Viết để thành-kính tưởng-niệm Đức Giám-mục Phụ-tá Tổng-giáo-phận Sài-gòn
Ngay sau khi nghe xong bản tin ngắn ngọn của chương-trình phát thanh Việt-ngữ loan đi là Đức Giám-mục phụ-tá Tổng-giáo-phận Sài-gòn, Louis Phạm Văn Nẫm, đã từ trần, tôi không mấy bàng-hoàng mà trong đó như có một chút gì nhẹ nhàng và an-tâm. Nhưng rồi tiếp theo đó, một cảm-giác ray-rứt đã tràn ngập tâm-hồn, như một ám-ảnh dằn vặt không nguôi ngoai cho đến nay.
Vậy là Đức cha cũng đã sống trong cương-vị một chủ chăn được trọn một phần tư thế-kỷ mà theo tôi nghĩ là một khoảng thời gian nhiều phiền muộn trong chức-năng của mình giống như nỗi muộn phiền chung của lịch-sử.
Nhớ lại buổi sáng ngày 01-5-1975, người dân Sài-gòn bắt đầu sống trong cơn bàng-hoàng, lo âu và hoang-mang vô hạn. Như mọi ngưòi dân Sài-gòn lúc bấy giờ, tôi cũng mang nặng những cảm-giác bồn-chồn bấtan và không muốn nghĩ gì cả nhưng tâm-tư lại vô cùng chao-đảo. Cuối cùng tôi lấy xe chạy sang trường Thánh-Mẫu ở Bà Chiểu mà không biết với mục-đích gì nữa.
Con đường Phạm Hồng Thái trước nhà còn nóng bỏng những chứng tích của một trận chiến thô-bạo và kinh-hoàng với xác người nằm rải rác dọc theo hai bên vỉa hè. Những bộ quân-phục thuộc nhiều binhchủng vất đầy đường và ngay cả trẻ con cũng ngừng chạy nhảy, chơi đùa hoặc nghịch ngợm như thường ngày trước đây.
Con đường Chi-Lăng hôm đó sao dài thế. Xe cộ qua lại thì ít nhưng người đứng tụ tập bàn tán với vẻ dè dặt thì nhiều. Tôi vừa quẹo xe vào sân nhà thờ Bà Chiểu thì đã thấy cha Mạnh và cha Nẫm đang đứng trên bậc thềm Văn-phòng nhà xứ nhìn ra đường. Tôi đến chào hai người và cả ba đều thiếu tiếng cười thường lệ. Cha Phùng Mạnh là chánh sở giáo-xứ Bà Chiểu và là Hiệu-trưởng trường Trung Tiểu-học Thánh Mẫu Gia-định; còn cha Phạm Văn Nẫm là phó xứ và Giám-học. Cha Mạnh lên tiếng:
- Hôm nay ngày Quốc-tế Lao-động mà sao đi dạy?
- Con định sang lãnh lương đấy chứ nhưng thôi chờ cha đổi tiền mới đã.
Cả hai câu nói đùa chẳng làm ai vui. Hai vị quay gót mời tôi vào trong Văn-phòng để nói chuyện "cho tiện hơn". Đó là lời cha Nẫm. Câu chuyện chỉ xoay quanh những điều vừa xẩy đến hôm qua, còn nhìn thấy hôm nay và không hiểu sẽ ra sao ngày mai. Cuối cùng, cha Mạnh về phòng riêng và tôi cũng xin phép đi. Khi tiễn tôi ra đến ngưỡng cửa Văn-phòng, cha Nẫm ngừng lại, giọng trầm xuống:
- Từ qua đến giờ sao tôi thấy chán nản quá, chẳng muốn ăn uống gì mà cũng không nghĩ được chút gì nữa. Rồi sáng nay tự nhiên có ý nghĩ phải chi bây giờ mình lại có một chốn bưng biền nào đó để vô phứt cho rồi. Tôi chưa biết nói gì thì cha cười tiếp:
- Ủa, không được sao? Khi xưa họ ở trong bưng thì mình ở ngoài. Giờ họ về được đây thì mình trở vô. Thay phiên mà.
Tôi hỏi cho có chuyện mà nói :
- Các cha không treo cờ sao? Cha có dư cáí nào cho con xin đỡ về treo lên cho có với mọi người cho yên. Không hiểu từ đâu ra mà khu con ở từ qua đến giờ xuất-hiện quá nhiều những người thắt trên cánh tay giải vải đỏ và cầm súng chạy nhăng nhít dòm hành mọi nhà dữ lắm.
Cha hất hàm về phía cổng, nói chậm chạp:
- Tôi cũng không có, mà ai đâu có thứ đó sẵn vậy? Sáng sớm nay một ông biện trong xóm mang thùng sơn ra vẽ giúp cho cái ô xanh xanh đỏ đỏ ngoài cổng đó. Mà chẳng hiểu mầu nào ở trên nữa nhưng tôi đoán là mầu xanh phải ở phía dưới rồi. Lại còn cái ngôi sao chẳng biết phải để thế nào cho đúng đây. Bên khu này cũng nhiều mấy người lợi-dụng cơ-hội như vậy lắm. Rồi đây còn nhiều chuyện khốn khó nữa kìa.
Trên đường về nhà, tôi thấy vui vui khi cứ suy nghĩ về câu nói của cha Nẫm.
Rồi những ngày tiếp theo với những biến-cố dồn-dập xẩy đến cho Giáo-hội bên cạnh niềm đau của dân-tộc. Ủy-ban Quân-quản Thành-phố đã bắt đầu chiếu-cố đến nhiệm-vụ Phó Tổng-giám-mục thừa-kế của Đức cha Nguyễn Văn Thuận và sách-động các ông yêu nước đi trục-xuất Đức Khâm-mạng Toà-thánh theo chính sách chung của nhà nước làm ra vẻ bài ngoại. Rồi tâm-thư 1, tâm-thư 2 tố cáo Giáo-hội không dung-nạp lýthuyết cộng-sản, tố cáo Đức cha Thuận là có dòng máu chống cộng vì là con cháu Tổng-thống Ngô-đình Diệm và thêm một tội nữa là tôn sùng Đức mẹ Fa-ti-ma và Đức Mẹ Fa-ti-ma là Đức Mẹ chống cộng ...và đủ trò nhi-nhô khác.
Linh-mục Trần Học Hiệu khi ấy đang phụ-trách Giáo-xứ ở khu thương phế binh trong trại chăn nuôi Bảy Hiền soạn liền các thư trả lời lại hàng loạt "tâm-thư" của những ngưòi tiền thân của Ủy-ban đoàn-kết yêu nước và yêu chủ-nghĩa xã-hội. Tôi lại có dịp được gặp cha Nẫm thường xuyên để chuyển những bức thư trả lời đó. Cứ mỗi lần nhận xấp thư kiểu truyền đơn in ronéo xong thì cha lại dặn nhỏ "nếu có tiếp phải đưa sang ngay nghe" và thêm "nói với cha Hiệu là nếu cần giấy mực hay bất cứ gì có thể giúp được thì sang đây, đừng ngại".
Cuối cùng thì Đức cha Thuận cũng bị đưa đi quản-thúc ngoài Bắc, cha Trần Học Hiệu trốn vào rừng và cha Nẫm được sắc phong giám-mục, làm phụ-tá cho Tổng-giáo-phận Sài-gòn.
Có lẽ Đức cha Phạm văn Nẫm là vị giám-mục đầu tiên đưọc tấnphong trong hoàn cảnh mới và chính vì vậy mà đã có biết bao nhiêu chuyện bên lề rì-rào đó đây; nhưng tựu-trung thì cũng xoay quanh chi-tiết là vì Đức cha là bạn học xưa kia của Tạ Bá Tòng, một khuôn mặt quen thuộc và cao cấp của Mặt-trận Giải-phóng lúc ấy. Cũng chính vì điểm này mà phát-sinh một dư-luận rằng Đức cha là giám-mục quốc-doanh và rồi cứ thế truyền tai nhau một cách vô tội vạ.
Hình ảnh đầu tiên tôi được thấy Đức cha trong chức năng một vị giám-mục là hình ảnh chiếu trên truyền-hình ghi lại từ một ngày đi làm công-tác thủy lợi bên cạnh Đức cha Bình. Nhìn hai ông cụ đầu tóc bạc phơ với áo sơ-mi trắng ngắn tay đang cầm cuốc, xẻng đứng trơ-trơ giữa nắng gió quả là một bức hí hoạ thâm-trầm mà có lẽ giờ này người ta đã quên hết rồi.
Cũng từ đó, mỗi khi có dịp phải đến Toà Tổng-giám-mục Sài-gòn, tôi cũng không mấy khi được gặp Đức cha theo cách ngẫu nhiên hay tình cờ, nghĩa là gặp Đức cha đi dạo ngoài sân, trên hành lang hay bất kỳ nơi nào trong Toà Tổng bởi một lẽ dễ hiểu trước nhất là Đức cha ở tuốt một đầu tận cùng của toà nhà cạnh ngay phòng ăn nên chẳng mấy ai lai vãng về phía đó và cụ-thể nhất là Đức cha sống cũng rất âm-thầm như thu mình lại còn nhỏ hơn là chức-vụ phụ-tá của mình nữa. Theo cách nhìn chung của nhiều giáo-dân thì khi còn là linh-mục và làm Giám-học, cha đã hiền và dễ tính sẵn nên sau này dù đã trở thành giám-mục - mà lại là giám-mục trong một thời điểm phức-tạp như vậy- thì lại càng hiền lành, đơn giản hơn vì còn phải có thêm chút dè-dặt nữa.
Có nhiều người biết rõ rằng Đức cha ít đi ra ngoài mà cũng không muốn cho thân-nhân năng tới lui Toà Tổng-giám-mục để thăm viếng. Thời gian đầu thì có chú Thành là em ruột giữ nhiệm-vụ làm tài xế cho Đức cha bằng xe Honda nhưng sau này Đức cha không nhờ nữa, lại tự mình làm tài xế chở Đức Tổng Bình bằng xe Honda đi thăm mục-vụ.
Phần riêng Đức cha chỉ có một niềm vui là lâu lâu về Bà Chiểu ăn cơm với ông bạn già là linh-mục Phùng Mạnh và cũng không bao giờ về Toà Tổng-giám-mục trễ hơn tám giờ tối với lý-do "sợ người ta đóng cửa". Chẳng ai hiểu "người ta" đây là ai. Nhiều linh-mục trong giáo-phận cũng được nghe Đức cha nói câu này vào những dịp mời Đức cha đến giáo-xứ dùng bữa tối, đã than trộm một câu "tội nghiệp ông cụ quá" và rồi cũng không ai hiểu hết ý-nghĩa của hai tiếng "tội nghiệp" kia, trừ ngưòi nói.
Chính vì vậy mà năm khi mười hoạ tôi mới dám ghé thăm Đức cha ít phút để vấn-an vài ba câu vừa đủ cả lễ lẫn tình mà không đủ để Đức cha phải vương mang những phiền luỵ vô cớ. Hình ảnh Đức cha ăn mặc xuề xoà, chẳng phẩm-phục và cũng không cả chức-phục mà chỉ với quần ta mầu đen, áo sơ-mi trắng ngắn tay bỏ ngoài hoặc áo bà ba trắng cổ tròn chậm rãi đáp lời thăm hỏi làm cho tôi hình dung đến những bác Hai, chú Ba miệt tỉnh và thầm nghĩ nếu thật sự Đức cha được thoải mái như dáng vẻ đơn-giản này thì cũng phải tạ ơn Chúa thôi.
Giáo-xứ Đức Mẹ Hằng Cứu-giúp ở đường Kỳ-Đồng do các linhmục Dòng Chúa Cứu-thế cai quản, có một thông-lệ là tổ-chức hànhhương minh-niên vào ba buổi chiều các ngày Mùng Một, Mùng Hai và Mùng Ba Tết. Ngày đầu khai-mạc thì thường là Đức Tổng-giám-mục chủ-tế, ngày mùng hai ở trong nhà tự lo-liệu với nhau và ngày mùng ba là ngày bế-mạc thì Đức cha Phụ-tá đến chủ-tế. Nhìn Đức cha đứng trên cao giảng mà như tâm-sự với giọng trầm trầm, đủng đỉnh chia sẻ với cộngđoàn tính-hữu, tôi càng tin là mình không nghĩ sai. Một linh-mục đã từng giữ chức giám-học của một trường trung-học lớn với năm sáu ngàn họcsinh và mấy trăm giáo-sư thì đâu phải là một chiếc bóng mờ như vậy mà chẳng qua chỉ là khép mình để khỏi mang nhiều hệ-lụy; bởi vì nếu không được nói tiếng lương-tâm thì im lặng vẫn hơn là nói những điều sai lẽ, làm hại tâm-thuật của anh em và trách-nhiệm trước mặt Chúa. Mỗi khi nghe một ai đó hỏi Đức cha phụ-tá có phải là quốc-doanh không, tôi lại nhớ đến cái buổi sáng đầu tháng Năm năm nào và giận thay cho cái não trạng không chịu động, chịu suy của những người hỏi.
Bây giờ Đức cha đã trở về khung trời miên-viễn. Nơi đó không có những chức-vụ Tổng-đại-diện I và Tổng-đại-diện II; không có ông Huỳnh Công Minh phải kèn cựa, phải bon chen bao năm tháng mà vẫn chưa đạt thành ước mơ có sao vàng cờ đỏ bay phất phới trên tháp nhà thờ. Tôi cũng không cần hỏi xin Đức cha mẩu vải xanh xanh đỏ đỏ nữa. Cha Trần Học Hiệu cũng đã bị nhà nước bắt, bỏ tù và xử bắn ở Biên-Hoà và Đức Tổng-giám-mục Nguyễn Văn Thuận thì từ những ngày đầu tháng Năm năm 1975 đã bị bắt buộc rời xa khu nhà trụ-sở Corev ở đường Bà Huyện Thanh-Quan để sống đời tù giam lỏng, rồi bị trục-xuất ra đi vội vã và để bây giờ làm Hồng-y đặc-trách Công-lý và Hoà-bình.
Xin thành-kính cúi đầu tưởng-niệm Đức cha Phụ-tá Louis Phạm Văn Nẫm. Xin chung với Đức cha niềm vui được Chúa gọi về và tôi nghĩ đấy là một giải-thoát sớm khỏi vòng hệ-luỵ mà Giáo-hội Việt-Nam cách riêng và cả cộng-đồng dân-tộc còn đang vướng mắc. Xin Đức cha cầu nguyện cho những người còn đang đặt nặng phần lợi-nhuận thế-gian mà làm mờ đi chân-lý của Đức Ki-tô. Và cuối cùng, xin Đức cha cầu bầu cho ngững người có thiện-tâm thực sự đừng sờn chí, nản lòng trong lý-tưởng vác lấy Thập-giá để theo Thầy mình.
Phạm Minh-Tâm