Duyên Tình Của Tôi Với Anh Chị Em Báo Người Việt



Tôi đã qua định cư tại Mỹ thấm thoát được 12 năm rồi. Hồi còn ở Việt nam, tôi có nghe lóang thóang về chuyện Đỗ Ngọc Yến và các bạn làm báo ở bên Mỹ, nhưng chưa hề có dịp được xem tờ báo đó như thế nào.

Khi vừa bước chân tới phi trường Los Angeles vào tháng 2/1996, thì ngòai bà con thân tộc ra, tôi còn thấy anh chị Đỗ Quý Tòan và các bạn Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc ra đón

tôi tại sân bay rộng mênh mông này. Lộc nói với tôi là Hòang Ngọc Tuệ bận lo ở pharmacy, nên không thể ra đón tôi được. Còn Lê Đình Điểu thì đang bị lạc ở khu vực khác của phi trường. Tôi thật cảm động vì các bạn đã bày tỏ cảm tình với tôi là người vừa

bị công an đưa thẳng từ nhà tù Hàm Tân Phan Thiết ra sân bay Tân sơn Nhất, để cùng với gia đình qua định cư tại California.

Mấy bữa sau đó, nhân dịp lễ Tình yêu Valentine, thì anh chị em đã tổ chức một bữa ăn tối

tại nhà niên trưởng Hòang Ngọc Tuệ để mừng cho vợ chồng tôi được đòan tụ với gia đình và bằng hữu tại Cali, sau những năm bị giam cấm tù đầy ở Việt nam. Thật là vui mừng phấn khởi vì được gặp lại bao nhiêu người bạn thân thiết, vốn đã xa cách từ trên 20 năm, sau cái ngày 30/4/1975 tan đàn sẩy nghé oan nghiệt ấy.

Hòang Ngọc Tuệ là một trong những người bạn lâu năm nhất của tôi, từ cái hồi chúng tôi còn là sinh viên ở Đại học Saigon vào giữa thập niên 1950. Chúng tôi cùng cư ngụ tại cư xá sinh viên gọi là Câu lạc bộ Phục Hưng trên đường Nguyễn Thông, gần kề với bệnh viện Saint Paul. Tuệ học dược khoa, còn tôi thì học luật. Các bạn khác cũng ở chung với chúng tôi hồi đó, mà hiện cũng định cư ở miền nam Cali, thì tôi hay gặp lại các anh Bùi Minh Đức học Y khoa, Trần văn Điền học Văn khoa ( anh Điền là thân phụ của luật sư Trần Thái Văn), anh Phạm văn Ngôn học Sư phạm, anh Nguyễn Tấn Thọ học Công chánh, anh Trang Kiên học dược… Riêng Tuệ thì gắn bó với tôi trong công tác xã hội có đến trên 50 năm rồi.

Rồi từ các năm 1964-65, lúc còn là sĩ quan làm việc tại Bộ Quốc phòng, thì tôi hay có dịp gặp gỡ và tham gia công tác xã hội với các bạn trẻ như Đỗ Quý Tòan, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc, Đỗ Anh Tài, Trần Ngọc Báu, Trần văn Ngô, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Nguyễn Đức Quang, Phạm Phú Minh, Ngô Mạnh Thu, Đòan Viết Họat v.v…Chúng tôi tham gia hết mình trong việc cứu trợ nạn nhân bão lụt tại miền Trung cuối năm 1964. Và đặc biệt trong Chương trình Công tác Hè 1965, thì chúng tôi có cơ hội hoạt động chung với cả ngàn anh chị em sinh viên học sinh trên hầu hết các tỉnh của Việt nam Cộng hòa. Và nhiều bạn trẻ trong số này đã yểm trợ tận tình cho chương trình phát triển cộng đồng tại các quận 6,7 và 8 Saigon của nhóm anh chị em chúng tôi, mà thường biết đến với cái danh hiệu “Nhóm Quận 8” vào thời đó.

Bởi cái mối thâm tình quen biết gắn bó với nhau từ bao nhiêu năm xưa như vậy, nên khi gặp lại các bạn trong “Nhóm Người Việt” vào năm 1996, thì tôi thật là thấm thía với cái tình cảm yêu thương chan hòa giữa các “chí hữu trong giới họat động xã hội và thanh niên” tại miền nam Việt nam suốt các thập niên 1960-70. Sau thời gian dưỡng bệnh và phục hồi sức khoẻ, tôi hay lui tới báo Người Việt để gặp gỡ bạn bè và nhất là để được đọc sách baó tại thư viện nhỏ cuả toà báo. Tôi cần nhiều thời gian để có thể bắt kịp được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhất là về lãnh vực khoa học xã hội và luật pháp, vốn là chuyên ngành đã lâu năm cuả mình. Đỗ Quý Toàn và nhất là Đỗ Ngọc Yến đã giúp cung cấp sách vở và chỉ dẫn cho tôi trong việc “ hội nhập với môi trường văn hoá xã hội”" trên đất Mỹ. Toàn gợi ý cho tôi viết về kinh nghiệm hoạt động hồi trước ở quận 8 Saigon. Phải nói là tôi học được nơi Toàn cái lối viết văn khúc chiết, sáng suả mà gọn gàng. Ngòai ra, thì Lê Đình Điểu đài phát thanh VNCR, và Phạm Phú Minh báo Thế kỷ XXI cũng góp ý chỉ dẫn nhiều cho tôi trong việc nghiên cứu, viết lách nữa.

Còn Yến thì hay hỏi tôi về một số nhân vật tôi vẫn quen biết, cụ thể như như các luật sư Trần văn Tuyên, Nguyễn văn Huyền, nhà văn Nguyễn Hiến Lê, giáo sư Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan v.v…Nhất là các vị lãnh đạo tôn giáo như Đức cha Nguyễn văn Bình, các Cha Nguyễn Huy Lịch, Chân Tín, các Thầy Thích Đức Nhuận, Huyền Quang, Trí Quang v.v… Vì Yến biết rõ hồi tôi làm việc cho Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (World Council of Churches) trước 1975, thì tôi hay có dịp gặp gỡ với các vị ấy. Trong mấy tháng đầu khi tôi đến California, thì tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ với khá nhiều bạn hữu từ nơi xa đến thăm viếng báo Người Việt, nhờ vậy mà tôi nhận được nhiều thông tin vừa chi tiết, vưà chính xác trực tiếp từ người ở trong cuộc, hơn là cứ suy đoán phỏng chừng theo cái lối suy nghĩ chủ quan cuả mình, mà người Mỹ gọi là “wishful thinking”.

Có lần vào buổi sáng, khi tôi đang đọc sách ở thư viện, thì Hoàng ngọc Tuệ và Trần Đại Lộc tới nói chuyện và trao cho tôi một tấm chi phiếu 1000 dollar. Tuệ nói :” Anh em chúng tôi xin biếu anh ít tiền để mua sắm aó quần và thực phẩm”. Tôi thật cảm động vì nghiã cử này. Đây là sự chi viện cuả tập thể báo Người Việt cho tôi, nó cũng giống như món tiền cũng 1000 dollar mà tổ chức Ân xá Quốc tế từ Luân Đôn vừa mới gửi cho tôi, vì họ được biết tôi bị bệnh lúc ở tù, và nay thì cần thêm thuốc men bồi dưỡng.

Và rồi mỗi khi tôi yêu cầu giúp các anh em bạn tù chính trị còn bị giam giữ ở Việt nam, thì Yến đều sẵn sàng đáp ứng mau lẹ bằng cách bảo người phụ trách về tài chánh xuất quỹ trao tiền cho tôi để gửi về bên nhà. Sau này, những người kế nghiệp của Yến như Đỗ Việt Anh và hiện nay là Phan Huy Đạt, thì cũng đều tiếp tục việc giúp đỡ từ thiện nhân đạo như thế nữa.

Vaò các năm 2001-2002, khi tôi qua miền đông nước Mỹ để tham dự các khoá học tập trao đổi về việc “Xây dựng Hoà bình” với Summer Peacebuilding Institute ở Virginia, thì cả Yến và Nguyễn Đức Quang ở báo Viễn Đông đều góp phần chi viện cho tôi trong các chuyến “du học nghiên cưú” này.Cả hai người này, Yến và Quang đều khích lệ tôi rất nhiều trong công cuộc nghiên cứu dài ngày cuả tôi trong lãnh vực xã hội học về văn hoá (cultural sociology), cũng như luật hiến pháp, đó là các đề tài tôi đã chú tâm theo dõi từ nhiều năm trước cả 1975. Và tôi đã rất nhiều lần đi vòng khắp nước Mỹ để gặp gỡ trao đổi với các giáo sư và chuyên gia nơi các Đại học, Viện nghiên cứu và nhất là với Thư viện Quốc hội Mỹ ở Washington DC, nhằm hoàn thành công trình nghiên cưú này. Cụ thể là đề tài “Sự phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu 1989-2009”, mà tôi đã khởi sự nghiên cứu từ năm 2000, và hy vọng sẽ hoàn tất vào năm 2010. Và cuốn sách viết bằng Anh ngữ chung với một vị giáo sư Mỹ ở Indiana, thì dự trù sẽ được một nhà xuất bản Đại học ấn hành vào năm 2011.

Lại nưã, cũng vào năm 2002, lúc tôi dẫn anh luật sư Trần Thanh Hiệp từ Pháp qua thăm báo Người Việt, thì Yến mời chúng tôi vào văn phòng và nói : “Tôi muốn đề nghị với Hội Đồng Quản Trị cuả Công ty Người Việt để biếu hai anh luật sư một số cổ phần danh dự. Hai anh thấy thế nào?” Tôi nói ngay “ Chúng tôi già rồi, đâu có nguồn lợi tức là bao nhiêu. Nếu quý anh muốn giúp, thì tôi nghĩ là chúng tôi cũng hoan hỷ đón nhận thôi.” Yến nói :” Vậy thì tôi sẽ chính thức đề nghị với Hôị Đồng Quản Trị để quyết định việc naỳ…” Và quả thật, vài năm sau đó, tôi nhận được thông báo cuả Ban Tài chánh cho biết là Công ty Baó Người Việt biếu tặng một số cổ phần danh dự. Vá anh Hiệp cũng cho tôi biết là anh cũng nhận được giấy thông báo như tôi vậy. Đây đích thực là cái nhã ý mà anh chị em Người Việt dành cho chúng tôi. Thực tế mà nói, thì mỗi năm chúng tôi có nhận được chừng vài ba trăm tiền lời cuả số cổ phần này. Món tiền không lớn bao nhiêu, nhưng mà cái ân tình đó, thì cả anh Hiệp và tôi đều rất trân trọng đón nhận và cảm ơn tất cả anh chị em Người Việt.

Cả gia đình tôi lại còn có duyên với baó Người Việt nữa. Đó là do cháu Nam Trân, con gaí út cuả chúng tôi theo học ở trường OCC (Orange Coast College), thì lại học với Chú Phan Huy Đạt. Thấy cháu học giỏi, nên thầy Đạt đã đề nghị vơí Người Việt thưởng cho cháu một số tiền 500 $ lúc cháu qua học về pharmacy ở tiểu bang Massachusetts vào năm 2001. Nay cháu đã tốt nghiệp ra trường làm dược sĩ. Và cả cháu cũng như gia đình tôi, thì cũng không sao quên được tấm lòng cuả các chú, các bác đối với thế hệ mầm non là các cháu. Còn mấy cháu khác như Khiết, Trực, thì cũng hay có dịp tiếp súc với các chú các bác trong báo người Việt. Cháu Trực lâu lâu còn tham gia gửi bài cho báo, nhất là khi cháu theo học dược khoa ở Boston. Khiết thì có thời làm Hiệu trưởng một trường dậy Việt ngữ, thì cháu cũng nhận được sự khích lệ, giúp đỡ rất cụ thể từ các chú trong báo Người Việt nữa.

Mấy năm trước, tôi bị đau bệnh nhiều, nên ít xuất hiện nơi công chúng. Vì thế mà có lần vào dịp Tết, Công ty cử anh Ngô Mạnh Thu đại diện đến tận nhà mang quà tặng gồm có tờ báo Xuân, bánh chưng và cả phong bao lì xì cho tôi nưã. Sự chu đáo này khiến cho bà xã và gia đình tôi rất là cảm kích. Nay thì cả anh Thu và Yến cũng như Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu… đều đã lần lượt kéo nhau ra đi, nhưng cái sự ân cần chăm sóc như thế đó của anh chị em Người Việt, thì không bao giờ tôi lại quên được.

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày khởi sự ấn hành báo Người Việt tại California, tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm thân thương, đáng nhớ với anh chị em trong tổ chức cuả tờ báo, mà tôi gọi đó là nhờ cái duyên lành đã gắn bó thế hệ bọn tôi lại với nhau đã trên 40 năm qua, nhất là trong những năm tháng chúng tôi cùng phải trải qua những tang thương khói lửa cuả cuộc chiến tranh thật là tàn khốc ở quê nhà, cũng như về những năm sống chật vật dưới chế độ độc tài áp bức, và cả ở trong nhà tù cộng sản.

Tôi coi như anh chị em “Nhóm Người Việt” là những người đã và đang tiếp nối cái tinh thần phục vụ xã hội mà khi còn trẻ tuổi hồi cách nay đã trên 40-50 năm, chúng tôi đã cùng nhau lăn xả dấn thân vào việc thực hiện các công tác văn hóa xã hội tại miền Nam Việt nam dưới chế độ Cộng hòa.

Cũng vì thế, mà bài viết này, tôi đặc biệt muốn dành cho lũ con và các cháu cuả tôi để chúng biết được cái mối thâm tình, keo sơn khắng khít cuả thế hệ cha bác cuả chúng, và từ đó các cháu có thể rút ra được kinh nghiệm bổ ích cho cuộc sống cuả bản thân mình. Như cha ông chúng ta đã từng dậy bảo trong câu “Dĩ thân nhi giáo”, tức là bậc cha mẹ phải đưa ra được cái tấm gương tốt lành, cái nhân cách trong sáng cuả chính bản thân mình, thì mới có sức thuyết phục, lôi cuốn được lũ con cháu noi theo. Cho nên việc anh chị em chúng tôi dấn thân vào công tác xã hội và văn hóa từ trên 40 năm trước, thì bây giờ tôi muốn trao lại cho thế hệ con cháu mình cái ngọn lửa nhiệt thành, cái tấm lòng yêu mến thiết tha đối với nhân quần xã hội, mà phải được thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực, chứ không thể cứ nói suông, cứ “giảng luân lý, cứ làm bộ dậy đời” mà lôi cuốn được ai đâu.

Nay cũng đã đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đã “gần đất xa trời” rồi, tôi đâu còn nghĩ gì đến danh vọng, tiếng tăm, hay quyền lợi tiền tài vật chất gì gì nữa, trên cái cõi đời vốn đầy sóng gió gian truân này. Mà tôi chỉ còn mong ước làm sao cho thế hệ con cháu mình được sống trong một xã hội thịnh vượng, thanh bình, tiến bộ và nhân ái hơn mãi thôi. Có như vậy, thì các cháu mới thực hiện được điều mà ngày xưa các cụ ta thường mong ước : ” Con hơn cha, nhà có phúc” vậy./

California Tháng 12 năm 2008

Đoàn Thanh Liêm