Không gian trầm lắng… Đôi mắt hiu hắt nhìn xa xăm, cha bắt đầu kể. Cứ thế, dưới cái nắng nhạt đầu hè và thoang thoảng hương gió sớm, tôi ngồi bên cha để nghe ngài kể, để xem ngài vẽ. Những lời kể, những nét vẽ run run nhưng rất chuẩn xác. Cuộc đời Đức cha Đa minh Đinh Huy Quảng hiện lên rõ nét và chiếm lĩnh hoàn toàn những suy gẫm của tôi.
Điểm xuyết cuộc đời…
Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1921, tại làng Tử Nê, Đức cha Quảng (mọi người quen gọi là cha chính Quảng) là một người chăm chỉ, đạo đức, hiền lành và thánh thiện. Ngài từng là chủng sinh xuất sắc tại đại chủng viện Thánh Tô-ma ở Nam Định. Năm 1939, Ngài được cử đi du học tại Roma cùng với thầy Xuân. Song le, Thế Chiến thứ II xảy ra nên việc đi học của Ngài không thực hiện được.
Vào năm 1945, ngài tốt nghiệp khóa đào tạo và được thụ phong linh mục vào ngày 21 tháng 12. Sau đó, cha Đa minh Quảng đã được đi thụ huấn luyện Hướng đạo sinh cùng với 9 thầy khác. Vậy nên, cha Quảng luôn có tác phong của một hướng đạo sinh. Ngài rất năng động và luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường với chiếc ba lô nhiều ngăn cùng những vật dụng cần thiết.
Sau khi chịu chức, ngài được cử đi làm phó xứ Thái Nguyên. Với chiếc ba lô trên vai, ngài đi bộ từ giáo xứ Tháp Dương lên Phượng Mao rồi từ đó đi Bỉ Nội; từ Bỉ Nội ngài về Nhã Lộng và lên Thái Nguyên. Vì máy bay trinh thám luôn rà soát và xả súng bất cứ lúc nào nên ngài phải đi đêm còn ngày nghỉ. Nhiều khi, trời đổ mưa để thử lòng vị mục tử. Khi đó, cha phải đội chiếc chăn bông lên đầu để tránh mưa. Và thời gian ngài đi ngủ cũng là lúc hong khô áo quần để tiếp tục cho bước chân tiếp theo.
Cha Đa – minh làm phó xứ được 6 tháng thì bị bắt đi tù 9 năm do bị vu khống trong một vụ án được Việt Minh dàn dựng. Trong điều kiện khó khăn về vật chất cũng như tinh thần ở nhà tù Cộng sản, những bông hoa nhân đức của ngài lại đua nở. Khi đi lao động, ngài bắt được con cua và đem đi nướng để ăn. Nhưng ngài không để cho mình mà đem tặng một sĩ quan Pháp. Viên sĩ quan người Pháp cảm phục và nói: “Je tiens à remercier chaleureusement M.” (Nghĩa là: tôi cảm ơn cha. Tôi cảm ơn cha với tất cả lòng thành của tôi!”. Lần thứ hai, ngài tặng anh một tổ chuột bao tử. Anh ta nuốt chửng từng con và tỏ ra thái độ vui mừng và biết ơn như lần trước. Tình thương và sự sẻ chia của ngài không có cái biên giới.
Sau hiệp định Genève, hai miền Bắc Nam bị phân chia. Cha Đa-minh Quảng được thả tù. Ngài cũng muốn di cư vào miền Nam cùng với hơn một triệu đồng bào năm đó. Tuy nhiên, ngài đã nghe theo lời khuyên của Đức Cha Đa -minh Hoàng Văn Đoàn. Sau đó, ngài nhận bài sai làm chính xứ Thiết Nham rồi chính xứ Chính tòa.
Sau đấy, Đức cha Đa-minh Hoàng Văn Đoàn đi chữa bệnh bên Hồng Kong và không thể trở về được nữa. Trong suốt thời gian 1955-1963, ngài phải tổ chức các lớp chủng sinh hơn 50 người và lo lắng từ vật chất đếnt tinh thần. Ngài đã thuê hai giáo viên về TGM để dạy văn hóa. Đức giám quản Phê-rô Khuất Văn Tạo ở xa (Hải Phòng); mỗi khi có việc gì cần xin ý kiến trực tiếp, ngài lại đi Tử Đình để phục vụ giáo dân rồi lên tàu đi Hải Phòng. Có một lần, ngài bị Công an tạm giữ trong ba ngày rồi mới được thả về.
Trong mỗi chủng sinh, cha Đa-minh như một người cha, người thầy mẫu mực. Ngài tổ chức các giờ lao động, giờ làm việc và nghỉ ngơi rất khoa học. Ngài cũng cùng mọi người tham gia lao động. Có thể là bổ củi, làm rau, làm vườn và lau nhà… Trong con người vị mục tử ấy, chẳng có công việc gì là tầm thường. Tất cả đều trở thành phi thường khi ta làm vì yêu mến. Phải chăng đó là lý do ngài chọn câu khẩu hiệu Giám mục: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).
“Vị Giám mục chui”
Mãi tới năm 1963, Giáo phận Bắc Ninh mới có Đức cha Phao-lô Phạm Đình Tụng về coi sóc. Các ngài cộng tác với nhau để xây dựng giáo phận. Cha Quảng là trợ tá đắc lực của Đức Cha Phao-lô trong việc mục vụ giáo xứ, giáo phận. Sau biến cố thống nhất năm 1975, chính quyền Cộng sản đã nắm giữ toàn quyền trên dải đất chữ S. Với quyền lực trong tay, họ gia tăng cấm bách và triệt hạ tôn giáo. Khi ấy, sức khỏe của Đức cha Phao – lô bị giảm sút. Chính quyền nghi rằng cha Đa-minh sẽ làm Giám mục thay Đức cha Phao –lô. Vậy nên, họ tìm cách quản chế ngài.
Ngài thường xuyên bị công an gọi lên, sáng đi, chiều về. Chiều ngày mồng 4 tháng 5 năm 1975, ngài trở về với nét mặt đăm chiêu, đôi mắt thì có vẻ như đang muốn ghi lại cảnh vật nơi nhà Chung TGM. Sau bữa cơm chiều hôm ấy, Đức cha Phao – lô Phạm Đình Tụng và ngài trao đổi với nhau nhiều chuyện trong phòng. Tuy nhiên, đó là chuyện gì thì không ai hay.
Đêm mồng 4 tháng 5 năm 1975, vào 23g30 phút, Đức cha Tụng đã đánh thức cha Can để sang dự lễ tấn phong Giám mục cho cha Đa-minh Đinh Huy Quảng. Với giọng đọc thều thào, Đức cha Phao-lô chất vấn vị thụ phong bằng tiếng Latin. Giọng của vị chủ phong càng yếu ớt bao nhiêu thì lời đáp của người được tấn phong ngược lại bấy nhiêu. Cha Đa-minh khi ấy trả lời rành rọt từng câu một. Câu nói của ngài đầy xác quyết và âm vang trong căn phòng chật chỉ 8m2. Có thể nói, đây là một lễ tấn phong Giám mục “có một không nhiều”. Không kèn, không hát, không hoa, không tiệc và không nhiều thứ khác . Thánh lễ diễn ra trong vỏn vẹn nửa tiếng đồng hồ và có vị chủ phong, thụ phong cùng người làm chứng là cha Giu-se Trần Đăng Can. Khi đó, cha Can mới được truyền chức một năm.
Thánh lễ đơn giản nhưng đầy xúc cảm lẫn lộn. Không gian tối đen và tĩnh lặng bên ngoài khuôn viên như chìm lại. Cảnh vật như tìm chỗ nhường sân cho người cha đầy đức hạnh và giản dị. Ngài – Đức cha Đa-minh đã đón nhận tất cả khó khăn, thiếu thốn trong tin yêu và hy vọng. Ngài vui vẻ chấp nhận mọi sự mà Thiên Chúa giao phó cho ngài qua việc phục vụ mảnh đất Kinh Bắc thời hậu chiến với thách thức mới. Không chút do dự nhưng đầy xác quyết, ngài đã chèo lái đức tin giáo phận với một đức mến không rời.
Gian khó như một hồng ân mà Thiên Chúa trao gửi con người . Ngay sau ngày hôm sau, ngày mồng 5 tháng 5 năm 1975, trong lúc đang ăn sáng, công an viên đã lên gác hai để yêu cầu ngài đi nơi khác. Sau đó, ngài bị quản chế tại giáo xứ Đại Lãm 15 năm và an nghỉ tại đó. Phần mộ của ngài rất đơn sơ. Khi mở niêm phong phòng ngài để kiểm kê, tư trang của ngài không có gì ngoài chiếc ba lô sờn bạc đã rong ruổi theo từng bước chân vị mục tử. Trong những đồ dùng cá nhân, chỉ có duy nhất một chiếc nhẫn một chỉ vàng là đáng quý nhất. Chiếc nhẫn này lại là của cha Oánh tặng cha Can và cha đã biếu lại ngài sau lễ tấn phong Giám mục. Tuy vậy, nó cũng không phải là nhẫn vàng thật. Theo lời cha Can, khi cha mang ra tiệm vàng ông Sinh Diễn (Bắc Ninh) mới phát hiện ra đó không phải là vàng thật. Vậy mà chiếc nhẫn lại là vật quý giá nhất của đức cha. Có lẽ, với những con người sống đời khó nghèo thực sự, giá trị không nằm ở giá cả mà chính là trị giá tinh thần được chứa đựng trong đó.
Chính ĐGH Phan-xi-cô đã nói với chủng sinh tại trường truyền giáo rằng: Nếu chúng con còn thích những chiếc xe bóng nhoáng, thời thượng thì chúng con nên biết rằng tại vùng đất Châu Phi nắng gió, vẫn còn đó những người không có gì ăn và phải chết vì đói.
Cuộc đời ngài là vậy! Nổi trôi và bấp bênh với những giông bão thời cuộc. Con thuyền ấy đã được cập bến bình an vì người lái đò giản dị đã dựa vào bờ vai, bàn tay của một người khổng lồ khác.
Tạm kết…
Cha già Can dừng câu chuyện trong đôi mắt đỏ nhòe lệ. Tôi chỉ lặng thinh. Lặng thinh để nhìn về quá khứ, để ngưỡng vọng về một con người của một thời đã qua. Những người trẻ, thế hệ sau như chúng tôi chỉ mới thấy được hình ảnh ấy qua thước phim mờ trong ký ức của một linh mục bạc trắng mái đầu . Và có lẽ, chúng tôi khó có thể thấu cảm được những gian khó, hy sinh của tiền nhân trong việc gìn giữ đức tin thiêng liêng.
Và rồi, cái nắng nhạt dần. Thế nhưng, nó cũng đủ làm ai đấy nhìn thấy cái bóng của mình trải trên đường bằng phẳng. Cái bóng xám mờ để người đi dưới nắng thấy mình rạng rỡ và tươi sáng hơn…
Lược ghi theo lời kể cha Giuse Trần Đăng Can
Anna Duyên