Đà Lạt Và Các Biệt Điện Sang Trọng



* Hoàng Triều Cương Thổ là gì? Vua Bảo Đại thời vàng son ở Đà Lạt

Nguyễn Trọng

Nói tới Đà Lạt là nói tới các biệt điện. Mà nói tới các biệt điện thì phải nói tới Biệt Điện vua Bảo Đại, nhà vua cuối cùng trong số 13 vua nhà Nguyễn, khởi đầu từ vua Gia Long (1902-1820)

Đà Lạt có liên hệ chặt chẽ và gần gũi với nhà vua cuối cùng triều Nguyễn. Ông đã trải qua những năm tháng cuối cùng của cuộc đời hoàng đế ở vùng Tây Nguyên xinh đẹp và thơ mộng này. Thực ra, nhà vua sống ở Buôn Ma thuột nhiều hơn Đà Lạt.

Trong số 13 nhà vua triều Nguyễn kéo dài 152 năm (1802-1954), nhà vua cuối cùng này đã phải sống những ngày lưu vong xa cố đô Huế, lưu vong ở ngoại quốc, lưu vong ở Tây Nguyên và cuối cùng lưu vong tại Pháp Quốc là nơi ông đã băng hà vào ngày 31 tháng bảy năm 1997. Nhà vua đã lặng lẽ ra đi “về nước Chúa” - nói như vậy vì vua Bảo Đại đã theo đạo Công Giáo mấy năm trước khi mất - không có sự hiện diện của một người nào trong hoàng tộc, kể cả sự có mặt của Vương phi Monique là người vợ Pháp cuối cùng. Báo chí hải ngoại thường gọi người đàn bà Pháp này là Vương phi Monique, vì kính trọng vua Bảo Đại chứ thật ra cuộc đời tư của bà Monique có nhiều thăng trầm không nên phanh phui...

Người viết bài này đã tường thuật ngày băng hà của vua Bảo Đại, căn cứ theo cuộc nói chuyện bằng điện thoại viễn liên với một người trong hoàng tộc xin được giấu tên. Bài viết được đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong số 521, vào năm 1997.

Chính Đức Giáo Hoàng Phao Lô đệ nhị đã gởi thông điệp chia buồn với bà Vương phi Vĩnh Thụy và chính cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu - một người theo đạo Công Giáo của vợ - cũng làm như vậy.

Cũng cần phải nhắc lại rằng chính phủ Pháp luôn luôn gọi Cựu Hoàng Bảo Đại là “người bạn chân thành của nước Pháp” và cũng vì thế lễ an táng Cựu Hoàng đã được chính phủ Pháp xếp đặt chu đáo, linh cữu được sáu binh sĩ người Pháp khiêng trên vai để cuối cùng được mai táng ở nghĩa trang Passy là nơi dành cho các bậc danh nhân của nước Pháp.

Người viết bài này tuy sống ở Hoàng Triều Cương Thổ một thời gian dài nhưng chưa bao giờ được diện kiến với nhà vua, chỉ được nghe kể lại một vài giai thoại, vui buồn mà thôi. Thực hư thế nào không sao kiểm chứng, cho nên chẳng cần viết lại làm chi. Chỉ có một chi tiết này về cuộc đời của nhà vua do một người bạn thân của người viết, anh chơi tennis và chơi đàn guitar rất giỏi, nên thường được Cựu Hoàng coi như người thân. Anh bạn cho hay có những đêm khó ngủ, nhà vua thường bảo người bạn của người viết - nay đã mất ở Paris - vào rừng để nghe nhà vua gẩy đàn bên bờ suối.

Theo anh thì vua Bảo Đại có một tâm hồn rất nghệ sĩ và lãng mạn, nhà vua rất quý thứ phi Mộng Điệp vì bà thứ phi này thường trải chiếu hoa cạp điều hay trải thảm để nhà vua ngồi ăn cơm với bà trên sàn nhà thay vì ngồi trịnh trọng trên bàn, có kẻ hầu người hạ theo lễ nghi của triều đình. Còn “chiếu hoa cạp điều” là manh chiếu trên đó có dệt hoa và chung quanh cạp bằng vải mầu đỏ để chiếu khỏi rách và trông lại rất đẹp và sang trọng. Loại chiếu này thường được sản xuất ở Phát Diệm là nơi sinh trưởng của người viết, và ông cụ thân sinh của người viết là người đã có công cùng với vài người bạn khác, chế tạo ra loại chiếu dệt hoa này.

Kể lại giai thoại hiếm có này trên mặt báo, người viết muốn cho con cháu về sau biết rằng, nhà vua cuối cùng của triều Nguyễn, dù có được giáo dục ở bên Pháp và lẽ dĩ nhiên là nói và viết tiếng Pháp thông thạo hơn tiếng Việt, nhưng trong lòng nhà vua vẫn còn bản sắc con người Việt bình dân như mọi người Việt Nam khác, như quý vị độc giả và chính người viết bài này.

Thế nào là Hoàng Triều Cương Thổ?

Nhiều quý độc giả chỉ nghe nói đến cụm từ Hoàng Triều Cương Thổ mà ít ai biết rõ nó là gì? Riêng người viết nếu không đặt chân tới Hoàng Triều Cương Thổ vào năm 1952 thì cũng chẳng biết đây là miền đất ở đâu và tại sao mảnh đất này lại mang cái tên lạ lùng như vậy? Theo lời kể của ông Nguyễn Đắc Xuân, người chuyên viết về nhà vua Bảo Đại và hoàng tộc thì sau một thời gian dài lưu vong tại hải ngoại, nhà vua được chính phủ Pháp thỏa thuận cho hồi loan. Chuyện kể như sau, nguyên văn:

Ngày 28/4/1949, chiếc máy bay của Bảo Đại xuất phát từ Singapore hạ cánh xuống phi trường Liên Khương gần Đà Lạt. Tôi theo ông Giáo ra đón ông tận cầu thang máy bay. Bảo Đại về lại ngôi biệt điện mà người Pháp đã dành cho ông từ khi ông mới lên làm vua.

Về đến Đà Lạt ông tiếp khách suốt ngày, tiếp xong thì đi bắn chim, đi câu cá. Lúc này có một phái đoàn đại diện cho số người Nam vô dân Tây đến xin Bảo Đại cho họ được hưởng một quy chế riêng; đại diện Pháp là Cao ủy Pignon đến gặp bàn việc thực hiện thỏa ước Élysée tổ chức một chính phủ quốc gia do Bảo Đại làm “Quốc Trưởng” kiêm giữ luôn ghế Thủ Tướng... và cựu thần hoàng thân, quốc thích lên thăm viếng rất đông.

Lúc này Hoàng hậu Nam Phương và các hoàng tử, công chúa con ông đang còn ở Pháp. Ông Phan Văn Giáo một người có “máu 35” nổi tiếng ở Huế, đem dâng cho Đức Bảo Đại một cô gái tên là Phi Anh, em gái của Phi Hoa vốn đã là người tình của Giáo. Ngay sau đó, nghe tin Bảo Đại về chấp chánh, các nhân tình cũ của ông như Mộng Điệp, Jenny cũng bay lên Đà Lạt với ông luôn. Trong ba người tình ấy, bà Mộng Điệp được ông sủng ái nhất và bà cũng có uy với ông nhất. Bảo Đại cho Mộng Điệp một ngôi nhà riêng gần Dinh số 1. Hai bà kia ở nhà bên ngoài.

Cuối năm 1949, Chính phủ Bảo Đại bỏ tiền mua thêm Dinh số 3 dùng làm nơi làm việc cho Đổng Lý Văn Phòng Nguyễn Đệ. Dinh rất lớn nên cho đặt luôn Võ phòng ở đó. (Về sau, Chính phủ của Bảo Đại dọn về Sài Gòn, Dinh số 3 dành làm biệt điện cho Bảo Đại và gia đình ông).

Lúc này mọi người chú tâm vào việc tổ chức bộ máy hành chính ở ba kỳ. Một vấn đề nổi cộm là các tỉnh cao nguyên trong đó có thành phố Đà Lạt thì thuộc ai? Trước khi người Pháp, qua các dân tộc Tây Nguyên đều là thần dân của triều Nguyễn, nay trên danh nghĩa Pháp trả lại độc lập cho chính phủ quốc gia của Bảo Đại thì Bảo Đại phải có quyền ở những tỉnh ấy. Được sự đồng ý của Cao ủy Pignon, Bảo Đại cho thiết lập Hoàng triều Cương thổ trực thuộc “Quốc trưởng Bảo Đại” (Sắc luật số 6 ký ngày 15/4/1950). Cuối tháng 5/1950 tôi được theo Bảo Đại lên Ban Mê Thuột dự lễ nhận tượng trưng đất Hoàng triều Cương thổ (gồm Đồng Nai Thượng, Lâm Viên (kể cả Đà Lạt) Đắc Lắc, Pleiku, Kontum...). Trong dịp này tôi được dự một cuộc tế thần của người Tây Nguyên hết sức thú vị.

Lễ được bắt đầu từ lúc chập tối. Lúc ấy, tất cả dân làng gồm đàn ông, đàn bà, trẻ già, trai gái, ngồi chung quanh một con trâu bị trói chặt vào chân một cây cột bằng tre, lớn, cao, trên đọt cây còn giữ nguyên cành lá. Cột được tô vẽ trang điểm thật đẹp, có đính những vòng hoa hây hẩy trước gió. Con trâu đen, vạm vỡ, sừng rất rỗng, đầu cúi xuống, bốn chân cào cào xuống đất tỏ vẻ rất bực bội. Trời tối, người ta nổi lửa từ bốn phía (tượng trưng cho tứ phương?). Ngọn lửa cháy dần dần và bốc cao như muốn với lên đến trời xanh. Lửa không thiêu hết mọi vật mà dâng ngọn đến cao xanh, chứng tỏ con người đang chịu thần phục sẵn sàng tôn sùng thượng đế.

Ông Bảo Đại được mời ngồi vào vị trí danh dự, ở giữa các bô lão. Đêm xuống khắp trời đất. Cuộc múa nhảy bắt đầu. Các điệu múa ăn nhịp với tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng và tiếng vỗ tay của đàn bà và trẻ con. Tay cầm giáo nhọn, cánh tay đeo mộc, các thanh niên nhảy theo các điệu khi lâm chiến họ lao vào đâm con trâu mạnh mẽ như muốn trút hết mọi sự căm thù đã chồng chất trong lòng. Bởi vì con trâu hiền lành này là một con vật tế thần, từ buổi chiều nó đã được xem là một ác thần, tượng trưng cho nguồn gốc gây ra biết bao đau khổ cho người sơn cước. Giết con trâu

- giết Ác thần đề dâng cho Phúc thần, cầu mong sự chiếu cố giúp đỡ.

Con trâu bị đâm nhiều nhát, bị lửa đốt bốn chung quanh - tượng trưng cho lời cầu khẩn. Để sáng hôm sau, con trâu chết, tượng trưng cho những cái ác đã được ngăn chặn.

Một kẻ hành lễ mang đến dưới chân người chủ lễ một quả bầu khô rỗng và một con gà trống màu trắng. Ông già chủ lễ quỳ xuống, cắt tiết gà, mổ lấy tim và hứng tiết vào trong quả bầu. Người tù trưởng hai tay đưa cho Bảo Đại một cái cần cong bằng trúc và mời Bảo Đại hút rượu đựng trong một cái hũ và nhắm một miếng gan heo nướng. Bảo Đại vừa nhắm xong, lập tức tất cả các bô lão đứng lên và lần lượt quàng vào bên tay trái Bảo Đại một chiếc vòng đồng có khắc dấu hiệu riêng của họ, nói lên sự giao hảo, phục lòng. Quàng vòng đồng xong, mọi người tung hô vạn tuế, vạn tuế.

Sau lễ tế trâu, Bảo Đại và đoàn tùy tùng được mời vào nghỉ trong một ngôi nhà rộng lợp tranh, các cột bằng gỗ teck. Trong nhà trang trí nhiều tác phẩm nghệ thuật vẽ mặt trời, mặt trăng, hình bò cạp, cá... Hình mặt trời khi nào cũng đẹp và lớn hơn cả, ở các chân cột nhà có treo nhiều giá đựng binh khí, chậu đồng. Bảo Đại được mời ngồi chung quanh bếp lửa uống rượu cần.

Bữa rượu cần ấy, đánh dấu việc vùng đất Tây Nguyên được người Pháp trả về với Việt Nam và được hưởng một quy chế Hoàng triều Cương thổ khác với ba kỳ.

Sau lễ ấy ông Bảo Đại đi thị sát các tỉnh miền Nam, còn tôi thì về lại Huế.

Chuyện cũ đã hơn 45 năm tôi tưởng không bao giờ có dịp nhắc lại. Không ngờ bây giờ các nhà nghiên cứu Đà Lạt và Cao Nguyên còn muốn biết để hiểu cặn kẽ hơn vùng đất này, tôi xin kể, nhưng chắc không tránh khỏi những sai sót do tuổi già, rất mong được chiếu cố tha thứ.