Hiệp Thông Với Đồng Chiêm

Sáng thứ 7, đi lễ ở Trung tâm Công Giáo, tôi đã nghe cha Nguyễn.uy Sĩ nhắc nhở: ngày mai chúa nhật (24/1/10) mọi người nhớ ra Mile Square Park đi bộ để hiệp thông với Đồng Chiêm, trừ những người ốm đau liệt giường không đi dược, còn ai đi dược thì phải cố gắng thu xếp thời giờ để tham dự. ai không đi là có lỗi đức Bác Ái với những giáo dân ở Đồng Chiêm, vì người ta đang chịu bao gian nan thử thách, nhưng vẫn không nản lòng. Chúng ta chỉ bỏ một ít giờ đi bộ để chia xẻ, để ủng hộ tinh thần họ mà chúng ta còn tiếc rẻ sao ??. Tôi đã quyết tâm tham gia cuộc di bộ này ngay từ đầu khi nghe thông báo.Nay nghe cha Sĩ nói tôi lại càng khẳng định quyết tâm của mình hơn, tôi tự nhủ thầm dù trời mưa tôi vẫn đi!. Lạy Chúa xin cho ngày mai, chúa nhật trời nắng đẹp, để số người tham gia được đông đảo hơn, để tiếng nói của chúng con cho tự do tôn giáo, tự do nhân quyền cho đồng bào con ở quê nhà được nhiều giới chức có thẩm quyền ở Mỹ lắng nghe.

“ Hãy nói dùm tôi, hãy sống dùm tôi, hãy thở dùm tôi…”

Chưa bao giờ lời bài hát của Trịnh công Sơn lại thấm thía cho bằng lúc này.. Người dân nước tôi đang bị bạo quyền dùng những lực công an hùng hậu với dùi cui súng đạn, đánh đập đàn áp dã man. Tự do tôn giáo và nhân quyền của người dân bị bóp nghẹt, họ không thở đuơc, tiếng nói của họ bị “bịt kín”. Chúng tôi những người dân VN đang may mắn sống ở đất nước tự do, làm sao chúng tôi có thể đành tâm làm ngơ cho đành trước những thảm cảnh người dân trong nước đang gánh chịu??. Hồn thiêng sông núi ơi!Hãy về đây hổ trợ con dân nước Việt tìm lại đươc công lý và chính nghĩa tự do.

Sáng chúa nhật, tuy người có hơi mệt mỏi vì chiều hôm qua thứ 7, tôi đã tham gia với Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng, trong việc cổ động quyên tiền ở khu Phước lộc Thọ để giúp vụ động đất ở Haiti., nhưng sáng nay tôi vẫn hăng hái lên đường tham gia đi bộ. Đúng là Trời đã chiều lòng người, nên sau những ngày mưa bảo dầm dề ở nam Cali, cuối tuần này thời tiết thật lý tưởng, nắng đẹp chan hòa khắp nơi, đẹp như những tấm lòng chia xẻ của hằng ngàn đồng bào khắp nơi đang ùn ùn tuôn về Mile Square Park để tham gia chương trình đi bộ Hiệp Thông với Đổng Chiêm và đòi nhân quyền cho Việt Nam. Trên dường từ chỗ đậu xe, đi bộ đến chỗ khán đài hành lễ, tôi gặp nhiều cụ gìa 70, 80 tuổi, đi chậm chạp, nhưng vẫn cố gắng bước đi, có người ngồi xe lăn, do con cháu đẩy đi, có gia đình vợ chồng con cái, dắt díu nhau, vừa đẩy xe nôi cùng nhau tham gia cuộc đi bộ. Thật là những hình ảnh đẹp và cảm động!.

Đến chỗ khán đài hành lễ, tôi đã thấy rừng người tràn ngập với cờ vàng 3 sọc đỏ và cờ Mỹ cầm trong tay. Những băng rôn của các đoàn thể và các giáo xứ, những khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền cộng sản đàn áp tôn giáo, áp bức, cướp đất, đánh đập tín đồ các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài… được giương cao khắp nơi. Mọi người rủ nhau tấp nập tới “Kiốt” của giới trẻ Công Giáo, để ghi danh và ký thỉnh nguyện thư gửi tới các dân biểu, thượng nghi sĩ để yêu cầu đưa VN trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC).Phía bên phải khán đài, một “Núi Thờ” trên có cây thánh gía, để tưởng nhớ lại cây thánh gía đã bị đốn ngã ở Đồng Chiêm. Bên trái là một bức tường dài, trưng bày những hình ảnh hào hùng của những người trẻ, những chiến sĩ tự do sống trong lòng chế độ cộng sản, nhưng đã anh dũng gióng lên tiếng nói đòi tự do dân chủ choViệt Nam, dù bị bắt bớ, tra tấn,cầm tù, nhưng họ vẫn không nản lòng. Thật đáng cảm phục và tự hào thay những người con dân nước Việt dám hy sinh vì tự do, nhân quyền cho Việt Nam.

Nhìn hình ảnh những người trẻ như luật sư Lê thị Công Nhân, luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê thăng Long…dám can đảm bước ra ngoài vòng ích kỷ chỉ nghỉ đến sự an vui cho bản thân, họ đã từng du học nước ngoài, có điều kiện để sống đời an nhàn, nhưng ta hãy nghe họ tâm sự:

“ Ta sẽ về chốn cũ

Nơi lang sói rập rình

Giữa muôn ngàn thử thách

Lòng ta vẫn kiên trinh

Quê hương còn đau nặng

Đâu lẽ ta đứng nhìn?

Gian nan đời nước nhỏ

Đâu lẽ ta lặng im??”

Qủa thật những con người đó xứng đáng để được ngưởng mộ và là niềm tự hào để thế giới biết rằng:Việt Nam thời nào cũng có những người con anh hùng dám đứng lên hiên ngang chấp nhận hy sinh vì tổ quốc, vì dân tộc. Phải chăng họ là những con người đã dám thực hiện lời nguyện đầu tiên của thánh Gandhi:

“Lạy Chúa,

Xin cho con dám nói lên sự thật trước kẻ mạnh…”.

Họ đã dám mạnh mẽ cất tiếng nói trước bạo quyền cộng sản, trước tòa án.. cho toàn thế giới biết rằng : Thực tế dân Việt Nam chưa có dân chủ và nhân quyền. nó chỉ là cái bánh vẽ mà chế độ trưng ra cho thế giới thấy mà thôi

Bản thân tôi là một phụ nữ, tôi không thích nói chuyện chính trị, vì nó nhức đầu và dễ gây xích mích, mất lòng nhau, nhưng việc bày tỏ thái độ sống trước những cảnh người dân yếu đuối bị chà đạp, đánh đập dã man, khi trong tay không có một tấc sắt, là một điều chúng ta không thể im lặng, làm ngơ được, nếu chúng ta còn có lương tri! “ Im lặng trước tội ác là đồng lỏa với nó”. Cái tinh thần nghĩa khí của người dân miền Nam như vẫn còn âm hưởng đâu đây:

“Giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha !” ( NDChiểu).

Hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất đối với mọi người là hình ảnh kết hợp đau thương của giáo dân Đồng Chiêm với 14 chặng đường thánh giá Chúa đã trãi qua. Mỗi chặng đường là một hình ảnh đau thương được phóng to trên vải, lần lượt do các em thiếu nhi thánh thể mang lên diễn qua khán đài với lời chú thích bên dưới, và lời dẩn giải của BS Cường đã làm nhiều người xúc động, vì đó là những bằng chứng sống thực, hùng hồn nhất. Nhìn hình ảnh những khuôn mặt đầm đìa máu, những thân hình đàn bà, trẻ em nằm lăn lộn bất tỉnh, trước một lực lượng công an hùng hậu trang bị đầy đủ đứng nhìn và hậu thuẩn cho việc làm tàn ác ấy!. Lòng tôi chợt nhói đau, chẳng lẽ:

“ Thịt da này dành cho thù hận,

cho bạo quyền, cho tham vọng của một lũ điên..” ( TCSơn)

Đúng họ là một lũ điên, nên cây thánh gía trên núi thờ đã dứng đó tự bao giờ, không gây trở ngại cho một ai, không xâm phạm gì đến quyền lợi của chế độ. Vậy mà họ nở quyết tâm đốn ngã cho bằng đuợc?? Hay đó là sự “ dãy chết” cho ngày tàn của chế độ sắp đến, nên họ đã ngông nghênh điên cuồng leo thang làm những chuyện. “Trời không dung, đất không tha” khi ra tay tàn sát tín đồ vô tội của tất cả các tôn giáo. Đem ra xử án nặng nề những người trí thức trẻ, đấu tranh ôn hòa , bất bạo động, khiến toàn thế giới phải lên tiềng phản đối và chỉ trích nặng nề! Ôi! sau mấy chục năm hòa bình, chấm dứt chiến tranh, nhìn lại quê hương tôi, vẫn đau xót để ngậm ngùi cảm nhận: “Gia tài của mẹ là nuớc Việt buồn”.

Ngoài ra còn một hình ảnh khác, cũng làm tôi cảm động không kém, đó là hình ảnh giáo dân Đồng Chiêm, cùng nhau bò lên dốc núi , trên con đường nhỏ hẹp, lởm chởm đá và gai góc, để trèo lên núi dựng lại cây thánh gía bằng tre, sau khi nhà cầm quyền đã trục đổ cây thánh gía bằng bê tông cốt sắt Tôi thật ngưởng mộ và cảm phục những người dân quê bất khuất đó! Tâm tình của họ, có lẽ là tâm tình:

“ Giọt nước mắt thương cây,

Cây ngã trên non..”

“Cây” giờ đây là “Cây Thánh Gía” vô tội, là biểu tượng của tình yêu và sự hy sinh để cứu độ nhân thế của Chúa, nhưng lại bị người ta hận thù quyết tâm đốn ngã, làm sao mà không xót thương cho được?? Có lẽ Chúa trên cây Thánh gía đang tự hỏi: Ta đã làm gì các ngươi? Mà sao các ngươi lại nở đối xử với ta như vậy ??.

Bên cạnh đó, hình ảnh các em bé ngây thơ, đầu quấn vành khăn tang trắng, chấp tay nguyên cầu cho sự bình an của người thân, cho sự đàn áp tàn bạo được chấm dứt, khiến lòng tôi bồi hồi xúc động:

“ Giọt nước mắt thưong dân,

dân mình phận long đong..” (TCS)

Ôi! thương thay, những người dân “phận long đong” dưới chế độ bạo quyền cộng sản, nhưng vẫn bất khuất kiên cường là thế!.Vậy mà ở đây có một số người nhân danh tinh thần chống cộng, lại nở quơ đủa cả nắm để gọi những người dân còn sống trong nước, là “Việt Cộng”? và có thái độ xách mé , coi thường khi nói về họ?? Thái độ này đáng xét lại lắm thay!

Cuộc đi bộ tuần hành có sự tham gia của các thượng nghị sĩ.,dân biểu tiểu bang và đại diện các tôn giáo dẫn đầu. Sau đó là đoàn người rồng rắn kéo dài cả mấy miles, tiếp bước theo sau, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu.Ai cũng đầy khí thế! Đường dài nên các giáo dân vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi, hát thánh ca. Các Phật tử thì lần chuỗi Bồ Đề..

Tôi đi bộ lâu, khá mỏi chân, có lẽ vì đi bộ nhiều chưa quen, thì gặp hai chị dắt xe đạp đi cùng. Chúng tôi cùng đi sau băng rôn, nền vàng chữ đỏ:

“President Obama, please help bring freedom of religion for Viet Nam.

( Tổng Thống Obama, xin vui lòng giúp mang lại tự do tôn giáo cho Việt Nam).

Hy vọng là tiếng nói này sẽ đến tai Tổng thống Obama!

Trên đường đi, các em thiếu nhi thánh thể đã mang tận tay từng ly nước cho bà con đi bộ dùng cho đở khát. Cám ơn những ly nước cần thiết và đúng lúc của các em rất nhiều! Có lẽ đồng bào chúng ta đang bị áp bức ở VN, đặc biệt là ở Đồng Chiêm cũng đang rất cần “những ly nước chia xẻ ân tình” của chúng ta ở hải ngoại biết là chừng nào!

Tôi thấy cái bóp đeo vai, bây giờ trở thành khá nặng, nên gửi nhờ vào giỏ xe đạp của chị cho đở mỏi vai, chị vui vẻ đón nhận và cho tôi biết: Chân chị bị yếu nên không đi bộ lâu được, nên chị phải dùng xe đạp như là phương tiện để dựa vào mà đi cho hết hành trình đi bộ với mọi nguời. Đúng là khi người ta có tấm lòng, người ta sẽ có cách để giải quyết những khó khăn. Nếu mỗi người chúng ta, ai cũng chịu khó đóng góp phần nhỏ nhoi của mình, dù chỉ là “một chút’, “một giọt” thì tình người sẽ ấm áp, cuộc đời sẽ đổi khác:

“Từng giọt, từng giọt Thiện

Thức dậy những niềm vui..”

Tôi bỗng nghe như đâu đây vang vọng tiếng hát của ban Tam ca Áo trắng trong bài “Một Chút” rất dễ thương và ý nghĩa:

“ Một chút trong đời, chỉ một chút, chút xíu thôi..

Những chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới…

Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời,

Chắt chiu từng chút ấy cho đời thêm sáng tươi..”

Hy vọng mỗi người chúng ta sẽ nhớ làm “một chút” gì đó cho quê hương Việt Nam dấu yêu của chúng ta “thêm sáng tươi”

Mong lắm thay!