Chứng Nhân Tận Mắt Công Ðồng Vatican II

Đức Tổng giám mục Denis E. Hurley, thuộc Dòng Tận Hiến Ðức Mẹ Vô Nhiễm (O.M.I), cai quản giáo phận Durban, Nam Phi, là một trong những nghị phụ chủ lực của Công Ðồng Vatican II từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc. Trong loạt bài độc quyền viết cho tờ The Southern Cross và được xuất bản năm 2001, ngài thuật lại các biến cố quan trọng xẩy ra trong các khóa họp của Công Ðồng này, kể cả những vận động hậu trường, chưa được tiết lộ. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố triệu tập Công Đồng, mời qúy bạn đọc theo dõi loạt bài lý thú này.

1. Aggiornamento

Ngày 25 tháng Giêng năm 1959, Ðức Gioan XXIII công bố ý định triệu tập một công đồng chung cho toàn thể Giáo Hội. Lời công bố này được thực hiện sau một cử hành phụng vụ tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phaolô ngoại thành Rôma, nhân tuần lễ Hiệp Nhất Kitô giáo. Số nhỏ các vị hồng y nghe Ngài tuyên bố hôm đó hình như không tỏ dấu hiệu gì hứng khởi hay chào đón viễn tượng có một công đồng chi hết.

Nhiều người trong chúng tôi thắc mắc lý do tại sao cần phải có một công đồng vào lúc này. Bởi xét theo lịch sử, xem ra công đồng chỉ cần để giải quyết một khủng hoảng nào đó trong đời sống Giáo hội. Nhưng tháng Giêng năm 1959, làm chi có khủng hoảng? Nhất là đối với cái phần nói tiếng Anh của Giáo hội, thì ý niệm khủng hoảng lại càng xa vời hơn. Phần lớn trong các xứ ấy, các giáo xứ đều đang sinh hoạt rất tốt, các trường Công giáo điều hành thành công, ơn kêu gọi làm linh mục và tu dòng tăng triển đều đặn.

Có lẽ chính vì lý do đó, tôi phản ứng khá chậm khi nhận được thư của Đức Hồng y Tardini, Quốc vụ khanh, gửi các giám mục hoàn cầu, mời góp ý cho nghị trình của công đồng. Phải đến khi có thư thúc, tôi mới chịu nhúc nhích. Tôi nghĩ nhiều vị giám mục khác cũng thế thôi. Tôi bèn phủi bụi cuốn từ điển Latinh cũng như sách văn phạm của mình để bắt tay soạn một vài đề nghị.

Ấy thế mà ngạc nhiên thay, đầu năm 1961, tôi được chỉ định làm thành viên của ủy ban chuẩn bị trung ương. Nhiều ủy ban chuyên môn đã làm việc trước đó để soạn thảo các đề tài cho công đồng. Công việc của ủy ban chuẩn bị trung ương là phối hợp các bản văn đã được soạn thảo và đem lại cho chúng hình thức cuối cùng, mệnh danh là các đề án (schemas). Schema là từ Latinh, nguyên gốc Hylạp, có nghĩa là bản văn đề nghị.

Kinh nghiệm làm việc tại ủy ban chuẩn bị trung ương giúp tôi hiểu ra lý do tại sao cần có một công đồng. Ủy ban này bao gồm khá đồng đều hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến. Tôi thấy mình thuộc nhóm sau, là nhóm quan tâm nhiều đến việc làm thế nào để Giáo hội quan tâm đến việc thờ phượng, và việc phúc âm hóa đối với các điều kiện xã hội đương thời.

Phe bảo thủ có khuynh hướng nhìn trở lui và vận động duy trì những gì đã được thiết dựng. Những vị bảo thủ mạnh mẽ nhất phần lớn là các vị hồng y bàn giấy đang phục vụ tại giáo triều lúc ấy. Ðiều này xem ra khá lạ vì đức Gioan XXIII đã chỉ rõ mục đích của công đồng là aggiornamento, mà ta có thể đại khái dịch là cập nhật hóa.

Dù được đức Thánh Cha ủng hộ, phe chúng tôi, tức phe cấp tiến, xem ra đang đánh một trận đánh thua cuộc. Chúng tôi chỉ biết tham dự các buổi tranh luận tại Rôma, đưa ra các đề nghị rồi về nước chờ phiên họp sau. Trong khi ấy, các vị đại diện giáo triều ở lại Rôma, tha hồ ảnh hưởng đến việc lên công thức cho các “sáng kiến” của ủy ban.

Ðến lúc chúng tôi tiến tới phiên họp áp chót của ủy ban, mà theo tôi xẩy ra trong tháng Năm năm 1962, tôi khá thất vọng trước các đề án được đề nghị làm nghị trình cho công đồng, mặc dù phe chúng tôi có sự đóng góp của những hồng y tên tuổi như Lienart của Lille, Frings của Cologne, Alfrink của Utretch, Konig của Vienna, Dopfner của Munich, Leger của Montreal, Montini của Milan (sau này là đức Phaolô đệ lục), Bea của Rôma, và Suenens của Mechelen-Brussels, người sau này được công nhận là một trong những kiến trúc sư vĩ đại, nếu không muốn nói là vĩ đại nhất, của công đồng.

Những người thuộc vùng bắc dẫy núi Alps thường được người Ý gọi là dân Bên Kia Núi (Transalpines) với hàm ý mọi rợ, vì dân man ri vốn từ đó mà ra. Nhóm cấp tiến chúng tôi quả bị đẩy vào cái thế thật không công bằng chút nào trên sân chơi. Tuy nhiên cũng có một vài an ủi trong hai đề án, một về phụng vụ và một về đại kết.

Công lớn trong bản văn về phụng vụ là của vị thư ký xuất sắc của ủy ban chuyên môn thuộc lãnh vực ấy, tức cha Annibale Bugnini, một cha Dòng Thánh Vincent, sau này trở thành tổng giám mục và là thư ký của Thánh Bộ Phụng Vụ trong nhiều năm sau công đồng. Dưới ảnh hưởng của ngài, một nhóm các học giả phụng vụ nổi tiếng của Giáo hội đã được qui tụ lại để làm việc trong ủy ban phụng vụ.

Ðối với đề án có dáng dấp cấp tiến thứ hai, tức đề án đại kết, công lớn là của vị chủ tịch ủy ban, tức đức hồng y Bea, Dòng Tên, một học giả kinh thánh nổi tiếng. Ðó là hiện trạng chuẩn bị để công đồng có thể khai mạc vào ngày 11 tháng Mười năm 1962.

2. Bị bỏ lại phía sau, như những vật trong viện bảo tàng

Tôi nhớ rất rõ, ngày 11 tháng Mười năm 1962 là một ngày Mùa Thu huy hoàng, đầy ánh mặt trời, đem lại một khung cảnh hoàn bị cho cuộc diễn hành của các nghị phụ qua công trường Thánh Phêrô.

Nhiều người sau này cho hay họ thấy tôi trong phim thời sự ghi lại biến cố trên. Tuy nhiên, thực ra họ không thể thấy tôi được, bởi lẽ tôi là một trong những người hụt mất khúc ở công trường. Lý do vì một vị phụ tá chưởng nghi lạc mất hiệu lệnh sao đó, nên đã để cả một lô tổng giám mục kẹt cứng ở địa điểm tập trung.

Ðịa điểm tập trung này là một trong những phòng lớn của Viện Bảo Tàng Vatican. Ðối với chúng tôi, những người thuộc cánh cấp tiến, quả là bực mình khi bị để lại đàng sau như những đồ trưng bầy của bảo tàng viện. Sau đó, chúng tôi bị dẫn vội vàng xuống phía cầu thang điện Vatican, lẻn qua cổng trước của nhà thờ Thánh Phêrô và đẩy vào đòan diễn hành ngay phía trước các hồng y và đức Thánh Cha trên kiệu gestoria.

Bước vào vương cung thánh đường, là cả một khung cảnh vĩ đại hiện ra trước mắt. Lòng nhà thờ Thánh Phêrô đã biến thành hội trường vĩ đại gọi theo tiếng Latinh là Aula. Gian chính giữa ấy đã được phân cách hẳn với các gian cánh phụ, và ở hai bên cánh chính này dựng lên những hàng ghế cao vút san sát nhau, để lại một lối đi ở chính giữa, tạo nên một cái khung bán nguyệt tuyệt vời với cung thánh ở phía cuối, mà sừng sững bao quanh bàn thờ là chiếc long đình nổi tiếng của kiến trúc sư Bernini thế kỷ 17.

Khi nhóm tổng giám mục chúng tôi bước vào vương cung thánh đường, gần 2,000 giám mục đã yên vị trong chỗ ngồi của họ và khung cảnh ấy thật giống hẻm núi hùng vĩ gồm toàn mũ tế trắng. Các tổng giám mục, do thâm niên giáo phẩm, được xếp ngồi khá gần bàn thờ. Tôi được xếp ngồi bên phải (nhìn từ phía bàn thờ), rất gần các hồng y.

Tôi hơi e ngại thấy máy quay phim truyền hình đặt rất gần mình, vì sợ rằng trong buổi lễ quá kéo dài sau đây, tôi dám để mình rơi vào cơn mê ngủ và truyền hình sẽ giữ đó làm lưu niệm cho hậu thế thì nguy.

Tuy nhiên, bài diễn văn mà Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đọc vào cuối nghi lễ đã đánh tan mọi mối e ngại của tôi. Dĩ nhiên, ngài nói bằng tiếng Latinh, nhưng nhờ bẩy năm tiếng Latinh khi còn là sinh viên tại Rôma và kinh nghiệm làm việc nhiều lần tại Ủy Ban Chuẩn Bị Trung Ương, trong đó tiếng Latinh luôn luôn được sử dụng, nên tôi không thấy có khó khăn gì về ngôn ngữ. Ðức Thánh Cha nói một cách bình thản và rõ ràng, từng lời nói của ngài được nghe rõ mồn một.

Ở đây tôi phải nhận rằng các nhân viên phụ trách sắp xếp âm thanh cho công đồng tại nhà thờ Thánh Phêrô quả đã làm một công việc tuyệt vời. Trong bài diễn văn, Ðức Thánh Cha nói rằng nghị trình của công đồng phải nhằm làm sáng tỏ Ðức Kitô là trung tâm lịch sử và trung điểm sự sống và phải cập nhật hóa các phương pháp của Giáo hội (aggiornamento).

Ngài nói rằng có những người chỉ biết nhìn bất cứ cái gì hiện đại cũng là hủy hoại và quanh co. Ðức Thánh Cha coi họ như các tiên tri điềm dữ và kêu gọi công đồng hãy làm cho Giáo hội thực hiện một bước tiến nhẩy vọt hướng tới việc đào sâu học thuyết và huấn luyện lương tâm, dưới ánh sáng Phúc âm và mầu nhiệm Giáo hội.

Lắng nghe Ðức Thánh Cha, tôi thấy mình chẳng còn khuynh hướng nào để mắt nhắm lại và đầu gật tới gật lui nữa. Ngài quả đứng về cánh cấp tiến chúng tôi, nhưng giáo triều vẫn nắm giữ nhiều quyền kiểm soát lắm.

Cốt chính trong giai đoạn đầu của công đồng là để giải quyết cái tình trạng trên.

3. Ngày đầu làm việc, Công đồng chỉ kéo dài 50 phút

Ngày 13 tháng Mười năm 1962 là ngày làm việc đầu tiên của Công đồng Vatican II. Các nghị phụ công đồng đã được phân phối các giấy tờ cần thiết. Trong số ấy có 10 thẻ bỏ phiếu với 16 khoảng trống trên mỗi thẻ để bầu các ủy ban công đồng. Nhiệm vụ của các ủy ban này là điều hành việc thông qua các đề tài (hay đề cương) trong các buổi tranh luận của công đồng.

Cũng có một danh sách kê khai các vị từng phục vụ trong các ủy ban chuẩn bị. Công đồng được yêu cầu bỏ phiếu bầu các thành viên cho các ủy ban như là nhiệm vụ đầu của ngày làm việc đầu tiên.

Trong số các thành viên của công đồng và các cố vấn thần học, có nhiều vị khi nghe phong phanh về việc này đã tỏ ra kinh hoàng trước viễn ảnh các giám mục phải bỏ phiếu bầu thành viên cho các ủy ban mà không hề biết gì về người mình bầu.

Họ coi việc ấy như một âm mưu vội vàng, thế là cánh cấp tiến vội vã truyền nhau ý kiến phải xử lý việc này. Ý kiến này lọt tới tai tôi.

Lệnh đầu phiếu được ban ra. Nhiều giám mục quanh tôi bắt đầu viết các tên lên phiếu bầu của họ. Còn tôi thì ngồi chờ, và cái chờ ấy dường như dài vô tận. Cuối cùng, đức Hồng Y Lienart của Lille, một thành viên của chủ tịch đoàn, lên tiếng kêu gọi đình hoãn để chúng tôi có đủ thì giờ tìm hiểu về các đề cử viên cho các ủy ban.

Ðức Hồng y Frings của Cologne ủng hộ ý kiến của đức Hồng y Lienart. Tiếng vỗ tay nổi lên và vị chủ tọa cuộc họp buổi sáng là đức Hồng y Tisserant tuyên bố ý kiến ấy được chấp thuận, và các nghị phụ có ba ngày để quyết định nên bầu ai vào các ủy ban. Phiên họp tạm hoãn và các giáo phẩm với phẩm phục đỏ và tím tuôn ra khỏi vương cung thánh đường. Ngày làm việc đầu tiên chỉ kéo dài 50 phút là vì vậy.

Trong suốt ba ngày sau, không khí thật sôi động với nhiều gặp gỡ xẩy ra, nhiều tham khảo được thực hiện, nhiều danh sách được lập ra và được phân phối. Cả hai cánh, bảo thủ lẫn cấp tiến, đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc cánh mình được đại diện trong các ủy ban là những cơ sở có tiếng nói rất mạnh trong việc xét lại các bản văn đề án dưới ánh sáng các buổi tranh luận sắp xẩy ra.

Thật ngạc nhiên khi tôi được bầu làm thành viên của Ủy Ban Huấn Luyện Các Ứng Viên Linh Mục và Giáo Dục Công Giáo.

Khi vấn đề các ủy ban đã được giải quyết, công đồng sẵn sàng để giải quyết đề tài đầu tiên trong nghị trình. Ðó là vấn đề phụng vụ.

Như tôi đã nói ở trên, đề án phụng vụ là một trong hai đề án tốt của Uỷ Ban Chuẩn bị Trung ương. Nó có tính tiến bộ và sáng tạo. Tuy nhiên, đứng đầu ủy ban lại là một vị chủ tịch thuộc cánh bảo thủ, đó là đức Hồng y Larraona, và cả hai vị phó chủ tịch cũng thuộc cánh bảo thủ nốt. Phe cấp tiến hết sức thất vọng vì đến cha Bugnini, từng đóng vai trò lớn trong sự thành công của Ủy ban tiền công đồng về phụng vụ, cũng không được đề cử làm thư ký cho ủy ban công đồng.

Cuộc tranh luận về phụng vụ bắt đầu ngày 22 tháng Mười, 11 ngày sau lễ khai mạc long trọng công đồng. Nhiều phát biểu rất hay vừa ủng hộ vừa phê phán đề án đã được đưa ra, nhưng tôi hoàn toàn thất vọng về thủ tục bao gồm hết lời phát biểu này đến lởi phát biểu khác tiếp nối nhau trong cả ba giờ đồng hồ liền, mà con số lên đến 15 tất cả không ngừng không nghỉ. Những lời phát biểu này được gọi là “những can thiệp” (interventions) du nhập vào tiếng Anh từ tiếng Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Tôi nản lòng về thủ tục này đến nỗi dù tên tôi được kể trong số các vị phát biểu và lời can thiệp của tôi đã được soạn sẵn, tôi lại muốn thà không nói thì hơn và chỉ cần trao bản viết. Những can thiệp tiếp nối nhau vô tận, toàn bằng tiếng Latinh này chắc chắn là nguyên nhân làm nổi tiếng hai quán cà phê có tên là Quán Abbas và Quán Jonah.

Mặc cho người khác nghĩ sao về thủ tục này, nó vẫn cứ quay đều trên cái trục lặp đi lặp lại và, trong trường hợp tranh luận về phụng vụ, nó đã kết thúc bằng đa số phiếu ủng hộ đề án dù với nhiều đề nghị và tu chính. Như thế, sau một tháng ở Rôma, chúng tôi đã hoàn tất được giai đoạn đầu của đề tài. Công đồng xem ra sẽ là một công trình kéo dài.

Một biến cố khá bất thường xẩy ra vào ngày 13 tháng Mười Một khi chúng tôi được thông báo là Ðức Thánh Cha đã quyết định đưa tên Thánh Giuse vào Lễ Qui Rôma, nay gọi là Lời Nguyện Thánh Thể thứ nhất. Ðiều này là để đáp ứng nhiều yêu cầu do các lời can thiệp nêu ra.

Ít ngày sau, tôi được Đức Tổng giám mục (sau lên Hồng y) Wright của Pittsburgh tiếp xúc. Ngài hỏi tôi xem có chịu ủng hộ đơn yêu cầu xin xác định tín điều hồn xác lên trời của Thánh Giuse hay không. Khi thấy lông mi tôi chỉ ngược lên trời, ngài bèn trích lời Cha Peyton, một linh mục nổi tiếng trên truyền hình Mỹ lúc ấy, và nói “có đủ cơ sở vững chãi về thần học: gia đình cầu nguyện với nhau là gia đình bền vững với nhau!”

4. Ðức Gioan XXIII chấm dứt 400 năm thế thủ

Vatican II sẽ đi theo hướng cấp tiến hay bảo thủ là tùy hai cuộc tranh luận chủ yếu diễn ra cuối tháng Mười Một và đầu tháng Mười Hai năm 1962, trong giai đoạn đầu của công đồng.

Ðối với các độc giả không quen thuộc với khung cảnh thần học Công giáo, thật khó giải thích rõ các lý do của việc trên. Thành ra muốn có được một giải thích, tôi cần phải nhắc lại chút ít lịch sử thần học. Thế kỷ 13, thiên tài thần học vĩ đại Dòng Ðaminh là thánh Tôma Aquinô đã du nhập lối suy nghĩ của triết gia Aristote người Hylạp vào nền thần học Công giáo. Dần dà, Aristote chiếm địa vị thống trị và ngôn từ cũng như các công thức của ông trở thành chiếc xe chuyên chở tư tưởng thần học Công giáo.

Ðiều này đáng lẽ đã có thể thay đổi do hậu quả của Phong Trào Phục Hưng. Nhưng lúc Phong trào Phục hưng lên cao nhất, thì Phong Trào Cải Cách xẩy ra, đem lại nhiều tranh cãi thần học và chiến tranh tôn giáo. Giáo hội đi vào con đường thủ thế và nền thần học chịu ảnh hưởng của Aristote được duy trì. Người ta gọi nó là thần học kinh viện, ám chỉ các nhà khoa bảng (schoolmen) trong các đại học thời trung cổ.

Bốn trăm năm sau Cải cách, xem ra Giáo hội vẫn cứ liên tục giữ thế thủ đối với Phong trào Thệ phản, cách mạng khoa học, cách mạng kỹ nghệ, Phong trào Ánh sáng (triết lý thế chỗ cho đức tin Kitô giáo), cách mạng chính trị và cách mạng ý thức hệ bao gồm chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội (nhất là hình thức cực đoan Macxit), chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã.

Ðó quả là một Giáo hội tự vệ. Một Giáo hội pháo đài. Nhưng khi Giáo hội này bước vào thế kỷ 20, một loạt những canh tân thi đua đâm bông: về kinh thánh, về thần học, về phụng vụ, về tông đồ và về cả giáo lý nữa. Một trỗi dậy đầy hào hứng.

Ðức Giáo hoàng Gioan XXIII nắm bắt được cơ may ấy khi ngài triệu tập Công đồng Vatican II.

Công đồng có nhiệm vụ phải quyết định giữa não trạng pháo đài hay bước vào phương thức mở cửa tâm hồn mình nhiều hơn đối với thế giới và xã hội con người. Ðại khái đó là vấn đề tranh chấp giữa cánh bảo thủ và cánh cấp tiến.

Hai cuộc tranh luận khiến vấn đề trên trồi lên hàng đầu chính là hai cuộc tranh luận liên quan đến mạc khải và Giáo hội.

Về vấn đề mạc khải, phương thức kinh viện từng đem lại ý niệm hai nguồn: thánh kinh và tông truyền. Cánh cấp tiến chống lại ý niệm đó vì họ thấy rằng đặt tông truyền thành nguồn riêng biệt của mạc khải Thiên Chúa là điều sai lầm. Ðối với họ, chỉ có một nguồn mạc khải mà thôi: đó là Lời Chúa tỏ cho dân Người và được ủy thác cho các tông đồ và, khi được các ngài truyền lại, thì mặc lấy hai chiều kích: thánh kinh và tông truyền, nâng đỡ và bổ túc cho nhau.

Một cuộc tranh luận gắt gao xẩy ra trong các ngày từ 14 đến 19 tháng 11 năm 1962, khi các nghị phụ được yêu cầu bỏ phiếu xem có nên tạm ngưng cuộc tranh luận hay không. Ðiều này trên thực tế có nghĩa là cần phải đưa ra một đề án mới. Kết quả đầu phiếu là 1368 ủng hộ tạm ngưng, 822 chống lại. Tuy không đạt được 2/3 tổng số phiếu, nhưng kết quả ấy cũng đủ cho thấy đề án đang tranh cãi ít có tương lai. Bởi thế, Ðức Thánh Cha phải can thiệp vào và chỉ thị phải viết lại đề án.

Cuộc tranh luận chủ yếu thứ hai liên quan đến đề án về Giáo hội. Cũng có phản ứng mạnh chống lại đề án này. Nó quá kinh viện, quá thủ thế. Không có đặc tính cởi mở và quy hướng mục vụ mà đa số các nghị phụ mong chờ.

Bởi thế, một lần nữa đức giáo hoàng Gioan XXIII lại đã can thiệp vào và chỉ thị phải sửa lại đề án, sau khi đức hồng y Suenens, tổng giám mục Brussels đưa ra đề nghị ngày 4 tháng 12 phải có một kế hoạch toàn bộ cho công đồng. Chủ đề chính phải là Giáo hội, với ít nhiều phụ đề bàn về các khía cạnh đối nội và đối ngoại của Giáo hội. Khía cạnh đối ngoại bao gồm tác động của Giáo hội đối với thế giới. (Bản Latinh: Ecclesia ad intra and Ecclesia ad extra). Việc xem sét đến tác động đối với thế giới sau này sẽ trở thành Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay (Gaudium et Spes).

Trước khi kết thúc giai đoạn đầu, Ðức Thánh cha đưa ra một quyết định quan trọng: tức quyết định thiết lập một ủy ban phối trí để kiểm soát chặt chẽ các đề án và chương trình thảo luận.

Giữa việc xử lý vấn đề phụng vụ và hai cuộc tranh luận chủ yếu, công đồng cũng dành hai ngày để thảo luận về Giáo hội và các phương tiện truyền thông hiện đại.

Giai đoạn đầu của công đồng là một giai đoạn gay cấn nhưng chắc chắn đã kết thúc một cách tích cực. Có lẽ đó là một an ủi lớn lao cho đức Gioan XXIII, người được chứng kiến ngày sinh của công đồng nhưng đã không được tận mắt chứng kiến trên trần gian những sinh hoạt sau đó của nó. Ngài qua đời tháng 6 năm 1963, sau khi đã khai mở một cố gắng nhằm chấm dứt 400 năm thế thủ trong sinh hoạt của Giáo hội và mở cửa cho Giáo hội hường tới một viễn ảnh mục vụ bao quát hơn.

5. Hai tuần chủ yếu của Vatican II

Các nghị phụ công đồng tập trung tại Rôma để tham dự giai đoạn hai vào cuối tháng 9 năm 1963. Thánh lễ khai mạc được cử hành tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô ngày 29. Chủ tế là đức tân giáo hoàng Phaolô VI. Vị tiền nhiệm của ngài, đức Gioan XXIII, người triệu tập công đồng, đã qua đời năm đó.

Ðức Phaolô VI, người lúc còn là Hồng y Montini, vốn là một khuôn mạo quan trọng trong khóa thứ nhất của công đồng, trong bài diễn văn, rõ ràng tự xếp mình đi theo chính sách aggiornamento (cập nhật hóa) của đức Gioan XXIII.

Ngày làm việc đầu tiên là ngày 30 tháng 9. Chúng tôi ngồi chỗ mới trong aula, nhận được bản đề án mới về Giáo hội, và bỏ phiếu ủng hộ đề án này với 2231 phiếu thuận trong tổng số 2301 phiếu bầu. Ðiều này cho thấy đã có sửa đổi quan trọng so với bản văn đầu.

Khi tranh luận về “Mầu nhiệm Giáo hội”, các can thiệp đã nhấn mạnh nhiều đến những hình ảnh thánh kinh như dân Chúa, nước Chúa, nuớc đức Kitô, thân mình đức Kitô, gia đình Thiên Chúa, hiền thê đức Kitô. Ðiều này cho thấy một sự chuyển mình ra khỏi nền thần học dựa trên phương thức triết học và cơ cấu; cũng là một chuyển mình ra khỏi thái độ thủ thế (hay hộ giáo) từng là hậu quả của những đối nghịch Thệ phản. Trong bản văn cuối cùng, được chấp thuận về Giáo hội, “Dân Chúa” trở thành một chương riêng tiếp theo chương “Mầu nhiệm Giáo hội”.

Trước khi kết thúc phiên họp ngày Thứ Sáu, cuộc tranh luận bắt đầu về phẩm trật, đặc biệt nhắc đến tính hiệp đoàn (collegiality) của các giám mục. Cuộc tranh luận này kéo dài 7 ngày.

Tính hiệp đoàn của các giám mục chẳng có chi liên quan đến trường này trường nọ hay đại học này đại học nọ. Mà vấn đề là: phải chăng các giám mục Công giáo tạo thành một cơ chế hiệp đoàn (corporate body) với đức giáo hoàng trong thừa tác vụ tông đồ? Các giám mục nhận được thẩm quyền của mình từ đức giáo hoàng hay trực tiếp từ đức Kitô như một cơ chế hiệp nhất và bên dưới đức giáo hoàng?

Ðây là vấn đề rất lớn đối với các thần học gia aggiornamento. Các nhà bảo thủ sợ rằng tính hiệp đoàn sẽ làm yếu đi quyền tối thượng (primacy) của đức giáo hoàng. Các nhà cấp tiến trái lại xác tín rằng việc lãnh đạo trong Giáo hội sẽ yếu đi vì thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các giám mục và đức giáo hoàng trong việc quản trị Giáo hội.

Vào ngày Thứ Sáu là ngày bắt đầu cuộc tranh luận, một trong những vị bảo thủ tên tuổi là đức Hồng y Rufini của Palermi miền Sicily, mở đầu cuộc tranh luận bằng cách mạnh mẽ bênh vực quyền tối thượng không điều kiện. Sáng Thứ Hai, 9 đức hồng y, phần nhiều là người Bên Kia Núi (là tên chỉ các nghị phụ không phải người Ý), lên tiếng ủng hộ tính hiệp đoàn.

Tuần đó kết thúc với một đóng góp Ý rất mạnh khác, lần này lại từ cánh cấp tiến. Diễn giả là một vị rất trẻ, vừa mới được thụ phong 5 ngày trước đó, chính là giám mục phụ tá địa phận Bologna, đức cha Bettazzi. Quét một loạt Latinh trôi chẩy như thác nước và với những cử điệu tuyệt vời, trong 15 phút vắn vỏi có tác dụng điện hóa cả một hội trường đang mệt mỏi vào ngày cuối tuần, đức cha Bettazzi đã tuôn ra một loạt những chứng tá thần học hùng hồn để chứng minh rằng truyền thống Ý đại lợi thực ra cũng đứng đàng sau tính hiệp đoàn giống như mọi truyền thống khác.

Chỉ 15 phút thôi: nhưng cũng đã quá năm phút do qui luật cho phép. Ðáng bình luận là việc đức hồng y Lercaro của Bologna, người chủ toạ phiên họp hôm đó, say mê theo dõi lời trình bầy của vị phụ tá của mình đến độ quên khuấy cả việc mình phải trung lập và phải rung chuông cảnh cáo sau phút thứ 8, như qui luật đòi hỏi. Vị diễn giả khác trong ngày cũng được phép nói thêm giờ: đó là đức tổng giám mục Slipyi, người vừa được thả khỏi nhà tù Siberia sau 18 năm đằng đẵng.

Thế là hai tuần lễ quan trọng nhất của công đồng Vatican II đã kết thúc, hai tuần lễ bàn về bản chất Giáo hội, và vấn đề quyền tối thượng và tính hiệp đoàn.

Trong bản văn được thỏa thuận và công bố về Giáo hội, được biết dưới tựa đề Latinh là Lumen Gentium, tương quan giữa quyền tối thượng và tính hiệp đoàn được phát biểu như sau: “Giám mục Rôma, vì chức vụ Thay mặt đức Kitô và trong tư cách là mục tử của toàn thể Giáo hội, có quyền trọn vẹn, tối cao và phổ quát trên toàn thể Giáo hội, một quyền mà ngài có thể tự do thi hành. Chức bậc các giám mục là người kế quyền tông đồ đoàn (college of the apostles) trong vai trò của mình như thầy dậy và mục tử, và trong chức bậc ấy tông đồ đoàn được truyền đến muôn đời. Cùng với người đứng đầu là Ðức Giáo hoàng, và không bao giờ tách rời ngài, chức bậc các giám mục là chủ thể của quyền bính tối cao và trọn vẹn trên toàn thể Giáo hội hoàn cầu, nhưng quyền này không thể thi hành nếu không có sự đồng thuận của Giám mục Rôma”. Nếu độc giả thấy khó mà hiểu được mối tương quan giữa quyền tối thượng của đức giáo hoàng và tính hiệp đoàn, thì họ phải hiểu rằng phải khó khăn bao nhiêu mới đạt được nó trong một cuộc thảo luận có sự can dự của hơn 2000 tham dự viên!

6. Giáo dân, các phó tế và Ðức Mẹ

Ðiểm yếu lớn trong chương bàn về phẩm trật là song song với 10 tiết (sections) nói về các giám mục, chỉ có một tiết bàn về các linh mục và các giám mục.

Bốn người chúng tôi (một thiểu số quá nhỏ) cảm thấy điều đó quá tệ nên đã lên tiếng can thiệp vào chủ đề chức linh mục. Tôi nhấn mạnh rằng các giám mục sẽ tạo nên một khuôn mạo nghèo nàn nếu không có các linh mục, là những người làm phần lớn công việc. Một vị giám mục Pháp đề nghị rằng cũng như các giám mục đã tạo thành một hiệp đoàn chung quanh đức giáo hoàng thế nào, thì các linh mục cũng tạo nên một linh mục đoàn chung quanh vị giám mục như vậy.

Nhiều xem sét đã được dành cho các phó tế vì việc phục hồi chức phó tế trong Giáo hội Phương Tây được coi là một canh tân.

Nhưng vẫn có những luận chứng ủng hộ và chống lại. Một trong những khía cạnh tranh cãi là vấn đề độc thân. Có ý kiến cho rằng sẽ không thực tế tí nào nếu phục hồi chức phó tế vĩnh viễn mà lại loại trừ những người có gia đình. Ý kiến khác lại sợ rằng các phó tế có gia đình sẽ trở thành lưỡi dao sắc phá hoại luật độc thân của linh mục. Chính trong hoàn cảnh đó, Vatican II đã mở đường cho các phó tế vĩnh viễn có gia đình.

Chương kế tiếp trong đề án về Giáo hội cần phải đem ra thảo luận là chương ba: “Dân Chúa và Giáo dân nói riêng”.

Khi miêu tả việc bắt đầu cuộc tranh luận này, có lần tôi đã sử dụng hình ảnh chơi cricket: “Ðức hồng y Rufini (tổng giám mục bảo thủ của Palermo) đóng vai batsman khởi đầu cuộc chơi và, với con mắt tinh nhìn và tính cẩn thận cố hữu của một tay batsman sinh ra đã biết cầm bat để khởi đầu cuộc chơi, ngài xử lý một cách cứng rắn với bất cứ nghiêng ngả nào ngài nhận ra trong ngôn từ thần học và trong các trích dịch thánh kinh”. Một hồng y người Sicily đứng trước wicket!

Ðối với giáo dân, nhiều bài phát biểu rất hay đã được đọc về sự cần thiết phải nhấn mạnh nhiều hơn đến gia đình Kitô hữu, đến ơn gọi của người giáo dân phải sống và làm việc trong thế gian, đến việc thánh hiến thế gian qua người giáo dân Kitô giáo.

Nhưng có vấn đề: làm sao suy tư về người giáo dân mà lại không dùng đến những điều tiêu cực. Thật khó có thể định nghĩa được người giáo dân mà không nói họ không phải là giáo sĩ hay tận hiến tu dòng.

Một vài gợi ý được đưa ra nhưng hết 9 trong 10 trường hợp, kẻ định nghĩa giáo dân là gì vẫn cứ loay hoay mãi ở cuối đường hầm những cái tích cực, cho đến phút chót lại rơi vào cái bẫy tiêu cực, khiến cử tọa chẳng nhịn được cười.

Có người nhắc đến vai trò ngôn sứ của giáo dân cũng như chức linh mục của họ. Một vài châm chọc đã được phát biểu về điểm thứ hai, có thể vì cái viễn tượng người giáo dân xâm lăng gian cung thánh (chen chúc nhau đàng sau các phó tế có vợ). Tuy thế, cung điệu cuộc tranh luận nói chung khá tích cực, diễn tả được niềm hy vọng, tín thác và vững tin. Một số giám mục phát biểu hùng hồn về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Ðức cha Hakin, mà giáo phận bao gồm Nazareth, gây ấn tượng khá đặc biệt trong vấn đề này.

Vấn đề về Ðức Mẹ được nêu lên - liệu Người nên có một đề án riêng, hay chỉ là một tuyên ngôn bên trong đề án về Giáo hội.

Tuần lễ thứ năm của khóa thứ hai là một tuần lễ làm việc rất ngắn. Một ngày được dành cho việc tưởng niệm đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII,. đấng đã khởi xướng công đồng, và một ngày nghỉ lễ Các Thánh.

Tuy nhiên cũng kiếm ra giờ để tranh luận về chương 4 của đề án, “Ơn Gọi Nên Thánh trong Giáo hội”. Văn kiện nhấn mạnh rằng mọi phần tử của Giáo hội đều được kêu gọi nên thánh. Chương này bao gồm phần nói đến các tu sĩ, nhưng sau này, một chương riêng đã được tạo ra dành riêng cho đời sống tu sĩ.

Vấn đề vị thế của Ðức Mẹ trong các tài liệu của công đồng đã được bàn thảo một cách gay gắt. Những vị muốn có một đề án riêng biệt dành cho Ðức Mẹ cảm thấy nếu chỉ nói đến Người trong đề án về Giáo hội, ta sẽ xúc phạm đến danh dự mà Người đáng được hưởng. Phe kia thì xác tín rằng đức Maria chẳng muốn điều gì khác hơn là được liên kết chặt chẽ với Giáo hội. Khi bỏ phiếu, số phiếu bầu được công bố như sau 1114 vị ủng hộ và 1074 vị bỏ phiếu chống, một chênh lệch chưa đến 2 phần trăm.

Cuộc tranh luận về đề án liên quan đến Giáo hội kết thúc với 5 câu hỏi được đặt ra cho các nghị phụ để thăm dò thái độ của các ngài đối với các vấn đề quyền tối thượng, tính hiệp đoàn và chức phó tế.

7. Hai vụ phun lửa tại Vatican II

Tuần lễ thứ sáu và thứ bẩy năm 1963 của Công đồng Vatican II được dành cho một đề tài khác “Các giám mục và việc cai quản các giáo phận”. Như thế lại có dịp bàn về các giám mục.

Các điểm đưa ra thảo luận là mối liên hệ giữa các giám mục và giáo triều Rôma, với các chi tiết liên quan đến giáo phận, các giám mục phó và phụ tá, và vấn đề người thuộc các nghi lễ khác nhau trong Giáo hội nhưng sống trong cùng một lãnh thổ.

Tại Nam Phi, ngoài nghi lễ Rôma và, một mức độ nào đó, nghi lễ Maronite của phần đông anh em Libăng, chúng ta ít biết đến các nghi lễ khác.

Tại Trung Ðông, trái lại, ta thấy rất nhiều nghi lễ khác nhau mà một số tràn qua cả các nước khác, như Canada và Mỹ. Mối liên hệ giữa các nghi lễ này cần được ấn định rõ.

Hiển nhiên các nghị phụ thuộc các nghi lễ trên có những quan tâm khác nhau, nhưng họ chỉ là thiểu số rất nhỏ. Như thế, khóa hai của Công đồng xem ra đang tiến một cách chậm chạp nhưng đều đặn tới chỗ tàn lụi. Ðiều này rồi cũng đến thôi, nhưng trước khi tàn lụi, nó cũng phun lửa lên hai bận: một nhỏ, một lớn.

Vụ phun lửa nhỏ liên quan đến lời chỉ trích của Thượng phụ Saigh Maximos IV, thuộc nghi lễ Melkite. Vị Thượng phụ này không bao giờ nói tiếng Latinh để phản đối sự độc quyền của ngôn ngữ này. Thay vào đó, ngài nói bằng tiếng Pháp. Ngài hùng hồn chỉ trích Hồng y đoàn, bằng cách cho mọi người hay: theo lịch sử đó chỉ là một tổ chức của các giáo sĩ Rôma. Sinh ra từ cái nôi ‘tội nguyên tổ” ấy, nó không thể đại diện đầy đủ cho Giáo hội hoàn vũ được.

Tốt hơn, theo đề nghị của ngài, nên tổ chức một hội đồng bao gồm các thượng phụ, một ít hồng y vốn là giám mục chính tòa, và cả chủ tịch các hội đồng giám mục nữa. Ngài kết luận, một tổ chức như thế mới có thể đóng góp đáng kể vào việc phổ quát hóa Giáo hội và cổ võ việc thích nghi vào các hoàn cảnh và văn hóa khác nhau.

Vụ phun lửa lớn hơn xẩy ra vào cuối tuần lễ thứ sáu. Sáng Thứ Sáu hôm đó, khi bước vào Nhà thờ Thánh Phêrô, tôi thấy mình đi bên cạnh nhà thần học Dòng Tên người Mỹ nổi tiếng là John Courtney Murray. Ông cho hay tinh thần của Công Ðồng xem ra đang xìu xuống (drooping) trông thấy. Tôi muốn đồng ý với ông.

Tuy nhiên, trong phiên họp buổi sáng, đức Hồng y Joseph Frings của Cologne nắm lấy máy vi-âm và bắt đầu lên tiếng bằng một giọng trầm và rất đặc trưng của người Giéc-manh (teutonic). Bỗng nhiên, các thành viên Công đồng nhận ra ngài đang chỉ trích Bộ Tín lý (Holy Office), là Bộ có nhiệm vụ bảo vệ sự chính thống của tín lý (ngày nay gọi là Bộ Giáo lý Ðức tin). Hội trường bỗng trở nên căng thẳng chăm chú. Các thần học gia aggiornamento, tức cánh cấp tiến, không tin nổi tai mình. Bộ Tín lý từng cứng rắn với khá nhiều thành viên cánh này, trong số đó có John Courtney Murray.

Khoảng 20 phút sau, đến lượt đức hồng y Ottaviani lên tiếng. Ngài là bộ trưởng bảo thủ của Bộ này, viên chức cao nhất sau đức Thánh cha. Ðức hồng y Ottaviani bước xuống phía máy vi âm với cái nhìn hết sức quả quyết trên gương mặt. Khi đến lúc lên tiếng, lời phản kháng say mê thoát ra từ môi miệng ngài và vang vang khắp cả hội trường đang im phăng phắc. Mặc dù rất ít người trong hội trường ủng hộ ngài, nhưng bản năng thể thao (sporting instinct) của các nghị phụ bỗng nổi lên và bộc phát thành tiếng vỗ tay hoan hô vang dội.

Vỗ tay là điều bị cấm, nhưng thỉnh thoảng vẫn nổ ra. Lần này, tiếng vỗ tay không phải vì nội dung, mà vì phong cách. Nó khiến tôi nhớ đến bài thơ của Macauley mà chúng ta thường học ở nhà trường nói về việc Horatius đã giữ cây cầu như thế nào chống lại quân xâm lăng Tuscan khiến “Ngay cả hàng quân Tuscany cũng không thể không hoan hô”. Dịp này đây, cánh cấp tiến quả là những anh chàng Tuscan kia.

Suốt khóa hai này của Công đồng, các chương của đề án đã sửa đổi về phụng vụ - viên đá chủ chốt của Vatican II - được đem ra đầu phiếu. Lá phiếu hoặc placet (đồng ý), hoặc non placet (không đồng ý), hay placet juxta modum (đồng ý có điều kiện). Ai muốn bầu kiểu thứ ba, thì phải giải thích lý do, để lý do ấy được xem sét lúc soạn thảo bản văn cuối cùng.

Hiến chế về phụng vụ diễn tiến tốt và đã đạt được số phiếu áp đảo và không sửa đổi vào ngày 4 tháng 12 năm 1963. Tất cả chúng tôi đều tuân hành đặt bút ký tên vào hiến chế này, một hiến chế thay đổi cách chúng ta cử hành thánh lễ trước Vatican II qua cách chúng ta cử hành thánh lễ ngày nay.

Nhân nói về phương pháp đầu phiếu, có một vị giáo phẩm già hay ngủ gục trong các phiên họp. Mỗi buổi sáng, chúng tôi phải ghi thẻ hiện diện, mà tiếng Latinh gọi là thẻ adsum (tôi có mặt). Có người kể lại rằng vị giáo phẩm thân yêu của chúng ta ghi thẻ ấy như sau: adsum juxta modum (hiện diện có điều kiện) !

8. Các Niềm Tin Khác: Ðại Kết

Ðại kết là cổ võ sự hiệp nhất Kitô giáo, đem mọi thành phần đã chia cách và phân tán trong Giáo hội của đức Kitô về một mối.

Về phía Công giáo, vấn đề chính đối với đại kết là duy trì đức tin trong một Giáo hội đích thực của đức Kitô trong khi tỏ đủ lòng tôn trọng và quan tâm nhậy cảm đối với các giáo phái khác nhằm khuyến khích và cổ võ đối thoại tiến tới tái hiệp nhất.

Xét một cách rộng, hiện có hai dạng thức giáo hội ly khai hay như người ta thường nói, có hai “cộng đồng giáo hội” ly khai: một ở vùng Ðông Ðịa Trung Hải và Ðông Âu Châu, và một thoát thai từ Tây Âu Châu. Các Giáo hội Phương Ðông bao gồm những người đã phân cách từ rất lâu, tận thế kỷ thứ năm, vì những lạc thuyết liên quan đến đức Kitô lúc đó, và những người được mệnh danh là Chính Thống Giáo, là những người phân cách với Giáo hội Công giáo trong thời Trung Cổ vì ly giáo. Các giáo hội và cộng đồng giáo hội ly khai Tây Âu Châu gồm những người phân cách khỏi Rôma qua Phong Trào Cải Cách.

Tại Công đồng Vatican II, thảo luận đến các vấn đề liên quan đến những vụ ly khai này cũng như thiết lập ra các nguyên tắc cổ võ việc cầu nguyện, đối thoại và hợp tác không phải là việc khó. Nhưng cái tạo ra vấn đề thực sự chính là việc ghép vào đề án đại kết chương nói về Do Thái giáo và chương nói về tự do tôn giáo. Cuối cùng, hai chương này đã được bỏ ra ngoài đề án để được bàn đến ở nơi khác một cách đặc biệt.

Về vấn đề Do-thái, các luận bác chính được nêu lên là: tại sao lại xử lý đặc biệt về nó trong khi không nói gì đến các thành phần tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo vân vân; tại sao lại quan tâm cách thiện cảm đối với người Do-thái trong bầu khí thù nghịch hiện đang đặc trưng cho tình hình tại Trung Ðông (người Ả-rập hết sức thù ghét bất cứ sự chú tâm đặc biệt nào dành cho người Do-thái); và tất nhiên, còn vì hàng bao thế kỷ người Kitô giáo đối xử tàn tệ với người Do-thái chỉ vì họ phải chịu trách nhiệm về cái chết của đức Kitô.

Vấn đề đối với tự do tôn giáo chủ yếu cũng là một vấn đề có tính lịch sử, phát sinh từ sự kiện này là trong cuộc phát triển của Tây Âu Châu, đức tin Công giáo đã trở nên đồng hóa, theo một nghĩa nào đó, với các định chế chính trị và xã hội Âu Châu, đến độ bất cứ giáo huấn lạc giáo nào chống lại niềm tin Công giáo cũng được kể là phản bội chống lại quyền lực chính trị.

Từ bối cảnh ấy, người ta xác tín rằng quyền lực chính trị có bổn phận duy trì, bảo vệ và cổ võ đức tin Công giáo. Ðến một mức nào đó, xác tín trên vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong tâm trí các người đại diện của các nước như Tây Ban Nha và Ý Ðại Lợi là những nước không cảm nghiệm được Phong trào Cải Cách, cũng như sự lớn mạnh của các cộng đồng giáo hội ly khai ngay trên đất nước họ.

Chính vì thế cuộc tranh luận mở ra cho các vấn đề phức tạp ấy không tránh khỏi gây nên bối rối và nóng bỏng cho đến khi phải đưa ra quyết định loại bỏ các chương về chúng, và bàn đến chúng trong những đề án khác.

Chương nói về Do thái giáo sau này được đề cập tới trong Tuyên Ngôn về Liên Hệ của Giáo hội với các Tôn giáo Không phải Kitô giáo, và chương về tự do tôn giáo được đề cập đến trong một tuyên ngôn riêng.

Khi các vấn đề trên đã được giải quyết, Công đồng tiếp tục hoàn tất cuộc tranh luận về vai trò của Ðức Nữ Trinh trong Giáo hội.

Hai tước hiệu được đem ra tranh luận là Ðấng Trung gian Mọi Ơn Thánh và Mẹ Giáo hội. Vì có quá nhiều chống đối đối với việc trung gian phổ quát của Ðức Mẹ, nên tước hiệu đầu không được chấp thuận, còn tước hiệu Mẹ Giáo hội cũng gặp nhiều rối rắm vì đức Maria vừa là thành viên vừa là mẹ Giáo hội.

Một vị giám mục Mễ Tây Cơ nói khôi hài rằng nếu đức Maria được gọi là Mẹ Giáo hội và nếu chúng ta là con cái Giáo hội, thì hóa ra Người là Bà chúng ta rồi. Hôm sau ngài bị một vị giám mục Tây Ban Nha lên lớp gay gắt.

Thay vì gọi đức Maria là Mẹ Giáo hội, Công đồng chỉ nhắc đến Người như là Mẫu mực của Giáo hội. Việc ngập ngừng này sau đó đã đức Phaolô VI vượt qua. Ngài không cảm thấy lúng túng tí nào về tước hiệu Mẹ Giáo hội hết, và đã chuẩn y một thánh lễ tuyệt vời kính đức Maria dưới tước hiệu ấy.

Như thế, khóa ba của Công đồng cứ từ từ diễn tiến, không tỏ dấu hiệu gì cho thấy cuối khóa đó là công đồng chấm dứt.

Tuy nhiên, một dấu hiệu khẩn trương mới đã lộ ra trông thấy trong cung cách các hồng y chủ toạ kiểm soát các buổi tranh luận. Tổng giám mục Munich, tức đức hồng y Doepfner, đặc biệt tỏ ra kịch liệt khẩn trương đến độ một số nghị phụ gọi ngài là “Ðức Kịch Liệt” (His Vehemence).

9. Ðầu Thánh Andrê Hoàn Về Cố Hương

Cùng với sự diễn tiến của Khóa ba Công đồng, người ta có cảm giác cần phải tiến hành sự việc nhanh hơn lên.

Tuy thế, luôn luôn vẫn tìm ra thì giờ để mừng vui, như dịp xẩy ra ngày 23 tháng 9 năm 1964, đánh dấu việc hoàn lại thủ cấp Thánh Andrê cho nhà thờ Chính thống giáo tại thành phố Hylạp Patras.

Hình như thủ cấp này đã được giáo hội Hy-Lạp trao phó cho Rôma giữ hộ vào năm 1462 để tránh khỏi lọt vào tay đoàn quân xâm lăng Thổ Nhĩ Kỳ. Rôma giữ thủ cấp ấy trong 502 năm, hình như hơi lâu hơn thời gian giáo hội Hy-Lạp vẫn nghĩ.

Nhưng ở Rôma, 500 năm có là bao? Dù sao, cuối cùng chúng ta cũng đã trả lại di hài này, và việc trao trả long trọng ấy khởi đầu bằng việc đức Phaolô tự mình đi chân đất tay mang di hài tiến vào Nhà thờ Thánh Phêrô.

Cuộc thảo luận về người Do-Thái sau đó lại tiếp diễn, và kết cuộc các nghị phụ đưa ra đề nghị phải xem sét luôn các tôn giáo khác không phải là Kitô giáo. Kết quả sau cùng là một tuyên ngôn tuyệt tác về các tôn giáo không phải là Kitô giáo.

Ðề mục kế tiếp của nghị trình là Mạc Khải, tiếp tục cuộc tranh luận về đề án Hai Nguồn Mạc Khải. Ðề án này, dưới hình thức sửa đổi, đã xử lý thích đáng mối liên hệ giữa Thánh Kinh và thánh truyền trong Giáo hội Công giáo, nên đã được thông qua không mấy khó khăn.

Sau đó là đề án về Ðời Sống và Thừa Tác Vụ Linh Mục. Ðề án này đã được soạn thảo một cách cấp tốc để chỉnh lại sự thiếu sót không bàn đến các linh mục một cách đầy đủ trong chương nói về phẩm trật của đề án về Giáo hội. Chính vì vậy, nó bị chỉ trích nặng nề và đã bị đa số nghị phụ bác bỏ.

Trong khi đó, các nghị phụ quay qua bàn về Giáo hội Ðông phương. Dưới tiêu đề này, các nghị phụ muốn bàn đến các cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại vùng Ðông Ðịa Trung Hải, được Toà Thánh tổ chức trong mấy thế kỷ vừa qua tại các lãnh thổ mà đại đa số Kitô hữu thuộc các Giáo hội Chính thống.

Có nhiều điểm đặc biệt cần phải xem sét mà phần lớn chúng tôi không hay biết mấy. Tuy nhiên, công lớn của đề án này là đã đẩy Thượng phụ Maximos IV Saigh nhẩy vào vòng chiến một lần nữa. Ngài là diễn giả cuối cùng trong ngày. Thường thường diễn giả cuối cùng bao giờ cũng gặp một cử toạ bồn chồn và không muốn nghe, chỉ muốn diễn giả câm cái miệng lại để họ còn ra về cho sớm. Nhưng đối với Thượng phụ Maximos, sự tình lại khác hẳn.

Bằng một giọng bốc lửa đầy nhiệt tình (dù đã ngoài 80), ngài làm cử toạ như hút hồn say mê theo dõi cuộc tấn kích hùng hồn của mình. Ngài đòi phải tái nhìn nhận các tòa thượng phụ ngày xưa gồm Constantinople, Antioch, Alexandria và Giêrusalem, trong cái vẻ huy hoàng tinh nguyên của chúng.

Quả là một lời kêu gọi tuyệt diệu, nhưng không thực tế bao nhiêu. Vì cái vẻ huy hoàng đã thuộc về lịch sử ấy làm sao kéo được các tòa thượng phụ oai hùng kia ra khỏi những nhóm Công giáo thiểu số sống giữa các dân tộc theo Chính thống giáo và Hồi giáo!

Tông đồ Giáo dân là đề tài tranh luận tiếp theo. Vấn đề liên quan đến tông đồ giáo dân là trong mấy thế kỷ trước đây tiếp theo Phong trào Cải cách, Giáo hội Phương Tây hầu như đã quên khuấy tông đồ giáo dân là gì. Quá nhiều thần học và biện giáo đã được khai triển về bản chất phẩm trật của Giáo hội, đến nỗi vai trò của giáo dân bị đẩy vào một thế khinh miệt nào đó.

Tuy nhiên, mấy thập niên trước Vatican II, một sinh khí phục hồi vĩ đại trồi lên, qua việc xuất hiện một số lớn các tổ chức giáo dân. Công giáo Tiến hành được thành lập tại một số nước như Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Châu Mỹ La-tinh. Tại các vùng ấy, Công giáo Tiến hành được coi như một tổ chức đặc thù, được xây dựng cách thận trọng như là trực tiếp dưới quyền kiểm soát của giám mục địa phương, với mục tiêu phục hồi ảnh hưởng Công giáo trong xã hội nhân bản.

Công giáo Tiến hành nhận được một thúc đẩy hết sức lớn lao khi kinh sĩ vĩ đại (sau này là Hồng y) Cardijn khai mở ra Phong trào Thanh Lao Công với phương pháp “nhìn xem, phán đoán và hành động”. Phong trào này cùng với các tổ chức phỏng theo khác sau này được mệnh danh là Công giáo Tiến hành chuyên biệt.

Trong các xứ nói tiếng Anh, từ ngữ trên được áp dụng rộng rãi để miêu tả nhiều tổ chức khác của giáo dân đến nỗi các từ ngữ “Công giáo Tiến hành” và “Tông đồ Giáo dân” trở thành đồng nghĩa, có thể sử dụng lẫn cho nhau.

Ðức giáo hoàng Piô XI định nghĩa Công giáo Tiến hành là “việc giáo dân tham dự vào hoạt động tông đồ của hàng giáo phẩm”. Nhưng khi suy tư về vai trò của người giáo dân trong thế giới đã trở nên rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn, thì người ta hiểu ra định nghĩa trên không còn đầy đủ nữa. Vì người giáo dân có việc riêng phải làm ngoài việc trợ giúp các giám mục thực hiện nhiệm vụ của các ngài.

Công lớn của cuộc tranh luận về tông đồ giáo dân là đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò người giáo dân trong việc đưa ảnh hưởng Kitô giáo đi vào trần gian. Ðây quả là một đóng góp lớn lao. Tuy nhiên đề án này bị công kích nặng nề đến độ vị chủ tịch ủy ban phụ trách hứa sẽ duyệt lại toàn bộ đề án.

Hy vọng công đồng có thể kết thúc trong khóa thứ ba như thế đã tan thành mây khói. Khóa thứ tư là điều không thể tránh khỏi.

10. Vị Tổng giám mục quá ghiền cá trích

Giữa khóa ba của Công đồng Vatican II, tức ngày 20 tháng 10 năm 1964, đề án về Giáo hội Trong Thế giới Ngày nay được đem ra thảo luận. Ðây là một đề án rất khó soạn thảo. Vì đây là lần đầu tiên một công đồng của Giáo hội giáp mặt với vấn đề các mối tương quan giữa Giáo hội và trần gian.

Cơ phận phụ trách việc soạn thảo đề án này, trong cơ cấu tái tổ chức xẩy ra sau khóa thứ nhất của Công đồng, được mệnh danh là một “ủy ban hỗn hợp”, nghĩa là một liên ủy ban gồm các thành viên của ủy ban thần học và ủy ban tông đồ giáo dân.

Các thành viên này đã làm việc lâu dài và vất vả từ đầu năm 1963 cho mãi đến đầu khóa ba nghĩa là khoảng các tháng 9 và 10 năm 1964. Họ gặp đủ loại vấn đề để bàn cãi: tài liệu của họ nhằm nói với ai đây? Với người Công giáo hay với người trong thế giới nói chung? Những vấn đề đặc thù nào cần được thảo luận? Và khi thảo luận về chúng, tài liệu cần nhằm mục tiêu gì?

Xem ra tài liệu này đã kinh qua một diễn trình đến bốn năm lần sửa đi soạn lại. Những biện bác mà liên ủy ban trên đã kinh qua, giờ đây trở thành những biện bác của chính toàn thể công đồng.

Ðầu tiên cuộc tranh luận nhằm vào đề án một cách chung, sau đó mới đi vào nội dung qua tám đề mục chi tiết: ơn gọi nhân bản, Giáo hội phục vụ Thiên Chúa và nhân loại, phẩm giá nhân vị, hôn nhân và gia đình, sự đơn nhất của gia đình nhân loại, và duy trì hòa bình. Quả là một học trình vĩ đại.

11 diễn giả đầu tiên tham dự cuộc tranh luận có nên chấp nhận đề án hay không đều là hồng y. Ðức Hồng y Meyer của Chicago thật là xuất sắc trong lời trình bầy, một tóm lược tuyệt vời nền thần học của Thánh Phaolô về vai trò đức Kitô trong vũ trụ, với rất nhiều trích đoạn rút từ các thư Rôma, Côlôxê và Êphêsô. Ngài nói tới sự thống trị của đức Kitô trên khắp vũ trụ do cái chết và sự phục sinh của Người, và ơn cứu độ, từng đến với gia đình nhân loại qua mầu nhiệm đức Kitô, cũng đã tác động đến vũ trụ như thế nào, một vũ trụ trong đó gia đình nhân loại sống và làm việc, một vũ trụ sau cùng sẽ biến hóa thành trời mới đất mới. Ðức hồng y Meyer nhắc đến một trong những nhà cổ động vĩ đại của loại thần học này, linh mục Pierre Teilhard de Chardin.

Ðức tổng giám mục Heenan của Westminster lại không có cùng một tâm thức. Ngài cho rằng bản văn đề án là một thảm họa, và khi lên tiếng chỉ trích, ngài đã nhân cơ hội này tố cáo các chuyên viên tôn giáo cỡi mây vũ trụ (globetrotting) làm rối loạn đức tin của những người Công giáo đơn thành. Nhiều người nhận ra ngài muốn nhắm linh mục Bernard Haring, nhà thần học luân lý thời danh lúc ấy đang giảng dạy tại Anh quốc.

Viện phụ Tu viện Beuron thuộc dòng Bênêđictô, Ðức quốc, khi can thiệp cho rằng hình như ngài nhớ có một nhóm tu sĩ cỡi mây vũ trụ hiện đang dừng lại tại Anh và an cư lạc nghiệp ở Canterbury.

Từ đấy có lời phao đồn rằng đức tổng giám mục Heenan hiện đang bị bệnh chuyên viên (peritinitis) hành vì ăn quá nhiều cá trích và hiện được thuốc Bênêđictô chữa trị.

Tôi tham gia cuộc tranh luận bằng cách về phe với đức hồng y Meyer và lên tiếng ca ngợi linh mục Teilhard de Chardin. Viện phụ Beuron không vui với cha Teilhard vì vị linh mục này đã bỏ qua tầm cỡ sự ác trong thế giới và xem ra đã phản ảnh các sai lầm của một giáo phụ sơ khai là Origen. Theo giáo phụ này, không có sự trừng phạt đời đời. Ðức giám mục Spulbeck của Meissen, Ðức quốc, sau đó đã hô hào ủng hộ cha Teilhard, bằng cách nhấn mạnh đến ảnh hưởng lớn lao của ngài trong các giới khoa học.

Còn nhiều can thiệp khác đối với đề án, cả chống lẫn bênh, và sau cùng nó được chấp nhận để bàn cãi thêm với số phiếu 1579 thuận, 926 chống.

11. Hòa bình, Nghèo đói và Thuốc ngừa thai

Cuộc thảo luận từng chương một đề án về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, mà đôi khi được nhắc đến dưới tên “đề án mười ba”, đề cập đến những đề tài như Dấu chỉ Thời gian, Nhân phẩm và Hôn nhân.

Thuật ngữ Quan sát Các Dấu chỉ Thời gian đã trở thành một tiêu đề khá nổi bật kể từ ngày đức giáo hoàng Gioan XXIII phổ biến nó lần đầu. Thuật ngữ này muốn nói đến việc phải nhậy cảm đối với các triển khai mới trong kinh nghiệm xã hội nhân bản và phải mạnh dạn liên hệ với chúng qua giáo huấn và ảnh hưởng thiêng liêng của Giáo hội.

Thời Công đồng Vatican II, các Dấu chỉ Thời gian bao gồm việc phổ quát hóa văn hóa, việc phát triển nhanh chóng các khoa học và kỹ thuật, việc xã hội hóa sâu rộng gia đình nhân loại, việc giải phóng phụ nữ, và chủ nghĩa cộng sản vô thần.

Các giám mục Nam Phi lỡ chuyến tầu không có dịp thảo luận về chủ đề nhân phẩm. Một vị trong chúng tôi đáng lý ra đã lên tiếng về vấn đề kỳ thị chủng tộc, nhưng lúc ấy, chúng tôi đã không nghĩ đến vấn đề này. Trong số những vị nghĩ đến vấn đề đó, có hai giám mục Mỹ, một giám mục Ấn độ và tổng giám mục Malula của Leopoldville, Congo. Ðức tổng giám mục Malula, khi đề cập đến kỳ thị chủng tộc, đã nghiêm khắc lên án chủ nghĩa bộ tộc (tribalism). Một số giám mục đã nói rất hay đến vai trò phụ nữ.

Khi chủ đề về hôn nhân và gia đình được đem ra bàn, thì công đồng được thông báo, giống như trước đây, là vấn đề chủ yếu về hạn chế sinh đẻ đã được đứcThánh Cha Phaolô VI dành riêng cho một ủy ban đặc biệt. Tuy thế, một số diễn giả cũng đã nói rất gần tới vấn đề ấy dù không đề cập thực sự đến thuốc ngừa thai hay các tiền thân của nó.

Ðức hồng y Leo Josef Suenens của Brussels là vị chèo tới gần đầu gió nhất, đến độ mấy ngày sau ngài phải chối là mình không biện minh cho việc ngừa thai. Một số lớn các nghị phụ nghĩ là ngài quả có biện minh cho nó và, dĩ nhiên, truyền thông thế giới đã làm rùm beng cả lên về vụ này.

Sau những ngày cuối tuần kéo dài, bao gồm cả lễ Các Thánh, Công đồng tiếp tục bàn đến các chủ đề văn hóa, kinh tế, tình liên đới nhân loại và hòa bình.

Ðức hồng y Lercaro của Bologna kêu gọi phải làm chứng nhân lớn hơn cho đức khó nghèo trong Giáo hội. Ðó là đề tài rất ăn ý của ngài. Xem ra ngài không muốn thưởng thức vẻ huy hoàng lộng lẫy của một hồng y tại Ý.

Các vị khác lên tiếng về tự do nghiên cứu, và đức cha hùng biện Elchinger của Strasbourg bên Pháp lên tiếng kêu gọi phải long trọng phục hồi danh dự cho Galileo. Cái ông Galileo khốn khổ từng phải chối từ cái lý thuyết trái đất quay quanh mặt trời của mình, chứ không phải ngược lại. Truyền thuyết cho rằng khi đứng dậy, ông ta thì thào nói về trái đất “eppur si muove” (tuy nhiên nó vẫn cứ quay).

Nếu đức hồng y Ottaviani được gọi lên để phục hồi danh dự cho Galileo nhân danh Bộ Tín lý mà ngài đứng đầu, người ta tự hỏi không hiểu ngài sẽ thì thào điều gì.

Sau đó là các diễn văn về văn hóa, giáo dục, nghèo đói.

Cuộc tranh luận trở nên thích thú với việc lựa chọn một người Mỹ, ông James Morris, chủ tịch Hội đồng Di dân Công giáo Quốc tế, để nói một cách đầy hình ảnh về các khu vực nghèo đói kinh niên của thế giới.

Ông nhấn mạnh rằng 16% nhân loại (một con số phần lớn bao gồm cộng đồng Bắc Ðại Tây Dương) đang thụ hưởng 70% tài nguyên của thế giới. Ông nhắc đến việc các xứ giầu đều là những nước theo truyền thống Kitô giáo, và kết luận rằng Giáo hội phải tung hết các tài nguyên thiêng liêng và tinh thần của mình vào việc giải quyết vấn đề này. Ông Morris hy vọng rằng Công đồng sẽ quyết định thiết lập ra một bộ máy với kích thước hoàn cầu để động viên các nỗ lực Công giáo.

Cuộc thảo luận về hòa bình đã mang lại nhiều ý kiến mạnh mẽ như phải triệt để lên án toàn bộ vũ khí hạch nhân dù điều này xem ra có nghĩa phải đơn phương tài giảm vũ khí về phía những quốc gia chịu lắng nghe tiếng nói của Công đồng. Nhưng ai dám nghĩ Mỹ sẽ tài giảm binh bị khi Nga sô không chịu làm như thế?

Hai vị giám mục nói tiếng Anh đã đem Công Ðồng trở lại mặt đất, nơi chiến tranh vẫn đang xẩy ra như cơm bữa, bằng cách phân tích rất chính xác các hệ luận của việc đơn phương tài giảm binh bị.

Ðóng góp ấy đã kết thúc giai đoạn đầu cuộc thảo luận về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay. Liên ủy ban phụ trách có dư các tài liệu để xem sét lại đề án này.

12. Tranh luận về ơn gọi, cãi cọ về tối thượng giáo hoàng

Diễn trình cắt xén từng đặt để trên ba đề án Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, Ðời sống Tu dòng và Huấn luyện Chủng viện đã đem lại hậu quả bất hạnh cho đề án giữa, như đã từng xẩy ra cho đề án đầu. Diễn trình ấy đã lấy hết sinh khí ra khỏi đề án này, rút nhỏ nó lại chỉ còn là những công thức luật pháp và những biện pháp thực tiễn.

Trước Công đồng không lâu, đức hồng y Suenens của Brussels có xuất bản một cuốn sách tựa là Người Nữ Tu Trong Trần Gian. Ngài biện luận rằng vì Giáo hội có sứ mệnh truyền giáo, nên cuộc sống tu dòng, một cuộc sống tận hiến cho Giáo hội, cũng phải có tính cách truyền giáo một cách rõ rệt.

Các diễn giả tại Công đồng chia thành hai khuynh hướng: một khuynh hướng ủng hộ quan điểm trên, một khuynh hướng chủ trương rằng yếu tính cuộc sống tu dòng là cầu nguyện, hãm minh và phần nào xa lánh thế gian.

Cuộc tranh luận trên phần nào đã khiến Công đồng sao lãng không xem sét những điều cốt yếu thực sự của đời sống tu dòng. Tuy nhiên vẫn có những can thiệp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc sống chiêm niệm. Lại có những nghị phụ khác lên tiếng cảnh cáo các tu sĩ đừng thiết lập những cơ sở như trường học hay nhà thương ít có tính chứng tá cho đức khó nghèo.

Hiển nhiên khó mà phúc âm hóa được thế giới nếu không mặc lấy một vài đặc điểm của thế giới.

Một đề án không thích đáng đã khởi diễn một tranh luận không thích đáng, và cần nhiều việc phải làm nữa để miêu tả rõ rệt hơn và xác tín hơn yếu tính của đời sống tu dòng và qui mô đời sống ấy có thể can dự vào công việc truyền giáo mà không nguy hại đến yếu tính kia.

Bởi thế, không ai ngạc nhiên khi đề án trên bị dẹp bỏ với tỷ số khá xít xao 1153 chống, 882 ủng hộ. Rất nhiều đề nghị sửa đổi được thu thập, nên đề án cần được tu chỉnh rất nhiều.

Ðề án đem ra thảo luận kế tiếp là đề án về huấn luyện chủng viện. Ðề án này cũng thế, từng bị rút vắn thành những công thức, và sau đó được nới rộng ra bằng cách thêm vào khá nhiều điểm từng bị cắt bỏ.

Ðây là đề án chính bản thân tôi có đóng góp từ lúc Công đồng khai mở. Tôi hết sức ca ngợi tài chuyên môn của vị thư ký là linh mục dòng Bênêđictô (sau lên hồng y) Augustinô Meyer, và linh mục Paul Dezza, sau này là quyền bề trên cả Dòng Tên - một bậc thầy về văn phong cô đọng. Với sự giúp đỡ của hai vị, chúng tôi đã có thể rút từ đề án ra các mệnh đề chính yếu rồi khai triển các mệnh đề ấy trở lại thành đầy đủ tương đối đáng trọng, trong khi vẫn giữ được những điểm chính chúng tôi muốn nhấn mạnh.

Sau khi trình bầy xong đề án của mình, quả là một sảng khoái được ngồi thoải mái, lắng nghe điệp khúc chấp thuận và ca ngợi từ các nghị phụ. Chúng tôi được lòng hầu hết các giám mục với một dẫn nhập khuyến cáo cho các hội đồng giám mục được quyền tự do đưa ra những thích ứng cần thiết đối với những qui phạm tổng quát được trình bầy trong đề án.

Các điểm lôi cuốn các diễn giả bao gồm tính cách quân bình tổng quát của đề án, chiều hướng tông đồ, đòi hỏi ý thức hệ phải xem sét đến khía cạnh kinh thánh và thực tiễn, huấn luyện tu đức phải mang theo tính chất tông đồ, và việc nhấn mạnh đến kinh nghiệm thực tế trong các chức phận mục tử.

Nên không ngạc nhiên khi đề án này được chấp thuận với đa số tuyệt đối 2076 phiếu thuận, 41 phiếu chống.

13. Các Thành Viên Ủy Ban Ngẩng Ðầu Cao Rời Nhà Thờ Thánh Phêrô

Thứ Hai, ngày 16 tháng 11 năm 1964, một thoáng sôi động xẩy ra tại Công đồng khi vị tổng thư ký đứng lên tuyên bố một số điều liên quan đến vấn đề gay cấn nhất của Công đồng, tức chương 3 trong đề án về Giáo hội, một chương nói đến quyền tối thượng và tính tập đoàn.

Ít ra cũng đã có những cố gắng vô vọng nhằm loại bỏ chương này. Một phản đối đã được đệ nạp chống lại việc vi phạm thủ tục và đã có lời kêu gọi đức Phaolô VI phải can thiệp vào nội dung tín lý.

Vì có việc phản đối về thủ tục như trên, nên đã có những “ghi chú giải thích” được đưa ra nhằm ấn định nên giải thích một số thuật ngữ ra sao. Những nhấn mạnh tỉ mỉ về quyền tối thượng như thế khiến nhiều vị trong cánh cấp tiến lẩm bẩm.

Tiếp theo đó là danh sách 19 điểm tu chính đề án về Ðại Kết được “thẩm quyền trên” gửi xuống. Thẩm quyền trên là thẩm quyền nào? Chỉ có thể là đức Giáo hoàng.

Sau đó là lời công bố của chính đức Thánh Cha trong một buổi triều yết chung. Ngài cho hay ngài có ý định chính thức công bố tước hiệu mới của Ðức Mẹ, tước hiệu “Mẹ Giáo hội”, một tước hiệu mà Công đồng đã không chấp thuận.

Những can thiệp trên của đức Thánh Cha hiển nhiên làm bối rối khá nhiều thành viên của Công đồng. Xem ra có vẻ như đức Giáo hoàng muốn kéo các thành viên từng cảm thấy thất bại đối với các thái độ và xác tín cổ truyền xưa, vào chính giòng của Công Ðồng.

Tất cả những điều ấy tuy thế vẫn chẳng nhằm nhò gì so với cơn bùng nổ sau đó. Thứ Tư của tuần lễ cuối cùng, có công bố cho hay sẽ có cuộc bỏ phiếu giải thích (explanatory vote) đối với bản văn đã được sửa đổi về Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo. Sáng hôm sau, khi đang tranh luận về Giáo dục Công giáo, có công bố cho hay vị đứng đầu chủ tịch đoàn của Công Ðồng là đức Hồng y Tisserant muốn việc bỏ phiếu trên được hoãn lại. Ngài cho hay các vị chủ tịch muốn hoãn việc bỏ phiếu trên đến khóa thứ bốn.

Ðức Hồng y Meyer của Chicago, một trong các vị chủ tịch, bèn phản pháo như một trái bom. Ngài vụt ra khỏi chỗ ngồi như một ánh chớp, cực lực phản đối lời công bố trên. Các nghị phụ khác, nhất là các nghị phụ Mỹ, cùng ùa ra khỏi chỗ ngồi và tập trung tại các khoảng trống chung quanh bàn thờ chính. Trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn, một bản kiến nghị được luân chuyển để thu chữ ký. Bản kiến nghị này yêu cầu đức Thánh Cha bác bỏ quyết định của chủ tịch đoàn. Ba hồng y – Meyer, Ritter của St Louis, và Léger của Montréal - nhận bản kiến nghị để đệ lên đức Giáo hoàng Phaolô, nhưng đức Thánh Cha đã không đồng ý bãi bỏ quyết định đó.

Các thỉnh nguyện viên cảm thấy việc trì hoãn bỏ phiếu trên sẽ đem lại hậu quả thảm hại đối với công luận. Các giám mục Mỹ đặc biệt nhậy cảm đối với vấn đề này. Các ngài cảm thấy việc cổ vũ tự do tôn giáo là đóng góp lớn lao của các ngài đối với Công Ðồng và các ngài muốn mọi người thấy mình có thể gặt hái được thành quả và các viên chức trong giáo triều không được phép qua mặt 2000 giám mục khác, trong đó có 200 giám mục Mỹ.

Giữa những xúc dộng lớn lao ấy, Công đồng cố gắng thảo luận về Giáo dục Công giáo và việc cải cách một số luật lệ về hôn phối, đặc biệt trong vấn đề hôn nhân hỗn hợp.

Ðề án về Giáo dục Công giáo cũng là trách nhiệm của ủy ban phụ trách về huấn luyện chủng viện, một ủy ban tôi là thành viên. Buồn thay, đề án không gặp thời khắc thuận lợi trong Công đồng.

Khởi đầu gọi là đề án về các Trường và Ðại học Công giáo, sau mới mở rộng thành đề án về Giáo dục Công giáo vì có lời yêu cầu cho rằng chỉ có 20% trẻ em và thiếu niên Công giáo học tại các trường và đại học Công giáo mà thôi.

Việc thay đổi tựa đề và chú điểm trên có nghĩa là phải duyệt lại bản văn gần như toàn bộ. Rồi nhiều mệnh đề bị cắt bỏ và dù sau đó nhiều mệnh đề được viết lại dài hơn, đề án trên vẫn chỉ là một đề án gầy guộc để rồi cuối cùng trở thành một tuyên ngôn, không phải hiến chế hay sắc lệnh. Rõ ràng chủ đề này đã không được chú ý thích đáng.

Cùng với những hoạt động khác của tuần lễ cuối, nhiều đề án được đem ra đầu phiếu hoặc toàn bộ hoặc từng phần. Chúng tôi kết thúc các đề án về Giáo hội, về Giáo hội Ðông phương và Ðại kết.

Khóa ba của Công đồng kết thúc sớm hơn dự liệu để một số nghị phụ đủ thì giờ tham dự Ðại hội Thánh Thể tại Bombay (nay là Mumbai). Tôi là một trong số đó và nhân cơ hội này đi viếng Thánh Ðịa trên đường tới Bombay luôn.

Núi Tabor và Biển Galilêa thanh bình xiết bao so với tuần lễ cuối cùng của Công Ðồng.

14. Phiếu Công Ðồng giúp Ðức Giáo Hoàng được đón tiếp nồng hậu tại LHQ

14 tháng 9 năm 1965 là ngày khai mạc khóa bốn Công đồng Vatican II. Buổi chiều hôm trước, đáp lời đề nghị của đức Thánh Cha, các giám mục tham dự một cuộc đi bộ thống hối giữa hai Vương cung Thánh đường của Rôma; Vương cung Thánh Ðường Thánh giá Giêrusalem và Vương cung Thánh đuường Thánh Gioan Lateran, nhà thờ chính tòa của Rôma. Cuộc đi bộ không quá khó khăn, nhưng đứng từ đầu đến cuối quả là mệt mỏi.

Tuy thế, cuộc đi bộ ấy không làm giảm lòng hăng say của những vị can dự vào việc thảo luận vòng hai vấn đề tự do tôn giáo.

Trước khi cuộc thảo luận trên bắt đầu, đức Giáo hoàng Phaolô Ðệ Lục công bố với Công đồng rằng ngài sắp sửa thiết lập ra một cơ chế mệnh danh Thượng Hội Ðồng Giám Mục, để cố vấn cho ngài; do đó, nói cho đúng, không phải là một cơ chế tập đoàn. Thượng hội đồng trên sẽ họp những phiên thường và ngoại lệ. Các phiên thường lệ cứ ba năm họp một lần, gồm đại diện các hội đồng giám mục thế giới.

Về vấn đề tự do tôn giáo, cánh cấp tiến tại Công đồng, với sự đại diện mạnh của Mỹ, không thể thấy được tại sao Giáo hội Công giáo có thể bước vào bất cứ cuộc đối thoại nào với thế giới hiện đại mà lại không tuyên bố là mình chấp nhận lương tâm và tự do thờ phượng. Không nền văn hóa nào, không thẩm quyền nhà nước nào có thể đặt để một tín ngưỡng lên con người ta. Họ phải được tự do chấp nhận tín ngưỡng ấy.

Các vị bảo thủ, từng ngụp lặn trong truyền thống của Giáo hội Công giáo vốn can dự sâu sắc vào nền văn hóa của dân chúng, không thể thấy tại sao vị thế đặc biệt của Giáo hội lại không được nhìn nhận. Dù thế nào, Giáo hội Công giáo cũng là Giáo hội của Chúa. Nó chính là ý muốn của Chúa. Làm sao có thể đặt các Giáo hội khác hay tôn giáo khác trên cùng một căn bản cho được?

Gần như mọi điều cần nói về chủ đề này đã được nói hết vào năm trước trong cuộc tranh luận sơ khởi về tự do tôn giáo, nhưng cánh cấp tiến có ưu điểm về nhân cách nơi các vị trước đây từng chịu đau khổ do các hạn chế khắt khe của nhà nước trong lãnh vực thực hành và cổ võ đức tin, đó là đức Hồng Y Slipyi của Ukraine, đức Hồng y Beran của Tiệp khắc và đức Hồng y Wyszynski của Ba-lan.

Ðức Hồng y Beran nói rằng ngài cảm thấy đất nước ngài đang tẩy rửa những bạo tàn nó đã phạm trong quá khứ nhân danh đức tin Công giáo, như vụ thiêu sống Jan Hus thế kỷ 15 và việc cưỡng bức người ta trở lại đạo trong thế kỷ 17.

Kết quả 1997 phiếu thuận, 224 phiếu chống đề án. Vấn đề còn lại chỉ là xử lý các đề nghị tu chính và nghi thức bỏ phiếu có lệ để phổ biến mà thôi.

Cuộc tranh luận ấy diễn tiến trong khi đức Thánh Cha lên đường bay qua New York để đọc diễn văn trước Liên Hiệp Quốc. Với tự do tôn giáo trong tay, ngài chắc chắn được chào đón nồng nhiệt và được nhiều người lắng nghe hơn là nếu quan điểm bảo thủ thắng thế.

Mục kế tiếp của nghị trình là tranh luận vòng hai về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay. Cuộc tranh luận này được tổ chức thành 7 giai đoạn: có nên chấp nhận đề án không, dẫn nhập vào đề án (một khảo sát về mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới), tiếp sau là 5 vấn đề chuyên biệt: hôn nhân, văn hóa, kinh tế, chính trị và hòa bình.

Khi bàn về việc có nên chấp nhận đề án hay không, các chỉ trích không phải là không có. Nhiều nghị phụ cho rằng đề án không nhấn mạnh đủ đến sự ác trong thế gian. Nhiều vị khác nghĩ rằng đề án đã lẫn lộn giữa sự phát triển Kitô giáo và sự phát triển nhân bản. Một nghị phụ rất bảo thủ là đức Tổng giám mục Sigaud của Brazil nói rằng ngài sợ đề án này mở cửa cho mọi thứ sai lầm triết học, mà cao điểm là chủ nghĩa Mác-xít.

Tuy nhiên, có đủ nghị phụ bênh vực đề án, cho phép nó được chấp nhận với 2111 phiếu thuận, 44 phiếu chống.

Diễn giả đầu tiên phát biểu về phần dẫn nhập là đức Hồng y Cardijn, vị sáng lập ra Phong trào Thanh Lao Công. Ngài đãi Công đồng những lời trình bầy lên tinh thần và hết sức hùng biện. Ngài muốn Công đồng chú ý đặc biệt đến ba vấn đề: tuổi trẻ, công nhân và “thế giới thứ ba”, nghĩa là các quốc gia nghèo đói kinh niên của Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Các đại diện các Giáo hội Ðông phương tỏ ra thất vọng khi thấy đề án không nhấn mạnh đủ đến tác động của việc Chúa Giêsu Phục sinh đối với khung cảnh nhân bản. Các nghị phụ khác chú ý tới chủ đề vô thần và đề nghị phải dành cho nó một xử lý cẩn trọng. Cũng có ý kiến cho rằng Thánh kinh và sự tạo dựng đã không được nhấn mạnh đủ.

Cha Pedro Arrupe, vừa được bầu làm bề trên cả Dòng Tên, nhận thấy Giáo hội yếu kém về thông đạt đối với thế giới ngày nay, vì ngôn từ của mình quá xa cách và trừu tượng.

Dù có những chỉ trích như thế, vẫn có đủ những phát biểu ủng hộ cho thấy đề án này thực hiện nhiều bước tiến khả quan.

Khi phần dẫn nhập đã được bàn một cách thỏa đáng, bước kế tiếp là đi vào năm vấn đề chuyên biệt, bắt đầu bằng hôn nhân.

15. Tái Bút gửi Một Thần học gia: Cha quả hết sức đúng

Hôn nhân, văn hóa, kinh tế, chính trị và hòa bình – đây là những vấn đề được biết đến như là năm vấn đề đặc biệt tại Vatican II.

Về chủ đề hôn nhân, chia rẽ ý kiến chính, một đàng, giữa những vị muốn duy trì và khẳng định thái độ cố hữu trong Giáo hội muốn đặt lên hàng đầu việc sinh sản và giáo dục con cái, và đặt xuống hàng dưới việc nâng đỡ nhau và thỏa mãn tính dục. Ðàng khác, quan điểm gần đây hơn, được đức Hồng y Léger của Montréal trình bầy, lại coi hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêu, một cộng đồng tìm được tròn đầy trong sinh sản và giáo dục con cái.

Khi lắng nghe các vị ủng hộ quan điểm thứ hai, tôi nhớ lại khoảng một phần tư thế kỷ trước đây, lúc tôi theo một giảng khóa đặc biệt về hôn nhân tại đại học Gregoriana, do một thần học gia ưu tú là Cha Hurth, Dòng Tên, phụ trách, trong đó, ngài nhắc đến tên một tác giả Ðức, cha Doms, người bắt đầu đưa ra một quan điểm nhân bản hơn về “cộng đồng sự sống và tình yêu”. Ðiều Doms đề nghị lúc đó không được Rôma ủng hộ. Bây giờ, khi phải đặt bút ký vào bản văn sau cùng về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, tôi cảm thấy muốn thêm lời tái bút sau đây: “Doms, cha quả hết sức đúng”. Quả có nhiều dịp những tái bút như thế liên quan tới các nhà thần học khác không phải là không thích hợp.

Sau hôn nhân là văn hóa, một đề tài vĩ đại có thể cung cấp chương trình thảo luận cho cả một công đồng chuyên biệt. Tuy nhiên, tại Vatican II, nó lại không kích thích người ta tranh luận nhiều lắm, có thể vì Giáo hội đã nằm ngoài lãnh vực đồng cảm với hầu hết các phát triển văn hóa trong các thế kỷ trước đây chăng.

Các giám mục Pháp rất nổi bật trong cuộc tranh luận này, chủ yếu bàn đến vấn đề phải gây ảnh hưởng trên nền văn hóa khoa học của thời nay. Ðức giám mục người Ðức, Spullbeck, của địa phận Meissen cảnh cáo rằng không dễ nói chuyện với đầu óc khoa học bởi khoa học lệ thuộc kinh nghiệm và tính toán, và rất ít thiên về đức tin và triết học. Một giám mục khác của Ðức đề cập một cách ý nhị đến vai trò không thể thiếu được của phụ nữ, bất luận có gia đình hay độc thân, giáo dân hay tu sĩ, trong việc phát triển văn hóa.

Vào khoảng thời gian này, vị Tổng thư ký của Công đồng loan báo rằng cuộc tranh luận về các đề án phải kết thúc vào ngày 17 tháng 10 năm 1965 vì sau đó cần rất nhiều thời gian để tu chính và đầu phiếu để các đề án ấy có hình thức chung cuộc.

Cuộc tranh luận về kinh tế tiếp theo cuộc tranh luận về văn hóa cũng là một cuộc tranh luận không được thoả mãn lắm, phản ảnh sự kiện này là ít có giám mục nào tại Công đồng quen thuộc đủ với chủ đề kinh tế. Nhiều điểm đúng đắn đã được nói đến liên quan tới tài nguyên, tư bản, lao động, hợp tác kinh tế, sự nghèo đói của đa phần thế giới, và sự chênh lệch càng ngày càng lớn giữa người giầu và người nghèo.

Cha Mahon, bề trên cả của dòng Mill Hill, nhấn mạnh rằng trong 12 tháng giữa cuộc tranh luận thứ nhất và thứ hai về đề án 13 (Giáo hội trong Thế giới Ngày nay), 35 triệu người đã chết vì đói.

Ðức Hồng y Cardijn lên tiếng lần nữa với văn phong mạnh mẽ và hùng hồn cố hữu về đề tài quen thuộc của mình là: Công nhân, tuổi trẻ và “Thế giới Thứ ba” của những người kém may mắn tại Châu Á, Châu Phi và Châu Nam Mỹ.

Về chủ đề chính trị, chỉ có bốn diễn giả, mà tôi là một. Căn cứ vào điểm đề án kêu gọi tinh thần như đức Kitô trong thái độ của Giáo hội đối với chính quyền, tôi nhấn mạnh rằng đôi khi thái độ giống đức Kitô này bao gồm việc phải kiên quyết đối với sự tự do của chính Giáo hội cũng như quyền lợi của những con người chịu hậu quả tai hại do các hành động cũng như quên sót của chính quyền gây ra.

Sự mệt mỏi trong các buổi tranh luận về văn hóa, kinh tế và chính trị mau chóng bị đẩy lui khi cuộc tranh luận quay qua vấn đề hòa bình và chiến tranh.

16. Công đồng tìm đường dẫn đến hòa bình

Phần trong đề án về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay bàn đến chiến tranh và hòa bình đã đưa ra toàn bộ một bức tranh phức tạp hết sức có chất lượng.

Theo bản văn trên, hòa bình là một giá trị tích cực cần phải thực hiện cho bằng được. Nó đòi hỏi những tâm trí cở mở và sự hợp tác liên quốc về mọi lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực kinh tế. Các nước đang mở mang cần được giúp đỡ và khuyến khích. Việc bùng nổ dân số cần được đương đầu và giải quyết bằng một sự phát triển kinh tế đầy nhiệt tâm.

Chiến tranh là nỗi kinh hoàng tột cùng. Chiến tranh toàn diện (hạch nhân, sinh học, hóa học và qui ước) là hoàn toàn vô luân. Tuy thế, vũ lực có thể được sử dụng để chống lại kẻ xâm lăng. Sự cân bằng thế gián chỉ (như giữa các nước có vũ khí hạch nhân) là điều đáng sợ, tuy vậy xét theo một vài phương diện nào đó nó có giúp duy trì hoà bình. Mối hy vọng duy nhất là thuyết phục các quốc gia đặt chiến tranh ra ngoài vòng pháp luật và thiết lập ra một thẩm quyền thế giới để buộc các nuớc không được gây chiến. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, các quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạch nhân để răn đe các nước khác.

Xét theo lương tâm, không ai buộc phải vâng theo điều trái với thiên luật. Bởi thế, theo Công đồng, phải đưa ra các dự liệu cho phép người ta phản đối trong lương tâm.

Ðức Hồng y Alfrink của Hòa Lan yêu cầu phải có một văn bản mạnh mẽ hơn liên quan đến thế quân bằng gián chỉ, giải giới và phản đối lương tâm. Ðức Hồng y Owen McCann của Cape Town lên tiếng mạnh mẽ về ý niệm một tổ chức tập trung về công bình xã hội để loại bỏ nguyên nhân gây ra chiến tranh.

Hàng giáo phẩm Pháp nối đuôi nhau tham gia cuộc tranh luận: ba hồng y, hai tổng giám mục và hai giám mục đã làm thành một nhóm diễn giả đáng nể trong tổng số hai mươi lăm vị tất cả. Nếu nguyên cảm quan hùng biện, tức giận và cuồng nhiệt có thể xua đuổi được chiến tranh ra khỏi mặt đất, thì chắc chắn bẩy vị giáo phẩm của Pháp đã đủ để hoàn thành việc đó.

Các ngài để sang một bên việc phân biệt giữa các cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chiến tranh nhỏ và chiến tranh lớn, người gây chiến và kẻ vô tội. Các ngài kêu gọi phải thẳng thừng kết án chiến tranh, đặt ra ngoài vòng pháp luật vũ khí hạch nhân, giáo dục dư luận quần chúng, kêu gọi lương tâm các chính khách, quyền được phản đối lương tâm, và nhìn nhận sức mạnh của bất bạo động.

Vị diễn giả Pháp mạnh mẽ nhất chính là đức cha giáo phận Verdun, nơi 1 triệu 3 binh lính Pháp và Ðức chết trong Thế chiến I.

Dù vậy, không ai có thể nói điều các nhà chủ hòa Kitô giáo muốn các giám mục phải nói: đó là một bên phải giải giới dù bên kia không chịu giải giới, và sẵn sàng chấp nhận hậu quả.

Vấn đề hệ trọng là: trong thời đại nguyên tử, lương tâm Kitô giáo có đòi hỏi phải đơn phương giải giới hay không? Có khoảng 20 phụ nữ cầu nguyện và ăn chay tại Rôma để Công đồng chịu nói là phải đơn phương giải giới như thế. Nhưng Công đồng đã không đi xa đến thế.

Trong khi trận chiến về hoà bình đang diễn ra trên đầu chúng tôi, thì một cuộc phục kích nhỏ xẩy ra cho vấn đề dân số.

Một vị giám mục chủ trương rằng việc gia tăng dân số là một vấn đề hệ trọng đến nỗi việc ngừa thai bằng bất cứ phương tiện nào hiện có phải được bênh vực. Một thành viên khác của Công đồng kêu gọi cho phép tự do di dân không hạn chế để dân số có thể di chuyển đến nơi có thực phẩm.

Ðức Hồng y Ottaviani lên tiếng mạnh mẽ lên án chiến tranh và kêu gọi phải dùng mọi phương tiện có thể có để loại trừ nó. Một vài gợi ý của ngài không thực tế lắm, nhưng lòng thành thực của ngài thì hết sức hiển nhiên và vì tài hùng biện của ngài, nên cử tọa đã vỗ tay tán thưởng rất nhiều. Hy vọng điều này được duy trì như một kỷ niệm đẹp để cân bằng hóa khá nhiều kỷ niệm khác về những trận khẩu chiến mà ngài đã đánh và đã thua tại Công đồng.

Như thế là kết thúc cuộc tranh luận về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, một trong bốn chủ đề chính của Công đồng – ba chủ đề kia là Giáo hội, Phụng vụ và Lời Thiên Chúa (Mạc Khải).

17. Báo Chí phản ứng dữ chống lại quyết định độc thân

Sau đề án về Giáo hội trong Thế giớ Ngày nay, hai đề án từng bị tấn công tơi bời trong lần trình bày đầu tiên nay được đem ra bàn lại: Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, và Ðời sống và Thừa tác vụ của Các Linh mục.

Về đề án đầu, cuộc tranh luận nhắm vào việc cần phải xét điều gì dưới tiêu đề ấy: đây có phải chỉ là việc cổ vũ Giáo hội tại những khu vực mới, hay phải bao gồm cả việc tái phúc âm các quốc gia mà đức tin hiện đang sa sút. Trước đó ít lâu một cuốn sách nói về nước Pháp như một xứ truyền giáo đã gây không ít xôn xao trong dư luận. Dĩ nhiên, cuối cùng, cả hai trạng huống trên đều được xem sét: trước nhất bàn về phúc âm hóa, sau đó bàn đến tái phúc âm hóa.

Ðề án truyền giáo mở đầu bằng một suy tư hết sức tươi đẹp và có tính thiêng liêng sâu sắc: trong Ba Ngôi Thiên Chúa, “sứ mệnh” Chúa Con đến từ Chúa Cha và “sứ mệnh” Chúa Thánh Thần đến từ cả hai ngôi trên.

Tiếp theo, là các xem sét liên quan đến các giai đoạn kế tiếp nhau của sứ mệnh truyền giáo trong Giáo hội: tiền phúc âm hóa, phúc âm hóa đúng nghĩa dẫn đến việc trở lại, đoàn ngũ dự tòng và việc tạo lập cũng như tăng trưởng các cộng đoàn Kitô hữu. Sau đó, đề án bàn đến việc huấn luyện các nhà truyền giáo, việc phối trí công việc truyền giáo, và việc phối trí mọi người can dự vào công việc truyền giáo ấy: giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Trong cuộc tranh luận, có người đề cập đến các khó khăn khi công việc truyền giáo phải đi kèm với cuộc đối thoại đại kết và lòng kính trọng đối với các tôn giáo không phải là Kitô giáo vốn có ảnh hưởng trên những dân mà công việc truyền giáo nhằm tới.

Về việc huấn luyện các nhà truyền giáo, có người nhấn mạnh đến nhu cầu phải cung cấp cho các nhà truyền giáo một hiểu biết về văn hóa của dân tộc nơi họ đang hoạt động.

Cũng có một số gợi ý về những khác biệt có thể có giữa các giám mục và các viện truyền giáo làm việc trong lãnh thổ của các ngài. Các giám mục Rwanda và Burundi xem ra có vấn đề, trong khi đức Hồng y Zougrana của giáo phận Ouagadougou vùng Burkina Faso lên tiếng nhiệt liệt ủng hộ các viện truyền giáo.

Một vị giám mục của Kenya lại lên tiếng bằng cả cái tim lẫn cái túi. Ngài chủ trương rằng khi trở về địa sở, vấn đề các linh mục của ngài quan tâm không hẳn là việc Công đồng có thành công trong việc định nghĩa hoạt động truyền giáo hay không mà là có thành công hay không trong việc tổ chức các ngân qũi nhằm cổ động hoạt động truyền giáo ấy.

Cuộc tranh luận kết thúc với đức cha Lamont, người từng kết án “những bộ xương khô” trong đề án trước đây về Truyền giáo, nay lên tiếng cám ơn Ủy ban đã đem lại thịt máu cho đề án ấy.

Cuộc tranh luận về Ðời sống và Thừa tác vụ của Các Linh mục, đã bắt đầu từ ngày 14 tháng 10 năm 1965, mấy ngày trước đây vốn đã có những giây phút gay cấn khi Tổng thư ký Công đồng đọc bức thư của Ðức Thánh Cha Phaolô đệ lục cho hay vấn đề độc thân của các linh mục sẽ không được đem ra bàn cãi tại Công đồng.

Tiếng vỗ tay chào đón bức thư của ngài cho thấy một cảm thức nhẹ người thực sự. Một số các bài diễn văn đã được chuẩn bị, muốn người ta lưu ý đến vấn đề hiện đang gặp trong thế giới hiện đại và con số khiến người ta phải lo âu về những trường hợp trong đó luật độc thân xem ra đang trở thành một gánh nặng không chịu đựng được nữa.

Tuy nhiên, bức thư của đức Thánh Cha có tạo nên một cảm giác bực bội nơi báo chí. Họ cảm thấy như nó vượt ra ngoài tinh thần tự do ngôn luận và việc công chúng được phép thăm dò tin tức về những vấn đề tế nhị, và bởi thế đây hẳn là một bước thụt lùi.

Nhưng nói chung, đề án này được mọi người ủng hộ. Nó nhấn mạnh đến mối tương quan giữa giám mục và các linh mục trong linh mục đoàn (nghĩa là toàn bộ các linh mục trong giáo phận). Linh mục đoàn này sâu sắc chia sẻ với đức giám mục việc công bố Lời Chúa, việc phục vụ các bí tích và hướng dẫn Dân Thiên Chúa. Nó cũng nhấn mạnh đến việc linh đạo linh mục phải phản ảnh các hoạt động trên.

Ðức Hồng y Heenan của Westminster nói về nhu cầu phải có tinh thần gia đình gần gũi trong linh mục đoàn và việc linh mục phải mạnh mẽ lãnh đạo công việc truyền giáo của giáo dân. Ngài đơn cử trường hợp Ðạo Binh Ðúc Mẹ. Việc ngài nhắc đến Frank Duff, sáng lập viên của Ðạo Binh, hiện có mặt trong Công đồng như một “dự thính viên”, đã làm Công đồng vỗ tay vang dội.

Sau đó Công đồng tạm nghỉ. Vẫn thường có những lúc tạm nghỉ dài như thế này để các ủy ban hoàn tất các tu chính sẵn sàng đem các bản văn cuối cùng ra đầu phiếu lần chót.

Các giám mục và các chuyên viên chịu trách nhiệm về đề án Giáo hội trong Thế giới Ngày nay đã phải làm thêm giờ để hoàn tất bản văn sau cùng. Các vị chịu trách nhiệm về đề án Tự do Tôn giáo cũng có những vấn đề riêng: họ bị tấn công tới tấp bởi vô số những đề nghị sửa đổi (modi). Trong số đó, 200 đề nghị được đưa ra vào phút chót với cố gắng muốn ngăn cản việc công bố bản văn ấy. Ðức cha Gerard van Velsen của giáo phận Kroonstad, Thư ký Văn Phòng Hiệp Nhất Kitô giáo, tức cơ quan chịu trách nhiệm về Tự do Tôn giáo, đã phải nhận xét rằng Văn phòng thấy dễ tính trọng lượng các đề nghị sửa đổi (30 Kílô) hơn là tính các con số của chúng.

Dù thế, ủy ban vẫn đã lo liệu để hoàn tất được nhiệm vụ của mình và mọi sự đều được sẵn sàng cho buổi họp khoáng đại lần chót vào ngày 7 tháng 12 và nghi thức bế mạc hết sức tuyệt diệu vào ngày 8 tháng 12, ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm.

Tóm kết, Công đồng đã công bố 16 văn kiện, xếp theo thứ hạng phẩm trật như sau:

* Hiến Chế: (hạn từ hiến chế ở đây có nghĩa là một văn kiện có ý nghĩa quan trọng và chung quyết): Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Hiến chế về Phụng vụ Thánh, Hiến chế Tín lý về Mạc Khải Thần Linh’ Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay.

* Sắc Lệnh: Sắc lệnh về Ðại kết, Sắc lệnh về Chức vụ Mục tử của Các Giám mục trong Giáo hội, Sắc lệnh về Thừa tác vụ và Ðời sống Các Linh Mục, Sắc lệnh về Canh tân Cuộc sống Tu trì, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, Sắc lệnh về Các Giáo hội Công giáo Phương đông, Sắc lệnh về Các Phương tiện Truyền thông Xã hội.

*Tuyên Ngôn: Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, Tuyên ngôn về Liên hệ của Giáo hội với các Tôn giáo không phải là Kitô giáo, Tuyên ngôn về Giáo dục Công giáo.

Bốn hiến chế, chín sắc lệnh và ba tuyên ngôn.

18. Nước Mắt trước khi Vatican II kết thúc

Với ngày 8 tháng 12 năm 1965 ló dạng, ngày kết thúc Công đồng Vatican II, người ta hết còn phao tin liên quan đến các cuộc tranh luận tại liên ủy ban về đề án mười ba, tức đề án Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, về những cố gắng to lớn trong việc dung hòa các ý kiến trái ngược nhau liên quan đến các vấn đề như hòa bình và chiến tranh, kết án các nỗi kinh hoàng của chiến tranh và nhìn nhận quyền tự vệ.

Công việc đã hoàn tất, dù tốt hay không, và đề án sửa đổi được trình cho Công đồng chỉ một hay hai ngày trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Nó được chấp thuận tại phiên họp khoáng đại ngày 6 tháng 12, một ít ngày sau đề án về Truyền giáo, và đề án về Thừa tác vụ và Ðời sống của Các Linh mục, dù vẫn có chống đối liên quan đến chương nói về Hòa bình.

Cái khó của chương này là nó đã lên án chiến tranh toàn diện, nhưng lại không đi cho chót bằng cách đòi hỏi đơn phương giải giới. Ðơn phương giải giới có nghĩa là hủy bỏ vũ khí hạch nhân dù kẻ thù của mình không chịu làm như thế. Do đó, việc nhắc đến quyền tự vệ trở nên rối rắm và mâu thuẫn.

Ðọc theo một chiều, xem ra người ta muốn loại bỏ quyền tự vệ và ngay cả quyền gián chỉ phòng ngừa (preventive deterrence) dựa trên các vũ khí của cuộc chiến tranh toàn diện. Ðọc theo chiều khác, lại có lỗ hổng. Lỗ hổng này xem ra không đủ lớn đối với một nhóm giám mục muốn thực tiễn hơn một chút trong việc nhìn nhận rằng không có gián chỉ, sự việc có thể tệ hơn.

Ðức tổng giám mục Hannon của New Orleans, một cựu tuyên úy nhẩy dù, vận động phải thực tiễn hơn và ngài đã thu được chữ ký của đức Hồng y Spellman của New York, Sheehan của Baltimore và McCann của Cape Town, và của đức Tổng giám mục Young của Hobart, của chính tôi và của một số vị khác.

Trong bầu không khí xúc cảm cao độ của Công đồng, tính thực tiễn này tạo nên cả một xúc kích lớn. Cuộc tranh luận trong các phe cánh của Công đồng trở nên sôi động cho đến lúc chương ấy được thông qua với khoảng 20% số phiếu chống.

Thứ Bẩy, 4 tháng 12, một nghi lễ đại kết được tổ chức tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô, do đức Giáo hoàng Phaolô đệ lục chủ tọa. Các nghị phụ và các quan sát viên từ các giáo hội khác tham gia các bài đọc, các lời nguyện và thánh thi, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Xúc động lên thật cao. Tại đây, ở Rôma này, ở một vương cung thánh đường Rôma này, chúng tôi đã từ xa mà đến từ ngày 25 tháng Giêng năm 1959, khi, trong lòng của cũng một vương cung thánh đường này, đức Giáo hoàng Gioan XXIII cho các hồng y hay ý định triệu tập một Công đồng của ngài.

Ngày 7 tháng 12, người ta thấy các nghị phụ Công đồng họp nhau lần chót tại nhà thờ Thánh Phêrô. Những cuộc bỏ phiếu theo nghi lễ được tổ chức để công bố Tự do Tôn giáo, Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, Thừa tác vụ và Ðời sống của Các Linh mục, và Giáo hội trong Thế giới Ngày nay.

Tiếp theo những công bố trên, là việc hủy bỏ một điều đã kéo dài cả 911 năm nay: việc rút phép thông công lẫn nhau của các giáo hội Công giáo và Chính thống.

Nhiều người chỉ thấy qua hàng nước mắt của mình nét cao cả của khung cảnh khi đức Hồng y Bea, đứng bên cạnh đức Giáo hoàng, đọc to thông điệp hòa giải của đức Thánh cha. Bên trái đức Giáo hoàng là khuôn mặt hết sức đẹp trai của vị đại diện đức Athenagoras, Thượng phụ Constantinople. Khi đức Thánh Cha trao thông điệp cho vị đại diện và ôm ngài trong một cái ôm huynh đệ, nhiều người xúc động đến không dám nhìn.

Ngày 8 tháng 12, ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, nghi lễ chia tay cuối cùng được tổ chức tại Công trường Thánh Phêrô. Một đoàn lũ lớn lao Dân Chúa, gồm cả đức Giáo hoàng, các giám mục và giáo sĩ khác tụ tập nhau cử hành Thánh lễ bế mạc, dĩ nhiên vẫn bằng tiếng Latinh, với điệu hát bình ca vang dội, dâng lời tán tụng và cầu xin lên tận thiên đàng.

Cùng với Thánh lễ này là bẩy thông điệp gửi thế giới: gửi các chính quyền, gửi các nhà trí thức, gửi các nghệ sĩ, gửi phụ nữ, gửi người nghèo và người đau khổ, gửi các công nhân, và giới trẻ.

Khi đức Hồng y Lienart của Lille bên Pháp đọc thông điệp gửi các chính quyền và nói lớn rằng điều Giáo hội yêu cầu nơi họ chỉ là tự do, chắc chắn nhiều tay tổ trong Cách mạng Pháp hẳn phải trở mình trong mộ và tự hỏi không biết mình đang đứng ở phe nào.

Nghi thức cử hành kết thúc với lời chúc lành của đức Thánh cha và lời sai đi vang dội của ngài “Hãy đi bình an” đã được đáp lại bằng cả một sức nổ lớn qua lời “Tạ ơn Chúa” mà phần đông chúng tôi chưa bao giờ được nghe lớn đến như vậy.

Các giám mục tiến dọc theo hàng cột Bernini và lên những xe buýt chờ sẵn để lên đường từ giã giữa rừng những bàn tay vẫy chào và điệp khúc tạm biệt.

Các ngài đã lên đường trở lại với giáo phận của mình nơi các ngài sẽ hướng dẫn những cố gắng lớn lao trong việc đem Công đồng vào cuộc sống cộng đoàn mà các ngài đã được thụ phong để phục vụ.

Vũ Văn An