Đôi giòng về nhà thơ Bùi Chát:
Trong buổi phát thanh ngày 24-10-2009, đài BBC cho thính giả biết, Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn, sinh ngày 22.10.1979 tại Hố Nai, Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai, trong một gia đình Công giáo gốc di cư. Như thế tính tới tháng 10 năm 2009, Bùi Chất vừa tròn 30 tuổi, lứa tuổi ươm đầy những ước mơ và khát vọng thành đạt. Anh tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Sàigòn năm 2001. Từ đó sống ở Sàigòn, tự biến mình thành một nghệ sĩ tự do và hoạt động xuất bản độc lập (theo ngôn ngữ trong nước lâu nay là xuất bản "chui").
Sau khi tốt nghiệp đại học, cùng với mấy người bạn thơ là Lý Đợi, Khúc Duy và Nguyễn Quán, Bùi Chát thành lập nhóm Mở Miệng. Anh là thành viên trụ cột của nhóm, và cũng là người đề xướng các khái niệm "thơ rác", "thơ nghĩa địa"… Ngoài ra, anh còn là người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn –chuyên in ấn và phát hành tác phẩm của các nhà thơ "vỉa hè" dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của nhà nước cộng sản.
Thi tập "Bài Thơ Một Vần"
Bài Thơ Một Vần là thi tập thứ sáu và là thi tập mới nhất của Bùi Chát. Thi tập này có tên tiếng Anh là One-rhyme Poems (do LĐNL chuyển ngữ) được nhà xuất bản "lậu" mang tên Giấy Vụn in và phát hành lần đầu dưới dạng photocopy vào mùa thu năm 2009. Sau đó đã được những người hâm mộ phổ biến rộng rãi trên các mạng lưới toàn cầu, cách riêng các blog trong nước. Vẫn theo đài BBC thì những tư tưởng phản kháng chế độ toàn trị giàn trải trên hầu khắp thi tập và có thể gói ghém vào mấy câu thơ tiêu biểu sau đây.
"Sau cộng sản là niềm tin ơi, chào mi
Sau cộng sản là ánh sáng, cới mở
Khi đó, chúng ta thoải mái… làm người"
Được biết, thi tập "Bài Thơ Một Vần" có tất cả 26 bài, phần lớn viết theo thể thơ tự do. Cho dù chỉ được in và phổ biến "chui" thi phẩm này của Bùi Chát đã mau chóng gây được tiếng vang lớn trong giới trẻ ở Sàigòn, Hànội và khắp các tỉnh thị trên toàn đất nước. Trên blog của phê bình gia kiêm dịch giả Cao Việt Dũng, người ta đọc được những lời tán dương sau đây:
"Quyển sách đủ đẹp để làm ghen tị toàn bộ hệ thống xuất bản Việt Nam từ trong nước đến ngoài nước, từ chính thống đến ngoài luồng".
Người đọc hiểu thế nào về lượng giá kể trên của nhà phê bình văn học Cao Việt Dũng?
Là người đang sống lưu vong bên ngoài đất nước, cũng như tuyệt đại đa số đồng bào hải ngoại, chúng tôi chưa hoặc không có điều kiện để cầm tận tay, nhìn tận mắt thi tập. Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết những giòng này, có lẽ từ "đẹp" nhà phê bình họ Cao dùng ở đây cho thi phẩm của Bùi Chát không giới hạn vào cái đẹp hình thức của một cuốn sách như khuôn khổ, kỹ thuật layout, kỹ thuật ấn loát, minh họa, mẫu bìa v.v… Vì đã gọi là xuất bản "chui" lại do một cơ sở in ấn tự mệnh danh là nhà xuất bản "Giấy Vụn" dưới một chế độ đọc tài, bất khoan dung như Việt Nam ngày nay thì làm gì có được vẻ đẹp bề ngoài ấy! Như thế, phải chăng ông muốn ám chỉ cái đẹp tinh thần, cái đẹp nội dung hàm ẩn, lấp lành, gói ghém bên trong và đàng sau những con chữ đã làm nên 26 bài thơ của Bùi Chát?
Vậy "cái đẹp tinh thần" ấy là gì đến nỗi "toàn bộ hệ thống xuất bản Việt Nam từ trong nước đến nước ngoài, từ chính thống đến ngoài luồng … phải ghen tị"?
Nội dung Bài Thơ Một Vần
Với tập thơ thứ sáu này, Bùi Chát đã dứt khoát từ bỏ thái độ dè dặt và nỗi sợ hãi kinh niên, dai dẳng để tự mình thực sự bước chân vào một vùng đất cấm có tên là chính trị. Đã đành anh không làm chính trị theo nghĩa đen. Nhưng bằng tư duy, ngôn từ, chữ nghĩa, Bùi Chát công khai bày tỏ những tình cảm yêu ghét phân minh, vốn không thích hợp với khẩu vị và cảm quan của chế độ đương quyền. Ít nhất trong tiềm thức, Bùi Chát đã tự khoanh vùng nơi trái tim và cả trí tuệ, tự vạch cho mình một lằn ranh ngăn cách với những kẻ đã cướp đi ký ức, muốn biến anh thành đồ hộp, để cưỡng chế anh và bạn bè anh phải nhận cái di sản duy nhất là "nỗi sợ".
Chúng ta hãy cùng đọc và suy nghĩ về bài thơ có tựa đề "Ai?" sau đây của tác giả họ Bùi:
Ai?
Tôi gặp gỡ những người cộng sản
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi ký ức
Mất đi tiếng nói bản thân
Mất đi những cái thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều
Nỗi sợ
Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Muốn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn
Những người cộng sản
Anh em chúng tôi
Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi
Trong ngôi nhà đen đủi này:
Ai muốn thừa kế di sản của họ?
Và:
Cũng như em, tôi muốn hát một mình
Dưới lớp da vàng
Có thể gãi thứ mình muốn ngứa
Tôi đâu biết đêm dài quá vậy!
Chẳng còn nhiều người thức đợi ngày mai
Ai đó thi thoảng thắp lên ngọn đèn
Để xua đuổi tai ương
Đáp lại những hơi thở dài tuyệt vọng
Em đã đến cạnh tôi nguyện ước
Vòm đêm không chút dấu hiệu thay đổi
Chúng ta bay đến lúc hết hơi!
Chìm lắng suy tư thật sâu vào mấy câu thơ "Tôi đâu biết đêm dài quá vậy! Chẳng còn nhiều người thức đợi ngày mai, Ai đó thi thoảng thắp lên ngọn đèn, Để xua đuổi tai ương!... Vòm đêm không chút dấu hiệu thay đổi, Chúng ta bay đến lúc hụt hơi!", khách thưởng ngoạn không khỏi ngậm ngùi, đau đáu, xót xa cho cảnh đời vô vọng, tù túng của những người trẻ Việt trên đất nước chúng ta hôm nay. Đọc lại thật chậm một lần nửa để nghe đâu đây âm vang từng giọt buồn lã chã trong hồn, gợi nhớ tới bài "Đêm dài nằm đợi sáng" của nhà thơ đất Vị Xuyên đầu thế kỷ trước.
Bùi Chát gọi những người cộng sản là những "anh em" của anh cho dẫu những người anh em ấy đã có những hành vi phản bội, lọc lừa, luôn rình mò, rượt đuổi để cướp đi ký ức, làm bặt đi tiếng nói, dùng súng đạn –kể cả thực phẩm- để hù dọa ném bạn bè anh vào ngục tối, để cuối cùng chỉ để lại nỗi sợ hãi làm di sản cho thế hệ những người trẻ tuổi như anh, như Lý Đợi, như Khúc Duy, Nguyễn Quán! Trong cảnh cùng đường, không còn cách chọn lựa nào khác, anh vẫn nghĩ đến họ, vẫn gọi họ là anh em, không phải bằng những tư tưởng oán cừu, nhưng bằng Lời Cầu Nguyện –Lời Cầu Nguyện được viết hoa của một nhà thơ trẻ, hậu duệ của thế hệ cha anh Công giáo gốc bắc di cư vào lập nghiệp vùng Hố Nai, Gia Kiệm thuộc miền nam sau ngày đất nước bị chia đôi tháng 7 năm 1954.
Không thể khác
Những người anh em
Đã phẩn bội chúng tôi
Đã ném chúng tôi vào ngục
Đã nhuộm đỏ màu da chúng tôi
Đã hy sinh mạng sống chúng tôi
Cho những giấc mơ đột hứng của họ
Những người anh em
Vẫn lừa lọc chúng tôi
Vẫn tước đoạt ánh sáng, giọng nói chúng tôi
Vẫn dọa chúng tôi
Bằng súng và… thực phẩm
Ngoài sức tưởng tượng của họ
Chúng tôi
Dưới bầu trời đen thẳm
Từng ngày, từng ngày
Không lúc nào ngơi nghỉ
Vẫn nghĩ đến họ
Và
Cầu
Nguyện
Chợt thấy đâu đây cả rừng nến thắp sáng đêm đen. Và chợt nghe đâu đây vang vọng Lời Kinh Hòa Bình của hàng ngàn, hàng vạn giáo dân ở tòa Khâm Sứ, ở Thái Hà, ở Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, Sàigòn, và ở Tam Tòa, giáo phận Vinh….và hiện nay ở Núi Chể, Đồng Chiêm.
Như đám đông bạn bè, tác giả Bài Thơ Một Vần thuộc thế hệ trẻ, thế hệ 30, thế hệ của những ước vọng cao vời, cho bản thân, cho gia đình, xóm làng, và cho đất nước. Nhưng mỗi bước chân đi là bị chặn lại. Trong một bài thơ mang tiêu đề Đèn Đỏ, Bùi Chát thố lộ:
Tôi đứng trước một ngã tư
Đèn đỏ ngăn tôi lại
Những giòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ
Chúng tôi, nhiều thế hệ
Bị giữ lại bởi đèn đỏ
Chúng tôi không cất bước được
Chúng tôi không bay lên được
Giao lộ ở khắp nơi
Không ai có thể vượt qua màu đỏ
Chúng tôi đứng trước ngã tư
Nhiều thế hệ
Chỉ một con đường bụi đỏ trước mắt
Màu đỏ trên cột đèn đường, màu đỏ của lớp bụi mù trên lối đi chặn bước chân thế hệ Bùi Chát của Việt Nam hôm nay gợi nhớ tới những bước chân đơn côi, lạc lõng "không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu Cờ Đỏ" của nhà thơ Trần Dần trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm hơn 50 năm về trước. Hơn một lần bị ám ảnh bởi cái màu đỏ quái ác chỉ có một nhiệm vụ là chặn đường, ngăn lối ấy, trong một bài thơ ngắn khác –Bài Thơ Một Vần, được dùng làm tiêu đề cho thi phẩm-, nhà thơ trụ cột của nhóm Mở Miệng và cũng là người chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn, viết:
"Màu đỏ
Như loài cỏ
Ngỡ là chuyện nhỏ
Nên không ai dọn bỏ
Chúng tôi luôn hốt hoảng
Nhưng biết làm thế nào?
Đành bỏ ngỏ!!!
Đấy là nỗi đau của những con người Việt Nam hôm nay. Cũng như Bùi Chất, Lý Đợi, Khúc Duy hay Nguyễn Quán, hầu như tất cả mọi người đều cảm, đều nhận, đều thấy được những tai ương thắm màu đỏ au và dư vị mặn của máu, của nước mắt đang đè nặng trên cuộc đời, từng người, trên thân phận đất nước, dân tộc, nhưng tuồng như đều bị ám ảnh bởi tâm trạng hốt hoảng, sợ hãi để không còn biết làm gì, phản ứng ra sao ngoài thái độ tự đánh lừa mình, để… coi mọi sự là chuyện nhỏ!!! Điều gì, căn cớ nào đã tạo nên tâm thức sợ sệt, yếu hèn, buông xuôi, thả nổi ấy, nếu không là vì những cái bẫy nhung êm ái bên cạnh những biện pháp ngăm đe, dọa nạt do đảng và nhà nước giăng ra, bằng những lời hứa mật ngọt, bằng súng đạn, nhà tù và bằng cả cái cơ chế "XIN-CHO"? Nó không chỉ ám nhiễm, tác động trên phạm vi cục bộ, trên những cá nhân mà cỏn chi phối cả những tập thể lớn, bao gồm cả các tôn giáo. Đến nỗi qua những câu thơ khô khốc mang âm hưởng lê thê của những câu hỏi triền miên, kéo dài bất tận sau đây, Bùi Chát như muốn đùa với bạo lực, với quyền uy, súng đạn của chế độ toàn trị và với cả thân phận bèo bọt của chính anh và của thế hệ trẻ đang khao khát sống, khao khát thở bầu không khí tự do như anh.
- Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/chồng chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được thở nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bình đẳng trước pháp luật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được nghĩ khác với các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chống tham những nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do ngôn luận nhé!
- Các ông cho chúng tôi được lập hội… vỉa hè nhé!
- Các ông cho chúng tôi được viết bài thơ này nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ghét các ông, chống đối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do biểu tình nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bầu cử tự do nhé!
- Các ông cho chúng tôi được học ngoại ngữ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa – Trường Sa nhé!
…..
Và
- Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé!’".
Thật khó tìm ra được một ý tưởng mỉa mai, cay đắng, thê lương nào khác hơn lời của một con người -lại là người trẻ, thuộc thế hệ ba mươi-, cất lên để "XIN" cho được "CHỜ" những kẻ có quyền, có thế, có vũ khí, đạn dược đến…"BẮT" mình! Trong cảnh ngộ đau đớn, tuyệt vọng ấy, tuồng như con người đã bị biến thành bày súc vật với ước mơ ảo là được trở lại làm NGƯỜI.
Trong bài "Rồi, tôi" anh viết.
Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bày súc vật
Mơ hành vi cùa những con người
Tổ Quốc!
Chúng ta vĩnh viễn không được tự ruồng bỏ
Bởi suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta
Thế giới cũng vút lên bằng bước chân mòn
Với một niềm tin ở dưới gót
Tôi chiêm bao thấy đứa con đầu lòng cùa tôi nhắn nhủ
Tổ quốc ta như một con mèo (1)
Tiếng chào đời con gọi meo meo (2)
Gợi nhớ:
(1) Tổ quốc ta như một con tàu (Xuân Diệu)
(2) Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin (Tố Hữu)
Trong một bài nhận định trên đài RFA, khi bàn về bài thơ này của Bùi Chát nhân buổi phát thanh ngày 17-10-2009, Mặc Lâm viết: "có một điều gì đấy khiến ký ức của không ít người trong chúng ta quặn đau. Cúi gập người xuống trước một ám ảnh khó giải thích, câu thơ của Tố Hữu vẫn dai dẳng đè nặng trái tim những người trẻ làm văn nghệ hôm nay và Bùi Chát cay đắng nhận ra rằng cả một thế hệ của anh đang chiêm bao những điều kỳ quặc nhất."
Tuy vậy, cho dẫu những bủa vậy khắp mặt bởi những giáo điều "lề trái, lề phải", bới những "đèn đỏ" giăng mắc trước mặt, sau lưng, người thơ vẫn tiếp tục "mở miệng", vẫn tiếp tục nuôi dưỡng Niềm Tin trong Nỗi Đau của mình, của anh em minh, và nếu cần phải "chọn cái chết", từng giờ, từng ngày "trong con mắt chế độ" để bảo toàn nhân phẩm và tự do. Tất cả được cô đọng, trầm lắng trong bài "Sống" sau đây.
"Chọn một niềm đau, Mỗi ngày
Để chia sẻ với thế giới
Dân tộc này
Chọn một niềm tin, Mỗi ngày
Để có mặt trên trái đất
Lãnh thổ này
Chọn một cái chết. Mỗi ngày
Trong con mắt chế độ
Để được tự do
Rút cuộc, tất cả chỉ là khát vọng Tự Do.
Đấy là những tiếng kêu thất thanh của những con người muốn được sống cho ra sống, xứng đáng với phẩm cách và giá trị của một loài thụ tạo "linh ư vạn vật". Người thơ không chỉ nhân danh cá nhân mình. Vượt lên trên hết thảy, anh muốn nói thay cho thế hệ trẻ của anh, hơn thế, cho cả một dân tộc đang bị đánh cắp đi cái khát vọng lớn nhất, cao quý nhất là TỰ DO và một đất nước đang bị xâm thực lần hồi vì tham vọng bá quyền của Trung quốc và vì thái độ đớn hèn của bọn mãi quốc cấu vinh, hậu duệ của những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc ở Bắc Bộ Phủ.
Để đóng lại thi tập "Bài Thơ Một Vần", Bùi Chát cảm khái gửi tới bạn bè anh, đồng bào anh –và có lẽ cả những kẻ đang nắm quyền sinh sát trong chế độ, những lời thơ hào sảng mang âm hưởng một bản tuyên ngôn mang tiêu đề "Hiện thực xã hội chủ nghĩa" sau đây.
"Anh chị em hãy nhờ
Chúng ta có mặt nơi đây không phải để khóc
Không phải để cân nhắc
Im lặng
Rồi quay đầu
Chúng ta ở đây để sống
Để thể hiện bốn tánh chúng ta
Đâu nhất thiết phải quan tâm
Nhắc nhở lời đe dọa
Bởi, với chúng ta
Sợ hãi –không bao giờ là mục đích."
Giữa một thế giới có quá nhiều điều cấm kỵ, Bùi Chát và bạn bè anh vẫn không ngừng cất lên tiếng nói phát xuất từ trái tim yêu Công Lý, Sự Thật và yêu thương Con Người.
Và anh không cô đơn.
Trả lời câu hỏi của phái viên đài BBC mới đây, Lý Đợi, một thành viên của nhóm Mở Miệng cho hay:
"Trước và cả sau chúng tôi, đã và đang có nhiều tác phẩm như vậy. Chúng tôi vốn chưa bao giờ đơn độc".
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, nhà thơ Lý Đợi cũng cho biết thêm là sự ra đời của nhà xuất bản Giấy Vụn nhằm:
"giải trừ những thói quen mòn trong nếp nghĩ và cung cách của những người cầm bút truyền thống".
Trả lời câu hỏi là liệu tác giả và những người góp phần in ấn, phổ biến thi phẩm Bài Thơ Một Vần có bị các cơ quan an ninh nhà nước gây khó dễ không, Lý Đợi dẫn một câu thơ của Bùi Chát: "Chúng ta tồn tại trong sự lưỡng lự của họ". Anh nói thêm:
"Cá nhân tôi chưa thấy chuyện gì là dễ ở đây cả, y như một câu thơ khác cũng của Bùi Chất: ‘Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé’"
Theo quan điểm của một tác giả có bài nhận định trên BBC thì:
"Bùi Chát làm giật mình nhiều người. Sau nhiều ngày tháng an ninh mật vụ giả dạng thành xe ôm, thành người đi đường… lẽo đẽo theo Chát suốt cả tháng trời, rốt cuộc, giữa đống bầy nhấy đó, Chát viết một mạch những bài thơ, mà tôi gọi theo cảm giác của mình là đọc xong ứa máu…
Đó lại là một ấn phẩm đẹp, trang trọng bất ngờ của Nhà xuất bản Giấy Vụn – một nhà xuất bản được công an văn hóa PA25 trân trọng thông báo rằng nếu Chát tiếp tục xuất bản, sẽ có thể phạm vào luật hình sự, luật xuất bản… nói chung là khoảng 88 tội.
Chát xuất hiện một cách mạnh mẽ và đầy ý thức của một công dân tự do toàn hảo không hề vướng mắc một thứ giáo điều hay lý thuyết nhồi sọ nào. Đọc Bùi Chát mà bồi hồi. Nở một nụ cười, buồn bã và kiêu hãnh."
Cùng với những vần thơ mang tính đối kháng nhưng cũng đầy ắp tình người, chan hòa tâm thái bao dung của Bùi Chát trong thi tập Bài Thơ Một Vần, đâu đây như đang mở ra trước mắt khách thưởng ngoạn môt vùng trời mới nơi cuối con đường của ước mơ. Ở đấy rực lên hình tượng một Mùa Xuân, không chỉ có tiếng hát của loài chim, sắc màu rực rỡ của loài hoa mà còn có những CON NGƯỜI, những CON NGƯỜI thật sự được Thượng Đế tạo dựng theo hình ảnh của chính Ngài.
Những ngày chuẩn bị đón Xuân Canh Dần
Những ngày khắc khoải theo dõi biến cố Đồng Chiêm