Trước một tình thế phức tạp gây nhiều tranh cãi, thiết tưởng chúng ta, những người tin Chúa, không thể dửng dưng như người ngoài cuộc mà nghĩ rằng đó là vấn đề chính trị. Những băn khoăn thắc mắc của nhiều người, kể cả những chỉ trích nặng nề cay đắng đối với HĐGM và đặc biệt đối với một số vị trong đó, là do ma quỉ, rồi cứ yên lặng bỏ qua không đếm xỉa gì đến. Đó không phải là thái độ đúng đắn của người biết phân biệt phải trái và nhìn nhận sự thật, bất kể từ đâu tới.
1. Về hiện tình Giáo Hội tại Việt Nam
Trước tiên, phải nói ngay rằng tình hình hiện nay tại Giáo hội Việt Nam hết sức đáng bận tâm. Nhiều người theo dõi các vụ việc từ mấy năm qua, cảm thấy bực bội và chán nản. Khởi đầu là những buổi thắp nến cầu nguyện đòi công lý và sự thật, xuyên qua việc yêu cầu chính quyền trả lại toà Khâm sứ, trong một thời gian liên tiếp cả gần hai tháng trời vào cuối năm 2007, đầu năm 2008 giữa tiết đông mưa rét, rồi lan sang tháng Tám năm 2008 tại nhà thờ Thái hà, rồi sau đó Đồng Chiêm, Tam Toà, Loan lý, Cồn Dầu v.v… Cuối cùng là cuộc thay bậc đổi ngôi ở toà Giám mục Hà nội và sự ra đi vội vàng, tủi nhục của Đức Cha Ngô quang Kiệt ngày 12.5.2010. Đó là những giọt nước làm cho chiếc ly đầy tràn, và là ngọn gió thổi bùng lên cơn giận dữ tức tối của giáo dân Hà nội và nhiều giáo dân khác ở khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước. Giáo hội chúng ta đang có một sự chia rẽ trầm trọng khó tránh khỏi, trong cộng đồng tín hữu cũng như trong hàng giáo phẩm, linh mục và tu sĩ. Sự chia rẽ này không sao che giấu nổi. Nó đập mạnh vào mắt người trong đạo cũng như ngoài đạo. Điển hình là lễ nhậm chức Phó Tổng Giám Mục của ĐC Nguyễn văn Nhơn trước sự lạnh lùng thấm thía của giáo dân Hà nội, bên cạnh những cách thế biểu dương nồng nhiệt lòng mến phục của họ đối với ĐC Ngô quang Kiệt.
Rồi trên mạng, qua các bài viết của người trong nước cũng như ngoài nước, người ta thấy có một sự sút giảm lòng kính trọng của nhiều người đối với Hội Đồng Giám Mục. Qua những bài ấy, có những người nghĩ rằng đó là do ma quỉ xúi giục một vài tổ chức bày ra để chống phá Giáo hội. Gần đây, ông Phan văn Phước ở Dusseldorf bên Đức có viết một bài đề là Ai chông Giáo hội Công Giáo (1.7.2010) liên quan đến vấn đề này.
Theo ông, không phải ai nói những điều không hay về các vị chức sắc hay cơ cấu trong Giáo hội là chống phá. Rồi ông đưa ra những dẫn chứng như sau : "Điều thật đáng buồn là người lên tiếng vì yêu Giáo hội thì lại bị chụp mũ là phỉ báng các Đấng thay mặt Chúa cùng các Đấng làm Thầy, chống cha, chống Chúa, chống Giáo hội. Để minh chứng điều vừa nói là có tình có lý, tôi xin nêu lên các danh ngôn sau đây :
a) của Đức Cố Giáo hoàng Gio-an XXIII : "Ai phê bình, thậm chí chỉ trích tôi, người ấy là bạn. Còn ai tâng bốc tôi, người ấy là thù."
b) của bậc thánh hiền : "Gạo bỏ vào cối, có đâm, có giã, có sứt, có mẻ, có nát mới trắng tựa bông."
c) của Sainte-Beuve : "Đối với tôi, được phê bình là điều thú vị để biết tư tưởng của người khác, chứ không phải để khống chế các tư tưởng ấy."
d) của Heinrich Heine : "Người muốn được khen là người trọng lời phê bình."
Giáo hội chúng ta hiện nay chia rẽ. Sự chia rẽ này chẳng ai muốn. Nhưng chẳng may sự chia rẽ đó lại do chính những hành động của người trong Giáo hội chúng ta gây nên. HĐGM của chúng ta mất một phần thế giá. Nhiều linh mục trong một vài giáo phận kia không còn tin phục giám mục của mình nữa. Tại một giáo phận khác, có những linh mục xin rời khỏi các chức vụ được giao phó. Có nơi linh mục than van vì bị giám mục làm bẽ mặt trước cán bộ. Một số tín đồ công khai bày tỏ thái độ phản kháng khi viết : "Đã 35 năm qua đi, với bao nhiêu định hướng mang tính chỉ đạo và bao nhiêu sáo ngữ cũng như lạm dụng sự vâng phục của khối tín hữu để cắt đầu bỏ đuôi lời Chúa mà "ban ra" hết thông báo này đến thư chung nọ, để rồi ngậm ngùi ru nhau cho khoả lấp đi những điều thiếu sót, những điều không biết nói, không dám nói." (Phạm minh Tâm : nói chuyện với đầu gối)
Lý do mấu chốt của sự hoài nghi và mất tin tưởng là bức thư của ĐHY Bertone đề ngày 30.1.2010 gửi ĐT Kiệt hồi đó, khuyên giáo dân thôi cầu nguyện ở Toà Khâm sứ và việc bổ nhiệm ĐC Nhơn làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị. Thiên hạ cho rằng các vị có thẩm quyền trong vấn đã hành xử theo hướng của Nhà Nước và vô hình trung lọt vào quĩ đạo của họ. Trước sự hoài nghi và bất tín nhiệm này, HĐGMVN tỏ ra lúng túng, khó ăn khó nói với cộng đồng tín hữu và có nói ra, người ta cũng ít tin và cho là "ngôn ngữ gỗ.
Ngoài ra, những ai đọc Sự kiện Ngô quang Kiệt từ bài số 1 cho đến số 10 hẳn đã thấy rõ một nửa sự thật chưa được nói tới, nay được bạch hoá để trả lời cho Cơ quan thông tin của HĐGM. Muốn nói gì thì nói, nguyên một sự yên lặng trước các việc đã xẩy ra và trước một tình trạng đất nước như hiện nay thì sự yên lặng của HĐGM sẽ bị coi như một sự ngầm thoả thuận, một trạng thái bị thuần hoá. Thuần hoá là từ của giám mục Nguyễn quang Tuyến nói với linh mục Nguyễn hữu Lễ trong thời gian chữa bệnh ở Mỹ. Linh mục Lễ đã dùng lại từ này để nói về các giám mục. Cũng lại linh mục Lễ đã làm xôn xao dư luận tại Mỹ năm 2007, khi viết bài nói về mục vụ xin tiền. Hồi đó, người ta kịch liệt phản đối ông. Nhưng bây giờ nhiều người lại cho là ông có lý.
Nói chung, phần đông người công giáo V.N.lúc nào cũng có lòng trọng kính các giám mục, ngay cả bây giờ. Sự trọng kính đó có điểm hay và không hay. Hay là duy trì được sự gắn bó giữa mục tử với "đàn chiên" và không hay là làm cho các mục tử yên trí lớn rằng vì lòng trọng kính, "đàn chiên" sẽ không dám phê bình nhận xét gì cả về lời lẽ, hay cung cách hành xử của mình, bởi nói phạm đến cha là phạm đến Chúa. Chính vì lòng trọng kính này phần nào bị sứt mẻ trong tình thế hiện nay, mà người ta tỏ ra lo ngại cho sự hợp nhất của Giáo hội.
2. Vậy phải nghĩ thế nào ?
2,1 Một sự rạn nứt
Phải thành thật công nhận rằng đã có một sự rạn nứt trong Giáo hội, trước sự ra đi khỏi toà Tổng Giám Mục Hà nội của ĐC Ngô quang Kiệt, đành rằng sự ra đi đó có thể là cái giá phải trả cho việc khả dĩ thiết lập bang giao giữa Nhà Nước và Toà Thánh và việc ĐGH sang thăm Việt Nam. Thêm vào đó là lời tuyên bố của ĐHY Phạm Minh Mẫn cho rằng Giáo hội miền Bắc còn sống theo não trạng tiền Công Đồng.
2,2 Một sự mất uy tín
HĐGMVN mất uy tín vì sự yên lặng triền miên của mình qua các sự việc nổi cộm liên quan đến các cuộc bức hại của chính quyền đối với "con chiên bổn đạo", và tình hình lâm nguy của đất nước trước hoạ ngoại xâm cũng như sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo lý.
2,3 Một sự giảm thiểu
Sự giảm thiểu lòng trọng kính trông thấy của nhiều giáo dân đối với hàng Giáo phẩm và linh mục vì tác phong và cách hành xử của một số vị.
2,4 Mất tự do và độc lập
HĐGM bị coi như mất tự do và độc lập trước chính quyền, và xem ra như là một thứ đồ trang trí để củng cố cho chế đõ.
2,4 Một sự tương nhượng có tính toán của HĐGM không dám nói dám làm những điều thuộc bổn phận và chức năng của mình.
2,5 Một khuynh hướng yên thân, không muốn làm hay nói điều gì có thể gây khó dễ cho mình, tuy bổn phận do chức vụ hay ích chung đòi phải làm, phải nói.
3. Vậy phải làm sao ?
3,1 Cầu nguyện và phó thác không sờn lòng vào đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa, vì đường lối và tư tưởng ấy không giống như của loái người trong trường hợp ông Gióp. Vì thế, vấn đề tiên quyết vẫn là cầu nguyện và phó thác, xin Chúa ra tay sắp xếp và định đoạt lại theo chương trình của Người.
3,2 Không để mình bị ru ngủ
Cần tỉnh táo đề phòng để khỏi bị ru ngủ và mê hoặc bởi các cơn cám dỗ về danh vọng quyền lực, và những đặc quyền đặc lợi cùng những ảo ảnh,vẻ hào nháng bên ngoài của các cơ sở, nhà thờ, dòng tu, trung tâm mục vụ, lễ nghi hoành tráng, mà quên rằng đạo không phải là thế và chỉ có thế.
3,3 Khiêm tốn
Hạ mình xuống mà nhận ra lỗi lầm và tìm cách sửa chữa chứ không lo biện hộ và tránh né.
3.4 Hiên ngang
Không đối đầu, nhưng hiên ngang nhận mình là những người tin theo Chúa mà không sợ hãi hay thoả hiệp với cái xấu, cũng không tìm cách làm đẹp lòng người đời như thánh Phao-lô nói : "Nếu tôi còn tìm cách làm đẹp lòng người đời dngngun tìm cách làm de thì tôi không phải là đầy tớ của Đức Ki-tô." (Gl 1,10)
3.5 Lấy lại uy tín
HĐGM cần lấy lại uy tín bằng các hành động thiết thực hợp với tư cách và sứ mệnh của mình. Mà một trong những hành động hàng đầu, ấy là : "Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ." (2 Tm 4,2)
3.6 Dám nói
Dám nói, khi cần phải nói, về những sự việc liên quan đến quyền lợi và uy tín của Giáo hội cũng như giáo dân, như trường hợp anh Nam bị đanh chết ở Cồn dầu và lời tuyên bố của bà Ngô thị Thanh Thuỷ về linh mục Phan khắc Từ.
Kết luận
Những điều nói ra trên đây thật đau lòng và buồn chán. Sự thật là thế đó. Nhưng nói ra liệu có mấy ai nghe và chắc sẽ bị gán ghép cho là theo phe chống đối HĐGM. HĐGM đã bị tấn công rồi, sao lại còn toa rập mà tấn công nữa. Phần đông các linh mục tu sĩ và nhiều giáo dân nghĩ như thế. Người ta cứ bảo nói làm gì nữa cho người ngoài biết để người ta khinh thường Giáo hội hay như một nữ giáo dân viết trong phần phản hồi bài là "đóng thêm đinh vào thánh giá Chúa". Nhưng lương tâm buộc phải nói trước tình trạng đáng buồn này.
L.m. Anrê Đỗ xuân Quế o.p.