Lịch Sử Truyền Giáo Cuả Dòng Ða Minh Lyon Tại Việt Nam 50 Năm Qua

50 NĂM DẤU CHÂN SƯ TỬ TRÊN ÐẤT SÀI GÒN

[Lịch sử truyền giáo cuả dòng Ða Minh Lyon tại Việt Nam 50 năm qua]

Lm Thiện Cẩm OP

Dấu chân sư tử ở “cổng trời”

Lyon, theo tiếng Pháp, có nghĩa là sư tử. Tỉnh dòng Ða Minh Lyon, một trong ba tỉnh dòng của Pháp, vì có trụ sở ở thành phố Lyon, nên được gọi là tỉnh dòng Lyon, cũng như tỉnh dòng Ða Minh đầu tiên của Pháp, mang tên là tỉnh dòng Toulouse, và tỉnh dòng có trụ sở ở Paris, mang tên là Paris, mặc dầu có tên gọi chính thức là tỉnh dòng Pháp, Province de France.

Vậy thì đáng lẽ tỉnh dòng Pháp mới là tỉnh dòng phải sai người đi truyền giáo ở Việt Nam, và là tỉnh dòng lập nhà đầu tiên ở Việt Nam, bởi vì người Pháp, chứ không phải người Tây-ban-nha đã chiếm nước Việt Nam và đặt nền cai trị ở nước ta. Nhưng lịch sử lại không dành cho tỉnh dòng Pháp cái vinh dự đó, mà lại dành cho tỉnh dòng Rôsariô,- gốc Tây ban nha nhưng ở Phi luật tân,- vinh dự ấy.

Thật vậy, chính tỉnh dòng Rôsariô đã sai anh em đi truyền giáo ở Việt Nam, ngay từ hồi đầu của lịch sử Giáo hội tại đất nước này, và cũng chính tỉnh dòng này đã được vinh dự gieo những hạt giống tử đạo trên cánh đồng phì nhiêu này, làm trổ sinh một mùa lúa dồi dào, đứng hàng thứ hai sau Phi-luật-tân, ở cõi Á Ðông này.Và đặïc biệt, cũng chính tỉnh dòng Rôsariô đã cưu mang và sinh dưỡng tỉnh dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam ngày nay.

Mãi đến đầu thế kỷ 20, do đề nghị của tỉnh dòng Rôsariô, và lời yêu cầu của Bề Trên Cả dòng Ða Minh hồi ấy, tỉnh dòng Ða Minh Lyon đã nhận lời hợp tác với anh em Ða Minh Rôsariô, gửi anh em sang truyền giáo ở miền Ðông Bắc Việt Nam, một vùng biên giới rừng núi giáp ranh Trung Quốc, nơi dân chúng hầu hết thuộc các dân tộc thiểu số. Sở dĩ anh em tỉnh dòng Lyon được mời đến đây, là vì anh em đã có kinh nghiệm truyền giáo ở xứ Côlômbia bên Nam Mỹ, cũng là xứ sở của những dân miền núi.

Theo sử sách còn ghi chép, thì năm 1903, cha Cothonay đã đặt chân lên đất của nàng Tô Thị, và dạy cho các dân tộc ở đây biết hướng về một niềm hy vọng mới, chứ không còn vô vọng đợi chờ một hình bóng chỉ có trong huyền thoại, như nàng Tô Thị vì mải chờ chồng nên hóa đá !

Suốt trong những thập kỷ đầu, anh em Ða Minh Lyon đã leo đèo lội suối, lên tận những cổng trời của Cao Bằng Lạng Sơn và Hà Giang, để loan báo Tin Mừng, lập ra nhiều giáo xứ mà nay vẫn còn tồn tại, như Lạng Sơn, Mỹ Sơn, Cao Bình, Thất Khê, Cao Bằng, Tà Lùng vv. Cha Cothonay là Phủ doãn Tông tòa tiên khởi, rồi đến Ðức cha Hedde, tên Việt là Minh, làm giám mục Ðại diện Tông tòa đầu tiên quản nhiệm giáo phận Lạng Sơn. Sau đó là Ðức cha Jacq, tên Việt là Mỹ, lên kế vị, nhưng rồi bị trục xuất, và đi vào Nam, còn Ðức cha già Minh thì ở lại,và một lần nữa phải gánh vác nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên cho đến ngày từ giã cõi đời, trong cô đơn cùng cực, và trở thành vị giám mục thừa sai cuối cùng để lại thân xác mình trên đất Bắc Việt Nam sau năm 1954.

Dấu chân sư tử ở Ðất Thăng Long

Nhưng trở về trước chiến tranh Ðông Dương, anh em Ða Minh ở Lạng Sơn thấy rằng Hà Nội, nơi ngàn năm văn vật vẫn thiếu bóng tu sĩ Ða Minh, mặc dầu tại thành phố Cảng Hải Phòng, cũng như tại giáo phận Bắc Ninh, đã có các anh em Ða Minh tỉnh dòng Rôsariô hoạt động từ lâu.

Thế là tỉnh dòng Lyon quyết định sai anh em từ miền núi, theo chân mẹ Aâu Cơ xuống trung tâm miền đồng bằng. Sư tử đã đặt chân lên đất Thăng Long, vào những năm trước khi Cách Mạng tháng 8 bùng nổ . Thoạt tiên, anh em thành lập một trường Trung học, nhằm mục đích nâng cao trình độ trí thức cho người Việt. Nhưng trường Lacordaire sớm bị đội ngũ dân Tây và các dân làng Tây, nghĩa là các người lai và con cái những dân Ta quốc tịch Tây “xâm lăng”, khiến con cái dân Việt chính cống không còn chỗ chen chân. Các anh em liền bỏ ngôi trường đó, một số anh em tiếp tục dạy cho trường Pasteur, riêng cha Alexis Cras, Ðỗ Minh Vọng, có sáng kiến lập ra cư xá sinh viên, lấy tên là Câu lạc bộ Phục Hưng, ngay bên hông tu viện Têrêxa số 8 Ðại lộ Hùng Vương. Vì tu viện và cư xá Phục Hưng nằm trên mảnh đất trước kia là khu chứa vỏ đạn, có tên gọi là Cartouches, nên nhà thờ Ða Minh được gọi là nhà thờ Cát-tút từ đó tới nay.

Câu lạc bộ Phục Hưng chính thức mở cửa sinh hoạt năm 1943. Ðây là nơi các sinh viên có thể trọ học, hoặc lui tới nghiên cứu, học hành, gặp gỡ, trao đổi với nhau và với các linh mục, nhất là cha giám đốc Ðỗ Minh Vọng. Nhiều nhân tài của đất nước sau này đã xuất thân từ Câu lạc bộ này.

Trong thời gian của những năm đầu của thập niên 50, các con sư tử Ða Minh ở Hà Nội đã tạo cho mình một uy tín đáng kể, một mặt nhờ ảnh hưởng của Câu lạc bộ Phục Hưng, nơi qui tụ những sinh viên ưu tú, không những về mặt trí thức, mà còn đặc biệt là về tinh thần yêu nước, nhờ sự dẫn dắt và khích lệ bởi một người mà bình thường phải đứng về phía thực dân Pháp,- vì người ấy là một công dân Pháp : cha Alexis Cras, Ðỗ Minh Vọng ! Còn nhớ cha Vọng đã từng có lần bị thực dân Pháp trục xuất về mẫu quốc, vì tội ủng hộ nền độc lập của Việt Nam và đào tạo những sinh viên yêu nước như Nguyễn Mạnh Hà, người đãõ có mặt trong chính phủ Hồ Chí Minh. Bên cạnh một linh mục Pháp yêu nước Việt Nam, tu viện Têrêxa còn nổi bật một khuôn mặt Việt Nam, đó là cha Thiên Phong (Théophane Vénard) Bửu Dưỡng, một người thuộc hoàng tộc, vừa là tu viện trưởng,- trong một tu viện mà tất cả các linh mục khác đều là người Pháp,- đồng thời ngài cũng là giáo sư đại học Văn Khoa Hà Nội.

Dấu chân sư tử trên đất Sài Gòn

Tu viện Ða Minh đường mang tên Tổ Hùng Vương đang trên đường phát triển đầy triển vọng như vậy, giữa một thủ đô đầy sôi động và căng thẳng vì cuộc chiến ác liệt vẫn đang tiếp diễn rất sôi động,- đặc biệt là ở vùng lòng chảo Ðiện Biên Phủ, một địa danh lịch sử sau này,- vậy mà bỗng một hôm vào năm 1953, cha Giám Tỉnh Maurice Corvez gửi cho cha Vọng một lá thư, mà nội dung là một bài sai gửi cha vào Sài Gòn, với mục đích lập một Câu lạc bộ Phục Hưng khác, tại thành phố lớn nhất ở miền Nam, nơi đại học quốc gia của Việt Nam cũng vừa được thành lập, và giám mục sở tại, đức cha Jean Cassaigne, yêu cầu anh em Ða Minh tỉnh dòng Sư Tử đến phục vụ trong môi trường trí thức này. Cha Vọng viết một thư dài tỏ ý thoái thác nhiệm vụ mới, với nhiều lý do chính đáng. Nhưng cha Corvez, với thói quen cố hữu, dùng một tờ giấy thật to, nhưng chỉ viết vắn tắt đại ý như sau : “Tôi đã nhận được thư của cha, xin chân thành cám ơn. Vậy ngày n tháng t cha phải có mặt ở Sài Gòn. Ký tên : Fr. Maurice Corvez. Giám tỉnh” !

Cha Vọng không tự ý bỏ Hà Nội cùng với đoàn lũ người rời bỏ miền Bắc trong cuộc di cư vĩ đại, cuốn theo gần một triệu người, trong đó quá phần nửa là người Công Giáo, cha ra đi vì nhiệm vụ, mà trong lòng thực sự chẳng vui gì, vì đã quá gắn bó với Hà Nội và miền Bắc.

Tới Sài Gòn một mình, không quen biết một ai, cũng không biết sẽ có thể dừng chân ở nơi nào. Ðúng là “tứ cố vô thân”. Nhưng vốn có tinh thần vô vi như Lão Tử,- vì thế sau này ở Tu viện Mai Khôi , người ta gọi cha là Lão Tử, còn cha Pineau, tên Việt là Ðỗ Minh Bình, được gọi là Khổng Tử, còn cha Nguyễn Huy Lịch, thì được gọi là Ông Phật !-, cha Vọng khi thì tá túc ở nhà cha sở nhà thờ chánh tòa Sài Gòn, khi thì nơi các cha Thừa sai Paris, khi thì tại tu viện dòng Chúa Cứu Thế. Nhưng khi có người chỉ cho cha nhà nguyện Ðất Thánh Cầu Kho, cha không ngần ngại tới đó. Tới nơi, cha nhìn dưới chân cây Thánh giá lớn của nghĩa trang có dòng chữ : Hodie mihi, cras tibi (Nay tôi, mai anh). Cha bèn nói : “Ðây đúng là chỗ của tôi rồi !” Quả vậy, vì Cras, chính là tên của cha, tên mà cha đã đổi sang tiếng Việt là Vọng, có nghĩa là hướng về ngày mai.

Cha Vọng “cắm dùi” ở Ðất Thánh Cầu Kho chờ đợi cha Bernard Pineau và cha Vinh Sơn Liêm Nguyễn Huy Lịch từ Pháp về tăng cường nhân sự. Ba cha cùng nương náu trong không gian nhỏ bé của phòng đồ lễ của nhà nguyện Ðất Thánh Cầu Kho, đang lúc chiến sự nổ ra giữa quân đội quốc gia và quân của Bảy Viễn, viên tướng chỉ huy Bình Xuyên, đội ngũ của những kẻ nắm trong tay các sòng bạc và chốn ăn chơi của Sài Gòn. Ðạn bay vèo vèo qua Ðất Thánh, kẻ chết không sợ đã đành, nhưng xem ra ba cụ Lão, Khổng và Phật cũng chẳng nao núng.

Ít lâu sau, khi quân đội viễn chinh Pháp thấy hết hy vọng nán lại miền Nam, thuộc địa cũ của họ, nên quyết định rút về mẫu quốc. Người ta mách cho cha Vọng biết họ sẽ bỏ trống khu trại dành cho hạ sĩ quan không quân Pháp ở số 43 đường Eùpargne, sau này là Nguyễn Thông. Qua thương lượng, chính quyền Sài Gòn, sau khi tiếp nhận từ tay quân đội Pháp, đã cho dòng Ða Minh thuê với giá tượng trưng.

Thế là Sư Tử bắt đầu đặt chân ở số 43 Nguyễn Thông từ đó tới nay. Hôm các anh em Ða Minh Sư Tử dọn đến địa chỉ mới, là ngày 7 tháng 10-1955, lễ Ðức Mẹ Mai Khôi. Chính vì thế mà tu viện được mang danh là tu viện Mai Khôi. Nhưng lúc ban đầu, Mai Khôi chỉ mới là một tu xá, được chính thức thành lập vào ngày 19-01-1956.

Vào những ngày đầu tiên ấy tu viện cũng chỉ có “tam giáo”, tức là cha Vọng, làm bề trên, và hai cha Bình và Lịch. Cha Bửu Dưỡng, bề trên tu viện Têrêxa Hà Nội cũng vào Nam, nhưng với tư cách là người di cư, nên tá túc ở Ðà Lạt. Cha có dẫn theo một số thầy, nhưng cho đi Pháp, đó là thầy Lương, thầy Kim, thầy Minh, riêng thầy Thái thì từ chối không đi, và được chuyển về Sài Gòn để tiếp tục năm Tập ở tu xá Mai Khôi. Trong số các thầy được gửi sang Pháp, thì thầy Trần Hiền Lương sẽ làm linh mục, còn thầy Minh thì làm trợ sĩ, còn thầy Hiển thì ra khỏi dòng về nước, thầy Kim thì cũng ra khỏi dòng, nhưng ở lại Pháp, rồi về sau lại xin vào nhà dòng làm người giúp việc. Người đầu tiên tuyên khấn trong nhà nguyện Mai Khôi, là thầy Ða Minh Ðỗ Văn Thái, người vừa mới mừng Kim Khánh khấn đòng vào ngày lễ Giáng Sinh 2004 vừa qua.

Nhận tiện ở đây cũng nên nói đến số anh em người Việt Nam đã gia nhập tỉnh dòng Sư Tử khi dòng còn có mặt ở Hà Nội. Người đầu tiên là cha Thiên Phong Bửu Dưỡng. Cha vốn dòng dõi nhà vua, một nhà Nho trở lại đạo, từng đi tu ở Ðan viện Phước Sơn ( Châu Sơn ?) cùng thời với đức cha Lê Hữu Từ, có những ngày giã chung một cối gạo với vị giám mục tương lai. Người thứ hai là cha Vinh Sơn Liêm Nguyễn Huy Lịch, người thứ ba là cha Lê Xuân Hoan. Người thứ Tư là cha Trần Hiền Lương. Còn một số người khác cũng đã từng dạm ngõ, nhưng không có “ơn gọi” nên đã trở về “thế gian”, như người sẽ trở thành nhạc sĩ Tô Vũ sau này, rất quen thân với cha Lịch. Còn một người khác mà tôi quên tên, hồi gặp nhau năm 1988, bấy giờ đã là một giáo sư trong ban Triết ở Hà Nội, khoe tôi rằng ngày xưa cũng bị cha Trémeau Ða Minh Hà Nội cám dỗ đi tu, nhưng vì gái Hà Nội đẹp quá nên không tu nổi !

Trở lại với tu viện Mai Khôi. Ngay từ những năm tháng đầu tiên, khi tu xá vừa được thành lập, đã có những người đến gõ cửa xin gia nhập. Trong số những người đầu tiên ấy, có cha Hoàng Ðắc Aùnh, cha Ðỗ Xuân Quế, và thầy Hiển, người cùng vào nhà Tập với hai cha năm 1956 tại Angers, nhưng không tiếp tục được. Người thứ tư là tôi, người viết những dòng này. Khi tôi vào tu xá Mai Khôi ngày 7 tháng 10, lễ Ðức Mẹ Mai Khôi năm 1956, thì được biết thầy Aùnh, thầy Quế và thầy Hiển vừa lên tầu sang Pháp trong kỳ hè vừa rồi. Nhà dòng lúc bấy giờ vẫn chỉ có ba cha với thầy Thái và tôi, tất cả chỉ có năm người. Ngồi ăn cơm thì cha Vọng ngồi đầu bàn, bên phải cha là cha Lịch, bên trái là cha Pineau. Thầy Thái ngồi bên cha Lịch, tôi ngồi bên cha Pineau. Ba cha thường nói tiếng Tây với nhau, còn tôi với thầy Thái thì cứ tiếng Việt mà nói nhỏ với nhau.

Mai Khôi bấy giờ còn nghèo lắm. Nhà cửa toàn là mái lợp bằng tôn xi măng, tường cũng có chỗ ghép tôn kẽm, chứ không xây bằng gạch, còn phía trước là những chắn song bằng gỗ. Khu vực dành cho tu xá không có gì ngăn cách khu dành cho sinh viên lưu trú của Câu lạc bộ Phục Hưng, nên các sinh viên thường tới gốc cây to ở đầu nhà nguyện để học bài, đọc sách, trong số đó có anh Nguyễn Ðức Quý, sau này là anh rể của cha Nguyễn Văn Hòa, và là nghị sĩ của Thượng Viện dưới chế độ Việt Nam Cộâng Hòa. Các cha và anh em trong tu xá không có nhà vệ sinh hay nhà tắm riêng, mà dùng chung với sinh viên cư xá. Nước thì thường thiếu và có khi đỏ ngầu. Cơm nước thì đạm bạc, cũng cơm với canh, đậu phụ chiên hay luộc, với rau muống chấm nước mắm. Cha Pineau không quen được cơm Việt, nên được đặc cách ăn cơm Tây. Cha Vọng có vẻ không thích chuyện này, nên đôi khi gắp rau muống, chấm nước mắm trước mặt cha Pineau, vừa nhìn vừa như có vẻ trách móc...

Công việc của các cha bấy giờ, ngoài việc dạy học, thì làm mục vụ cho sinh viên và giới trí thức. Cha Vọng làm thỉnh giảng môn Triết ở Ðại học Văn Khoa, nổi tiếng với bài thuyết trình về đề tài « Nhân vị trong Hồn bướm mơ tiên ». Cha Lịch dạy ở Ðại chủng viện Bùi Chu ở Gia Ðịnh, rồi sau dạy ở chủng viện Vĩnh Long, cha Pineuau dạy Triết ở trường Taberd và mở lớp dạy riêng ở nhà. Trong số những người đến học cha, có Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và Ðức Tổng Giám mục Nguyễn Như Thể bây giờ.

Năm 1962, cha Vọng về Pháp để đi dự Tổng hội của Dòng. Khi ra đi, hình như cha đã có linh cảm về cái chết gần kề, nên trước đó ngài đã đề nghị cha Nguyễn Huy Lịch làm Ðại diện Giám Tỉnh kiêm Bề trên nhà thay cho ngài. Trước khi lên đường, ngài còn « nói gở » nhiều lần với nhiều người rằng không biết có về hay không ! Ngài đi taxi ra phi trường, quên mang theo cả tiền trả tài xế, cha Lịch phải cỡi xe máy chạy theo để trả tiền taxi. Sang tới Pháp, ngài dự định sẽ đến thăm anh em chúng tôi, cha Aùnh, cha Quế và tôi, ở học viện L’Arbresle, gần Lyon, nhưng không biết rằng vào ngày ấy chúng tôi lại đi dự trại hè Liên tu sĩ Việt Nam bên Thuỵ Sĩ. Vì thế, khi ngài đến Lyon, tôi đã đến gặp và dùng bữa với ngài tại một dòng nữ Ða Minh. Khi về tới trụ sở giám tỉnh ở Lyon, ngài tiễn chân một đoạn đường, khen tôi về một bài viết trong tập san Thông Cảm của sinh viên Công Giáo Sài Gòn, mang tựa đề « Về nhà », mà sau này in trong Hoa trong kẽ đá, và đề tặng ngài. Sau khi khuyến khích tiếp tục viết, ngài nói với tôi : « Cám ơn thầy đã đến thăm tôi. Không biết rồi cha con có còn gặp nhau nữa hay không. » Ngày chúng tôi lên đường đi Thụy Sĩ, lúc xe lửa dừng lại một giờ tại ga gần tu viện Saint-Nom, tôi đề nghị cha Quế nên lợi dụng cơ hội ghé thăm « Oâng Cụ ». Cha Quế đã làm như vậy, và cũng nghe « Oâng Cụ » nói gở như đã nói với tôi.

Chúng tôi đang vui vẻ họp nhau ở Thụy Sĩ thì nhận được tin sét đánh : Cha Cras đã qua đời đột ngột ngày thứ Bảy 07-07-1962, hưởng dương 52 tuổi ! Ðúng là « bốn chín chưa qua năm ba đã tới » ! Khi chúng tôi từ Thụy Sĩ trở về, thì chỉ còn biết ra viếng mộ cha tại nghĩa địa nhỏ bé trong rừng cây của tu viện Sainte-Marie ở l’Arbresle.

Cha Vọng qua đời ngày 07- 07-1962, một năm sau khi cha Aùnh và cha Quế thụ phong linh mục (07-09-1961). Cha Lương thì thụ phong một năm trước đó, còn cha Long Tiên thì chuẩn bị về nước. Như thế có nghĩa là tre già đã để gốc cho măng : và một thế hệ Ða Minh Sư Tử đã sẵn sàng tiếp bước những con đầu đàn.

Về mặt cơ sở, những ngôi nhà vừa thấp vừa cũ kỹ của tu viện cũng như của Cư xá Phục Hưng đã được đại tu, nhờ tài năng xoay xở của cha Boué, Ðỗ Minh Huệ, người chẳng bao lâu sau đó được gọi về Pháp, vì lý do không học được tiếng Việt ! Dù sao cha Boué cũng để lại được dấu ấn của mình, và mặc dù Cư Xá Phục Hưng đã được xây lại toàn tòan, nhưng nhà thờ cũ và phần lớn tu viện hiện nay vẫn còn là công trình tu bổ vào thời trước.

Sau khi cha Boué về Pháp và cha Cras qua đời, anh em Việt Nam lần lượt về nước. Khởi đầu là Phạm Long Tiên, rồi đến cha Lương và cha Quế, tiếp theo là cha Hoàng Ðắc Aùnh. Cha Aùnh được sai xuống Cần Thơ lập cư xá Phục Hưng dưới đó, còn cha Tiên, cha Lương và cha Quế thì làm việc tại Sài Gòn. Cha Long Tiên kế vị cha Lịch trong chức vụ Giám đốc Cư xá Phục Hưng, cha Quế kế vị cha Pineau trong nhiệm vụ tuyên úy Phong trào Thanh niên Sinh viên Công Giáo Ðại Học, tiếng Pháp là Jeunesse Universitaire Catholique (JUC). Cha Long Tiên thành lập phong trào Hiệp Sinh, qui tụ sinh viên và học sinh Sài Gòn, mà hiện nay ca đòan Hiệp Ca là « hậu duệ » của tổ chức này.

Ðến tháng Bảy năm 1967 thì tôi về nước, gia nhập cộng đoàn Mai Khôi. Hai năm sau, ngày 11-02-1969, Mai Khôi được nâng lên hàng tu viện theo đúng hiến pháp của Dòng. Cha Phạm Long Tiên được bầu vào chức vụ Tu viện trưởng, cha Nguyễn Huy Lịch vẫn là Ðại diện Giám Tỉnh. Ngòai tu viện Mai Khôi, các con Sư tử Ða Minh còn có mặt ở Tùng Nghĩa, Cần Thơ, Ðà Nẵng và Long Xuyên. Ở Tùng Nghĩa thì có các cha Bửu Dưỡng, Léna (Ðỗ Minh Lễ) và Drayer (Ðỗ Minh Tân). Ở Ðà Nẵng thì cha Jeffro (Ðỗ Minh Thể) làm tuyên úy cho các nữ tu Dòng Phaolô. Dưới Long Xuyên thì có Ðức cha André Jacq (Mỹ) và cha Nerdeux (Ðỗ Minh Lý). Tại tu viện Mai Khôi cũng có mấy cha người Pháp, đó là các cha Hagg (Ðỗ Minh Xuyên) và Lorry (Ðỗ Minh Lộ). Cha Hagg vì già yếu đã trở về Pháp, trước ngày Hòa bình Thống nhất, cha Nerdeux cũng vậy. Còn tất cả các anh em khác, kể cả Ðức cha Jacq đều ở lại, nhưng sau biến cố 30-04-1975, đã được chính quyền yêu cầu trở về Pháp. Ðây là lần thứ hai các anh em bị trục xuất khỏi Việt Nam. Lần thứ nhất khi còn ở đất Bắc. Ðức cha Jacq phải bỏ giáo phận Lạng Sơn của mình, còn các cha khác thì rời bỏ Hà Nội, riêng hai cha Lorry và Léna (Lộ và Lễ), thì được ở lại Hà Nội mãi tới năm 1960 mới bị mời về nước, nhưng đã qua ngả Campuchia mà vào miền Nam.

Trước ngày Hòa bình và Thống nhất, đặc biệt vào những năm đầu thập niên, cụ thể là năm 1972, khi các cha Nguyễn Văn Hòa và cha Mai Văn Hùng về nước,- dẫn theo một cha người Pháp lai Việt Nam : cha Alain Riou, nhận tên Việt là Nguyễn Văn Du, cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vĩnh,- thì vào lúc này tất cả anh em Ða Minh Lyon thế hệ thứ hai đã trở về phục vụ tại Việt Nam, chỉ trừ anh Nguyễn Phan Khiêm chưa thụ phong linh mục và đang tiếp tục học, với cha Trần Hiền Lương đi nghỉ năm sabatique rồi ở lại luôn bên Pháp, cho tới khi qua đời vào cuối năm 1992.

Thời gian này có thể nói tu viện Mai Khôi đạt tới thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất từ xưa tới nay, về phương diện nhân sự cũng như về công tác mục vụ và phục vụ. Phần lớn anh em trong tu viện đều là giáo sư chủng viện hay đại học : cha Lịch, cha Aùnh, cha Quế dạy học trong các đại chủng viện Sài Gòn, Vĩnh Long, cha Quế dạy và giảng tĩnh tâm cho các dòng nữ, cha Hòa dạy tại đại học Văn Khoa Sài Gòn, cha Hùng thì và làm phó khoa trưởng đại học Sư phạm Ðà Lạt, còn tôi thì vừa làm giáo sư cơ hữu, vừa làm giám đốc Tu thư ở Ðại học Ðà Lạt, đồng thời cũng là thỉnh giảng tại đại học Văn Khoa Sài Gòn. Ngoài ra các anh em còn làm tuyên úy sinh viên và các hội đoàn Công Giáo tiến hành, như Pax Romana, Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Sài Gòn, rồi Tổng Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Việt Nam, Thanh niên Công Giáo đại học, Ðạo binh Ðức Mẹ vv. Vào mỗi kỳ hè, anh em còn được mời đi giảng tĩnh tâm thường niên cho các dòng tu, trong giáo phận cũng như ngoài địa phận. Cha Long Tiên, ngoài nhiệm vụ giám đốc Cư xá Phục Hưng, còn dẫn dắt phong trào Hiệp Sinh do cha sáng lập, và đảm nhiệm chức vụ tuyên úy cho sinh viên Công Giáo một thuộc một số phân khoa, cũng như các anh em khác. Sau này cha sẽ trở thành tổng tuyên úy của Tổng Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Việt Nam.

Cha Nguyễn Huy Lịch làm giám đốc Trung Tâm Phục Sinh, nơi qui tụ các sinh viên Công Giáo từ các quận huyện về sinh hoạt thường xuyên tại đây, vừa là Trung tâm Sinh viên Công Giáo, vừa được coi như là giáo xứ của sinh viên. Ðây cũng là trụ sở của ba tổ chức sinh viên : Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Sài Gòn, Thanh niên Sinh viên Công Giáo đại học (JUC), Ðạo binh Ðức Mẹ. Trung Tâm cũng còn là nơi sinh họat của Lớp Ðức tin Văn hóa do cha Ðỗ Xuân Quế phụ trách, lớp này quy tụ những anh chị em giáo dân muốn được bồi dưỡng kiến thức tôn giáo, học hỏi về Công đồng Vatican II, cũng như tiếp cận với những vấn đề văn hóa, xã hội của thời đại. Ngoài ra, Trung Tâm Phục Sinh cũng thường xuyên tổ chức những cuộc tọa đàm, hội thảo về những vấn đề thời sự, qui tụ phần lớn là các giáo sư, học giả, cũng như linh mục giáo dân trí thức. Cha Lịch là linh hồn của những sinh hoạt này.

Một hoạt động khác cũng đáng được nói đến, đó là biên tập và phát hành Tạp chí Nhà Chúa. Thật vậy, tờ nội san của các tu sĩ Việt Nam trước đây đã được giao cho nhiều dòng phụ trách, nhưng chỉ sống lây lất, không đường lối rõ rệt, cũng không phát hành đều đặn, khi có khi không. Vì thế Hiệp Hội các Bề trên Cao cấp Việt Nam đã yêu cầu anh em Ða Minh Sư Tử đảm trách tờ Nội san Tu sĩ này. Ðây là một nhiệm vụ không phải dễ dàng, trước hết vì tu viện Mai Khôi lúc ấy thực ra chỉ có ba anh em có thể làm công việc này : cha Lịch, cha Quế và tôi. Nhưng cả ba chúng tôi đều bận rất nhiều những công việc khác. Mặc dầu vậy Nhà Chúa cũng đã ra mắt độc giả ngay sau biến cố Tết Mậu Thân, tháng Hai 1968, và tiếp tục mãi tới cho đến ngày Hòa bình Thống nhất. Tổng cộng Nhà Chúa đã ra được 44 số, với những số đầu tiên chỉ có ba cây bút chính thay đổi nhau đứng đầu mục lục tờ báo, nhưng dần dần đã trở thành một tờ báo có uy tín, qui tụ nhiều cây viết khác, ngoài anh em trong nhà, như linh mục Nguyễn Văn Tuyên, Bùi Tuần, Trần Phúc Nhân, Lý Chánh Trung, Bùi Văn Ðọc, Bảo Thạch (Mai Văn Hùng), Nguyên Văn Hoà, Bảo Tịnh, Hồng Giáo, Nguyễn Công Ðoan vv. Vị chủ nhiệm đầu tiên là cha Ðỗ Xuân Quế, rồi đến cha Nguyễn Huy Lịch, và sau cùng là cha Hoàng Ðắc Ánh.

Sau 30/4/1975, các cha người Pháp lần lượt phải rời bỏ Việt Nam về Pháp. Cha Lorry và cha Riou là hai anh em cuối cùng phải từ giã anh em. Tất cả anh em Việt Nam quy tụ về Tu viện Mai Khôi, cha Quế mấy năm trước xuống thay thế cha Aùnh làm giám đốc cư xá Phục Hưng ở Cần Thơ, cũng về Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, ba cha Aùnh, Quế và Hùng lên Ðà Lạt giúp Ðức cha Nguyễn Sơn Lâm. Cha Aùnh làm viện trưởng Giáo hoàng học viện Piô X, cha Hùng dạy tại chủng viện Ðà Lạt, cha Quế làm mục vụ ở giáo xứ Mai Anh. Ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn lại bốn linh mục : Nguyễn Huy Lịch, Phạm Long Tiên, Thiện Cẩm, Nguyễn Văn Hòa và thầy Thái, với cha Trần Phúc Nhân, linh mục giáo phận đến ở với chúng tôi từ năm 1974, để tham gia công tác dịch Kinh Thánh . Những năm đầu sau Hoà bình Thống nhất, tình hình Việt Nam nói chung, và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, khó khăn về mọi mặt tinh thần cũng như vật chất . Thiếu lương thực, thiếu tự do đi lại, thiếu phương tiện… nhưng anh em vẫn tiếp tục hoạt động không ngừng. Nhất là sau khi ba anh em ở Ðà Lạt bắt buộc phải trở về Thành phố, tu viện dần dần lấy lại được sức sống của mình. Phần lớn anh em trong tu viện tham gia công tác dịch Kinh Thánh với nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ : cha Aùnh, cha Quế, tôi và cha Hòa. Ngoài ra anh em còn dịch sách, viết sách và in ấn với những phương tiện nghèo và hạn chế. Ðức cha Nguyễn Văn Lãng, cố giám mục Xuân Lộc, nhân một chuyến đi Ad limina, có ghé thăm cha Giám Tỉnh Lyon ở Pháp, khoe với ngài rằng : anh em của cha ở Việt Nam bây giờ mỗi người là một nhà xuất bản ! Ngoài công tác mục vụ, và công việc dịch thuật cũng như xuất bản sách, anh em còn tổ chức những lớp giáo lý, và những lớp thần học cho chủng sinh, tu sĩ và giáo dân, có khi ngay tại phòng riêng của mình.

Dần dần chế độ cũng cởi mở và đổi mới, và cái nhìn thực tế và lạc quan của người anh cả Nguyễn Huy Lịch xem ra có căn cứ. Thật vậy, không phải bây giờ, mà ngay từ thời chế độ Ðệ nhất Cộng hòa, cha Lịch vẫn là người chủ trương Canh tân và Hòa giải : canh tân Giáo hội theo tinh thần Công đồng Vatican II, hòa giải trong nội bộ Giáo hội và với mọi người : với anh em Phật giáo trong những ngày tháng đen tối đưa tới sự sụp đổ chế độ Ngô Ðình Diệm, cũng như trong những năm tháng cuối thời Nguyễn Văn Thiệu. Cha Lịch tin rằng cuối cùng thì Cách Mạng sẽ thắng, nên cha âm thầøm, nhưng tích cực chuẩn bị cho sự hòa giải cần thiết nhưng khó khăn này. Những số báo Nhà Chúa còn đó chứng minh cho công cuộc chuẩn bị cho Hòa giải này, cũng như vụ cha bị lôi ra tòa vì một bài báo viết theo khuynh hướng ấy. Ngoài ra cha còn sáng lập ra nhóm « Canh tân Hòa giải », qui tụ một số anh em linh mục, tu sĩ, giáo dân, trong đó có những khuôn mặt như Nguyễn Ngọc Lan, Vương Ðình Bích, Nguyễn Ðình Ðầu, nữ tu Mai Thành vv. Phải chăng vì thế mà ngay từ hồi Tết Mậu Thân, cha đã bị người ta gán cho nhãn hiệu « ngụy hòa » !

Nhưng bệnh tiểu đường ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của cha, đến nỗi cha phải sang Pháp chữa trị. Lúc này thì tu viện cũng đã mất đi hai người : cha Phạm Long Tiên qua đời, còn cha Nguyễn Văn Hòa thì rời Thành phố Hồ Chí Minh qua Pháp.

Mặc dầu vậy, anh em còn lại vẫn không nản chí. Không những mọi người vẫn tích cực hăng say phục vụ, mà còn quan tâm đến việc tìm kiếm và đào tạo những ơn gọi mới. Cha Trần Thanh Long là « hoa quả đầu mùa » của thế hệ Ða Minh Sư Tử thứ Ba này. Tiếp đến là các cha Nguyễn Ðức Trung, Nguyễn Thế, Ðinh Tuấn Hậu, Lê Minh Thông, Nguyễn Lộc Thọ, Phạm Hoàng Sinh, Vũ Anh Quốc, Bùi Thiện Thảo và những anh em khác cũng sắp sửa ra trường, như Ðặng Quốc Phong, Phạm Hoàng Dũng, Nguyễn Thanh Tuyền, Vũ Minh Tiến, Nguyễn Văn Ðạt

Nhưng sư tử già thì sư tử cũng phải chết ! Tỉnh dòng Lyon đã đến ngày suy yếu, thấy cần phải chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của mình, cũng như nhiều tỉnh dòng khác ở khắp nơi trên thế giới : đâu đâu cũng có chuyện hiệp nhất các tỉnh dòng ít người lại với nhau, bên Pháp cũng như bên Ý. Vì theo sáng kiến của cha Timothy Radcliffe, nếu một nhà dòng, hay một tỉnh dòng phải chết đi, để một nhà dòng mới, một tỉnh dòng mới mọc lên ở nơi khác, bên Trung Quốc hay ở Ðông Aâu chẳng hạn, thì cũng đáng ! Vì thế anh em tỉnh dòng Lyon quyết định sáp nhập trở lại với tỉnh dòng Paris. Và tại Việt Nam, sau ngày Thống nhất, anh em Lyon và anh em tỉnh dòng Việt Nam có dịp gặp gỡ và hiểu biết, thông cảm với nhau hơn, nhất là được sự khuyến khích mạnh mẽ của Cha Bề Trên Cả Timothy Radcliffe, sáng kiến hiệp nhất tôi đưa ra từ năm 1990 dần dần được cả hai bên chấp thuận, và ngày Thứ Bảy 22 tháng 05-1999, Vọng Lễ Ngũ Tuần 1999, Cha Bề Trên Cả Timothy Radcliffe đã ra quyết định hiệp nhất Chi Tỉnh Lyon cũ, bây giờ là Chi Tỉnh Paris, với Tỉnh dòng Việt Nam. Sự hiệp nhất ấy diễn ra « nhẹ nhàng như hơi thở của Thần Khí », như tôi đã phát biểu vào giờ phút cảm động và có thể nói là lịch sử ấy, tại nguyện đường Tu viện Thánh Máctinô Porét, ở Hố Nai, vào lúc 18 giờ 30, chiều thứ Bảy 22-05-1999.

Như vậy là từ ngày đặt chân lên đất của nàng Tô Thị, ở miền Ðông Bắc Việt Nam, rồi xuôi xuống đồng bằng sông Hồng, và cuối cùng tiến xa về Sài Gòn, đi tới tận Tây đô, Cần Thơ, các con Sư tử Ða Minh đã sinh ra được hai thế hệ mang dòng máu Việt Nam. Thế hệ thứ I có tất cả 13 anh em : 12 linh mục và một thầy trợ sĩ. Con đầu đàn là Thiên Phong Bửu Dưỡng, con cuối đàn là Nguyễn Phan Khiêm. Thế hệ thứ II có tất cả 14 anh em, con đầu đàn là Trần Thanh Long, linh mục duy nhất tính tới ngày hiệp nhất với Tỉnh dòng Nữ vương Các Thánh Tử đạo Việt Nam. Nếu tính tới hôm nay, thì Tỉnh dòng Lyon đã đem đến cho Tỉnh dòng Việt Nam 13 linh mục, một thầy trợ sĩ và 5 anh em sinh viên.

Nếu kể cả những anh em đã qua đời, và các anh em ngày nay thuộc tỉnh dòng Paris, thì tỉnh dòng Lyon đã đào tạo được tất cả 24 anh em linh mục, tu sĩ. 24 tu sĩ cho gần một trăm năm hiện diện ở Việt Nam, trong số đó có tới 21 người thuộc thế hệ « Miền Nam», điều đó chứng tỏ rằng Ðất Phương Nam vẫn là mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ, đất của sự hào phóng.

Anh em Ða Minh Mai Khôi đã chấm dứt giai đoạn cuối cùng sự hiện diện của Tỉnh Lyon bằng việc xây dựng một ngôi giáo đường mới đơn sơ nhưng khang trang hơn ngôi giáo đường cũ từng được tu bổ và nâng cấp nhiều lần.

MAI KHÔI : TU VIỆN CỦA HIỆP NHẤT

Kể từ ngày 22/5/1999, tu viện Mai Khôi trở thành tu viện của Tỉnh dòng Ða Minh Việt Nam, với tất cả các anh em cũ thuộc tỉnh dòng Paris. Nhưng khi nhiệm kỳ tu viện trưởng của cha Ðỗ Xuân Quế kết thúc, anh em đã bầu cha Ðinh Châu Trân, Bề trên giám tỉnh vừa mãn nhiệm, làm tu viện trưởng Mai Khôi, có ý cụ thể hoá sự hiệp nhất vừa mới được thực hiện. Cha Trân lúc đầu còn ngần ngại, nhất là sau hai nhiệm kỳ giám tỉnh liên tiếp, cha cũng muốn được nghỉ ngơi. Nhưng trước sự nài ép của anh em, cha đã chính thức nhậm chức vào ngày lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, 24-11-1999.

Ngoài cha Ðinh Châu Trân, bề trên Giám tỉnh cũng bổ nhiệm cha Nguyễn Trọng Viễn, cha Phạm Văn Mão và cha Ðinh Văn Vũ về tu viện Mai Khôi. Ngoài ra, các anh em sinh viên thần học cũng được chuyển từ Gò Vấp về Mai Khôi, để học thần học chung với các sinh viên thuộc các dòng tu và tu hội khác, tại Học viện Liên Dòng, ngay tại cơ sở của tu viện Mai Khôi.

Giai đoạn này còn được đánh dấu bởi một biến cố rất vui mừng, đó là Cư xá Phục Hưng được chính quyền trả lại cho tu viện, sau gần 30 năm thuộc quyền sử dụng của Nhà nước. Ðược biết, vào những tháng cuối năm 1975, vì biết không thể giữ mãi ngôi nhà bổ trống, khi không còn được phép nhận sinh viên đến trọ học, anh em trong tu viện, đã đồng ý với cha Nguyễn Huy Lịch ký giấy cho Nhà nước mượn Cư Xá Phục Hưng, vừa mới được hoàn thành vào năm 1974. Tiếc rằng trong tờ giấy ký kết giao nhà không có ghi rõ thời hạn. Ngôi nhà số 43 đường Nguyễn Thông này trước tiên được Nhà nước làm trụ sở của Hội Trí Thức Yêu Nước, nhưng sau được chuyển giao cho Liên Hiệp các hội Khoa Học và Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Càng về sau này, những người quản lý mới của cơ sở đã tận dụng mặt bằng để kinh doanh những dịch vụ không thuần túy văn hoá như đã quy định trong giấy bàn giao cơ sở. Chẳng hạn như mở dịch vụ ăn uống, và nhất là nhảy đầm, từ hai rồi đến ba tối trong tuần, cộng thêm những ngày lễ hội. Bản thân tôi, khi được bầu làm tu viện trưởng, năm 1990, đã kiên trì tranh đấu đòi lại quyền sử dụng ngôi nhà số 43 Nguyễn Thông. Mãi đến năm 1995, nhờ sáng kiến yêu cầu đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký tên vào bức thư tôi viết sẵn cho ngài, đề nghị Nhà nước trả lại ngôi nhà. Ðây có lẽ là một trong những chữ ký, nếu không phải là chữ ký cuối cùng của Ðức Cố Tổng Bình, nhờ vậy mà Thanh Tra nhà nước gửi công văn yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vấn đề. Tuy vậy, cũng còn phải chờ tám năm sau, nhân một chuyến đi Bình Phước với ông Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Minh Triết, cha tu viện trưởng Ðinh Châu Trân và tôi mới được chính tai nghe lời hứa danh dự của ông, khi ông đưa chúng tôi về gần tới tu viện, rằng sẽ trả lại ngôi nhà số 43 Nguyễn Thông cho tu viện. Và việc này đã được thực hiện vào ngày 22-12-2003, chỉ một ngày trước lễ vọng Giáng Sinh. Thật là một món quà quí giá mà ông Bí thư Thành Ủy đã tặng cho anh em Mai Khôi !

Với tu viện mở rộng thềm mặt bằng, và với việc hồi hương của cha Nguyễn Lộc Thọ, vốn thuộc dòng giống Ða Minh Sư Tử, và Nguyễn Thái Hợp, đã từ lâu quen thân với một số anh em Mai Khôi, tu viện Mai Khôi bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển mới, với những hoạt động vốn xưa nay thuộc truyền thống của Tu viện Mai Khôi.

Thật vậy, ngoài công tác mục vụ, mà ưu tiên phục vụ giới trí thức và giớiù trẻ , giảng dạy cho các họ đạo, dòng tu, viết báo, viết sách và xuất bản các sách Kinh Thánh và Thần Học, dạy giáo lý cho tân tòng. Nay mở thêm các lớp giáo lý cho người trưởng thành và cho giới trẻ, tổ chức những buổi thuyết trình, hội thảo, trong khuôn khổ của chương trình Ðúc Tin &Văn Hoá, vốn có từ trước năm 1975. Trung Tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, ngôi nhà 43 Nguyễn Thông, còn mở phòng khám bệnh cho những người nhiễm HIV, mở phòng dịch vụ bàn các sản phẩm do những người khuyết tật làm ra, và một cửa hàng sách Mai Khôi, phục vụ cho nhu cầu văn hoá. Ngoài ra, Trung Tâm cũng còn quy tụ những nhóm như cựu sinh viên Phục Hưng, các nhà văn nhà báo Công Giáo, các doanh nhân Công Giáo vv.

Cuối cùng, giai đoạn này của Tu viện Mai Khôi còn được đánh dấu bởi một biến cố quan trọng, là trụ sở của Tỉnh Dòng Ða Minh Việt Nam được tạm thời dời về địa chỉ số 43 Nguyễn Thông, chuẩn bị giai đoạn kế tiếp sẽ cố định ở số 229 Võ Thị Sáu, cũng nằm trong khuôn viên của Tu viện Mai Khôi.

Ðể kết thúc trước khi bước vào năm kỷ niệm 40 thành lập Tỉnh Dòng Nữ Vương các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, Tu viện Mai Khôi đã hoàn thành, và khánh thành, ngày 2-2-2007, một ngôi nhà cao ráo, khang trang, đẹp đẽ, kết thúc một giai đoạn dài hơn 40 năm cư ngụ trong những căn nhà tiền chế, tuy chưa đến nỗi là « nhà tranh vách đất », nhưng cũng chỉ là sường sắt mái tôn fi-brô xi măng. Ðây là một công trình phần lớn do sáng kiến và công lao của cha tu viện trưởng Giuse Ðình Châu Trân, người đã phục vụ anh em tới nhiệm kỳ thứ ba.

Với ngôi nhà tu viện mới này, anh em Ða Minh Mai Khôi sẽ tiếp tục sống và nỗ lực hội nhập vào dòng chảy của thời đại, đặc biệt là cập nhật hoá suy tư và hành động, để hoạt động hữu hiệu và có ý nghĩa hơn, phục vụ cho Giáo hội và cho nhân loại, cách riêng cho dân tộc Việt Nam. Ðể hiểu rõ hơn những ưu tư, thao thức của anh em Mai Khôi, liên quan tới sứ vụ của mình, xin vui lòng đọc Tài liệu II, ghi lại những chia sẻ của tôi trong buổi Thường Huấn của Tu viện, đính kèm dưới đây.

Ðể kết thúc bài hồi ký không đầy đủ chính xác này, tôi xin thắp nén nhang lòng ghi ơn và tưởng nhớ các bậc cha anh, những con sư tử đầu đàn rất anh dũng đã để lại nắm xương tàn, có khi mất tích hay không còn nguyên vẹn trên các núi rừng Việt Bắc. Tôi xin kính cẩn trước nấm mộ tô vôi trắng của Ðức cha già Hedde, mộ cha Cothonay, của nhiều cha khác, đặc biệt là mộ cha chính Uùy, mà mãi tới nay vẫn chỉ là một đống đá không tên tuổi, nằm chơ vơ trên một bãi đất hoang,- nơi mà tôi chẳng còn nhớ tên,- và những cha khác bị quẳng xuống vực thẳm gần đó, trên vùng đồi núi Cao Bằng. Xin đặc biệt kính nhớ cụ Lão Alexis Ðỗ Minh Vọng (+ 07-07-1962), người anh cả sáng lập Tu viện Mai Khôi, và là người đã để lại dấu ấn tinh thần của mình trên mảnh đất 43 Nguyễn Thông này. Xin kính chào con sư tử Ða Minh đầu đàn Thiên Phong Bửu Dưỡng (+ 01-01-1980). Xin thương mến tưởng nhớ người anh em Vinh Sơn Liêm Nguyễn Huy Lịch (+14-06-2000) , mà chúng tôi luôn gọi là « Bác », người đã để lại cho chúng tôi tấâm gương tận tụy hăng say phục vụ cho công cuộc canh tân hòa giải, với một tinh thần luôn thực tế và hài hước, kể cả đối với chính bản thân. Xin thương mến tưởng nhớ người anh em Pham Long Tiên (+ 01-10-1994), người luôn được đặc cách gọi là « cha » trong nhà này. Một người anh em hào hoa phong nhã, rất được giới trẻ mến yêu. Xin tưởng niệm các anh Trần Hiền Lương (+1992), Mai Văn Hùng (+ 01-09-1995).- người chúng tôi gọi là « mông be » (mon père). Xin kính cẩn tưởng nhớ Ðức cha André Jacq, các cha Xuyên, Chiểu, Thể, Lý, Tân, Lộ, Huệ, và tất cả các anh em Ða Minh người Pháp đã từng sinh sinh sống và làm việc cho Hội Thánh, cho Dòng và đồng bào Việt Nam chúng tôi. Cuối cùng, cũng xin thắp nén nhang tưởng nhớ người chị nuôi rất khiêm tốn và tận tụy, đã suốt đời phục vụ anh em trong tu viện Mai Khôi, là cô Xê, tức Trần Thị Hồng, đã phục vụ anh em Ða Minh ở Lạng Sơn, rồi sau vào đây phục vụ anh em Tu viện Mai Khôi, và đã là người đầu tiên được đưa vào ngôi nhà thờ mới của Tu viện và Giáo xứ Mai Khôi để cử hành lễ an táng.

Ước gì sau khi qua đời, các cha anh của chúng ta sẽ làm ích cho chúng ta hơn cả khi còn sống.

Tạ ơn Chúa Ba Ngôi, Aùnh Sáng chân lý và Suối nguồn Tình yêu.

Tạ ơn Ðức Mẹ Mai Khôi,

Tạ ơn Thánh Phụ Ða Minh,

Tạ ơn các Thánh Tử đao Việt Nam,

Cám ơn tất cả các anh em Ða Minh Lyon tại Việt Nam đã qua đời.

Cám ơn tất cả các thân nhân và ân nhân của Tu viện Mai Khôi còn sống, cũng như đã qua đời.

Trung Tâm Trọng Ðiểm Bình Phước,

Trên đồi Thác Mơ ngày 08-11-2005

Thiện Cẩm OP

TÀI LIỆU I

XIN ÐƯỢC TRỞ NÊN DẤU CHỈ HIỆP NHẤT

Dòng Ða Minh đã hiện diện tại Việt nam từ thế kỷ 17, với các tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Mân Côi.Từ đầu thế kỷ 20, các tu sĩ Ða Minh Tỉnh dòng Lyon ( Pháp) đã sang đây hợp tác với anh em Tây ban nha. Nhiều anh em trong số các tu sĩ Tây ban nha và Việt nam đã dâng hiến cả mạng sống mình để trở nên chứng nhân của Tin Mừng, và các ngài đã được Hội Thánh tôn phong lên hàng hiển thánh. Ngoài ra, các anh em tu sĩ thuộc hai truyền thống Ða Minh Tây ban nha và Pháp, đã để lại cho gia đình Ða Minh Việt nam hôm nay những di sản tinh thần, trong cả hai lãnh vực linh đạo và văn hoá, làm phong phú cho đời sống tu trì hiện nay.

Cũng như nước Pháp và nước Tây ban nha, tuy là hai nước khác nhau về nhiều phương diện, nhưng vẫn có chung một biên giới là dẫy núi Pirênê, nơi có hang đá Ðức Mẹ Lộ Ðức. Hai gia đình Ða Minh Tây ban nha và Pháp tuy có nhiều nét khác biệt, nhưng vẫn có chung một nguồn gốc là chính Thánh Ða Minh, một người sinh trưởng ở Tây ban nha, lập dòng tại Pháp và qua đời tại Ý, do đó đã để lại cho các anh em mình một truyền thống ngay từ đầu đã mang tính quốc tế, đảm bảo được sự hiệp nhất trong đa dạng. Chính truyền thống ấy đã chuẩn bị cho sự hiệp nhất giữa Tỉnh dòng Nữ Vương các Thánh Tử Ðạo và Phụ Tỉnh Pháp hôm nay.

Biến cố, mà trong nội bộ Dòng Ða Minh chúng tôi có thể gọi là có tính cách thế kỷ này, đã được thực hiện vào lúc 14 giờ 30 ngày 22 tháng 05-1999 vừa qua, với bản văn chính thức của Bề Trên Tổng Quyền Timothy Radcliffe, và với nghi lễ đơn sơ những thật cảm động, diễn ra tại Tu viện Mai Khôi vào lúc 17 giờ cùng ngày, rồi sau đó tại Tu viện Thánh Martinô Pores, lúc 18 giờ 30, và nhất là trong thánh lễ khai mạc Tỉnh Hội 1999, vào lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng 5-1999, đúng vào dịp Lễ Ngũ Tuần, khi tất cả các đại biểu của Tỉnh Dòng tụ họp đông đủ, để cùng nghe Lời Chúa và chia sẻ chung một tấm bánh và một chén thánh.

Trong giờ phút lịch sử này, linh mục Ðinh viết Tiên, tu viện trưởng Tu viện thánh Mactinô, và cũng là Ðại diện Tỉnh Dòng, đã ngỏ lời chào mừng sự hiệp nhất và đề nghị tôi, đại diện cho anh em Tu viện Mai Khôi, trước thuộc Tỉnh dòng Pháp, nay đã hiệp nhất với gia đình Ða Minh Việt nam, chia sẻ đôi lời.

Thật là một vinh dự cho tôi, và cũng là một niềm xúc động khôn tả, khiến tôi phải nghẹn ngào. Tôi nhớ lại truyện kể về biến cố hiệp nhất giữa Tỉnh Dòng Lyon cũ của chúng tôi vơí Tỉnh Dòng Paris, để trở thành Tỉnh Dòng Pháp, anh Pierre Lintanf, giám tỉnh của Lyon, đã không thể cầm được nước mắt, khi phải từ biệt quá khứ của mấy trăm năm hiện hữu của Tỉnh Dòng Lyon…Hôm nay đến phiên tôi, cũng phải nghẹn ngào giã từ quá khứ của một trăm năm, kể từ khi Tỉnh Dòng Lyon hiện diện ở Việt nam, bắt đầu từ Lạng sơn, Cao bằng, xuống tới Thủ đô Hà nội, và rồi tới Thành phố Hồ chí Minh.

Kể từ nay cái danh xưng Phụ Tỉnh Pháp không còn nữa, và tất cả anh em chúng tôi, từ những anh em rất trẻ còn trong Tập viện, đến người anh cả liệt giường là cha Vinh Sơn Nguyễn huy Lịch, được mang danh hiệu hợp lý hơn và cũng đáng hãnh diện, là Ða Minh Việt nam !

Nhưng điều đáng nói hơn cả là chúng tôi đã được đón nhận ơn hiệp nhất này vào đúng ngày lễ Ngũ Tuần, ngày kỷ niệm Thần Khí Chúa đến với Cộng đồng Giáo hội sơ khai, làm cho muôn người nên một, để có thể làm chứng cho Ðấng đã chết “để qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Một trong các anh em trẻ của chúng tôi đã phát biểu, khi đón tiếp phái đoàn Tỉnh Dòng Việt nam đến tiếp nhận anh em Tu viện Mai Khôi, rằng chúng tôi đón nhận biến cố hiệp nhất này như dấu chỉ của sự hiệp nhất của Giáo hội Việt nam, cũng như của toàn thể Giáo hội toàn cầu.

Vâng, chúng tôi không chỉ sống niềm vui hiệp nhất này cho riêng mình, nhưng còn ý thức rằng ơn hiệp nhất này được ban cho chúng tôi để được chia sẻ, bởi vì Dòng Ða Minh không được lập ra chỉ để sống cho mình, mà là để phục vụ Giáo hội và toàn thể nhân loại, do đó mà chúng tôi phải đem tất cả những gì mình có ra để chia sẻ, như chính Ðức Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta, và chia sẻ đến chính Thân Mình Người. Mà sở dĩ Người chia sẻ như vậy, chính là để có thể qui tụ và hiệp nhất mọi con cái Thiên Chúa, như Người đã tỏ rõ tâm nguyện trong những giờ phút cuối cùng trước khi bước vào mầu nhiệm Vượt Qua : “Con không chỉ cầu xin cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 20-21 ). Vậy thì sự hiệp nhất của Phụ Tỉnh Pháp và Tỉnh Dòng Ða Minh Việt nam hôm nay là sự hiệp nhất cần phải được chia sẻ, như tấm bánh và chén thánh sắp sửa được chia sẻ, không chỉ cho các anh em Ða Minh, mà còn cho tất cả mọi người. Chúng ta đang sống trong một thế giới vẫn còn đầy chia rẽ, mà hậu quả là chiến tranh, hận thù, chết chóc và khổ đau. Ngay trong nội bộ Giáo hội cũng không phải là không có những dấu vết của những sự rạn nứt, chia rẽ. Không nói đến sự phân chia giữa các Giáo hội Công giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh Giáo, ngay trong nội bộ các cộng đồng Giáo hội này cũng còn đầy dấu vết của những sự bất đồng. Và ai dám nói là Giáo hội Việt nam, dân tộc Việt nam đã thực sự hiệp nhất về mọi mặt ?

Xin cho ơn hiệp nhất hôm nay trở nên dấu chỉ sự hiệp nhất lớn lao của Giáo hội, của Dân tộc Việt nam, cũng như của Giáo hội toàn cầu và cả nhân loại. Chúng tôi chẳng là gì, đặc biệt là hai anh em đại diện cho cộng đoàn Ða Minh Mai Khôi hôm nay đều thuộc họ Trần , chúng tôi đến với anh em chỉ với một chiếc bị như Thánh Ða Minh ngày xưa, đơn sơ khiêm tốn, để phó thác mình cho anh em Tỉnh Dòng Ða Minh Việt nam. Tu viện Mai Khôi đã thuộc về anh em, cũng như tất cả các tu viện của Tỉnh Dòng Ða Minh Việt nam từ nay là của chúng tôi. Như vậy là sự hiệp nhất đã mở rộng các tu viện của chúng ta, và sự mở rộng ấy phải không ngừng mở về phía Giáo hội, cũng như hướng ra ngoài thế giới, nơi mà chúng ta được sai đến để phục vụ cho việc rao giảng Lời Chúa, là “Lời chúc Bình an cho dân Người” ( Tv85,9), và là “Lời Hoà giải” ( 2 Cr 5,19).

Một bàn tay có năm ngón, ngón ngắn ngón dài. Một ngón khó có thể làm được chuyện gì, nhưng cần sự hỗ trợ của những ngón khác. Tuy nhiên, con người không chỉ có một bàn tay, mà có tay phải tay trái. Có những việc chỉ cần đến một bàn tay, nhưng có nhiều việc cần đến cả hai bàn tay mười ngón. Sự hiệp nhất của chúng ta là sự hiệp nhất để phục vụ, hiệp nhất cho sứ vụ.

“Ðức Giêsu vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), chính Người đã hiệp nhất chúng ta để chuẩn bị cho chúng ta bước vào thế kỷ XXI và Thiên niên kỷ III. “Chỉ có Người làm nên những công trình kỳ diệu” (x.Tv 72,18b). Xin chúc tụng tạ ơn Người.

(Ghi lại lời phát biểu trước Thánh Lễ Khai Mạc Tỉnh Hội Ða Minh Việt nam, ngày 23 tháng 5.1999)

Tu viện Thánh Mactinô Poret

Ngày 23 tháng 5.1999

TÀI LIỆU II

MAI KHÔI XƯA VÀ NAY

Tôi còn nhớ vào những ngày tháng đầu sau biến cố được gọi là “giải phóng” nghe dân gian chuyền tai nhau hai câu đối :

“Ðôi dép râu giẫm nát hồn tuổi trẻ,

mũ tai bèo lấp kín cả tương lai.”

Không hiểu các anh em khác nghĩ thế nào, nhưng riêng tôi thì cảm thấy như mình chẳng còn có tương lai nào cả, mà chỉ thấy bầu trời của mình như tối sầm lại, và khoảng cách còn nhìn thấy được chỉ bằng một gang tay. Chưa nói đến chuyện đi Biên Hoà phải có giấy phép, đi về rồi thì phải “trình” lại giấy phép cho công an, ngay cả chuyện đi làm lễ ở Tân Ðịnh cũng bị ngăn cản…

Tám năm trời trôi đi như vậy, tuy tình hình mỗi ngày có sáng sủa hơn một tí. Tôi ấm ức đi tìm đọc những bộ sách dầy như Hồi ký chiến tranh của Churchill, của De Gaule vv., bộ sách nào càng dầy càng tốt, để giết thời gian. Cứ vậy mãi cho đến ngày Bác Lịch bảo tôi : “Cậu cứ ngồi đó mà bắn súng trong bụng, chẳng ăn thua cái khỉ mẹ gì đâu ! Nhảy xuống nước mà bơi !”

Câu nói đó khiến tôi bừng tỉnh, và tôi đã rón rén lội xuống nước, với những bước rụt rè, rồi dần dần quen với cái lạnh mà bơi đi cho tới nay, dẫu vẫn chưa thấy rõ đâu là nơi mình sẽ dừng lại.

Tuy nhiên câu chuyện hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh em, không phải là cái kinh nghiệm bơi trong dòng nước lạnh ấy, mà là nói tới những điều mình ngẫm nghĩ đang khi “hoà mình vào dòng chảy của thời đại”, nói theo tựa đề của bài đã chia sẻ với anh em Tu viện Mai Khôi, vài tuần lễ trước khi anh Mai Văn Hùng qua đời.

Ðiều tôi suy nghĩ, đó là trước đây, hơn ba mươi năm về trước, khi còn sống trong thời chiến tranh, thế hệ đàn anh của chúng ta đã sống khác chúng ta nhiều lắm, cũng như chúng ta so với thế hệ đang tới cũng vậy, có khi còn khác xa nhiều hơn nữa. Thật vậy mấy ngày hôm nay trên Internet của đài BBC có mục bàn luận về sự khác biệt này, qua ý kiến của chính giới trẻ, rất đáng chúng ta để ý lắng nghe. Còn chúng ta có đồng ý hay không, là chuyện khác.

Cái khác căn bản giữa thế hệ trước và thế hệ của chúng ta, là ở chỗ họ không ngồi yên để chấp nhận một cách thụ động những biến cố và hoàn cảnh có thể xảy ra, mà là tìm hiểu, và dự đoán xem nó sẽ xảy ra thế nào, mà tìm cách – không phải là đối phó hay chỉ là thích nghi,- mà còn hoà nhập vào trong đó, với hy vọng ảnh hưởng phần nào tới biến chuyển của thời cuộc.

Tại Trung tâm Phục sinh thuộc tu viện Mai Khôi chúng ta hồi đó, không phải chỉ có mục vụ cho sinh viên hay giới trí thức, theo nghĩa là phục vụ đời sống “thiêng liêng” của những giới này, mà còn có sinh hoạt, không chỉ có tính tôn giáo, văn hoá hay trí thức, mà còn liên quan cả đến những lĩnh vực kinh tế, chính trị, vượt ra khỏi phạm vi quốc gia… Chẳng hạn như giới trí thức Công giáo, với những người một thời được nghe nói tới nhiều, như Trung Lý, Trung Nguyễn (tức Lý Chánh Trung và nguyễn Văn Trung), Nguyễn Ðình Ðầu, Nguyễn Ngọc Lan, Châu Tâm Luân vv., cộng tác với cha Nguyễn Huy Lịch tổ chức những cuộc hội thảo tại Trung tâm Phục sinh, về những đề tài như là những khả năng thay đổi của Liên Xô , và đương nhiên là những cuộc hội thảo về những vấn đề thời sự của Việt Nam, và đặc biệt là về Công đồng Vatican II với những vấn đề mới mà Công đồng mở ra cho Giáo hội và cho thế giới.

Còn nhớ, trước khi chế độ Ðệ nhất Cộng hoà Việt Nam sụp đổ, Ðức Khâm sứ Toà Thánh đã đi xe “bít bùng” đến Trung Tâm Phục sinh, bàn cách đưa đức Tổng giám mục Ngô Ðình Thục ra khỏi Việt Nam, hầu tránh cho Giáo hội Việt Nam khỏi bị liên lụy… Còn sau này, khi gần đến những ngày tháng kết thúc cuộc chiến Ðông Dương II, Trung tâm Phục Sinh lại hướng tới việc góp phần vào việc tìm kiếm một nền hoà bình lý tưởng cho đất nước, và khi thấy rõ phần thắng sẽ ngả về bên nào, thì anh em lại bàn đến chuyện thực tế là phải chung sống với người Cộng sản với đòi hỏi “Canh tân và Hoà giải”, mà căn phòng hiện nay tôi đang ở, đã trở nên nơi gặp gỡ thường xuyên của những người anh em mà tôi có lần đặt tên là “Nhóm canh cơm hoà giải”, khiến cha Lịch rất buồn giận, nhưng không nói ra !

Tôi chỉ gợi lại rất tóm gọn như vậy, nhưng theo tôi nghĩ, đã đủ để chúng ta so sánh với những gì chúng ta đã làm từ năm 1975 tới nay. Nếu muốn tìm lại những chứng từ về anh em Ða Minh Mai Khôi thời đó, thì nên đọc lại báo Nhà Chúa, tuy trong đó không ghi lại đầy đủ, nhưng cũng rất có giá trị.

Còn chúng ta ngày nay thì sao ?

Trước hết, phải tự biện minh, bằng cách nhận định rằng ; dù thế nào đi nữa, thế hệ đàn anh của chúng ta cũng còn có chút tự do nào đó để thực hiện hiện ý muốn của mình. Họ được tự do đi lại, hội họp, thậm chí lập nhóm, lập hội vv., tự do liên lạc với nước ngoài và với những bạn bè quốc tế, có đầy đủ tư liệu muốn có. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng sự tự do đó có giới hạn, bởi vì đã có những anh em bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù. Tôi còn nhớ những buổi họp trong căn phòng gần 4mx4m, nơi cha Long làm phòng ngủ hiện giờ, cả chục con người, trong đó có Nguyễn ngọc Lan, Chân Tín , Trung Nguyễn, Trung Lý, và những người khác, chúng tôi phải bố trí một chị luật sư trẻ đi theo luật sư Trần Ngọc Liễng, đứng ngoài xa để canh chừng công an ập đến…

Chúng ta ngày nay không có được cái tự do tương đối ấy.

Nhưng dù thế nào thì sự tự do bằng cái chén, đã được nới rộng bằng cái mâm, bằng cái bàn, và hy vọng có ngày sẽ được mở rộng to hơn nữa ! Vậy thì liệu chúng ta có dám vẫy vùng để chính mình mở rộng thêm tự do cho mình hay không ? Chúng ta có dám phiêu lưu bơi từ ao ra mương rạch, ra tới kênh đào, để hướng tới sông cái và biển cả hay không ?

Tôi còn nhớ Kazantzaki , nhà văn Hy Lạp nổi tiếng có nói đại ý như sau : “Ai đón nhận tự do kẻ khác đem cho, thì vẫn mãi mãi là nô lệ”, và ông còn nói rằng : “Con người sinh ra là nô lệ, và suốt đời chiến đấu để được tự do.”

Riêng tôi có lần còn nghĩ ngược lại, và đã nói với anh em cách mạng rằng : “Hãy coi chừng, nhiều khi chúng ta giải phóng người khác, mà không giải phóng được chính mình !” Và điều đó đang trở nên hiện thực : nhiều anh em cách mạng đã không giải phóng được mình khỏi lòng tham và kiêu căng, đểû trở thành những kẻ tham nhũng, thối nát, chỉ biết thống trị và ức hiếp người dân. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến sứ vụ giải phóng anh em chúng ta, không phải bằng sức mạnh vũ khí, mà bằng chân lý, như Ðức Giêsu đã nói với người Do Thái : “Sự thật sẽ giải phóng các ông.” (Ga 8,32). Sự thật ở đây không theo nghĩa triết học, kể cả triết học Kinh viện, mà là chính Ðức Giêsu Kitô, vì chính Người đã nói : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Như vậy, sự thật sẽ giải phóng chúng ta, giải phóng loài người, đó là nếu mọi người biết sống nhân ái (Khổng Tử), sống từ bi (Phật), và nhất là sống bác ái, nghĩa là yêu thương mọi người, kể cả cả những người thù ghét mình, và yêu thương họ đến cùng (x.Ga 13,1). Tôi rất tâm đắc với cha Micae Brouwn, cựu Bề Trên Cả Dòng, khi ngài nói rằng đức tính đầu tiên của người tu sĩ Ða Minh là Humanitas, cộng thêm với Humilitas và Obedientia. Người tu sĩ Ða Minh trước hết là con người nhân bản.

Chỉ với tình yêu thương chúng ta mới thực sự được tự do, và sự tự do ấy không ai cướp mất được của chúng ta, bởi vì tình yêu khiến chúng ta có thể hy sinh tự do của mình để phục vụ tha nhân. Do vậy, xét cho cùng, sự tự do đích thực tùy thuộc vào chính chúng ta nhiều hơn. Mahâtma Gandhi, suốt đời vào tù ra khám, nên mới có kinh nghiệm mà khẳng định rằng : “Người ta tìm được tự do không phải ở diễn đàn quốc hội, mà ngay trong lao tù.”

Tôi đã đánh mất tự do của mình trong suốt 8 năm trời, nghĩa là bằng thời gian với thời “lên máy bay, xuống xe hơi” đi dạy học từ Ðà Lạt, Sài Gòn xuống Long Xuyên, và bây giờ cảm nhận được rằng mình vẫn có tự do mặc dầu chung quanh còn bị giới hạn, như dòng nước chảy tuy không vượt ra ngoài đôi bờ, nhưng phía trước con sông vẫn còn dài, và giới hạn cuối cùng của nó sẽ là biển cả !

Vấn đề đối với chúng ta hôm nay, có lẽ chủ yếu là ở chỗ chúng ta đã quen đi với những giới hạn của cuộc sống mà chúng ta bị đặt vào. Chúng ta đã được tự do hơn nhiều, so với thập niên đầu sau khi hoà bình thống nhất được lập lại, và chúng ta cảm thấy tạm đủ không gian và không khi, để bơi, để thở, nên không còn nghĩ đến chuyện ra khơi… Ðối với nhiều người, có lẽ chỉ cần tự do tôn giáo để “giữ đạo” hay tu trì. Không ai cấm chúng ta đi lễ, đi nhà thờ, hay đi tu nữa, cũng chẳng còn phải xin phép công an để đi giảng, như thế là đã đủ. Chỉ còn chuyện người ta “cấm vận” người nọ người kia đi dạy học trong các chủng viện. Nhưng chuyện đó chỉ liên quan tới một số ít người thôi, vả lại, dù không có chúng ta, thì các chủng viện, học viện, vẫn đang được mọc lên, tuy không đến nỗi như nấm, nhưng theo tôi, cũng là đã dư thừa, không cần thiết, nếu xét về trình độ chuyên môn của những người giảng huấn. Thật vậy, nhu cầu đào tạo ngày nay đòi hỏi những người đạo đức, có trình độ chuyên thực sự, và nhất là một sự hiểu biết giới trẻ, có khả năng không chỉ dạy dỗ, mà còn đồng hành với giới trẻ. Theo nhiều nghiên cứu gần đây cho biết : thế hệ trẻ ngày càng khao khát tự do, tự lập. Ða số không chấp nhận quan điểm và lối sống của chúng ta nữa ! Họ không muốn sống như chúng ta đã và đang sống, và họ muốn chúng ta đồng hành, chứ không nhồi nhét lý thuyết vào đầu họ và ra lệnh cho họ đi, còn chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều bạn trẻ mong ước bậc làm cha làm mẹ, hay làm thầy, không chỉ làm cha mẹ, làm thầy, mà còn trở thành bạn, làm người đồng hành, biết chia sẻ những nỗi vui buồn, cảm nghĩ, cũng như tâm tư nguyện vọng của họ.

Nói tóm lại, đã đến lúc chúng ta phải bứt phá, tìm cách ra khỏi cuộc sống tạm yên ổn này, cuộc sống “đong đưa sáng lễ chiều kinh”, nói theo ngôn ngữ của cụ Biti’s (Ðc.Bùi Tuần). Bởi vì đong đưa như thế mãi sẽ dễ làm chúng ta ngủ quên.

Hãy tin tưởng vào lời Chúa đã nói : “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33). Ðức Giêsu đã chắc chắn mình thắng thế gian, không chỉ sau khi phục sinh, mà ngày cả lúc quyết tâm bước vào cuộc Thương Khó.

Một cách cụ thể, theo tôi nghĩ, chúng ta có hai việc tiên quyết phải làm ngay, đó là :

1.Cải tổ việc đào tạo anh em chúng ta, cải tổ về cả nội dung lẫn hình thức. Không nên tiếp tục lối đạo tạo quá lệ thuộc vào đường lối kinh viện như hiện nay. Ðơn giản, không thể nào bắt sinh viên thời nay học những gì mà sinh viên thời thánh Tôma học cách đây thế tám kỷ !

Trung thành với thánh Tôma không có nghĩa là chỉ biết lặp lại những gì ngài đã viết, để trở thành “hủ Tôma” như những người “hủ nho” chỉ biết lặp đi lặp lại câu “Khổng viết” !, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo, chỉ vào ngón tay của người chỉ vào mặt trăng, chứ không nhìn mặt trăng mà người ta muốn chỉ cho chúng ta thấy. Chính chủ trương của thánh Tôma mới có ý nghĩa và giá trị, chứ không phải chỉ có nội dung chủ thuyết của ngài. Nói cách khác, cái mà chúng ta phải đề cao, phải học hỏi nơi thánh Tôma, là biết đối thoại với những trào lưu tư tưởng của thời đại, cho dù là của những người ngoại đạo, như Aristote hay Avicenne.

Hơn thế nữa, thế giới hôm nay không còn là của Platon hay Aristote, cũng chẳng còn là của thời Công đồng Triđentinô hay Vatican I, mà là của thời Hậu Vatican II, thời Hội nhập Văn hoá và Toàn cầu hoá kinh tế, thời của “V Kép to Kép bé” (WTO), thời đối thoại tôn giáo và nhìn nhận những giá trị chân lý và đạo đức của các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Ngoài ra, sự hội nhập ngày càng sâu xa, triệt để vào thế giới loài người, đúng với đòi hỏi của Tin Mừng Nhập Thể, bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ lại, mà không còn sợ cái mà người ta gọi là “nguy cơ thế tục hóa”, trái lại, nếu hiểu đúng ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể, là trở nên người phàm và sống giữa người phàm (x.Ga 1,14), thì tu viện hôm nay phải là “tu viện trên đường phố” (Tổng hội Oakland, Hoa Kỳ), và người tu sĩ Ða Minh hôm nay phải là người lữ hành trên đường Emmaus, biết mời người khách lạ đồng hành chia sẻ bữa ăn với mình, và dành cho người ấy vinh dự bẻ bánh cho mình trong quán trọ bên đường, chứ không chỉ bẻ bánh ở bàn thờ.

Tôi không dám dài dòng hơn nữa, mà chỉ muốn nói rằng, phải đào tạo không chỉ những nhà thần học, những nhà Kinh Thánh, hay những nhà phụng vụ hoặc giáo luật, mà cần có những giáo viên, giáo sư, những bác sĩ, y tá chuyên nghiệp, để có thể dạy học hay phục vụ bên cạnh những bác sĩ, giáo viên, y tá, thậm chí cả làm thợ và làm nông dân bên cạnh những người thợ và nông dân khác. Bây giờ tôi bắt đầu nghĩ khác, không còn đấu tranh đòi hỏi chính quyền phải để các tôn giáo tham gia vào những công tác giáo dục, y tế và xã hội, bằng việc mở trường, mở nhà thương và những dịch vụ xã hội. Trái lại, tôi nghĩ rằng tốt hơn là chúng ta cùng đồng hành với anh em chúng ta trong những ngành nghề hay sinh hoạt trên, như Ðức Giêsu đã đi làm thợ như mọi người, chứ không mở xưởng riêng !

2. Ðiều cuối cùng, liên quan trực tiếp đến tu viện Mai Khôi chúng ta, đó là làm thế nào để Tu viện này tiếp nối được truyền thống trước đây, từ khi nó được thành lập (không chính thứcbằng giấy tờ) ngày 7 tháng 10 năm 1955, là một tu viện không thuần túy mục vụ, nhất là mục vụ giáo xứ, mà là Trung tâm gặp gỡ, đối thoại và nghiên cứu về những vấn đề không chỉ liên quan đến Giáo hội, mà còn liên quan đến con người và thế giới nói chung, và nhất là tìm hiểu những “dấu chỉ của thời đại”, hầu có khả năng hội nhập, hoà mình vào dòng chảy của lịch sử, như men vùi vào bột, để bột dấy men Tin Mừng Tình thương, giúp con người, giúp dân tộc và đất nước, và xa hơn, là nhân loại, hướng tới cứu cánh là Nước Thiên Chúa, nước của “Công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14,17) . Và chúng ta làm công việc này không chỉ khép kín trong nội bộ anh em chúng ta, mà còn mở rộng cho nhiều người khác tham gia : linh mục, tu sĩ, giáo dân và đặc biệt là giới trí thức trong và ngoài Công giáo.

Chúng ta có được Trung Tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, lại vừa xây xong được một tu viện thật nguy nga. Về mọi phương diện vật chất, chúng ta vượt xa thế hệ đi trước, nhưng làm thế nào để nối tiếp được hướng đi của họ. Có thế mới thực sự thể hiện đúng ơn gọi ngôn sứ mà Chúa đã giao cho chúng ta, và đáp ứng niềm hy vọng chờ đợi của Giáo hội nói chung, và của Giáo hội Việt Nam nói riêng, xứng đáng là những người kế thừa sự nghiệp của các anh em đã đặt nền tảng và xây dựng nên Tu viện Mai Khôi này. Và cuối cùng, đó mới là cái chúng ta phải làm, sau khi hoàn thành được nơi ăn chốn ở khang trang đẹp đẽ và tiện nghi như chúng ta vừa thực hiện.

Tu viện Mai Khôi, 7-12-2006

Thiện Cẩm OP