KHE ĐÁ MÀI



Lê Liêm cho biết trước khi nghĩ đến việc hồi chánh, hắn đã đi ngang qua vùng núi này. Những gì hắn nhìn thấy tại nơi ấy là động lực thúc đẩy cho việc hồi chánh. Khi đi ngang qua thung lũng cũng là nơi có một con suối chảy ngang, Liêm nhìn thấy hàng trăm bộ xương người, nằm dài hai bên con suối và nằm cả dưới con suối. Nhớ lại những câu chuyện được kể, và quá hãi hùng về việc nhìn thấy hàng trăm các bộ xương nạn nhân bị cộng sản giết hại, Liêm bỏ chạy. Vài ngày sau, Liêm ra đầu thú chính quyền.
Liêm cho biết vị trí này nằm giữa hai ngọn đồi Kim Kê và Hòn Chuối, nơi này nằm gần ngay đầu con suối. Dân địa phương gọi là Khe Đá Mài, vì có những hòn đá dùng cho việc mài dao, nơi này địa hình rất khó tìm.
Ngày 21 tháng 9 năm 1969, Liêm cùng các viên chức tỉnh và quận đáp trực thăng bay quanh nơi mà Liêm nhìn thấy hàng trăm bộ xương người. Liêm chỉ cho họ thấy vị trí. Vì phải cần hết nửa ngày cho việc leo lên trên ngọn núi, và vì khu vực này không có an ninh nên chính quyền địa phương phải nhờ đến sự giúp đỡ của quân đội.
Ngày 22 tháng 9, một đơn vị Công Binh Hoa Kỳ được trực thăng thuộc Sư Đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ mang đến vùng này. Tại đây họ dùng chất nổ để khai phá một vùng rộng lớn và đốn ngã các cây cối chung quanh để làm một bãi đáp trực thăng, và làm một nơi làm việc tạm thời cho việc thu hồi các bộ xương nạn nhân của cộng sản. Với các toán quân Việt Mỹ giữ an ninh chung quanh , những toán tình nguyện thu hồi và chôn cất các nạn nhân cộng sản bắt đầu đáp xuống nơi này vào lúc 10 giờ 30 sáng, khung cảnh nơi này được viết lại trong một bản báo cáo như sau:
Một vùng đầy các bụi gai được dọn dẹp để lấy chỗ cho các nhân viên tình nguyện xuống dưới lòng con suối, nhiều dấu hiệu cho thấy sự chết đầy dẫy chung quanh vùng núi hẻo lánh này. Khi vừa đặt chân xuống con suối, bạn sẽ nhìn thấy xương người nằm đầy, đủ các loại xương nằm rải rác khắp nơi. Khi đi ngược lên trên thượng nguồn, cách chừng bốn trăm thước, bạn sẽ thấy sọ người đầy chung quanh, nhiều sọ bị bể nát, những cái khác thì còn nguyên vẹn.
Hai mươi người tình nguyện bắt tay vào việc ngay tức khắc, xương tay và xương chân được bỏ vào các bao ni-lông và bao nhựa, những cái sọ được gói kỹ và bỏ vào những cái thúng. Sau hai giờ làm việc, những mảnh xương nhỏ nổi trên mặt nước được thu hồi, những vật dụng cá nhân còn nằm chung quanh cũng được nhặt giữ lại, những mảnh áo quần, giầy dép, dây chuyền, thẻ căn cước được gom chung lại một chỗ và mang về. Những vật dụng này sẽ được giao trả lại cho thân nhân các nạn nhân xấu số này.
Khi đi xuống một chỗ có dòng nước xoáy, người ta nhìn thấy có cả trăm cái sọ, có lẽ đây là nơi mà cả trăm nạn nhân bị giết cùng một lúc. Có nhiều chỗ khác các mảnh xương bị nước cuốn trôi đi, rồi nằm kẹt giữa các rễ cây. Có nhiều sọ còn trắng, nhiều sọ khác biến sang màu xanh lá cây đậm. Khi một sợi dây điện thoại được kéo lên, nó mang theo cả xương từ những ngón tay của nạn nhân bị trói chặt vào nhau. Khi dòng nước chảy mạnh, nó cuốn theo cả nhóm xương.
Trong ngày đầu tiên, có hơn 150 xương sọ được tìm thấy, khoảng gần 100 cái còn nguyên vẹn, những sọ khác thì bị bể nát. Sau khi xem xét, những sọ này một số bị đạn bắn, số khác lại bị vết dao đâm hay các vật nhọn khác. Sau sáu giờ làm việc vất vả, mọi người thu dọn và mang hài cốt các nạn nhân về.
Ngày hôm sau, 23 tháng Chín, thêm nhiều toán tình nguyện khác được trực thăng mang đến. Đến 2 giờ chiều, công việc được hoàn tất, hơn 500 hài cốt các nạn nhân được tìm thấy, các vật dụng cá nhân và xương cốt được mang về trường tiểu học Bằng Lăng thuộc quận Nam Hòa. Tại nơi đây, những thân nhân các nạn nhân bị mất tích đã hơn một năm nay từ chung quanh Huế đã đổ xô đến để nhận diện các vật dụng còn sót lại của các nạn nhân.
Nhà báo John E. Woodruff viết bài cho tờ The Baltimore Sun vào ngày 11 tháng 10 diễn tả quang cảnh quanh trường Bằng Lăng:
Gần ba tuần nay, dân chúng vùng Phủ Cam đổ xô đến một trường học thuộc quận Nam Hòa. Tại trường này, trong một phòng học, tất cả các xương cốt được xếp đặt ngay ngắn trên các kệ dài. Bên phòng kế cạnh, những vật dụng cá nhân, áo quần của nạn nhân được chất đống giữa phòng.
Hầu như mọi người đều vào căn phòng thứ nhì, hy vọng được tìm thấy một mảnh vải nhỏ của người thân để chấm dứt những suy nghĩ và những hy vọng trong hơn một năm rưỡi nay. Nếu họ nhận diện được một đồ vật của người thân (492 người tính đến buổi sáng hôm nay), họ sẽ bước qua phòng đầu tiên, đến cái bàn thờ gần ngay cửa chính cho đạo Phật, những người đạo Thiên Chúa Giáo thì vào cái bàn thờ nằm cuối phòng, rồi họ quỳ gối mặt hướng về xương cốt các nạn nhân. 250 cái sọ còn nguyên vẹn, được xếp ngay ngắn trên cái kệ ba hàng dài, trước những cái sọ là xương tay và xương chân được sắp xếp ngay hàng, chất cao như những bó củi, những cái lư hương chứa đầy nhang, những tấm hình nạn nhân, những vật kỷ niệm được đặt trước kệ xương, biến nơi hãi hùng này thành một nơi thờ kính to lớn của gia đình.
Bên ngoài sân, đàn ông, đàn bà, trẻ em mặt toàn đồ trắng, đồ tang của người Việt, họ di chuyển chung quanh bên dưới tấm biểu ngữ “Cái gọi là quân đội giải phóng phải trả lời như thế nào cho đống mộ xương kia?”
Trong lần phát thanh vào mùa Xuân năm trước, sau khi hơn 800 thân xác các nạn nhân được tìm thấy trong nhiều mộ tập thể quanh Huế, cộng sản cho biết những người chết này là “bọn côn đồ vô lại”, những tên đã bị dẫn đi khỏi Huế này là những kẻ có nợ máu với quân đội Bắc Việt. Trong sân trường, ngày hôm qua, một người phụ nữ quỳ và khóc trước hai tấm hình hai người con trai còn trong tuổi vị thành niên của bà, bên cạnh hai tấm hình này là một tấm hình bé trai, con của một gia đình khác, chắc chắn dưới 10 tuổi. Dầu thế nào đi nữa, những đứa bé trai này đã xài “nợ máu”, “nợ máu” nay đã được trả.
The Massacre of Hue