Mary Mackillop Và Căn Tính Linh Đạo Úc

Ai cũng đồng ý rằng nơi Mary MacKillop, ít có tính độc đáo nào khiến người ta có thể coi bà như người đóng góp chính vào nền linh đạo lý thuyết của Úc. Ngược lại, không ai chối cãi được sự kiện Bà đã phản ảnh nhiều đặc điểm Úc qua cách sống các xác tín Kitô Giáo của mình. Bà cho thấy một khả năng lớn trong phạm vi áp dụng thực tiễn mà người ta thường gọi là praxis, hiểu như hành động qua lại có tính biện chứng giữa lý thuyết và thực hành. Praxis đóng vai trò của người vừa giải thích vừa phán quyết. Bà không chấp nhận các qui ước đương thịnh về phương cách áp dụng và sống các chân lý dù là trong đạo. Bà đặt nghi vấn, tra hỏi các chân lý ấy và nhờ thế tạo ra các phương cách mới, các cái nhìn thông sáng mới. Bà sẵn sàng chấp nhận đau thương khi phải biện bạch cho chúng trong bác ái và trong cam kết hiệp nhất.

Bà không đơn giản nhắc lại các quan điểm của người khác, sống ở nơi khác, mà cũng không tìm an ổn nếu chịu chấp nhận hiện trạng. Bà nhìn vào những con người của xứ sở, của mảnh đất quê hương và hiểu ra nhu cầu của họ. Sự đóng góp của bà vào căn tính linh đạo Úc phải được hiểu theo viễn tượng này. Sự đóng góp ấy vì vậy hệ phần lớn ở câu hỏi: phải chăng Mary MacKillop muốn mời gọi các nhà thần học Úc hãy nhìn lại chính dân tộc mình để tìm ra một lối làm thần học khác?

Ở đây, cần nhấn mạnh điều này: từ trước đến nay, phần lớn những điều người ta viết về đời sống và tầm ý nghĩa của Mary MacKillop đều là sản phẩm của tầng lớp ưu tú Úc ở cả hai lãnh vực đạo và đời, theo những ý niệm và hình ảnh được họ cho là chính yếu. Dù những yếu tố ấy có quan trọng bao nhiêu đi chăng nữa, thì chúng vẫn xa vời với thế giới tôn giáo của các Kitô hữu bình thường… Dịp phong thánh cho Chân Phúc Mary MacKillop là cơ hội để mọi người hiểu ra rằng kinh nghiệm sống của người phụ nữ Úc này có đặc tính riêng của nó, có giá trị cấu thành riêng và có cái đảm lược riêng của nó dám nói ra điều ấy. Bà từng viết cho các vị trong Tòa Thánh hay: “Chính một người Úc đã viết điều này. Người ấy đã sinh trưởng giữa chính những khó khăn mà mình cố gắng miêu tả, và là người đã nhiều lần được nghe nhiều linh mục đạo hạnh và nhiều giám mục nhiệt thành buồn bã than van về hiện trạng sự việc mà các ngài không tài nào chữa trị…”. Và đoạn này nữa: “người ấy cũng không ngần ngại thấy rằng điều xem ra lạc điệu ở Âu Châu thì vẫn còn giá trị tại phần lớn lãnh thổ Úc”. Vấn đề, vì thế, là phải nhìn vào chính dân tộc mình. Xem ra, về phương diện này, Mary MacKillop quả đã trở thành tiếng nói của nhiều thành phần bị lãng quên trong Giáo Hội Úc. Nơi Bà, họ tìm thấy một mẫu mực tóm kết được nhiều niềm tin bản thân và nhiều giấc mơ tiềm ẩn.

Đó là nhận định của Cha Daniel Lyne, thuộc Dòng Passionist tại Tu Viện Marrickville, Sydney, người từng hoàn tất luận án tiến sĩ với đề tài: “Nền Linh Đạo và Các Đặc Sủng Của Mary MacKillop” vào năm 1981. Cha nhận định thêm: muốn có một ý niệm về những con người bị lãng quên nói trên, người ta nên trở về với những ngày hội kỷ niệm 200 năm lập quốc của Úc. Ngày mở đầu lễ hội ấy dĩ nhiên tràn ngập pháo bông tại mọi thành phố. Người người cười nói đi lại, nhộn nhịp, vui tươi, hân hoan, làm bộ mặt thành phố rạng rỡ. Nhìn quang cảnh ấy trên các chương trình truyền hình, người ta hiểu được bộ mặt ngày lễ của Úc. Nhưng thực ra khung cảnh kết thúc lễ hội, cũng trên màn hình kia, mới thực sự nói được nhiều điều về mảnh đất và con người Úc Châu này. Cảnh cuối cùng ngày hội không được thu hình tại các thành phố, vốn đầy ánh sáng, mầu sắc và tiếng động, cũng như nhiều đoàn người lũ lượt kéo nhau đi. Nó được thu hình tại một trang trại xa xôi hẻo lánh, Dimboola (1) chăng? Người phỏng vấn duy nhất hầu truyện một cặp vợ chồng già đang đứng trong bóng tối, tay cầm duy nhất một chiếc pháo nhỏ. Hình ảnh pháo bông hoành tráng của các đô thị được “thăng hoa” bằng chiếc pháo nhỏ xíu này, chiếc pháo cũng lốp bốp bay bổng vào sự sống để rồi kết thúc không phải bằng một tiếng “bang” mãnh liệt mà bằng một tiếng lẹt đẹt thiếu hẳn âm vang. Hình ảnh ấy nói lên nhiều lắm. Cặp vợ chồng già mất hút trong cái mênh mông bao la của lãnh thổ Úc Châu này không hề bị lãng quên. Họ vẫn có đó, vẫn hiện diện ở đó. Bằng cách riêng của họ, họ vẫn là một thành phần của lãnh thổ mênh mông kia, như bất cứ ai, và họ quan trọng vì có ai đó vẫn chịu khó lên đường tìm gặp họ. Hoạt cảnh ấy nói với ta thật nhiều về ý nghĩa nước Úc mà ta biết và về lối người Úc tự nhìn ra mình.

Hình ảnh một Mary MacKillop như người “chịu khó lên đường tìm gặp họ” đã gây một tiếng vang thật dội trong tâm hồn người Úc. Trong số vô vàn lời từ bài báo, sách vở và chương trình viết và nói về Mary MacKillop, người ta tìm ra khá nhiều dấu chỉ. Lucy Bell, người thủ vai Bà trong một cuốn phim, nói đại khái như thế này: “khi tiếp cận với Mary MacKillop, nhiều sự việc sẽ bắt đầu xuất hiện trong đời bạn”. Dịp chuẩn bị phong chân phúc cho Mary MacKillop, tại buổi chung kết giải bóng bầu dục ở Brisbane, người ta đọc thấy một biểu ngữ như sau: “Chỉ một người như Mary MacKillop mới có thể yêu được Benny Elias” (2). Và câu này nữa, lóm nghe trong một chương trình truyền hình: “Phải có sự kiên nhẫn kiểu Mary MacKillop mới chịu đựng nổi chuyện này”.

Đó không phải là lời của những người nói tiếng nhà đạo. Họ chắc chắn không phải là những người bắt cóc ngôn từ về Mary MacKillop để rồi phun ra những phạm trù chỉ liên quan tới những căng thẳng giữa Bà và hàng giáo phẩm, những đúng cùng sai của việc thi hành quyền bính và tài phán trong cộng đồng Giáo Hội. Chúng cũng không phải là lời của những người chỉ muốn định vị Bà trong đường hướng linh đạo đương thời hay bận bịu với những câu hỏi đại loại như: bà chịu ảnh hưởng của nền linh đạo Pháp qua người hướng dẫn mình là linh mục Tenison Woods hay chịu ảnh hưởng của nền linh đạo Inhã (Dòng Tên) như có lần chính Woods đã phê phán.

Trong một bối cảnh nào đó, những câu hỏi như trên có thể quan trọng. Tuy nhiên, điều cũng quan trọng không kém là thừa nhận và nhìn nhận rằng như thế đâu có phải là Mary MacKillop của người dân và đó đâu có phải là quan tâm của nhiều người như cặp vợ chồng già Dimboola. Ở ngoài kia, còn có những lời khác của những người cần được người khác nghe và họ đang lên tiếng, không phải trên báo chí tập san, nhưng là những lời ngập ngừng, những câu cú sai văn phạm hàng ngày đổ về Trung Tâm Mary MacKillop qua thư từ, điện thoại. Tất cả hầu như cùng một sứ điệp: “Tôi cảm thấy Mary MacKillop hiểu tôi”. Tiếng kêu của những con người bị lãng quên ấy đại biểu cho điều có thể gọi là đóng góp lớn lao của Mary MacKillop vào căn tính linh đạo Úc. Và cùng với nhiều khía cạnh khác trong đời mình, Bà vừa đặt câu hỏi, vừa đem lại câu trả lời.

Dù các hình ảnh trên có vẻ nặng về tình cảm và cảm xúc, thiếu tính khách quan và chặt chẽ, nhưng cuộc sống và việc làm của Mary MacKillop vẫn đặt cho các nhà khoa bảng câu hỏi sau đây: những tiếng kêu kia há không phản ảnh thực tại như các vấn nạn có ý nghĩa lý của họ hay sao? Các vấn nạn do Bà nêu ra rất có thể được viết bằng ngôn ngữ khoa bảng mà Bà chưa bao giờ hiểu nổi. Người ta có thể diễn tả như thế này. Trong khi vươn tay ra với người nghèo, trong khi chịu khó lên đường tìm gặp những người bị lãng quên, Mary MacKillop đã thách thức các nhà thần học dám chấp nhận mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành. Bà thiết lập được mối liên kết giữa kiến thức và các quan tâm nhân bản sâu sắc để trả lời cho các thách đố của hệ thống siêu hình cũng như các cường điệu của các siêu lý thuyết. Trong sức lôi cuốn có tính nhân bản của mình đối với những người không có tôn giáo, Mary MacKillop cũng đã làm nổi rõ các nhận xét của một số tư tưởng gia về tính độc lập tương đối của nhiều lãnh vực khoa học, luân lý và nghệ thuật và sự thiếu khả năng của thế giới quan thần thoại và tôn giáo trong vai trò thống nhất hóa và tổng hợp hóa mà trước đây họ vốn huênh hoang. Có lẽ, các nhà thần học và cả các giáo hội cũng nên tái thẩm định vai trò phụ thuộc (ancillary role) của mình trong một xã hội nhất định, vì họ không còn là những người trọng tài duy nhất của chân lý nữa.

Khi trở nên tiếng nói cho những người bị bỏ quên kia, theo cách riêng của mình, Mary MacKillop cũng hiện thân cho mối quan tâm đối với phía bên kia của lịch sử và cho vai trò biện chứng của ngôn ngữ cụ thể như ý niệm “dị biệt” trong lý thuyết ngôn ngữ của Derrida (3) cũng như trong các biện luận của ông về mối tương quan giữa “giá trị trường cửu của các chân lý tuyệt đối” và “giây phút hiện nay của chân lý” chứa đựng trong bất cứ bản văn nào ta muốn trình bày. Khi tranh chấp với một số vị giám mục và nhiều người khác, Mary MacKillop luôn nhấn mạnh tới mối liên hệ giữa “cơ cấu quyền lực và các thái độ đương thịnh trong xã hội”.

Thêm vào đó, các tranh đấu của Bà trong việc định vị và áp dụng niềm tin của mình vào thời gian và không gian của nền văn hóa riêng đã đặt ra nhiều thách đố cho các luận điểm của thẩm quyền nhằm thăng tiến và duy trì nguyên trạng, những thách đố cũng lớn lao chẳng kém các hiểu biết thông sáng về chú giải của Gadamer (4) trong lãnh vực kinh thánh và suy tư thần học. Các nhà khoa bảng cảm thấy quen thuộc với thứ ngôn ngữ và suy tư đó. Mấy thứ tranh luận này chính là dầu mỡ làm cho bộ máy khoa bảng chạy đều. Nhưng với Mary MacKillop, Bà muốn họ tự hỏi xem họ có nghiêm túc đặt vấn đề và áp dụng vấn đề đó vào cuộc sống những người bình thường hay không; họ có nằm lì trong những cuộc tranh luận và suy tư khoa bảng hay chịu bàn tới những vấn đề bằng các ngôn từ khiến chúng trở thành hiện thực: tức các kinh nghiệm sống trong cuộc sống con người, nhất là kinh nghiệm Úc Châu. Mary MacKillop có thể chới với trong lãnh vực khoa bảng, nhưng Bà hết sức vững chân trong các cuộc đấu tranh hàng ngày của đời người.

Nếu một trong các vai trò của thần học trong xã hội và trong Giáo Hội là giúp lên khuôn và tạo ra ý thức tôn giáo và linh đạo cho người ta, thì Mary MacKillop hẳn đã nhẹ nhàng nhắc ta nhớ rằng vai trò của họ cũng là giúp nói lên kinh nghiệm của người ta và đem vào ý thức ấy các thực tại chưa được phản ảnh, nhưng từng góp phần tạo ra kinh nghiệm kia. Thần học phải quan tâm tới kinh nghiệm về Thiên Chúa như nó vốn quan tâm tới các lý thuyết về Người.

Các lý thuyết về Người này, chẳng may, phần lớn phản ảnh cách tiếp cận có tính siêu việt của Âu Châu, vốn chịu ảnh hưởng của Hegel và Kant trong cố gắng đi tìm các hệ thống thống nhất hóa tư duy đối với mọi thực tại. Các phát biểu của họ về sự hiện hữu cá thể như phản ánh thực tại tối hậu xem ra phản ảnh “tinh thần” (geist) của những người như Hegel hay Schelling hơn là phản ảnh “Thần Khí đang bay lượn trên nước”. Rõ ràng họ muốn nắm bắt cái nhìn mới về Chúa Kitô và sự đau khổ của Người theo ngôn từ của kinh nghiệm “ennui” (chán bứa), trống rỗng hay vô nghĩa trong hiện sinh nhân bản vốn bừa phứa trong các nền văn hóa thế tục của xã hội trưởng giả Tây Phương.

Đó có phải là cách tiếp cận của người Úc đối với thực tại hay họ cũng có cái cảm thức về chán bứa, về vô nghĩa như thế? Người Úc có hẳn lưu tâm tới các ý niệm thống nhất hóa về thực tại hay về Hữu Thể hay họ lưu tâm nhiều hơn tới chủ nghĩa thực tiễn của những người như James hay Dewey? Người Úc có bao giờ chấp nhận giá trị của các ý niệm siêu hình hay siêu việt về chân lý vốn nại tới các phạm trù phổ quát phi thời gian và tuyệt đối, hay họ hợp nhĩ hơn với các lý thuyết về chân lý dùng ngôn từ thông đạt, nhưng không ủng hộ chủ nghĩa tương đối? Thần học nên đề cập tới các vấn đề ấy cũng một cách nghiêm ngặt như khi họ phổ biến các ý kiến thần học không hề phản ảnh cái nhìn và kinh nghiệm của hầu hết mọi người dân Úc.

Phản ứng lại lối nhìn quá ư trừu tượng và xa rời thực tế của phần đông thần học Âu Châu chính là thần học giải phóng của Châu Mỹ La Tinh, một thứ cực đoan mới, tự cho mình là thực tế, bám trụ thực tại, nhưng thực ra hết sức ảo tưởng. Đã đành thực tại của họ là cảnh túng bấn bần hàn của dân và các chế độ quân phiệt thối nát cầm quyền. Tiếng than của dân nghèo, nền sư phạm của kẻ bóc lột, và tiếng kèn của Thiên Chúa thúc giục người ta ưu tiên chọn người nghèo trở thành luồng gío mát, chẳng mấy chốc mang đủ dáng dấp của một thành toàn cánh chung đầy hấp dẫn và của những phạm trù tiền sa ngã (prolapsarian) trong mối liên hệ giữa sự sống và sự sống lại của Chúa Kitô cũng như của lịch sử con người. Nhưng cái nhìn ảo tưởng này đành phải rút lui trước hố phân cách mỗi ngày một rộng dài ra giữa giầu và nghèo cũng như cảnh áp chế chính trị cũng như đàn áp người thiểu số ngày càng gia tăng. Các nhà thần học giải phóng đành phải đổi qua các bài học học được từ kinh nghiệm Xuất Hành trong đức tin và đề nghị ra những cái hiểu thông sáng mới về mối căng thẳng ‘đã có nhưng chưa tới’ của ơn cứu độ và cứu chuộc Kitô Giáo.

Nhưng nền thần học ấy có phải là kinh nghiệm của Úc? Úc đâu phải là mảnh đất người dân sống trong cùng cực và đàn áp chính trị. Nên người ta phải tự hỏi: có điều gì trong kinh nghiệm Úc khiến các nhà thần học ở đây có thể nói lên để khỏi bắt người Úc chịu đựng mãi thứ suy tư diễn dịch và các áp dụng lý thuyết rút từ nguồn khác, các mối ưu tư khác? Còn nhiều hình thức xa lạ nữa. Như ý niệm diệt chủng (holocaust) đang được một số người dựa vào để bác bỏ các hình thức tử đạo nhằm vào tín hữu Kitô Giáo thời Quốc Xã. Ý niệm ấy đâu có trong kinh nghiệm Úc. Ở Úc có ý niệm “đất” (land). Nhưng ý niệm này cũng đang bị phái tân đại (new age) lèo lái để chỉ chú trọng tới sáng tạo và các nhà thần học sáng thế chỉ chú tâm vào việc ca tụng Thiên Chúa trong sáng tạo và nhờ sáng tạo. Không ai chối cãi mảnh đất phì nhiêu đối với suy tư thần học nơi cảnh giới Úc. Nhưng ý niệm “đất” cũng tượng trưng cho nhiều thực tại sâu sắc khác trong tâm thức Úc. Nó có thể là biểu tượng của cuộc đấu tranh và lòng kiên nhẫn trước muôn vàn khó khăn. Mary MacKillop chắc chắn đã từng đấu tranh với “đất” nhưng đó là mảnh đất của nhọc nhằn, của xa xôi hẻo lánh, từng góp phần vào việc biến nhiều người thành kẻ đứng ngoài lề các cơ cấu và thừa tác vụ của Giáo Hội, mà chính Bà từng cảm nghiệm.

Người Úc cũng có chủ đề “underdog”, kẻ tham dự cuộc đấu nhưng ít hy vọng thắng cuộc, anh chàng “Aussie” nghèo nàn vật lộn. Quan tâm đối với những người kém may mắn chắc chắn là đặc điểm của Úc. Mary MacKillop dễ dàng được người ta nại tới như người có lòng cảm thương lớn lao đối với những người như thế. Nhưng Bà cũng phản ảnh một mối quan tâm khác về việc người ta có thể dùng lòng cảm thương kia như chiếc mặt nạ che dấu mình khỏi mặc cảm tội lỗi trong chính lương tâm mình để trốn chạy trách nhiệm luân lý, khỏi phải làm một cái gì đó trước các bất công trong xã hội. Bà thấy rõ các lý thuyết có hệ thống trong các thủ tục quản trị xã hội và Giáo Hội thời Bà đã sao lãng xiết bao cái kinh nghiệm đời thực của không biết bao nhiêu con người. Bà không an nghỉ với lòng cảm thương, bà trở thành phát ngôn viên và người bênh vực họ.

Người Úc hiện nay cũng có những người bị lãng quên. Đó là trạng huống mục vụ của những người đang chịu cảnh tan vỡ hôn nhân. Cũng có nhiều linh mục tốt lành, đang vật lộn với các khó khăn về lòng trung thành, khi phải bênh đỡ bộ mặt công khai của Giáo Hội trong các vấn đề mà trái tim họ cảm thấy hết sức nghi ngại, không tin tưởng vào chủ trương của Giáo Hội và xem ra chẳng ai thèm lưu ý lắng nghe họ hay để tai tới tiếng kêu thầm lặng xin trợ giúp và khích lệ của họ. Họ không phải là những người bất trung hay bất mãn, mà chỉ là những con người nghi ngại khả năng của mình trong việc lấy đi cái áp lực nặng nề của thế lưỡng nan nội tâm kia… Chứng tá riêng của Mary MacKillop về đức ái và quan tâm duy trì hợp nhất dạy ta rằng đây không phải là vấn đề quan điểm tranh cãi hay ý thức hệ xét theo bất cứ khía cạnh nào, mà chỉ là những đau đớn mà ta không nên làm ngơ. Hình như những vấn đề như thế ít được nói tới trong nghị trình thần học công khai của Úc. Người Úc cũng có lịch sử diệt chủng riêng đối với người Thổ Dân. Ai lên tiếng cho họ? Ai đề cập những thực tại này cho người dân Úc? Hình như ta học hỏi về Kitô Giáo trên lãnh thổ Úc từ các thi nhân và tiểu thuyết gia nhiều hơn từ các thần học gia.

Sự đóng góp của Mary MacKillop vào căn tính linh đạo Úc có lẽ hệ ở việc Bà nhắc cho các nhà thần học Úc nhớ: một điều gì đó đang được nói lên và cần được lắng nghe nơi các tiếng nói mỗi ngày một lớn lên kia. Quả là câu trả lời đơn giản của nhiều người bỗng nhiên khám phá ra rằng: “Tôi cảm thấy Mary MacKillop hiểu tôi”. Đóng góp của Bà vào căn tính linh đạo Úc là khích lệ mọi người Úc nhìn trở lui chính tình huống và chính dân tộc của họ. Cuộc đời Bà độc đáo ở cách thế bà chịu lên đường tìm kiếm những người bị lãng quên của thời mình, nhận lấy chính nghĩa của họ và trong diễn trình ấy, Bà đã tái lên khuôn cảnh giới Giáo Hội Công Giáo Úc.

Ghi chú

(1) Dimboola thuộc hội đồng thành phố Hindsmarsh, vùng Wimmera, thuộc phía tây tiểu bang Victoria, cách tây bắc Melbourne 334 cây số. Trong cuộc thống kê năm 2006, dân số Dimbbola là 1863 người.

(2) Cầu thủ nổi tiếng của Đội Balmain, Sydney, địch thủ của Đội Bronco, Brisbane.

(3) Triết gia nổi tiếng của Pháp, gốc Algeria, thuộc trường phái hậu cơ cấu luận và triết học hậu hiện đại, nổi tiếng với ý niệm “deconstruction”.

(4) Triết gia Đức thuộc truyền thống lục địa, tác giả cuốn “Chân Lý và Phương Pháp” (1960), học trò Heidegger và bạn thân về cuối đời của Derrida. Theo ông, con người có một ý thức chịu ảnh hưởng của lịch sử (wirkungsgeschichtliches Bewußtsein) và do đó, họ bén rễ sâu vào một lịch sử và một nền văn hóa đặc thù từng lên khuôn họ. Như thế, việc giải thích một bản văn bao giờ cũng liên hệ tới việc hỗn hợp (fusion) nhiều chân trời trong đó nhà học giả tìm ra các cách thế mà lịch sử bản văn kia nói lên cùng với hậu cảnh riêng của chính họ.

Vũ Văn An