Ý NGHĨA CỦA MỘT CHỮ KÝ

Từ dễ chịu đến dễ chịu

Năm nay ở Sài Gòn mùa mưa bắt đầu khá sớm, lại vào lúc ai cũng bị ám ảnh bởi con ma cúp điện. Không khí đang oi bức, ngột ngạt, bỗng trở nên dễ chịu hẳn ra. Trước đó không bao lâu, lại xảy ra một chuyện “dễ chịu” khác.

Đó là ngày 18-04 trang mạng Nữ Vương Công Lý đưa tin : đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, giám mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Uỷ Ban Công Lý – Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã ký tên vào kiến nghị trả lại tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Bản tin ghi rõ là tên đức cha Hợp ở trong danh sách đợt 2 (chứ không phải đợt 1), chắc hẳn là trước khi đặt bút ký, ngài đã phải đắn đo, suy nghĩ, thậm chí hỏi ý kiến. Điều đáng chú ý là các lời bình tiếp theo sau bản tin : Chỉ trong 3 ngày đã có tới 48 lời bình, tất cả đều cho thấy những người đọc đã mừng vui, phấn khởi đến mức nào : “Tin vui trong tuần thánh”, “Thật là tuyệt vời”, “Chớ gì các giám mục đều ký”, “Vô cùng khâm phục”, “Thật là kỳ diệu”…
Sức mạnh của tập thể

Tuy những người chủ trương kiến nghị là các nhà khoa học của mạng bauxite, đứng đầu là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, và đức cha Hợp cũng như bao người khác, chỉ “ăn theo” thôi (lại vào đợt 2), nhưng chỉ một chữ ký của ngài cũng khiến cho bao nhiêu người nức lòng phấn khởi ! Bản thân đức cha Hợp hẳn không quên rằng chỉ cách đây mấy tháng, hồi nổ ra vụ Cồn Dầu, ngài đã gửi văn thư cho Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng, nhưng không được hồi âm, cho dù ngài gửi với tư cách Chủ tịch Uỷ Ban Công Lý – Hoà Bình của HĐGM/VN. Kinh nghiệm đó cho thấy chức danh tự nó chẳng có gì ghê gớm cả. Và chuyện này, các chức sắc của HĐGM/VN biết rõ hơn ai hết : suốt bao nhiêu năm trường, bao nhiêu văn thư, bao nhiêu kiến nghị được gửi đến các cơ quan nhà nước, đã bị đối xử như thế nào ! Nay chấp nhận cùng đứng với một tập thể, tiếng nói chung có một sức mạnh khác. Có người đã nói rất đúng : phải chi không chỉ một mình đức giám mục Vinh, nhưng tất cả các giám mục cùng ký tên, cùng lên tiếng, thì tiếng nói chung còn mạnh tới mức nào, vì đằng sau các ngài là bảy tám triệu dân Công Giáo.
Đằng sau bản kiến nghị

Bản kiến nghị đòi huỷ bỏ bán án cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một hành độngđấu tranh cho công lý. Bất cứ người có lương tri nào cũng thấy : đó là một bản án bất công. Khác với luật sư Lê Quốc Quân, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không phải là một tín hữu Công Giáo, càng không phải là một thành viên của Uỷ Ban Công Lý – Hoà Bình của HĐGM/VN do đức cha Nguyễn Thái Hợp làm Chủ tịch. Thế nhưng đức cha Hợp vẫn ký vào bản kiến nghị ủng hộ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là vì đằng sau tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là cả một cuộc đấu tranh

– cho người nghèo qua việc văn phòng mang tên ông sẵn sàng đứng ra bênh vực các giáo dân Cồn Dầu, cho dù sau đó nhà nước không chấp nhận,

– cho tự do dân chủ qua yêu cầu xoá bỏ điều 4 hiến pháp,

– cho môi sinh, cho toàn vẹn lãnh thổ qua việc kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép Trung Quốc vào khai thác quặng bauxite Tây Nguyên…
Ý nghĩa lớn của một việc nhỏ

Thế thì ký vào kiến nghị yêu cầu trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tuy chỉ là một hành vi nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa lớn. Từ bao nhiêu năm nay, nguyên tắc “không làm chính trị” vẫn ám ảnh các giám mục Việt Nam, cộng thêm với nỗi sợ hãi đã ăn vào máu thịt của bất cứ ai sống dưới một chế độ độc tài, tàn ác. Hậu quả là các ngài đã ngậm miệng làm thinh trước những vấn đề xã hội như áp bức, bất công, hay ngay đến sự tồn vong của dân tộc. Nay nếu đã đến lúc khám phá ra rằng cái tự do tôn giáo mà các ngài có bổn phận phải kiếm tìm (chưa nói đến đấu tranh) không thể nằm khơi khơi một mình, tách biệt với mọi thứ tự do khác, thì việc chung tiếng nói, chung sức chung lòng với bất cứ ai thành tâm thiện chí, để đấu tranh cho công lý, cho tự do dân chủ, cho môi sinh, cho toàn vẹn lãnh thổ là một việc làm thích đáng, cho dù chậm trễ. Và qua việc luật sư Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn được trả tự do, đức cha Hợp cũng như bất cứ ai, đều hiểu ra rằng nếu không có các buổi cầu nguyện tại nhiều nơi và đang lan rộng ra khắp nước, thì bao nhiêu văn thư, bao nhiêu cuộc đối thoại với chính quyền, cũng chẳng đi tới đâu.
Một luồng gió mới

Điều không thể chối cãi là trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, phiên xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã tạo nên một bầu khí mới, đánh dấu một giai đoạn mới, liên kết nhiều thành phần xã hội khác nhau. Và việc bắt giữ trái phép một số người, trong đó có luật sư Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã đưa đến chỗ “già néo đứt dây”, đưa đến các buổi tổ chức cầu nguyện hàng loạt khắp nơi để cuối cùng hai “phạm nhân” được thả ra không kèn không trống. Trong thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Thái Hà, hình ảnh các gia đình tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn như một lời mời gọi tha thiết : đã đến lúc mọi công dân Việt Nam, thuộc mọi giai tầng xã hội, thuộc mọi tôn giáo phải cùng nhau đấu tranh ôn hoà cho nhân quyền, cho tự do dân chủ, cho toàn vẹn lãnh thổ. Hoạ mất nước đang lù lù trước mắt. Người dân Việt Nam đang trở thành xa lạ ngay trên đất nước của mình. Thế thì kiến nghị trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ chính là cơ hội cho mọi người Việt Nam cùng cất tiếng nói : Luật pháp không thể tiếp tục bị coi thường, công lý không thể bị chà đạp cách thô bạo. Tiếng nói của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không chỉ là tiếng nói của một nhà trí thức, của một luật gia, một công dân yêu nước, nhưng là tiếng nói của mọi người Việt nam yêu tự do, yêu độc lập, yêu hoà bình.
Kết luận

Đã có biết bao nhiêu lời kêu gọi, bao nhiêu lời tuyên bố chẳng có bao nhiêu tác dụng, nhưng chỉ một chữ ký thôi cũng đã gây phấn khởi cho bao người, đúng như lời Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI : “Con người thời nay không cần thầy dạy, nhưng cần nhân chứng”. Xin được kết thúc với lời bình của ai đó sau khi đọc thông tin về việc đức cha Hợp ký tên vào kiến nghị trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ : “Chớ gì các giám mục đều ký !”

Sài Gòn, ngày 21 tháng 04 năm 2011
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm