Ba Mươi Năm Đời Ta

Sao đêm nay lòng ta buồn không thể nguôi

Niềm u-uất dâng cao tháng ngày trôi xuôi

Há vì cơm áo chẳng no lành

Há vì đời không ai mắt xanh...

Nhớ thuở xưa chưa có ta đường đi thênh thênh

Kịp đến khi có ta chông gai mông-mênh

Cuồng vọng cả mà thôi

Bốn phương đều vướng mắc

Ba mươi năm trên vai

Mà trống không bình-sinh...

Vũ Hoàng Chương

Những câu thơ đứt đoạn từ thuở nào như một tấm gương phai, như một mùi hương nhạt hay một làn khói nhang tàn bỗng nhiên trở về trong hồi-ức, thật trong, thật nồng và ấm-áp. Lời thơ và tình ý của nhà thi-sĩ vang danh từ một quá-khứ vàng son của thi-ca vẫn còn là những ý tình ám-ảnh tôi vào những khoảnh khắc bất chợt thấy bồn-chồn bất-an về thân-phận hoặc nghĩ về mình về người với trọn vẹn nỗi ê-chề trong cơn gió bụi mịt mù đã ba mươi năm.

Từ thuở còn đi học tôi đã thích nhất là thơ Vũ Hoàng Chương, sau đó mới đến các tác-giả khác. Giờ này ghi lại đôi dòng thơ cũ, tôi lại hình-dung ngay được dáng dấp mảnh-khảnh và nho-nhã của ông với đôi ba hồi-ức nhẹ nhàng mà tôi muốn ghi lại trước hết và nhiều hơn những hoài-niệm khác còn tiếp nối trở về

Vào năm 1963, tôi thi Tú-tài phần một tại trung-tâm Gia-long và vào ngày thi môn Việt-văn thì thi-sĩ Vũ Hoàng Chương làm giám-thị gác thi cùng với hai người khác. Tôi ngồi ngay bàn đầu nên không dám ngó ngang ngó dọc. Sau khi mở đề thi chừng 10 phút là cả phòng bắt đầu cắm cúi làm bài, chỉ có mình tôi là ngồi khoanh tay hết nhìn xéo ra khung cửa sổ lại nhìn lên bảng và lâu lâu đứng lên xin thêm tờ giấy nháp mà không viết chữ nào. Hơn nửa giờ đồng hồ qua đi một cách thật phí-phạm giữa không khí phòng thi làm ông chú ý nên đến hỏi nhỏ

- Sao em chưa viết chữ nào vậy? Không chọn được đề sao?

Tôi chỉ cười và lại xin thêm một tờ giấy trắng. Ông đem tờ giấy lại đặt trước mặt tôi và giục khẽ:

- Em chỉ còn có không đầy một giờ rưỡi thôi. Sao không viết đi.

- Dạ không sao đâu. Con chưa có nhập-đề nên chưa viết.

Khi ông quay lưng đi thì tôi bắt đầu viết phần nhập-đề trên giấy nháp rồi sửa đổi, thêm thắt cẩn-thận một chút, chép lại vào giấy thi xong là cắm đầu cắm cổ viết tiếp luôn bài luận cho đến khi hiệu chuông báo thu bài vang lên. Mặc kệ, tôi vẫn viết liên-tục mà không bị phân-tán giữa không khí ồn-ào huyên náo của phòng thi. Người đến thu bài của tôi lại cũng là thầy Vũ Hoàng Chương. Tôi dùng tay trái giữ chặt tờ giấy làm bài lại để thầy không lấy được và cố viết nốt phần kết-luận. Hình như thầy bắt được cái "hứng" chướng-chướng này của tôi nên cũng không quá khe-khắt trong nhiệm-vụ của một giám-thị gác thi . Khi vị giám-thị kia lo xếp soạn bài của các thí-sinh thì thầy kiên-nhẫn kéo dài sự hối thúc cho tôi viết. Nhờ vậy tôi được chấm hết bài thi cách đầy đủ trong câu thôngcảm của thầy "Làm bài thi mà cũng cần tìm cảm-hứng kỹ như vậy sao cô"?. Sau khi thu xếp xong giấy bút, tôi đến trước bàn cúi đầu chào thì cũng vừa kịp thấy thầy đang nhìn bài tôi vừa viết xong và mỉm cười. Bẵng đi nhiều năm tôi mới có dịp gặp lại thi-sĩ Vũ Hoàng Chương tại nghĩa-trang Mạc Đĩnh Chi trong tang-lễ thầy Đông Hồ. Là môn-sinh, nên đám nữ sinh-viên Văn-Khoa chúng tôi trong đồng-phục trắng, cài băng đen chia nhau đứng làm hai hàng dàn chào lúc linh-cữu chuyển vào huyệt mộ. Mấy bạn tôi xì-xào điểm từng khuôn mặt "võ-lâm chí-tôn" của nền văn-học Việt-Nam và Miền Nam đang đi tiếp sau gia-đình người quá cố. Còn tôi thì cũng nhờ vào mấy ngày chịu tang thầy mà gặp được nữ-sĩ Mộng-Tuyết thất-tiểu-muội, người mà từ trước cho đến ngày thầy Đông- Hồ mất tôi chỉ đọc thấy tên trên các trang sách giáo-khoa về văn-học-sử. Cô bạn đứng cạnh khều nhẹ tay tôi: "nhà thơ đầu thai nhầm thế-kỷ bị anh em ruồng bỏ, giống nòi khinh (thơ Vũ Hoàng Chương) kìa". Tôi giật tay cô bạn hơi mạnh vừa lúc ông đi đến ngang chỗ chúng tôi, nhẹ gật đầu đáp lễ cái cúi đầu chào lụp-chụp của cả hai đứa.

Chúng tôi tản hàng sau phần nghi-thức. Cô bạn vừa lôi tôi đi vừa nói "Tao phải đi chào lại cho đàng-hoàng nhà thơ Vũ Hoàng Chương một cái mới được vì tao luôn nghĩ mình cũng là một thứ đồng-điệu với ông, không những bị đầu thai nhầm thế-kỷ mà còn nhầm cả gia-đình nữa". Thấy ông đang đứng nói chuyện với giáo-sư Thanh-Lãng giữa một đám sinh-viên, chúng tôi chạy lại cúi đầu cung kính. Tôi giật mình khi nhà thơ hỏi:

- Hôm nay chị đã có phần nhập-đề cho bài điếu-văn tiễn thầy Đông Hồ chưa? Chi học ban nào?

Tôi lắp bắp trả lời làm mọi người bật cười

- Thưa nhà thơ...cháu học Ban Văn-chương Việt Hán.

Thầy Thanh-Lãng nhìn tôi cười cười và lên tiếng

- Không biết linh-mục Lê Văn Lý và giáo-sư Lê Ngọc Trụ dạy

Ngữ-học đứng đâu rồi, lại cả anh Nguyễn Văn Trung dạy ngôn ngữ vănchương nữa. Tôi phải hỏi xem sao lại dạy sinh-viên Văn-khoa xưng "cháu" với nhà thơ như thế này.

Tuy giáo-sư nào cũng vui tính với sinh-viên cả nhưng đám sinhviên ban Văn-chương Quốc-âm và ban Văn-chương Việt Hán chúng tôi rất sợ các tập tài-liệu giáo-khoa của những môn phải học thuộc lòng như Ngữ-học Việt-Nam hoặc phải nhớ kỹ các niên-biểu về các tác-giả, tácphẩm của thầy Thanh-Lãng, thầy Phạm Văn Diêu, thầy Bửu Cầm, Bửu Lịch và Nghiêm Thẩm. Bản thân tôi thích nhất là những giờ của thầy Vũ Khắc Khoan, thầy khoa-trưởng Nguyễn Khắc Hoạch và thầy Nghiêm- Toản vì những vị này vào lớp với hai bàn tay không, có nghĩa là chúng tôi không có bài để học theo chương đoạn; mà quan-trọng là khả-năng tiếp nhận những điều từ cái gọi là "yên sĩ phi lý thuần" (inspiration) nơi mỗi người. Thầy Nghiêm Toản khi giảng về Nguyễn Trãi cứ đủng đỉnh trích đọc và phóng bút lông trên bảng từng đoạn dài trong "Quân trung từ mệnh tập". Bên phần ngoại-ngữ cũng vậy, ngoài các giáo-sư ngoại-quốc người Mỹ và Pháp ra, thầy Bùi Xuân Bào cũng là người vào lớp với hai tay không mà giảng văn-chương Pháp thao thao bất tuyệt. Còn cụ Tú Nghiễm và thầy Lưu Khôn vừa dạy chúng tôi "vẽ" chữ Hán từ những nét sơ-đẳng căn-bản cho đến khi phóng bút để đằng-tả được bài văn Tỳ Bà Hành lại cũng cho chúng tôi một hình ảnh cảm-động về sự khiêm-tốn cần có trong biển học mênh-mông và tấm tình tôn-sư trọng-đạo.

Các giờ học chữ Hán với hai vị này là những giờ vui và cảm-động khó quên. Bao giờ cũng cụ Tú Nghiễm với khăn đống áo the đi trước, thầy Lưu Khôn đi kế bên che ô cho cụ. Khi vào lớp thì thầy kéo ghế, phủi bụi mời cụ Tú ngồi rồi mới xoa tay xin thầy để bắt đầu dạy. Lúc đầu chúng tôi không hiểu tại sao lại phải có cụ Tú cùng hiện-diện; bởi vì có khi cả buổi học cụ không nói gì cả. Lâu dần chúng tôi mang máng hiểu ra vì có đôi khi thấy thầy Lưu Khôn giảng cho chúng tôi xong thì quay sang cụ Tú cung kính hỏi "Thưa thầy, con nói như vậy đã dược chưa, thầy có cần cho các sinh-viên biết thêm ý nào nữa không ạ". Suốt năm học như vậy chúng tôi chỉ thấy cụ lên tiếng vài ba lần góp thêm ý với lời giảng của thầy Lưu Khôn, còn thường thì cụ Tú đều gật đầu bảo "anh làm đủ rồi đấy, cám ơn anh". Hai vị thầy này làm tôi thấy yêu ngôi trường Văn-khoa quá.

Dù là học ban Văn-chương Việt Hán nhưng chúng tôi cũng bắt buộc phải có một chứng-chỉ ngoại-ngữ thực-hành. Vào một giờ học buổi tối của chứng-chỉ Anh-văn thực-hành, ông giáo-sư người Mỹ nói với chúng tôi về lịch-sử nước Mỹ, về những đoàn người đầu tiên đi tìm đất sống, về ý nghĩa ngày lễ Tạ Ơn của họ rồi lan-man sang lãnh-vực chínhtrị với con số các tiểu-bang của Hoa-kỳ và ông thầy này đã cười cười nói là sắp có thêm một ngôi sao nữa trên lá cờ dành cho Việt-Nam. Ông vừa dứt câu thì bão tố bùng ra. Cả lớp ồn-ào phản-kháng, có bao nhiêu vốn liếng Anh-ngữ đã học đưa ra dùng hết, thực-hành ngay và đòi đưa ông lên gặp Khoa-trưởng. Cuối cùng dù ông đã xin lỗi vì lỡ lời chứ không có ý gì nhưng ngay vào giờ nghỉ giải-lao sau đó một số nam sinh-viên lẳng lặng thu sách vở ra về. Còn tôi thì ngày hôm sau lên Văn-phòng làm thủ-tục đổi sang học chứng-chỉ Pháp-văn thực-hành.

Chúng tôi đã sinh ra, lớn lên và trưởng-thành như thế đó. Dù đất nước chiến-tranh, dù các bạn nam sinh-viên vừa học vừa lo ngày đi lính thì thời học-sinh trẻ dại, thời sinh-viên đang chuyển làm người lớn của lớp tuổi chúng tôi và của riêng tôi vẫn đầy ắp niềm vui và lẽ sống. Lại nữa, cho dù sống trong cảnh nghèo chung của một nước nông-nghiệp, trong tình-trạng bất-an vì súng đạn và đủ mọi thứ tai-biến có thể xẩy đến bất cứ lúc nào do cuộc nội-chiến di-hại và chưa cập-nhật với đủ mọi thứ tiến-bộ về khoa-học kỹ-thuật như ngày nay, song chúng tôi còn có bầu nhiệt-huyết của tuổi trẻ, có nhiều nét đặc-trưng của gia-đình Việt-Nam và văn-hóa dân-tộc nâng chúng tôi vươn lên làm người, những con người Việt-Nam yêu quê-hương bằng niềm tự-trọng. Chúng tôi vui sống nhưng không vô-tư, vô-tâm hay vô-tri về thực-trạng chia cắt của đất nước mình. Chúng tôi lạc-quan vì tin vào tương-lai, tin vào lịch-sử có thăng có trầm, có những khúc quanh cam go.

Biến-cố ngày 30 tháng Tư 1975 là một thử-thách vàng đá, một cuộc đổi đời có bi, có hài cũng như có cả rồng rắn chen nhau. Giáo-sư Nghiêm Thẩm bị thảm-sát bẳng chính chiếc búa khảo-cổ của mình, thầy Lê Thành Trị ra ngồi bên lề đường trải tấm vải nhựa bày bán sách cũ. Một hôm đi chợ, tôi tình cờ nhìn thấy thầy Nguyễn Khắc Hoạch trong cách ăn mặc xuềnh-xoàng rất lạ mắt đang đứng chờ sang đường. Tôi không dám lại chào vì sợ lỡ ra thầy không muốn có ai nhận ra chăng. Và rồi tôi quên cả đi chợ, cứ lẽo-đẽo đi theo thầy một đoạn đường dài cho đến khi thầy quẹo vào một ngả khác. Buổi chợ hôm đó tôi chỉ mua được có một bó rau muống rồi ngơ-ngẩn đi về trong âm-vang đề-tài đầu tiên thầy nói về "Nguồn cảm-hứng tiếp-nhận văn-nghệ", tức là cái "yên sĩ phi lý thuần" thời trước.

Thầy Thanh Lãng thì chết một cách bí-hiểm. Bởi vì mới cách một ngày hôm trước tôi còn sang gặp để hỏi thầy xin được gửi ra nước ngoài bức thư ngỏ thầy viết cho nhà nước về vụ phong thánh và thầy nói chuyện vẫn bình-thường mà qua sáng sớm ngày hôm sau nữa người nhà đi lễ sớm đã về nói tin thầy bị "trúng gió" qua đời, cha xứ loan tin để cầu nguyện. Tôi tức tốc chạy xe đến để chỉ còn thấy thầy đã được thay bộ lễ- phục linh-mục nằm ngay ngắn trên chiếc "divan" mộc-mạc, hai tay đặt bắt chéo trên bụng với mười ngón tím bầm. Bà cụ người nhà chỉ cho tôi biết một điều là công-an có mời thầy lên quận chiều hôm trước rồi ngồi khóc và tôi cũng ngồi xuống cạnh bà khóc theo. Tang-lễ của thầy cũng thật đơn-giản vì nghe đâu chính-quyền quận Tân-Bình "gợi ý" không nên để lâu.

Phía Giáo-hội thì vẫn đông đủ các linh-mục và hai giám-mục đồngtế là Đức Tổng Bình và Đức cha Phụ-tá Phạm Văn Nẫm; nhưng cái điều mà ngày xưa trong tang-lễ thầy Đông Hồ chúng tôi gọi là "quần-hùng" với những "võ-lâm chí-tôn" thì thật thưa thớt vì kẻ mất người còn mà trong đó có người đã di-tản và cũng có người đang ở tù về cái tội "làm văn nghệ-sĩ" như nhà thơ Vũ Hoàng Chương chẳng hạn. Trong bối-cảnh tan-tác như vậy mà khi tôi vừa đến cổng nhà thờ Chí-Hòa là đã được một anh bạn sinh-viên cũ đưa cho miếng thẻ nhỏ có viết hai chữ "môn sinh" bằng Hán-tự để gắn trên ngực áo và một giải khăn trắng thắt ngang đầu. Lần đầu tiên tôi mới thấy hãnh-diện vì mình xuất-thân từ Đại-học Văn- Khoa Sài-gòn và cũng thầm biết cám ơn ba tôi khi ông nhất định bắt tôi chọn theo học ban Văn-chương Việt Hán. Cùng một lúc, tôi nhớ lại rất rõ khuôn mặt tươi cười của thầy cùng với nhà thơ Vũ Hoàng Chương giữa đám sinh-viên chúng tôi ở nghĩa-trang Mạc Đĩnh Chi.

Ba mươi năm đầu đời, tôi là mầm non nẩy lộc và sinh hoa kết trái giữa vườn ruộng quê-hương với bao bàn tay vun tưới và chưa kịp dâng đời được bao nhiêu sức sống thì mùa đại-hạn tiếp đến bằng cơn gió cát chủ-nghĩa và giai-cấp đấu tranh. Từ đó đi vào đoạn đời ba mươi năm mất mát dần, rơi rụng dần, bị cắt lìa dần hết với những tình-tự đẹp lành của truyền-thống dân-tộc như một cái cây bị bứng lìa cả gốc rễ khỏi miền đất đã từ đó nẩy mầm để trồng sang đất lạ, phải tận dụng hết bản-năng sinhtồn để vươn lên. Và những dư-vị của quá-khứ chính là những giọt sương mát cho cây giữ được mầu xanh.

Có nhiều người đã và cũng có nhiều người sẽ chê tôi là đã sau ba mươi năm luân-lạc rồi mà sao còn mãi ngoảnh nhìn về quá-khứ. Với tôi, quá-khứ đã cho tôi hiện-tại và thúc-đẩy tôi đi vào tương-lai chứ không phải là ôm một mớ hoài-niệm chết. Tôi phải luôn nhìn lại quá-khứ để thấy mình còn mắc nợ rất nhiều, đã lầm lỡ rất nhiều và cũng ngu-si nhiều điều nữa để hiện-tại này phải chắt-chiu từng chút ân sâu nghĩa nặng cho những tình-tự trong tương-lai.

Phải chăng đoạn đường ba mươi năm mỏi mệt và vất-vưởng vừa qua đi chẳng có gì vui mà chỉ là đựơc gượng ép gán cho đời từng người phải cộng vào cho thành con số để làm nên đời người nếu như không có quá-khứ rọi vào. Tôi không dám thương ai mà chỉ biết tự thương thân mình, tự tính sổ từng ngày với những ân và oán, mất và còn lẫn lộn để đôi vai không bị oằn xuống theo sức nặng của thời gian.