Công-đồng Vatican II trong Hiến-chế Tín-lý về Mạc-khải của Thiên Chúa, đã xác-định "Giáo-hội luôn tôn-kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng-vụ thánh (divinas Scripturas sicut et ipsum Corpus dominicum semper venerata est Ecclesia, cum, maxime in sacra Liturgia). Công-đồng cũng phân-biệt Thánh Kinh là Lời Chúa nói đuợc ghi chép lại dưới sự linh-ứng của Chúa Thánh Thần và Thánh Truyền do các tông-đồ truyền lại đuợc tiến-triển trong Giáo-hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Công-đồng đã nhấn mạnh "Bởi thế, hiển nhiên là Thánh Truyền, Thánh Kinh và Quyền Giáo-huấn của Giáo-hội, theo ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên-kết và phối hiệp với nhau đến nỗi không một thực-thể nào trong ba có thể đứng vững một mình đuợc. Và dưới tác-động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba theo phương cách riêng cùng góp phần hữu-hiệu vào việc cứu rỗi các linh-hồn". Cả ba thực-thể Công-đồng nêu ở trên này đúng ra phải đuợc đọc và giải-thích trong Chúa Thánh Thần nhưng rồi lắm khi cũng bị con cái thế-gian dùng làm lối thoát trong những cuộc tranh cãi, biện-luận cho việc lẩn tránh quanh co hay bào chữa cho cái tội về những điểu thiếu-sót nào đó trong đuờng bổn-phận. Lời Chúa vì vậy đuợc uốn theo cái lưỡi thế-tục như một con dao hai lưỡi. Con dao hai lưỡi này qua sự khôn ngoan của con cái thế-gian đã được dùng để biết khi nào thì tỉa, gọt và khi nào phải trở lưõi để chặt, để cắt kiểu như trong bốn mươi ngày ăn chay và cầu nguyện trong hoang-địa, Đức Ki-tô đã bị ma quỷ dùng chính Lời Chúa để lý-luận mà cám dỗ Người. Thành ra, vấn-đề chính-yếu vẫn là tâm-ý của mỗi người khi thực sự muốn thể-hiện sự đối-thoại trong tình mến để cùng sống với anh em hay chỉ dùng sự khéo khôn để được sống còn giữa xã-hội.
Mới đây, trên một số trang báo điện-tử và báo xuất-bản của Công-giáo có đăng-tải một loạt mấy bài viết mà chủ-đề là thái-độ - hay nói cho đúng hơn là phản-ứng - của Hội-đồng Giám-mục Việt-Nam nói chung và riêng từng cá-nhân các vị trong nhiệm-vụ chăn dắt cộng-đồng Dân Chúa hiện nay giữa một xã-hội có nhiều vấn-đề bất-ổn cấp-thiết về dân quyền và dân-sinh. Một xã-hội đầy bất-công và vắng bóng cả bác-ái lẫn công-bằng. Loạt bài này bắt nguồn từ bài giảng của đức cha Bùi Văn Đọc đã trích một câu Kinh Thánh nửa vời mà nên tạm góp chung lại thành một "bộ" và phải đọc trọn bộ mới bắt đuợc vấn-đề. Báo Diễn Đàn Giáo Dân số 96 vừa qua cũng đã đăng trọn bộ nên xin đuợc miễn lập lại. Chỉ biết rằng ngoài bài của một giáo dân ra thì ba bài còn lại đều là lời của các đấng bậc, cho dù chưa hẳn là giáo-phụ thì cũng liên-hệ đến thừa-tác-vụ giáo-huấn. Bài giảng của giám-mục Bùi Văn Đọc và của một giáo-dân ký tên là Nguyễn Tuấn Hoan với hai lập luận đối-nghịch đã đành, còn lại hai bài - xin tạm gọi - đối-thoại giữa hai anh em Phan-sinh là linh-mục Nguyễn Hồng Giáo và linh-mục Nguyễn Ngọc Tỉnh cũng ngược ý nhau. Thành ra theo kiểu nói của linh-mục Nguyễn Hồng Giáo trong bài viết "Lạy Chúa chúng con không biết ăn nói" thì là hai phía mà lại còn cột buộc rõ-ràng là "một phía ra sức đứng trên quan điểm Tin Mừng và theo giáo huấn của Giáo-hội, phía kia bị chi phối bời một lập tường chính trị minh nhiên hay mặc nhiên". Không biết ăn nói với quyền-lực nhưng với anh em thì lời của linh-mục Nguyễn Hồng Giáo sắc như mã-tấu vậy. Phải chăng vì thấy đức cha Bùi Văn Đọc khiêm tốn nhận mình con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói nên linh-mục Nguyện Hồng Giáo, bớt khiêm-tốn hơn, lên tiếng nói hộ đôi lời thế đấy. Nghĩa là toàn các đấng bậc đem Lời Chúa vào bài giảng, bài viết cho nên người viết bắt buộc cũng phải lấy tâm-tình của một tín-hữu để cho dù không cần thiết như Sa-mu-en khi xưa tín cẩn thưa "Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe" (1Sm 3, 10) thì cũng cần lắng nghe cho kỹ, đọc cho thông và suy cho thấu đáo vì bài nào cũng có Kinh Thánh, Thánh Truyền cả.
Và vì vậy, bài viết này là lời xin thưa: Lạy Chúa, con nghe đây.
Trước hết xin lắng nghe bài giảng của Đức cha Bùi Văn Đọc, vì theo truyền-thống tông-đồ, đức cha là người đưọc chia sẻ trọng-trách của Thánh Phê-rô. "Đức Giê-su nói với Si-mon Phê-rô:" Si-mon, con của Gio-an, người có mến ta hơn các kẻ này không? Ông thưa Người "Vâng, lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa. Đức Giê-su nói với ông "Hãy chăn giữ chiên của Ta". Lần thứ hai, Người lại noí vớí ông "Si-mon, con của Gio-an, ngươi có mến ta không? Ông thưa Người "Vâng lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa" Người nói với ông "Hãy chăn dắt cừu của Ta". Lần thứ ba, Người nói với ông "Si-mon, con của Gio-an, ngươi có yêu mến ta không?"Phê-rô buồn vì Người đã nói đến lần thứ ba câu hỏi "ngươi có mến ta không" và ông thưa Người "Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa" Đức Giê-su nói với ông: " Hãy chăn nuôi đàn cừu của ta" (Ga 21, 15-17). Đấy là giám-mục, là chủ chăn mang trách-nhiệm chung về đàn chiên mà Chúa đã giao cho thánh Phê-rô cùng với sự tham-gia, trợ lực của hàng linh-mục mà chứng-minh lòng mến Chúa
Lòng mến này rất dễ nhận biết qua thái-độ không dối gian trong ứng xử, không lẩn tránh trước tiếng lương-tâm và không làm ngơ trước bất công, đàn áp. Lòng mến lại càng không phải là thái-độ sống tách rời và khép kín của từng cá-nhân riêng lẻ với những tâm-trạng cầu-an và thủ-phận theo kiểu nín thở qua sông. Người ta có thể viện hết lý này, lẽ nọ để tránh và né, để luồn và lách và nhất là để khỏi phải động chạm đến quyền-lợi riêng tư mà vẫn cảm thấy bình-an nhưng với cương-vị của một chủ chăn thì không thể và lại càng không nên chỉ muợn lời gọn-gàng của Giê-rê-mi-a muốn khước từ nhiệm-vụ ngôn-sứ Chúa giao cho mà bỏ qua sấm ngôn quan-trọng của Chúa như sau:
Ôi! lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói"
Đức Chúa phán với tôi: "đừng nói ngươi còn trẻ!
Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi;
Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói
Đừng sợ chúng, vì Ta ở với người để giải-thoát ngươi,
- sấm ngôn của Đức Chúa
Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán:
Đây ta đặt lời Ta vào miệng ngươi
Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước
để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng (Gr. 1, 6-10)
Đó là Giê-rê-mi-a khi đuợc Chúa gọi vào buổi sơ-khai của ý-thức tôn-giáo bằng một thị-kiến mà có thể là mơ-mơ hồ-hồ mà sứ-vụ còn quá cụ-thể "để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng", nghĩa là phải làm những việc thiết-thực trong cuộc thế này để Nước Cha trị đến trong tình mến để cho kẻ đói đuợc ăn, người bệnh có nơi chữa trị, người thấp cổ bé miệng được bênh đỡ và nhân-phẩm cũng như nhân-quyền phải đuợc tôn-trọng chẳng hạn chứ không chỉ là "sứ vụ tôn giáo" bâng-quơ. Vậy mà nhiều ngàn năm sau, đức cha Bùi Văn Đọc đã được Chúa gọi qua quá-trình đào-luyện bằng cái chết của Đức Ki-tô trên cây Thập-giá ở Núi Sọ, bằng cả một Giáo-hội có chiều dài lịch-sử bằng kỷ-nguyên mới của nhân-loại và bằng cả một Giáo-hội đang đồng-hành cùng nhân-loại trên mọi miền trái đất mà trong đó có Vatican uy-nghi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và nhất là có Toà-giám-mục Mỹ-tho đuờng-bệ để đức cha đủng-đỉnh mũ gậy chăn chiên thì lại dùng chữ "quá trẻ" cũng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng sao cho chỉnh. Cho nên một khi "danh" đã không chính thì ngôn cũng chẳng thuận...Trách chi đã có thị-phi. Giê-rê-mi-a khi thưa với Chúa là lời thật lòng của ông lúc đó, nhưng đức cha Bùi Văn Đọc lại chỉ dẫn lời của Giê-rê-mi-a thôi, còn lời thật của chính đức cha thì không rõ. Phải chi đức cha cứ dẫn Kinh Thánh nhưng phải thưa thật về mình là con không dám ăn nói" thì ngay thẳng hơn và người nghe đỡ cảm thấy mình bị coi thường vì cách "nóí trên đầu trên cổ" như vậy.
Vào dịp Đại-hội Giới Trẻ Thế-giới vừa qua tại Sydney, khi trao đổi với một linh-mục rất trẻ - đây mới là trẻ thật - của Miền Bắc đang ngồi với một nhóm và hỏi rằng theo cha thì thực ra các cha ở ngoài đó chỉ vì muốn đuợc yên để lo mục-vụ mà xem ra như "không có vấn-đề" hay là quý vị đã tâm-đắc mà theo chính-sách về tôn-giáo hiện nay của nhà nước cộng-sản thì linh-mục trẻ này đứng bật lên, trợn mắt nói: "theo sao đuợc mà theo...chẳng qua mình phải uyển-chuyển để không bị họ trói chặt thêm, bất lợi cho mọi người thôi". Có lẽ linh-mục trẻ này mới giống Giê-rê-mi-a thật. Còn chủ chăn trong Miền Nam khi xác-tín "Đó chính là lý do của sự lạc quan của chúng tôi, của nhiều người trong anh em chúng tôi. Chúng tôi vẫn tươi cuời, vẫn làm việc hăng say..." thì điều này cần phải xem lại Mat-thêu 5, 37 rồi mới chắc. Riêng về con số nhiều người trong anh em của đức cha thì không cần bàn nữa, nhưng cái số ít người còn lại như đức cha Lê Đắc Trọng chẳng hạn với tập Hồi-ký thì sao? Tin mừng Mát-thêu 10, 26-33; 10, 17-20; 12, 32 và Luca 12, 2-5 có Lời của Đức Ki-tô, Đấng đã không phải chỉ qua thị-kiến mà thực-sự đã đặt tay chọn đức cha, dạy rằng "không có gì che dấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm sẽ đuợc nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ đuợc công bố trên mái nhà. Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy đuợc biết: anh em đừng sợ những kẻ giết chết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn đuợc nữa.
Một trong những lý-do vẫn thường được nhiều người dùng để che vừa đủ cho bản-thân mình là hai chữ "chính-trị". Đúng vậy, Giáo-hội cấm tu-sĩ làm chính-trị nghĩa là tham-chính như một số linh-mục quốc-doanh bên nhà ra ứng-cử hội-đồng nhân-dân các cấp, làm thành-viên của mặt-trận Tổ-quốc, làm dân-biểu trong Quốc-hội như họ đang làm với chính-quyền cộng-sản hay bất kỳ ai với bất cứ một chính quyền nào khác để trở thành công-cụ của cơ-chế chính-trị khi mà "Giáo-hội không thể đồng-hoá với một cộng-đoàn chính-trị và cũng không cấu kết với bất cứ hệ-thống chính-trị nào"( Hiến-chế Mục-vụ - câu 76: Cộng-đoàn chính-trị và Giáo-hội ) nhưng Giáo-hội không cấm các thừa-tác-viên liên-đới với tín-hữu để đặt cho đúng vấn-đề lương-tâm và trách-nhiệm của họ trong xã-hội. Sự khác biệt giữa "làm chính-trị" với việc tham-gia các hoạt-động dân-sinh như đóng góp hay sửa sai, thậm chí chống lại những điều sai trái trong chính-sách hay đường lối cai-trị của một chính-quyền để xây-dựng một xã-hội nhân-bản, hợp với lẽ công-bằng và bác-ái quả thực khác xa và tách biệt rõ ràng, không có điểm nào còn lấn-cấn hoặc tín nghi. Và đây là huấn-giáo của Giáo-hội qua Công-đồng "Giáo-hội cũng phải được quyền nói lên nhận-định luân-lý của mình về cả những vấn-đề liên-quan đến lãnh-vực chính-trị khi quyền-lợi căn-bản của con người hay phần rỗi các linh-hồn đòi hỏi" (Hiến-chế Mục-vụ về Giáo-hội Trong Thế-giới Ngày Nay).
Vậy thì cứ từ đấy mà suy ra. Bao lâu mà người Ki-tô hữu chúng ta còn phải tìm lời để biện bạch, còn cố tình suy theo nghĩa này hay lý nọ để uốn nắn tư-tưởng của nhau, còn tranh cãi hay chụp những cái mũ khó coi lên đầu nhau là bấy lâu chúng ta cả đôi nơi chưa thực sự là môn-đệ của Chúa, chưa sống theo thần-khí của niềm tin như kiểu nói "nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ. Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi "can đảm nói sự thật khi cần" dù phải trả gía bằng mạng sống" (sic). Chúng ta thực không hiểu theo đức cha Bùi Văn Đọc, khi "phải nhắc nhở lương tâm những kẻ có quyền" như đức Hồng-y Joseph Ratzinger nói là khích-bác họ thì khi nào mới là lúc cần để "can đảm nói sự thật".
Hãy nhìn lại một số biến-cố trong thời gian gần đây. Các cơ-sở sinh-hoạt của một số dòng tu bị ngang nhiên trưng-dụng để bán chác không đuợc thì biến thành công-viên như vụ Thái-hà; các nơi vốn dĩ là chốn phụng-tự đang cần chỉnh-trang cho nhu-cầu sinh-hoạt tâm-linh thì bị đóng dấu quốc-gia công-thổ như ở Giáo-phận Vinh; đạo-đức xã-hội càng ngày càng băng-hoại với việc phá thai nẳm trong chính-sách; tuyệt-đại đa-số dân nghèo bị bỏ mặc bên ngoài hệ-thống y-tế công-cộng; hàng trăm ngàn trẻ em bị đem đi xuất-cảng cho thị-trường ấu-dâm ở các nưóc lân-cận; cũng hàng trăm ngàn cô gái bị bán đi làm một thứ nửa vợ hờ nửa mại-dâm cho những người có tiền ở khắp nơi trên thế-giới; biết bao nhiêu thanh-niên thiếu-nữ bị các văn-phòng dịch-vụ làm môi giới buôn sức lao-động của họ như thời xa xưa buôn bán nô-lệ qua sự khuyến-khích của Sở thương-binh Xã-hội là nên đi lao-dộng nước ngoài để cài-thiện đời sống và bị ngược-đãi đến bỏ mạng ở xứ người; rồi đất đai của cha ông bị cắt dâng ngoại-bang như vụ việc thác Bản Giốc, suối Phi Khanh, quần đảo Hoàng-sa, Trường-sa; tệ hại hơn nữa là việc khai-thác bauxite độc hại làm di-lụy đến khối dân vốn đã và đang bị ô-nhiễm môi-sinh trầm-trọng...vân vân và vân vân...
Dám trình đức cha, bấy nhiêu sự ấy vừa nêu trên chưa là cần và đủ để nói sự thật như hai thánh Tông-đồ Phê-rô và Gio-an đã tuyên-bố với thượng-hội-đồng Sanhédrin của Do-thái rằng "Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ nói về những gì đã thấy và đã nghe" (Tông-đồ Công-vụ 4, 20) sao? Và sự chưa đến lúc cần như đức cha Bùi Văn Đọc quan-niệm phải chăng chính là vì thái-độ "thích hay không thích cộng sản" và cho dù như vậy thì sự chọn lựa này có là thái-độ chính-trị không? Vậy, khi bày tỏ mối ưu-tư của lương-tâm và đạo-đức trước những vấn-nạn của con người như thế thì phải chăng là các vị đã đi ngược lại huấn-giáo của Chúa và của Hội-thánh?
Vấn-đề cần đặt ra ở đây là công-dụng của hai chữ chính-trị trong cách nhìn chủ-quan và nghịch-lý của đa-số những người lãnh-đạo tinh-thần làm hoang-mang lòng tín-hữu. Bởi vì, cùng một đối-tượng là chính-quyền cộng-sản với đủ cách áp-đặt thô-bạo trên nguyên-tắc nhân quyền nói chung và tự-do tôn-giáo nói riêng mà một thiểu-số chống lại chủ-trương phi nhân-bản đó thì bị gán cho chiêu-bài "làm chính-trị, sai luật Giáo-hội, không thích cộng-sản" trong khi đa-số theo hoặc không theo nhưng làm chứng giối và làm ngơ cho những hành-động bạo-quyền đó thì lại không cho là cũng dính bén vào chính-trị mà là can-đảm và mạnh dạn đón nhận sứ mạng. Vậy chẳng lẽ chỉ có chống mới là chính-trị, còn hợp-tác thì không phải. Vậy thì chúng ta sẽ phải hiểu thế nào về lời hướng-dẫn của Công-đồng Vatican II về thái-độ đối với quyền-bính: "Trong trường hợp chính quyền vượt quá phạm-vi của mình mà đàn áp dân chúng, thì dân chúng vẫn được phép bênh vực quyền lợi của mình và của đồng bào mình, chống lại những lạm dụng của chính quyền. Tuy phải tôn trọng giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Phúc-âm nhưng cũng không được từ chối những việc xét thấy cần cho công ích" (Hiến-chế Mục-vụ - câu 74). Theo tập tài-liệu Công-đồng nhan đề Giáo-hội trong thế-giới hôm nay của tủ sách Thanh Lao Công do một nhóm giáo dân và linh-mục phiên-dịch, câu này được diễn-giải rằng Công-đồng đã mặc nhiên nhìn nhận nguyên-tắc nổi loạn và cách-mạng. Thông-điệp Phát-triển các dân-tộc lại nói rõ hơn về trường hợp nổi loạn và cách mạng để đánh đổ một chế-độ độc-tài rõ rệt và kéo dài đã quá lâu, làm thương tổn nặng nề đến những quyền căn-bản của con người và nguy hại lớn cho ích chung của xứ sở (Phát-triển số 31). Cũng thế, đức Hồng-y Joseph Ratzinger khi chưa làm Giáo-hoàng cũng đã phát-biểu khi trao đổi với nhà báo Peter Seewald:"Ngày nay ngưới ta nói nhiều về vai trò ngôn sứ của Giáo-hội. Từ ngữ đó đôi lúc bị lạm dụng. Nhưng đúng là Giáo-hội không bao giờ đuợc phép chạy theo thời. Giáo-hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời-đại, phải nhắc nhở lương tâm những kẻ có quyền, cả những người trí thức và cả những kẻ thờ-ơ hẹp hòi trước những nỗi thống-khổ của thời-đại. Là giám-mục, tôi thấy có nhiệm-vụ phải làm chuyện đó. Lại nữa tình trạng suy đồi qua hiển nhiên: đức tin mệt mỏi, ơn gọi tu-trì sút giảm, luân lý đạo đức xuống cấp ngay cả trong giới giáo sĩ, tình trạng bạo lực càng ngày càng tăng...Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân và riêng tôi, tôi kinh sợ cảnh một giám-mục chỉ biết an-phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột....(Muối cho đời, Phạm Hồng Lam dịch trang 85). Nếu theo cách nói của đức cha Bùi Văn Đọc và được linh-mục Nguyễn Hồng Giáo "đứng trên quan-điểm của Tin Mừng và theo giáo-huấn của Giáo-hội" và vì đức cha Đọc đã có lời nhìn nhận khiêm-tốn và phải lẽ của giám mục nên nói giúp thêm thì yêu-sách của Đức Hồng-y Joseph Ratzinger cũng có thể là "bị chi phối bởi một lập tường chính trị minh nhiên hay mặc nhiên" theo linh-mục Nguyễn Hồng Giáo. Bởi vì theo lời phát-biểu trên của Đức Hồng-y Joseph Ratzinger thì chẳng những không phải là "lôi cuốn" mà còn là đánh giá các ngài quá tệ khi chỉ vì sợ, vì dè-dặt để tránh bị phiền-phức mà "làm chó câm". Theo cách nói này thì hình như Đức Hồng-y cũng ở trong số "có ai không thích cộng sản" mà đức cha Bùi Văn Đọc đã thẳng-thắn gạch ngang giới-tuyến và linh-mục Nguyễn Hồng Giáo chia phe.
Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng linh-mục Nguyễn Hồng Giáo chẳng những biết nói mà còn khéo nói và thành-thật hơn là đức cha Đọc (có lẽ vì không là giám-mục) vì ông chịu nhận thẳng là có sự thận trọng khi trong một nước cộng sản, luôn nhìn mọi sự , kể cả tôn giáo theo quan điểm chính trị để đi đến điểm chính là "nhưng thận trọng, cân nhắc có thể trở thành nhút nhát, do dự dẫn tới thiếu sót trong trách nhiệm". Vậy thì linh-mục Nguyễn Ngọc Tỉnh cũng đừng quá "khắc nghiệt" khi khăng-khăng buộc "không biết nói vẫn phải nói" vì không phải không biết nói mà là vì không dám nói mà thôi.
Và lời Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô đệ nhị trong Tông-thư Mầu-Nhiệm Nhập-thể, câu 13 có thể nói thay cho cả người không biết nói, không dám nói và vẫn phải nói là "Hai ngàn năm trôi qua kể từ ngày Đức Ki-tô Giáng-sinh được ghi dấu bằng chứng-từ bền vững của các vị tuẫn-đạo. Thế kỷ này sắp sửa qua đi, đã từng biết đến nhiều các vị tuẫn-đạo; đặc-biệt do chế-độ quốc-xã, cộng-sản và những cuộc chiến-tranh sắc-tộc hay bộ-lạc. Những con người thuộc mọi tầng lớp xã-hội đã chịu đau khổ vì niếm tin của mình, đem máu đào trả giá cho sự gắn bó của họ với Đức Ki-tô và Giáo-hội; hoặc đã can-đảm chịu đựng nhiều năm tù đầy và bị tước-đoạt đủ mọi thứ bởi vì họ không muốn nhượng-bộ trước một ý-thức-hệ đã chuyển hóa thành một chế-độ độc-tài, tàn-bạo.