Để tuyên bố năm 1969 là Năm Đức Tin của Giáo phận, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha Trang, đã cho phổ biến Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An Bình’, đưa ra đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công giáo. Đức Cha viết:
« … Tỉnh thức trong bổn phận công dân, vì lúc này hơn bao giờ cả, người Công giáo phải theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II, phải bỏ quan niệm chia đôi đời sống xã hội mà Công Đồng cho là sự sai lầm tai hại nhất của thời đại ta.
… Chưa bao giờ Đức Tin phải nguy hiểm như ngày nay. Hiểm nguy bên ngoài do vật chất, vô thần. Hiểm nguy bên trong do sự bất tuân phục Hội Thánh gây khủng hoảng trong nội bộ dân Chúa.
Để anh chị em vững mạnh trong Đức Tin, đề phòng hai hiểm họa trên, tôi trình bày cho anh chị em hai điểm sau đây: Tin tưởng ở phẩm vị con người và Tin tưởng ở Hội Thánh… »
Trong phần “Tiến Lên Trong An Bình”, Đức Cha xác định: « Người Công giáo Yêu Chuộng Hòa Bình, nhưng người Công giáo không yêu chuộng Hòa Bình cách thơ ngây, quá lạc quan. Người Công giáo rất thận trọng. Hòa bình theo quan niệm Công giáo:
- Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.
- Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái… (Đức Cha còn kể nhiều định nghĩa về Hòa Bình, nhưng chúng tôi nhận thấy hai định nghĩa này thích hợp cho người Việt-Nam).
Thư luân lưu này cho chúng ta thấu biết Đức Tin vững mạnh của Ngài và giáo huấn minh bạch của vị Mục Tử viết bài lời ca ‘Con có một Tổ Quốc’ là: « người Công giáo, theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II, phải biết kết hợp đời sống Tin mừng Đức Kitô với đời sống xã hội, tức bổn phận công dân, mà Công Đồng cho là sự sai lầm tai hại nhất của thời đại ta ».
Điều đó đã làm cho những người cầm quyền Sàigòn hôm 30.04.1975 e ngại, nên trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, từ 15 đến 19 giờ, Đức Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản TP Hồ Chí Minh cùng các người Công giáo yêu nước. Đối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Đức Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Đức Cha đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha.
Cách đây hơn 33 năm, vào ngày 15.08.1975, Ủy Ban Quân Quản TP Hồ Chí Minh bắt giam Đức Cha. Ngài đã bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam và, cho đến ngày 23.11.1988, được thả tự do và bị quản chế tại Hà Nội.
Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Đức Cha đã viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’ như sau:
« Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!’
Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.
Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.
Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.
Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Đúng! đúng!
Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.
Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ. »
Chúng ta buộc phải nhắc lại câu chuyện này vì người cộng sản từ hơn ba thập niên nay không thay đổi về việc giam cầm người vô tội, trong khi, nhân danh toàn dân Việt-Nam, họ đã tham gia Liên hiệp quốc, ký Tuyên ngôn quốc tế của Liên hiệp quốc về Nhân quyền… và, đặc biệt, đang là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an/Liên hiệp quốc.
Lời dạy ‘Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh’ của Đức Cha hoàn toàn đúng khi chúng ta nhớ đến những việc đã xảy ra tại đền Giêrađô (Giáo xứ Thái Hà) ở Hà Nội trong đêm tối. Đêm khuya ngày 22.08.2008, một đám người láo nháo được sự bảo trợ của chính quyền và Công an Phường đã được huy động đến để phá đền Giêrađô. Họ bao gồm các cán bộ chính quyền và công an phường, những bà thuộc ‘hội phụ nữ’, một số thanh niên không mang quân phục chỉ đội mũ của lực lượng vũ trang, hung hăng la hét ‘Giết!Giết! Giết Kiệt!’… Kế đến, cũng tại đền Giêrađô, tối ngày 15.11.2008, lại xảy ra bất ổn, khiến các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách Giáo xứ phải kéo chuông kêu gọi giáo dân đến hổ trợ.
Vậy ‘Kiệt’ là ai? Thưa đó là Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội, một Ngôn Sứ được gởi đến Việt-Nam để tiên báo một Sự Thật khi Đức Cha nói: « Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt-Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt-Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng ».
Lập tức, hệ thống truyền thông cộng sản cắt lời đó chỉ còn: « chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt-Nam » và ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội đặt vấn đề: « Liệu các giáo dân còn có thể đặt niềm tin vào một vị Tổng Giám mục như ông Ngô Quang Kiệt? ».
Không bao lâu sau, hai trong những sự kiện xảy ra chứng minh lời tiên báo đó:
1. Bộ Ngoại giao Việt-Nam trong thông cáo ngày 19.11.2008 nêu rõ: « Ngay sau khi báo chí Nam Phi đưa tin truyền hình Nam Phi ghi được hình nhân viên Đại sứ quán Việt Nam giao dịch mua bán sừng tê giác, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi xác minh ngay thông tin và báo cáo về nước ». Người này được nhận danh là bà Vũ Mộc Anh, Bí thư thứ nhất và đây là một vụ buôn lậu.
2. Tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt-Nam tại Hà nội ngày 04.12.2008, Đại sứ Nhật bản Mitsuo Sakaba cho hay rằng các khoản viện trợ ODA của Nhật sẽ tạm dừng cho tới khi nào Việt-Nam có biện pháp hữu hiệu để tận diệt nạn tham nhũng trong các chương trình công cộng.
Ngoài ra, ngày 05.12.2008, gần 10.000 người thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân cùng quí khách các tôn giáo bạn đã tham dự Thánh Lễ, do Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chủ toa, để phong chức Đức Cha cho Linh mục Laurensô Chu Văn Minh, tại quảng trường Nhà thờ Nam Định. Sự kiện nầy đã trả lời hùng hồn cho nghi vấn 'Liệu các giáo dân còn có thể đặt niềm tin vào một vị Tổng Giám mục như ông Ngô Quang Kiệt?’ của ông Nguyễn Thế Thảo là không cơ sở.
Giáo xứ Thái Hà, hãy vui mừng lên vì nơi đây đã tạo ra những Người Công Chính như:
1. Thầy Gioakim Marcel Nguyễn Tân Văn, nay được thế giới biết dưới tên là Marcel Văn, sinh ngày 15.03.1928. tại tỉnh Bắc Ninh. Năm 17 tuổi, Thầy vào tu Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà Ấp, Hà Nội, theo bậc trợ sĩ và khấn lần đầu ngày 08.09.1946. Sau đó, Thầy được Bề trên chỉ định về phục vụ tại Nhà Dòng Thái Hà Ấp và ở các tu viện trong miền Nam. Năm 1954, trong khi hàng triệu người ngoài Bắc di cư vào Nam, Thầy tình nguyện trở ra Bắc để ‘vác Thánh gía theo chân Chúa’. Người cộng sản ưa Thầy nên ngày 07.05.1955, Thầy bị bắt và bị giam giữ trong nhiều nhà tù khác nhau cho đến chết, ngày 10.07.1959 trong nhà lao Yên Bình, cách Hà Nội 150 cây số.
Trong cuộc đời vắn vỏi của mình (31 năm), Thầy Marcel Văn đã phát triển tinh thần yêu thương, đùm bọc nhau trong gia đình một cách tốt đẹp và gương mẫu xứng đáng noi gương cho hậu thế.
Án phong Chân Phước cho Thầy Marcel Văn đã được bắt đầu từ năm 1984 khi Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, ủy thác công việc này cho Đức Cha Valois ở Canada. Sau đó, Đức Cha Valois xin cho chuyển án phong Chân phước sang Pháp vì nơi đây danh thơm thánh thiện của Thầy đã được lan rộng nhanh chóng. Thỉnh cáo viên Án phong Chân Phước này là Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận và nay là Linh mục Olivier de Roulhac, Bề trên đan viện Biển Đức tại St-Wandrille (Pháp quốc).
2. Cha Giuse Trần Hữu Thanh cùng lớp với cha Giuse Vũ Ngọc Bích tại Tập viện DCCT Hà Nội. Ngay từ thời cố Tổng thống Ngô đình Diệm, Cha đã dấn thân chống nạn tham nhũng mà điển hình là vụ “Gạo Miền Trung” khiến các quan chức tham nhũng đứng đầu 6 tỉnh ở Miền Trung bị mất chức.
Năm 1974, tại Sài Gòn, Cha đứng đầu một Uỷ Ban chống tham nhũng với 301 linh mục ký tên vào tuyên ngôn với mục tiêu là làm cho bộ máy chính quyền Cộng hoà được trong sạch và vững mạnh để đủ sức chống lại sự xâm lấn của Cộng sản.
Từ năm 1976 đến hết năm 1979, Cha bị bắt giam tại khám Chí Hoà (Sài Gòn) và tại nhiều nhà tù khác. Năm 1988, khi đựơc trả tự do, thấy người dân Miền Bắc, đặc biệt là giáo dân quá khổ, và Giáo Hội Miền Bắc thiếu linh mục, Cha ở lại Hải Dương phụ giúp người dân trong vùng và phục vụ Giáo hội địa phương. Ý muốn của Cha được chính quyền đồng ý ngay, vì biết rằng Sài Gòn là nơi đông giáo dân và là một cửa ngõ quốc tế, nơi Cha dễ lên tiếng và tiếng nói của Cha dễ có ảnh hưởng. Từ năm 1993 đến năm 1996, Cha làm Bề trên Tu viện DCCT Hà Nội, nhưng chính quyền địa phương cấm Cha cư trú và làm mục vụ tại đây.
Cha chấp nhận vác thánh giá này trong nước mắt của tuổi già mà anh em trong Dòng đã nhiều lần chứng kiến. Hàng tuần từ chỗ Cha ở thuộc tỉnh Hải Dương, Cha lên Hà Nội một ngày để gặp gỡ và thăm hỏi anh em trong tu viện, xem xét các công việc của cộng đoàn và thay thế cha Giuse Vũ Ngọc Bích trong công việc giải tội cho các nữ tu và một số linh mục tu sĩ ở Hà Nội. Trong thời gian Cha làm Bề trên DCCT Hà Nội, Cha đã góp phần lo liệu để tu viện DCCT Hà Nội có anh em từ Miền Nam ra được nhập hộ khẩu và kế tục việc phục vụ tại đây là cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên.
Năm 2001, Cha bị bệnh nặng vì tuổi cao sức yếu, anh em trong cộng đoàn DCCT ở Miền Bắc đưa ngài về Tu viện Hà Nội để tiện việc chăm sóc. Tại đây, bất chấp tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, Cha vẫn không ngừng đón tiếp và phục vụ bất cứ ai đến với ngài. Cha còn giải tội cho các linh mục tu sĩ, hướng dẫn các linh mục trẻ của cộng đoàn, làm lễ giảng dạy cho giáo dân tại đây.
Cha Giuse Trần Hữu Thanh được gọi về nhà Cha trên trời, lúc 2 giờ ngày 24.10. 2007 tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi, sau một đời kiên trung phục vụ lúc thuận lợi cũng như lúc gian nan, trong lòng kính Chúa, yêu đồng bào.
Ngày 08.12.2008, Giáo Hội Đức Kitô Hoàn vũ kính mừng trọng thể Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, người Công giáo vô tội lại phải ra tòa. Vì họ vô tội, nên bản án khó ai đoán được, có thể một trong ba trường hợp sau:
1. Trong tinh thần hòa giải dân tộc để bắt đầu một giai đoạn đối thoại bình đẳng giữa những người dân trong nước, thì Tòa nên để những người ‘giáo oan’ ra về tự do;
2. Người nhận tội được bản án treo, người không nhận mình làm tội thì bị bản án tù giam;
3. Như trường hợp phiên xử Cha Tađêô Nguyễn văn Lý mà hình ảnh sẽ chiếu đi khắp thế giới như tại địa chỉ: http://fr.youtube.com/watch?v=bUSJeAakoXI.
Những người thiện tâm toàn thế giới đang cùng hiệp thông cầu nguyện với Giáo xứ Thái Hà.
Hà-Minh Thảo