Sống Ở Mai Khôi

Sống ở Mai Khôi có niềm vui, nỗi buồn, có cái sướng cái khổ, có phấn khởi và cũng có chán nản. Đó là những chuyện thường tình trong bất cứ đời sống nào, dù trong chốn tu hnh hay ngoài nơi cõi tục. Có điều là phải biết vưon lên khi gặp khó khăn và kiên trì theo đuổi ơn gọi.

1. Niềm vui hợp đoàn

Tôi về nước năm 1965, sau khi đã tu học 9 năm ở Angers, Eveux và Paris, vào nhà tập, học hành và chịu chức linh mục bên Pháp. Tôi về nước giữa lúc Tỉnh Dòng Lyon có chính sách Việt Nam hóa Đa Minh thuộc Pháp, nghĩa là dành tu viện Mai Khôi cho các anh em Việt Nam, còn các anh em Pháp thì một số hồi hương như cha Marie-Bernard Pineau sau khi đã ở Việt Nam 11 năm, cha Alexis Cras qua đời đột ngột khi về Lyon dự công hội Tỉnh Dòng, cha Arbogaste Haag về tĩnh dưỡng, cha Henri Lorry lên Tùng Nghĩa tăng cường cho cộng đoàn mấy cha Dreyer Dufer, André Léna và Guibert. Riêng cha Jeffro ở Đà nẵng làm tuyên úy cho Đệ tử viện và Nhà Tập các nữ tu Dòng thánh Phao-lô thành Chartres. Cha Nerdeux coi sóc nhà thờ An Hòa rồi sau xuống Long Xuyên với Đức Cha André Jacq. Lúc bấy giờ Mai Khôi mới chỉ là tu xá chứ chưa phải là tu viện, vì chưa đủ số người như luật định. Sau khi các cha Pháp hoặc về nước, hoặc lên Tùng Nghĩa hay xuống Long Xuyên, nhà Mai Khôi lúc bấy giờ có cha Lịch, cha Long Tiên, cha Lương thày Thái và tôi. Cha Bửu Dưỡng dời Du sinh sang Fatima dạy học. Cha Anh về nước đầu năm 1966 và được cử xuống Cần Thơ lập cư xá sinh viên Phục Hưng II. Cha Cẩm về nước năm 1967. Sau một thời gian tĩnh dưỡng tại Pháp, cha Haag trở lại Mai Khôi vào cuối năm 1967, dạy tiếng Đức tại Regina Mundi,(trường của các kinh sĩ Dòng Đưc Bà (thường gọi là Couvent des Oiseaux) và làm tuyên úy cho dưỡng đường Saint Paul. Sau hơn một năm sống ở Tùng Nghĩa, cha Lorry thấy không hợp khí hậu, hay bị nhức đầu nên được chuyển xuống Cần Thơ giúp cha Anh. Nhưng ở Cần Thơ phần thì không có mấy việc để làm, thần thì điều kiện sống vất vả ở một cư xá sinh viên đang trong giai đọan thành hình, nên tôi đề nghị đưa cha trở về thành phố. Đề nghị này được Ban Cố Vấn chấp thuận. Thế là nhà Mai Khôi đủ số người để được nâng lên hàng tu viện vào ngày 11.02.1969. Cha Phạm Long Tiên được bầu làm tu viện trưởng đầu tiên. Quyền hành đã được chuyển sang tay anh em Việt Nam từ 1965, nhưng mấy cha Pháp vẫn sống vui vẻ, bình đẳng và chu toàn bổn phận không phân biệt đối xử hay tự tôn mặc cảm. Mấy anh em chúng tôi được học hành huấn luyện bên Pháp nên cũng dễ hòa hợp với các cha. Hai cha Haag và Lorry sống ở Mai Khôi được coi như gạch nối và trái đệm giữa chúng tôi, mỗi khi xảy ra khó khăn hoặc va chạm vì tính tình khác biệt hay lập trường đối chọi. Nhờ vậy, chúng tôi sống trong cảnh yên hàn, ai nấy lo làm việc bổn phận mình theo đường lối chung là phục vụ sinh viên, giảng dạy, viết lách, phổ biến lời Chúa ở nhà thờ, nơi nhà trường trên báo chí. Hồi đó cha Lịch làm đại diện Tỉnh, cha Tiên giữ chức tu viện trưởng kiêm giám đốc cư xá sinh viên Phục Hưng và Tổng đoàn Hiệp Sinh. Còn chúng tôi, người dạy đại học và đại chủng viện, người làm tuyên úy sinh viên, người điều khiển tạp chí và Hội Điện ảnh Văn hóa, người đi giảng tĩnh tâm cho các Dòng. Người ít, nhưng việc nhiều thành ra ai cũng bị cuốn hút vào công việc và cảm thấy hứng thú. Đó là niềm vui và cũng là động lực giúp chúng tôi sống trong niềm say sưa phấn khởi.

2. Nỗi buồn ly tán

Nhịp sống của chúng tôi đang ngon trớn như vậy thì từ ngày 30.4.1975 bị khựng lại. Tất cả những công việc chúng tôi làm từ trước tới nay đều ngưng đọng. Chúng tôi không còn được dạy học, viết lách hay đi giảng nữa. Cư xá Phục Hưng phải giải tán và dành cho Nhà Nước sử dụng. Mọi sinh họat bên Trung Tâm Phục Sinh số 229 đường Hiền Vưong (nay là Võ thị Sáu) như Tổng Đoàn Sinh Viên Công Giáo, Thanh Niên Công Giáo Đại Học (JUC), Tổng Đoàn Hiệp Sinh, Hội Điện Anh Văn Hóa, lớp Đức Tin Văn Hóa, tòa sọan tạp chí Nhà Chúa, Bàn giấy Phổ Biến Tin Mừng phải đình chỉ vô thời hạn. Chúng tôi ngậm ngùi nhìn sự tan biến của những tổ chức và sinh họat trên với nỗi buồn hoang mang lo lắng. Lúc này cha Haag vì yếu tim đã về Pháp, chỉ còn lại hai cha Lorry và Alain Riou. Cha Riou la cháu ngọai cụ Nguyễn văn Vĩnh, thuộc Tỉnh Dòng Paris được bổ nhiệm sang học tiếng Việt ở tu viện Mai Khôi để sau này có thể ở lại lam việc tại đây. Cha này sang Việt Nam năm 1973, sau khi cha Hòa và cha Hùng về nước được mấy tháng.

Từ cuối tháng Sáu 1974, tôi được cử xuống Cần Thơ thay cha Anh, coi sóc cư xá Phục Hưng II và làm tuyên úy sinh viên công giáo tại đó. Cha Anh được Đức Tổng Bình mời về Sài gòn, làm đại diện phía công giáo cùng với cha Nhân dịch Kinh Thánh chung với anh em Tin Lành. Tu viện Mai Khôi đồng ý để cha Anh làm công việc mang tính đại kết này. Tôi ở Cần thơ 11 tháng từ tháng 6.1974 đến tháng 5.1975. Ngày 11.4.1974 theo quyết định của tu viện Mai Khôi, tôi trao cư xá và chức vụ tuyên úy sinh viên cho giáo phận. Đức Cha Quang cử cha Vũ văn An đứng ra nhận công việc này. Tôi chuẩn bị về lại thành phố. Chẳng may chiều ngày 21.4.1975 tôi bị sốt rét thương hàn sau mấy ngày chạy qua chạy lại, chịu mưa nắng để quyên góp đồ cứu trợ cho đồng bào bị pháo kích ở Chợ Mới. Ngày 8.5.1975 qua cơn bệnh, tôi về Mai Khôi. Tại đây tôi được lệnh phải gấp rút chuyển về thành phố. Thế là trong vòng một tuần lễ, nhờ thày Thái xuống giúp, tôi trở về Mai Khôi và ở cho đến ngày nay. Trong giai đọan này chúng tôi phải mang một nỗi buồn phân tán và ly tán. Tháng 9.1975, Đức Cha Lâm mời 3 chúng tôi : Anh, Hùng Quế lên Đà lạt giúp chủng viện Minh Hòa và điều khiển Giáo Hoàng Học Viện thay các cha Dòng Tên mới bị trục xuất. Sau đó cha Lorry, và cha Riou cũng bị trục xuất cùng với cha Jeffro, Léna và các cha thuộc Dòng Tên, Thừa sai Paris, Chúa Cứu Thế, Vinh sơn. Bấy giờ tu viện Mai Khôi chỉ còn cha Lich, cha Long Tiên, cha Cẩm, cha Hòa và thày Thái. Ba chúng tôi lên lên xuống xuống Sài gòn Đà lạt. Mỗi lần đi phải xin giấy và giấy chỉ cho ba tuần hay một tháng, hết hạn phải xin lại. Mỗi lần xin giấy là một lần thấp thỏm và đi đường chỉ lo bị bắt. Chế độ này kéo dài hơn một năm. Đến cuối năm 1977, Giáo hoàng Học viện phải giải tán. Ba chúng tôi lại trở về Mai Khôi.

3. Nỗ lực tồn tại

Trong giai đọan này, mỗi người phải tự tìm lấy công việc mà làm. Cha Lịch lập ra Nhóm Canh tân Hòa giải và sau đó dạy về Công Đồng tại Đại Chủng Viện thánh Giu-se ; cha Anh dạy Kinh thánh và cha Hùng dạy luân lý cũng trong Đại chủng Viện ; cha Cẩm, cha Hòa và tôi làm việc trong Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ ngay tại Mai Khôi. Riêng tôi từ 1979-1992 được Đức Tổng Bình cử làm Đặc Trách họ đạo Vườn Chuối. Hồi này cha Long Tiên rồi cha Hùng làm cha sở nhà thờ Mai Khôi. Giai đọan này, chúng tôi chỉ được giảng trong phạm vi quận 3. Vì ít việc nên ai trong chúng tôi cũng cố dùng thời giờ rảnh rỗi để dịch, viết và ra sách, nhất là cha Hùng. Vì thế, Đức cha Lãng, khi có dịp ghé Lyon vào thời đó, đã nói với cha Giám Tỉnh chúng tôi là cha nên hãnh diện về anh em của cha ở Việt Nam, bởi mỗi người là "một nhà xuất bản".

Cuối năm 1992, Tỉnh dòng Đa Minh Lyon họp Tỉnh Hội. Tôi được đại diện tu viện Mai Khôi sang tham dự. Trong phiên họp bầu Giám định viên, Tỉnh Hội đã bầu tôi vào Ban Giám định gồm 6 người để làm việc cho Tỉnh Hội. Cuối Tỉnh Hội, cha Jean-Pierre Lintanf, Bề Trên Giám Tỉnh khóa II đặt tôi làm Đại Diện Tỉnh Dòng tại Việt Nam. Trên cương vị này, khi về nước, tội họp bàn với ban Cố Vấn chiêu mộ thỉnh sinh và mở Nhà Tập. Vì chúng tôi chưa có đủ người nên phải gửi lớp tập sinh đầu tiên sang Ba Chuông. Cứ ban sáng các anh đi sớm rồi tối lại về Mai Khôi. Lớp tập sinh này gồm 7 người. Hiện nay 3 người đã dời khỏi Dòng, còn lại 4 người làm linh mục. Đó là các anh Thông, Thọ, Sinh, Trung. Sau năm Nhà Tập, chúng tôi chia nhau dạy các anh tại nhà. May mắn vài năm sau có lớp bồi dưỡng thần học cho các tu sĩ. Ban đầu lớp mượn nhà truyền thống của giáo phận, đến năm sau đưa về 229 Võ thị Sáu (Hiền Vương cũ). Cơ sở này trước là Trung tâm Phục Sinh do cha Lịch quản nhiệm. Nhờ vậy từ 1994 đến nay, các Dòng có các anh em tiếp tục theo nhau chịu chức linh mục. Từ 1986, Nhà Nước phát động phong trào đổi mới. Ở thành phố, các sinh họat tôn giáo được nới lỏng, linh mục được đi lại tương đối dễ dàng kể cả ra nước ngoài. Tu viện Mai Khôi được cử người đi tham dự Công Hội Tỉnh và dự các cuộc họp quốc tế như cuộc họp Công Lý và Hòa Bình và Đại Hội Bề Trên Cao Cấp Đa Minh vùng châu Á Thái Bình Dương tại Sydney vào đầu tháng 10 năm 1998. Hồi này Mai Khôi hoạt động mạnh về mục vụ giáo xứ. Các ca đoàn được chăm sóc và phát triển, các lễ nghi phụng vụ được chuẩn bị kỹ và cử hành chu đáo. Vì vậy, số người đến tham dự lễ các chiều Chúa nhật rất đông, tuy nhà thờ nhỏ bé chật hẹp.

Vào thời kỳ này, Mai Khởi đang phấn khởi về các họat đông mục vụ và hy vọng sẽ có một số người trẻ kế thừa thì gặp phải hai biến cố trùm lên như những áng mây đen ảm đạm : đó là vụ kiện Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ do cha Hòa đâm đơm, được cha Cẩm phụ họa và cha Anh đồng ý để cha Long Tiên quản lý xuất tiền ra thưa kiện. Rồi bỗng nhiên trong vòng mấy năm, Phụ Tỉnh mất đi 4 người anh em : cha Lương bị xe hơi cán chết tại Caen, cha Long Tiên bị ung thư phổi qua đời ở Paris, cha Hùng bị nhồi máu cơ tim chết trong một buổi họp Liên tu sĩ thành phố tại tu viện Phan- xi- cô Đa kao và cha Bửu Dưỡng qua đời đang lúc còn làm việc ở Thủ Đức sau một cơn cao máu bất thường. Những cái tang đó làm suy giảm con số anh em ở Mai Khôi. Có lẽ vì thế, cha Bề Trên Tổng Quyền Timothy Radcliffe mới có ý định sáp nhập Mai Khôi vào Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngài ngỏ ý này với cha Bề Trên Giám tỉnh Lyon. Một cuộc thăm dò và sắp xếp được tiến hành cả về phía Tỉnh Dòng Lyon lẫn Phụ Tỉnh Mai Khôi. Chính Tỉnh Dòng Lyon cũng được đề nghị sáp nhập vào Tỉnh Dòng Paris, vì Lyon không có ơn gọi, số anh em lớn tuổi ra đi về với Chúa mỗi ngày một nhiều, nên chính Lyon cũng khó lòng đứng vững nổi. Vào giai đọan này, cha Lịch bị thử thách nhiều. Đầu năm 1994 cha ở Pháp về, sau khi đã chữa trị ba năm ở bên đó. Về nhà, cha phải ngồi xe lăn, nhưng vẫn dạy học và thỉnh thoảng được mời đi giảng cho anh em Phan-xi-cô ở Thủ đức và các chị Cát Minh tại Tôn Đức Thắng, dù mắt mờ, hai bàn chân bị cưa. Cha làm cha giáo các anh em Đa Minh trẻ tại Mai Khôi, dạy Công Đồng tại Đại chủng Viện thánh Giu-se và lớp Bồi dưỡng Thần Học. Nhưng đến Mùa Chay 1996, cha bị nhũn não, phải vào nhà thương điều trị và khi về thì không nói, không nhìn, không nghe, không cử động được nữa. Cuối cùng sau bốn năm bi thảm đó, cha đã qua đời ngày 14.6.2000, gần sáu tháng sau cái chết của người bạn chí cốt là cha Lorry mất ở Rennes ngày 28.01.2000.

Đầu năm 1998, cha Eric de Clermont-Tonnerre, Bề Trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Pháp (gồm Paris-Lyon nhập lại) sang Mai Khôi để thăm dò và hướng dẫn bước đường đi tới hợp nhất với Tỉnh Dòng Nữ Vương các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cả cha Timothy lẫn cha Eric không vị nào tỏ ra vẻ gì áp đặt mà chỉ gợi ý nên chăng cho anh em đắn đo suy nghĩ rồi quyết định. Cuối cùng, sau nhiều lần trao đổi và bỏ phiếu chuẩn bị, số phiếu nghiêng về hợp nhất đông hơn. Thế là từ ngày 22.5.1999, Mai Khôi hợp nhất với Tỉnh Dòng Nữ Vương các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

4. Một kỷ nguyên mới

Phải nói là kỷ nguyên vì từ sau ngày 22.5.1999, Mai Khôi không còn thuộc Tỉnh Dòng Pháp nữa. Chiều ngày 23.5.1999, một phái đoàn đang tham dự Tỉnh Hội Nữ Vương các thánh Tử Đạo Việt Nam mang văn thư chấp thuận hợp nhất của cha bề Trên Cả sang cho Mai Khôi. Tu viện Mai Khôi có mặt đông đủ (trừ cha Lịch) đã bình tĩnh đón nhận quyết định này. Từ nay Mai Khôi bước sang một kỷ nguyên mới. Tuy vậy, trước đó trong một buổi họp giữa cha Trân, Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Việt Nam và cha Lintanf Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Lyon, hai bên đã đồng ý với nhau là để cho Mai Khôi có một qui chế riêng sau khi hợp nhất, nghĩa là Mai khôi vẫn giữ và theo đưổi bản sắc riêng của mình là thiên về họat động trí thức trong mội trường sinh viên và đại học. Các họat động sách vở báo chí, trao đổi với sinh viên và giới thức giả, được duy trì và phát triển. Tỉnh Dòng Lyon (nay là Phap) vẫn tiếp tục giúp đỡ Mai Khôi bằng báo chí, sách vở, tài liệu và học bổng tùy khả năng. Tỉnh Pháp đã cấp học bổng cho các anh Thông Thọ Dũng Thảo Nghị Hiển. Mà quả thật, từ ấy đến nay, Tỉnh Dòng Pháp vẫn gửi đều đặn tờ thông tin PRECHEURS hàng tháng. Năm nào vào dịp Noel, tu viện Lille cũng gửi thiệp và thư chúc mừng và cho biết chương trình họat động trong năm. Từ khi hợp nhất, hai cha Giám Tỉnh cũ là Eric và Jean-Pierre đã sang thăm lại, một vị vào mùa hè năm 2003, một vị vào dịp mừng 50 năm Mai Khôi hồi tháng Giêng 2006.

Ngày hợp nhất, Mai Khôi có 4 tập sinh, 10 sinh viên, 1 trợ sĩ, 5 linh mục và mấy thỉnh sinh. Về cơ sở vật chất, có Trung Tâm Phục Sinh (khu vực villa), cư xá sinh viên Phục Hưng (cho Nhà Nước mượn), nhà thờ và tu viện. Nhà thờ kiến trúc theo lối Đông Phương, khánh thành đầu năm 1998, nhẹ nhàng, thoáng mát. Cư xá Phục Hưng đã được Nhà Nước trao trả lại ngày 22.12.2002 nhờ văn thư yêu cầu của Đức Cố Tổng Bình ký năm 1995, một thời gian vắn trước khi ngài qua đời, cùng với cuộc vận hành bằng xe lăn của cha Lịch có cha Cẩm và tôi tháp tùng đên gặp ông Lê khắc Bình, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố lúc bấy giờ. Bẵng đi sáu năm, đến năm 2001, nhờ các cuộc vận động rao riết của cha Bề Trên Trân và đôi lần can thiệp của cha Cẩm, cuối cùng cư xá đã đuợc trao trả lại.

Cha Trân đã giao cho cha Thọ, quản lý tu viện sửa sang tu bổ lại. Lúc này cư xá như một ngôi nhà bỏ hoang, cửa rả, bàn ghế, quạt trần, bàn cầu đều được tháo gỡ mang đi hết. Phải mấy tháng trời ròng rã và tốn nhiều công sức tiền bạc, cư xá mới có được bộ mặt như bây giờ. Sau khi chỉnh trang lại, cư xá được mang tên là Trung Tâm Phao-lô Nguyễn văn Bình với ba hội trường Đỗ Minh Vọng, Nguyễn Huy Lịch, Phạm Long Tiên dùng làm phòng học, phòng diễn thuyết, phòng hội thảo nhóm. Lầu I dành cho nhà Giám Tỉnh, lầu II cho Info World tạm thời thuê theo hợp đồng từng thời gian một. Dãy nhà tôn phía đường Tú Xương dùng làm phòng giáo lý, phòng tập hát cho các ca đoàn, phòng sinh họat cho sinh viên, phòng in phóng ảnh, phòng trưng bày sản phẩm của các em khuyết tật, phòng tư vấn du học, văn phòng luật sư, hiệu thuốc tây, nhà sách Mai Khôi, phòng khám từ thiện cho người mắc bệnh Sida.

Ít lâu, sau khi hợp nhất, cha Trân được bầu làm tu viện trưởng Mai Khôi liên tiếp ba khóa. Cùng với cha Bề Trên Trân về Mai Khôi có thêm hai cha Vũ và Mão rồi sau đó, mười mấy thầy ở học viện Gò vấp qua bên này học thần học tại Trung Tâm Phao-lô Nguyễn văn Bình. Đang từ chỗ là một tu viện hoạt động tông đồ nay trở nên một học viện nhỏ, Mai Khôi phải sắp xếp lại chỗ ở và điều chỉnh sinh hoạt cho thích hợp. Tình trạng này chỉ kéo dài mấy năm, đang khi chờ đợi xây học viện mới ở Gò vấp. Những thày sang Mai Khôi thường thuộc lớp lớn nên chẳng bao lâu mãn hạn học tập, ra trường đi nơi khác. Vì vậy Mai Khôi lại trở về vị trí một tu viện họat động tông đồ với 10 linh mục, 4 trợ sĩ, 2 sinh viên (1 ở Cần Thơ nhưng trực thuộc tu viện này). Họat động của Mai Khôi lúc này khá sầm uất, nhất là vào các chiều Chúa nhật với lớp giáo lý cho người trưởng thành theo định hướng Đức Tin Văn hóa, lớp giáo lý cho các sinh viên trẻ, các buổi tập hát của ban hợp Xướng Pio X và ca đoàn Phụng vụ. Sau đó là lễ 5g30 qui tụ đông đảo tín hữu từ các nơi đổ tới. Bên trong nhà thờ và ngoài sân vẫn đông chật người. Lễ cưới thì dày đặc các ngày thứ bảy và Chúa nhật. Trong tuần có các khóa giáo lý cho người dự tòng vào các tối thứ tư và thứ sáu do cha Vũ phụ trách. Lâu lâu vào các ngày thứ bảy tuần thứ hai trong tháng có các buổi thuyết trình hay hội thảo về các vấn đề chuyên biệt. Ở Mai Khôi, ai có khả năng nào thì làm việc theo khả năng ấy trong phạm vi giáo lý, thần học, Kinh thánh. Các chiều thứ hai có lớp Kinh thánh của cha Long, lớp hy lạp hay híp ri của cha Nhân. Chiều thứ ba lại có lớp Kinh thánh của cha Nhân và tối, lớp đặc biệt mang tên Gio-an Phao-lô II của cha Long qui tụ cả hàng trăm người về môn lịch sử cứu độ.

Mai Khôi là một cộng đoàn gồm nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn và cách thức huấn luyện khác nhau. Từ năm 2005 có thêm cha Hợp bỏ hẳn Roma về sinh sống trong tu viện này. Ở đây có vấn đề tuổi tác và lỗ hổng thế hệ kế thừa, cũng như sự không đồng đều về huấn luyện. Thành ra khó tránh khỏi tình trạng mà ngày nay người ta thường gọi là sự khác biệt và tranh chấp giữa các thế hệ. Người trẻ không nghĩ và sống như người già và ngược lại. Bởi vậy, nếu không để ý và tương nhượng thì thế nào cũng xảy ra xung khắc và va chạm.

Kết luận

Sống ở Mai Khôi phải nói là thoải mái. Sự thoải mái hệ tại ở chỗ được tự do và kỷ luât không gò bó. Chỉ giờ ăn là có hiệu chuông, còn các giờ khác từ ngủ nghỉ cho đến kinh lễ không có hiệu lệnh gì hết, mỗi người tự động căn giờ mà đến và đến cho đúng không chậm trễ. Ngoài ra, ít thấy bề trên la rầy hay nhắc bảo gì. Sở dĩ như vậy vì từ lâu, Mai Khôi vẫn tôn trọng tự do đích đáng của mỗi người như thánh Tô-ma dạy. Thánh nhân dạy rằng tự do là làm chủ mình. Ai muốn tự do thì hãy làm chủ mình theo kỷ luật cá nhân và theo khuôn khổ luật pháp chung của Dòng và của tu viện, chứ không phải tự do là muốn làm gì thì làm và làm theo ý mình. Muốn sống theo lối tự do này thì phải là người trưởng thành, biết tự mình chịu trách nhiệm về đời mìmh, không trở nên gánh nặng và gây phiền hà cho người chung quanh. Tuy không ai nói gì nhưng mình phải tự xét lấy xem làm như thế có được và nên không, có làm cho người khác khó chịu và gây ra điều tiếng chăng.

Một điều thoải mái nữa là chế độ ăn uống. An uống ở đây không có gì là khắc khổ : bữa nào cũng có thịt hay cá và rau quả. Có lẽ vì vậy trong nhà ít người đau yếu, trừ những người mắc bệnh kinh niên như cao máu, tiểu đường.

Điều thoải mái thứ ba là ai cũng có chìa khoá ra vào cổng chính tu viện, không hạn chế giờ ra vô, mà để cho mỗi người tự định đọat lấy theo sự nên chăng. Và như vậy, lại càng đòi phải có sự trưởng thành. Không trưởng thành thì sống ở Mai Khôi khó mà hay được. Có lẽ vì vậy nên có người không nhin ra nền tu đức của Dòng Đa Minh. Đa Minh có nền tu đức riêng đã được một số nhân vật tên tuổi đúc kết trong cuốn sách nhan đề là : La spiritualité dominicaine par le R.P. Marie-Vincent Bernadot avec la collaboration des RR.PP. H. Petitot, R. Martin, B. Garrigou-Lagrange, R. Cathala- Librairie Saint Thomas d'Aquin-Saint Maximin (Var).

Điều thoải mái thứ bốn là sống dưới quyền bề trên của cha Đinh châu Trân. Cha là người hiền tính, không làm mất lòng ai, ít khi nói lời nào làm cho phải buồn phiền nghĩ ngợi, lại hào phóng về tiền bạc và phép tắc. Từ khi làm bề trên đến nay, năm nào cha cũng đi Roma giải tội mấy tháng trong mùa hè, và khi cha về, mọi người trong nhà đều được cha tặng quà cho thật hậu hĩ.

Điều thoải mái thứ năm là từ ngày khánh thành tu viện mới ngày 2.02.2007 vừa qua, anh em được ở nhà cao cửa rộng. Mỗi khi đứng trên lầu nhìn xuống phần còn lại của tu viện cũ, tôi thấy rõ thuở hàn vi khi trước, và thầm cảm phục các cha Tây đã bao năm trời bằng lòng sống trong khung cảnh đó. Phầu còn sót lại này luôn luôn nhắc nhở cho tôi thời dĩ vãng anh hùng của tu viện Mai Khôi cũ, và như cha Bề Trên Trân nói trong lễ khánh thành : "Anh em ở trong nhà mới này với những điều kiện và tiện nghi đầy đủ không phải để hưởng thụ, mà chính là để phục vu tốt hơn." Quả thật, nhà mới này đem lại cho tôi những điều kiện làm việc thật tốt, nhưng cũng kèm theo nguy cơ ru ngủ tôi theo khuynh hướng hưởng thụ, nếu tôi quên đi thuở hàn vi đáng quí của tu viện lúc ban đầu.

Tôi đã sống ở Mai Khôi 42 năm. Đó là khoảng thời gian tương đối dài trong đời sống của một người, với một chuỗi những vui buồn sướng khổ xen kẽ nhau. Nhưng đó cũng là những tháng năm rèn luyện nhân cách và thanh lọc con người. Mai Khôi đã tạo cho tôi một khung cảnh sống thích hợp và một môi trường làm việc thú vị, tuy không thiếu vắng những khó khăn và cản trở.

Xin cám ơn Mai Khôi, cám ơn các bậc cha anh gương mẫu, cám ơn anh em trong cộng đoàn, cám ơn mọi người trước sau, xa gần đã góp công, góp sức, góp của tạo nên Mai Khôi thuở hàn vi và ngày nay xây dựng lên Mai Khôi thời đại mới.

L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.