Với một danh-sách gồm 300 người, bao gồm 31 giám-mục, nhiều linh-mục tu-sĩ và giáo dân đã tề-tựu về Đại-chủng-viện Thánh Giu-se, Sài-gòn từ chiều Chúa-nhật 21-11 đến hết ngày Thứ Năm 25-11-2010 để cùng rình-rang tham-dự một sinh-hoạt gọi là Đại Hội Dân Chúa 2010. Bằng vào cung cách tổ-chức và qua những diễn tiến trong bốn ngày này, người tín-hữu Công-giáo Việt-Nam cả trong nước lẫn hải-ngoại cần lấy đây làm một cơ may nhìn lại Giáo-hội Quê-hương mình sau gần bốn thế-kỷ tiếp-nhận Tin Mừng Cứu-độ; nhìn lại sứ-vụ tông-đồ giáo dân của mình đã trưởng-thành ra sao và cũng từ đó nhìn ra mối tương-quan đích thực giữa giáo dân và hàng Giáo-phẩm phải như thế nào trong nhiệm-vụ cùng mở mang Nước Chúa giữa lòng đất tổ, giữa anh em đồng-bào. Đây không phải là một ý-thức mới-mẻ của một số đầu óc muốn phản-kháng hay muốn làm đảo lộn vai bậc trong cơ-chế của Giáo-hội mà là chính Công-đồng Vatican II, trong Hiến-chế Tín-lý về Giáo-hội đã dành trọn Chương II để diễn giải về ý-niệm Dân Thiên Chúa và Chương IV để nói về vai-trò và nhiệm-vụ của giáo dân trong Giáo-hội. Vì vậy, cho dù có sự phân biệt những thừa-tác-viên có chức thánh với các thành-phần khác trong Giáo-hội thì trong sự bình-đẳng căn-bản ngay khi chịu phép Rửa và trong một giao-ước mới cùng được mời gọi làm Dân Thiên Chúa, tất cả mọi người vẫn có sự bình-đẳng thực sự, bình-đẳng về phương-diện phẩm-giá và hoạt-động chung của mọi tín-hữu để xây dựng Hội-thánh như Thánh Augustinô nói “Giám-mục là tên chức vụ, Ki-tô hữu là tên ân-huệ”.
Theo truyền-thống từ giao-ước cũ về những đặc-ân của một dân riêng, Công-đồng Vatican II xác-quyết rằng mọi người khi đã lãnh-nhận Bí-tích Rửa Tội là đều đuợc thánh-hiến để lãnh nhận chức tư-tế thánh vì được thừa hưởng di-sản của dân tư-tế đã đuợc Thiên Chúa tuyển chọn và Công-đồng gọi đó là “chức tư-tế cộng-đồng” (Sacerdotium commune) khi nói “ Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình…” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo-hội). Thành ra, nếu từng cá-nhân trong Dân Chúa Việt-Nam không có ý-thức sống theo lương-tâm trung-thực đã được Chúa Thánh Thần soi chiếu cho để phân biệt thị phi, phải trái; phân-biệt giữa giáo-lý chân chính với tà-thuyết, thì có khác gì đã bỏ phí ơn đoàn sủng của mình. Và cũng chính vì thế mà người giáo dân không thể không nghĩ đến việc xét tật mình rồi nhận-diện chân-dung mục-tử của mình như là một yêu sách của việc Phúc-âm hoá xã-hội.
Theo sự đánh giá chính-thức từ ban-tổ-chức thì là đại-hội thành công tốt đẹp. Song phải chăng sự đánh giá này vẫn chỉ là cái lối chủ-quan xưa nay đã thành sạn trong đầu óc của các “đấng làm thầy” và còn đuợc kết hợp với phần định-hướng có tính chủ-đạo nữa … Bởi vì, ai chẳng hiểu là có kỳ đại-hội đảng nào mà không thành công vuợt bực theo định-hướng xã-hội chủ-nghĩa mà thực-tại xã-hội Việt-Nam đang có là kết-quả của những thành-công ấy thì bài bản này bây giờ được lập lại theo định-hướng ấy cũng chẳng có gì lạ. Chẳng những thế, cộng-đoàn Dân Chúa Việt-Nam sau những vụ việc đã xẩy ra tại từng điạ-phương như Hà-nội với Toà Khâm-sứ, Thái-hà, Tam-toà, Đồng Chiêm, Loan-lý, Cồn Dầu…và những nơi khác nữa mà vẫn kịp thời có đuợc một Đại Hội Dân Chúa … thì ai nào có thể cảm nhận đuợc sự thành công và sự tốt đẹp hơn các nhân-sự đứng tổ-chức. Chỉ cần nhìn nụ cuời rất “ấn-tượng” đầy thoả-mãn của giám-mục tổng-thư-ký đại-hội và lời “tuyên tín” của hồng-y rằng đấy chính là một lễ Hiện Xuống mới là đủ rõ. Nhưng thành công ra sao và tốt đẹp thế nào thì cần phải có những con mắt khách-quan hơn nhìn lại mới chính-xác, chẳng hạn cái nhìn từ những tham-dự-viên không phải trong ban-tổ-chức hay các vị trong giáo-quyền.
1. Về danh xưng Đại Hội Dân Chúa
Nguyên-ủy của Dân Chúa hay Dân Thiên Chúa (Populus Dei) là một cộng-đoàn nhân-loại đuợc Thánh Thần liên-kết từ thánh-ý Thiên Chúa muốn quy-tụ họ thành một dân-tộc để họ nhận biết kính tin Người trong chân-lý và phụng-sự Người trong thánh-thiện. Lịch-sử hình thành của Dân Chúa được bắt đầu từ thời Cựu-ước với việc dân Israel đuợc chọn để chuẩn-bị cho một giao-ước mới đuợc ký kết bằng Máu Thánh cứu-chuộc trong Đức Ki-tô thành một Dân-tộc mới, thành một dân thiên-sai (populus messianicus) mà thủ-lãnh chính là Đức Ki-tô. Nói gọn lại, Dân Thiên Chúa chính là Giáo-hội Chúa Ki-tô.
Và câu hỏi phải đuợc đặt ra là nội-dung sinh-hoạt của bốn ngày gọi là Đại Hội Dân Chúa 2010 có thực sự đúng nghĩa là một Đại Hội Dân Chúa và có đáp-ứng đựợc đúng theo tinh-thần tên gọi của nó hay không?
Nếu gọi là đại-hội Dân Chúa thì ít ra thành-phần tham-dự cũng như nội-dung sinh-hoạt phải đuợc sắp xếp cho quân-bình giữa giáo-sĩ và giáo dân, lại nữa phải quy-tụ nhiều thành-phần giáo dân thuộc các lãnh-vực khác nhau ngoài xã-hội thì mới mong có sự đóng góp kinh-nghiệm truyền-giáo đa dạng như Hiến-chế Giáo-hội nhìn nhận rằng “Phần các chủ chăn, nhờ sự trợ lực kinh-nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán-đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn để thiêng-liêng cũng như trần-thế”…mà không như tình-trạng một tham-dự-viên ghi nhận đuợc là các đại-biểu giáo dân của các nơi … “hầu hết là từ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, được các đấng, các bậc tuyển chọn căn cứ vào sự nhiệt tình phục vụ tại địa phương. Các vị đều quen với nếp sống ở quê nhà chứ không phải là ở Đại Hội, buổi sáng các vị dậy rất sớm như thói quen ở nhà, khề khà một tách trà hoặc ly cà phê, nói chuyện lớn tiếng, nghe đài. Sau những giờ họp ở Hội trường, các vị tranh thủ giặt giũ, ủi áo quần, đánh bóng đôi giầy, chăm chút chiếc cà vạt. Chả mấy khi lên đời như thế này, phải tươm tất để mỗi khi gần gũi các đấng Vít-vồ xin một pô ảnh, đem về phóng lớn cho con cháu ngưỡng mộ. 350 năm của Giáo Hội mới có ngày này cơ mà…Có những đại biểu đã được các đấng bản quyền địa phương chuẩn bị trước ngày đi phó hội nhưng có rất nhiều vị vì vâng lời mà lên đường…” (Vũ Sinh Hiên – Tôi dự Đại Hội Dân Chúa). Nếu là như vậy thì chẳng khác gì các đấng bậc đã lợi-dụng dịp đi phó hội này để tưởng thưởng cho những kẻ thuộc quyền hoặc kiểu như các bậc vuơng-tôn công-tử đi đâu phải có người điếu đóm. Lại nữa, theo sự ghi nhận chung thì ngoài những phát-biểu ngắn-ngủi trong hai ba phút ra, chương-trình chính của Đại-hội là mỗi ngày có một bài thuyết-trình và hai bài tham-luận đều do các giám-mục nói, hoàn toàn không có tiếng nói giáo dân trừ một bài chuyên-biệt đuợc gọi là của giới y-tế Công-giáo. Nhìn lại “Tài liệu làm việc” đã ban ra mang đầy tính chủ-đạo thì ngay chương đầu đã đặt vấn-đề về “Giáo-hội Chúa Ki-tô giữa lòng quê hương Việt-Nam” mà lại vẫn còn thói tục phong-kiến tâm-linh như thế thì sao tròn nghĩa hai chữ Dân Chúa, làm sao có Giáo-hội Chúa Ki-tô giữa lòng quê hương Việt-Nam với chỉ vỏn-vẹn một số giám-mục, linh-mục và tu-sĩ ? Rồi theo thói đời thường nói là danh có chính thì ngôn mới thuận, mà một khi đã có sự lấn-cấn giữa danh xưng và thực chất thì lấy chuẩn mực nào để đánh giá cho đúng?
2. Một đại-hội đầu Ngô mình Sở
Nếu dựa vào nội-dung chương-trình của bốn ngày hội họp với những tiêu-đề nêu ra trong tập “Tài-liệu làm việc” với nào là “chiều kích Ba Ngôi trong mầu nhiệm Giáo hội - thân mình Chúa Kitô đền thờ của Chúa Thánh Thần - chiều kích Kitô học trong mầu nhiệm Giáo hội - cấu trúc thần-nhân - cộng đoàn vượt qua và lữ hành…vân… vân…” thì đúng là một khoá họp chuyên-đề về thần-học của hàng giáo-sĩ mà thực-tế phải khiêm-tốn nhìn nhận là chưa dễ gì hết thảy các đấng bậc đã nắm bắt đuợc hết các ý-niệm trừu-tượng này…Song le, nội-dung các bài thuyết-trình và tham-luận thì lại không mang tính “mầu nhiệm” mà chỉ là nói theo kiểu ầu-ơ, ví dầu huề vốn hoặc biết rồi khổ lắm nói mãi và nihil novi sub sole.Vì vậy đã có nhiều ý-kiến rằng phải can-đảm lắm mới đủ kiên-nhẫn để nghe hoặc đọc hết những bài giảng như một số trích đoạn được sáng-tác xen kẽ trong những ý-niệm bài bản về tín-lý và giáo-lý sau đây:
Chẳng hạn như khi giảng về “Sống mầu-nhiệm Giáo-hội”, có đoạn … “Qua bản đề cương, Tài liệu học tập về Năm Thánh rồi Tài liệu làm việc cũng như những bài thuyết trình, tham luận và những góp ý của các đại biểu tại Đại hội, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về ba nét đặc trưng của Giáo Hội Chúa Kitô, đó là: một thực thể mầu nhiệm, một cộng đoàn hiệp thông với sứ vụ mang ơn cứu độ đến cho muôn người. Chúng ta phải công nhận rằng, tất cả những diễn tiến trong Năm Thánh, đặc biệt là trong 5 ngày Đại Hội Dân Chúa sắp kết thúc đây, đều là hồng ân Thiên Chúa ban, giúp Giáo Hội Việt Nam canh tân đổi mới. Vậy trước hồng ân bao la ấy chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên chúng ta phải tạ ơn Chúa. Nhưng việc tạ ơn của chúng ta không được gói gọn vào thánh lễ hôm nay, dù là rất sốt sắng và long trọng, tuy nhiên phải kéo dài suốt đời và phải thực hiện không những bằng những tâm tình nhưng còn phải diễn ra bằng việc làm và cuộc sống của chúng ta nữa. Thiết nghĩ việc làm đẹp lòng Chúa nhất là chúng ta hãy sống mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiệm hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mà nhờ ơn Chúa soi sáng, chúng ta đã nhận ra qua những gì chúng ta đã học biết được trong những ngày tháng vừa qua.
Trong một bài thuyết-trình về “Giáo-hội Việt-Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng” lại dạy rằng: “Cụm từ « của Chúa Kitô » nói lên sắc thái độc đáo trong việc yêu thương và phục vụ của người kitô hữu: Chúa Kitô là suối nguồn, là mẫu mực của yêu thương và phục vụ. Vì thế, hành vi yêu thương phục vụ này không chỉ hàm nghĩa luân lý (moral), mà còn mang nghĩa tinh thần (spirituel) và thần bí (mystique). Ý thức được rằng mọi điều tôi có trong cuộc đời là do hồng ân Chúa ban tặng, và Chúa ban cho tôi một tài năng nào đó, là để tôi thăng hoa chính đời sống của mình và giúp cho anh chị em đồng loại có điều kiện sống xứng đáng ơn gọi làm người.
Hành vi yêu thương phục vụ thực sự không bị lệ thuộc vào màu cờ sắc áo. Nó có khả năng vượt qua mọi định kiến, mọi ranh giới phe nhóm, để phục vụ con người…. Để xây dựng đường hướng mục vụ này, chắc chắn một điều là chúng ta không thể hành xử hoàn toàn như người không có đức tin, lấy quyền lợi vật chất làm cứu cánh, nhưng còn phải qui chiếu vào những giá trị của Tin Mừng. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn phải là chứng nhân can đảm và trung thành nhất cho sự thật, lẽ phải với công tâm xây dựng đất nước trên nền tảng công lý và hòa bình. Đây chính là thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng "lúc thuận cũng như lúc nghịch". Trách nhiệm này không chỉ dành riêng cho những mục tử, mà còn là nguyên tắc hành động của mỗi thành phần Dân Chúa, như là những chứng nhân của Tin Mừng trong đời sống hằng ngày. Thuyết-trình-viên còn hân-hoan công-bố một “tin mừng cả thể” nữa là “Người kitô hữu sống trên đất nước Việt Nam là người công dân Việt Nam. Đạo Công giáo là một tôn giáo đã hiện diện lâu năm ở Việt Nam, và đã được Nhà Nước Việt Nam công nhận là một tổ chức tôn giáo hợp pháp…” . Đúng là đã hai ngàn năm qua, Giáo-hội hoàn-vũ chưa thấy ở đâu có được điều này.
Trong bài tường-thuật “Tôi dự Đại Hội Dân Chúa”, Vũ Sinh Hiên ghi nhận: “Trong bài tham luận của Giám Mục Đà Nẵng, ngài đã làm Đại hội sửng sốt khi đưa một từ mới vào từ điển Việt Nam: Mục Vụ Nhà Đất. Từ xưa đến giờ, người ta chỉ nghe nói về dịch vụ nhà đất chứ chưa ai nghe nói đến loại mục vụ do Giám mục Đà nẵng mới sáng chế. Chỉ tiếc rằng lời phát biểu còn mông lung mơ hồ khiến Đại hội chưa nắm bắt được cái cốt lõi của Mục vụ này, nhất là không thấy Giám mục Đà nẵng đẩy vấn đề đi xa hơn, ấy là chuyện đất đai ở quê hương của ngài. Và vì nghe đến chữ đất tôi tự hỏi Đại hội Dân Chúa đang được tổ chức trên mảnh đất nào đây. Tôi có cảm tưởng như là Đại Hội Dân Chúa lần I này, sau 350 năm thành lập hai Giáo Phận Tiên Khởi, đang được diễn ra trên một đất nước thanh bình, vô cùng thanh bình, không có vấn đề gì cả…” Và đây là nguyên văn: “…Chuyện nhà đất cũng trở thành những sự kiện nóng bỏng trong Giáo Hội hôm nay, theo nhịp chuyển mình chung của đất nước. Đứng trên góc nhìn mục vụ, những cuộc tranh chấp nhà đất có liên quan đến Tôn giáo đã xảy ra nơi này nơi khác, với những lý do và hoàn cảnh ít nhiều khác biệt, nhưng đều có chung một hậu quả là đã để lại những ảnh hưởng và hình ảnh không mấy sáng sủa về một Giáo Hội Sứ Vụ, vốn là hiện thân cho bình an, hoan lạc, công chính và thánh thiện. Nghĩ đến một hướng mục vụ cho vấn đề nhà đất hiện nay, gọi nôm nay là "mục vụ nhà đất", không hề là một ý tưởng đùa nghịch, thậm chí còn phải đặt lên hàng đầu, để mỗi chúng ta cùng suy tư, cầu nguyện. Đây cũng được xem như một "dấu chỉ thời đại" quan trọng được gửi đến cho từng thành phân Dân Chúa trong Giáo Hội Việt Nam ngay trong thời điểm này. Những biến cố vừa qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam, đã và đang tiếp tục gây ra bao nhiêu sóng gió, đau thương và cả những đổi thay trong lòng Mẹ Giáo Hội, gây hoang mang chia rẽ và làm thương tổn nặng nề cho tình hiệp thông, làm lu mờ tính cách mầu nhiệm của Giáo Hội, và chắc chắn đã tạo ra không ít bất lợi cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội giữa lòng đất nước dân tộc mình. "Mục vụ nhà đất" càng quan trọng và tế nhị hơn, khi ảnh hưởng đến toàn xã hội dân sự mà chúng ta là thành phần, cũng như các tôn giáo khác, chứ không riêng gì cho Giáo Hội Công Giáo chúng ta…”
Chẳng hiểu “ngài” có nắm vững ý-nghĩa của hai chữ “Mục vụ” hay không mà bên cạnh “mục vụ nhà đất”, còn có mục vụ nhà trẻ với lý-luận kiểu cưỡng từ đoạt lý rằng “ Hầu như ngày nay, ít có một tu viện nào của các nữ tu dòng, lại không có một cơ sở nuôi dạy trẻ. Tu viện lớn, nhà trẻ lớn, tu viện nhỏ, nhà trẻ nhỏ. Có khi tu viện thì nhỏ, nhà trẻ lại lớn. Trước hiện tượng này, có nhiều nhận định khác nhau. Có người khắt khe cho rằng các nữ tu chỉ lo làm ăn, ít dành thời gian cho việc mục vụ. Thậm chí có vị hữu trách tôn giáo còn sẵn sàng trợ cấp cho các nữ tu để các chị khỏi phải giữ trẻ nữa, mà dành trọn thời gian cho việc mục vụ thông thường trong xứ đạo. Thế nhưng, trong giòng duy tư ngày nay về một Giáo Hội Sứ Vụ tổng quát, tại sao chúng ta lại không thể nghĩ đến một nền "mục vụ nhà trẻ"…? có nghĩa là từ nay khi hàng giáo-sĩ hay tu-sĩ làm bất cứ dịch-vụ gì ngoài xã-hội cũng đựợc coi như làm mục-vụ, mà còn là mục vụ đặc-biệt chứ không như mục vụ thông thường trong xứ đạo. Chẳng thế mà trong bài tham-luận của một linh-mục đã xoay quanh vấn-đề truyền giáo qua con đường du lịch với đề-nghị: Xây dựng các Trung tâm hành hương – du lịch văn hoá, có chỗ ăn nghỉ, có hội trường đủ lớn để tổ chức các buổi toạ đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề. Đào tạo nhân sự có đủ chuyên môn và nhiệt huyết đáp ứng nhu cầu của khách hành hương, du lịch văn hoá tâm linh. Xây dựng các tours hành hương – du lịch liên kết giữa các giáo phận, giáo tỉnh: các Trung tâm hành hương, các nhà thờ Chính toà, các đền thánh, các Chủng viện, các trụ sở chính của các giáo phận lớn, các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của địa phương. Phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin, website của HĐGMVN, cũng như của các giáo phận….” Nhưng điều quan trọng là chẳng hiểu nhà nước có cho ông tự-do cạnh tranh với các công-ty du-lịch hay không đây.
3. Những điều thiếu sót cũ trong “lễ hiện xuống mới”
- Lần đầu tiên sau gần bốn thế-kỷ Tin Mừng đuợc rao giảng trên vùng đất quê hương nhiều đau khổ này, chắc chắn phải có nhiều kinh-nghiệm vui buồn cũng như gian-nan trắc-trở, thế mà một cuộc hội họp mang danh là Đại Hội Dân Chúa 2010 đã không hề dành ra một phần nào cho việc khiêm-tốn xét mình về những điều thiếu sót là việc không đúng với bản-chất của một Hội-thánh luôn cần thanh-tẩy, vẫn hàng năm có hai mùa sám-hối là Mùa Chay và Mùa Vọng. Đã vậy, lại còn kiêu-hãnh ví-von đấy là một lễ Hiện Xuống mới thì quả thực quá loạn ngôn giống như cách ăn nói vô tội vạ của một giáo dân đã xem mấy ngày ở Đại-hội như đuợc ở thiên-đàng.
Lễ Hiện Xuống của Hội-thánh Công-giáo là một mầu-nhiệm cả thể nói lên sự kết-hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong tình yêu mến của Ngôi Cha và Ngôi Con cùng với Ngôi Ba dành cho loài người chứ đâu phải là một sự việc bá-vơ có thể đem gán ghép cẩu-thả theo ý riêng đuợc.
- Nho-giáo chủ trương “quân-tử hoà nhi bất đồng”, có nghĩa là ngôn-ngữ hành-vi phải xứng kỳ đức. Những cách nói giám mục thiếu nhi, chưa thôi nôi không phải là hội nhập văn-hoá mà là hí-lộng bừa bãi ở những nơi không nên có.
- Vị linh-mục thông-dịch cho Đức cha Bosco Lin sẽ mang theo về Đài-loan dấu hỏi to lớn trong đầu về ý-thức và lương-tâm trong trách-nhiệm của một ‘đấng bậc” khi ông rất chân-thành và nghiêm-túc bày tỏ tâm-tình với Giáo-hội Quê-hương mà lại được nhận một câu bông đùa thái quá “Cha đại diện linh mục tu sĩ với công nhân thì được chứ lại còn đại diện cả các cô dâu Đài Loan nữa à?” để cả hội trường cười vang thì có lỗi phạm đức bác-ái không? Cũng vậy, Đức cha Đài-loan cho dù không hiểu nghĩa câu nói nhưng chắc cũng phải ngạc nhiên vô cùng về trận cuời này kèm theo sau khi ngài trình bày những điều đang là nỗi dằn vặt của lương-tâm Ki-tô giáo.
- Yếu-tính của Dân Thiên Chúa là hiệp-nhất và phổ-cập. Đại Hội Dân Chúa cũng đã nêu nhiều đề-mục về hiệp-thông, hiệp-nhất nhưng đã loại Dòng Chúa Cứu Thế ra khỏi danh-sách chính-thức của các bề trên thượng cấp với lý-do đuợc giám-mục Nguyễn Chí Linh giải-thích là ngày các Dòng Giáo-hoàng họp để cử đại-biểu vào đại-hội thì Dòng Chúa Cứu Thế vắng mặt và đã cử một đại-diện không có giấy ủy-quyền hợp lệ (?). Vì vậy đã có nhiều nhận-định cho rằng đấy chỉ là cái trò cố tình loại ra vì cái “nố tội” Thái-hà mà thôi chứ cũng có một bề trên Xi-tô không có mặt trong buổi họp mà vẫn là đại-biểu. Hoặc nữa, một số tham-luận có đụng chạm đến các đấng bậc như bài của linh-mục Nguyễn Ngọc Sơn chẳng hạn, đều không đưọc phổ biến tại Đại-hội. Như vậy có là hiệp nhất, hiệp thông hay không? Vậy mà trong Đại-hội vẫn có bài tham-luận về “Ý nghĩa và cần thiết của việc đối thoại liên tôn” là sao? Và như vậy thì đúng là thân chưa tu xong đã đòi nhảy vọt đến bình thiên-hạ khi hồng-y Phạm Minh Mẫn trong bài "Đáp lại lời kêu gọi của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010" có nói đến cái lẽ "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của người xưa.
- Đa số các vị trong Hội-đồng Giám-mục đã làm ngơ trước các bất-công của xã-hội; đã thoả-hiệp với một chính-quyền chỉ cai trị bằng bạo-lực; đã quay lưng với tuyệt đại đa-số dân nghèo mà đúng ra là sứ-vụ truyền-giáo theo tinh-thần Mát-thêu 25; với nhiều trường-hợp bị áp bức, bị bóc lột …sao không đuợc xưng ra trước Đại Hội vì tội thiếu sót và làm định-hướng cho tương-lai như Công-đồng đề-cập: “Chính công cuộc cứu-độ đòi hỏi tín-hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền-lợi và nghĩa-vụ của họ với tư-cách một phần-tử của Giáo-hội và đâu là quyền-lợi và nghĩa-vụ với tư cách một phần-tử trong xã-hội loài người….Vì thế, trong thời-đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín-hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và hoà hợp các nghĩa-vụ và bổn-phận này trong phương-thức hành-động của họ, để sứ-mệnh của Giáo-hội có thể đáp-ứng những hoàn-cảnh đặc-biệt của thế-giới ngày nay cách trọn vẹn hơn. Thực vậy, nếu phải công nhận cho xã-hội trần gian quyền điều-hành theo những quy-tắc riêng biệt vì lo-lắng việc trần-thế cách hợp-pháp, thì việc loại bỏ tà-thuyết chủ-trương xây dựng xã-hội bất cần đạo-lý và chủ-trương chống lại hay hủy diệt tự-do tín-ngưỡng của người công-dân cũng rất chính đáng. (Hiến-chế Tín-lý về Giáo-hội – chương IV, Giáo dân) để hướng-dẫn tín-hữu biết quan-tâm và dấn thân về mọi lãnh-vực xã-hội, kinh-tế, chính-trị, văn-hoá…
4. Kết luận
Trong Nho-giáo, giới sĩ-phu khoa bảng đuợc xem như tinh-hoa của xã-hội vì họ được ăn học và đào-tạo kỹ về đạo làm người với Tứ Thư, Ngũ Kinh chứa đầy bụng để thành người quân-tử. Vì vậy, khi cá-nhân nào thuộc thành-phần này vì ham danh háo lợi nên để mất cái dũng khí mà cam tâm khom lưng luồn cúi kiểu xin - cho thì bị gán cho bốn chữ “ngũ-kinh tảo điạ”, nghĩa là cái bụng chứa đầy Ngũ Kinh đã quét đất. Cả một công-trình của các giáo-sĩ cao cấp nỗ-lực với những bài bản lấy ra từ hết Lời Chúa đến Thần-học và viện dẫn cả Công-đồng để tổ-chức Đại Hội Dân Chúa 2010 như trên là vì muốn khai sáng thêm cho Giáo-hội Việt-Nam hay thực ra không ngoài mục-đích biện minh cho hướng “đối thoại” và “hợp tác” với nhà nước cộng sản hiện nay? Nếu chỉ vì “tư duy” đó thì đúng đây là một lễ hiện xuống mới theo cái nhìn đen nhất của người bên ngoài khi thấy các Tông-đồ nói tiếng lạ mà họ không hiểu; vì ai chẳng biết rằng “đối thoại” chỉ là đạo đạt các đề-nghị muốn xin lên nhà nước, còn “hợp tác” chính là làm những gì được cho phép hay có chỉ-thị phải làm. Có người đã hơi bị khập khiễng một chút khi so sánh cuộc họp này với buổi toạ-đàm kỷ-niệm 100 năm ngày sinh của đức Tổng-giám-mục Nguyễn Văn Bình do Câu-lạc-bộ mang tên ngài tổ-chức hồi cuối tháng 8-2010 với câu kết-luận là “dù sao cuộc toạ-đàm cũng trí-thức hơn, còn ở đây (Đại Hội Dân Chúa Việt-Nam 2010) nhà quê quá. Nhưng ban-tổ-chức lại cần cái “nhà quê” này để lèo lái đến kết cục đẹp lòng nhà nước”. Nếu đúng như vậy thì xin hỏi các vị thực sự có chu toàn sứ-mạng Đức Ki-tô trao phó hay không? Chẳng những thế, khi đem tinh-thần “mục vụ” như thế vào trong một sinh-hoạt như Đại Hội Dân Chúa 2010 vừa qua, quý vị đã để cho nhiều giá-trị thánh-thiêng bị lẫn lộn chung với những cái trần-tục, làm lem-luốc chân-dung trung thực của một mục-tử theo cách nhìn của Đức Ki-tô.