mạc khải mình là Thiên Chúa, Đấng trung tín trong các lời hứa và vô cùng xót thương dân Người đang bị áp bức tại Ai cập. Người quyết định cứu thoát họ và dẫn đưa về đất hứa.
Cũng như các vị đại ngôn sứ khác, Môsê cảm thấy như bị đè bẹp dưới sự uy nghi của Thiên Chúa và nhận lấy sứ mạng: “Bây giờ hãy đi, Ta sai ngươi đến với Pharaô để bảo vua ấy cho dân Ta ra khỏi Ai cập”. Môsê cảm thấy mình yếu đuối, nhưng Thiên Chúa chỉ đơn giản nói với ông: “Ta sẽ ở với ngươi”. Như thế Môsê có sứ mạng đi giải phóng dân Israel nhân danh Thiên Chúa, nhưng tên Người là gì? Ông xin Thiên Chúa cho biết tên của Người. Nhưng tên và ngôi vị là một, làm sao Môsê có thể chiếm hữu tên hằng hữu của Người được. Do đó, câu trả lời của Thiên Chúa mang đầy bí ẩn: “Ta là Giavê”. Người ta đã tranh luận rất nhiều về từ này. Giavê: Ta là Đấng Ta Là. Môsê còn đang do dự vì không có tài ăn nói, nhưng Thiên Chúa đã giải quyết bằng cách đề cử Aharon, anh ông, nói thay ông. “Chính Ta sẽ giúp các ngươi nói, ngươi và nó, và sẽ gợi ý những gì các ngươi phải làm”. Như thế chính Thiên Chúa dùng Môsê và Aharon để giải phóng dân Người bằng bàn tay mạnh với cánh tay hùng.
c. Cuộc xuất hành (-1250)
Môsê trở lại Ai cập và bắt đầu thương lượng với Pharaô để cho dân Israel ra đi. Pharaô không chịu, buộc lòng Thiên Chúa phải ra tay bằng những điềm thiêng và tai họa. Pharaô vẫn tiếp tục bướng bỉnh cho đến tai họa cuối cùng: sát hại tất cả các con đầu lòng tại xứ Ai cập, trừ các con người Do thái, nhờ máu chiên được bôi trên mi cửa. Thần sát hại đã vượt qua các cửa nhà có bôi máu chiên. Đó là cuộc vượt qua đầu tiên, cuộc vượt qua mang đầy ý nghĩa mà, theo lệnh Thiên Chúa, con cái Israel sau này phải cử hành hàng năm: họ giết chiên, ăn hối hả để tưởng niệm cuộc vược qua của Thiên Chúa bảo vệ dân Người và cuộc vượt qua Biển Đỏ dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa.
Với tai họa cuối cùng này, Pharaô đành phải để dân Israel ra đi. Nhưng ngay sau đó Pharaô đổi ý, đem xa mã đuổi theo. Thiên Chúa đã ra lệnh cho Môsê phân rẽ nước biển đỏ để dân Israel đi qua và vùi dập xa mã Pharaô. Bằng cách này Thiên Chúa đã chứng tỏ quyền năng mạnh mẽ và lòng từ bi cứu vớt của Người.
Trong số những người ra khỏi Ai cập, không phải chỉ có con cháu Israel, mà còn có những người khác cũng lợi dụng cơ hội để thoát ách nô lệ Ai cập. Chỉ khi đã vào hoang địa, các nhóm này mới chấp nhận một nếp sống chung. Và như thế, họ cùng với con cháu Israel trở thành một dân tộc.
d. Hành trình qua sa mạc.
Sau khi được cứu thoát cách lạ lùng, người Israel bắt đầu một cuộc hành trình dài xuyên qua sa mạc. Suốt 40 năm, họ được thử thách, tinh luyện để vào đất hứa. Đó là thời gian giáo dục để trở thành một dân tộc, một cuộc giáo dục từ từ, dạy họ tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa bằng cách thi thố những phép lạ, dạy họ tín nhiệm vào sự quan phòng của Thiên Chúa bằng cách ban manna, chim cút và nước vọt ra từ tảng đá. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người trong sa mạc là một sự hiện diện đầy yêu thương.
B. Từ dân Israel trở thành dân thánh.
a. Giao ước Sinai.
Trong sách Xuất hành 3,12; 5,1, khi kêu gọi Môsê tại núi Khorep, Thiên Chúa đã mạc khải kế hoạch giải phóng dân Người khỏi Ai cập và truyền Môsê dẫn dân vào sa mạc, đến thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.
Giờ đây khi dân Israel đã đến tại núi Sinai, Thiên Chúa lại phán với Môsê: “Chính các ngươi đã nhìn thấy cách Ta đối sử với người Ai cập, cách Ta dẫn đưa các ngươi đến với Ta trên cánh phượng hoàng. Từ đây nếu các người vâng lời và kính trọng giao ước Ta, Ta sẽ kể các ngươi là dân riêng của Ta... Ta sẽ kể các ngươi là một vương quốc tư tế và một dân tộc thánh thiện” (Xh 19, 4-7). Lời hứa kỳ diệu này đã biến Israel thành một dân tộc trung gian giữa các dân tộc, nhưng đó mới chỉ là hình bóng của một dân tộc thánh thiện đích thực sau này.
Môsê, vị trung gian giao ước đã được Thiên Chúa triệu lên núi Sinai và Người trao cho ông thập giới và bộ luật giao ước để truyền đạt cho dân chúng. Dân chúng đồng thanh đáp lại: “Tất cả những luật Giavê đã viết, chúng tôi sẽ đem ra thi hành” (Xh 24, 3). Ý muốn của Thiên Chúa đã biểu lộ qua thập giới. Đó là giới luật căn bản Thiên Chúa ban cho Israel, một thứ luân lý vừa tầm một dân tộc thô sơ. Mỗi giới răn đều đặt nền tảng trên nhân đức rõ rệt nhất và tự nhiên nhất, đối với Thiên Chúa và tha nhân. Ba giới răn đầu liên quan đến bổn phận đối với Thiên Chúa: sự độc tôn, sự kính trọng và việc dành riêng cho Thiên Chúa một ngày trong tuần. Bảy giới răn sau liên quan đến chính mình và tha nhân.
Để đánh dấu giao ước vừa được ký kết, Môsê cho dựng 12 trụ đá tượng trưng cho 12 chi tộc Israel thành một bàn thờ, sau đó ông rảy máu vật hy tế lên bàn thờ và dân chúng đồng thời đọc: “Đây là máu giao ước Giavê đã ký kết với các ngươi”.
Môsê lại lên núi và ở lại đó 40 đêm ngày để nhận từ tay Thiên Chúa các phiến đá ghi lề luật và các huấn lệnh. Dân chúng chờ đợi lâu, nản chí và quên lề luật mà họ vừa mới hứa tuân giữ. Họ tự tạo cho mình hình tượng con bò con để thờ lạy. Môsê được Thiên Chúa cho biết tội ác của dân và Người nổi cơn thịnh nộ. Môsê giận dân quẳng bể các phiến đá và trở lên núi cầu nguyện xin Thiên Chúa tha thứ. Thiên Chúa nhậm lời ông, tha thứ cho dân và tái lập giao ước.
Tội ác của dân và việc tái lập giao ước mở đầu một cuộc chiến lâu dài qua nhiều thế kỷ: dân chúng thường xuyên bất trung với những cam kết của họ, còn Thiên Chúa thì luôn luôn trung thành với những lời Người đã hứa. Người sai các ngôn sứ đến kêu gọi dân sám hối như người cha luôn luôn sẵng sàng đón nhận đứa con hư hỏng và không ngừng theo đuổi kế hoạch cứu dộ của Người.
b. Khám giao ước, nhà tạm và hy tế.
Giao ước Sinai được cụ thể hóa qua các yếu tố như khám giao ước, nhà tạm và hy tế.
b1. Khám giao ước.
Khám giao ước được tạo ra do lệnh truyền của Thiên Chúa để vừa ghi nhớ giao ước, vừa là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Đây là một khám bằng gỗ keo, dài 2 xích rưỡi, rộng 1 xích rưỡi và cao 1 xích rưỡi, được dát vàng ròng cả trong lẫn ngoài. Bên trong chứa đựng hai bia đá thập giới, có lẽ có ít manna và chiếc gậy của Aharon. Nắp khám làm bằng vàng ròng gọi là nắp xá tội hay bàn xá tội, hai đầu có trang trí hai Kêrubim. Vào ngày lễ xá tội, máu các vật tế sinh được vị thượng tế rảy trên bàn xá tội ấy.
b2. Nhà tạm
Khám giao ước được đặt ngoài trại, trong một cái lều gọi là nhà tạm hay là lều tạm, lều tập họp, trướng tao phùng. Nó được coi như một thứ thánh điện, nơi Thiên Chúa tiếp cận và trò chuyện thân mật với dân Người, là dấu chỉ cứu độ cho dân trên con đường tiến về đất hứa. Khi Môsê ra khỏi trại đi đến lều tạm thì toàn dân đứng lên, mỗi người đứng trước cửa lều mình. Khi Môsê vào lều tạm, cột mây hạ xuống ngay cửa lều và Thiên Chúa đàm đạo với ông.
b3. Hy tế
Có nhiều kiểu hy tế. Có hy tế trong đó toàn thể vật hy tế được thiêu hủy trên bàn thờ, gọi là hy tế toàn thiêu. Có hy tế hiệp thông, trong đó một phần hy tế được thiêu hủy, phần còn lại dành cho các vị tư tế và người dâng lễ để họ chia sẻ với gia đình và bạn bè trong một bữa ăn cộng động. Có hy tế xá tội, trong đó sự rảy máu là một yếu tố nổi bật hơn cả. Cũng có hình thức dâng lễ bằng hoa quả, hương liệu và bánh. Mười hai chiếc bánh được đặt thường xuyên trong lều tạm, tượng trưng sự hiện diện của 12 chi tộc trước mặt Giavê. Vào cuối tuần các tư tế sẽ ăn những chiếc bánh ấy rồi làm lại những bánh khác.
Các lễ tế này có một ý nghĩa sâu xa đối với dân Israel. Chúng được coi như những vật cống hiến cho Đấng có quyền trên muôn vật. Những hy tế hiệp thông nói lên ý nghĩa hiệp nhất. Như những lời giao ước ngày xưa được bảo chứng bằng một bữa ăn cộng đồng, cũng vậy, lời giao ước này, tức là tôn giáo giữa dân riêng với Thiên Chúa được tăng cường bằng một bữa ăn. Hy tế xá tội cho thấy mọi người đều có ước muốn căn bản được đền tội.Tội lỗi là sự lạm dụng các tạo vật, do đó phải được đền bù bằng cách tự ý khước từ một vài quyền sử dụng các vật ấy.
Như thế, giao ước những yếu tố như giới luật nói lên ý muốn Thiên Chúa, khám giao ước nói lên sự hiện diện của Người, lều tạm nói lên sự gặp gỡ thân tình giữa con người với Thiên Chúa và hy lễ nói lên thái độ suy phục của con người đối với Thiên Chúa. Tất cả những yếu tố đó người Israel gọi là giao ước thì chúng ta sẽ gọi là tôn giáo, nếu chúng ta hiểu, tôn giáo là sự ràng buộc giữa Thiên Chúa với dân Người, cũng như giao ước là sự ràng buộc giữa Giavê với dân Israel. Như thế, với việc ký kết giao ước cách long trọng với Thiên Chúa, dân Israel từ một dân tộc đã biến thành một dân thánh, một tôn giáo.
c. Khuôn mặt của lãnh tụ Môsê
Vì Israel vừa là một dân tộc như mọi dân tộc, vừa là dân thánh của Thiên Chúa, nên vai trò lãnh đạo của Môsê không những chỉ nằm trên phương diện chính trị, mà hơn nữa trên phượng diện tôn giáo.
Môsê là nhà giải phóng, là vị cứu tinh, đã góp phần giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ ngoại bang. Đồng thời ông cũng là nhà lập pháp tuyệt vời có công xây dựng nền tảng pháp lý cho quốc gia Israel sau này.
Đối với Thiên Chúa, Môsê là người tôi tớ, là bạn thân mà Thiên Chúa có thể nói chuyện diện đối diện. Mặc dù đức tin của Môsê có lúc bị sa sút, nhưng Thiên Chúa vẫn coi ông là tôi tớ trung thành nhất và đối xử với ông như bạn hữu (Xh 33, 11). Thiên Chúa đã mạc khải tên và ý định của Người cho ông, đã nói chuyện với ông từ trong đám mây và chia sẻ vinh quang của Người cho ông, khiến gương mặt ông cũng rạng ngời ánh sáng (Xh 34, 29-35).
Đối với dân Do thái, Môsê là vị ngôn sứ vô song mà Thiên Chúa dùng để mạc khải luật Người cho dân. Ông là phát ngôn viên của Thiên Chúa. Ông dạy dân sống phù hợp với luật Chúa. Vì sứ mạng ngôn sứ này, Môsê cũng đã chịu rất nhiều đau khổ và là kẻ đứng đầu trong số những tôi tớ Thiên Chúa bị bách hại (Cv 7, 52). Ông trở thành hình ảnh báo trước vị đại ngôn sứ sẽ đến là Đức Kitô.
Ngoài ra Môsê còn là vị trung gian của giao ước, là người bầu cử cho dân. Ông là người duy nhất cùng với Đức Giêsu được Tân ước mệnh danh là đấng trung gian, và do đó ông trở thành tiền ảnh của Đức Kitô, đấng trung gian của giao ước mới hoàn hảo hơn.
Nói chung, qua các tước hiệu: cứu tinh, nhà lập pháp, trung gian và ngôn sứ, Môsê trở thành vị tiền hô và hình ảnh của Đấng Cứu Thế. Môsê bắt đầu thi hành sứ mệnh vào lúc 80 tuổi. Ông đã không vào được đất hứa vì một sự yếu đuối đầy huyền bí, nhưng Thiên Chúa đã cho ông nhìn thấy đất ấy và ông qua đời lúc được 120 tuổi. Và Thánh Kinh viết: “Từ đó trong dân Israel không còn một vị ngôn sứ nào giống như Môsê nữa, ông là người Thiên Chúa biết diện đối diện” (Đnl 34, 10).
4. Tu Viện Thánh Catherine, nơi có di tích Bụi gai bốc cháy.
Xe chạy hơn 3 giờ, băng qua sa mạc mênh mông và núi đá trùng điệp, chỉ có đất đá, khô cằn, lâu lâu mới thấy một bụi gai có màu xanh sự sống. Chúng tôi đến phía nam bán đảo Sinai thuộc vùng Đông Bắc Ai cập. Việc tạo hình những núi đá với màu sắc khác nhau chứng tỏ có những nếp uốn địa chất náo động làm cho khung cảnh của Sinai rất hùng vĩ. Đây cũng là nơi gặp gỡ giữa Phi châu và Á châu.
Sinai là một sa mạc rộng lớn và đáng sợ (Đnl 1,19). Ngày xưa dân Israel đã lưu lạc 40 năm nơi đây rồi mới đến được Đất Hứa. Dưới chân ngọn núi người Ả rập gọi là Djebel Moussa ie.
Từ bãi đậu xe, phải đi bộ gần cây số mới đến Tu viện. Giữa núi đá sừng sững, Tu viện có nhiều vườn cây xanh um, hệ thống nước tưới có lẽ từ các giếng khoan sâu trong lòng đất.
Tu viện thánh Catherine thuộc Chính thống giáo Hy lạp. Đây là một trong những tu viện lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn hoạt động. Tu viện nằm trong lãnh thổ của Giáo Hội Chính Thống tại Sinai. Đây cũng được coi là linh địa của cả ba tôn giáo lớn trên thế giới: Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. Trên núi Sinai, Môisê đã lãnh nhận 10 điều răn.
Vào thời các Hoàng đế Pharaon, những cuộc thám hiểm của người Ai cập khai thác những mỏ đồng và mỏ đá quý lam ngọc. Còn những dấu vết cho thấy một ngôi đền kính nữ thần Hathor được khám phá tại Sirabit el-Kadem tại vùng Sinai.
Khu vực Tu viện được xây dựng kiểu pháo đài theo lệnh của Hoàng đế Justiniano vào giữa những năm 527 đến 565. Một bia đá khắc bằng tiếng Hy lạp cho biết Tu viện này được dâng kính Hoàng đế và Hoàng hậu Theodosia. Địa điểm xây cất nằm trên địa danh “Bụi cây bốc cháy” được đề cập trong Kinh Thánh (Xh, 3). Bụi cây (một loại cây thấp dưới 3 mét) được trình bày như là một cây có gai (còn được gọi là "cây dâu tằm hoang dã"). Chính tại nơi đây Môisê đã nghe tiếng Đức Chúa từ giữa bụi cây bốc cháy mà không bị thiêu rụi. Địa điểm xây dựng là một nơi được coi là khắc nghiệt và theo truyền thống người ta đã đến định cư ở đây ngay từ Thời kỳ Đồ đồng đầu tiên (3.000 năm TCN). Chính vì vậy, nó đã trở thành một linh địa được những người hành hương của cả ba tôn giáo độc thần lớn yêu thích.
Tuy nhiên, hoạt động của Tu viện dường như đã bắt đầu từ rất lâu. Một nhà nữ du khảo tên là Egeria viết bằng tiếng La tinh vào cuối thế kỷ IV cho biết sự hiện diện của rất nhiều tu sĩ trong vùng vào thời kỳ này. Một thế kỷ sau khi những người Kitô hữu đầu tiên trốn cuộc bách hại chạy đến đây. Thánh Gioan Climaque (còn được gọi là Gioan người Sinai) là một tu sĩ nổi tiếng đã sống trong tu viện này. Anastasius người Sinai và là bề trên của tu viện này vào hậu bán của thế kỷ VII.
Vào những năm 630, quân đội Ả Rập Amr ibn al-As, đã chiếm đóng Sinai theo sau đó là cuộc định cư của các bộ lạc từ Ả rập. Những tuyến đường thương mại bị ảnh hưởng mạnh mẽ do hai cuộc chiến tranh Ả Rập-Byzantine đầu tiên. Sinai từ từ không còn người sinh sống, tiến trình này đã bắt đầu xảy ra vào thế kỷ III vào thời chiến tranh giữa người Ba Tư và Byzantine. Chỉ có một ngoại lệ là Tu viện Thánh Catherine vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay và không ngừng là một điểm hội tụ đích thực của Kitô giáo tại Sinai. Hiện nay cộng đoàn có khoảng 40 tu sĩ nam (vào thời Trung cổ có đến 200 tu sĩ).
Vào thời Thập tự chinh lần I, thập tự quân hiện diện ở Sinai năm 1270 nên Kitô giáo tây phương lưu tâm đến địa danh này và làm gia tăng số người hành hương đến tham quan tu viện. Dường như tu viện còn được chính Muhammad bảo vệ vì Tu viện còn có một bản sao tác phẩm mang tên Achtiname, trong đó tiên tri Muhammad được coi như là người bảo vệ và có một ngôi Đền thờ Hồi giáo mang tên Fatimid được xây dựng ở bên trong bức tường thành của tu viện nhưng đã chẳng bao giờ được sử dụng vì ngôi đên này không hướng về Mecca theo truyền thống của Hồi giáo.
Tu viện có tường thành bao quanh như một pháo đài và thuộc quyền tài thẩm của Giáo Hội Chính thống Hy lạp ở Giêrusalem. Trung tâm tu viện có ngôi Nhà thờ Chúa Biến Hình với bức tranh khảm đá nổi tiếng ở lòng giữa nhà thờ. Trước tiên, tu viện được dâng kính cho Đức Trinh Nữ Maria. Sau đó vào thế kỷ IX, được dâng kính cho Thánh nữ Catherine thành Alexandria (một vị thánh tử đạo vào thế kỷ thứ tư), vì vào thời điểm này người ta phát hiện ra thi hài của thánh nữ. Theo truyền thống, thi hài được đặt ở ngọn núi bên cạnh và được các thiên thần và một vị ẩn sĩ khám phá ra và di chuyển thi hài này về tu viện cách lạ lùng. Lòng sùng kính thánh nữ Catherine được lan truyền mạnh mẻ ở phương Tây dưới sự thúc đẩy của các Quận Công vùng Normandie. Từ cuối thế kỷ X trở đi, điều này kéo theo sự hồi sinh các cuộc hành hương của phương Tây đến núi Sinai. Thông thường những khách hành hương đến ở tại Jerusalem. Thời gian đến nghỉ tại tu viện được giới hạn từ ba đến bốn ngày, và khách hành hương được các tu sĩ tiếp đón và phục vụ
Thư viện của tu viện có những thủ bản Kinh thánh rất cổ xưa (trước năm 1000). Đây là bộ sưu tập lớn thứ hai trên thế giới sau thư viện Vatican (Codex Vaticanus). Vào tháng 5 năm 1984, Konstantin von Tischendorf đến tu viện để nghiên cứu và ông đã khám phá ra bộ văn bản tiếng chuyên môn gọi là Codex Sinaiticus có niên hiệu từ thế kỷ IV. Đây được coi như là bộ sưu tập thủ bản Kinh thánh cổ xưa và đầy đủ nhất. Hiện nay Codex Sinaiticus đang này trong thư viện quốc gia của Anh quốc tại Luân đôn. Tu viện còn chứa hơn 3.500 đầu sách bằng các thứ tiếng: Hy Lạp, Coptic, Ả Rập, Armeni, Do Thái, Gruzia, Syria. Trong số đó có một quyển Kinh thánh từ thế kỷ VI.
Tu viện sở hữu một bộ sưu tập rất lớn những bức tranh khảm đá, những bức ảnh thánh của Hy Lạp và Liên xô, các chén thánh và các hòm thánh tích.
Bức tranh khảm đá về biến cố Hiển dung ở lòng giữa Nhà thờ là một trong những bức tranh khảm đá thuộc trường phái Byzantine nổi tiếng nhất.
Tu viện là một trong những bảo tàng nghệ thuật tranh ghép cùng các biểu tượng nghệ thuật lớn trên thế giới với những tác phẩm (120 tác phẩm) được vẽ bằng chất liệu sơn dầu có niên đại từ thế kỷ thứ 5, 6 mang phong cách Nghệ thuật của các cuộc Thập tự chinh.
Tu viện này thuộc danh sách các di sản thế giới của Unesco từ năm 2002.
Vì đây là một khu du lịch và hành hương rất nổi tiếng trên thế giới nên Ai cập đã xây một sân bay quốc tế tại vùng này.
5. Núi Sinai
Từ Tu viện Cathreine, một giờ chiều trời nắng như đổ lửa, không một gợn gió, đoàn chúng tôi một số đi bộ, một số đi lạc đà leo lên núi Sinai (25usd mỗi người một lạc đà đi vòng lên, và vòng xuống giảm còn 10usd). Những thanh niên và thiếu niên dẫn đường, mỗi người đi trước dắt theo 3-4 lạc đà. Hơn 5km đường lên dốc theo hình zic zắc, đá lởm chởm, đường nhỏ hẹp chênh vênh bên vách núi bên vực thẳm, ngồi trên lưng lạc đà mà cứ sợ nó trượt chân e rơi xuộng vực sâu! Có nhiều trạm dừng của khách bộ hành, còn lạc đà thì đi suốt. Đến trạm cuối chúng tôi phải xuống lạc đà để cuốc bộ leo núi. Có cậy gậy chống đỡ, hơn một giờ mệt nhoài lần lượt từng người cũng lên tới đỉnh núi. Bà Cố cha Lộc đã ngoài 70 cũng vừa lên tới, mọi người vỗ tay chúc mừng.Trên đỉnh núi Sinai có hai nhà nguyện nhỏ, Nhà nguyện Công Giáo thời Byzantine và Đền thờ Chính thống giáo ở kế cận nhau. Từ đỉnh núi phóng tầm mắt chung quanh, trùng điệp núi non chập chùng. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì đã chinh phục được đỉnh núi Sinai, lên tận nơi mà hơn 3.000 năm trước ông Môsê đã gặp gỡ Thiên Chúa “diện đối diện”. Chúng tôi cầu nguyện từ đoạn sách Xuất hành chương 19, hát những Thánh vịnh chúc tụng, mọi người chụp nhiều hình lưu niệm vì đây là dịp “ngàn năm một thưở”, khó đi lần thứ hai. Nếu biển gợi lên cái gì mênh mông bao la thì núi gợi lên cho chúng tôi cái gì cao cả hùng vĩ. Trong nhiều tôn giáo, núi là biểu tượng cho sự uy nghi hùng vĩ, sự cao cả. Núi được coi như nơi ngự trị thích hợp cho thần thánh. Do đó nhiều đền chùa được xây trên núi cao mời gọi con người hướng thượng. Người Việt Nam coi núi như biểu tượng của cha, nước như biểu tượng của mẹ: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Kinh Thánh nói khá nhiều đến núi. Sion là ngọn Núi Thánh được nói đến nhiều hơn cả. Trong Thánh Kinh, núi thường được xem là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa thần linh và con người. Những mạc khải quan trọng trong Thánh Kinh đều diễn ra trên núi. Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai để gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận Lề Luật cho dân riêng. Êlia đã ròng rã 40 ngày đêm lên núi Khoreb để gặp gỡ Chúa. Núi là nơi Đức Giêsu cầu nguyện (Lc 6,12;9,28), nơi Đức Giêsu công bố Hiến Chương Nước Trời (Mt 5,1), nơi Đức Giêsu biến hình (Mt 17,1; Mc 9,2; Lc 9,28). Núi còn là nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh (Mt 27,33; Mc 15,22; Lc 23,33) và là nơi Người từ giã các môn đệ để về Trời (Mt 28,16).
Sách Xuất chương 19 kể rằng: Tháng thứ ba kể từ khi ra khỏi đất Ai cập, chính ngày đó con cái Ísraen tới sa mạc Sinai. Họ đã nhổ trại rời Rơphiđim tới sa mạc Sinai, và dựng trại trong sa mạc. Ísraen đóng trại ở đó, đối diện với núi…Ông Môsê lên gặp Thiên Chúa. Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ. Ông Môsê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi.18 Cả núi Sinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Môsê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. Đức Chúa ngự xuống trên núi Sinai, trên đỉnh núi. Người gọi ông Môsê lên đỉnh núi, và ông đi lên.
Có ba chân dung chính của ông Môsê trong bộ Ngũ Thư. Đầu tiên là việc ông sinh ra (Xh 1,15-2,22), được con gái của vua Pharao cứu thoát và nuôi dưỡng trong triều đình. Cuộc chạy trốn vào sa mạc vùng Midian nơi xảy ra cuộc gặp gỡ bí ẩn tại bụi gai rực cháy (Xh 3,1-12). Chính tại đây ông nhận nhiệm vụ giải thoát đồng bào Do thái, được mạc khải tên gọi đặc biệt của Thiên Chúa là Yahweh, ‘Ta là đấng Ta là’. Tên tuổi Môsê luôn đi với truyền thống gắn liền cuộc Xuất Hành, Giao Ước trên núi Sinai, và việc ban hành Mười Điều Răn. Ông đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, là ngôn sứ, tư tế, thẩm phán, nhà giải phóng và nhà lập pháp. Ông cũng được ghi nhớ là người can thiệp, mục tử, người chữa bệnh, người làm phép lạ. Môsê không chỉ góp phần khai sinh dân Israel, mà trong ông, dân Israel thực sự trở thành dân được chọn.
Dựa trên Kinh Thánh và truyền thống dân Chúa, khuôn mặt của Môsê nổi bật như một người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa; đồng thời như một vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót thương, tuyệt đối liên đới với dân Chúa. Hai tâm tình này đã chi phối hoàn toàn con người Môsê, đã giằng co xâu xé con người ông đến độ ông muốn sống trọn vẹn cùng một lúc cả hai tâm tình mà bên ngoài xem ra như mâu thuẩn, không thể hoà hợp với nhau. “Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!”. Có lẽ đó là lời tóm tắt đời sống và sứ vụ của Môsê; và có lẽ cũng qua lời đó, Môsê phơi bày con người chân thật của mình trước mặt Thiên Chúa, khi ông dừng chân bên ngưỡng cửa Hứa Địa và nằm xuống đó. Trên cương vị tư tế, Môsê đã thay cho dân đối với Thiên Chúa và trình việc của dân lên Thiên Chúa (Xh 18,19). Ông đàm đạo và nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Trướng tao phùng (Xh 33,9); ông thể hiện vai trò trung gian của vị tư tế, môi giới giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6-8); ông còn chọn Aharon và con cái Aharon để sung vào chức tư tế (Xh 28,1), cũng như thay mặt Thiên Chúa để tác thành họ (Xh 29,1-46). Chính việc tiếp xúc thường xuyên với lãnh vực thánh đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến độ Kinh Thánh đã không ngần ngại gọi ông là ‘’người của Thiên Chúa’’ (Tl 33,1; Yôs 14,6). Ngay trong lúc ông được sống bên cạnh, thân mật với Thiên Chúa, tâm trí ông lại hướng về dân Chúa. Môsê đã đau khổ cùng dân Chúa và cho dân Chúa! Môsê đã chết với dân Chúa và cho dân Chúa! Khuôn mặt và đời sống của Môsê đã in đậm nét trong lịch sử dân Chúa. Môsê luôn luôn đứng lên bênh đỡ, cầu bàu cho dân trước mặt Thiên Chúa.
Chính tại núi Sinai, dân Israel được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập, đã được giao ước với Thiên Chúa. Việc thờ phượng Ngài được thiết lập thành một tôn giáo quốc gia. Đây không phải là một thứ giao kết giữa hai phía bình đẳng với nhau. Thiên Chúa, do lòng khoan hậu, mà ban giao ước cho dân Israel, và tự đặt ra cho họ những điều kiện phải tuân theo. Do đó, Giao Ước Sinai mang một sắc thái đặc biệt, bày tỏ một phương tiện chính yếu trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa.
Ngay từ biến cố "bụi gai bốc cháy", Thiên Chúa đã cho Môsê biết Danh Ngài cùng với ý định giải thoát con cái Israel, để đưa họ về đất Canaan (Xh 3,7-10, 16) …, vì Israel "là dân của Ngài" (3,10). Cuộc Xuất Hành cho thấy Thiên Chúa đang thực hiện ý định đó. Kế đến, Thiên Chúa cho biết ý định giao ước: "Nếu các ngươi quyết tâm nghe tiếng Ta mà giữ giao ước của Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta giữa các dân hết thảy, vì toàn cõi đất đều là của Ta. Còn các ngươi, các ngươi sẽ làm một vương quốc tư tế cho Ta, một dân thánh " (Xh 19, 5).
Khi ban giao ước và những lời hứa kèm theo cho dân Israel, Thiên Chúa cũng đặt ra những điều kiện mà Israel phải thi hành. Sách Ngũ Kinh cho biết nhiều điều khoản làm thành Lề Luật cho dân Israel. Điều khoản quan trọng nhất là: Israel phải tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi, không được thờ bất cứ thần nào khác (Xh 20,3). Israel phải tuân giữ mọi điều Thiên Chúa bảo: "Môsê triệu tập các kỳ mục của dân và trình bày trước mặt họ tất cả những lời lẽ Thiên Chúa đã truyền cho ông. Toàn dân cùng nhau đáp lại và thưa: tất cả những gì Thiên Chúa đã phán bảo, chúng tôi sẽ làm theo" (Xh 19,7). Đây là một sự cam kết long trọng, quan hệ đến vận mệnh lịch sử của dân Israel. Dân Thiên Chúa đứng trước một sự lựa chọn dứt khoát và quyết liệt: nghe lời Thiên Chúa, thì được Ngài chúc lành; còn không nghe, thì phải chuốc lấy tai họa (Xh 23,20-33; Tl 28; Lv 26).
Giao Ước tại Sinai mạc khải cách dứt khoát một phương diện chính yếu của chương trình cứu độ: Thiên Chúa đã muốn liên lạc với loài người, và thiết lập thành một cộng đoàn phục vụ Ngài, sống dưới Luật chính Ngài ban hành, để mang niềm hy vọng, do lời hứa của Ngài, truyền sang cho các thế hệ. Đó là giai đoạn đầu của chương trình cứu độ. Chương trình được thực hiện, nhưng mang tính cách hạn hẹp, vì xem ra lệ thuộc vào vận mạng lịch sử của dân tộc Israel; sự cứu độ có thể bị hiểu là do công trạng của loài người hơn là do hồng ân của Thiên Chúa. Đàng khác, khuôn khổ một dân tộc không phù hợp với tính cách phổ quát của chương trình cứu độ, đã được đề cao nhiều lần. Sau cùng, đối tượng của những lời hứa còn thiên về hạnh phúc trần thế, cho nên sắc thái tôn giáo độc đáo của Giao Ước Sinai không được rõ ràng, tức là thiết lập Nước Thiên Chúa trong dân Israel, để rồi, qua trung gian Israel mà lan rộng khắp địa cầu. Tuy nhiên, Giao Ước Sinai là chặng đầu của chương trình cứu độ, làm nòng cốt cho Mặc khải mai sau. Mà chính một người con cái Israel là Chúa Cứu Thế sẽ hoàn thành viên mãn Giao Ước Sinai, bằng một Giao Ước Mới, Giao Ước Vĩnh Cửu.
Lên núi Sinai là một hành trình ghi đậm dấu ấn không phôi phai trong tâm trí mỗi người chúng tôi. Lên núi là một việc làm đòi hỏi nhiều cố gắng. Đó không phải là cuộc dạo chơi nhàn hạ. Nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng, khéo léo, can đảm. Càng lên cao càng có ánh sáng. Muốn có ánh sáng phải lên cao. Lên cao thì vất vả. Lắm lúc đụng phải sướn sốc cheo leo, đá sắc trơn trượt. Nhưng đổi lại, lên đỉnh núi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái an hoà với đất trời bao la.
Trời đã về chiều, chúng tôi xuống núi, ai cũng quyết tâm đi bộ, vừa đi vừa vui vẻ kể chuyện nên con đường dài như ngắn lại. Về khách sạn Sinai cách Tu viện Catherine khoảng 2km, chúng tôi nghỉ ngơi chuẩn bị hành trình đi Taba qua biên giới Israel để đến Đất Thánh.