Từ CMU Ðến TVS

Rời ghế Trung học Pétrus Trương vĩnh Ký, bước vào Viện Đại học Sài-gòn, tôi gia nhập Hiệp-hội Thánh-mẫu Sinh-viên Việt-Nam (còn gọi là C.M.U, Congrégation Mariale Universitaire), như khi còn dùi mài kinh sử ở Trường Lasan Taberd.

Nhiệm vụ chính của CMU là điều hành Chẩn y viện Chánh hưng (Quận 8, bên kia cầu chữ Y). Mỗi chiều thứ bảy, trên dưới anh, chị, em hội viên (là những sinh viên nam nữ, bất phân quốc tịch, tín ngưỡng, miễn là có ý hướng sống theo tinh thần công giáo và ký đơn xin gia nhập) và cảm tình viên (học sinh trung học không phân biệt tôn giáo, nam nữ có nhiệt tâm giúp đỡ đồng loại), Sư huynh Amédée (dòng Lasan) và bác Tài (xe chở học sinh).

Công tác chia làm 3 nhiệm vụ :

- hành chánh ghi giấy khám bệnh : tên, tuổi ;

- khám bệnh, quan trọng nhất, do các sinh viên y khoa các năm cuối phụ trách ;

- phát thuốc theo toa khám bệnh do các sinh viên dược khoa phụ trách.

Ngoài ra, nhằm để xoa dịu phần nào những đau khổ của đồng loại:

- Tổ chức Cây Sinh nhật, Cây Mùa Xuân cho trẻ em nghèo và các cô nhi và mọi công tác xã hội khác, đặc biệt là trong cuộc thãm sát Tết Mậu thân 1968. Lúc đó, công tác y tế, vệ sinh tại các trung tâm tạm cư hàng ngày. Có những ngày, vừa hết giờ giới nghiêm, chúng tôi bắt đầu ra đi và trở về nhà chỉ vài phút trước giờ giới nghiêm bắt đầu ;

- Điều hành lớp tối miễn phí tại Trường Lasan Hiền Vương.

- Tổ chức những buổi chiếu phim hội thảo để sinh viên cùng thảo luận và học hỏi về những vấn đề thuộc pham vi văn hóa, xã hội, gia đình…

Đó là thời gian từ 1966 đến 1970, tổng chi các công tác của Hiệp-hội hàng năm lên đến trên một triệu đồng. Làm sao để tìm được ngân khoản đó ?

Chúng tôi tổ chức một buổi chiếu phim tại rạp Đại Nam, trên đường Trần hưng Đạo, với một phim hay, chưa từng chiếu, giá vé đặc biệt cao. Việc tổ chức và chào vé mời đã chiếm khoảng hai tuần lễ (có ngày, chạy hết một bình xăng xe Honda, sinh viên chúng ta lúc đó cũng tìm cho mình một ít tiền túi… để thỏa mãn cái thú ham ‘làm việc xã hội’).

Các buổi chiếu phim luôn được đặt dưới sự đồng chủ tọa của Đức cha Angelos Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam (người Cha thân mến của sinh viên công giáo Việt-Nam lúc đó), Đức cha Phaolô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Giáo phận Sài-gòn (vị Mục tử thương kính của chúng ta) và Luật sư Nguyễn văn Huyền, Chủ tịch Thượng nghị viện (người Anh đầy kinh nghiệm về Công giáo tiến hành). Mỗi Vị ký Sổ Vàng và ‘lì xì’ 10.000 đồng (lúc đó, tô phở giá 10 – 12 đồng). Ngoài ra, chúng tôi cũng xin hẹn gặp các Nghị sĩ, Dân biểu, Chủ các viện bào chế, thương gia… để mời ủng hộ các vé mời. Nhờ sự tín nhiệm của các ân nhân, Hiệp-hội đã hoàn thành nhiệm vụ đối với đồng bào.

Bận rộn với công tác xã hội, Hiệp-hội Thánh-mẫu Sinh-viên Việt-Nam không quên việc sống đạo với nhau. Đôi ba tháng, chúng tôi có chung Thánh lễ để chung lời cầu xin Thiên Chúa, qua Mẹ Maria, chúc phúc cho ân nhân, hội viên, cảm tình viên, thân hữu và công việc của Hiệp-hội. Thỉnh thoảng, có Trại Hè công tác và hội thảo huấn luyện hội viên và cảm tình viên.

Sau đó, qua sự giới thiệu của một bạn cựu học sinh Taberd, tôi tham dự các phiên họp của Legio Mariae và, nhờ đó, tôi biết đến Trung Tâm Phục Sinh. Sau vài tháng tham dự các phiên họp, tôi thấy Legio Mariae không đáp ứng với ước muốn sinh hoạt trong môi trường đại học, với sinh viên.

Cũng tại Trung Tâm Phục Sinh, tôi tìm hiểu Phong Trào Thanh Niên Công giáo Đại học Việt-Nam (Jeunesse Universitaire Catholique J.U.C., tiếng Pháp và Young Christian Student Y.C.S., tiếng Anh). Đây là một Phong trào Công giáo Tiến Hành, hoạt động giữa Đại học :

- chú ý đến tầm quang trọng chủ yếu của giới sinh viên đối với tương lai xứ sở, đến việc đào tạo những thành phần cốt cán, rèn luyện nhân vị, mở mang kiến thức, nâng cao tâm hồn và phát triển các tài năng ;

- giúp các bạn sinh viên ý thức trách nhiệm của mình trong xã hội hầu thúc đẩy họ nhập thế để phục vụ Công ích ;

- kêu gọi khả năng và nhu cầu muốn phục vụ, hoạt động, phát triển óc sáng kiến, biểu dương lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm của giới Thanh niên Đại học ;

- các đoàn viên Phong trào cùng tìm hiểu và bổ túc lẫn nhau trong một nếp sinh hoạt cộng đồng giữa một tình huynh đệ thắm thiết ;

- truyền bá tinh thần Bác ái Phúc Âm bằng một đời sống gương mẫu và những hoạt động vô vị lợi ;

- thay đổi và toàn thiện hóa, trong tinh thần Công giáo, những cá nhân, những tâm địa, và những định chế trong môi trường Đại học.

Năm 1967, cùng với chị Nguyễn thị Ngọc Diệp, các anh Mai quang Đàm, Nguyễn tất Ứng cùng nhiều thân hữu khác, chúng tôi thành lập Phân đoàn Luật khoa và tôi được các bạn tín nhiệm chức Phân đoàn trưởng. Sau ngày 30.04.1975, tôi hoàn toàn mất tin chị Nguyễn thị Ngọc Diệp và anh Mai quang Đàm (anh chị nào biết tin, xin cho tôi biết). Anh Nguyễn tất Ứng, sau khi đi học tập cải tạo về, đã vượt biên tìm tự do. Sau đó, gia đình có báo tin là Anh mất tích trên biển cả.

Tại Trường Luật khoa, tôi tham gia các nhóm độc lập (có nhóm được gọi ‘chơi’ là Hố nai) để phục vụ sinh viên. Do đó, tôi có dịp giúp sinh viên điền và nộp đơn ghi danh. Sinh viên nào, nhất là Công giáo, muốn biết học thế nào để có kết quả cuối năm hay muốn hoạt động xã hội, tôi đề nghị mời đến với CMU hay JUC. Phân đoàn Luật khoa JUC có tổ chức học chung, ôn lại bài chuẩn bị thi hoặc CMU cho các công tác xã hội.

Niên khóa 1967-1968, Phân đoàn đã ấn hành và bán báo Xuân để gây quỹ hoạt động. Xuất hành, Anh Nguyễn tất Ứng (thư ký Phân đoàn) và tôi đến gặp Nghị sĩ Công giáo Trần trung Dung, cựu Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng thời Đệ nhất Cộng hòa. Ông tiếp chúng tôi rất trìu mến trong tình anh em vì ông là Luật sư, từng tốt nghiệp trường Luật. Khi chúng tôi giới thiệu báo Xuân, ông móc trong túi một xấp tiền và đưa cho tôi. ‘Mừng hết lớn’, chúng tôi chào ông ra về. 5.000 đồng. Như thế, số vốn đã lấy lại. Sau hai ngày gặp các mạnh thường quân, Phân đoàn thu được hơn gấp đôi số vốn. Để ra vài trăm bạc, Phân đoàn mời anh chị trong Ban chấp hành đến chung vui, thưởng thức bò 7 món ở Ánh Hồng, Phú Nhuận. Phần còn lại để vào quỹ hoạt động.

Hàng tuần, các đoàn viên và cảm tình viên JUC đều tham dự Thánh Lễ chiều thứ năm do Cha Tuyên úy cử hành. Sau Thánh lễ, nếu không có phiên họp nào thì anh em thường gặp nhau ở phía cuối bên ngoài nhà nguyện, có khi có mặt Cha Tuyên úy, để chuyện trò, trao đổi tin tức, hoặc kéo nhau đi ăn phở, kem, bánh cuốn Tây Hồ…

Mùa Hè 1968, Hiệp-hội Thánh-mẫu Sinh-viên và Phong Trào Thanh Niên Công giáo Đại học tham gia Liên đoàn Sinh viên Công giáo Sàigòn tham dự Đại hội Sinh viên Công giáo Toàn quốc tại Viện Đại học Đà lạt. Đại hội bao gồm các Đoàn Sinh viên Công giáo Đà lạt, Cần thơ, Huế và Liên đoàn Sàigòn. Tham dự viên Đại hội thảo luận về Thông điệp ‘Phát triển các Dân tộc’ (Populorum Progressio) của Đức Thánh Cha Phao-lô VI, Bàn thảo về Tổng Liên đoàn Sinh viên Công giáo Việt-Nam và bầu Anh Nguyễn văn Ngọc vào chức Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Sinh viên Công giáo Việt-Nam.

Với tư cách Thư ký Hiệp-hội Thánh-mẫu Sinh-viên, tôi tham dự Đại hội dưới danh nghĩa đại diện Hiệp-hội và được chỉ định làm Thư ký Đại hội.

Niên khóa 1968-1969, Phân đoàn đã dấn thân hầu giúp sinh viên có giá cours (bài học) rẻ. Tôi xin phép Giáo sư Nguyễn huy Chiểu, Nghị sĩ liên danh Bông Huệ, để phát hành cours ‘Hình Luật’, toàn niên, năm thứ 2. Cộng tác với một sinh viên năm thứ 2 để ghi chép bài, tôi in ronéo và đóng thành tập và Phân đoàn phát hành. Bốn mươi năm trôi qua, tôi quên giá chính xác, nhưng nhớ rằng chúng tôi đã làm giá rẻ được phân nửa. Dĩ nhiên, tôi bị áp lực phải tăng giá từ Ban Chấp hành và các nhân viên Trường Luật (bán sách cho Thầy hay chính họ và phải đến trụ sở JUC để nhận bài cho các sinh viên, bận đi làm, có thù lao).

Năm 1969, khi JUC quyết định phát hành lần thứ sáu 10.000 quyển Đây Đại-học nhằm giới thiệu các cơ cấu và tổ chức Đại học Việt-nam cùng các sinh hoạt của nó, với mục đích hướng dẫn các tân Sinh viên khi chọn ngành học. ‘Đây Đại-học’ rất cần thiết cho những học sinh vừa đậu bằng Tú tài. Phân đoàn giúp cập nhật hóa phần Trường Đại học Luật khoa.

Sau đó, bị rớt năm thứ 3, tôi gia nhập Hải Quân Việt-Nam Cộng hòa tháng 02.1970. Sau khi thi lại, tôi xong năm thứ 3 Luật. Năm 1971, được học bổng SEATO (Minh ước Phòng thủ Đông Nam Á), tôi đi thụ huấn khóa Sĩ quan với RAN (Royal Australian Navy) tại Melbourne (học Anh văn), rồi HMAS (Her Majesty Australian Ship) Ceberrus (Victoria), HMAS Watson (NSW) và HMAS Duchess đi cập bờ biển đến Townsville (Queenland), Hobart và Philip Island (Tasmania), Port Moresby (Papua New Guinea) (Hy vọng còn nhớ đúng chữ viết).

Trở lại Quê hương cuối năm 1972, nhận chức HQ. Chuẩn úy và đi hải hành trên Dương vận hạm Lý thường Kiệt HQ16. Ba lần, trên các chiếm hạm, khi còn là Sinh viên Sĩ quan hay HQ. Chuẩn úy, đơn vị muốn tổ chức các buổi nhạc hội, hết anh nầy tới anh khác đòi sự vụ lệnh để đi tìm nhờ người ca hát. Không tìm được ai, họ phải nhờ đến tôi. Tôi trở về JUC để cầu cứu các nữ ca sĩ sinh viên đến hát giúp thật hào hứng. Cám ơn các bạn nay ở tận phương trời nào, mong được tin tức.

Giải ngũ năm 1973, sau khi xong cử nhân và đi làm, tôi có trở lại JUC, gặp anh em Phân đoàn Luật khoa. Tuy có giúp tài chánh, nhưng không có dịp để sinh hoạt vì bận tham gia hội Cựu học sinh Lasan Luật khoa khi đó có liên lạc với sinh viên Lê khắc Sinh Nhật (Tin lành) để hợp tác hoạt động tại Trường Luật Sàigòn. Anh Nhật bị ám sát (Ai giết ?), sự hợp tác chấm dứt. Cho đến bây giờ, tôi vẫn có cảm tưởng là các sinh viên Phân đoàn Luật khoa từ 1974 là những sinh viên Vườn Xoài (Lm Cần và Từ).

Cách nay khoảng một năm, tôi nhận được điện thư của anh Phạm văn Phúc đề nghị liên kết các cựu sinh viên Công giáo đã từng hoạt động trong các Phong trào Công giáo Tiến Hành để tiến tới một Diễn đàn có tên Tin và Sống (TVS). Tôi đồng ý ngay.

Tôi đã gởi tham dự Diễn đàn các bài tôi đã viết và gởi đăng trên Vietcatholic.net hay tìm lại các bài về Hiệp-hội Thánh-mẫu Sinh-viên Việt-Nam và Phong Trào Thanh Niên Công giáo Đại học Việt-Nam. Ngoài ra, tôi cũng đọc qua các bài, hình, vidéo… mà các anh, chị gởi. Bài nào cần làm tài liệu thì tôi ghi lại trên dĩa cứng. Cám ơn tất cả.

Ngày mai 03.11.2009, kỷ niệm một năm thành lập TVS, tôi sẽ hiệp dâng Thánh Lễ hiệp thông với Thánh Lễ mừng Thánh Martin de Porres tại Hố nai do Cha Anrê Đỗ xuân Quế,op. chủ tế và các Thánh Lễ khác nhằm cầu nguyện cho chúng ta.

Bước sang năm mới, tôi sẽ cố gắng làm những gì theo qui định chung của TVS về những bận tâm đến Giáo Hội và Quê Hương ở trong cũng như ngoài nước. Từ lâu nay, tôi vẫn tìm hiểu về Học thuyết xã hội Công giáo vì tha thiết với Giáo dục xã hội do Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận hình thành dựa vào Tin Mừng Đức Kitô. Tôi cũng và xác tín rằng chỉ khi nào Học thuyết xã hội Công giáo được thi hành ở Việt-Nam thì Giáo Hội và Quê Hương mới được vẽ vang, Dân tộc được An bình. Hiện nay, tôi đang học tập thông điệp ‘Bác ái trong Chân lý’ và mong được chia sẻ với mọi người.

Ngày 02.11.2009

Hà–Minh Thảo