Ý Niệm Kitô Giáo Về Ơn Cứu Ðộ

Cuối cùng, “cứu độ” là nội dung tổng quát hoặc là hoa quả của Tin mừng; chính vì thế mà Tin mừng được gọi là “lời cứu độ” (Cv 13:26), “con đường cứu độ” (Cv 16:17), hoặc là “sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa” (Rm 1:16). Ơn cứu độ được chuyển ban qua phép Rửa tội (x. Mc 16:16).

Mục đích của Phép Rửa tội là “thanh tẩy cho sạch tội lỗi” (Cv 22:16); vậy, ơn cứu độ có tác dụng 1) xóa bỏ tội ác, 2) công chính hóa tội nhân, và 3) dẫn đưa vào một tình trạng hữu thể mới.

Mỗi tôn giáo quan niệm theo một cách về sự cứu độ. [128] Kitô giáo hiểu ơn cứu độ như một thực tại phức tạp, phong phú, có tác dụng trên mọi chiều kích của hữu thể thọ tạo. Không chỉ là cái đối nghịch với “mất mát” với “hư hỏng” v.v. (như chẳng hạn “chữa lành” đối nghịch với “ngã bệnh,” “trả lại” với “cướp mất,” “đền bù” với “gây hại,” “làm hòa” với “gây hấn,” v.v.), mà còn hơn nhiều nữa. Cách chung, các kitô hữu quan niệm về ơn cứu độ một cách rất mơ hồ và thiếu sót. Ơn cứu độ là tình trạng tối hậu trong đó, tất cả những nhu cầu và khát vọng chính đáng của con người đều được thỏa mãn, và vì thế, trong đó, các cá nhân cũng như cộng đoàn nhân loại đều hưởng được hạnh phúc sung mãn. [129]

Nguồn liệu chủ yếu của việc tìm hiểu về ơn cứu độ là Kinh Thánh và kinh nghiệm liên tục của truyền thống Giáo hội. Dù tìm hiểu về cùng một thực tại, thì những thời đại khác nhau cũng nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau. Hiện giờ, do ảnh hưởng của công đồng Vaticanô II và công cuộc phục hưng trong Giáo hội tại Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là với việc thần học giải phóng xuất hiện và các văn kiện của Medellín và Puebla, thần học có xu hương nêu bật những chiều kích trần thế của ơn cứu độ và mối quan hệ với nỗ lực giải phóng về mặt chính trị cũng như xã hội. Nỗ lực dấn thân được coi như là một nguyên tắc chú giải và tìm hiểu, vì ơn cứu độ là một thực tại sống động; bởi thế, theo quan điểm của một số tác giả, muốn hiểu về ơn cứu độ, thì phải trực tiếp can dự vào thế sự hoặc là một cách thần nghiệm hoặc là một cách năng động.

Không thể định nghĩa ơn cứu độ một cách trừu tượng hay tiên thiên; nhưng muốn hiểu thì cần phải nhờ vào phương thức miêu tả. Vắn tắt mà nói, ơn cứu độ là khả năng được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa, trong Thần Khí và qua trung gian Ðức Kitô. 2Pr 1:4 nêu lên hai yếu tố: tích cực là “được thông phần bản tính Thiên Chúa,” còn tiêu cực là “được thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.” Nhấn mạnh nhiều hơn đến yếu tố tích cực, Truyền thống Ðông phương gọi đó là ơn “thần hóa”; còn thần học Tây phương thì vì chú ý nhiều hơn đến khía cạnh tiêu cực, nên gọi là việc chuộc tội; nhưng hai phía đều lưu ý đến cả hai khía cạnh. Ngoài ra, ơn cứu độ còn là một tiến trình, và đồng thời cũng là một trạng thái, được Kinh Thánh mạc khải qua nhiều hình bóng và ẩn dụ khác nhau.

Theo Kinh Thánh, [130] ơn cứu độ là kết quả của việc Thiên Chúa can thiệp cứu giúp con người, từng cá nhân cũng toàn bộ xã hội loài người. Trước hết, đó không phải một điều gì Thiên Chúa ban hoặc làm ở nơi ta, song là mối quan hệ đối với Người, mối quan hệ xác định tư thế của mỗi cá nhân đối với Người. Kinh Thánh dùng nhiều từ ngữ để diễn tả những khía cạnh hoặc giai đoạn của tiến trình ấy. Nói cho đúng, việc cứu rỗi quy hướng về với sự tuyệt đối, tình trạng chung cục, và bao hàm tất cả những ơn Thiên Chúa ban ở đời này và trong đời sau.

Trong Cựu Ước, ơn cứu độ được miêu tả rất cụ thể: có thể là việc cứu một cá nhân khỏi cảnh nguy hiểm, nhất là khỏi chết; việc chữa lành một bệnh nhân, chuộc lại một nô lệ hoặc tài sản của gia đình, hoặc là giúp đáp ứng những nhu cầu bách thiết, v.v.; đối với dân tộc là chiến thắng, là an ninh trong quê hương bờ cõi, v.v. (x. Tv 7:11; 18:28; 22:22; 34:19tt; 55:17; 69:2, v.v.). Ơn cứu độ là kinh nghiệm lịch sử của toàn dân, đặc biệt là kinh nghiệm về cuộc Xuất hành (x. Xh 15:2). Chúa Giavê giải phóng dân Người khỏi cảnh nô lệ và dẫn họ “vào một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật...” miền đất lý tưởng (x. Xh 3:8.17; 13:5; 33:3, v.v.). Vì ưu ái dân Người, Thiên Chúa đã dùng những trung gian, thường là những lãnh tụ hoặc tiên tri, mà đem ơn cứu độ đến cho dân (x. Tl 2:16.18; 9:15.31; 13:5; Is 7:8; 9:6; 11:9, v.v.). Dù sao thì cũng cần phải ý thức rõ là chính Giavê giải cứu, chứ không phải ai khác (x. Tl 7; Is 63:8tt; Hs 13: 4; 14:2tt,v.v.). Thiên Chúa “mua lại,” “chuộc lại” dân Người (x. Mc 6:4; Ðnl 7:8; 13:6); ngay cả khi chỉ về cuộc giải thoát toàn dân từ nơi lưu đày đưa về quê hương, Kinh Thánh cũng đã dùng từ “chuộc lại” (x. Gr 31:11; Dcr 10:8; Is 50:2). Ý nghĩa muốn nói lên là Thiên Chúa dẫn đưa dân Người trở về với Người (x. Xh 19:4), và qua ý nghĩa này, dân Ítraen đã bắt đầu quan niệm việc cứu độ theo chiều kích siêu nghiệm: được cứu rỗi là nghỉ ngơi bên Chúa, cho dù vẫn chưa có được ý niệm rõ ràng và phổ quát (x. Tv 16:10-11; Kn 3:1tt; 2Mcb 7:14, v.v.).

Tân Ước dùng một số từ Hylạp khi đề cập đến chủ đề này, chủ yếu là danh từ sôtêría (sự cứu độ, chừng 45 lần), cũng như các động từ sôzô (cứu rỗi, 106 lần) và điasôzô (cứu rỗi, 8 lần); ngoài ra còn có danh từ sôtêr (vị cứu tinh, 16 lần). Còn có những từ khác mang ý nghĩa tương tự, như là từ lýtron (giá chuộc) và một số từ ghép; cọng thêm vào đó là các từ rýomai (giải thoát), apolýô (giải phóng), và những từ ngữ luật pháp, phụng vụ liên quan đến việc “công chính hóa,” “chuộc tội,” “tế lễ,” v.v.

Công cuộc cứu độ là nội dung của “Tin mừng,” là nguồn hạnh phúc được loan báo từ khi Ðấng Cứu tinh mới chào đời (x. Lc 1–2). Hoạt động của Ðức Giêsu mang lại ơn cứu độ cho dân Ngài: sức khỏe, bánh ăn, ơn tha thứ, được trừ khỏi quỷ, được hồi sinh... Như thế, việc cứu độ cũng mang một ý nghĩa trần thế. Ý nghĩa ấy còn được thấy rõ qua các vụ được thoát nạn: Phaolô trong dịp đắm tàu vì bão (x. Cv 27:20.31.34), hoặc các môn đồ trong trường hợp tương tự giữa biển hồ Galilê (x. Mc 8:25; 14: 30); hoặc là qua hành động chữa lành bệnh nhân (x. Mc 5: 23. 28). Tuy nhiên, mang ý nghĩa chủ yếu tôn giáo, “cứu độ” là dấu chỉ vương quốc Thiên Chúa đã đến, dấu chỉ lộ hiện qua việc trừ quỷ (x. Lc 11:20tt), hoặc tha tội hay chữa lành bệnh nhân (x. Mc 2:1-12tt), qua việc tha tội và khôi phục địa vị trong xã hội (x. Lc 7:50). Ðặc biệt, “cứu độ” có nghĩa là Ðức Giêsu bước vào cuộc đời của một người, chẳng hạn như Dakêu (x. Lc 19:9). Cuối cùng, “cứu độ” là nội dung tổng quát hoặc là hoa quả của Tin mừng; chính vì thế mà Tin mừng được gọi là “lời cứu độ” (Cv 13:26), “con đường cứu độ” (Cv 16:17), hoặc là “sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa” (Rm 1:16). Ơn cứu độ được chuyển ban qua phép Rửa tội (x. Mc 16:16).

Mục đích của Phép Rửa tội là “thanh tẩy cho sạch tội lỗi” (Cv 22:16); vậy, ơn cứu độ có tác dụng 1) xóa bỏ tội ác, 2) công chính hóa tội nhân, và 3) dẫn đưa vào một tình trạng hữu thể mới.

Tội lỗi là một thực tại bí nhiệm; vì thế, không thể có được ý niệm trực tiếp về nó, và chỉ có thể hiểu được phần nào nhờ ẩn dụ. Kinh Thánh dùng một số tỷ dụ: so sánh tội với vết nhơ, và vì thế, cứu rỗi được quan niệm như là xóa sạch (x. Kh 1:5; Tt 3:5; Ep 5:26); hoặc so sánh tội lỗi với cái chết, thế nên, ơn cứu độ là sự sống mới (Mt 7:14; Rm 6:4; Ep 5:26; 2Tm 1:10; 1Ga 3:14; Kh 2:7; 7:17, v.v.); hoặc coi tội lỗi như là món nợ đối với Thiên Chúa, vì vậy, cứu rỗi là xóa bỏ, là tha nợ (x. Mt 6:12 [Kinh ‘Lạy Cha’]; Mt 18:23tt; 26:28; Cv 13:43; Rm 3:25; Ep 1:7; Cl 1:14, v.v.); rồi, coi phạm tội như là [theo kiểu nói loài người] làm mếch lòng Chúa, là trở thành kẻ thù, do vậy, cứu độ là giải hòa (x. 2Cr 8:18tt; Rm 5:10; Cl 1:20tt); và so sánh tội nhân với nô lệ, thế nên, cứu rỗi là giải thoát, làm cho được sống tự do (x. Gl 5: 1; Rm 6:18tt; Ga 8:34tt, v.v.). Khai triển các ẩn dụ Kinh Thánh dùng khi luận giải về ơn cứu độ, là tác vụ của thần học.

Cứu rỗi là hành động Thiên Chúa mang lại ơn “công chính hóa” (thuật ngữ Phaolô dùng nhiều nhất); nói cách khác Thiên Chúa tuyên báo tội nhân đã trở nên “công chính” (x. Rm 3:24tt; 4:25; 8:30, v.v.). Dùng lối biểu đạt tượng hình, Phaolô làm như Thiên Chúa lấy “tính công chính” của mình mà mặc cho hoặc bao trùm lấy tội nhân, khiến tội nhân được thực sự trở nên công chính, tức được thông phần chính sự sống của Người. Ðó là lý do tại sao ơn cứu độ được gọi là “sự sống mới,” “hữu thể mới,” “con người mới,” “tạo vật mới,” v.v. (x. Rm 6:4; 7:6; Cl 3:10; 2Cr 5:17; Kh 21:5), là một cuộc biến đổi đến tận gốc rễ, có tác dụng trên cá nhân, xã hội và toàn bộ vũ trụ. Nếu “con người cũ” sống trong “thế tục,” thì “con người mới” sống “trong Ðức Ki­tô.” Ðức Kitô hoạt động như “sinh quyển” mới cho những ai đã được đổi mới (x. Rm 6:11; 1Cr 1:2.30; 5:17; Ep 2:5tt, v.v.). Hoặc có thể biểu đạt theo một hình ảnh khác: Thần Khí cư ngụ trong người được cứu độ như là trong một Ðền thờ (x. 1Cr 3:16tt; Rm 8:23; Dt 6:4; Ep 2:18; 5:18,v.v.). Ðể diễn tả thực tại mới này, thư 2Pr đã dùng đến một công thức có thể nói là táo bạo nhất, đó là: “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1:4; x. Dt 6:4).

Ơn cứu độ ấy quả đang hiện diện ở nơi các kitô hữu, vì các ơn kể trên đây là kết quả của lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô (x. Rm 1:16), [131] và của Phép Thánh Tẩy (x. Rm 6:3-4). [132] Tuy nhiên, cũng vẫn chưa thành hiện thực trọn vẹn, vì dù “chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (Rm 8:24), nghĩa là quá trình cứu độ (thánh hóa) chỉ hoàn tất trong tương lai. Hoặc nói như Gioan, dù “hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa,” nhưng vẫn còn phải chờ đến ngày Ðức Kitô xuất hiện (quang lâm) thì mới thấy được là thân phận chúng ta giống thân phận Ngài (x. 1Ga 3:2; x. Rm 8:19tt; 2Pr 3:13; Tt 2:13; Dt 9:28, v.v.). Sách Công vụ Tông đồ gọi các tín hữu là: “những ai đang được cứu độ” (Cv 2:47). Tóm lại, ơn cứu độ có một chiếu kích trần thế trong hiện tại, và một chiều kích tương lai trong đời sau: là sự việc xảy ra trong thời gian và hoàn tất trong vĩnh cửu, mang một khía cạnh tạm thời và một khía cạnh chung quyết.

Dù được Thiên Chúa ban cho từng cá nhân, vì tình yêu thì cụ thể (x. Mt 10:30; 1Cr 3:13; Gl 6:7-8, v.v.), ơn cứu độ cũng mang tính chất xã hội, bởi đó là hoa quả phát sinh từ mối kết liên với Ðức Giêsu và liên đới với nhau. Công đồng Vaticanô II nhận định rằng: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Người muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết chính Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện” (ASMD 9a). Sở dĩ ơn cứu độ mang tính xã hội như thế, thì chủ yếu là vì Ðấng Cứu độ là “con người phổ quát”; quả thế, “khi nhận lấy bản tính nhân loại, chính Ngài đã nối kết toàn thể loài người lại với Ngài vào trong một gia đình, bằng một tình liên đới siêu nhiên” (TÐGD 8b). Nghĩa là chẳng ai được cứu độ cách riêng lẻ mà không cần đến tình liên đới với người khác. Ðức Giêsu dạy: “Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi anh em” (x. Mt 6:14-15); nói cách khác: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:36-38). Như thế là vì đường đến với Ðấng Trung gian cứu độ đi qua lối ngả của tình liên đới với người khác (x. Mt 25:31tt). Ðể minh họa về mối liên kết và tình liên đới ấy, Ðức Giêsu đã dùng đến ẩn dụ: muốn được cứu độ, con người phải được tháp ghép vào Ngài, như nhành dính liền với thân cây để chia sẻ nhựa sống của thân (x. Ga 15:1tt), hoặc như chi thể dính liền với thân mình (x. 1Cr 10:17; 12:27v.v.).

Xã hội tính của ơn cứu độ xuất hiện rõ ở trong Giáo hội. Là Thân thể của Ðấng Cứu độ ở giữa lòng lịch sử (x. Cl 1:18; Ep 1:22-23, v.v.), Giáo hội mang trong mình và biểu hiện (như là bí tích, x. ASMD 1) ơn cứu độ một cách hữu hình, bởi lẽ các thành viên của cộng đồng Giáo hội được Thần Khí hướng dẫn (x. Rm 8:14) và (phải) sống nhờ các hoa quả của Thần Khí ấy (x. Gl 5:22-4). Khi còn sống xa cách Ðức Kitô, chúng ta sống không có hy vọng, không có Thiên Chúa; còn bây giờ, nhờ máu Ðức Kitô, chúng ta đã xích gần lại với Thiên Chúa trong Ðức Kitô là “bình an” (Shalom), tức là tổng hợp của mọi ân huệ Thiên Chúa đã hứa ban trong thời đại cứu độ (x. Ep 2:1tt). Trong xã hội được cứu độ này (x. Ep 2:5), không còn chia rẽ, không còn kỳ thị (x. Gl 3:28), nhưng mọi người sống như đã thành một trong nhà của Thiên Chúa (x. Ep 2:18; 1Tm 3:15; Dt 3:6). Theo ý Chúa, Giáo hội phải là như vậy, phải cho thấy thực sự là như vậy. Nếu Giáo hội đã không được nhận ra như là cộng đồng chứa chan tràn đầy ơn cứu độ, thì chắc hẳn là vì những thiếu sót của nhiều thành viên.

Như thế, ơn cứu độ kitô giáo mang những chiều kích vừa thiêng liêng mà cũng vừa xác thể; xác thể cả ở đời này lẫn ở đời sau. Ở đời này, người kitô có bổn phận phải sống theo một cung cách mới (x. Rm 6:4; 7:6; 12:2,v.v.) hầu xây dựng một xã hội mới theo nguyên tắc hiệp thông (x. Cv 4:32-35). Ở đời sau, thì thể xác còn phải được cứu độ qua sự sống lại (x. Pl 3:21; 1Cr 15). Trong Kitô giáo, nếu chỉ nói “cứu rỗi linh hồn” thì chưa đủ; bởi việc cứu độ chỉ hoàn tất khi hồn xác kết hợp, sống chung lại trong ngày của Chúa (x. Pl 3:20-1; Rm 29; 1Cr 5:5,v.v.). “Trước” ngày ấy – nếu được phép nói theo cách phàm tục – lẽ tất ơn cứu độ đã thực sự bắt đầu (x. Pl 1:23; 2Cr 5:8), nhưng vẫn còn bất toàn.

Cuối cùng, Tân Ước mạc khải một điểm căn bản liên quan đến việc cứu độ: con người không thể tự cứu rỗi chính mình (x. ASMD 8a). Không một tôn giáo nào có được khả năng cứu độ các tín đồ của mình, cả đến Lề Luật của Cựu Ước cũng không (x. Gl 2: 15-16). Ơn cứu độ là ơn nhưng không của Thiên Chúa, tuyệt đối nhưng không (x. Rm 3:7.24, v.v.). Nguồn cội duy nhất là tình thương của Chúa Cha trong Ðức Kitô (x. Ga 3:16); Người đã yêu thương ta ngay cả khi ta còn là người tội lỗi (x. Rm 5:8). Vì là tình yêu (x. 1Ga 4:8.16), nên bao giờ Thiên Chúa cũng hành động vì yêu mến. Tự bản chất, tình yêu có những khía cạnh có vẻ nghịch lý; vì thế, công cuộc cứu độ cũng cho thấy nhiều khía cạnh xem ra không mấy ‘hợp lý’: tình yêu có những sáng kiến trí khôn không hiểu nổi! [133]

Người kitô tin vững là trong lãnh vực cứu độ, tự mình con người chẳng có thể làm được gì (x. Ga 15:4-5). Tuy nhiên, Tân Ước không ngừng kêu gọi các tín hữu hãy cộng tác với ơn Chúa trong việc cứu độ chính mình. Tiến trình cứu độ bắt đầu bằng việc “trở lại,” từ bỏ đường lối trần tục mà bước vào đường lối của Phúc âm. Ðức Giêsu đã khuyến khích đồng bào mình làm như thế (x. Mc 1:15), đúng với nhiệm vụ của sứ mệnh Ngài (x. Lc 5:32); rồi Ngài sai các tông đồ đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ thống hối để được cứu độ (x. Lc 24:47). Vì tội ác hằng không ngừng đe dọa mọi người, nên cần phải thường xuyên hối cải để có thể đón nhận ơn cứu độ, và đón nhận ngày càng dồi dào hơn. Nói một cách tích cực, muốn hợp tác với ơn Chúa, thì cần phải sống tốt lành như thánh Phêrô khuyên nhủ (x. 1Pr 4: 7tt), và như thánh Phaolô mạnh mẽ thôi thúc: “Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl 2:12), tức hãy cẩn trọng thực hiện việc cứu độ qua phần hợp tác của mình. Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người (x. 1Tm 2:4), nhưng Người không cưỡng bức ai vào thiên đàng trái với ý của người ấy. Mỗi người phải tự do đáp trả sáng kiến Thiên Chúa đề xuất và thi hành công tác cứu độ (x. Gc 1:22; Rm 2:13; Gl 6:7-10; 1Ga 3: 7,v.v.). Về phương diện chủ quan, tiến trình bắt đầu với việc đón nhận lời cứu độ, rồi lời ấy sẽ trở thành tiêu chuẩn để đoán xét (x. Ga 12:48): ai tuân theo sẽ được cứu độ, ai từ chối sẽ bị kết án (x. Mc 1:16; x. 1Cr 1:18; 2Cr 2:15). Như vậy, Thiên Chúa ban cho con người cơ hội góp phần vào việc cứu độ chính mình, và đặt phận mệnh của mỗi người vào chính trong tay của người ấy.

Oakland, CA Tue Sep 29, 2009 ĐHN