Chân dung cố Giám MụC PHAOLÔ LÊ ĐẮC TRỌNG
Sau 92 năm tại thế, ngày 07-9-2009 Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, nguyên giám mục phụ tá tổng giáo phận Hà Nội đã được Thiên Chúa gọi về. Trong hơn 60 năm linh mục và 15 năm giám mục, ít ai biết rõ về thân thế, gia cảnh nhất là tác phong, nhân cách của ngài. Cho đến những năm cuối đời khi hai tập Hồi Ký 1 (2006) và 2 (2007) được phổ biến giới hạn trong nước, một số người mới bắt đầu lờ mờ nhận ra nơi Đức Cha Phaolô một nhân cách lớn.
Nhưng vẫn chưa đủ rõ nét.
Phải chờ tới sau Thánh Lễ an táng tại Nhà Thờ Chính Tòa Nam Định ngày 09-9-2009, khi Hồi Ký tập 3 được công bố*, người ta mới cảm nhận được trọn vẹn chân dung của người môn đệ Chúa Kitô đã âm thầm nhưng can đảm sống và thể nghiệm niềm tin son sắt của mình giữa những tháng năm đầy biến động trong lòng Giáo hội và Quê hương. Đấy là hình ảnh của đoá hoa sen tinh khiết lừng lững vươn lên giữa bùn lầy nhơ bẩn.
Một mẫu người đơn sơ, khiêm tốn
Qua những chứng từ để lại trong ba tập Hồi Ký, và qua những phát hiện sau này của nhiều nhân chứng, cho thấy Đức Cha Phaolô là một mẫu người đơn sơ, khiêm tốn, cưu mang một tinh thần nghèo khó bẩm sinh. Và khi tinh thần nghèo khó, đơn sơ, khiêm tốn bẩm sinh ấy được tôi luyện trong môi trường Kitô giáo thì chỉ có tăng thêm chứ không hề sút giảm.
Trong đoạn thuật lại thời thơ ấu và bước đường Mục vụ ở phần 1 Hồi Ký toàn tập, Đức Cha đã giãi bày tâm trạng băn khoăn, bứt rứt pha lẫn ưu tư của mình khi chứng kiến lối sống cách biệt mà ngài cho là "dị thường" của giới giáo sĩ và cung cách "khúm núm, lễ độ" quá lố của giáo dân đối với những người chăn giắt linh hồn trong những năm cuối thế kỷ, ngay giữa lòng một chế độ gọi là "xã hội chủ nghĩa".
Một điều dị thường khác theo quan sát của đức cha Phaolô ngay từ khi còn là một học sinh nhỏ trong xứ đạo quê nhà thì tuồng như người giáo dân Việt Nam có vẻ ưa thích lối sống quan liêu, hách dịch, xa cách của giáo sĩ hơn là thái độ bình dân, thân cận của các ngài! Đức cha viết:
"Giáo dân kính mến các cha là thế. Sự quí mến đó có giúp gì cho các cha trong con đường nhân đức thiêng liêng hay chỉ giúp làm nảy tính kiêu kỳ, xa cách, ủy mị, biếng nhác việc bổn phận, tạo nên một lớp người lạ thường, kỳ dị? Cách đối xử với các ngài cũng lạ thường. Chào cha lại phải thêm những tiếng: 'con xin phép lạy cha'. Lúc ra về: 'Con xin phép về, để cha nghỉ', dường như cha chỉ có nghỉ ngơi, nằm võng chẳng phải làm việc gì. Một nếp sống tồn tại qua nhiều thế hệ.
Tưởng rằng cuộc 'tổng quét' mà cộng sản thực hiện ở mọi tầng lớp xã hội có thể lật đổ được cách sống đó. Xem ra trái lại! Cũng như một số người hách dịch quan liêu nơi các cán bộ xã hội - thì các linh mục vào cuối thế kỷ ở Việt Nam, vẫn thừa tự nếp sống quan liêu, hách dịch chẳng kém xưa.
… cha nào hiền lành, bình dân, xem ra nhiều người lại không thích. Thí dụ cha Hiếu, khi đến chơi nhà ông trẻ tôi đang làm trùm, thấy người ta giã gạo, người cũng đứng lên cối giã, bà con coi là tầm thường….. Cử chỉ bình dân đó ảnh hưởng lớn đối với tôi"
Ngài tự hỏi: "ảnh hưởng bao nhiêu?" và tự trả lời: "Suốt đời".
Hé mở đôi chút về mình, tác giả hồi ký cho hay: "Tính tôi nhút nhát, không thích ra mắt. Sợ gặp người giầu có quyền sang, thích giao thiệp với những người dân nghèo khó".(HK toàn tập Phần Một – Thời Thơ Ấu & Bước Đường Mục Vụ, trang 25-26).
Trong bài giảng thuyết nhân Thánh Lễ an táng Đức Cha Phaolô ở Nhà Thờ Nam Định hôm 09-9-2009, Đức Cha Lôrenxô Chu Văn Minh, đương kim giám mục phụ tá Hà Nội, làm chứng: "Trong cuộc sống riêng tư, ngài luôn sống khó nghèo, không ham hố hưởng thụ giàu sang, ngài ăn uống đạm bạc, mặc áo vải thô, đi guốc mộc" Về điểm này, người ngoại cuộc chỉ cần nhìn tấm hình chụp chiếc giường ngủ đơn sơ, thanh đạm của vị giám mục quá cố là đủ rõ.
Trong Hồi Ký toàn tập Phần II ngài viết về hàng Giám Mục với những lời lẽ cương trực như sau:
"Giám Mục đoàn, yếu (...) Thiếu đoàn kết, chia rẽ theo miền, theo địa phương (…) Vị thì chỉ lo cho quyền lợi của Giáo phận mình, không quan tâm mấy đến quyền lợi chung; vị khác lo bảo vệ vinh quang (học vị), hầu hết nhút nhát sợ sệt, nhất là các vị miền Nam, vì luôn bị mặc cảm chiến bại.
Đức Giám Mục Mỹ Tho đạo đức chân chính bị coi là lẩm cẩm. Không thiếu những vị kỳ thị Giáo phận nhỏ to, thầm mơ ước, và thậm chí nếu có thể, vận động cách nào đó để được chuyển vào những vị trí cao sang." (HK toàn tập Phần II – Giáo Hội CGVN Trước Cơn Bão Thời Đại, trang 256)
Hơn ai hết Đức Cha Phaolô có quyền và có đủ tư cách để đưa ra những nhận định thẳng thắn trên đây. Giản dị vì cũng trong bài giảng nhân Thánh Lễ an táng ngài, đức giám mục phụ tá tổng giáo phận Hà Nội đã làm chứng trước sự hiện diện đông đủ các chức sắc trong Giáo hội và nhiều ngàn tín hữu như sau:
"Là con người khiêm tốn, tuy 2 lần được Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đề cử làm Giám mục, nhưng ngài đều từ chối. Lần thứ ba vì nhu cầu cấp thiết của Giáo Phận Hà Nội, ngài nhận làm giám mục phụ tá giúp việc đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, khi đã bảy mươi lăm tuổi."
Vị chủ chăn can trường -
Người Ngôn sứ miệt mài rao giảng
Sau biến cố đất nước bị chia đôi năm 1954, cùng với một số linh mục, cha Phaolô Lê Đắc Trọng đã chọn ở lại miền Bắc, can đảm chấp nhận vai trò chủ chăn –hơn thế, vai trò Ngôn Sứ, giữa một xã hội vô thần, vô luân, vô tôn giáo, vô tổ quốc-. Vẫn theo đánh giá của Đức Cha phụ tá TGP Hà Nội Lôrenxô Chu Văn Minh, thì "Ngài là một ngôn sứ nhiệt thành luôn hăng say rao giảng Lời Chúa, thời thuận lợi cũng như không thuận lợi. Những bài giảng của ngài súc tích, mạch lạc lôi cuốn lòng người, là đèn sang, soi lối chỉ đường cho dân Chúa".
Trong suốt những năm tháng khó khăn, nghiệt ngã, đảng và nhà nước cộng sản tuy không ra mặt bách đạo như những thế kỷ trước, nhưng bằng nhiều phương thế khác nhau, họ đã âm thầm tiến hành những thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm tiêu diệt lần hồi các tôn giáo, nói chung, cách riêng Giáo hội Công giáo.
Thí dụ như họ chiêu dụ những thành phần tín hữu –bao gồm cả giáo dân và một thiểu số giáo sĩ- bất mãn, có cuộc sống bê tha, rối đạo để lập ra những tổ chức như "Ủy Ban Liên Lạc Những Người Công Giáo Yêu Nước, Yêu Hòa Bình, Tổ Quốc", ban đầu ở miền Bắc và "Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước" sau này ở miền Nam để dùng chính người Công giáo đánh phá Giáo hội theo kiểu "gậy ông đập lưng ông"; hủ hóa, mua chuộc các đấng bậc nhằm chia rẽ nội bộ Giáo hội; ngầm tước bỏ mọi phương tiện giáo dục, đào tạo, ấn loát khiến cho việc học đạo, tìm hiểu giáo lý bị trở ngại. Đấy là chưa kể những thủ đoạn vu oan, giá họa nhằm bắt bớ, kể cả giết chóc, thủ tiêu các linh mục, tu sĩ như trường hợp cha Nguyễn VănVinh thuộc Giáo phận Hà Nội bị giam cầm đến chết ở nhà tù khét tiếng Cổng Trời chẳng hạn.
Trong Hồi Ký toàn tập, Đức Cha Phaolô đã nhiều lần công khai nói tới chủ trương thâm độc của đảng và nhà nước cộng sản nhằm loại khỏi tâm trí người dân, nhất là giới trẻ những ý niệm về "Ông Trời" về "Thiên Chúa". Trong HK toàn tập Phần Một – Thời Thơ Ấu & Bước Đường Mục Vụ (trang 157), đức cha nhận định: "người xưa khiêm tốn khẩn cầu:'Lạy trời mưa xuống' thì nay 'thay trời làm mưa'.
Tất cả đều có ý chối bỏ Thiên Chúa, hoặc có Thiên Chúa thì cũng chỉ là nhân vật rất tầm thường, chẳng có ích gì cho chúng ta; còn cản trở bước tiến của nhân loại là khác!Đúng với cái khẩu hiệu của ông tổ Các Mác của họ: 'Tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc nhân dân' (La religion est l''opium du peuple)."
Để củng cố niềm tin nơi Thiên Chúa của các tín hữu hầu triệt tiêu luận cứ cho rằng không có Thiên Chúa của người cộng sản, trong thời gian ở Nam Định, linh mục Phaolô Lê Đắc Trọng đã vận dụng tối đa những phương tiện eo hẹp có trong tầm tay để viết, chuyển ngữ, in và phát hành "chui" những tập tài liệu về giáo lý cơ bản. Đức cha viết:
"Chính tôi quay máy ronêo của tôi, trong một buồng đóng kín, chỉ có mình tôi và cháu tôi là Oánh, hai bác cháu, chứ không có người khác, để việc in được giữ kín…" (Trang 150)
Việc làm này nhà nước không thể không biết và vì thế:
"…họ khó chịu về những vấn đề tôi đưa ra bản chất là ngược với điều họ tuyên truyền. Chẳng hạn lúc đó người ta nói, nhất là trong các trường học, con người không có linh hồn. Họ thuộc phái duy vật mà!". Vì thế: "Tôi viết sách: Con người phải có linh hồn"(Trang 157)
Lòng trung thành với đức tin Công giáo của đức cha còn được biểu hiện qua những lần ngài được mời đi "làm việc". Trong Hồi Ký, ngài kể lại chi tiết cuộc đối thoại sau đây:
"Một tháng sau, tôi bị gọi ra Viện Kiểm Sát Nhân Dân làm việc. Viện Kiểm Sát có chức năng điều tra xác minh dữ kiện để đưa ra Toà án. Lần đầu tiên và cả đời tôi chỉ có lần này mới biết Viện Kiểm Sát…. Chung quanh tôi độ ba chục giáo gian, tôi quen mặt một số vẫn đến nhà xứ đấu tranh. Ông Viện Trưởng cất tiếng hỏi:
- Ông có làm phép đạo cho anh này không (tôi không nhớ tên)?
- Tôi thưa: Có.
- Khi làm phép thì ông đã nói thế nào?
- Điều này luật đạo chúng tôi không được phép nói.
- Ông phải nói, vì đây là pháp luật đòi hỏi.
- Tôi không được phép nói, vì luật chúng tôi dạy rằng: khi giải tội thì không bao giờ được nói điều người ta nói với tôi, dù có phải chết cũng không được nói: đó là bí mật toà giải tội, chúng tôi phải giữ với giá mạng sống chúng tôi.
Họ cứ hỏi đi hỏi lại mãi, tôi vẫn chỉ thưa có một câu:
- Tôi không được phép nói.
Rồi họ hỏi hàng mấy chục câu hỏi vu vơ, trong đó có một câu quan trọng:
- Ông có tôn trọng chính quyền không?
- Có - luật đạo chúng tôi dạy điều ấy.
Cả một ngày thẩm vấn, chỉ có lời hỏi đáp đó là đàng hoàng.
Ông Viện Trưởng đọc lại biên bản để tôi ký. Khi đọc đến câu: ông có tôn trọng "chính quyền" không? thì ông ta lại hỏi: ông có tôn trọng luật pháp nhà nước không? Tôi ngắt lời ông ngay và nói: Ông không hỏi tôi thế. Nếu ông hỏi tôi 'có tôn trọng luật pháp không', thì tôi thưa khác".
- Ông thưa khác thế nào?
- Nếu ông hỏi có tôn trọng chính quyền thì tôi thưa có và không điều kiện. Vì luật đạo dạy dù chính quyền là thế nào đi nữa, cũng phải tôn trọng. Còn nếu hỏi: Có tôn trọng luật pháp nhà nước không, thì tôi thưa khác.
- Thưa thế nào? Rồi ông ta giơ cao cuốn Hiến pháp lên:
- Đây luật pháp nhà nước, dù là Tổng thống, dù là Chủ tịch nước cũng phải tuân theo. Và ông ta trịnh trọng hơn nữa, hỏi khi dằn từng tiếng:
- Ông có tuân theo pháp luật nhà nước không?
Tôi cũng trịnh trọng và dằn từng tiếng:
- Tôi tôn trọng luật pháp nhà nước, khi luật pháp đó không ngược đạo lý chúng tôi.
Ông ta lại nói to hơn và dằn từng tiếng:
- Đây! Pháp luật nhà nước! Ông có tôn trọng không?
Tôi cũng dằn từng tiếng:
- Tôi tôn trọng khi luật pháp đó không có gì đi ngược với đạo lý chúng tôi. Còn nếu có điều gì ngược với đạo lý chúng tôi, lương tâm tôi không buộc phải theo.
- Thế nào là không hợp với lương tâm?
Tôi ví dụ:
- Ngày xưa vua chúa ra luật cấm đạo, thì dù có chết cũng không tuân luật vua chúa. Đó là cái chết của các Thánh Tử Đạo chúng tôi đó.
Ông Viện trưởng không còn gì mà nói. Tôi cũng thế…" (HK toàn tập Phần Ba – Cái Nhìn Đối Với Việt Minh & Chủ Nghĩa CS, trang 365-366-367) .
Đức cha Phaolô và "Ủy Ban" phá đạo
Điều kỳ diệu là mặc dầu dưỡng phụ Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng là linh mục Vũ Xuân Kỷ, người sau năm 1954 từng giữ chức vụ Chủ tịch "UB/LL/YTQ&YHB" mà hậu thân của nó là "UB/ĐK/CGYNVN" ở miền Nam sau này, nhưng dường như không bao giờ, dù chỉ trong phút giây, tâm hồn và ý chí ngài bị lung lạc hay chao đảo. Đức cha luôn có một lập trường kiên định và dứt khoát. Nói về "Cha Bố", Đức Cha Phaolô viết: "Cha Kỷ suốt đời vẫn quý mến tôi, nhưng tránh tôi vì biết tôi không cùng lập trường với ngài". (HK toàn tập Phần Bốn: Phụ lục – Đôi hàng về thân thế ĐC Phaolô Lê Đắc Trọng – Vũ Sinh Hiên. Trang 502).
Theo đức cha thì cả giáo phận Hà Nội thời ấy cũng có một lập trường dứt khoát như vậy:
"Thông cáo về 'Ủy Ban liên lạc những người công giáo yêu tổ quốc yêu hoà bình' có chữ ký của cha Đinh Lưu Nhân, cha chính Địa phận. Bản thông cáo nói về việc dùng chữ"Công giáo". Chỉ được dùng danh nghĩa đó đối với những đoàn thể đã có phép giáo luật: ởđây cái Ủy Ban này không có phép, nên là sai luật. Với một số lý do khác nữa, người Công giáo không được gia nhập phong trào đó. Thông cáo đó được đưa đi các nơi chính trong các Địa phận" (Hk toàn tập Phần Một – Thời Thơ Ấu và Bước Đường Mục Vụ, trang 148)
Ở một đoạn tiếp ngay sau đó, đức cha xác định quan điểm và dự tính riêng của ngài như sau:
"Cái Ủy Ban đó, tôi cho rằng chỉ là bước đầu để đi đến việc lập Giáo hội tự trị, như ở bất cứ nước Cộng sản nào. Vì thế, bản thông cáo kia chưa đủ. Tôi muốn trình bầy về mối liên hệ giữa người Công giáo Việt Nam với Giáo hội hoàn vũ theo phương diện tích cực…"(Trang 149)
Trong mục Phong trào các Patriotes, HK toàn tập Phần Hai, tác giả viết:
"… Giáo Hội khổ nhiều vì nhóm đó trong nhiều năm, vì đó là công cụ để phá đạo, bách hại đạo, giống kiểu Julien Apostats: lấy đạo chống đạo, lấy người có đạo đập người có đạo, lấy con cái chống lại cha mẹ…. Người Công giáo chịu bao khốn khó, tù đầy cũng là do nhóm này… Cũng may là những linh mục hay giáo dân lãnh đạo được lựa chọn ở những thành phần không đạo đức, nên ít ai theo; nhưng họ lại có quyền của nhà nước, mà họ dốt nát, nên càng dữ tợn, người ta vừa sợ, vừa biết bộ mặt của họ. Vì thế, nó đã sắp tàn nếu không có miền Nam đến tiếp sức và hồi phục nó dưới nhãn hiệu mới "Ủy ban Đoàn kết".Uỷ ban này có lãnh đạo trí thức (các linh mục bằng cấp), tìm được đất màu mỡ ở miền Nam và sống mạnh, nhờ vào việc thay đổi chiến thuật…." (HK toàn tập, Phần Hai – Giáo Hội CGVN Trước Cơn Bão Thời Đại, trang 260-261)
Sau đó, đức cha xác tín rằng dù thay tên đổi họ thì bản chất của những tổ chức này vẫn chỉ là một thứ tay sai của chế độ. Vì thế ngài khẳng định:
"Forme có đổi, fond vẫn không thay đổi. Tuyên bố không tách khỏi Giáo hội, lại còn giúp in những sách đạo, phổ biến Phúc Âm giáo lý, giúp cho các cha các xứ được quyền lợi nọ kia, đạo được dễ dàng, nhưng thực tế vẫn là tách khỏi Giáo hội, vì họ làm mọi việc đó nhân danh họ, ngoài quyền bính chính thức của Giáo hội" Trang 261).
Bàn sâu vào những hệ quả nguy hại mà những thành phần đi theo tổ chức phản đạo kia phải gánh chịu, kể cả giới lãnh đạo trong Giáo hội thân cận với nó, chuẩn nhận nó, dủ chỉ để lợi dụng cách nào đó, đức cha viết tiếp:
"Họ phải thừa hiểu rằng: được chín cái lợi mà hy sinh một điều thôi, có thể là mất tất cả… Ví dụ chỉ chấp nhận thế này: 'Ông là bạn tốt của tôi, ông giúp đỡ tôi rất nhiều. Chúng ta là bạn tốt với nhau!'.
Đã là bạn tốt với nhau, đâu còn dám làm phật ý nhau, làm khác ý ông bạn của mình, phương chi làm ngược ý bạn, thế mà ông bạn kia lại là người tham lam, cho đi tất cả để lấy lại tất cả. Nhận thuộc về người bạn đó, là hiến cả đời sống cho người đó, cả Giáo hội, nếu có thể! Nhưng một khi đã trót rồi, không thể rút ra được nữa. Kinh nghiệm xưa là thế, nay vẫn thế. Nào mất quyền lợi, nào nguy cơ tưởng tượng, nào sĩ diện. Nay mọi cái mọi nơi đều thay đổi, chỉ con người có tinh thần ly khai, chống Giáo hội thì vẫn y nguyên. Một Đức Giám Mục nói về Tổng Đại Diện của mình đang thao túng mọi việc trong Giáo phận mà vị đó đã là và nay vẫn còn tinh thần patriot, Toà Thánh đã biết, dư luận chống đối, muốn vị đó từ chức. Đức Giám Mục nói: "Ông ấy tốt, giúp nhiều việc, làm sao bãi chức ông được. Khi nào tôi chết, tức khắc ông ấy hết quyền". Bi đát làm sao! Truyện thật 100%!Những ấn loát muốn được ra mắt, phải dán nhãn hiệu "Đoàn Kết". Các tác phẩm mất giá một phần, bị nghi ngờ. Nay dưới nhãn hiệu "Xuất bản của Toà Tổng Giám Mục".
Đức cha cay đắng kết luận:
"Lãnh tụ đã vào ngự toà rồi!" (trang 261-262)
Với tâm tình mến đạo, yêu nước sâu xa,
Đức cha có cái nhìn cảnh giác rất sớm về cộng sản.
Là người có một kiến thức rộng rãi, uyên bác, thêm vào lòng yêu mến Giáo hội và Dân tộc cách sâu xa, ngay từ những ngày đầu gọi là Cách Mạng Tháng Tám khi cộng sản còn mang danh hiệu Việt Minh, linh mục Phaolô đã có một cái nhìn xuyên suốt về chủ nghĩa cộng sản và nhân vật Nguyễn Ái Quốc núp dưới tên Hồ Chí Minh để du nhập chủ nghĩa này vào Việt Nam.
Trong Hồi Ký vủa Đức Cha, người ta đọc được những nhận định sắc bén sau đây:
"Đảng cộng sản Đông Dương biết người Việt Nam đều sợ cộng sản, nên ngay từ năm 1945, họ đã giả cách tự giải tán, để lập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác. Ông Hồ Chí Minh còn khôn khéo làm thân với Đức Cha Lê Hữu Từ, và mời ra làm cố vấn… Dẫu vậy, người ta biết ngày càng rõ: ông là Nguyễn ái Quốc, một người trùm cộng sản, phụ trách khu Đông Nam Á. Lúc này chưa có đảng lao động hay cộng sản gì hết, mà chỉ đơn thuần là Việt Minh". (HK toàn tập Phần Hai – Giáo Hội CGVN Trước Cơn Bão Thời Đại, trang 189-190)
Tiếp theo, trong một đoạn kế, ngài viết:
"… Có một cuốn sách rất nhỏ tìm được ở một hiệu sách ở Nam Định, trong đó tác giả đặt ra một số câu hỏi câu thưa để dân gian dễ hiểu về một số vấn đề như 'Dân chủ là gì?' 'Cộng hoà là gì?', 'Đế quốc là gì?' v.v. Trong các câu hỏi thưa, có một câu: 'Không tin vua là con trời, có đúng không?' - Thưa: 'Trời cũng không có, thì làm gì có con trời'. Lời tuyên bố công khai và gián tiếp về tôn giáo có thế. Còn trong thực tế, chỗ nào cũng rêu rao "tôn trọng tự do tín ngưỡng". Trong chiến tranh phá hoại (tiêu thổ kháng chiến), phải tôn trọng các nơi thờ tự. Thế nhưng ban đầu, cổ võ phá huỷ các nhà xây kiên cố để địch khỏi lợi dụng đóng bốt. Một số nhà thờ bị thiêu huỷ, chôn mìn ở trong, như Đồng Trì, Vĩnh Đà… bị thiêu huỷ hoặc bị đặt mìn để đánh sập. Một số nhà thờ như ở Kẻ Đại, Đồng Đội bị bom Pháp đánh sập. Những vụ bom đạn tàn phá như thế, người ta nghi có bàn tay Việt Minh dính líu. Có thể họ đưa một tin mật nào đó rằng, nơi nọ nơi kia có chứa vũ khí hoặc có Việt Minh hay bộ đội đang đóng ở đó. Thế là Pháp đến dội bom, hoặc bắn ca nông vào nơi đó"(Trang 190-191)
Trong Hồi Ký toàn tập Phần Ba, người ta đọc được những giòng sau đây:
"Chỉ có đảng Cộng sản Đông Dương vẫn ngấm ngầm hoạt động, nay xuất đầu lộ diện dưới danh hiệu Việt Minh. Việt Minh là tên tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, là mặt trận như họ nói 'bao gồm mọi đảng phái yêu nước, mục đích giành độc lập cho Việt Nam '. Đảng Cộng sản là linh hồn, là chủ yếu, là lãnh đạo của mặt trận. Sau này vỡ lẽ chỉ có hai đảng, đảng Xã hội, đảng Dân chủ. Hai đảng này cũng chỉ là cách nói của đảng Cộng sản chứ họ vẫn phải răm rắp theo đường lối của đảng Cộng sản. Cuộc gọi là "cách mạng" nay trở thành tên tuổi chỉ nhờ cách tô son vẽ phấn sau này, mà cách tô phết của cộng sản thì có tiếng". (HK toàn tập Phần Ba – Cái Nhìn Đối Với Việt Minh & Chủ Nghỉa Cộng Sản.Trang 276)
"Cách Mạng Tháng Tám, ngày giành chính quyền vừa nổ ra được mấy hôm, tôi thấy Ban cho tôi xem tờ báo không nhớ tên là gì, chỉ trông rõ và ngày nay trong trí còn nhớ rõ dòng chứ lớn: Ủy ban cách mạng lâm thời do ông Hồ Chí Minh cầm đầu. Chưa nghe thấy tên ông Hồ Chí Minh bao giờ. Nghe cũng dễ nhớ, đọc cũng kêu đấy.
Ban lại cho tôi biết: đó là ông Nguyễn Ái Quốc. Tên ông này thì tôi biết lắm. Tôi đã nghe nói về ông, cái tên ông nó cũng làm cho tôi vui: Ái Quốc! Cái tâm tình nung nấu tuổi trẻ khắp nơi khắp thời. Thế nhưng tôi biết ông là người cộng sản sống ở Nga. Tôi có đọc một vài tờ tuyên bố trong Tạp chí Cahier bằng tiếng Pháp, viết ở nước Nga. Tôi chỉ nhớ dưới những tuyên bố đó, có ký tên Nguyễn ái Quốc. Tôi e, e không dám nói, e sợ một chút, vì như thế chính xác ông là người cộng sản…" (Trang 279-280)
Những giòng kế tiếp, tác giả viết:
"Tôi cũng đã đọc cuốn Bức Màn Sắt (bản dịch cuốn Moscou sans voile), nhưng tôi hiểu sâu hơn về cộng sản khi tôi đọc cuốn Les dogmes du communisme (Những tín điều của chủ nghĩa cộng sản). Cuốn này tôi dịch ra tiếng Việt vào một kỳ nghỉ hè…"
(…)
Bầu khí chính trị lúc này thế nào? Nói đến hai chữ "Độc lập" người Việt Nam nào lại không phấn khởi sau hàng trăm năm mất nước. Bảo là đảng phái, phong trào ái quốc nổi lên để giành độc lập, nhưng hầu tất cả đều bị dẹp tan tành. Quốc Dân Đảng, rồi Đại Việt nay chỉ còn thoi thóp…. Họ là một đảng kỳ cựu, giầu chiến lược chiến thuật, được quốc tế cộng sản nâng đỡ, vì họ là một chi nhánh. Họ thay đổi hình dạng luôn luôn, nên họ dễ tồn tại và phát triển. Cái động lực giúp họ mạnh lên, luôn luôn là núp dưới tinh thần ái quốc. Lúc này mà nói đến cộng sản ra lãnh đạo, dân ta chắc không ai theo, trừ mấy người đã là cộng sản, nên họ đổi thành Việt Minh, vẫn ranh ma, vẫn khéo léo xoay chiều, luồn lọt…" (Trang 280-281)
Cái nhìn sâu sắc của Đức Cha Phaolô
về chính sách "tiêu thổ" & "cải cách ruộng đất"
* Tiêu thổ kháng chiến: Tiếp theo biến cố gọi là "cuộc kháng chiến toàn quốc" nổ ra vào cuối năm 1946, Việt Minh phát động mạnh mẽ chiến dịch "tiêu thổ" mà ông Hồ gán cho ý nghĩa là phải tạo nên cảnh "vườn không nhà trống" để cho thực dân Pháp khi tiến vào các thị trấn các làng mạc của ta không còn có nơi trú quân. Lúc bấy giờ hầu hết người dân đều hiểu như thế và tin thật như thế. Vì vậy có những người quá hăng say, nhiệt thành với nghĩa vụ công dân đã tự đập phá nhà mình trước khi di tản. Nhưng tác giả Hồi ký đã sớm nhận ra ý định thâm sâu của những người cộng sản khi phát động rầm rộ chính sách gọi là "tiêu thổ kháng chiến". Theo Đức Cha Phaolô thì nó chỉ là một âm mưu khởi đầu để nối tiếp bằng cuộc cải cách ruộng đất sau này nhằm hoàn tất chủ trương "cào bằng", triệt hạ những thành phần tư sản mại bản, địa chủ có nhà cửa, ruộng vườn để tiến lên cái gọi là xã hội chủ nghĩa, nói trắng ra là cộng sản.
Trong Hồi Ký ngài viết:
"Từ năm 1948, Nam Định lúc tôi về chỉ là một cảnh hoang tàn, do chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh. Ở đâu cũng thế, các thị xã, thành phố nhỏ như Nam Định, nơi không có quân chiếm giữ thì các nhà đều bị phá huỷ; các phố bên vệ đường cái quan cũng bị phá huỷ. Ở các làng, các xã, các nhà hai tầng, nhà lớn cũng bị đánh sập. Lí do, để quân đội Pháp khỏi lấy đó để đóng quân, làm bốt (poste), làm căn cứ địa. Lí do sâu xa nhất, để hạ người giầu, tiêu huỷ tài sản của họ, san bằng giai cấp.
Tôi rõ điều đó, khi còn ở quê nhà hồi 1947, Lê Văn Ban cán bộ, em rể tôi một hôm về nhà mang theo tài liệu. Trong các tài liệu đó có nói: 'Chúng ta đã thắng lợi, một là phá hủy cửa nhà của bọn chúng, họ ở thành phố, mang theo ít đồ đạc đi sơ tán. Nay ta bảo khu này không an toàn, khu kia không an toàn; đồ đạc cồng kềnh chúng bán rẻ bán đắt hết, thế là chúng hai tay sạch không'. Đánh đổ quân đội Pháp là một mục tiêu; đánh đổ giai cấp tư bản là mục tiêu khác, còn quan trọng hơn. Vì giả sử có đuổi được quân đội Pháp, mà tư bản vẫn còn chễm chệ ngồi yên, thì đối với Việt Minh, cách mạng chưa kể là thành công.Phải tiêu diệt hai kẻ thù cùng lúc, mà kẻ thù tư bản cần phải được đánh gục hơn. Họ đã đạt mục đích đó ở thành phố Nam Định." (HK toàn tập Phần Một – Thời Thơ Ấu & Bước Đường Mục Vụ. Trang 99-100).
Trong một chương khác, tác giả ghi nhận:
"Cái 'chiến lược vườn không nhà trống' không phải chỉ để đối phương không còn chỗ đặt chân, mà nhất lả dân cư của vườn, của nhà không còn gì!" (HK toàn tập Phần Ba – Cái Nhìn Đối Với Việt Minh & Chủ Nghĩa Cộng Sản. Trang 307)
* Cải cách ruộng đất: Đây là biến cố được tác giả Hồi Ký coi là "long trời lở đất" do đảng và nhà nước phát động ở miền Bắc giữa thập niên 50. Dù là một linh mục, nhưng với tâm tình yêu nước thiết tha, luôn gắn bó với nhịp sống nổi trôi, bất hạnh của người dân trong thời nhiễu nhương, tao loạn, đức cha đã quan sát từng đường đi nước bước của guồng máy cầm quyền trong tiến trình cải cách ruộng đất, từ giai đoàn các Đội Cải Cách được gửi về để "bắt rễ" tại các địa phương tới lúc phong trào lên cao với hàng trăm, hàng ngàn người dân vô tội bị đem ra đấu tố, bị xỉ nhục, bị giam cầm hay bị giết chóc thảm khốc.
Một cách khái quát, tác giả Hồi Ký nhận định:
"Cuộc cải cách ruộng đất nó dữ dội quá, giết nhiều người quá, đã làm hoen ố bộ mặt cộng sản luôn tuyên bố vì nước, vì dân, vì độc lập, với bao là chính nghĩa xuông." (HK toàn tập Phần Ba – Cái Nhìn Đối Với Việt Minh & Chủ Nghĩa CS. Trang 375)
Đức Cha Phaolô khẳng định, cũng như mọi đường lối, chính sách khác, khi phát động cuộc cải cách ruộng đất, đảng và nhà nước cộng sản hoàn toàn rập khuôn những gì quan thày của họ đã thực hiện tại Liên Xô và Trung Cộng.
"… Người Cộng sản Việt Nam học được kinh nghiệm của các anh Liên Xô, Trung Quốc, nên công cuộc được tổ chức rất chu đáo cặn kẽ, từ lúc phát động đến hoàn thành"
Kinh nghiệm đó như thế nào? Theo trình thuật của tác giả Hồi ký thì:
"Đầu hết là cái khẩu hiệu: 'Người cầy có ruộng' quá hợp tình hợp lý đi thôi. Cho được thế, đem ruộng đất ở tay những người có nhiều quá mà san sẻ cho những người không có tí nào! Đó cũng là lẽ công bằng. Nhưng làm sao để vui lòng san sẻ. Giáo Hội có luật công bằng, xã hội dựa trên bác ái. Cộng sản có phương châm đấu tranh dựa trên căm thù. Làm thế nào để khơi dậy căm thù, hay nói chung, để thành cán bộ cải cách, là đội cải cách?"(Trang 378)
Theo nhận định bằng những thực chứng của Đức Cha Phaolô thì đây là một chính sách được chuẩn bị kỹ lưỡng với những nhân sự gọi là "đội cải cách" được đào tạo có bài bản trong những trường huấn luyện được xây dựng ở nhiều nơi.
Đức cha viết:
"…Những trường được xây dựng để đào tạo đội cải cách. Tôi biết một trường như thế ở Phủ Lý….. Người ta dạy gì trong trường? Tôi không rõ, tất cả là bí mật. Nhưng khi thấy công việc đội cải cách làm, thì biết họ học gì, được huấn luyện thế nào?
Vậy đội cải cách đã làm gì? Xin hãy đọc những giòng HK sau đây:
"… Vào phòng họp, đội dõng dạc tuyên bố: 'Bà con nông dân đề cao cảnh giác, vì địch nó ngồi ở đằng sau ta…'. Người ngồi sau run sợ…! Một lúc nữa, đội lại nói: 'Bà con cảnh giác, địch nó ngồi ngay trước mặt ta'. Ngồi trước ngồi sau đều là địch cả. Không còn biết chọn chỗ nào nên ngồi? Sợ sệt và sợ sệt…!
Ai nấy ngồi yên chỗ, bắt đầu cuộc 'đấu tố'. Tố cáo tội ác giai cấp bóc lột, đấu tranh đánh đổ giai cấp bóc lột đó. Mọi người bắt đầu cuộc kể khổ, để tố cáo tội ác của bọn địa chủ cường hào ác bá. Những tội ác được bịa đặt ra nhiều hơn và nặng nề hơn sự thật.
'…Tôi vay hắn ta mấy bát gạo, hắn ta bắt tôi viết văn tự thế bằng một sào ruộng. Tôi không có gì trả, thế là hắn ăn không sào ruộng của tôi. Và cứ mấy lần vay như vậy, rồi không có gì trả, thế là không còn một mẩu đất để cắm dùi'.
'Tôi cấy tô cho nó, chẳng may trời để mất mùa, vì bão lụt, nó cứ thu tô như chẳng có tai hoạ gì xẩy ra. Chẳng có gì mà nộp, nó cho người đến tháo bộ cửa, dỡ mấy gian nhà tôi….'
'Tôi nghèo khổ, đi làm thuê cho nhà nó, ăn đói, ăn khát, nó còn đánh đập, tiền công không trả, nhà nó tìm cách đuổi tôi đi để quỵt công….'
Và nhiều thứ tội khác, chung quy chỉ là tội tàn bạo, bóc lột, đổ trên những người bị quy là địa chủ, hay ác ôn, cường hào ác bá. Có thể là tội cá biệt nhưng nay là tội chung. Ai là đối tượng thì được khoác cho những tội đó. Người nông dân thật thà chất phác, mấy ai nghĩ ra được cách tố cáo, tất cả đã được dậy bảo, được Đội 'mớm' cho trước.
Thế rồi đấu, đấu tranh với địa chủ, thì phải có khí thế, chưa quen thì phải tập. Chưa có ai xuất hiện để mà đấu, thì có thể dùng cái cột nhà thay thế. Bà con và nhất là các phụ nữ. Giơ tay xỉa xói vào cái cột nhà: 'Mày đã cướp của tao, mày đã đốt nhà tao, mày đã đánh đập tao thật tàn bạo, tao khó nhọc làm giầu cho mày, mà mày cho tao ăn đói ăn khát…'. Tất cả phải được nhuần nhuyễn, từ cử chỉ đến lời nói, để khi gặp 'người thật' không ngượng ngùng ái ngại.
Đến nỗi mà một người phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha già chị săn sóc hằng ngày. Chị nói với bố: 'Ông có biết tôi là ai không?'. Người cha ngậm ngùi nhìn đứa con dứt ruột của mình và nói:: 'Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ'. Lời thưa não nùng thảm thương, nhưng phải hỏi cái sức ma quỉ nào đó đã thúc đẩy người con chất vấn người bố như thế? Cứ đó mà luận ra những người khởi xướng!" (Trang 381-382-382)
Theo nhận định của Đức Cha Phaolô thì không ai khác, chính ông Hồ là người chịu trách nhiệm về kết quả kinh hoàng của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc mà Trường Chinh Đăng Xuân Khu chỉ là một thứ "con dê tế thần". Ngài viết trong Hồi Ký như sau:
"Tuy là Tổng bí thư Đảng, là lý thuyết gia của Đảng, nhưng ít người biết đến tên tuổi ông, đến mặt mũi ông. Ông được trao cho là người thừa hành kế hoạch cải cách ruộng đất, còn ông Hồ Chí Minh 'giả cách đứng ngoài'. Kế hoạch đó cũng đạt mục đích phần nào, vì sau này tai tiếng đều trút trên đầu ông Trường Chinh, mà 'Bác Hồ' là 'nhân từ' chỉ bị liên hệ chút ít. Nhưng làm sao mà che mắt được dư luận nhân dân. Ông Hồ là lãnh tụ tối cao, mà ông Trường Chinh chỉ là tay chân, làm sao công việc long trời lở đất đó lại qua mắt được lãnh tụ tối cao?…" (Trang 375-376)
Giữa lúc cuộc cải cách ruộng đất đang tiến vào giai đoạn kinh hoàng nhất thì nhà cầm quyền lên tiếng là có sai lầm và ra lệnh sửa sai. Sửa sai như thế nào? Vì nhận ra là sai lầm nên sửa sai hay chỉ là một thứ đòn phép quen thuộc của những người cộng sản? Sự thật ra sao, chúng ta hãy đọc tiếp những chứng từ của cố Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng:
"Lại bàn về sai lầm. Thiết nghĩ làm gì có thể sai lầm được? Giả sử chỉ có mình Việt Nam làm cải cách ruộng đất, chưa có đâu làm, thì còn có thể nói đến sai lầm. Đàng này các bậc thày, các bậc đàn anh đã làm, đã rút kinh nghiệm. Việt Nam chỉ việc lặp lại. Người ta đã tính từ trước sẽ có những sai sót. Có thể nói, những sai sót cố ý! Thà có giết nhầm mười người còn hơn để sót một thằng. Hoặc kinh nghiệm cho thấy là việc cải cách gây đau khổ nhức nhối chừng nào! Nên giả cách, có vài sửa sai chẳng vào đâu cả, để phần nào làm nguôi lòng dân." (Trang 408))
Ở một đoạn khác, tác giả Hồi Ký viết tiếp:
"Trong cuốn Biên Niên Sử có nói: 'Cuộc cải cách ruộng đất đã hoàn thành, mười triệu nông dân có ruộng cầy'. Một cuộc cách mạng long trời lở đất, mà kết quả có thế thì cũng khiêm tốn. Đó chỉ là cái khiêm tốn giả tạo, sự thực kết quả to lớn hơn vô cùng. Lấy được ruộng ở tay người địa chủ ra, không phải là việc dễ dàng. Phải có những bàn tay mạnh mẽ, đi tới tàn bạo của một chính thể độc tài chuyên chính… Lấy lại ruộng đất để chia cho những người cầy, không phải là mục tiêu chính của việc cải cách và chính việc cải cách cũng không phải là mục tiêu của cách mạng. Lấy lại ruộng đất chỉ là phương tiện để cải cách, chính việc cải cách cũng chỉ là phương tiện cho sự thống trị của giai cấp vô sản. Nói đúng ra cho sự thống trị của Đảng chuyên chính được thiết lập vững chắc.
… Cải cách ruộng đất là một cách quét sạch những địa chủ, những cường hào ác ôn, ác bá, những người có uy tín, những người có mầm mống để vươn lên. Tất cả những gì mà cách mạng cho là đối nghịch, là nguy hiểm trong hiện tại và trong tương lai. Quét sạch, để cho xã hội trở nên một tờ giấy trơn, để Đảng muốn vẽ gì thì vẽ, theo ý mình." (409-410-411)
Hóa ra tất cả chỉ là một tấn tuồng, một trò lường gạt, đối trá không tiền khoáng hậu, chưa từng thấy trong lịch sự mấy ngàn năm của dân tộc Việt. Rút cuộc, người nông dân Việt Nam chỉ là một đám nạn nhân ngây thơ, khốn khổ bị lợi dụng, bị xúi bẩy lao đầu vào những trò bất nhân man rợ của những cuộc đấu tố dẫn tới những cuộc tàn sát đẫm máu với cái mồi do đảng và nhà nước treo trước mắt là được chia chác tài sản, ruộng nương để cuối cùng vẫn trở về với cảnh khố rách áo ôm vì phải thực hiện khẩu hiệu "đoàn kết dân tộc, tiến lên xã hội chủ nghĩa" bằng cách phải trao nộp trở lại những mảnh đất nhỏ vừa được chia chác để tham gia "hợp tác xã"! Trong HK toàn tập Phần III, đức cha Phaolô viết:
"Nông dân vô sản làm gì mà biết suy luận như thế? Người ta bảo đánh thì đánh, đập phá thì đập phá. Rồi họ mãn nguyện với mảnh bằng chứng thực. Họ được làm chủ mấy sào ruộng, để rồi ít lâu nữa sẽ rời những cái ghế chủ nhân. Bây giờ họ chưa biết thế đâu! Tấm bằng được trình bầy một cách rất lộng lẫy khổ 60 x 40 có ghi những chữ lớn với nét đỏ thắm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất.
…Sau cuộc đấu tranh mệt mỏi, được thưởng bằng một tờ giấy có ghi: 'Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất' là hể hả. Nhưng còn phải giữ cái thành quả đó bằng 'tăng cường đoàn kết', rồi 'nâng cao cảnh giác'. Nâng cao cho đến lúc ruộng đất được đem đi dâng, còn lại mảnh bằng…
…Mấy sào ruộng rồi sẽ đưa vào hợp tác xã để ông chủ lại đi cầy thuê…
…Cái bầu trời phát quang, cái mặt đất phẳng lì lì. Muốn dựng lên cái gì thì dựng, với cái tính tàn khốc, tính quá khích, đã tạo nên bầu trời quang, và cái mặt bằng cái tính tình man rợ đó đã in sâu trong lòng, không biết phải bao nhiêu thế hệ mới xoá nổi chăng?" (Trang 413-414-419- 420)
Vài giòng kết luận
Trên đây là những nét chấm phá gạn lọc qua những chứng từ sống động của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, cố Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Hànội, dàn trải trên những trang Hồi Ký của ngài. Đấy là những giòng chữ được viết ra với tất cả tâm huyết của:
* Một người mục tử nhân lành đã hiến trọn đời mình cho niềm tin Kitô giáo.
* Một người công dân gương mẫu luôn hết lòng với tiền đồ quốc gia, dân tộc.
Sau 92 năm tại thế, ngày 07-9-2009 cố Giám Mục Phaolô đã được Thiên Chúa gọi về. Tiền nhân Việt Nam có câu: "cọp chết để da; người ta chết để tiếng". Thân xác Đức Cha đã an nghỉ dưới lòng đất. Nhưng những chứng từ của ngài vẫn còn vang động trong lòng mỗi người chúng ta. Một câu hỏi lớn được đặt ra: liệu những chứng từ ấy có tạo nên được những âm vang nào đối với những thành phần có trách nhiệm léo lái con thuyền GHCG trên đất nước Việt Nam khốn khó hôm nay?
Bắt chước cách nói của Jim Mulligan về cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị khi ông hay tin ngài từ giã cuộc đời, chúng ta có thể nói với cố Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng:
Đức Cha đã dạy cho chúng tôi biết sống như thế nào. Đức Cha đã dạy cho chúng tôi biết can đảm đương đầu với sự dữ ra sao. Và hôm nay, sau khi đã nhắm mắt xuôi tay, Đức Cha vẫn còn tiếp tục dạy chúng tôi biết sống và biết chết cho lý tưởng làm người, cho niềm tin, cho công bằng và lẽ phải, qua cách sống làm chứng cho đời, cho đạo.
Nam California, những ngày đầu tháng 11, 2009
tháng kính nhớ các Linh hồn